Chương 1: Hàng hóa

Hệ thống tư bản mới chỉ độ hai ba trăm năm tuổi, xuất hiện sau sự tan rã của chế độ phong kiến, nó đã đặt cơ sở cho một hệ thống kinh tế – xã hội hoàn toàn mới. Trong khi nông dân bị cưỡng chế đuổi khỏi ruộng đất đã đặt cơ sở cho một giai cấp mới của những người lao động không tài sản, thì cùng đó, thông qua trộm cướp và chiếm đoạt, các nguồn tư bản cần thiết đã được tích lũy cho sự xuất hiện của một giai cấp các nhà tư bản, những người nắm độc quyền về tư liệu sản xuất. Chủ nghĩa tư bản ra đời, như lời Marx, “nhỏ giọt từ đầu đến chân, từ từng lỗ chân lông, với máu và sự dơ bẩn” [Tr.926]

Chủ nghĩa tư bản hiện đại là một hệ thống phức tạp và hỗn loạn, bao gồm vô số những quá trình và tác nhân tương tác với nhau. Do đó, ban đầu nó đối diện với chúng ta như một cái gì đó bí ẩn và khôn lường; như một đấng toàn năng mà bằng cách nào đó tồn tại trên đầu xã hội, áp đặt luật của nó lên mỗi chúng ta dù ta có muốn hay không. Tuy nhiên, bản thân nó cũng được điều chỉnh bởi các quy luật riêng, đặc biệt của hệ thống tư bản.

Nhiệm vụ mà Karl Marx tự đặt ra là phân tích hệ thống tư bản một cách khoa học – để hiểu chủ nghĩa tư bản bằng cách nghiên cứu lịch sử phát triển của nó và từ đó vạch ra quy luật vận động và khuynh hướng phát triển chung của nó. Cách tiếp cận này hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của các nhà kinh tế tư sản hiện đại, những người đã thay thế ‘kinh tế – chính trị’ thuần túy bằng ‘kinh tế học’, vốn chỉ tập trung vào các quan hệ thị trường và sở thích cá nhân mà bỏ qua hệ thống tư bản như một toàn thể.

Tuy nhiên, nhiệm vụ để đưa ra lời giải thích duy vật đối với những vận động nội tại của chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu không phải do Karl Marx mà là các nhà kinh tế học cổ điển như Adam Smith, David Ricardo,v.v.. Chính nhờ công việc của những gã khổng lồ về tri thức này, Marx đã xây dựng nên phân tích của riêng mình về chủ nghĩa tư bản. Không có rào cản lớn nào ngăn cách kinh tế học Marxist khỏi phân tích kinh tế học của những người đi trước Marx, mà thay vào đó, sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, Marx đã chỉ ra những hạn chế trong lý thuyết của các nhà kinh tế học cổ điển, những người vốn coi chủ nghĩa tư bản là sự phát triển cao nhất của xã hội, đồng thời đưa ra lời giải thích mang tính cách mạng về nguồn gốc của lợi nhuận – động lực thúc đẩy chủ nghĩa tư bản.

Câu hỏi đầu tiên mà Marx phải đối mặt là: Đâu nên là điểm khởi đầu cho phân tích về hệ thống tư bản, thứ mà trông có vẻ khá hỗn loạn? Và Marx đã quyết định bắt đầu bằng việc phân tích khái niệm hàng hóa, phương thức sản xuất và trao đổi, những thứ là cơ sở chính cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mặc dù hàng hóa đã được sản xuất từ trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời nhưng điều này vẫn rất hạn chế cho đến lúc đó. Chỉ dưới chủ nghĩa tư bản sản xuất hàng hoá mới trở thành phổ biến.

Vậy thì, hàng hóa là gì? Nói một cách dễ hiểu, hàng hóa là sản phẩm của lao động – hàng hóa hoặc dịch vụ – được sản xuất, làm ra hoặc tiến hành nhằm mục đích trao đổi – tức là để người khác sử dụng. Rõ ràng sản xuất hàng hóa và dịch vụ luôn tồn tại trong mọi xã hội, không có cái đó thì không gì có thể tồn tại được. Nếu một xã hội ngừng sản xuất nó sẽ bị diệt vong. Tuy nhiên, điều gì phân biệt các sản phẩm với tư cách là hàng hóa, đó là vấn đề của sản xuất để trao đổi. Hàng hóa là một vật phẩm hoặc dịch vụ được sản xuất để trao đổi.

Trong các xã hội bộ lạc sơ khai, nơi sản xuất thuộc quyền sở hữu và quản lý của xã hội, công việc của các cá nhân khác nhau là vì lợi ích chung và nhu cầu của cộng đồng, trong khi nhu cầu cá nhân được đáp ứng bằng cách lấy từ của cải xã hội này. Trong hình thức xã hội này, sự trao đổi giữa các cá nhân là không cần thiết. Tuy nhiên, sự xuất hiện của phân công lao động trong xã hội, như Marx đã bàn luận, đặt cơ sở cho sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Nói cách khác, cùng với sự xuất hiện của các cá nhân và nhóm khác nhau thực hiện các nhiệm vụ xã hội cần thiết khác nhau, chúng ta thấy đồng thời sự phát triển của sản xuất hàng hóa:

“Sự phân công lao động này là điều kiện cần thiết cho sản xuất hàng hoá… Chỉ những sản phẩm của những hành vi lao động độc lập lẫn nhau, được thực hiện một cách riêng lẻ, mới có thể đối diện với nhau như hàng hoá”. [Tr132]

Trong các xã hội có giai cấp trước đó, chẳng hạn như dưới chế độ nô lệ hoặc chế độ phong kiến, khái niệm sản xuất hàng hóa – tức là sản xuất để trao đổi – cũng đã tồn tại, nhưng điều này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số của cải được sản xuất ra trong xã hội. Phần lớn sản xuất bao gồm những sản phẩm không được trao đổi mà được tiêu dùng cho mục đích cá nhân hoặc đơn giản là bị giai cấp thống trị như chủ nô hoặc lãnh chúa chiếm đoạt. Như Engels nhận xét trong một đoạn văn trong ngoặc đơn:

“Người nông dân trung cổ sản xuất một phần ngô địa tô cho lãnh chúa phong kiến ​​và một phần mười cho thầy tu; nhưng một hay một phần mười ngô địa tô đều chẳng trở thành hàng hóa nếu chỉ đơn giản là được sản xuất cho người khác. Để trở thành hàng hóa, sản phẩm phải được chuyển giao cho người khác… thông qua phương tiện trao đổi.” [Tr131]

