105 năm ngày thành lập Quốc tế Cộng sản

Cách đây một thế kỷ, từ ngày 2 đến 6 tháng 3 năm 1919, diễn ra tại Mátxcơva là Đại hội đầu tiên của Quốc tế Cộng sản (hay Quốc tế III). Điều này đã đánh dấu sự ra đời của một trường phái quan trọng về tư tưởng và chiến lược cách mạng. Hãy cùng nhìn lại sự kiện trọng đại này trong bài viết của đồng chí Rob Sewell nhân kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Cộng sản được thành lập.

100 năm ngày thành lập Quốc tế Cộng sản

“Tôi đến rạp vào khoảng năm giờ, rất khó để vào trong dẫu đã có vé đặc biệt dành cho phóng viên. Người ta xếp hàng dài ngoài tất cả các cửa. Xô viết Moscow cũng có mặt ở đó, ban chấp hành, rồi đại diện của các công đoàn với các ủy ban nhà máy, v.v.

Nhà hát với sân khấu khổng lồ chật cứng, mọi người đứng trên các lối đi và thậm chí chen chúc nhau trong các cánh của sân khấu. Kamenev khai mạc cuộc họp bằng lời tuyên bố long trọng về việc thành lập Quốc tế thứ ba tại Điện Kremlin. khán giả vỗ tay không ngớt và hát bài ‘Quốc tế ca’ theo cách mà tôi chưa từng nghe kể từ hội nghị toàn Nga khi có tin về các cuộc đình công ở Đức giữa những cuộc đàm phán ở Brest.”

Đây là những lời được viết bởi một nhân chứng người Anh, nhà báo Arthur Ransome, nhân lễ kỷ niệm thành lập Quốc tế Cộng sản (thứ ba) được tổ chức tại Nhà hát Bolshoi vào tháng 3 năm 1919.

Matxcơva vẫn đang trong đợt rét cuối đông. Jacques Sadoul, đại biểu tham vấn người Pháp, viết: “Matxcơva thiếu nhiên liệu và các đại biểu đại hội co ro suốt. Hai năm qua khẩu phần ăn ở Matxcơva cũng ít ỏi nên các đồng chí quốc tế không phải lúc nào cũng được ăn no…”

Để tham dự đại hội thành lập quốc tế mới ở Moscow, trong 51 đại biểu đến từ hơn hai chục quốc gia, nhiều người đã phải bí mật vượt vòng phong tỏa của đế quốc với những hàng rào thép gai. Bản thân con số nhỏ này đã khiến nó trở nên đáng chú ý, vì việc tụ tập bị những người phong tỏa coi là “bất hợp pháp”. Kết quả là một số đại biểu đã bị bắt và không qua khỏi.



Quốc tế thứ nhất và thứ hai

Quốc tế thứ ba ra đời sau sự phản bội to lớn của những người dân chủ xã hội trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và các sự kiện sôi động của Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917.

Như đã rõ ngay từ cái tên, có hai quốc tế trước đó, thứ nhất và thứ hai. Qua lịch sử của chúng, chúng ta có thể theo dõi sự tiến hóa và tính liên tục của chủ nghĩa Marx.

Quốc tế thứ nhất (được gọi là Hiệp hội Công nhân Quốc tế) được thành lập với sự tham gia trực tiếp của Marx và Engels vào năm 1864. Tổ chức này, tuy tương đối nhỏ, đã đặt nền móng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân vì chủ nghĩa xã hội quốc tế. Tuy nhiên, nó là nạn nhân của xu hướng phản động lan rộng khắp châu Âu sau thất bại của Công xã Paris năm 1871 và cuối cùng đã bị giải thể vào năm 1876.

Chỉ hơn một thập kỷ sau, năm 1889, Engels tham gia thành lập Quốc tế thứ hai. Không giống như tiền thân của nó, quốc tế này bao gồm các đảng công nhân quần chúng gồm hàng triệu người. Tuy nhiên, Quốc tế được xây dựng trong thời kỳ  mà chủ nghĩa tư bản nhìn chung đang lên, trong khi vắng bóng các cuộc đấu tranh cách mạng.

