CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THẾ KỶ 21 LÀ GÌ?
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THẾ KỶ 21 LÀ GÌ?
NANCY FRASER
Nancy Fraser là giáo sư Triết học và Chính trị Henry và Louise A. Loeb tại New School. Các tác phẩm của bà đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng và được Tòa án Tối cao Brazil trích dẫn hai lần. Bà đã nhận được 6 bằng danh dự và gần đây đã được trao Giải thưởng Thế giới Nessim Habif, Giải thưởng Trọn đời của Trung tâm Havens vì Đóng góp cho Học thuật và huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng năm của Cộng hòa Pháp. Nancy Fraser cũng từng là Chủ tịch Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ, Phân khu Miền Đông.
***
Chủ nghĩa xã hội đã trở lại. Trong nhiều thập kỷ qua, cụm từ này bị coi là một nỗi xấu hổ – một sự thất bại bị coi thường và là tàn tích của một thời đã qua. Điều này giờ không còn đúng nữa. Ngày nay, nhiều chính trị gia tự gán mình nhãn này một cách đầy tự hào và giành được sự ủng hộ, trong khi các tổ chức ủng hộ XHCN thu hút hàng loạt thành viên mới. Nhưng chính xác thì họ định nghĩa ‘chủ nghĩa xã hội’ ra sao? Dù đáng hoan nghênh nhưng sự nhiệt tình dành cho từ này không tự động đồng nghĩa với sự suy ngẫm nghiêm túc về nội dung của nó. Chính xác thì chủ nghĩa xã hội là gì, và “chủ nghĩa xã hội” ý nghĩa gì trong thời đại ngày nay?
Trong bài giảng này, tôi đưa ra một số suy nghĩ sơ bộ để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này. Dựa trên quan niệm mở rộng về chủ nghĩa tư bản, tôi cho rằng chúng ta cần một quan niệm mở rộng về chủ nghĩa xã hội, vượt qua thứ chủ nghĩa kinh tế hạn hẹp thường thấy trong những ngộ nhận hiện nay. Bằng cách bộc lộ những mối quan hệ mâu thuẫn và mang tính hủy diệt giữa nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với những giả định “phi kinh tế” của nó, tôi cho rằng chủ nghĩa xã hội phải làm được nhiều việc hơn là chỉ biến đổi lĩnh vực sản xuất. Hơn thế nữa, nó cũng phải biến đổi mối quan hệ giữa quá trình sản xuất với các điều kiện giúp nó tồn tại – cụ thể là tái sản xuất xã hội, quyền lực nhà nước, thiên nhiên và các hình thức của cải nằm ngoài hệ sinh thái chính thức của tư bản lại nằm nhưng trong tầm với của nó. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội cho thời đại chúng ta không chỉ phải vượt qua việc tư bản bóc lột lao động làm thuê, mà phải vượt qua cả việc nó lợi dụng công việc chăm sóc không lương, hàng hóa công cộng và của cải bị tước đoạt từ các đối tượng bị chủng tộc hóa và cả thiên nhiên phi nhân loại.
Kết quả, như tôi đã nói, sẽ là một quan niệm mở rộng về chủ nghĩa xã hội. Nhưng sự mở rộng không chỉ là sự cộng thêm. Nhưng điều này không có nghĩa là phải bổ sung thêm cách hiểu cho những ngộ nhận thường thấy nhưng vẫn để nguyên các ngộ nhận đó. Điều tôi muốn làm là xem xét lại quan điểm của chúng ta về cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội bằng cách kết hợp những lý giải mang tính cấu trúc về các vấn đề thường được coi là thứ yếu – trên hết là giới tính/tính dục, chủng tộc/dân tộc/quốc tịch/đế chế, sinh thái và dân chủ. Điều này sẽ giúp soi sáng tất cả những vấn đề cổ điển của tư tưởng xã hội chủ nghĩa: về sự thống trị và giải phóng; về giai cấp và khủng hoảng; về tài sản, thị trường và quy hoạch; về lao động cần thiết, thời gian rảnh rỗi và thặng dư xã hội.
Chắc chắn là tôi sẽ không thể giải thích đầy đủ về những vấn đề này trong bài giảng hiện tại. Nhưng tôi sẽ có đôi điều sơ bộ để nói về ba phạm trù sau đây: ranh giới thể chế, thặng dư xã hội và thị trường. Khi phân tích mỗi phạm trù thì tôi sẽ cố gắng chỉ ra rằng vấn đề sẽ trở nên khác biệt hoàn toàn khi chúng ta coi chủ nghĩa tư bản là thứ gì đó rộng hơn nền kinh tế, và chủ nghĩa xã hội không chỉ là một hệ thống kinh tế thay thế. Quan điểm về chủ nghĩa xã hội xuất hiện thông qua lăng kính này khác hẳn với chủ nghĩa Cộng sản kiểu Xô Viết, và mặt khác với nền dân chủ xã hội.
Tuy nhiên, tôi sẽ bắt đầu với chủ nghĩa tư bản. Đây là điểm khởi đầu cần thiết cho bất kỳ cuộc thảo luận nào về chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội, xét cho cùng, không phải là giấc mơ không tưởng. Nếu bây giờ nó đáng được thảo luận thì điều này có nghĩa là nó bao trọn những khả năng thực tế nổi lên trong lịch sử. Cụ thể, đây là những những tiềm năng về tự do, sức khỏe và hạnh phúc của con người mà bản thân chủ nghĩa tư bản đã mang đến trong tầm tay nhưng không thể hiện thực hóa. Quan trọng không kém, chủ nghĩa xã hội là phản ứng trước những bế tắc và bất công của chủ nghĩa tư bản, trước những vấn đề mà hệ thống đó tạo ra một cách có chủ ý và không thể giải quyết được; và trước các hình thức thống trị có cấu trúc có sẵn trong nó, và cũng không thể khắc phục được trong nội bộ tư bản. Chủ nghĩa xã hội tuyên bố sẽ khắc phục được những căn bệnh của chủ nghĩa tư bản. Và vì thế, chúng ta phải bắt đầu ở đó. Chỉ bằng cách xác định các động lực cấu thành và cấu trúc thể chế của chủ nghĩa tư bản thì chúng ta mới có thể nắm bắt chính xác những gì cần phải chuyển đổi. Và chỉ bằng cách tiến hành trên cơ sở đó thì chúng ta mới có thể hình dung ra giải pháp thay thế nó dưới dạng xã hội chủ nghĩa.
Vậy chính xác thì chủ nghĩa tư bản là gì? Và các căn bệnh của chủ nghĩa tư bản là gì?
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN LÀ GÌ? TẦM NHÌN MỞ RỘNG
Thông thường, chủ nghĩa tư bản được hiểu là một hệ thống kinh tế, trong đó các thành phần xác định của nó là tài sản tư nhân và trao đổi thị trường; lao động làm thuê và sản xuất hàng hóa; tín dụng và tài chính; lợi nhuận, tiền lãi và tiền thuê: tất cả các yếu tố được tính bằng tiền và được kết hợp để thể chế hóa tăng trưởng kinh tế. Theo quan điểm này, chủ nghĩa tư bản trùng khớp với phạm vi hoạt động, các mối quan hệ và các đối tượng đại diện hoặc tạo ra giá trị kinh tế. Tôi sẽ gọi đây là quan điểm hạn hẹp hoặc hạn chế về chủ nghĩa tư bản. Đây cũng là cái nhìn về chủ nghĩa tư bản của hầu hết các doanh nhân và các nhà kinh tế học chính thống, cũng như là nhận thức chung của cả xã hội. Cái nhìn này có ảnh hưởng đến mức nó chi phối suy nghĩ của một số nhà phê bình chủ nghĩa tư bản. Họ cũng thường tán thành quan điểm hạn hẹp về nó.
Cái mà tôi gọi là “chủ nghĩa Marx truyền thống” là một trường hợp điển hình. Nó coi chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bóc lột giai cấp, và nó tập trung vào mối quan hệ giữa nhà tư bản và người lao động tại nơi sản xuất. Theo quan điểm này, mối quan hệ then chốt là mối quan hệ giữa những người sở hữu tư liệu sản xuất như tài sản tư hữu của họ và những người không sở hữu gì ngoài khả năng làm việc và do đó phải bán ‘hàng hóa đặc biệt’ đó cho nhà tư bản để tồn tại. Mối quan hệ này được kết tinh dưới dạng giao dịch thị trường trong đó sức lao động được trao đổi để lấy tiền công, nhưng đây không phải là quá trình trao đổi công bằng. Ngược lại, nhà tư bản chỉ trả tiền cho công nhân thời gian lao động xã hội cần thiết (tức số giờ cần phải làm để tạo ra giá trị giúp người lao động trang trải chi phí sinh hoạt) và chiếm đoạt phần thời gian lao động còn lại của người công nhân dưới dạng ‘giá trị thặng dư’. Do đó, mối quan hệ này là mối quan hệ ‘bóc lột’. Sự bóc lột là đặc điểm mấu chốt của chủ nghĩa tư bản theo quan điểm truyền thống của Marx. Điều này giải thích được giá trị thặng dư; động lực đổi mới công nghệ và tăng năng suất; nó cũng là nguồn gốc của nghèo đói và bất bình đẳng giai cấp; động cơ của sự phi lý toàn diện, của những đợt thất nghiệp hàng loạt phi ngẫu nhiên, và những đợt bùng phát khủng hoảng kinh tế định kỳ.
Rõ ràng, quan điểm truyền thống của Marx về chủ nghĩa tư bản là một cải tiến lớn so với quan điểm chính thống. Tuy nhiên, nó vẫn còn quá hẹp. Quan điểm này tập trung chủ yếu vào nơi sản sản xuất, trong khi không chất vấn các điều kiện giúp hoạt động sản xuất xảy ra. Những thứ này phải được tìm kiếm ở các lĩnh vực phi kinh tế khác. Trong khi chủ nghĩa Mác truyền thống nắm bắt những gì chúng ta có thể coi là mặt tiền của xã hội tư bản thì nó lại che đậy mặt hậu, khiến toàn cảnh vấn đề không đầy đủ. Để hoàn thiện bức tranh và từ đó đạt được sự hiểu biết đầy đủ về xã hội tư bản, chúng ta cần vượt ra ngoài không chỉ quan niệm chủ đạo mà còn cả quan điểm thay thế truyền thống của Marx. Nếu muốn tìm hiểu những yếu tố tiềm ẩn sâu hơn bên dưới hoạt động sản xuất, chúng ta cần tiết lộ các điều kiện phi kinh tế giúp cho hoạt động sản xuất có thể thực hiện được. Có bốn điều kiện phi kinh tế quyết định khả năng tồn tại của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Đầu tiên là một nguồn lao động không công đáng kể dành cho việc ‘tái sản xuất xã hội’. Lao động này bao gồm việc nhà; việc sinh nở và nuôi dưỡng con cái; việc chăm sóc người lớn, kể cả những người làm công ăn lương, người già và người thất nghiệp – tất cả đều nhằm mục đích tạo dựng và duy trì con người. Những hoạt động “tạo ra con người” này là điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho việc “tạo ra lợi nhuận”. Không có họ thì không thể có ‘công nhân’, không có ‘sức lao động’ không có thời gian lao động cần thiết hoặc dư thừa, không có bóc lột, không có giá trị thặng dư, không có tích lũy, không có lợi nhuận. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản không gán bất cứ giá trị nào cho chúng, không quan tâm đến việc bổ sung chúng, và luôn tìm cách tránh chi trả cho chúng.
Điều kiện tiên quyết ‘phi kinh tế’ của nền kinh tế tư bản là một quỹ của cải lớn được tước đoạt từ những nhóm người chịu cảnh nô dịch, đặc biệt là từ những nhóm người bị chủng tộc hóa. Của cải này bao gồm lao động phụ thuộc, không tự do, không được trả lương hoặc phải chịu mức lương thấp, đất đai bị tịch thu, trữ lượng khoáng sản và năng lượng bị cướp bóc, cơ thể con người và các bộ phận cơ thể, trẻ em và khả năng sinh sản – tất cả đều đóng vai trò là đầu vào mà nền sản xuất tư bản chủ nghĩa không đền bù hoặc đền bù rất ít. Sự sung công của cải là cách dự trữ tư bản vào thời kỳ đầu của lịch sử chủ nghĩa tư bản, như Marx đã khẳng định; nhưng nó không dừng lại cùng với sự ‘trưởng thành’ của hệ thống. Ngược lại, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thậm chí còn dựa vào dòng đầu vào miễn phí hoặc giá rẻ liên tục như một nguồn tích lũy chính, và nguồn này tồn tại song song và gắn liền với sự bóc lột. Nếu không có sự tước đoạt các dân tộc bị nô dịch như vậy thì việc bóc lột ‘những người lao động tự do’ sẽ không mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, tư bản từ chối sự phụ thuộc của nó vào nguồn tài nguyên này và từ chối trả tiền cho việc bổ sung nó.
Điều kiện tiên quyết ‘phi kinh tế’ thứ ba đối với nền kinh tế tư bản là một quỹ lớn ‘quà tặng miễn phí’ và/hoặc đầu vào giá rẻ từ bản chất phi con người. Những thứ này cung cấp nền tảng vật chất không thể thiếu cho nền sản xuất tư bản chủ nghĩa: nguyên liệu thô được biến đổi bởi sức lao động; năng lượng cho máy móc dưới dạng nhiên liệu và năng lượng cho con người dưới dạng thực phẩm; cũng như là đất canh tác, không khí, nước uống được và khả năng vận chuyển carbon của bầu khí quyển trái đất. Không có những điều kiện sinh thái tự nhiên này thì không thể có người sản xuất kinh tế hoặc người tái sản xuất xã hội; không có sự giàu có để bị chiếm đoạt hoặc sức lao động để bị bóc lột; không có tư bản hoặc nhà tư bản. Tuy nhiên, tư bản lại coi thiên nhiên như một nguồn quà tặng miễn phí hoặc rất rẻ mà nó có thể khai thác tùy ý nhưng không thể bổ sung hoặc sửa chữa.
Điều kiện tiên quyết ‘phi kinh tế’ thứ tư và cuối cùng đối với nền kinh tế tư bản là một quỹ hàng hóa công cộng lớn, được cung cấp bởi nhà nước và các thể chế công khác. Chúng bao gồm các mệnh lệnh pháp lý đảm bảo quyền sở hữu, hợp đồng và trao đổi tự do; các lực lượng đàn áp nhằm đảm bảo trật tự, trấn áp các cuộc nổi dậy, quản lý những người bất đồng, và chiếm đoạt của cải cả trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; nó cũng bao gồm nguồn cung tiền lưu trữ giá trị và việc thực hiện giao dịch trong phạm vi thời gian và không gian rộng lớn; cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc; và một loạt các cơ chế để quản lý khủng hoảng hệ thống. Nếu không có những hàng hóa công cộng này thì sẽ không có trật tự xã hội, không có niềm tin, không có trao đổi – do đó không có sự tích lũy bền vững. Tuy nhiên, tư bản có xu hướng ghét bỏ quyền lực công cộng và tìm cách trốn tránh các loại thuế cần thiết để duy trì nó.
Mỗi điều kiện trong số bốn điều kiện này đại diện cho một điều kiện tiên quyết, thiếu chúng thì nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không thể vận hành được. Mỗi điều kiện chứa đựng các mối quan hệ xã hội, các hoạt động xã hội và các hình thức của cải xã hội cùng nhau tạo thành điều kiện thiết yếu cho hành động tích lũy. Đằng sau các thể chế chính thức của chủ nghĩa tư bản – lao động làm thuê, sản xuất, trao đổi và tài chính – có những yếu tố hỗ trợ cần thiết và các điều kiện thuận lợi: gia đình, cộng đồng, thiên nhiên; các quốc gia lãnh thổ, các tổ chức chính trị và xã hội dân sự; và một lượng lớn các loại lao động không lương và bị tước đoạt. Đây là những yếu tố không thể thiếu trong xã hội tư bản, và cũng là các yếu tố cấu thành lên nó.
Nói cách khác, chủ nghĩa tư bản không chỉ là nền kinh tế mà còn là một cái gì đó lớn hơn. Nó là một trật tự xã hội được thể chế hóa, trong đó các mối quan hệ kinh tế hóa đã bị tách rời khỏi các khu vực phi kinh tế khác. Và dù chính các khu vực phi kinh tế này là điều kiện tiên quyết giúp chính tư bản tồn tại nhưng tư bản lại cương quyết từ mặt chúng. Một xã hội tư bản bao gồm một ‘nền kinh tế’ khác biệt với (và phụ thuộc vào) một ‘chính thể’ hoặc trật tự chính trị; một lĩnh vực ‘sản xuất kinh tế’ khác biệt với (và phụ thuộc vào) một khu vực ‘tái sản xuất xã hội’; một tập hợp các quan hệ bóc lột khác biệt với (và phụ thuộc vào) các quan hệ tước đoạt; và một lĩnh vực lịch sử-xã hội của hoạt động con người khác biệt với (và phụ thuộc vào) nền tảng vật chất phi lịch sử được cho là có bản chất phi nhân loại.
Bằng cách này, ta có thể bỏ lại quan điểm hạn hẹp về chủ nghĩa tư bản như chỉ là một nền kinh tế. Đúng hơn, ta có thể coi nó như một trật tự xã hội được thể chế hóa, và bằng cách này ta đã đi đến một tầm nhìn mở rộng. Quan điểm mới, mở rộng này về xã hội tư bản có những hậu quả to lớn đối với dự án tái hình dung chủ nghĩa xã hội. Nó thay đổi – thậm chí còn mở rộng – nhận thức của chúng ta về những gì sai trái của chủ nghĩa tư bản và những gì cần phải làm để biến đổi nó.
KHUYẾT ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN: TẦM NHÌN MỞ RỘNG
Ở góc độ hẹp, chủ nghĩa tư bản có ba khuyết điểm lớn: bất công, phi lý và thiếu tự do. Từng khuyết điểm sẽ được xem xét dưới đây.
Ở góc độ hẹp, sự bất công cốt lõi của chủ nghĩa tư bản nằm ở việc tư bản bóc lột giai cấp công nhân tự do không sở hữu tài sản tư hữu. Những người này làm việc nhiều giờ mà không được trả công, tạo ra khối tài sản khổng lồ mà họ không được hưởng phần nào. Thay vào đó, lợi ích lại chảy về phía giai cấp tư bản. Giai cấp này từ đó chiếm đoạt lao động thặng dư và giá trị thặng dư do người lao động tạo ra, rồi tái đầu tư nó mục đích riêng của mình, tức là tích lũy ngày càng nhiều giá trị thặng dư hơn. Hậu quả lớn hơn là sự tăng trưởng không ngừng theo cấp số nhân của tư bản. Đây một thế lực thống trị chính những người công nhân đã sản xuất ra nó. Và nó cũng là sự bất công cốt lõi trong quan điểm này: sự bóc lột người làm công ăn lương ngay tại nơi sản xuất. Địa bàn chính của nó là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, cụ thể là lĩnh vực sản xuất kinh tế.
Tương tự như vậy, theo quan điểm hạn hẹp, tính phi lý chủ yếu của chủ nghĩa tư bản là xu hướng cố hữu của nó: xu hướng rơi vào khủng hoảng kinh tế. Một hệ thống kinh tế hướng tới sự tích lũy giá trị thặng dư không giới hạn, được chiếm đoạt dưới hình thức lợi nhuận, về bản chất là tự gây bất ổn cho chính nó. Động lực tăng lợi nhuận bằng cách tăng năng suất thông qua tiến bộ kỹ thuật dẫn đến tỷ suất lợi nhuận giảm theo chu kỳ, sản xuất thừa hàng hóa và tích lũy tư bản quá mức. Những nỗ lực ‘sửa chữa’ như tài chính hóa chỉ trì hoãn thảm họa, đồng thời đảm bảo rằng nó sẽ còn nghiêm trọng hơn khi nó ập đến. Nhìn chung, quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản bị ngắt quãng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính chu kỳ, gồm chu kỳ bùng nổ-phá sản, và các hiện tượng như thị trường chứng khoán sụp đổ, bán tháo, phá sản theo chuỗi, thanh lý giá trị hàng loạt và thất nghiệp hàng loạt.
Cuối cùng, quan điểm hạn hẹp cho rằng chủ nghĩa tư bản có tính chất phi dân chủ sâu sắc. Đúng là nó thường hứa hẹn dân chủ trong lĩnh vực chính trị. Nhưng lời hứa đó một mặt bị cắt xén một cách có hệ thống bởi sự bất bình đẳng xã hội và quyền lực giai cấp. Hơn nữa, dưới tư bản chủ nghĩa, dân chủ không được phép mở rộng sang nơi làm việc. Đó là nơi tư bản ra lệnh và người lao động tuân lời.
Do đó, ở góc độ hẹp, chủ nghĩa tư bản có ba khuyết điểm chính. Thứ nhất, hệ thống này tồn tại bằng cách bóc lột và thống trị những người làm công ăn lương; thứ hai, bản chất của nó là có xu hướng gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế định kỳ; và cuối cùng, nó mang tính chất phi dân chủ. Nói chung, các khuyết điểm này nảy sinh từ động lực vốn có của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Các khuyết điểm của tư bản ăn sâu vào trong chính DNA của nó, tức là nằm trong cách thức nó tổ chức nền kinh tế.
Một lần nữa, bức tranh không hẳn là sai mà là chưa hoàn chỉnh. Cách hiểu này dù đã bộc lộ chính xác bản chất vốn có của chủ nghĩa tư bản trong lĩnh vực kinh tế nhưng nó không thể miêu tả các bất công phi kinh tế, các xu hướng khủng hoảng và các hình thức phi tự do đều cấu thành nên phương thức tổ chức xã hội này. Những điều này hiện rõ khi chúng ta áp dụng quan niệm mở rộng về xã hội tư bản.
Đầu tiên, phải khẳng định rằng quan điểm mở rộng về chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ một danh sách mở rộng về những bất công mang tính hệ thống. Các bất công này không chỉ tồn tại ở trong nền kinh tế của nó, mà chúng còn được thấy ở sự phân chia giữa nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và các điều kiện phi kinh tế giúp nó hoạt động được. Ví dụ điển hình là sự phân chia giữa sản xuất kinh tế được trả lương bằng tiền mặt và tái sản xuất xã hội thường không được trả công, bị cảm xúc hóa và được đền đáp bằng ‘tình yêu’. Về mặt lịch sử, sự phân chia này là nguyên căn của sự bất cân xứng về giới trong các xã hội tư bản và tạo cơ sở cho sự đàn áp phụ nữ, cũng như là cho chủ nghĩa nhị phân giới và thuyết dị tính.
Tương tự như vậy, các xã hội tư bản thiết lập sự phân chia mang tính cơ cấu giữa “những người lao động” tự do, tức những người có thể trao đổi sức lao động của họ để lấy chi phí tái sản xuất của họ, và những “người khác” phụ thuộc, tức những người mà cơ thể và tài sản của họ có thể bị tịch thu một cách thẳng tay. Vì không thể tiếp cận các quyền, sự bảo vệ hoặc tiền công trả cho chi phí tái sản xuất của chính mình, nhóm thứ hai bị bắt phải cung cấp cho tư bản một dòng đầu vào miễn phí hoặc giá rẻ để làm tăng lợi nhuận. Sự phân chia địa vị giữa những người ‘đơn thuần’ bị bóc lột và những người bị tước đoạt hoàn toàn là nền tảng của xã hội tư bản. Hơn nữa, sự phân chia này gần như trùng khớp với lằn ranh màu da, và nó cũng gây ra một loạt bất công về mặt cơ cấu, bao gồm áp bức chủng tộc, chủ nghĩa đế quốc (cũ và mới), và việc tước đoạt quyền sở hữu và diệt chủng người bản địa.
Sau đó, các xã hội tư bản cũng tạo ra sự phân chia rõ ràng giữa con người và thiên nhiên phi nhân loại, biến chúng thành hai thứ không còn thuộc về cùng một vũ trụ bản thể nữa. Bị biến thành thành một cái vòi và bồn rửa, thiên nhiên phi nhân loại bị khai thác và công cụ hóa một cách tàn bạo. Nếu đây không phải là sự bất công đối với ‘thiên nhiên’ (hoặc đối với các loài động vật không phải con người), thì ít nhất đó là sự bất công đối với các thế hệ loài người hiện tại và tương lai, những người bị bỏ lại trên một hành tinh ngày càng không sống nổi.
Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản thiết lập sự phân chia mang tính cấu trúc giữa “kinh tế” và “chính trị”. Một bên là quyền lực tư nhân của tư bản để tổ chức sản xuất, “chỉ” trừng phạt công nhân dưới đòn roi đói ăn và thiếu thốn; mặt khác là quyền lực công của nhà nước, vừa có độc quyền về bạo lực và vừa đại diện cho luật pháp. Hậu quả của sự phân chia này là sự cắt bớt phạm vi của các mục tiêu chính trị, từ đó loại bỏ một loạt các câu hỏi sinh tử khỏi chương trình nghị sự công. Bằng cách bàn giao những vấn đề này cho tư bản giải quyết, các xã hội tư bản chỉ có thể đem đến một thứ dân chủ nghèo nàn và hạn hẹp. Bằng việc bắt công dân – những người được cho là có quyền tự do – phải tuân theo sự cai trị độc đoán của tư bản, chủ nghĩa tư bản thực sự là một cái vạc chứa sự bất công chính trị dưới dạng đậm đặc.
Do đó, nói chung, một cái nhìn mở rộng về xã hội tư bản có thể giúp ta nhìn thấy một danh mục mở rộng về những bất công có tính chất cơ cấu. Cũng sâu sắc và không ngẫu nhiên như sự bóc lột giai cấp, những bất công này đúng nghĩa là mang tính cấu trúc. Một xã hội chủ nghĩa thay thế cho xã hội tư bản cũng phải khắc phục được chúng. Không chỉ “đơn thuần” chuyển đổi tổ chức sản xuất kinh tế, nó còn phải chuyển đổi mối quan hệ của tổ chức này với tái sản xuất xã hội, và cùng với nó là giới tính và các trật tự tính dục. Tương tự như vậy, nó phải chấm dứt việc tư bản tự do sử dụng ‘những món quà miễn phí (hoặc rẻ tiền)’ của thiên nhiên và việc nó tước đoạt của cải của những nhóm dân cư bị chủng tộc hóa. Cuối cùng, nó phải mở rộng phạm vi tự trị dân chủ ra khỏi giới hạn gò bó hiện nay. Tóm lại, nếu chủ nghĩa xã hội muốn khắc phục những bất công của chủ nghĩa tư bản, thì nó không phải thay đổi “chỉ” nền kinh tế tư bản mà còn phải thay đổi toàn bộ trật tự xã hội được thể chế hóa dưới dạng xã hội tư bản.
Nhưng đó không phải là tất cả. Quan điểm mở rộng về chủ nghĩa tư bản cũng mở rộng quan điểm của chúng ta về cái được coi là khủng hoảng tư bản. Quan điểm này bộc lộ một số xu hướng mang tính tự mất ổn định, vượt trên và vượt qua những xu hướng nội tại của ‘nền kinh tế’ của nó. Đầu tiên, nó tiết lộ một xu hướng mang tính cấu trúc trong các cuộc khủng hoảng tái sản xuất xã hội. Bằng cách cố gắng tránh phải trả tiền cho công việc chăm sóc không lương mà nó phụ thuộc vào, tư bản thường xuyên gây áp lực rất lớn lên những người thực hiện công việc đó: gia đình, cộng đồng và trên hết là phụ nữ. Hình thức xã hội tư bản được tài chính hóa hiện nay đang tạo ra một cuộc khủng hoảng như vậy. Lý do là vì nó đòi hỏi phải cắt giảm việc cung cấp các dịch vụ xã hội công cộng và tăng đáng kể số giờ làm việc được trả lương cho mỗi hộ gia đình và đối với phụ nữ.
Quan điểm mở rộng cũng bộc lộ xu hướng cố hữu dẫn đến khủng hoảng sinh thái, vì tư bản luôn cố gắng để tránh phải trả chi phí thay thế nguyên liệu đầu vào mà nó lấy từ thiên nhiên phi con người. Bằng cách làm cạn kiệt đất và làm ô nhiễm biển, hệ thống này làm ngập các bể chứa carbon và lấn át khả năng vận chuyển carbon của hành tinh. Bằng cách tự mình chiếm đoạt lấy các tài nguyên này nhưng lại từ chối chi phí sửa chữa và thay thế chúng, nó liên tục làm mất ổn định sự tương tác giữa các thành phần con người và phi con người trong tự nhiên. Tôi không cần phải nói thêm rằng cuộc khủng hoảng sinh thái hiện tại của chúng ta nghiêm trọng đến mức nào.
Xu hướng lâm vào khủng hoảng sinh thái và tái sản xuất xã hội của tư bản không thể tách rời khỏi sự phụ thuộc mang tính cấu thành của nó vào sự chiếm đoạt của cải từ các dân tộc bị chủng tộc hóa. Điều này được thể hiện dưới dạng phụ thuộc vào đất đai bị đánh cắp, lao động cưỡng bức và khoáng sản bị cướp bóc; việc biến các khu vực đã bị chủng tộc hóa thành bãi chứa chất thải độc hại và là nơi cung cấp nhân công làm việc chăm sóc bị trả lương thấp – loại công việc ngày càng ăn sâu vào chuỗi chăm sóc toàn cầu. Kết quả là một cuộc khủng hoảng kinh tế, sinh thái, xã hội đan xen với chủ nghĩa đế quốc và sự đối kháng chủng tộc-dân tộc. Chủ nghĩa tân tự do cũng đã làm điều này tồi tệ hơn nhiều lần.
Cuối cùng, quan điểm mở rộng về chủ nghĩa tư bản cho thấy xu hướng khủng hoảng chính trị ăn sâu vào máu của nó. Ở đây, tư bản cũng cố gắng ăn bám bằng cách sống nhờ vào hàng hóa công mà nó cố gắng không trả. Với mục đích trốn thuế và làm suy yếu năng lực điều tiết của nhà nước, nó có xu hướng làm cạn kiệt quyền lực công mà chính nó phụ thuộc vào. Hình thức chủ nghĩa tư bản được tài chính hóa hiện nay đã đưa trò chơi này lên một tầm cao mới. Các tập đoàn lớn giờ đã quyền lực hơn nhiều so với các thể chế công, trong khi tài chính toàn cầu liên tục trừng phạt các quốc gia, biến các cuộc bầu cử thành trò hề (như ở Hy Lạp) và ngăn cản họ giải quyết các khiếu nại của nhân dân, ngay cả khi họ muốn. Kết quả là một cuộc khủng hoảng lớn về quản trị, giờ được thể hiện dưới dạng một cuộc khủng hoảng về bá quyền, khi đông đảo người dân trên toàn cầu rời bỏ các đảng chính trị lâu đời.
Khi đó, nhìn chung, quan điểm mở rộng cho thấy rằng chủ nghĩa tư bản chứa đựng nhiều xu hướng khủng hoảng ở trên và ngoài ‘kinh tế’. Dựa trên quan điểm của Polanyi (và James O’Connor), tôi hiểu xu hướng khủng hoảng trên kinh tế là các nghịch lý “xuyên lĩnh vực”, tức các những mâu thuẫn tồn tại ở các khớp nối vừa tách biệt và vừa kết nối nền kinh tế tư bản với các điều kiện nền tảng phi kinh tế của nó. Tóm lại, tư bản có sẵn trong nó một xu hướng làm xói mòn hoặc phá hủy hoặc làm cạn kiệt (hoặc nói chung là làm mất ổn định) các tiền giả định của chính nó – tức là tư bản có bản chất tự diệt. Đây cũng là các đặc điểm đặc trưng của khiếm khuyết trong xã hội tư bản – và của những gì mà chủ nghĩa xã hội phải khắc phục.
Cuối cùng, quan điểm mở rộng về xã hội tư bản bộc lộ một quan điểm mở rộng về những thiếu hụt dân chủ của nó. Vấn đề không phải “chỉ” nằm ở việc sự bất bình đẳng kinh tế và quyền lực giai cấp đã cản trở khả năng có được tiếng nói dân chủ bình đẳng trong lĩnh vực chính trị. Cũng không phải là “chỉ” bao gồm việc các ông chủ ra lệnh ở nhà máy như độc tài. Điều quan trọng hơn cả là việc loại bỏ những vấn đề có hậu quả nghiêm trọng nhất khỏi phạm vi ra quyết định dân chủ. Chúng ta nên tổ chức việc sản xuất hàng hóa, giá trị sử dụng như thế nào để thỏa mãn nhu cầu? Dựa trên những loại năng lượng nào và thông qua những loại quan hệ xã hội nào? Chúng ta nên liên hệ việc sản xuất hàng hóa như thế nào với việc tái sản xuất con người và với việc tái sản xuất thiên nhiên phi nhân loại? Và có lẽ quan trọng nhất: Chúng ta xử lý thặng dư xã hội mà chúng ta cùng nhau sản xuất như thế nào? Trong các xã hội tư bản, chúng ta hầu như không có tiếng nói trong những vấn đề này. Các nhà đầu tư thường quyết định điều này sau lưng chúng ta.
Do đó, nói chung, một cái nhìn mở rộng về xã hội tư bản sẽ bộc lộ một cái nhìn mở rộng về những khiếm khuyết của hệ thống. Nếu chủ nghĩa xã hội muốn khắc phục những sai lầm của chủ nghĩa tư bản thì nó phải đối mặt với một công việc rất lớn. Nó phải phát minh ra một trật tự xã hội mới vượt qua không chỉ sự thống trị giai cấp mà còn cả sự bất cân xứng về giới tính và giới tính, áp bức chủng tộc/sắc tộc/đế quốc và sự thống trị về mặt chính trị trên diện rộng. Sau đó, nó cũng phải phi thể chế hóa nhiều xu hướng khủng hoảng: không chỉ khủng hoảng kinh tế và tài chính mà còn cả sinh thái, tái sản xuất xã hội và chính trị. Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ 21 phải mở rộng phạm vi của dân chủ để không chỉ bao gồm việc ra quyết định “công bằng” trong một khu vực “chính trị” được xác định trước, mà cơ bản hơn, nó phải dân chủ hóa chính định nghĩa và chính những khuôn khổ cấu thành nên khái niệm ‘chính trị’.
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ GÌ? MỘT TẦM NHÌN MỞ RỘNG
Rõ ràng, bản thân dự án xem xét lại chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ 21 đã là một công việc khá lớn – quá lớn đối với một cá nhân hoặc thậm chí một nhóm người. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực tổng hợp của các nhà hoạt động và các nhà lý luận, vì những hiểu biết sâu sắc thu được thông qua đấu tranh xã hội sẽ bện chặt với việc tổ chức chính trị.
Tuy nhiên, tôi muốn đưa ra ba suy tư ngắn gọn mang tính tiếp nối những gì tôi đã nói. Những điều này liên quan đến ranh giới thể chế, thặng dư xã hội và vai trò của thị trường.
Các câu hỏi về ranh giới cũng quan trọng như các câu hỏi về việc tổ chức nội bộ của các “lĩnh vực” được cho là nhất định (chẳng hạn như “kinh tế” và “chính trị”). Thay vì tập trung hoàn toàn hoặc một chiều vào việc tổ chức ‘nền kinh tế’, những người ủng hộ xã hội chủ nghĩa cần suy nghĩ về mối quan hệ của ‘nền kinh tế’ với các điều kiện nền tảng của nó, tức là đối với tái sản xuất xã hội, các hình thức của cải phi nhân loại, và các loại tài nguyên và quyền lực công cộng phi tư bản hóa. Nếu chủ nghĩa xã hội vượt qua tất cả các hình thức phi lý, bất công và áp bức, thì nó phải hình dung lại các mối quan hệ giữa sản xuất và tái sản xuất, xã hội và tự nhiên, xã hội và chính trị.
Tôi không muốn gợi ý rằng chủ nghĩa xã hội chỉ nên nhằm mục đích xóa bỏ những chia rẽ này. Nỗ lực của Liên Xô nhằm xóa bỏ sự phân biệt giữa “chính trị” và “kinh tế” có thể coi là một lời cảnh báo chung chống lại việc làm này. Nhưng chúng ta có thể và phải hình dung lại sự phân chia thể chế tạo nên một xã hội tư bản. Chẳng hạn, chúng ta có thể xem xét việc tái bố trí chúng sao cho các vấn đề từng thuộc về kinh tế giờ đây trở thành chính trị hoặc xã hội. Chúng ta cũng có thể làm dịu đi các ranh giới thể chế, làm cho các lĩnh vực khác nhau trở nên mềm dẻo hơn, nói theo cách khác là ít đối kháng nhau hơn. Điều chắc chắn là một xã hội xã hội chủ nghĩa phải vượt qua hành vi tư bản cướp lấy tài nguyên tự nhiên và lao động tái sản xuất xã hội – chính những nguồn tài nguyên đã tạo nên tài sản cho nó.
Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải đảo ngược các ưu tiên hiện tại trong các lĩnh vực đó: trong khi các xã hội tư bản hạ thấp tái sản xuất xã hội và sinh thái xuống thấp hơn ưu tiên sản xuất hàng hóa thì các xã hội chủ nghĩa cần phải đảo ngược mọi thứ: việc nuôi dưỡng con người, việc bảo vệ thiên nhiên và quyền tự trị dân chủ là những ưu tiên cao nhất của xã hội, được đặt lên trên năng suất và tăng trưởng. Trên thực tế, nó phải đặt những vấn đề mà tư bản đã loại bỏ ngay lên hàng đầu.
Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ XXI phải dân chủ hóa chính quá trình thiết lập và sửa đổi các ranh giới thể chế. Do đó, bản thân công việc “siêu chính trị” trong việc “tái định nghĩa” phải được kiểm soát thông qua quyết định dân chủ tập thể: công chúng phải tự mình quyết định những vấn đề nào sẽ được giải quyết trong phạm vi tham gia chính trị nào. Bằng cách làm điều này, các đơn vị lãnh thổ như quốc gia không cần (và có lẽ không nên) bị bãi bỏ một cách đơn giản. Thay vào đó, chúng cần được kết nối với các đơn vị chính trị mới được phân chia theo chức năng, và chúng sẽ hoạt động ở các quy mô khác nhau và dựa trên nguyên tắc ‘ai chịu ảnh hưởng thì có quyền quyết’.
Nói chung, việc tái định nghĩa xã hội chủ nghĩa phải bị hạn chế bởi nguyên tắc không thống trị – được áp dụng dọc theo tất cả các trục chính cố thủ trong các xã hội tư bản – cũng như dọc theo bất kỳ trục thống trị nào khác mà chúng ta có thể khám phá hoặc tạo ra trong tương lai.
Hơn nữa, việc tái định nghĩa phải tuân theo nguyên tắc ‘trả theo mức sử dụng’ một cách có chừng mực. Bằng cách tránh xa việc ăn bám và ‘tích lũy nguyên thủy’, chủ nghĩa xã hội phải đảm bảo tính bền vững của tất cả các điều kiện sản xuất mà chủ nghĩa tư bản đã tàn nhẫn vứt bỏ. Nói cách khác: một xã hội xã hội chủ nghĩa phải cam kết bổ sung, sửa chữa hoặc thay thế toàn bộ của cải mà nó sử dụng hết trong sản xuất và tái sản xuất. Nó phải bổ sung công việc chăm sóc và tạo dựng con người cũng như công việc tạo ra giá trị sử dụng hoặc hàng hóa. Nó phải thay thế tất cả của cải mà nó lấy được từ ‘bên ngoài’ – từ các dân tộc và xã hội ngoại vi cũng như từ thiên nhiên phi nhân loại. Nó phải bổ sung năng lực chính trị và hàng hóa công cộng mà nó sử dụng trong quá trình đáp ứng các nhu cầu khác. Nói cách khác: không được phép hưởng thụ miễn phí. Điều khoản này là một điều kiện thiết yếu để khắc phục sự bất công giữa các thế hệ vốn có trong xã hội tư bản. Chỉ bằng thực hiện hóa nó thì chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 mới có thể vượt qua được sự phi lý của chủ nghĩa tư bản và phi thể chế hóa các khuynh hướng khủng hoảng cố hữu của nó.
Điều này đưa tôi đến loạt suy ngẫm thứ hai, liên quan đến vấn đề thặng dư xã hội chủ nghĩa cổ điển. Thặng dư là quỹ của cải mà xã hội tạo ra vượt quá mức cần thiết để tự tái sản xuất ở mức độ và hình thức hiện tại. Trong các xã hội tư bản, như tôi đã lưu ý, thặng dư được coi là tài sản riêng của giai cấp tư bản và được chủ sở hữu của nó sử dụng khi thích, thường dưới dạng tái đầu tư với mục đích tạo ra nhiều thặng dư hơn nữa – liên tục, không giới hạn. Điều này, như chúng ta đã thấy trước đây, vừa bất công vừa tự gây bất ổn.
Một xã hội xã hội chủ nghĩa phải dân chủ hóa việc kiểm soát thặng dư xã hội. Nó phải phân bổ thặng dư một cách dân chủ, thông qua việc ra quyết định tập thể để quyết định chính xác phải làm gì với năng lực và nguồn lực dư thừa hiện có – cũng như lượng năng lực dư thừa mà nó muốn sản xuất trong tương lai, hay là liệu nó có muốn tạo ra bất kỳ thặng dư nào hay không. Nói cách khác, nó phải phi thể chế hóa yêu cầu tăng trưởng đã gắn liền với xã hội tư bản. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải thể chế hóa “khử tăng trưởng” như một biện pháp phản mệnh lệnh cứng rắn, mà đúng hơn là chúng ta phải hiểu “tăng trưởng” (bao nhiêu, nếu có, loại nào, như thế nào và ở đâu) như là một vấn đề chính trị. Trên thực tế, chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI phải xử lý tất cả những câu hỏi mà tôi đã đề cập trước đây dưới dạng những câu hỏi chính trị, tức chúng phải được giải quyết một cách dân chủ: sản xuất cái gì và bao nhiêu; dành bao nhiêu giờ để sản xuất vượt mức cần thiết để tái sản xuất xã hội ở mức hiện tại.
Thặng dư cũng có thể được coi là thời gian: thời gian còn lại sau khi làm công việc đáp ứng nhu cầu của chúng ta và bổ sung những gì chúng ta đã sử dụng hết; do đó, thời gian đó có thể là thời gian rảnh. Viễn cảnh về thời gian rảnh rỗi đã là trục xoay trung tâm của tất cả các lý thuyết cổ điển về tự do xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả lý thuyết của Marx. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều thời gian rảnh. Nguyên nhân nằm ở khoản chi phí khổng lồ chưa thanh toán mà xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ thừa hưởng từ chủ nghĩa tư bản. Mặc dù chủ nghĩa tư bản tự hào về năng suất của nó, và mặc dù bản thân Marx coi nó là động cơ thực sự để sản xuất thặng dư, nhưng tôi vẫn nghi ngờ về điều này. Vấn đề là, Marx tính thặng dư dưới dạng thời gian lao động mà tư bản chiếm đoạt được từ những người lao động sau khi họ tạo ra giá trị đủ để trang trải chi phí sinh hoạt của chính họ. Ngược lại, ông ít chú ý hơn đến những “quà tặng miễn phí” và “giá rẻ” khác nhau mà tư bản chiếm đoạt, và càng ít chú ý đến việc nó không thể chi trả được chi phí tái sản xuất. Điều gì sẽ xảy ra nếu bao gồm những thứ đó trong tính toán của ta? Điều gì sẽ xảy ra nếu tư bản phải trả công cho công việc tái sản xuất miễn phí, cho việc sửa chữa và bổ sung sinh thái, cho của cải bị tước đoạt từ những người bị chủng tộc hóa, và cho hàng hóa công cộng? Nó thực sự sẽ sản xuất ra bao nhiêu thặng dư? Tất nhiên đó là một câu hỏi tu từ. Tôi thậm chí còn không biết phải trả lời như thế nào. Nhưng tôi chắc chắn rằng một xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ thừa hưởng một gánh nặng khổng lồ cho những chi phí chưa thanh toán trong nhiều thế kỷ.
Nó cũng sẽ phải gánh chịu một khoản chi phí khổng lồ cho những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của con người trên toàn cầu: nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhà ở, thực phẩm bổ dưỡng (và ngon), giáo dục, giao thông, v.v. Những điều này cũng không nên được coi là đầu tư thặng dư mà là những vấn đề cấp thiết. Điều tương tự cũng xảy ra đối với công việc cấp bách và to lớn là loại bỏ sự phụ thuộc vào hóa thạch của nền kinh tế thế giới – một nhiệm vụ không hề thứ cấp. Nói chung, câu hỏi cái gì là cần thiết và cái gì là thặng dư mang một vỏ bọc khác trong quan điểm mở rộng về chủ nghĩa tư bản.
Điều này cũng đúng với câu hỏi về vai trò của thị trường trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Câu trả lời được gợi ý bởi những gì tôi đã nói ở trên có thể được cô đọng trong một công thức đơn giản: không có thị trường ở quy mô cao nhất, không có thị trường ở quy mô dưới cùng, nhưng có thể có một số thị trường ở giữa. Sau đây là phần giải thích.
“Quy mô cao nhất” ở đây ám chỉ sự phân bổ thặng dư xã hội. Giả sử có thặng dư xã hội được phân bổ thì nó phải được coi là của cải chung của toàn xã hội. Không một cá nhân, công ty hoặc nhà nước nào có thể sở hữu nó hoặc có quyền định đoạt nó. Tài sản tập thể và thặng dư thực sự phải được phân bổ thông qua các quá trình ra quyết định và lập kế hoạch – các quy trình có thể và phải được tổ chức một cách dân chủ. Cơ chế thị trường không nên đóng bất cứ vai trò nào ở quy mô này. Cả thị trường lẫn tài sản tư hữu đều không được phép tồn tại ở quy mô cao nhất.
Điều tương tự cũng áp dụng với quy mô thấp nhất, tức là các nhu cầu cơ bản: chỗ ở, quần áo, thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giao thông, liên lạc, năng lượng, giải trí. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể chỉ định chính xác những gì được coi là nhu cầu cơ bản và cần những gì để thỏa mãn chúng. Đó nên được quyết định thông qua thảo luận và thông qua việc ra quyết định một cách dân chủ. Nhưng tất cả mọi thứ đều phải được cung cấp dựa trên cơ sở quyền lợi được hưởng, chứ không phải trên cơ sở khả năng chi trả. Điều này có nghĩa là những giá trị sử dụng mà chúng ta tạo ra để đáp ứng những nhu cầu này không thể là hàng hóa được. Đúng hơn, chúng phải là hàng hóa công cộng. Đây là lý do tại sao tôi không ưa khái niệm thu nhập cơ bản phổ quát (hoặc vô điều kiện) (UBI). Dự án đó trả tiền mặt cho mọi người để mua những thứ đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ, từ đó coi sự thỏa mãn nhu cầu cơ bản như là hàng hóa. Một xã hội xã hội chủ nghĩa nên coi chúng như hàng hóa công cộng. Điều này đồng nghĩa với việc không có thị trường nào ở quy mô thấp nhất.
Tựu lại, không có thị trường ở quy mô thấp nhất hoặc cao nhất. Nhưng còn ở giữa thì sao? Tôi không có quan điểm rõ ràng về câu hỏi này. Nhưng tôi tưởng tượng khoảng giữa là không gian để thử nghiệm sự kết hợp của nhiều khả năng khác nhau – một không gian mà ‘chủ nghĩa xã hội thị trường’ có thể tìm được chỗ đứng, cùng với các hợp tác xã, cộng đồng, hiệp hội tự tổ chức và các dự án tự quản lý. Tôi nghĩ rằng sự phản đối thị trường trong phe xã hội chủ nghĩa sẽ tan biến hoặc giảm bớt trong bối cảnh mà tôi hình dung ở đây, nơi mà hoạt động của họ sẽ không bị ảnh hưởng hay bị bóp méo bởi các cơ chế thúc đẩy tích lũy tư bản và bởi sự chiếm hữu thặng dư xã hội của tư nhân. Một khi quy mô cao nhất và thấp nhất được xã hội hóa và phi hàng hóa thì chức năng và vai trò của các thị trường ở phần giữa sẽ được chuyển đổi. Đề xuất đó đối với tôi có vẻ đã đủ rõ ràng, ngay cả khi tôi không thể nói chính xác là rõ ràng như thế nào.
Thực chất, tôi nhận ra quan điểm về chủ nghĩa xã hội mà tôi phác họa ở đây mỏng manh và thô sơ đến mức nào. Những gì tôi đưa ra chỉ là những phác thảo sơ sài nhất về một tập hợp rất nhỏ các câu hỏi có liên quan. Nhưng tôi hy vọng rằng ngay cả sự khởi đầu sơ sài này cũng có thể có giá trị nào đó. Tôi hy vọng là tôi đã thuyết phục được bạn rằng dự án xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 21 không chỉ đơn thuần là một từ thông dụng. Thay vào đó, ‘chủ nghĩa xã hội’ phải trở thành tên gọi cho một giải pháp thay thế thực sự cho hệ thống hiện đang hủy diệt hành tinh này và cản trở cơ hội sống tự do, dân chủ và tốt đẹp của chúng ta. Tôi cũng hy vọng tôi đã thuyết phục được bạn rằng chủ nghĩa xã hội ngày nay không thể được hiểu theo cách cổ điển. Chỉ bằng cách bắt đầu với một quan điểm mở rộng về chủ nghĩa tư bản thì chúng ta mới có thể tiến tới việc phát triển một quan điểm mở rộng về chủ nghĩa xã hội. Bằng cách này, chủ nghĩa xã hội mới có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và hy vọng của chúng ta trong thế kỷ XXI. ♦
Bạn đọc có thể đọc file PDF của bài viết này tại đường link sau đây: fraser-what-should-socialism-mean-in-the-21st.-century
Admin của VNYM