Bên cạnh những sản phẩm trong các xã hội có giai cấp trước đó chỉ đơn giản được chiếm đoạt bởi giai cấp thống trị – tức là bị lấy đi mà không được trả lại gì – thì cũng tồn tại một lượng lớn sản phẩm không được trao đổi hoặc chiếm đoạt mà thay vào đó, được tiêu thụ bởi chính những người sản xuất. Ví dụ, nông dân canh tác trên mảnh đất của họ chủ yếu là để chính họ tiêu dùng, chỉ một phần nhỏ được mang đi để đổi lấy sản phẩm của người khác. Do đó, như Marx đã nhấn mạnh:

“Một vật có thể hữu ích và là sản phẩm lao động của con người, mà không phải là hàng hóa. Người nào thỏa mãn nhu cầu của bản thân bằng sản phẩm lao động của chính mình được thừa nhận là tạo ra giá trị sử dụng, nhưng không phải hàng hóa. Để tạo ra thứ đó, anh ta không chỉ phải tạo ra các giá trị sử dụng, mà còn phải tạo ra các giá trị sử dụng cho những người khác, các giá trị sử dụng xã hội ” [Tr131]

Do đó, mặc dù sản xuất và trao đổi hàng hóa đã tồn tại trong các xã hội trước đây, nhưng chỉ dưới chế độ tư bản, sản xuất hàng hóa mới trở nên phổ biến và chiếm một mức chủ đạo của của cải được tạo ra trong xã hội. Do đó, chỉ dưới phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, các quy luật và logic bên trong của sản xuất và trao đổi hàng hóa mới trở thành quy luật thống trị trong xã hội. Đó là điều cần hiểu ở các quy luật này, thứ mà Marx đã tìm cách khai lộ ra trong những phân tích của mình.

Giá trị sử dụng 

Của cải là gì? Về cơ bản, sự giàu có của xã hội ngày nay bao gồm sự tích lũy khổng lồ các loại hàng hóa, điều này phải được phân biệt với sự giàu có theo nghĩa rộng hơn. Nếu một người tự trồng rau cho bữa ăn trên bàn ăn của họ hoặc, sản xuất bất kỳ sản phẩm nào trong số một nghìn lẻ một vật phẩm dùng cho mục đích cá nhân hoặc thú vui, thì những vật phẩm đó chắc chắn sẽ là của cải kinh tế, nhưng vì chúng sẽ không được bán trên thị trường nên chúng sẽ không phải là hàng hóa. Chúng sẽ là cái mà Marx gọi là ‘giá trị sử dụng’: những thứ có công dụng và thỏa mãn nhu cầu của con người. Những thứ hữu ích đó bao gồm cả sản phẩm lao động của con người – cho dù là để tiêu dùng cá nhân hay để trao đổi – và cả những thứ mà xã hội thu được miễn phí từ thiên nhiên – của cải tự nhiên của Trái đất.

Như Marx đã phát biểu trong câu mở đầu của Tư bản, “Sự giàu có của các xã hội nơi mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chiếm ưu thế xuất hiện như ‘một đống hàng hóa khổng lồ’.” [Tr125] Nói cách khác, nơi sản xuất chủ yếu không phải để tiêu dùng cho cá nhân, mà dành cho tiêu dùng của người khác thông qua trao đổi, chúng ta xác định sự giàu có thông qua sản xuất hàng hóa.

Do sự phân công lao động trong xã hội, nơi mọi người đều sản xuất ra thứ gì đó khác với mọi người, nên chỉ thông qua trao đổi chúng ta mới có thể tiếp cận với sản phẩm do người khác làm ra. Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau. Chúng ta tham gia vào các mối quan hệ xã hội với nhau, không phải vì chúng ta quan tâm đến những người khác mà vì chúng ta muốn trao đổi hàng hóa của mình với họ. Hàng đổi hàng là hình thức trao đổi cơ bản nhất, nhưng điều này sau đó đã bị vượt qua bằng cách trao đổi liên quan đến tiền.

Đặc điểm xác định hàng hóa là sự sở hữu ‘giá trị sử dụng’ hay công dụng của chúng; sự sở hữu những đặc tính có ích cho xã hội nói chung, đáp ứng một nhu cầu xã hội. Chúng mà không hữu ích thì chẳng ai muốn và trao đổi là không thể. Do đó, giá trị sử dụng là thuộc tính cơ bản của hàng hóa. Tuy nhiên, như Marx chỉ ra một cách sắc sảo: “Bản chất của những nhu cầu này, cho dù chúng nảy sinh chẳng hạn như từ dạ dày hay trí tưởng tượng, cũng đều không có gì khác biệt. Ở đây cũng không quan trọng gì việc bằng cách nào mà vật đó thỏa mãn được nhu cầu của con người, cho dù trực tiếp như một phương tiện sinh sống, tức là một đối tượng tiêu dùng, hay gián tiếp như một phương tiện sản xuất.” [Tr125]

Điều này được làm sáng tỏ bởi Marx là đủ lật ngược tất cả những tuyên bố mà những người chỉ trích chủ nghĩa Marx đưa ra, rằng nó không còn phù hợp với ngày nay. Đã bao nhiêu lần người ta nói rằng, “Kinh tế học Mác xít không còn phù hợp nữa trong thời hiện đại bây giờ khi mà tất cả chúng ta đều là những người tiêu dùng mua những mặt hàng tiêu dùng mà chúng ta không cần?” Những người sáng tạo ra huyền thoại này cho rằng phân tích của Marx chỉ có thể áp dụng cho Thế kỷ XIX, với một giai cấp công nhân tồn tại trong tình trạng bần cùng và tiền lương chỉ ở mức đủ sống. Giờ đây tất cả chúng ta đều đang mua TV và iPhone, đi nghỉ ở nước ngoài và chất đầy tủ quần áo của mình với các nhãn hiệu khác nhau, kết luận do đó là phân tích kinh tế Marxist không còn áp dụng được nữa.

Tuy nhiên, Marx không đưa ra giả định như vậy về bản chất hoặc kiểu mẫu hàng hóa trong xã hội. Đây có thể là những hàng hóa như thực phẩm, chỗ ở, hoặc quần áo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người; chúng có thể là hàng hóa ‘sang trọng’ hoặc hàng ‘tiêu dùng’; chúng cũng có thể là các dịch vụ; hoặc cũng có thể là công nghệ và máy móc được phát triển để người khác sử dụng trong sản xuất. Như Marx nhấn mạnh, giá trị sử dụng tạo nên từ cả nhu cầu vật chất và mong muốn của trí óc. Do đó, sự phát triển của ‘chủ nghĩa tiêu dùng’, với một ngành công nghiệp quảng cáo rộng lớn tìm cách tạo ra mong muốn và ‘nhu cầu’ giả tạo, không làm thay đổi gì về bản chất cơ bản của hàng hóa được sản xuất và trao đổi trong xã hội, cũng như về các quy luật và động lực chi phối phương thức sản xuất tư bản.