Điều này dẫn đến sự thoái hóa theo hướng cơ hội chủ nghĩa trong hàng ngũ lãnh đạo của nó. Theo thời gian, cuộc đấu tranh cách mạng bị đẩy lùi vào thế nhường chỗ cho cuộc đấu tranh đòi cải cách. Nhưng như Rosa Luxemburg lập luận, vấn đề cải cách và cách mạng lẽ ra phải gắn bó chặt chẽ với nhau chứ không được chia thành các cuộc đấu tranh riêng biệt.

Cuối cùng, bất chấp những bài phát biểu hay, chủ nghĩa cơ hội này đã dẫn đến sự phản bội vào tháng 8 năm 1914, khi các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa từ bỏ chủ nghĩa quốc tế và đứng về phía các giai cấp thống trị của chính họ trong cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo.

Zimmerwald

Xuất phát từ sự thất bại này, những người theo chủ nghĩa quốc tế, những người vẫn kiên định với các tư tưởng cách mạng thế giới, đã bị giảm xuống chỉ còn vài mống. Trong số những người còn trung thành với sự nghiệp chủ nghĩa xã hội quốc tế thì ở Nga có Lenin và Trotsky, ở Đức có Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht, ở Scotland có John MacLean, ở Ireland có James Connolly, ở Mỹ có James Larkin và Eugene Debbs…

Khi cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ diễn ra vào năm 1915 tại Zimmerwald, Lenin đã nói đùa rằng những người theo chủ nghĩa quốc tế trên thế giới có thể ngồi vừa hai toa xe sân khấu. Điều này tóm tắt tình trạng bị cô lập khủng khiếp của họ.

Nhóm nhỏ ở Zimmerwald đã thông qua một tuyên ngôn tố cáo chiến tranh đế quốc, bác bỏ “sự phòng vệ” trong một cuộc xung đột như vậy và kêu gọi công nhân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, giải phóng và chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc họp tiếp theo tại Kienthal vào năm 1916. Lenin và những người Bolshevik thuộc phe cánh tả cực đoan ở cả Zimmerwald và Kienthal. Họ kêu gọi từ bỏ Quốc tế thứ hai cũ (đã chuyển sang cải lương) và thành lập Quốc tế thứ ba. Chính dòng chảy còn lại này đã hình thành nên hạt nhân của quốc tế mới vào tháng 3 năm 1919.



Cách mạng tháng Mười

Bước ngoặt quyết định và động lực thực sự của quốc tế mới là thắng lợi của Cách mạng Nga tháng 10 năm 1917. Tại đây, lần đầu tiên trong lịch sử (ngoài đoạn ngắn về Công xã Paris), giai cấp công nhân đã lên nắm quyền.

Cách mạng Bolshevik chưa bao giờ được coi là một sự kiện thuần túy của nước Nga. Ý tưởng như vậy là không thể tưởng tượng được, nhất là ở một đất nước lạc hậu như vậy. Bị cô lập, cuộc cách mạng sẽ thất bại. Những người Bolshevik hiểu rằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thành công trên quy mô thế giới.

Sau thắng lợi của Cách mạng Nga, giai cấp tư sản trên trường quốc tế ngay lập tức âm mưu đàn áp nhà nước công nhân trẻ bằng các biện pháp phong tỏa và vũ lực. Tuy nhiên, các sự kiện cách mạng ở Nga đã góp phần gây ra những biến động cách mạng trên khắp châu Âu. Đáng chú ý nhất trong số này là Cách mạng Đức vào tháng 11 năm 1918 và sự chấm dứt của Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Cộng hòa Xô viết được tuyên bố ở Bavaria và Hungary vào đầu năm 1919. Sau thời kỳ cách mạng này, các đảng cách mạng mới – Đảng Cộng sản – bắt đầu hình thành ở Đức, Áo, Hungary, Hà Lan và Ba Lan. Ở nhiều nước khác, xu hướng ủng hộ Bolshevik bắt đầu kết tinh trong các tổ chức quần chúng cũ.

Đến cuối năm 1918, những người Bolshevik ở Nga đã kết luận rằng đã đến lúc phải thành lập một quốc tế cách mạng mới, thoát khỏi chủ nghĩa cơ hội và sự phản bội của Quốc tế thứ hai. Các khuynh hướng cách mạng, cải cách và trung dung hình thành dọc theo phong trào lao động quốc tế. Hàng triệu công nhân trên toàn thế giới bắt đầu coi Cách mạng Bolshevik như một lối thoát khỏi sự tàn sát của Chiến tranh thế giới thứ nhất và cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản.

Lợi dụng tình thế này, Lênin đã đề nghị tổ chức một hội nghị quốc tế và chỉ mời những người:

“1) Kiên quyết đứng lên đoạn tuyệt với những người yêu nước – xã hội (tức là những người trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ chính quyền tư sản trong cuộc chiến tranh đế quốc 1914 – 1918);

“2) Những người ủng hộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay và nền chuyên chính vô sản;

“3) những người mà về nguyên tắc coi ‘chính quyền Xô Viết’ là một loại chính phủ  “cao hơn và gần hơn với chủ nghĩa xã hội.”

Lênin gợi ý rằng hội nghị có thể được triệu tập vào ngày 1 tháng 2 năm 1919 “ở Berlin (công khai) hoặc ở Hà Lan (bí mật)” , nhưng điều này xem ra lạc quan quá. Kết cục nó đã diễn ra một tháng sau ở Moscow.

Khả năng lãnh đạo

Đảng Cộng sản Đức được thành lập vào cuối tháng 12 và là đảng mạnh nhất và có thẩm quyền nhất trong các nhóm cộng sản bên ngoài nước Nga. Nhưng nó đã sớm bị coi là bất hợp pháp, phát sinh từ “Tuần lễ Spartacist”. Sự kiện đã dẫn tới việc hai thủ lĩnh chính của nó, Luxemburg và Leibknecht, bị sát hại.

Sự thành lập của nó có ý nghĩa quyết định đối với sự ra đời của Quốc tế thứ ba, mặc dù ban lãnh đạo đảng có những dè dặt nghiêm trọng về thời điểm thành lập quốc tế mới. Những điều này đã được khắc phục thông qua thảo luận và quyết định được đưa ra mà không có một đại biểu nào phản đối.

Nhiệm vụ của Đại hội thành lập Quốc tế thứ ba là giải quyết mọi sự nhầm lẫn và xác định lại các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội quốc tế đã bị các nhà lãnh đạo cũ phản bội, những người đã cứu nguy cho chủ nghĩa tư bản.

Ở Đức, Noske, Ebert và Scheidemann đã âm mưu cùng với các phần tử của chế độ quân chủ để tiêu diệt cuộc cách mạng và loại bỏ các hội đồng công nhân và binh lính đang nắm giữ quyền lực trên thực tế. Sau đó, họ bắt tay với Junkers trên con đường phản cách mạng. Sự phản bội này cuối cùng đã dẫn đến chế độ độc tài đẫm máu của Hitler.

Quốc tế thứ ba được thành lập để đáp lại sự phản bội đó. Làn sóng cách mạng đang lan rộng khắp châu Âu kêu gọi một sự lãnh đạo cách mạng thực sự.

Nền móng

Đại hội ngay lập tức bắt tay vào công việc. Các cuộc thảo luận chính của nó tập trung vào giai đoạn hiện tại của chủ nghĩa tư bản, đặc điểm của chủ nghĩa cải cách và các hình thức mà cuộc cách mạng vô sản sẽ thực hiện.

Có một tâm trạng nhất định hiện nay là chỉ một phong trào tự phát của giai cấp công nhân thôi cũng đủ để lật đổ chủ nghĩa tư bản. Như Trotsky đã giải thích:

“Đại hội lần thứ nhất được triệu tập sau chiến tranh ở vào thời điểm mà chủ nghĩa cộng sản mới ra đời như một phong trào ở châu Âu, ở vào thời điểm có cơ sở nhất định để tính toán và kỳ vọng rằng sự khởi đầu bán tự phát của giai cấp công nhân có thể lật đổ giai cấp tư sản trước khi thành công trong việc tìm ra một hướng đi mới và những điểm hỗ trợ mới sau chiến tranh. Tâm trạng và kỳ vọng như vậy nhìn chung được chứng minh bằng tình hình khách quan lúc đó…

“Trong mọi trường hợp, không thể nghi ngờ rằng trong kỷ nguyên của Đại hội lần thứ nhất (1919), nhiều người trong chúng ta đã tính toán – có người ít có người nhiều – rằng sự khởi đầu tự phát của công nhân và một bộ phận quần chúng nông dân sẽ lật đổ giai cấp tư sản trong thời gian tương lai sắp tới.” (Năm năm đầu tiên của Quốc tế Cộng sản, tập 2)

Quốc tế thứ ba không coi mình là đối thủ cạnh tranh với Quốc tế thứ hai, quốc tế vẫn tồn tại, mà là quốc tế kế thừa. Nó được xây dựng trên nền tảng lý luận và công việc của Quốc tế thứ nhất và Quốc tế thứ hai. Như Lenin giản thích:

“Ý nghĩa mang tính bước ngoặt của Quốc tế Cộng sản thứ ba nằm ở chỗ nó đã bắt đầu có hiệu lực với khẩu hiệu chủ yếu của Marx, khẩu hiệu tổng hợp quá trình phát triển hàng thế kỷ của chủ nghĩa xã hội và phong trào của giai cấp công nhân, khẩu hiệu được thể hiện trong khái niệm của chuyên chính vô sản,”

“Tầm nhìn đi trước và lý thuyết này – tầm nhìn đi trước và lý thuyết của một thiên tài – đang trở thành hiện thực… Một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới đã bắt đầu.”



Lenin và Trotsky

Quốc tế trước hết là một chương trình, những ý tưởng và truyền thống, và thứ hai chỉ là một tổ chức để đem những điều này vào thực tiễn. Chính những điều này cần được làm rõ và bảo vệ.

Quốc tế lấy danh hiệu “Cộng sản” để phân biệt mình với những người dân chủ xã hội đã phản bội chủ nghĩa xã hội, những người đã đi ngược lại truyền thống Cộng sản của Marx và Engels cũng như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – một biểu ngữ trong sạch.

Đúng như kỳ vọng, với uy tín của Cách mạng Tháng Mười Nga, ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo Nga là rất lớn. Những báo cáo chính trị chủ yếu, đề cập đến những vấn đề cơ bản được đưa ra bởi Lenin và Trotsky.

Báo cáo Luận cương về dân chủ tư sản và chuyên chính vô sản được Lênin thực hiện. Trotsky vừa là tác giả vừa là người giới thiệu Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản tới giai cấp vô sản toàn thế giới.

Lênin giải thích rằng khái niệm “dân chủ” là vô nghĩa nếu không giải thích nội dung giai cấp của nó. Ngay cả nhà nước tư sản dân chủ nhất cũng chỉ là vỏ bọc cho sự đàn áp giai cấp công nhân của một số ít nhà tư bản. Nhiệm vụ của những người theo chủ nghĩa xã hội là thay thế nhà nước tư bản bằng một nhà nước phục vụ lợi ích của người lao động. Lenin giải thích, điều này nên được mô phỏng theo các nguyên tắc của Công xã Paris, nơi mà công nhân đã nắm giữ quyền lực trong một thời gian ngắn.

Công xã không phải là một cơ quan nghị viện mà là một tổ chức quần chúng, tự quản của công nhân, không có sự phân chia giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp.

Lênin giải thích: “Bọn tư bản luôn dùng từ ‘tự do’ để chỉ sự tự do cho người giàu ngày càng giàu hơn và cho công nhân chết đói. Theo cách sử dụng của chủ nghĩa tư bản, tự do báo chí có nghĩa là quyền tự do của người giàu hối lộ báo chí, tự do sử dụng của cải của mình để định hình và bịa đặt cái gọi là dư luận xã hội.”

Anh ấy tiếp tục giải thích rằng chúng ta muốn tự do thực sự. “Công xã Paris đã thực hiện bước đánh dấu kỷ nguyên đầu tiên trên con đường này. Hệ thống của Xô Viết đã chiếm được vị trí thứ hai.”

Chính quyền Xô Viết

Chính quyền Xô Viết không phải là một phát minh của những người Bolshevik mà là sự tự tổ chức của giai cấp công nhân. Xô viết trong tiếng Nga đơn giản có nghĩa là hội đồng công nhân. Đó là cơ sở cho sự tự trị của người lao động.

Lênin khẳng định: “Phá hủy quyền lực nhà nước là mục tiêu mà tất cả những người theo chủ nghĩa xã hội đặt ra, trong đó trên hết có Marx. Nền dân chủ đích thực, tức là tự do và bình đẳng, sẽ không thể thực hiện được trừ khi đạt được mục tiêu này. Nhưng thành tựu thực tế của nó chỉ có thể đạt được thông qua nền dân chủ Xô viết, hay vô sản, bởi vì bằng cách huy động các tổ chức quần chúng của nhân dân lao động tham gia thường xuyên và không ngừng vào việc quản lý nhà nước, nó ngay lập tức bắt đầu chuẩn bị cho sự suy tàn hoàn toàn của nhà nước.”

Đối lập với chuyên chính tư bản, những người Bolshevik đưa ra câu nói của Marx về chuyên chính vô sản. ‘Chế độ độc tài’ này là sự cai trị dân chủ của nhân dân lao động – không hơn không kém.

Tất nhiên thuật ngữ ‘chế độ độc tài’ ngày nay có một ý nghĩa hoàn toàn khác so với khi được Marx hay Lenin sử dụng. Với sự trỗi dậy của các chế độ độc tài toàn trị của Stalin và Hitler, ý nghĩa của từ này đã thay đổi. Ngày nay, thay vì sử dụng thuật ngữ “chuyên chính vô sản”, chúng ta sẽ sử dụng thuật ngữ “dân chủ của công nhân”.

Vì vậy, Đảng Bolshevik đã ghi vào cương lĩnh của mình năm 1919 bốn điều kiện nổi tiếng cho chính quyền Xô Viết:

  1. Bầu cử tự do và dân chủ với quyền bãi miễn tất cả các quan chức.
  2. Không có quan chức nào nhận được mức lương cao hơn công nhân lành nghề.
  3. Không có quân đội thường trực mà là quần chúng được vũ trang.
  4. Dần dần, mọi công việc điều hành nhà nước phải được thực hiện lần lượt bởi mọi người. “Khi mọi người đều là quan chức thì không ai có thể là quan chức được”.

Cách mạng thế giới

Trotsky phát biểu tại đại hội bằng cách phác thảo Tuyên ngôn Cách mạng Thế giới. Ông nói : “Nhiệm vụ của chúng ta là khái quát hóa kinh nghiệm cách mạng của giai cấp công nhân, để thanh lọc phong trào trộn lẫn giữa chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa yêu nước xã hội, thống nhất nỗ lực của tất cả các đảng cách mạng chân chính của giai cấp vô sản thế giới và từ đó tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh cho thắng lợi của cách mạng Cộng sản trên toàn thế giới.”

Trong một đoạn văn cực kỳ phù hợp ngày nay, Trotsky đã nói:

“Các nhà thống kê và nhà thông thái của lý thuyết cho rằng những mâu thuẫn đang bị xóa bỏ, trong nhiều thập kỷ đã tìm ra từ mọi nơi trên thế giới những sự thật có thật hoặc huyền thoại để chứng minh cho sự hạnh phúc ngày càng tăng của các nhóm và tầng lớp khác nhau của giai cấp công nhân. Lý thuyết về sự bần cùng hóa hàng loạt được coi như đã bị chôn vùi, giữa những lời chế nhạo khinh miệt từ các hoạn quan của giới giáo sư tư sản và các quan lại của chủ nghĩa cơ hội xã hội chủ nghĩa. Vào thời điểm hiện tại, tình trạng bần cùng hóa này, không chỉ về mặt xã hội mà còn về mặt sinh lý và sinh học, hiện lên trước mắt chúng ta với tất cả thực tế gây sốc của nó.”

Lênin đã tổng kết niềm tin của Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế thứ ba trong bài phát biểu bế mạc:

“Cho dù giai cấp tư sản trên toàn thế giới có bừng bừng lửa giận thế nào đi chăng nữa… thì tất cả những điều này cũng không giúp ích được gì nữa. Nó sẽ chỉ giúp soi sáng cho quần chúng, giúp họ thoát khỏi những thành kiến ​​dân chủ tư sản cũ và rèn luyện họ trong đấu tranh. Thắng lợi của cách mạng vô sản trên phạm vi thế giới đã được bảo đảm. Việc thành lập một nước cộng hòa Xô viết quốc tế đang được tiến hành.”



Một thế giới để chiến thắng

Sau Đại hội lần thứ nhất hàng năm là Đại hội Thế giới dẫn tới việc xây dựng kho lý thuyết về chủ nghĩa Marx cách mạng: chống chủ nghĩa cực tả; nhu cầu về một mặt trận thống nhất, nhu cầu về các đảng cộng sản quần chúng; và hàng loạt câu hỏi quan trọng khác.

Quốc tế thứ ba là một trường học hoặc quốc hội rộng lớn, nơi các ý tưởng được đưa ra và thống nhất một quan điểm chung.

Bốn đại hội đầu tiên là một cột mốc quan trọng. Sau đó, với sự thất bại của Cách mạng Đức năm 1923 và cái chết của Lênin năm 1924, Cách mạng Nga bị cô lập trong điều kiện kinh tế lạc hậu, điều này dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa Stalin.

Việc áp dụng lý thuyết ‘Chủ nghĩa xã hội trong một xứ’ đã dẫn đến sự suy thoái theo chủ nghĩa cải cách và chủ nghĩa dân tộc của Quốc tế thứ ba. Từ chỗ là đội tiên phong của cách mạng thế giới, Quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Stalin và những người thân cận của ông, đã thanh lọc những thành phần tốt nhất của nó và trở thành một công cụ trong chính sách đối ngoại của chủ nghĩa Stalin.

Điều này dẫn đến hết thảm họa này đến thảm họa khác: ở Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha và những nơi khác. Cuối cùng vào năm 1943, trong một cử chỉ thân thiện gửi tới Đồng minh, Stalin đã chính thức giải tán Quốc tế Cộng sản.

Ngày nay, cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu sắc và các sự kiện mang tính cách mạng đang diễn ra thường xuyên. Những ngày trọng đại của Quốc tế thứ ba 1919 – 1923 sẽ sống lại.

Một thế hệ mới cần rút ra những bài học từ kinh nghiệm quý giá này. Chúng ta cần chuẩn bị cho những sự kiện sắp tới. Giống như Quốc tế thứ ba, chúng tôi giơ cao trên mình biểu ngữ: công nhân trên toàn thế giới, đoàn kết lại!


Rob Sewell, IMT, 06 tháng 3 năm 2019

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận