Đảo chính ở Myanmar: chiếc đinh cuối cùng cho cỗ quan tài của chủ nghĩa tự do

Khi tổ chức một cuộc đảo chính chóng vánh chống lại Aung San Suu Kyi, các tướng lĩnh Myanmar đã giết chết cái ảo tưởng, vốn chỉ còn thoi thóp, về sự tự do hóa Myanmar dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ.

Vào hôm chủ nhật tuần vừa rồi (31/1) ‘Cố vấn Nhà nước’ Aung San Suu Kyi cùng các bộ trưởng và lãnh đạo hàng đầu của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã bị bắt giữ. Sau đó, cuộc đảo chính đã được công bố bởi U Myint Swe, Phó Tổng thống do quân đội bổ nhiệm trong chính phủ của bà Suu Kyi, và cùng với đó là tuyên bố về tình trạng khẩn cấp kéo dài trong một năm, không quên hứa hẹn rằng sau đó một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.

Quân đội đã thâu tóm tất cả quyền lực về tay mình nhờ hiến pháp mà chính tay họ đã viết vào năm 2008, một bản hiến pháp vốn được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc đảo chính như vậy. Internet và dịch vụ điện thoại di động đã bị cắt. Điều quan trọng là các nghị sĩ mới được bầu, chủ yếu thuộc đảng của Aung San Suu Kyi, đã bị ngăn cản dự phiên họp đầu tiên của quốc hội mới.

Điều gì là động lực đằng sau cuộc đảo chính này? Hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo vốn được thiết kế nhằm tranh thủ được đầu tư lớn hơn từ phương Tây, nó chỉ cho phép Aung San Suu Kyi nắm quyền một cách hạn chế trong khi vẫn đảm bảo vị trí vững chắc cho quân đội, điều này khiến cho một ‘cuộc cách mạng màu’ do Hoa Kỳ hậu thuẫn là khó có thể. Và dường như nó có hiệu quả, hiệu quả đến nỗi mà trên thực tế vầng hào quang dân chủ của Aung San Suu Kyi đã nguội tắt trong mắt phương Tây khi cô ấy tích cực hỗ trợ cho chiến dịch diệt chủng của quân đội nhằm chống lại người Rohingyas, thậm chí bảo vệ họ trước phiên toà ở La Hay vào năm 2019. Để thể hiện một hình ảnh ‘đoàn kết dân tộc’, bà ấy đã rất gắn bó với họ và thậm chí ra lệnh bắt giữ các nhà báo đưa tin về các vụ thảm sát. Tại một buổi diễn thuyết ở Singapore, bà cho biết rằng mối quan hệ của mình với quân đội ‘cũng không đến nỗi tệ’.

Tại sao lại là bây giờ?

Vì vậy, tại sao cuộc đảo chính lại diễn ra, bất chấp những hệ quả tồi tệ có thể xảy đến? Chính bởi đã làm tốt quá Aung San Suu Kyi đã trở thành một mối đe dọa đối với quân đội. Được ví như là mẹ của dân tộc, bà ấy nổi tiếng và hợp pháp hơn họ, bà cũng từng bị giam lỏng và đàn áp bởi họ, cho dù bà ấy có phục tùng đến đâu làm sao bà có thể chiếm được lòng tin nơi họ. Về cơ bản giữa họ là một liên minh không ổn định.

Những nguyên tắc và quy định thiết lập lên sự thỏa hiệp giữa Aung San Suu Kyi và quân đội thực sự có rất ít khoảng trống để Aung San Suu Kyi và đảng của bà ấy có thể thay đổi hiến pháp. Ấy vậy mà vào tháng 3 năm ngoái, đảng của Aung San Suu Kyi vẫn đề xuất một sửa đổi hiến pháp để cho phép bà trở thành Tổng thống, điều mà rõ ràng là quân đội không thể chấp nhận (Họ đã thiết kế hiến pháp sao cho điều này là không thể: tổng thống không được có con là công dân nước ngoài, và trùng hợp 2 con của bà đều mang quốc tịch Anh). Dựa vào đặc quyền của mình, quân đội nhanh chóng bác đề xuất. Nỗi sợ của họ rõ ràng không hoàn toàn vô căn cứ.

Đề xuất sửa đổi hiến pháp vào năm ngoái có vẻ như là một nước cờ sai, bởi vì chỉ vài tháng sau, tháng 11, cuộc tổng tuyển cử đã diễn ra với chiến thắng vang dội dành cho Aung San Suu Kyi và đảng của bà ấy. Đây có vẻ là thời cơ tốt hơn cho sự thay đổi hiến pháp mà bà đã mong muốn từ lâu, bà ấy ngày càng trở nên mạnh mẽ và quân đội chắc chắn ý thức được mối nguy hiểm này, nó cần phải được chặn lại trước khi quá muộn. Chiến thắng của Aung San Suu Kyi đã làm sâu sắc thêm tính không bền vững của liên minh giữa bà với quân đội.

Viện dẫn những cáo buộc gian lận trong bầu cử, quân đội đã yêu cầu chính phủ “bãi bỏ Ủy ban Liên hiệp bầu cử; kiểm lại tất cả các phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 với sự hỗ trợ từ quân đội; và trì hoãn ngày khai mạc Quốc hội mới.” ( The Irrawaddy , 29 tháng 1 năm 2021)

Điểm cuối cùng rất đáng chú ý, đó chính là ngày diễn ra cuộc đảo chính, ngày khai mạc quốc hội mới. Rõ ràng, họ muốn ngăn chặn quốc hội mới thúc đẩy việc thông qua bất kỳ sự thay đổi hiến pháp nào có thể cắt giảm quyền lực và đặc quyền của quân đội.

Việc này đã đập tan ảo tưởng về một quá trình chuyển đổi hoà bình sang nền dân chủ tư sản ở Myanmar. Mười năm trước, những biến chuyển ở Myanmar như một tia sáng lé loi trong một thế giới ngày càng đen tối đối với các đế quốc phương Tây, cho những người tự do chủ nghĩa niềm hy vọng về tương lai của nền dân chủ tự do dưới sự thống trị của Hoa Kỳ và thương mại tự do (nhưng theo điều kiện của Hoa Kỳ). Nhưng những năm sau đó, từng chút một, hy vọng dần tắt, và các sự kiện hôm Chủ nhật vừa qua thực sự là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài.

Một số đang đoán già đoán non là liệu Trung Quốc có đứng đằng sau cuộc đảo chính hay không. Điều này có vẻ khó xảy ra, bởi vì chế độ, bao gồm cả Aung San Suu Kyi, đã tỏ rõ rằng họ đang ở trong trại của Trung Quốc. Một năm trước, Tập Cận Bình đã gặp Aung San Suu Kyi tại Naypyidaw và họ đã ký kết 33 thỏa thuận liên quan đến cơ sở hạ tầng, thương mại và sản xuất. Đó là một cam kết ủng hộ tuyệt đối cho sáng kiến “​​Vành đai và Con đường”. Chỉ vài tuần trước, chính phủ của Aung San Suu Kyi đã tiến hành hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người đã cam kết sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với vấn đề người Rohingyas, cũng như cung cấp 300.000 liều vắc xin coronavirus do Trung Quốc sản xuất. Đổi lại, Win Myint, Tổng thống lúc bấy giờ (mà hiện đã bị phế truất), thành viên của đảng của Aung San Suu Kyi, đã hứa rằng Myanmar sẽ tiếp tục ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan tới Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.

Quan trọng nhất, tại cuộc họp này, họ đã nhất trí về việc tiến hành xây dựng cảng nước sâu, thứ đã được lên kế hoạch từ lâu, ở bang Rakhine (nơi diễn ra cuộc diệt chủng người Rohingyas), cùng với ‘Đặc khu kinh tế’ liền kề. Điều này rất quan trọng, vì nó sẽ cho phép Trung Quốc né eo biển Malacca hiện do Hải quân Mỹ kiểm soát, và làm suy yếu đáng kể ảnh hưởng của đế quốc Mỹ trong khu vực.

Vì vậy có lý gì Trung Quốc lại dàn dựng một cuộc đảo chính có thể gây mất ổn định một cách nghiêm trọng cho đồng minh vốn đang mang lại cho họ những gì họ muốn? Tuy nhiên, không có gì phải hoài nghi là chế độ mới thậm chí sẽ còn thân Trung Quốc hơn trước. Điều này là rõ ràng trong sự trái ngược giữa các tuyên bố của Mỹ và Trung Quốc sau cuộc đảo chính. Mỹ, và tất cả các cường quốc phương Tây, đã lên án nó, nhưng Trung Quốc chỉ đơn thuần ‘ghi nhận’ cuộc đảo chính, không muốn xa lánh chế độ mới.

Như Daniel Russell, nhà ngoại giao hàng đầu của Obama ở Đông Á, đã nói: “Đây là một bước lùi lớn – không chỉ đối với nền dân chủ ở Myanmar, mà còn đối với lợi ích của Hoa Kỳ. Thêm một lời nhắc nhở rằng sự vắng mặt dài ngày của sự can dự đáng tin cậy và ổn định của Hoa Kỳ trong khu vực đã khuyến khích các lực lượng phản dân chủ.” (The Guardian, 1 tháng 2 năm 2021)

Như Trotsky đã giải thích từ lâu, không có giai cấp tư sản tiến bộ, bởi vì họ thống nhất với nhau trong mong muốn duy trì chủ nghĩa tư bản, với tất cả sự bóc lột và nghèo đói của nó. Bằng cách nói của mình, Aung San Suu Kyi đã giải thích rằng bà ấy không bao giờ muốn một cuộc cách mạng có thể quét sạch chế độ cũ, “Chúng tôi không muốn khuyến khích loại cách mạng [có thể] làm đảo lộn đất nước của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhẫn nại cũng như không từ bỏ.”

Có thể nói rằng sự nhẫn nại của bà ấy đã không được đền đáp. Như chúng tôi đã viết vào năm ngoái, bà ấy nghĩ rằng “bằng cách hỗ trợ cho chế độ độc tài quân sự, bà hy vọng họ sẽ cung cấp cho mình những cải cách dân chủ (tối thiểu) mà bà ấy muốn. Nhưng rõ ràng là họ sẽ không bao giờ thực hiện những cải cách dân chủ thứ thực sự sẽ đe dọa đến quyền lực và đặc quyền của họ, do vậy, con đường tự do này tự nó cho thấy nó chẳng là gì khác ngoài sự đồng lõa với những nỗ lực của giai cấp thống trị nhằm lừa dối quần chúng. Cách duy nhất để loại bỏ chính quyền khỏi quyền lực là thông qua một cuộc cách mạng sẽ làm ‘đảo lộn đất nước’.”

Chuẩn bị cho một phản ứng dữ dội

Sự hèn nhát của đường lối tự do nằm ở chỗ nó sợ cách mạng, sợ quần chúng như đã nói ở trên. Aung San Suu Kyi và đảng của bà ta là những người theo chủ nghĩa tự do tư sản, và do đó, chỉ muốn một sự cải cách chế độ dần dần, để cho  ‘thị trường tự do’ có thể thâm nhập sâu hơn. Thái độ đó vẫn vậy ngay cả trong thời điểm này, như phát ngôn viên của NLD, Myo Nyunt tuyên bố về cuộc đảo chính rằng “Tôi muốn nói với người dân của chúng ta rằng đừng phản ứng một cách hấp tấp, tôi muốn họ hành động theo luật pháp” – Thứ luật pháp thiêng liêng do chính chính quyền quân sự soạn thảo để họ có thể dễ dàng tổ chức các cuộc đảo chính như thế này!

Dẫu vậy, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng Aung San Suu Kyi sẽ khuyến khích một loại phong trào quần chúng hoặc nổi dậy chống lại cuộc đảo chính, vì quyền tự do của chính bà ấy đang bị đe dọa. Chính vì lý do đó mà hiện nay bà đã ra tuyên bố kêu gọi biểu tình, chống đảo chính.

Hiển nhiên có một sự căm ghét rộng rãi đối với quân đội trong quần chúng và uy tín của Aung San Suu Kyi vẫn còn phổ biến trong người dân, như cuộc bầu cử tháng 11 đã chứng minh. Hiện tại, các liên đoàn công nhân tiên tiến hơn, các liên đoàn dân quân sinh viên và một số lực lượng cấp tiến đang cố gắng vận động cho phong trào chống quân đội. Chẳng hạn, có một phong trào nhân viên y tế chống lại cuộc đảo chính quân sự. Các nhân viên y tế hiện rất mệt mỏi, đặc biệt là với ảnh hưởng từ đại dịch.

Trong những điều kiện này, một phong trào phản đối do Aung San Suu Kyi kêu gọi từ bên trên có thể phát triển theo logic riêng của nó và sẽ luôn có xu hướng vượt xa chương trình nghị sự thận trọng và tư bản của chính bản thân bà. Hiện nay, một xu hướng ngày càng tăng của sự cực đoan hóa trong giới trẻ, vượt xa những ý tưởng Aung San Suu Kyi. Điều này cũng được phản ánh vào thời điểm hiện tại khi một số người đang đề xuất Min Ko Naing, cựu thủ lĩnh sinh viên trong cuộc nổi dậy năm 1988, như một điểm tập hợp mới. Ý tưởng rằng không có “vị cứu tinh tối cao” cũng đang trở nên phổ biến trong giới trẻ.

Giới chóp bu quân đội có thể đã tính toán sai lầm một cách nghiêm trọng, và khi họ huy động và công khai hỗ trợ cho các phần tử cực hữu và bảo thủ, bao gồm cả các nhà sư, để biểu tình ủng hộ cuộc đảo chính, hành động của họ có thể gây ra sự phẫn nộ trong quần chúng và thúc đẩy họ tiến lên. Do đó, không loại trừ khả năng diễn ra các cuộc biểu tình quần chúng, tức là những cuộc biểu tình sẽ thu hút sự tham gia của hàng triệu quần chúng, những người nghèo và bị áp bức, công nhân và nông dân, những người vốn không quan tâm đến việc thúc đẩy chủ nghĩa tư bản hơn nữa. Điều rõ ràng là Myanmar sẽ không có một quá trình chuyển đổi nào sang nền dân chủ tư sản một cách dễ kiểm soát và suôn sẻ. Tương lai của nó là một cuộc đấu tranh đại chúng và sự hỗn loạn. Quần chúng Myanmar chỉ có thể tin tưởng vào bản thân và tìm đến những ý tưởng của chủ nghĩa xã hội để tìm một con đường thực sự thoát khỏi ra khủng hoảng.

Cánh tả truyền thống ở Myanmar, đắm chìm trong chủ nghĩa Stalinist, vẫn tiếp tục sa lầy trong ý tưởng về sự tồn tại một cánh tiến bộ nào đó tồn tại trong giai cấp thống trị Myanmar, và rằng vai trò của phong trào quần chúng là bảo vệ cánh đó chống lại cánh phản động công khai hơn. Ý tưởng này đã ngăn cản cánh tả ở Myanmar thể hiện tiếng nói độc lập chân chính, tiếng nói thực sự của công nhân và nông dân. Điều cần thiết là một đảng quần chúng độc lập của nhân dân lao động.

Những người theo chủ nghĩa Marx phản đối cuộc đảo chính quân sự, và họ bảo vệ mọi quyền dân chủ, nhưng họ cũng giải thích rằng về lâu dài những quyền đó có thể dễ dàng bị phá hủy, như cuộc đảo chính đang diễn ra hiện nay đã chứng minh rõ ràng. Cách duy nhất để đảm bảo chấm dứt thực sự mối đe dọa của chế độ quân phiệt tiếp tục là loại bỏ hệ thống sản sinh ra nó, chế độ cai trị của giới thượng lưu đặc quyền, chế độ thống trị của tư bản và địa chủ, và thay thế nó bằng một hệ thống mà công nhân và người lao động là quyết định. Đó là điều đáng để chiến đấu ở Myanmar.

Daniel Morley, IMT, 02 tháng 02 năm 2021

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận