NHỮNG SUY NGẪM VỀ GANDHI
Thánh thần nên bị phán là có tội, luôn là như vậy, cho đến khi người ta chứng minh được rằng họ vô tội, nhưng những bài kiểm tra được áp dụng đối với họ thì tất nhiên, không nhất thiết phải giống nhau trong mọi trường hợp. Đối với trường hợp Gan-đi thì những câu hỏi mà ai đó sẽ muốn cất tiếng là: lòng tự phụ của Gan-đi lớn tới mức nào – với sự tự nhận thức về mình như một ông già khiêm tốn, [bán] khỏa thân, ngồi trên một cái chiếu lạy và làm rung chuyển các đế chế chỉ bằng sức mạnh tinh thần thuần túy – và ông ta thỏa hiệp với những nguyên tắc của mình đến mức nào qua việc tham gia chính trị, thứ nào về bản chất là cưỡng bách và lừa đảo? Để đưa ra câu trả lời chắc chắn thì ai đó có thể sẽ phải nghiên cứu những hoạt động và tác phẩm của Gan-đi một cách thật chi tiết, vì gần như toàn bộ cuộc đời của ông ta là một cuộc hành hương, trong đó, mỗi hoạt động đều để lại một dấu ấn nhất định. Nhưng tập hồi ký chưa đầy đủ này, kết thúc những năm 1920, là một bằng chứng mạnh mẽ phục vụ ông ta hơn cả, vì nó bao trùm cái mà ông ta dễ gọi là một phần không thể xuyên tạc của cuộc đời mình và nhắc cho ai đó nhớ rằng: bên trong vị thánh, hay vị bán thánh, có một con người tiềm năng vốn đã có thể cực kỳ thành công như một luật sư, một công chức, hay thậm chí là một doanh nhân nếu anh ta đã ra lựa chọn như vậy.
Vào lúc tập hồi ký mới ra, tôi nhớ rằng mình có đọc mấy chương đầu trong mấy trang giấy chất liệu rởm của tờ báo Ấn Độ nào đấy. Chúng để lại ở tôi một ấn tượng tốt, không phải là về Gan-đi. Những thứ mà ai đó gán ghép với ông ta – quần áo tự may, “sức mạnh tinh thần” và chủ nghĩa ăn chay – đều không có chút hứa hẹn gì, và cái chương trình trung cổ chủ nghĩa của ông ta hẳn nhiên là không thích hợp ở một nước lạc hậu, nghèo đói, đông dân như vậy. Đồng thời, cũng dễ thấy rằng người Anh đang lợi dụng ông ta, hoặc đã nghĩ rằng mình có thể làm được như thế. Lập luận một cách chặt chẽ, với tư cách một người dân tộc chủ nghĩa, ông ta là một kẻ thù, nhưng vì ông ta đều đứng ra để ngăn chặn bạo lực trong những cuộc khủng hoảng – thứ mà, đứng từ góc nhìn của người Anh, đồng nghĩa với việc ngăn chặn mọi thứ hành động hiệu quả – ông ta có thể được nhìn nhận như “người của chúng ta.” Đây là một điều đôi lúc được thừa nhận một cách hoài nghi, tuy không công khai. Thái độ của những triệu phú người Ấn cũng không khác. Gan-đi kêu gọi họ hối lỗi, do đó mà dễ hiểu khi họ nhìn nhận ông ta như một người xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa mà, nếu có cơ hội, sẽ đem tiền của họ đi. Những tính toán đó về dài hạn có đúng hay không thì chưa chắc; vì tự thân Gan-đi có nói, “sau cùng thì những người đi lừa lọc người khác chỉ lừa được chính họ”; nhưng ít nhiều thì, cái sự ga-lăng mà ông ta gần như luôn luôn được nhận, một phần là vì cái cảm giác rằng ông ta cũng hữu ích phần nào. Những người bảo thủ Anh chỉ trở nên vô cùng tức giận với ông ta khi mà, vào năm 1942, ông ta định dùng cái phương pháp bất bạo động của mình để chống lại một kẻ chinh phạt khác.
Nhưng tôi có thể thấy rằng, ngay cả khi đó, những quan chức Anh vốn đề cập tới ông ta bằng một văn phong lẫn lộn giữa mị dân và bất phục cũng thực lòng ưa thích và ngưỡng mộ ông ta, đến một mức nào đó. Không ai dám nói rằng, ông ta là một thể loại hủ lậu hay tham vọng theo bất cứ cách tầm thường nào đó, hay mọi thứ ông ta làm đều là do nỗi sợ hay sự ma lanh điều khiển. Để đánh giá ai đó như Gan-đi, ai đó sẽ theo bản năng mà đưa ra những tiêu chuẩn cao, bằng cách đó, một số trong những đức tính của ông ta “qua môn” mà không khiến ai nghi ngờ. Thí dụ, quá rõ rằng trong tập hồi ký, sự dũng cảm tự nhiên về thể xác của ông ta khá là ngoại hạng: cái chết của ông ta là một sự miêu tả sau này về điều đấy, một người của công chúng mà lớp da đáng giá như vậy đúng ra phải được bảo vệ nghiêm ngặt hơn mới phải. Với lại, ông ta có vẻ như không bị sự nghi ngờ ác độc nào đó đeo bám, như Pho-xtơ đã nói một cách đúng đắn trong “Một chuyến đi Ấn-độ”, thực chất là một phó toàn quyền người Ấn không ngai, cũng không kém mỉa mai một viên phó toàn quyền người Anh. Mặc dù không nghi ngờ gì rằng ông ta đủ sáng suốt để nhận diện sự giả dối, nhưng ở bất cứ nơi nào có thể, ông ta dường như tin rằng những người khác cũng hành động dựa trên một đức tin tốt đẹp và có một bản chất tốt đẹp hơn, mà dựa trên đó, có thể tiếp cận họ. Và mặc dù ông ta xuất thân từ một gia đình trung lưu nghèo, khởi nghiệp một cách bấp bênh, và cũng có thể vì ngoại hình kém ấn tượng của mình, ông ta không bị ảnh hưởng bởi lòng ghen tị hay cảm giác thấp kém. Mặc cảm về màu da chỉ xảy đến khi ông ta gặp nơi có nạn phân biệt chủng tộc tồi tệ hơn cả là Nam Phi, và dường như nó đã gây ấn tượng cho ông ta lắm vậy. Kể cả khi ông ta chiến đấu với một chủng tộc, ông ta không nghĩ về con người trên phương diện chủng tộc hay giai cấp. Thống đốc một tỉnh, một triệu phú bông, một cu-li người Đra-vi-đa, một binh nhì người Anh, đều là những cá thể người bình đẳng, đều có thể tiếp cận theo những cách không khác nhau mấy. Đáng chú ý là kể cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất có thể, như lúc ở Nam Phi, tuy ông ta tự làm cho mình không được [người da trắng] ưa chuộng cho lắm vì trở thành người đại diện cho cộng đồng Ấn kiều, nhưng vẫn không thiếu thốn gì bạn bè người u.
Được viết một cách ngắn gọn để đăng báo dài kì, tập hồi ký tự nó không phải một tuyệt tác văn học hay gì, nhưng nó còn gây ấn tượng hơn bởi sự gần gũi của mình. Cũng nên nhớ rằng Gan-đi khởi nghiệp với tham vọng của một sinh viên trẻ người Ấn và chỉ tiếp nhận những quan điểm cực đoan của bản thân đến một mức độ nào đấy và, trong một số trường hợp, không ưa thích gì cho. Có một thời điểm, cũng đáng để tìm hiểu, khi ông ta đội một cái mũ đẩu, dự những lớp học nhảy, học tiếng Pháp và tiếng La-tinh, lên nóc tòa Ép-phen và thậm chí còn cố học vi-ô-lông – tất cả đều là mong muốn tiếp nhận văn minh châu u nhanh nhất có thể. Ông ta không phải cái kiểu thánh thần có tuổi thơ đầy những sự trắc trở, cũng chẳng phải kiểu sẽ cứu rỗi thế giới sau những bê bối cảm động nào đấy. Ông ta tự thú toàn bộ những điều lầm lạc của mình, nhưng thực tế chẳng có gì mấy để tự thú. Ở mặt trước cuốn sách có một tấm ảnh Gan-đi trước lúc chết. Toàn bộ trang phục có thể mua được với giá 5 bảng, và những tội lỗi của Gan-đi, chí ít là những tội lỗi xác thịt của ông ta, sẽ chẳng khác nhau mấy nếu xét đến một lần. Vài điếu xì-gà, vài lần miệng đầy thịt, vài tá ru-pi lấy cắp từ những người ở hồi còn thơ, hai lần đi nhà thổ (hay vào mỗi dịp ông ta ra ngoài “có chuyện”), một lần vụng trộm ngắn ngủi với bà chủ nhà ở Pli-mớt, một lần nổi nóng – ấy là toàn bộ. Dường như kể từ thời thơ ấu trở đi, ông ta có một sự biết ơn sâu sắc, một thái độ còn thuần khiết hơn là tôn giáo, nhưng, cho đến tam tuần, không có một ý niệm cụ thể lắm về đường đi nước bước sắp tới. Lần đầu tiên ông ta có một hoạt động đáng kể là bắt đầu ăn chay. Dưới cái vỏ bọc tồi tàn, ai đó dễ cảm thấy cái nguồn gốc doanh nhân trung lưu cố định. Mà cũng có thể cảm thấy rằng, mặc dù đã buông bỏ tham vọng cá nhân, ông ta vẫn là một luật sư nhiệt huyết, có tài cũng như một nhà hoạch định chính trị cứng đầu, cẩn trọng trong việc giảm thiểu phí tổn, một người cầm tay chỉ đạo tài năng của các ủy ban và một truy thủ nhiệt huyết với những nguồn đầu tư. Con người ông ta hẳn nhiên là một nồi lẩu thập cẩm, nhưng khó có thứ gì có thể nói là mang vị dở tệ, và tôi tin rằng những kẻ thù tồi tệ nhất của Gan-đi cũng phải thú nhận rằng con người này có cái gì đó thú vị và bất thường, đã làm giàu thế giới này lên đơn thuần bởi việc đã thở. Ông ta còn là một người đáng quý, và liệu những lời dạy của ông ta có giúp được nhiều cho những người có bất đồng với nền tảng tôn giáo của chúng hay không, thì tôi thật khó mà chắc chắn.
Vào những năm gần đây, đã là một cái mốt khi nhắc tới Gan-đi vì ông ta không chỉ có cảm tình với phong trào cánh tả phương Tây, mà còn là một phần của nó, theo một cách nào đấy. Những người vô trị và những người hòa bình chủ nghĩa, một số nào đó, đã vơ ông ta về phía mình, chỉ chú ý đến đường lối chống trung dung và chống bạo lực nhà nước của ông ta trong khi mặc kệ những giáo điều trái lạ, mang khuynh hướng phản nhân văn chủ nghĩa khác của ổng. Nhưng tôi đồ rằng, người ta nên nhận thấy là những giáo điều của Gan-đi, bằng mọi cách, không thể được đồng nhất với niềm tin rằng Con người là khuôn vàng thước ngọc cho mọi sự, và rằng nghĩa vụ của chúng ta là làm cho cuộc sống trở nên đáng sống trên trái đất này, cái trái đất duy nhất mà chúng ta có. Chúng [những giáo điều của Gan-đi] chỉ có nghĩa đối với cái kết luận rằng Thượng đế tồn tại và cái thế giới của vật chất là một ảo ảnh cần phải thoát khỏi. Đáng để nhìn nhận những quy tắc mà Gan-đi áp đặt lên mình và những thứ – mặc dù không nói thẳng – ông ta coi là không thể thiếu nếu ai đó muốn phụng sự Thượng đế hay nhân loại. Trước nhất, không ăn thịt, và nếu có thể thì không ăn bất cứ sản phẩm gì đến từ động vật. (Tự thân Gan-đi đã thỏa hiệp với quy tắc này vì sức khỏe của bản thân, bằng cách tự cho bản thân dùng sữa, nhưng dường như ông ta cảm thấy đây là một bước lùi.) Không cồn hay thuốc lá, và không gia vị hay hương liệu, thậm chí là dưới dạng thực vật, vì thức ăn không nên được hưởng thụ mà chỉ nên được dùng vì mục đích tồn tại. Thứ hai, nếu có thể, không quan hệ tình dục. Nếu quan hệ tình dục phải xảy ra, thì chỉ nên vì mục đích sinh con đẻ cái và nối dõi. Tự thân Gan-đi đã thề theo bra-ma-cha-ya, một bộ lời thề không chỉ cầm quan hệ tình dục mà còn yêu cầu phải loại bỏ ham muốn tình dục. Cái yêu cầu này, dường như khó có thể đạt được nếu không có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt và việc nhịn ăn thường xuyên. Một trong những trở ngại của việc dùng sữa là nó kích thích ham muốn tình dục. Và cuối cùng – đây là điểm mấu chốt – đối với ai đó mộ đạo, ngoài lòng tốt thì không được có tình bạn thân thiết hay tình cảm yêu quý đặc biệt gì.
Tình bạn thân thiết, Gan-đi nói, là một trở ngại, vì “bạn bè thì có cảm xúc với nhau” và việc trung thành với một người bạn có thể dẫn tới việc làm sai trái. Điều này là đúng, không cần phải bàn. Hơn nữa, nếu ai đó phải kính mến Thượng đế, hay yêu quý toàn thể nhân loại, thì không được phép ưu tiên một cá nhân cụ thế nào. Điều này cũng đúng, và nó cho thấy điểm giao thoa giữa tinh thần nhân văn chủ nghĩa và thái độ tôn giáo. Đối với một cá thể người thông thường, tình yêu không có nghĩa lí gì nếu không phải là việc yêu quý một số người nhiều hơn một số khác. Tập hồi ký bỏ ngỏ câu hỏi rằng liệu Gan-đi có hành xử tương tự với vợ con mình không, nhưng đã rõ ràng rằng có tới ba dịp ông ta thà để cho vợ hay một đứa con của mình chết còn hơn là cho họ dùng đồ mặn theo lời khuyên của bác sĩ. Và cũng đúng rằng cái chết luôn hiện hữu nhưng chưa bao giờ thực sự xảy đến, tương tự như, Gan-đi là ai đó tập hợp đủ những áp lực đạo đức mâu thuẫn với nhau – luôn đưa cho người bệnh lựa chọn được sống với cái giá là phải phạm vào một tội ác: với lại, nếu ông ta là người độc quyền chọn lựa, ông ta sẽ luôn cấm việc ăn mặn, dù cho hậu quả thế nào. Ông ta nói rằng nhất thiết phải có một số giới hạn đối với những gì chúng ta sẽ làm để sống, và giới hạn ấy là một cái lườn gà. Thái độ này có lẽ là cao thượng, nhưng, cao thượng theo một cách mà – tôi cho rằng – mọi người đều nhìn nhận là phi nhân văn. Nguyên tắc cơ bản của việc làm người là sự hoàn hảo thì không nhất thiết, rằng làm người thì đôi khi phải làm điều ác vì sự trung thành, rằng làm người thì không áp đặt khổ hạnh ở chỗ bạn bè với nhau, và làm người thì phải chuẩn bị cho cái kết bị cuộc sống đánh bại và bị làm cho thất vọng, ấy là cái giá phải trả cho việc có tình yêu đối với những cá thể con người khác. Không nghi ngờ rằng cồn, thuốc lá và tương tự là những thứ mà một vị thánh phải tránh, nhưng tỏ vẻ thánh thần cũng là một thứ mà những cá thể loài người phải tránh vậy. Hẳn nhiên rằng, cũng có thể nói ngược lại, nhưng ai đó nên đắn đo kĩ trước khi chọn lựa. Trong cái thời đại đầy bọn thuật sư này, quá vội vàng khi kết luận rằng một cuộc sống “vô vi” không chỉ tốt hơn sự chấp nhận toàn diện một cuộc sống thuận nhiên, mà những người bình thường từ chối nó chỉ vì quá khó khăn. Nói cách khác, con người về cơ bản là một vị thánh thất bại. Kết luận này thật đáng nghi ngờ. Nhiều người thật lòng không muốn cư xử như thánh thần, và có lẽ một số người đã đạt hay muốn đạt tới địa vị thành thần chưa bao giờ sẵn lòng trở thành con người. Nếu ai đó có thể theo đuổi đến tận gốc rễ tâm lý học của việc ấy, tôi tin rằng người đấy sẽ thấy rằng, động lực chính của lối sống “vô vi” là mong muốn thoát khỏi nỗi đau của việc sống, và nằm trên mọi thứ tình yêu, dù là xác thịt hay vô sắc, là sự cần cù. Nhưng không nhất thiết phải bàn cãi ở đây rằng cái lí tưởng ngược đời hay cái lí tưởng nhân văn thì “cao cấp” hơn. Vấn đề là không thể đem chúng ta so sánh. Một người phải chọn giữa Thượng đế và Con người, và tất cả những người “cực đoan” và “tiến bộ”, từ người tự do chủ nghĩa ôn hòa nhất đến người vô trị cực tả nhất, đều chọn Con người.
Dù sao, chủ nghĩa hòa bình của Gan-đi có thể được phân tách tới một mức nào đấy khỏi những giáo điều khác của ông ta. Động lực của nó là giáo điều, nhưng ông ta cũng tuyên bố rằng nó là một kĩ thuật xác định, một phương pháp, có khả năng cho ra những kết quả chính trị như mong muốn. Thái độ của Gan-đi không tương đồng với thái độ của hầu hết những người hòa bình chủ nghĩa. Sa-ti-a-gra-ha, vốn phát triển ở Nam Phi, là một loại vũ khí bất bạo động, một cách đánh bại kẻ thù mà không gây sự đau đớn, tương tự với sự hận thù. Nó bao gồm những việc như bất tuân dân sự, bãi công, nằm trên đường ray, đương đầu với cảnh sát mà không rút chạy hay chống lại, và tương tự. Gan-đi phản đối việc dịch Sa-ti-a-gra-ha là “phản kháng bị động”: trong tiếng Gu-gia-ra-ti, từ này dường như có nghĩa là “cứng rắn trong chân thật”. Hồi trẻ, Gan-đi là lính tải thương của Anh trong cuộc chiến Bô-ơ, và ông ta được huấn luyện cho nhiệm vụ tương tự trong chiến tranh 1914-18 [thế chiến thứ nhất]. Kể cả sau khi công khai từ chối bạo lực, ông ta đủ thành thật để nhận thấy rằng trong chiến tranh, thường là cần thiết phải chọn phe. Ông ta đã không – quả nhiên, vì toàn bộ đời sống chính trị của ông ta xoay quanh việc đấu tranh cho độc lập dân tộc, ông ta không thể – dùng cái lối lý sự cùn và dối trá qua việc giả vờ rằng, trong mọi cuộc chiến, các phe đều giống hệt nhau và hệ quả sẽ vẫn như vậy dẫu phe nào chiến thắng. Ông ta cũng không, như hầu hết những người hòa bình chủ nghĩa phương Tây, chuyên lẩn tránh những câu hỏi khó đáp. Nói về cuộc chiến gần đây [thế chiến thứ hai], một câu hỏi mà những người hòa bình chủ nghĩa đều có một mong muốn từ chối trả lời là: “Còn người Do Thái thì sao? Anh định để họ tuyệt diệt ư? Nếu không, anh định cứu họ kiểu gì ngoài chiến tranh?” Tôi phải nói rằng mình chưa từng nghe, từ bất cứ người hòa bình chủ nghĩa phương Tây nào, một câu trả lời chân thật để đáp lại câu hỏi này, dù tôi đã nghe khá nhiều kiểu ngụy biện, thường là loại “anh cũng thế” [tu quoque]. Nhưng cũng đã có chuyện Gan-đi được hỏi một câu hỏi tương tự năm 1938 câu trả lời của ông ta được ghi lại trên bài “Gan-đi và Sta-lin” của ông Lu-i Phi-shơ. Theo như ông Phi-shơ, Gan-đi lập luận rằng người Do Thái Đức nên tự sát tập thể, qua đó mà mà “có thể dấy động toàn thế giới và nhân dân Đức trước sự bạo lực của Hít-le”. Hậu chiến, ông ta đã tự trả lời mình: người Do Thái dù sao cũng đã bị giết, và có lẽ những cái chết của họ cũng đã để lại dấu ấn không kém. Ai đó có thể có ấn tượng rằng thái độ này đã làm sững sờ cả những người ngưỡng mộ nhiệt thành như ông Phi-shơ, nhưng Gan-đi chỉ đang bộc lộ bản chất. Dù anh không được chuẩn bị để đón nhận cuộc sống, anh thường phải chuẩn bị để đánh mất cuộc sống, bằng cách này hay cách khác. Năm 1942, Gan-đi kêu gọi phản kháng bất bạo động trước Nhật Bản xâm lược, ông ta đã sẵn sàng để thừa nhận rằng, việc ấy có thể gây nên cái chết của vài triệu người.
Cùng lúc đó, có lý do để nghĩ rằng Gan-đi, người dù sao cũng đã sinh từ năm 1869, đã không hiểu bản chất của chủ nghĩa toàn trị và nhìn nhận mọi thứ theo cách của cuộc đấu tranh chống chính phủ Anh của chính ông ta. Điểm quan trọng ở đây là chính phủ Anh ít nhiều cũng đã kiên nhẫn, thể hiện qua việc ông ta luôn có được chỉ huy một cách công khai. Như có thể thấy được từ câu trích dẫn trên, ông ta tin vào việc “dấy động thế giới”, điều chỉ có thể thực hiện được nếu thế giới có được cơ hội nghe xem anh đang làm gì. Thật khó để thấy được độ hiệu nghiệm của phương pháp Gan-đi ở một quốc gia mà những kẻ thù của chế độ biến mất giữa đêm và bặt vô âm tín. Thiếu một sự tự do báo chí và thiếu quyền được hội họp, đơn thuần là cái viễn cảnh gây dựng một phong trào quần chúng còn không thể xuất hiện trong các cuộc thảo luận công khai, hay thông tri dự định của mình với đối thủ. Hiện ở Nga liệu có Gan-đi nào không? Và nếu có thì, ông ta đang làm gì? Quần chúng Nga cũng chỉ có khả năng thực hành bất tuân dân sự nếu họ cùng lúc có một ý niệm tương tự, và kể cả khi đó, lấy nạn đói Ukraina mà xét, cũng chỉ khác như tám lạng so với nửa cân. Nhưng hãy cứ cho rằng phản kháng bất bạo động có thể tỏ ra hiệu quả trong việc chống lại chính phủ của một ai đó, hay chống lại một quyền lực hiện tồn: kể cả như vậy, làm thế nào để đưa nó vào thực hành trên bình diện quốc tế? Những tuyên bố xung đột lẫn nhau của Gan-đi về cuộc chiến tranh gần đây dường như cho thấy rằng vấn đề này cũng khiến ông ta cảm thấy khó khăn. Áp dụng với chính trị nước ngoài, chủ nghĩa hòa bình không chỉ mất đi tính hòa bình chủ nghĩa mà còn mang tính thỏa hiệp. Hơn nữa là cái kết luận đã phục vụ Gan-đi rất tốt trong việc đối phó với các cá nhân, rằng mọi cá thể người ít nhiều đều tiếp cận được và sẽ phản hồi trước một cử chỉ hào hiệp, cần bị hoài nghi cao độ. Điều này không nhất thiết là đúng, chẳng hạn, khi bạn đang đối phó với lũ bệnh hoạn. Rồi vấn đề trở thành: Vậy ai là người sáng suốt? Hít-le có sáng suốt không? Và cả một nền văn hóa cũng có thể là điên rồ theo tiêu chuẩn của một nền văn hóa khác mà, phải không? Và, chừng nào ai đó còn có thể cân đo đong đếm những xúc cảm [khác nhau] của mỗi dân tộc, liệu có mối liên hệ nào giữa một chủ đích hào hiệp và một lời hồi đáp thân thiện không? Liệu thái độ có phải là một yếu tố trong chính trị quốc tế?
Những câu hỏi này và tương tự phải được thảo luận, và phải được thảo luận ngay lập tức, trong vài năm ít ỏi chúng ta còn trước khi ai đó nhấn nút và mấy quả rốc-két bắt đầu bay. Thật đáng nghi ngờ rằng, liệu nền văn minh có thể vực dậy sau một cuộc chiến lớn khác không, và cũng đáng để nghĩ đến một lối thoát bất bạo động. Là trí đức của Gan-đi có thể thành thực suy xét những câu hỏi trên; và hẳn nhiên, ông ta có thể đã thảo luận hầu hết những câu hỏi này ở đâu đó trên vô số bài bào rải rác khắp nơi. Ai đó có thể cảm thấy rằng ông ta là kiểu người không hiểu rộng, nhưng không phải kiểu người không dám nói hay không dám nghĩ. Tôi chưa bao giờ có thể ưa thích Gan-đi, nhưng tôi không chắc rằng, với tư cách một nhà lí luận chính trị, dù ông ta có sai lầm về cơ bản hay ngược lại, tôi cũng không tin rằng cuộc đời của ông ta là một thất bại. Thật đáng tò mò khi ông ta bị ám sát, nhiều người trong số những người nhiệt thành ái mộ ông ta hơn cả, buồn bã tuyên bố rằng ông ta chỉ sống đủ lâu để thấy công trình của cuộc đời mình tan thành mây khói, bởi vì Ấn-độ đã vướng vào một cuộc chiến mà đều được tiên đoán trước là một phụ phẩm của sự chuyển giao quyền lực. Nhưng Gan-đi đâu có giảnh cả cuộc đời ấy để làm dịu mâu thuẫn Ấn – Hồi? Chủ đích chính trị của ông ta, một kết thúc trong hòa bình của ách cai trị Anh, dù sao cũng đã đạt được. Như thường lệ, những sự kiện liên quan lại giao thoa. Về một mặt khác, người Anh đã rút khỏi Ấn-độ trong hòa bình, một sự kiện mà rất ít nhà quan sát có thể tiên đoán được cho đến một năm trước khi điều đó xảy ra. Về một mặt khác, điều này được một chính phủ Lao động một thực hiện, và chắc chắn là một chính quyền Bảo thủ, đặc biệt là một chính quyền dưới ách Sớc-sin, sẽ hành động kiểu khác. Nhưng giả dụ, vào năm 1945, đã có một bộ phận có cảm tình với ý tưởng Ấn-độ độc lập, vậy thì bao nhiêu trong số này là do ảnh hưởng của cá nhân Gan-đi? Và giả dụ, như dễ có thể xảy ra, Ấn-độ và Anh cuối cùng cũng có một mối quan hệ bình đẳng và hữu nghị, liệu điều này có phải là một phần công của Gan-đi, bằng việc kiên quyết đấu tranh mà không gieo rắc hận thù, đã thanh tẩy bầu không khí chính trị? Ai đó nghĩ rằng những câu hỏi ấy sẽ giúp khắc họa tầm vóc của ông ta. Ai đó có thể cảm thấy, như tôi vậy, một cảm giác “không hợp khẩu vị” đối với Gan-đi, ai đó có thể phủ định những sự thần thánh hóa ông ta (nhân tiện, ông ta chưa bao giờ tự xưng là thánh), ai đó có thể phủ định thánh tính như một lí tưởng và do đó cảm thấy những mục tiêu cơ bản của Gan-đi là phản động và phản nhân văn; nhưng nhìn nhận như một nhà chính trị đơn thuần, và so sánh với những lãnh đạo chính trị khác của thời đại chúng ta, thật sạch sẽ làm sao, cái dư vị ông ta xoay sở để lại.
Tác giả: George Orwell, www.orwellfoundation.com
Người dịch: Mochi