The White Tiger – Hổ trắng trong lồng cũi áp bức.
Ngày trước, Ấn Độ có cả ngàn đẳng cấp với những số phận khác nhau, ngày nay, chỉ còn 2, kẻ bụng phệ và người lép kẹp, kẻ ăn thịt và người bị thịt
The White Tiger là tên một bộ phim vừa mới được ra mắt đầu năm nay trên kênh Netflix. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của Aravind Adiga, bộ phim đã thông qua câu chuyện kể của một người dưới đáy cùng xã hội để khắc họa nên một cách sinh động số phận khốn cùng của hàng triệu người nghèo Ấn Độ dưới sự áp bức tàn bạo của giai cấp thống trị.
Trước khi một kỷ nguyên cách mạng đến, trong thời gian dài có thể đến hàng thế kỷ, đa số cúi đầu chấp nhận trước cái mà người ta thường gọi là số mệnh. Chỉ số ít dám ước mơ và đấu tranh cho sự thay đổi, trong đó có nhân vật chính của chúng ta, Balram Halwai, một cậu bé thông minh, lanh lợi. Thông điệp của cái người được mệnh danh là “nhà xã hội chủ nghĩa vĩ đại”, bất kỳ cậu bé nghèo nào ở bất kỳ làng quê hẻo lánh nào đều có thể lớn lên trở thành tổng thống Ấn Độ, làm đôi mắt đứa trẻ sáng ngời rạng rỡ.
Thứ vĩ đại nhất trong lịch sử 10.000 năm của đất nước này là cái chuồng gà. Lũ gà thấy và ngửi được mùi máu của đồng loại, chúng biết mình sẽ kế tiếp nhưng chúng không phản kháng, không cố thoát khỏi cái chuồng. Người hầu ở đây cũng được dạy cách hành xử như vậy…
Nhưng đó chỉ là một biếm họa, nó nhanh chóng bị hiện thực đè bẹp. Cha cậu, cũng giống như hàng triệu nông dân Ấn Độ khác, chịu sự bóc lột đến cùng kiệt từ địa chủ, lo cho con một tương lai tốt đẹp hơn hoàn toàn ngoài tầm với của họ. Thông minh cũng vô ích. Để trả nợ cho cha và kiếm tiền nuôi gia đình, Halwai đã buộc phải từ bỏ cơ hội nhận học bổng và đến làm thuê ở tiệm trà. Dẫu vậy chúng ta sẽ thấy ước mơ đó không lụi tắt, nó vẫn phảng phất xuyên suốt bộ phim, qua hình ảnh của những tấm áp phích tranh cử và bức tượng đài Gandhi được lặp đi lặp lại.
Balram ý thức rõ số mệnh của một nông dân nghèo nơi làng quê trong hình ảnh của cha và anh mình, trên thực tế cậu đã luôn cố gắng để chống lại cái số mệnh ấy. Trớ trêu thay là chỉ có một cách, đến làm tôi tớ cho lão địa chủ Cò. Cậu có biết ông ta là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của cha? Biết. Cậu có hận? Không. Thực sự khoảnh khắc mà Balram được nhận vào làm tài xế cho nhà chủ là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của cậu.
Những người nghèo Ấn Độ được thấm nhuần tâm lý nô lệ, thông qua hàng ngàn sợi xích của nợ nần, ràng buộc gia đình, được rèn giũa và khắc sâu qua mỗi hành động hàng ngày, từ sự cam chịu đánh đập, sự quỳ sụp tới nụ cười thường trực trên môi khi đứng trước mặt chủ. Nụ cười đó vẫn không tắt ngay cả khi bị buộc phải ký giấy thú tội cái tội mình không làm. Họ là những con gà trong chiếc lồng sắt của chủ nhân, mắc kẹt trong bóng tối và không thể tự quyết định số phận của mình.
“Tôi đã được sinh ra như thế, nó ngấm vào máu tôi, rèn giũa tâm hồn tôi”
Được nhận vào làm lái xe cho nhà địa chủ Cò cậu đã được làm quen với Ashok, cậu con ông chủ mới du học ở Mỹ về và vợ anh ta, Pinky, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Môi trường giáo dục khác biệt khiến cho họ đối xử một cách thân thiện với những người hầu, Ashok đã định bắt tay Balram khi lần đầu tiên 2 người gặp gỡ, trong khi Pinky thường xuyên quan tâm và hỏi han Balram. Đó là một sự đối xử mà bất kỳ người hầu Ấn Độ nào đến mơ cũng sẽ không dám mơ đến. Nhưng điều này rất nguy hiểm, khi kẻ nô lệ nhận ra mình cũng là một con người, anh ta sẽ không còn muốn làm nô lệ nữa. Gia đình, cái đầu tiên đã trói chặt mọi ước mơ và tự do của Balram, anh đã không chỉ còn trốn chạy nữa mà bắt đầu phản kháng, tấm lưới sắt đầu tiên của chuồng gà đã bị rách. Cần phải biết rằng chính gia đình cũng là một sợi dây xích mà bọn thống trị dùng để trói buộc những người nô lệ của mình. Sự tàn bạo của kẻ thống trị về bản chất không phải là một thú vui cá nhân mà là nhu cầu thiết yếu để giữ người nô lệ trong vòng nô lệ. Nhưng hãy khoan nói về điều này, chúng ta quay trở lại câu chuyện.
Khi Pinky hỏi về ước mơ của mình, Balram đã trả lời rằng mình chỉ mong được làm người hầu suốt đời cho 2 người họ, đó không phải là lời nịnh bợ, sự chân thật ánh lên trong mắt Balram. Cậu ấy đã thực sự tin là trong mắt những người chủ của mình cậu ấy cũng là một con người, cũng giống như họ. Không cần phải mất quá lâu để ảo tưởng đó bị vỡ vụn. Khi bị lão Cò và cầy Magnut ép phải ký “giấy thú tội” cái tội mà anh không làm, đôi mắt Balram đờ đẫn nhìn cậu chủ Ashok. Pilky không có ở đó nhưng việc cô ấy đưa tiền trước khi ra đi khiến Balram hiểu rằng cô ấy cũng ngầm đồng ý trước điều xấu xa đó. Cậu bắt đầu nghĩ nhiều hơn về tương lai.
– Anh đã từng nghĩ sau này anh sẽ thế nào chưa?
– Mắt, chừng nào còn nhìn được thì còn được việc. Nhưng khi anh 50, 55, họ sẽ đuổi anh.
– Sau đó?
– Nếu tiết kiệm chắc sẽ kiếm được một túp lều, nếu khôn hơn thì chắc sẽ khá hơn. Đó là trường hợp tốt nhất. Hãy tưởng tượng anh bị đuổi mà không có lý do hoặc anh bị tai nạn. Anh sẽ vô gia cư hoặc chết!
Balram bắt đầu sử dụng sự lươn lẹo của mình để kiếm cho mình chút đỉnh. Nhưng không chỉ thế một sự căm hận bắt đầu nhen nhóm, không phải một sự thù hận cá nhân mà sự thù hận của những kẻ chịu áp bức, từng sợi xích trói buộc kẻ nô lệ bị đập vỡ.
Dù con có ăn cắp số tiền đó đó cũng không phải là ăn cắp. Ashok hối lộ các chính trị gia để trốn thuế. Vậy ai mới là kẻ ăn cắp? Ai là người bị ăn cắp? Là những người thường dân của đất nước này, cha và con.
Khi chứng kiến “nhà xã hội chủ nghĩa vĩ đại”, kẻ luôn tự nhận là đại diện cho người nghèo, cũng không khác gì những chính trị gia khác nhận hối lộ từ gia đình Ashok, Balram biết rằng sự thay đổi chỉ đến khi tự mình hành động. Một cách chân thực sự kiện này phản ánh sự sụp đổ hoàn toàn ảo tưởng của quần chúng trước những kẻ “đại diện dân”.
Balram giết người có sai? Ashok có đáng tội phải chết? Câu trả lời xin dành lại cho các nhà đạo đức tư sản. Với chúng tôi điều này chỉ là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giữa những lực lượng đối lập.
Tôi chỉ là một người đã thức dậy trong khi những người còn lại vẫn đang ngủ
Bộ phim hẳn mang một thông điệp cách mạng? Thành thật là không, đúng hơn nó là một lời cảnh báo nghiêm khắc đến các giai cấp thống trị, rằng những con gà sẽ không mãi cam chịu ngồi yên trong chuồng.
Bất chấp mong muốn cá nhân của Balram về một cách hành xử khác với những ông chủ cũ có rất ít sự thay đổi đã thực sự diễn ra. Vẫn còn đó kẻ giàu và người nghèo, vẫn còn đó những quan chức tham nhũng và một hệ thống thối nát tới tận gốc rễ, có chăng là sự thay đổi quan hệ ông chủ với đầy tớ bằng quan hệ ông chủ với người làm thuê. Chúng ta có nên kỳ vọng vào sự thay đổi này? Cá nhân tôi thì không, còn bạn?