Giá trị trao đổi

Mọi người có được hàng hóa thông qua trao đổi để tiêu dùng chúng. Khỏi phải nói rằng, một hàng hóa sẽ không bao giờ tìm được người mua trừ khi nó hữu ích. Một thứ vô dụng thì không có giá trị đối với bất kỳ ai. Mỗi hàng hóa có những thuộc tính đặc biệt của riêng nó làm cho nó trở nên hữu ích. Mỗi nhu cầu cụ thể lại tương ứng với một loại hàng hóa có đặc điểm cụ thể. Ô tô, chuối, quần tây, hộp đậu, máy tính xách tay, v.v. – tất cả đều có giá trị sử dụng khác nhau.

Tuy nhiên, như Marx giải thích, tất cả các loại hàng hóa đều chứa đựng một bản chất kép. Chúng không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị trao đổi. Giá trị sử dụng của một hàng hóa ghi dấu tính chất của nó như là một thứ hữu dụng; Ngược lại, giá trị trao đổi ghi dấu “mối quan hệ định lượng được, tỷ lệ, trong đó giá trị sử dụng của một loại được trao đổi lấy giá trị sử dụng của một loại khác.” [Tr126] Giá trị trao đổi thể hiện một tỷ lệ giá trị của mỗi loại hàng hóa so với hàng hóa khác.

Nói cách khác, hàng hóa được trao đổi với nhau khác nhau về công dụng hay giá trị sử dụng. Thật vậy, hàng hóa chỉ được trao đổi vì giá trị sử dụng của chúng khác nhau về chất. Ví dụ, tôi là một thợ mộc và tôi cần một chiếc áo khoác cho mùa đông. Tôi có thể đổi hai chiếc ghế mà tôi đã làm để lấy một chiếc áo khoác mùa đông mà tôi muốn mua.

Vậy thì đặc điểm chung của tất cả các loại hàng hóa cho phép chúng được so sánh với nhau là gì? Tôi có thể đổi bao nhiêu ghế để lấy áo khoác? Hoặc tôi có thể đổi bao nhiêu đôi giày để lấy bao nhiêu chiếc quần tây? Câu trả lời là lao động: “Nếu sau đó chúng ta bỏ qua giá trị sử dụng của hàng hóa, thì chỉ còn lại một đặc tính duy nhất, đó là sản phẩm của lao động.” [Tr128]

Hàng hóa là kết quả của công việc; chúng đều là sản phẩm lao động của con người. Điều này cho phép chúng ta so sánh một hàng hóa (ghế) với một hàng hóa khác (áo khoác). Marx giải thích, giá trị trao đổi (hay đơn giản là ‘giá trị’) được biểu thị bằng số lượng lao động tương đối chứa đựng trong các hàng hóa khác nhau. Hàng hóa A (hai chiếc ghế), được sản xuất trong 5 giờ làm việc, sẽ có giá trị tương đương với hàng hóa B (áo khoác), với điều kiện B cũng được sản xuất trong 5 giờ.

Đổi lại, công việc của người thợ mộc và thợ may được thực hiện tương đương nhau. Bỏ qua các hình thức làm việc của mỗi người, dẫu chúng không biến mất. Công việc riêng lẻ, cá nhân của người lao động vẫn còn. Nhưng đổi lại, không chỉ sự khác biệt của chúng được thể hiện (như chiếc ghế và chiếc áo khoác) mà còn là những nét chung của chúng (như sản phẩm lao động của con người). Do kết quả của quá trình lao động chung, tất cả các hàng hóa đều có một điểm chung về tính chất: chúng chứa đựng giá trị.

Đã có thời gian khi thương nhân được coi là người tạo ra thặng dư; nói cách khác, giá trị mới đã được gia tăng bằng cách “mua rẻ bán đắt”. Nhưng điều này là sai. Có người mua rẻ thì chắc chắn đã có người bán rẻ. Người này được lợi thì người kia mất. Giá trị có thể được tích lũy trong quá trình lưu thông, nhưng không được tạo ra. Ví dụ, một chiếc áo khoác trị giá £ 20 có thể được đổi lấy một chiếc ghế trị giá £ 10. Ở đây các giá trị đã được đổi chủ, nhưng tổng giá trị của hai hàng hóa, cụ thể là £ 30, vẫn không thay đổi. Một người chia bài thắng, nhưng không có giá trị mới nào được tạo ra. Trên thực tế, giá trị được tạo ra trong quá trình sản xuất, không phải để trao đổi – cụ thể là trong việc chế tạo ra mọi thứ chứ không phải bán chúng.

Tuy nhiên, Marx không phải là người đầu tiên khẳng định rằng lao động là nguồn gốc của giá trị. Ý tưởng như vậy đã được đưa ra trước đó bởi các nhà kinh tế học cổ điển (và thậm chí cả những người thời cổ đại). Marx đã phát triển ‘lý thuyết giá trị lao động’ này bằng cách xem xét vấn đề không phải từ quan điểm sản phẩm của cá nhân người lao động, mà là lao động theo nghĩa trừu tượng – lao động xã hội nói chung.

Thuộc tính giá trị không phải là cái gì đó tự nhiên hoặc vốn có bên trong hàng hóa. Nó không phải là vật lý và không thể được phát hiện bằng kính hiển vi. Nó không thể được cắt thành nhiều mảnh. Nó không phải là thứ mà chúng ta có thể nhận ra bằng các giác quan của mình. Tuy nhiên, nó tồn tại. Nó là tài sản xã hội, chỉ phát sinh do tác động qua lại của trao đổi; nổi lên từ hành động trao đổi. Ghế và áo khác nhau về giá trị sử dụng, nhưng chúng ngang nhau về giá trị. Điều này nảy sinh từ đặc tính kép của bản thân hàng hóa.

Trong khi chúng ta chọn một ví dụ liên quan đến việc trao đổi ghế và áo khoác để giải thích về một điểm, câu hỏi về giá trị, thì theo Marx, đó không phải là về lao động của từng người sản xuất. Dưới chủ nghĩa tư bản, nơi sản xuất và trao đổi hàng hóa chiếm ưu thế và phổ biến, hàng hóa không chỉ đơn giản được trao đổi giữa các cá nhân, mà được mua và bán trên thị trường mở. Người sản xuất và người tiêu dùng hiếm khi tiếp xúc trực tiếp với nhau. Như vậy, tính cá nhân của bất kỳ hàng hóa nào cũng bị mất đi mà thay vào đó, nó chỉ đơn giản trở thành một ví dụ về vô số các giá trị sử dụng giống nhau. Nói cách khác, giá trị là kết quả lao động trừu tượng của con người.

“Với sự biến mất của đặc tính hữu ích của các sản phẩm lao động, thì tính hữu ích của các loại hình lao động thể hiện trong chúng cũng biến mất; điều này lại kéo theo sự biến mất của các hình thức lao động cụ thể khác nhau. Chúng không còn có thể phân biệt được nữa, nhưng tất cả cùng được thu gọn lại thành cùng một loại lao động, lao động của con người trong sự trừu tượng.” [Tr128]

Đến lượt nó, tính cá nhân của sức lao động chứa đựng trong mỗi hàng hoá bị mất đi. Người mua trên thị trường không quan tâm đến lao động sử dụng để sản xuất bất kỳ hàng hóa riêng lẻ nào, mà chỉ quan tâm đến số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó nói chung. Theo nghĩa này, chúng ta không còn nói về hàng hóa với tư cách là sản phẩm của lao động cá nhân, mà là sản phẩm của lao động trừu tượng của con người; “Chúng chỉ đơn thuần là những đại lượng đồng nhất của sức lao động của con người… [và] đại lượng này được đo bằng thời gian của nó, và thời gian lao động tự nó được đo trên thang giờ, ngày, v.v.” [Tr 128-129]

“Tổng sức lao động của xã hội, được biểu hiện trong các giá trị của thế giới hàng hóa, ở đây được coi là một khối lượng sức lao động đồng thuần nhất của con người, mặc dù bao gồm vô số đơn vị sức lao động riêng lẻ.” [Tr129]

Thời gian lao động xã hội cần thiết

Do đó, giá trị hàng hóa không được xác định bởi lao động hao phí trong một loại hàng hóa riêng lẻ, mà chỉ bởi lao động cần thiết để sản xuất ra một loại hàng hóa nhất định, tương đối đồng nhất, nói chung. Nó được xác định bằng thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa; nghĩa là một lượng thời gian lao động trung bình.

Theo nghĩa này, Marx giải thích rằng giá trị của một hàng hóa không chỉ do lao động, như các nhà kinh tế học cổ điển đã kết luận, mà là do thời gian lao động xã hội cần thiết – “thời gian lao động cần thiết để tạo ra bất kỳ giá trị sử dụng nào trong những điều kiện sản xuất thông thường đối với một xã hội nhất định và với trình độ kỹ năng và cường độ lao động trung bình phổ biến trong xã hội đó.” [Tr129] Giá trị là kết quả của lao động trừu tượng của con người, cụ thể là lao động nói chung.

Do đó, như Marx giải thích, giá trị không phải là thuộc tính tuyệt đối và miễn nhiễm với thời gian của bất kỳ hàng hóa nào, mà là “mối quan hệ [thứ] thay đổi liên tục theo thời gian và địa điểm,” [Tr126] tùy thuộc vào điều kiện lịch sử và xã hội – và về cơ bản là do năng suất lao động:

“Điều này [năng suất lao động] được xác định bởi một loạt các hoàn cảnh; nó được xác định giữa những thứ khác bởi trình độ tay nghề trung bình của người lao động, trình độ phát triển của khoa học và ứng dụng công nghệ vào nó, tổ chức xã hội của quá trình sản xuất, quy mô và hiệu quả của tư liệu sản xuất và các điều kiện có trong môi trường tự nhiên.” [Tr130]

Người mua trên thị trường không quan tâm đến thời gian hao phí cụ thể trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào, mà chỉ quan tâm đến thời gian lao động cần thiết trung bình. Do đó, người bán trên thị trường – một thị trường toàn cầu thực sự ngày nay – phải cạnh tranh với trình độ trung bình về kỹ năng, công nghệ và tổ chức, được thiết lập trong ngành hoặc lĩnh vực của họ. “Nói chung, năng suất lao động càng lớn thì thời gian lao động cần thiết để sản xuất một mặt hàng càng ít, khối lượng lao động được kết tinh trong mặt hàng đó càng ít và giá trị của nó lại càng ít.” [Tr131] Những người sản xuất có năng suất cao hơn, do đó, là những người sẽ sản xuất hàng hóa có giá trị thấp hơn. Cạnh tranh thúc đẩy quá trình này. Thực tế này buộc các công ty phải cạnh tranh bằng cách đầu tư vào máy móc và phương pháp mới để tăng năng suất và do đó bán sản phẩm của họ dưới mức trung bình chung của các đối thủ cạnh tranh.

Về mặt này, Marx giải thích rằng, thông qua sự phát triển về chất của tư liệu sản xuất – tức là thông qua sự phát triển của khoa học, công nghiệp, công nghệ và kỹ thuật và kết quả là năng suất lao động ngày càng tăng – xã hội sẽ thấy lượng giá trị sử dụng được sản xuất ngày càng tăng. với số lượng lao động ngày càng giảm; “Sự gia tăng lượng của cải vật chất có thể tương ứng với sự giảm đồng thời về mức độ giá trị của nó.” [Tr136-137] Như vậy, chúng ta thấy sự phân biệt giữa giá trị sử dụng (của cải) và giá trị (thời gian lao động xã hội cần thiết): con người hay xã hội có thể giàu có (nghĩa là sở hữu nhiều giá trị sử dụng), trong khi một hàng hóa có giá trị hơn nếu cần một lượng lớn hơn thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nó.

Các nhà kinh tế học hiện đại theo trường phái kinh tế vi mô ‘thỏa dụng biên’ – những người dường như biết giá của mọi thứ và giá trị của không gì cả – thường tấn công lý thuyết giá trị lao động bằng cách trích dẫn “ví dụ về chiếc bánh bùn”. Những người chỉ trích chúng tôi nêu rõ: “Nếu lao động là nguồn gốc của giá trị thì chắc chắn nếu tôi làm ra một chiếc bánh bùn, nó sẽ tự động có giá trị. Hơn nữa, nếu bạn tôi mất nhiều thời gian để làm một chiếc bánh bùn hơn tôi, thì chiếc bánh bùn của anh ấy sẽ càng có giá trị hơn.”

Một cuộc tranh cãi như vậy là vô nghĩa ở hai điểm. Thứ nhất, như Marx khẳng định, để một hàng hóa có giá trị trao đổi thì trước hết nó phải có giá trị sử dụng – tức là phải có nhu cầu xã hội  về thứ hàng hóa đó. Nếu không có nhu cầu đó, hàng hóa sẽ không và không thể trao đổi được, và do đó nó sẽ không có giá trị. Cuộc tranh cãi về chiếc bánh bùn theo đó vô nghĩa.

Thứ hai, như Marx giải thích, trái ngược với những người tiền nhiệm của ông, chúng ta không chỉ quan tâm đến thời gian lao động, mà còn quan tâm đến thời gian lao động xã hội cần thiết. Người mua chẳng màng quan tâm nếu nhà sản xuất A mất nhiều thời gian hơn để sản xuất một loại hàng hóa nhất định hơn nhà sản xuất B (hoặc nhà sản xuất C, D, E, v.v.)? Trong hệ thống sản xuất hàng hóa, người mua và người bán đối diện với nhau trên thị trường, và tất cả những gì quan trọng là thời gian lao động trung bình cần thiết để sản xuất các mặt hàng. Người sản xuất làm việc chậm hơn mức trung bình chỉ nhận được giá trị trung bình xã hội. Nếu nhà sản xuất A mất nhiều thời gian hơn mức trung bình, đó là điều không may cho họ; họ không thể đơn giản là tính phí hơn cho sự kém hiệu quả của chính họ. Sự kém hiệu quả này sẽ bộc lộ trên thị trường, khi hàng hóa được mua đi bán lại hoặc không tìm được người mua. Các mặt hàng đắt hơn do được sản xuất bằng máy móc lạc hậu sẽ đơn giản là vẫn cứ ở trên kệ.

Trên cơ sở này, những người sản xuất kém hiệu quả sẽ sớm nhận ra mình không thể cạnh tranh được và buộc phải ngừng kinh doanh. Cuối cùng, chính thị trường xác định xem lao động cá nhân chứa trong một hàng hóa có cần thiết về mặt xã hội cho sản xuất hàng hóa đó hay không.

Trên một lưu ý liên quan, Marx có một lưu ý quan trọng về các cấp độ kỹ năng khác nhau được sử dụng trong sản xuất bất kỳ loại hàng hóa nào. Ý tưởng đằng sau giá trị và thời gian lao động luôn là ý tưởng của lao động trung bình, đồng nhất – lao động nói chung. Nhưng tất cả lao động đều cụ thể và đặc biệt, bao hàm vô vàn sự phức tạp và kỹ năng: thợ làm bánh, người bán thịt, người làm chân đèn đều có chuyên môn của họ. Vì lý do này, Marx giải thích rằng tất cả các loại lao động khác nhau này được giảm xuống thành “lao động trung bình giản đơn”, “khác nhau về đặc điểm ở các quốc gia khác nhau và ở các thời đại văn hóa khác nhau, nhưng trong một xã hội cụ thể thì nó được đặt ra”. Một lần nữa, chúng ta thấy một cái gì đó không phải là bất biến theo thời gian, mà là tương đối và luôn thay đổi trong các điều kiện lịch sử và xã hội. “Lao động phức tạp hơn chỉ được tính là lao động tăng cường, hay đúng hơn là nhân lên lao động giản đơn, do đó một lượng lao động phức tạp nhỏ hơn được coi là bằng một lượng lớn lao động giản đơn hơn.” [Tr135] Vì vậy, lao động phổ thông được coi là bội số của lao động có kỹ năng.

Với những ví dụ như vậy, chúng ta thấy phương pháp biện chứng của Karl Marx đang hoạt động: không ngừng trừu tượng hóa vô số cái cụ thể để xem xét những khuynh hướng và khuôn mẫu chung trong xã hội; nhìn thấy các thuộc tính như giá trị, không phải là các thuộc tính nội tại của hàng hóa, mà là các mối quan hệ không đơn giản giữa các sự vật, mà giữa con người với nhau; trong khi đó, hiểu rằng những cái trừu tượng như vậy – giá trị, thời gian lao động cần thiết cho xã hội, và lao động trung bình giản đơn – tự chúng luôn thay đổi theo các điều kiện lịch sử và xã hội.

Giá cả so với giá trị

Các nhà kinh tế học tư sản đã tung ra nhiều lời chỉ trích đối với học thuyết giá trị lao động của Marx, họ bị ám ảnh bởi việc phải bóp méo những gì mà học thuyết thực sự tuyên bố. Để cho dễ dàng họ thế Marx bằng một bù nhìn rơm.

Marx chưa bao giờ phủ nhận sự thật rằng có một số đồ vật dù không phải là sản phẩm lao động của con người – và do đó không chứa đựng giá trị – nhưng chắc chắn vẫn có thể được rao bán, tức là có giá. Và thông qua điều này mà chúng có được một “dạng thức hàng hóa”. Ví dụ từ xa xưa, ngay cả những đồ dùng tôn giáo cũng có thể được bán để tẩy rửa tội lỗi cho ai đó muốn ăn năn, hay đất nền ở một vị trí hấp dẫn cũng có thể được bán với giá khá hời.

Tương tự như vậy, các tác phẩm nghệ thuật hoặc đá quý có thể thu hút một lượng tiền lớn. Sự khan hiếm đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. “Kim cương rất hiếm khi xuất hiện trên bề mặt thế giới”, Marx giải thích, “và do đó chi phí trung bình để phát hiện ra chúng là rất nhiều thời gian lao động. Do đó, nhiều lao động được thể hiện trong một khối lượng nhỏ.” Anh ấy tiếp tục, “Với các mỏ phong phú hơn, cùng một lượng lao động sẽ được thể hiện trong nhiều viên kim cương hơn, và giá trị của chúng sẽ giảm xuống. Nếu con người thành công trong việc biến carbon thành kim cương mà không tốn nhiều lao động thì giá trị của chúng có thể giảm xuống dưới giá trị của những viên gạch.” [Tr130-131]

Liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật và các mặt hàng độc đáo khác, ở đây chúng ta thấy giá cả độc quyền đang hoạt động. Sự khan hiếm sẽ có nghĩa là cầu hoàn toàn vượt xa cung. Tuy nhiên, chúng ta không được trộn lẫn vấn đề giá trị với vấn đề giá cả, đây là hai điều khác nhau. Giá trị được xác định bằng thời gian lao động xã hội cần thiết được kết tinh trong sản phẩm, trong khi giá cả thị trường, chịu tác động của cung và cầu, luôn có xu hướng dao động lên trên hoặc dưới giá trị này. Giá trị là trục mà giá cả quay quanh.

Với những món đồ độc đáo, giá của chúng không được xác định bởi giá trị mà chỉ đơn giản là những gì mọi người sẵn sàng trả cho chúng. Trên thực tế, những điều như vậy nằm ngoài phạm vi của lý thuyết giá trị lao động, lý thuyết đề cập đến các mặt hàng có thể được sản xuất hoặc tái sản xuất mà không có giới hạn hoặc hạn chế. David Ricardo viết: “Không có lao động nào có thể làm tăng số lượng hàng hóa như vậy, và do đó giá trị của chúng không thể bị hạ xuống khi tăng cung.”

Chính lao động là cơ sở để sản xuất và tái sản xuất ra những thứ duy trì sự sống. Đó là thời gian lao động cần thiết về mặt xã hội, được biểu thị bằng giá trị, nằm ở trung tâm của một hệ thống dựa trên trao đổi hàng hóa tổng hợp. Do đó, giá cả độc quyền là sản phẩm của những hoàn cảnh cụ thể, và không phản ánh giá trị như vậy.

Quy luật giá trị

Một số lượng lớn trang trong Tư bản được Marx dành để phân tích sự phát triển của giá trị trao đổi, từ trường hợp của các hành vi trao đổi giản đơn, riêng lẻ, trong đó giá trị – tức là tỷ lệ giữa các giá trị sử dụng được trao đổi – dường như là ngẫu nhiên, thành dạng chung của giá trị, theo đó – thông qua vô số hành vi trao đổi trong xã hội – giá trị của bất kỳ hàng hóa nào có thể được thể hiện trong mối quan hệ với nhiều hàng hóa khác.

Trong nền kinh tế hàng đổi hàng giản đơn, có thể có một mức độ linh hoạt đối với số lượng hàng hóa này được trao đổi cho hàng hóa khác trong bất kỳ hành động trao đổi riêng lẻ nào. Những lượng khác nhau của thời gian lao động được kết tụ trong các hàng hóa cụ thể dường như là ngẫu nhiên, và theo nghĩa này, như đã chỉ ra ở trên, giá trị của một hàng hóa xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, khi trao đổi hàng hóa trở nên phổ biến, mỗi hành vi trao đổi sẽ mất đi đặc tính riêng của nó, và các giá trị ‘tình cờ’ khác nhau – tức là thời gian lao động – được thấy trong các hành vi cụ thể này đạt được mức trung bình và một giá trị chung, khách quan – ‘thời gian lao động xã hội cần thiết’ xuất hiện.

Do đó, về mặt lịch sử, hình thái chung của giá trị xuất hiện ở thời điểm quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa đã trở nên phổ biến đến mức mà các giá trị tương đối – tức là thời gian lao động kết tụ – của hàng hóa giờ đây tự hiện diện, không phải là tai nạn, mà là sự thật khách quan đối với người mua và người bán trên thị trường.

“…Giữa những quan hệ trao đổi ngẫu nhiên và luôn biến động giữa các sản phẩm, thì thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra chúng tự khẳng định mình như một quy luật điều tiết của tự nhiên. Tương tự như định luật trọng lực tự khẳng định mình khi ngôi nhà của một người đổ ập xuống đầu anh ta. Do đó, việc xác định mức độ giá trị theo thời gian lao động là một bí mật được che giấu dưới những chuyển động rõ ràng trong giá trị tương đối của hàng hóa. Khám phá ra nó phá hủy hình thức xác định đơn thuần tình cờ về tầm quan trọng của giá trị sản phẩm lao động, nhưng không có nghĩa là xóa bỏ hình thái vật chất quyết định nó. ” [Tr168]

Do đó, chúng ta thấy quy luật giá trị – giống như bất kỳ quy luật nào trong tự nhiên, lịch sử và xã hội – không phải là cái gì đó vượt thời gian được áp đặt từ không trung, mà là cái gì đó biện chứng xuất hiện từ những tương tác bên trong. “Cái tất yếu khẳng định chính nó qua cái ngẫu nhiên”, theo lối diễn đạt của nhà triết học Đức Hegel: Câu hỏi về sự cần thiết của xã hội trong mối quan hệ với lao động và giá trị nảy sinh từ vô số những trao đổi ‘ngẫu nhiên’ diễn ra trên thị trường. Trong trường hợp của quy luật giá trị, quy luật này chỉ khẳng định mình ở thời điểm lịch sử mà sản xuất và trao đổi hàng hóa là phổ biến và thống trị.

Về mặt này, trong khi những người khác trong các xã hội tiền tư bản đã tìm kiếm lời giải thích về nguồn gốc của giá trị, thì không ai có thể hiểu đầy đủ về lao động là nguồn gốc của giá trị, vì không ai sống trong một thời kỳ lịch sử mà trao đổi hàng hóa, và do đó quy luật giá trị, hoàn toàn thống trị. Như Marx đã thảo luận, Aristotle, nhà triết học vĩ đại người Hy Lạp, đã đạt đến một lý thuyết giá trị lao động gần hoàn chỉnh nhưng ông bị hạn chế, không phải do thiếu sự thông tuệ mà bởi điều kiện lịch sử của xã hội nô lệ nơi ông sống:

“… Xã hội Hy Lạp được kiến lập dựa trên lao động của nô lệ, do đó, về cơ bản là lẽ tự nhiên có sự bất bình đẳng giữa con người và sức lao động của họ. Bí mật của sự biểu hiện giá trị, cụ thể là sự bình đẳng và tương đương của tất cả các loại lao động bởi vì và từ trước đến nay chúng là lao động của con người nói chung, không thể được giải mã cho đến khi khái niệm bình đẳng của con người đạt được mức độ thường trực của quan điểm phổ biến cố định. Tuy nhiên, điều này chỉ trở nên khả thi trong một xã hội mà hình thức hàng hóa là hình thức phổ biến của sản phẩm lao động, do đó quan hệ xã hội thống trị là quan hệ giữa những con người có tư cách là người sở hữu hàng hóa. Thiên tài của Aristotle được thể hiện một cách chính xác qua khám phá của ông về mối quan hệ bình đẳng trong biểu hiện giá trị của hàng hóa. Chỉ có giới hạn lịch sử vốn có trong xã hội mà anh ta sống đã ngăn cản anh ta tìm ra mối quan hệ bình đẳng ‘trên thực tế’ này bao gồm những gì.” [Tr152] 

Cuối cùng, Marx đi đến hình thái tiền của giá trị, trong đó một hàng hóa đơn lẻ – ban đầu được trao đổi như một loại hàng hóa theo đúng nghĩa của nó – trở thành một thứ tương đương phổ quát, tức là một thước đo phổ quát mà giá trị của tất cả các hàng hóa khác có thể được biểu thị. Sự phát triển của tiền tệ không phải do một kế hoạch có ý thức sau lưng của những người sản xuất, mà là do thực tiễn và tương tác xã hội thông thường.

Trong lịch sử, các kim loại quý như vàng – bản thân nó vô cùng quý giá vì khó mà tìm kiếm và khai thác được nó – đã đóng vai trò này. Điều này là do những lý do cụ thể về vật chất: các kim loại như vàng là hình thức trao đổi phổ thông thuận tiện vì dễ chia nhỏ, dễ mang theo mà vẫn có thể thể hiện một lượng lớn giá trị. Do đó, thay vì mang theo những giỏ thức ăn, cuộn vải, hoặc đàn gia súc, người ta có thể chỉ cần mang theo những túi nhỏ chứa trong nó vàng hoặc bạc. Những kim loại quý này đại diện cho giá trị của tất cả các hàng hóa khác và đến lượt nó, trở thành hàng hóa tiền tệ.

Marx phát triển phân tích của mình về tiền trong chương 3, nhưng chỉ lưu ý ở điểm này rằng hình thái tiền của giá trị là kết quả hợp lý của sản xuất và trao đổi hàng hóa: “Hình thức hàng hóa giản đơn do đó là mầm mống của hình thái tiền”. [Tr163]

Giá trị và trao đổi hàng hóa 

Hàng hóa có giá trị sử dụng vì chúng hữu ích cho người mua và chúng có giá trị (tức giá trị trao đổi) vì chúng chứa đựng sức lao động của con người nói chung. Giá trị này, hay giá trị trao đổi, chỉ được tiết lộ trong trao đổi, khi tỷ lệ của một loại hàng hóa được trao đổi cho một loại hàng hóa khác. Thứ xuất hiện trong trao đổi là sự trao đổi giá trị sử dụng, một đôi giày đổi lấy một chiếc quần dài. Hai mặt hàng đối mặt với nhau có giá trị sử dụng khác nhau nhưng có giá trị bình đẳng bên trong chúng.

Điểm quan trọng mà Marx nhấn mạnh là giá trị xét cho cùng là một quan hệ xã hội – quan hệ giữa con người với nhau, tức là lao động của những cá nhân khác nhau, trong hệ thống sản xuất và trao đổi hàng hóa phổ biến, dù biểu hiện trên bề mặt là mối quan hệ giữa các sự vật. Do đó, thông qua các hành vi trao đổi này mà lao động tư nhân, cá nhân mới có được đặc tính xã hội.

“Sự bình đẳng giữa các loại hình lao động của con người đạt được ở dạng vật chất trong tính công bằng khách quan của các sản phẩm lao động với tư cách là các giá trị…

“…Nó không là gì khác ngoài mối quan hệ xã hội xác định giữa bản thân những con người mà giả định ở đây, đối với họ, một dạng tuyệt vời của mối quan hệ giữa các sự vật …

“Vật công dụng chỉ trở thành hàng hoá vì chúng là sản phẩm lao động của những cá nhân riêng biệt, những người độc lập với nhau… lao động của những cá nhân riêng biệt chỉ biểu hiện chính nó như một yếu tố của tổng lao động xã hội thông qua các mối quan hệ mà hành vi trao đổi được thiết lập giữa các sản phẩm và thông qua sự điều đình của chúng, giữa những nhà sản xuất…

“Chỉ bằng cách trao đổi, sản phẩm lao động mới có được tính khách quan đồng nhất về mặt xã hội với tư cách là các giá trị, khác với tính khách quan đa dạng về mặt cảm quan của chúng như các sản phẩm hữu ích.” [Tr163]

Về mặt này, Marx chỉ trích quan niệm đơn giản về mối liên hệ trực tiếp giữa lao động và giá trị mà những người tiền nhiệm của ông đưa ra, những người coi giá trị không phải là mối quan hệ giữa con người với nhau, mà là một cái gì đó tuyệt đối, được xác định từ hành động của một tác nhân duy lý lý tưởng, như thường được trình bày bằng ví dụ về Robinson Crusoe. Ví dụ của Crusoe đề xuất rằng một cá nhân biệt lập, chẳng hạn như một người bị bỏ lại một mình trên hoang đảo, có thể xác định giá trị của sản phẩm bằng cách chỉ cần ghi nhận khoảng thời gian khác nhau mà anh ta đã sử dụng để sản xuất ra những thứ này.

Tuy nhiên, như Marx đã nhấn mạnh, thuộc tính giá trị – và bản chất của sản phẩm là hàng hóa – thể hiện một lượng tương đối chỉ có thể có được đặc tính khách quan thông qua một quá trình tương tác xã hội – tức là thông qua một quá trình trao đổi chung và phổ biến trong xã hội. Do đó, các sản phẩm của Crusoe – “hoàn toàn là kết quả lao động cá nhân của anh ấy” – không phải là hàng hóa có giá trị, mà chỉ đơn giản là “ đối tượng hữu ích tức thời cho cá nhân anh ấy”. Chúng không được sản xuất để bán mà chỉ đơn giản là để được tiêu thụ bởi chính anh ta. [Tr171]

Bái vật giáo hàng hóa 

Thuật ngữ ‘bái vật giáo’, như được sử dụng bởi Marx, có nguồn gốc từ dân tộc học, ngành nghiên cứu về các xã hội sơ khai. Ở thời đó, con người chưa ý thức được về các điều kiện xã hội hoặc tự nhiên của cuộc sống. Kết quả là họ quy các hiện tượng về các thế lực siêu nhiên. Họ tin rằng mình có thể tác động tới sức mạnh của tự nhiên bằng cách gán các hoạt động của chính họ cho các vị thần và những linh hồn. Trong trí tưởng tượng của họ, những đồ vật vô tri vô giác cũng có được khả năng của con người hoặc bậc siêu phàm, họ biến chúng thành một vật được tôn sùng. Marx đưa ra những điểm tương đồng giữa điều này và hành động của các xã hội sản xuất hàng hóa, nơi mà các sản phẩm có một sức mạnh ma thuật; đó chính là “bái vật giáo hàng hóa”.

Dưới hình thức sản xuất hàng hoá phát triển, những người sản xuất làm việc tách biệt với nhau. Phải đến khi trao đổi sản phẩm của mình, họ mới thấy được lao động tư nhân của mình có hay không chiếm một bộ phận trong tổng số lao động xã hội cần thiết. Chỉ khi cuộc trao đổi thành công thì nó mới chứng tỏ là một phần cần thiết xã hội về tổng thể. Người sản xuất hàng hóa không nhận thức được mối quan hệ xã hội này, nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của nó và hành động sao cho phù hợp.

Đối với nhà sản xuất hàng hóa, hàng hóa được trao đổi dường như là nhờ một số đặc tính tự nhiên bí ẩn của riêng chúng. Những thứ nhân tạo này dường như có cuộc sống riêng và phát triển sức mạnh đối với con người. Đó là xu hướng tôn sùng hàng hóa, và điều này sau đó được củng cố khi hàng hóa được trao đổi thường xuyên thành tiền thay vì thông qua trao đổi trực tiếp. Giờ đây, một đồng xu hoặc một mảnh giấy dường như sở hữu thứ phẩm chất kỳ diệu là có thể mua được tất cả các mặt hàng có sẵn. Chúng dường như có những sức mạnh này đơn giản vì chúng là những mảnh kim loại hoặc giấy.

Các nhà sản xuất chỉ đơn giản là chạy theo tiền, các bên cạnh tranh với nhau để kiếm tìm loại hàng hóa phổ biến này. Họ dường như độc lập với nhau, nhưng lại phụ thuộc vào tiền bạc. Tiền cai trị thế giới của họ – cai trị xã hội như thể vật thiêng.

Do việc sản xuất không được lên kế hoạch một cách có ý thức, các sản phẩm của chính họ đối đầu với họ như một thế lực xa lạ trên thị trường. Sự trao đổi dường như là một mối quan hệ giữa những thứ đơn thuần là đồ vật. Trong thực tế, mối quan hệ của hàng hóa là ngược lại: chúng thể hiện mối quan hệ không phải giữa các sự vật, mà là giữa chính con người với nhau. Nhưng điều này không được minh bạch khi các nhà sản xuất bị che mắt bởi các quy luật của thị trường.

Chỉ khi bạn có sự liên kết tự do giữa các nhà sản xuất thì bái vật giáo hàng hóa mới biến mất. Khi đó mọi người sẽ không còn đối mặt với nhau như những đối tác đơn thuần để trao đổi – chỉ là những phần phụ của hàng hóa của họ – mà thay vào đó sẽ có thể lên kế hoạch cho sản xuất chung.

Việc phân tích và giải thích quy luật giá trị này dẫn đến một kết luận quan trọng trong lập luận của Marx liên quan đến giá trị và hàng hóa: thực tế là các hình thức và quy luật đó không phải là bất hủ mà được xác định về mặt lịch sử và có điều kiện. Cũng như sản xuất hàng hóa đã phát sinh để trở thành phổ biến, thì một ngày nào đó nó sẽ biến mất, cùng với chủ nghĩa tư bản và cùng với nó là quy luật giá trị.

“Hình thái giá trị của sản phẩm lao động là hình thức trừu tượng nhất, nhưng cũng là hình thức phổ biến nhất của phương thức sản xuất tư sản; bởi thực tế đó, nó đã ghi dấu phương thức sản xuất tư sản như một loại hình sản xuất xã hội đặc biệt có tính chất lịch sử và nhất thời. Nếu vì lẽ nào đó mà chúng ta mắc sai lầm khi coi nó là hình thức sản xuất xã hội tự nhiên vĩnh cửu, thì hẳn là ta đã xem nhẹ tính đặc thù của hình thái giá trị, và do đó hình thái hàng hóa cùng với sự phát triển xa hơn của nó, hình thái tiền tệ, hình thái tư bản, v.v…

“… Các nhà kinh tế học tầm thường tự giam mình trong việc hệ thống hóa theo một cách thức phức tạp, và tuyên bố về những chân lý vĩnh cửu, những quan niệm tầm thường và tự mãn do các tác nhân sản xuất tư sản nắm giữ về thế giới riêng của họ, thứ mà đối với chúng là điều tốt nhất có thể.” [Tr174-175, chú thích 34]

Chỉ trong quá trình chuyển đổi xã hội sang chủ nghĩa xã hội, khi tư liệu sản xuất được sở hữu chung như một bộ phận của kế hoạch sản xuất hợp lý và dân chủ, thì khi đó đặc tính xã hội của lao động xã hội cuối cùng sẽ tương thích với hình thức sở hữu xã hội. Khi mức độ mà quyền sở hữu chung về tư liệu sản xuất tăng lên, thì sự thống trị của sản xuất và trao đổi hàng hóa sẽ giảm đi. Thay vì các hành vi trao đổi giữa các cá nhân riêng biệt, xã hội sẽ bao gồm nam giới và phụ nữ đóng góp cho xã hội ‘theo khả năng của họ’ và lấy từ cộng đồng của cải ‘theo nhu cầu của họ’.

Sản phẩm của lao động sẽ không còn đối diện với xã hội như là hàng hóa, mà chỉ đơn giản là vật hữu ích; như vậy mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi cũng sẽ tan biến. Lần đầu tiên, mối quan hệ giữa mọi thứ sẽ được thay thế bằng mối quan hệ thực sự giữa con người với nhau, và nam giới và phụ nữ sẽ đối đầu với nhau như những con người thực sự. Nền kinh tế – trước đây là một thế lực bí ẩn, dường như áp đặt quy luật của mình lên xã hội – sẽ không còn thống trị chúng ta nữa; thay vào đó, chúng ta sẽ là người làm chủ vận mệnh của chính mình.

“Với việc xã hội nắm giữ tư liệu sản xuất, sản xuất hàng hoá được thực hiện đồng thời với quyền của người sản xuất được làm chủ sản phẩm. Tình trạng vô chính phủ trong nền sản xuất xã hội được thay thế bằng hệ thống, tổ chức xác định. Cuộc đấu tranh cho sự tồn tại của cá nhân biến mất. Và sau đó, lần đầu tiên, con người, theo một nghĩa nào đó, cuối cùng đã bị loại khỏi phần còn lại của vương quốc động vật, thoát ra khỏi những điều kiện tồn tại đơn thuần của động vật để trở thành những con người thực sự. Toàn bộ phạm vi các điều kiện của sự sống bao quanh con người, và những thứ cho đến nay  đã cai trị con người, giờ đây nằm dưới sự thống trị và kiểm soát của con người, người lần đầu tiên trở thành chúa tể thực sự, có ý thức trước tự nhiên, bởi vì con người bây giờ đã trở thành chủ nhân của tổ chức xã hội của chính mình. Các quy luật hành động xã hội của chính anh ta, cho đến nay đối mặt với con người như các quy luật của Tự nhiên ngoại lai và thống trị anh ta, sau đó sẽ được sử dụng với sự hiểu biết đầy đủ và do anh ta làm chủ. Tổ chức xã hội của chính con người, cho đến nay đối đầu với anh ta như một sự áp đặt cưỡng bách bởi Tự nhiên và Lịch sử, giờ đây trở thành kết quả từ hành động tự do của chính anh ta. Các lực lượng khách quan ngoại lai, cho đến nay, đã chi phối lịch sử, vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính con người. Chỉ từ đó, con người, ngày càng ý thức, mới làm nên lịch sử của chính mình – chỉ từ đó, những động cơ xã hội mới vận động bởi anh ta, chủ yếu và không ngừng phát triển, những kết quả do anh ta dự định. Đó là sự đi lên của con người từ vương quốc của sự tất yếu đến vương quốc của tự do.” [Frederick Engels, Chủ nghĩa xã hội: Không tưởng và khoa học]

 

 


Mục lụcPhần tiếp


Adam Booth and Rob Sewell,

Nguồn: Xu hướng Marxist quốc tế

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận