Một chủ nghĩa Marx xanh hơn? Cách Kohei Saito kết nối chủ nghĩa cộng sản với khủng hoảng khí hậu

Một chủ nghĩa Marx xanh hơn? Cách Kohei Saito kết nối chủ nghĩa cộng sản với khủng hoảng khí hậu

Maya Goodfellow

Tác giả của tác phẩm gây bất ngờ Tư bản trong thế Nhân loại đã phát triển lập luận của mình trong một nghiên cứu mới về tư duy sinh thái của Karl Marx

Kohei Saito

__________________________________

Khi Kohei Saito nộp bản thảo của mình về tư tưởng của Karl Marx, khủng hoảng sinh thái và về các luận điểm ủng hộ giảm tăng trưởng, ông hy vọng nó có thể giới thiệu một quan điểm mới về khủng hoảng khí hậu cho một vài người ở Nhật Bản.

Ba năm sau, và cuốn sách Tư bản trong thế Nhân loại đã bán được hơn nửa triệu bản và Saito giờ đã trở thành một nhà Marxist nổi tiếng.

“Đây là một bất ngờ lớn,” Saito thừa nhận trên Zoom từ phòng của anh ở Tokyo, “bởi vì có ai quan tâm đến Marx và chủ nghĩa cộng sản đâu?”

Bây giờ Saito, người tự nhận rằng mình không phải lúc nào cũng là “người cộng sản giảm tăng trưởng”, đã viết một cuốn sách mang tính hàn lâm hơn, Marx trong thế Nhân loại. Cuốn sách này phát triển những lập luận đó để đề xuất chủ nghĩa cộng sản giảm tăng trưởng như một “cách sống mới”.

Vào thời điểm mà kinh tế học giảm tăng trưởng đang được tranh luận sôi nổi trong và ngoài phong trào môi trường, mục tiêu của Saito là “vượt qua sự phân chia giữa chủ nghĩa Mác và giảm phát triển”, tức là đưa màu đỏ và màu xanh lá cây lại với nhau. Saito viết: Nhiều người trong phong trào bảo vệ môi trường cho rằng chủ nghĩa tư bản và “sự tích lũy vô hạn của nó trên một hành tinh hữu hạn… là nguyên nhân gốc rễ của sự phá huỷ khí hậu”. Nhưng do các bài viết của Marx về sinh thái học thường bị gạt ra ngoài lề, có quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội của ông mang tính chất ủng hộ công nghệ và phản sinh thái – tức nó ủng hộ sự phát triển của công nghệ để đặt nền móng cho một xã hội hậu tư bản và phớt lờ giới hạn của tự nhiên, với niềm tin rằng con người có thể kiểm soát nó. Theo Saito, việc xây dựng lại Marx là điều cần thiết và có thể. Ta phải làm vậy để có thể thấy ông đã phân tích kinh tế và khủng hoảng sinh thái ra sao.

Saito nghiên cứu về Marx lần đầu tiên khi ông còn là sinh viên đại học tại Đại học Tokyo, trong lúc cố gắng tìm hiểu điều kiện làm việc xuống cấp của những người lao động tạm thời ở Nhật Bản. Sau trận động đất và thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, anh nhận ra “chủ nghĩa tư bản không chỉ bóc lột người lao động mà còn hủy hoại môi trường nghiêm trọng như thế nào”. Bị ảnh hưởng bởi các học giả đã ủng hộ Marx với tư cách là một nhà tư tưởng sinh thái – bao gồm Paul Burkett và John Bellamy Foster – Saito đã mài giũa phân tích của mình khi học ở Mỹ và bắt đầu học tiếng Đức trước khi bước đi tiếp theo của mình.

Chỉ khi đã ở Berlin, nơi anh vừa thực hiện nghiên cứu tiến sĩ, vừa viết cuốn sách đoạt giải, thì ông mới tham gia biên tập một tuyển tập Marx và Engels mới có tên Marx-Engels-Gesamtausgabe, bao gồm một số sổ ghi chép đã bị lãng quên từ lâu của Marx. “Nếu bạn nhìn vào sổ ghi chép của ông, sẽ có thể nhận thấy rằng ông nghiên cứu hai lĩnh vực kỳ lạ: một là khoa học tự nhiên và một là xã hội tư bản chủ nghĩa.” Trong khi Marx được cho là đang hoàn thành Tập II và III của Bộ Tư bản, thì ông “thực ra đang nghiên cứu khoa học tự nhiên, hóa học, địa chất”. Saito lập luận rằng sự thay đổi này chỉ ra một sự thay đổi quan trọng trong suy nghĩ của Marx. Saito viết: “Khi đắm mình trong nghiên cứu sinh thái học, “Marx đã kết luận rằng việc cướp bóc môi trường tự nhiên là biểu hiện của mâu thuẫn mấu chốt của chủ nghĩa tư bản.”

Bằng cách tổng hợp những cách tiếp cận khác nhau này, Saito đã phát triển một “cách đọc Marx độc đáo”, ông nói, với tư cách là một “người cộng sản giảm phát triển”.

Suy thoái lập luận rằng tăng trưởng kinh tế – chén thánh đối với hầu hết mọi chính phủ – đơn giản là không bền vững và để ngăn chặn thảm hoạ khí hậu, chúng ta phải giảm tiêu dùng. Saito trích dẫn tác phẩm của Jason Hickel như một ví dụ. Anh nhận thức được những phê bình cho rằng việc ngăn chặn nhiều quốc gia ở phía nam bán cầu có được cơ hội “phát triển” theo cách mà phía Bắc bán cầu đã đạt được có thể gây tổn hại cho những người vốn đã rất nghèo. Xuyên suốt “Marx trong thế Nhân loại” là nhận thức về sự mất cân bằng toàn cầu này. “Giống như nhiều người tin vào giảm phát triển, tôi giới hạn phạm vi tranh luận của mình ở phía bắc toàn cầu, các nước phát triển như Anh, Nhật Bản và Mỹ. Rõ ràng là tôi ủng hộ tăng trưởng cho những nước nghèo ở phía nam bán cầu.” Tuy nhiên, điều cần thiết để đạt được điều đó là một quan niệm mới về “sự phong phú” và “sự tiến bộ”, Saito nói. Tất cả mọi người trên hành tinh này nên được tiếp cận với những thứ cơ bản mà chúng ta cần để sống – điện, nước, giáo dục – nhưng “chúng ta cần đưa ra một tầm nhìn trong đó sự sản xuất hàng loạt, tiêu dùng hàng loạt và lãng phí hàng loạt có thể tránh được.”

Điều quan trọng khi tưởng tượng ra thế giới mới này là một hướng suy nghĩ khác trong sổ ghi chép của Marx: mối quan tâm của ông đối với các xã hội tiền tư bản, phi phương Tây. Ngược lại với chủ nghĩa vị chủng trong một số tác phẩm trước đó của mình, cuối đời, Marx nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc học hỏi” từ những nơi này “đối với các xã hội phương Tây”. Ảnh hưởng bởi điều này và các nghiên cứu về sinh thái, tư tưởng của Marx về chủ nghĩa cộng sản đã thay đổi đáng kể và không còn bị thúc đẩy bởi tăng trưởng nữa. Saito nói: “Xã hội tiền tư bản có các quy định chung về đất đai rất độc đáo, và họ cũng áp đặt nhiều quy tắc khác nhau lên sản xuất và tiêu dùng, và điều này tạo ra một trạng thái sản xuất bền vững ổn định hơn.”

Tuy nhiên, bạn có thể thắc mắc tại sao sự gắn bó sâu sắc như vậy với một nhà tư tưởng thế kỷ 19 lại quan trọng tới ngày nay. Saito lập luận rằng cách hiểu của Marx về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên – được gói gọn trong lý thuyết về “rạn nứt sinh thái hệ” (metabolic rift), một chủ đề được tranh luận sôi nổi trong giới Marxist – có thể xác định cách chúng ta ứng phó với khủng hoảng khí hậu và sinh thái mà chúng ta hiện đang phải đối mặt. Tiền đề cơ bản của luận điểm này là tương tác giữa con người/thiên nhiên là “nền tảng của sự sống”, nhưng chủ nghĩa tư bản sắp xếp “các tương tác giữa con người với hệ sinh thái” theo cách tạo ra “một khoảng cách lớn giữa các quá trình này và đe dọa cả con người và các sinh vật khác”, Saito nói. Một số người chỉ trích khái niệm này, cho rằng nó phân chia tự nhiên và xã hội, và bỏ qua việc tự nhiên bị chủ nghĩa tư bản biến đổi hoàn toàn như thế nào. Nhưng Saito không đồng ý.

Việc ông sử dụng thuật ngữ “thế nhân loại” nhằm mục đích thừa nhận rằng “cả hành tinh hiện đã bị biến đổi hoàn toàn bởi các hoạt động kinh tế của chúng ta”, nhưng ông bác bỏ rằng điều này có nghĩa là chúng ta không cần phải phân biệt giữa tự nhiên và xã hội. Saito cho rằng nếu chúng ta hiểu hai vấn đề này giống nhau thì chúng ta có nguy cơ tin rằng các vấn đề môi trường có thể được khắc phục thông qua sự can thiệp triệt để hơn từ con người. Chúng ta phải hiểu được những khác biệt để nắm bắt những gì “chúng ta không thể thay đổi” – chẳng hạn như nhiệt độ tăng do CO2 và các phản ứng dây chuyền tự nhiên bắt nguồn từ đó – và những gì chúng ta có thể thay đổi: khẩn cấp nhất là “ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch”, Saito nói.

Điều này khiến anh hoài nghi về chủ nghĩa Utopia công nghệ. Mặc dù anh đã từng lạc quan về khả năng phát triển công nghệ, nhưng giờ đây anh đã nhìn thấy những hạn chế của nó. Saito nói: “Bằng cách hy vọng sẽ có những công nghệ mới, chúng ta chỉ cần đợi cho đến khi chúng được phát minh. Tuy nhiên, kết quả là chúng sẽ không bao giờ có và tất cả chúng ta sẽ chết,” Saito nói. Đây không chỉ là lời chỉ trích về những giải pháp công nghệ được ca ngợi nhiều trong chủ nghĩa tư bản, chẳng hạn như thu hồi và lưu trữ carbon, mà còn về ý tưởng rằng chúng ta có thể chuyển giao công nghệ tư bản sang một xã hội cộng sản không tưởng tự động – nơi rô-bốt (được xã hội sở hữu chung) thực hiện phần lớn công việc, và tình khan hiếm tài nguyên không còn tồn tại nhờ năng lượng xanh và những thứ như khai thác tiểu hành tinh.

Saito hoan nghênh những nỗ lực tưởng tượng về một thế giới hậu tư bản chủ nghĩa này, nhưng cuối cùng lại coi chúng là sai lầm. Ông nhận xét: “Loại tương lai này hấp dẫn vì nó thỏa mãn những mong muốn tức thời của con người mà lại không thách thức phương thức sống đế quốc hiện tại ở phía bắc bán cầu. “Tầm nhìn như vậy chấp nhận các tiêu chuẩn giá trị và lý tưởng tiêu dùng hiện có một cách quá dễ dãi.”

Saito lập luận rằng chủ nghĩa tư bản không chỉ coi thường sự khan hiếm tự nhiên, và không quan tâm đến giới hạn của hành tinh, mà nó còn tạo ra sự khan hiếm một cách giả tạo, khiến chúng ta luôn buộc phải muốn nhiều hơn: điện thoại, ô tô hoặc áo khoác mới nhất. Nhưng chúng ta có thể tổ chức lại mối quan hệ của mình với thiên nhiên, Saito khẳng định, để tưởng tượng ra một sự dồi dào theo cách mới: điều chỉnh quảng cáo, việc sử dụng xe SUV và thay đổi kiểu điện thoại di động liên tục trong khi “phân phối cả của cải và gánh nặng một cách bình đẳng và công bằng hơn giữa các thành viên trong xã hội”. Một số lĩnh vực – những lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận và do đó kém phát triển trong chủ nghĩa tư bản – sẽ được cải thiện, điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều tiền và nguồn lực hơn sẽ được dành cho “giáo dục, công việc chăm sóc, nghệ thuật, thể thao và giao thông công cộng”.

Saito khẳng định đây không phải là một tương lai khốn khổ. Trích dẫn Kate Soper, ông cho rằng nhu cầu thường xuyên tham gia vào công việc cạnh tranh và tiêu dùng không phải là dấu hiệu của một cuộc sống tốt đẹp. Trên thực tế, nó hạn chế cơ hội có được những trải nghiệm nằm ngoài thị trường. Nếu sản xuất cho tiêu dùng quá mức (điều “cần thiết” cho tăng trưởng kinh tế, không phải sự phát triển của cá nhân) không còn tồn tại nữa, công ăn việc làm có thể sẽ thay đổi toàn diện. Chúng ta có thể dành ít thời gian làm việc hơn, mà thay vào đó dành nhiều thời gian để sử dụng khả năng và tài năng của mình để làm những gì ta có thể và chia sẻ những nhiệm vụ khó chịu và nhàm chán một cách công bằng hơn.

Tuy nhiên, Saito không coi đây là một công cuộc cuộc “trở về nông thôn”, từ bỏ mọi công nghệ; ông cũng không phải là người theo chủ nghĩa Mác thời Liên Xô. Trích dẫn sự phân biệt của André Gorz giữa “công nghệ mở” và “khóa”, ông ủng hộ loại công nghệ mở. Công nghệ khoá là loại công nghệ “liên quan đến sự thống trị cả con người và thiên nhiên”, tức là “công nghệ kỷ luật và độc quyền”. Công nghệ mở thì ngược lại. Saito lấy ví dụ về các nhà máy điện hạt nhân – khi áp dụng các công nghệ mở, điều này có nghĩa rằng nó thể được vận hành ở cấp địa phương bởi các hợp tác xã. Một ví dụ khác là các tấm pin mặt trời. Nó có thể là một cách dân chủ hơn để “kiểm soát năng lượng và điện năng”, Saito nói. Điều này không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn nhà nước, nhưng ông nhấn mạnh: “Tầm nhìn của tôi không phải là tầm nhìn kiểu Xô Viết – lập luận của tôi không phải là về quyền sở hữu của nhà nước đối với mọi thứ hay nền kinh tế do nhà nước hoạch định.” Điều đó đơn giản là sẽ có ảnh hưởng quá nhỏ.

Tuy nhiên, một câu hỏi là điều này khả thi ra sao. Saito nhận thức được những thách thức, nhưng anh cho rằng giải pháp nằm ở Gen Z, và các phong trào Just Stop Oil, cũng như là các cuộc biểu tình về khí hậu trên khắp thế giới và Alberto Garzón, bộ trưởng phụ trách các vấn đề tiêu dùng của Tây Ban Nha, người gần đây đã viết về giới hạn của sự phát triển. Đây là một thay đổi lớn so với 30 năm qua, khi những phong trào như vậy bị gạt ra ngoài lề. Ông nói: “Tôi hy vọng những năm 2020 và 2030 sẽ trở nên hỗn loạn hơn nhiều khi cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn,” và hy vọng rằng số lượng các cuộc biểu tình sẽ tăng lên và những thay đổi về các giá trị của chúng ta sẽ tiếp tục tăng tốc.

“Những gì tôi đang cố gắng làm,” Saito nói khi kết thúc cuộc trò chuyện của chúng tôi, “là, sau khi được truyền cảm hứng từ những phong trào này, tôi muốn cho đi cái gì đó… Tôi đã cố gắng chỉ ra lý do tại sao cần phải chỉ trích chủ nghĩa tư bản và tại sao chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản có thể là một nền tảng vững chắc hơn cho phong trào của họ.


Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2023/feb/28/a-greener-marx-kohei-saito-on-connecting-communism-with-the-climate-crisis

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận