Cuộc đấu tranh của nông dân Ấn Độ

Ngày 26 tháng 11 vừa qua, thủ đô Delhi của Ấn Độ đã bị rúng động bởi cuộc tuần hành khổng lồ có sự tham gia của hàng vạn nông dân nhằm kêu gọi bãi bỏ các đạo luật cải cách nông nghiệp vừa mới được chính phủ thông qua ngày 20 tháng 9 năm nay. Trên thực tế cuộc tuần hành chỉ là một bước mới trong cuộc đấu tranh của nông dân từ đó đến nay. 5 lối vào Delhi đã bị phong tỏa và quốc lộ bị chặn bất chấp sự tấn công dã man từ cảnh sát và lực lượng cánh hữu. Cuộc đấu tranh này đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ sinh viên, công nhân, những người đang đe dọa một cuộc tổng đình công vô thời hạn nếu chính phủ không đáp ứng đòi hỏi của nông dân.

Vì sao những đạo luật cải cách nông nghiệp này lại gây ra làn sóng giận dữ đến vậy? Để hiểu được điều này trước hết chúng ta phải có cái nhìn tổng quan về hiện trạng nông nghiệp và tình cảnh của người nông dân Ấn Độ.

Nền nông nghiệp và người nông dân Ấn Độ

Nông nghiệp Ấn Độ chiếm 17-18% tỷ trọng GDP và là nguồn sống của 56% dân số Ấn Độ. Bất chấp những thành quả của cuộc Cách mạng xanh nhiều năm về trước, trình độ sản xuất vẫn còn lạc hậu và do sự bỏ bê đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, tưới tiêu…) dẫn đến năng suất vẫn rất thấp. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp (86,21%) được xếp vào loại đất nhỏ (Dưới 2ha) và khó canh tác. Những điều này mang tới một hệ quả là thu nhập của người nông dân vô cùng ít ỏi và bấp bênh. 

 Không có tiết kiệm, để bắt đầu vụ mùa mới họ buộc phải đi vay nặng lãi cho nhu cầu hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Tuy nhiên trong những năm gần đây giá cả các mặt hàng đó đã tăng vọt: phân bón tăng 25% và hạt giống tăng 80%. Mặc dù giá thuốc trừ sâu không tăng, nhưng lượng sử dụng trên mỗi ha đã tăng lên, làm tăng thêm đáng kể chi phí. Kết quả là phần lớn thu nhập có được từ vụ mùa là dùng để trả nợ, dẫn đến một vòng lặp vô tận. Chỉ một vụ mùa bị mất hay nông sản rớt giá đã đủ thành thảm họa đối với người nông dân và gia đình họ; theo số liệu chính thức đã có khoảng 300.000 nông dân Ấn Độ tự tử kể từ năm 1995, nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Ngay cả một vụ mùa bội thu cũng có thể là điều tệ hại. Ví dụ năm 2018 khi giá nghệ tăng bùng nổ, nông dân bị thương lái ép phải trồng nghệ trên diện rộng, vụ mùa bội thu của năm 2019 đã khiến giá giảm tới 24%, hàng tồn kho nhiều không ai mua đã dẫn đến các vụ nông dân tự sát tăng đáng kể, đặc biệt là ở Maharashtra.

Chuỗi cung ứng nông sản được kiểm soát chặt chẽ bởi những kẻ cho vay nặng lãi, dưới hình thức hợp tác xã, người môi giới, ngân hàng và nhà môi giới tài chính vi mô. Từ đầu vào trong việc vay nợ, quyết định trồng cây gì, dùng phân bón nào… cho đến đầu ra, khi hầu hết nông sản được bán ra các chợ đầu mối (Mandis) do Ủy ban Thị trường Nông sản (APMC) kiểm soát. Người nông dân không có lối thoát và bị vơ vét tới tận xương tuỷ bởi những con đỉa hút máu này.

Chính phủ đã làm gì để giúp đỡ người nông dân? Mặc dù APMC là do chính phủ thiết lập ở các bang, nhưng trên thực tế chúng bị kiểm soát hoàn toàn bởi những kẻ trục lợi tư nhân, các-ten và quan chức tham nhũng. Việc tích trữ các mặt hàng thiết yếu nằm trong tay chỉ một số đại lý do chính phủ uỷ quyền, những kẻ mặc sức đầu cơ tích trữ để thao túng và trục lợi từ thị trường nông nghiệp. Thông qua việc nắm giữ nợ của nông dân, những kẻ đầu cơ, trục lợi cũng trở thành những kẻ môi giới chính trị, nắm giữ phiếu bầu trong các kỳ bầu cử. Các chính trị gia thường hứa hẹn miễn trừ các khoản nợ, trợ cấp vay vốn nông nghiệp trước mỗi kỳ bầu cử chỉ để rồi phản bội sau đó. Năm 2016, nông dân ở Madhya Pradesh biểu tình đòi tăng giá bán nông sản cho các thương nhân và chính phủ, kết quả cảnh sát đã nổ súng giết chết sáu người. Tháng 9 năm 2018, nông dân tiến về Delhi để đòi hỏi xoá nợ, giảm giá nhiên liệu, một mức giá hỗ trợ tối thiểu cao hơn và ngừng tư nhân hóa nông nghiệp; chính phủ đáp lại bằng vòi rồng và sự tàn bạo của cảnh sát.

Chính phủ Ấn Độ kể từ năm 1991 đã tăng cường các chính sách tự do hoá thương mại nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp. Điều này dẫn tới một sự cạnh tranh giữa các tập đoàn đa quốc gia và những người trung gian nhỏ, giới đầu cơ vốn đang thống trị thị trường nông nghiệp Ấn Độ. Và chính nó là nguyên nhân mà các Đạo luật cải cách nông nghiệp được thúc đẩy thông qua như chúng ta sẽ phân tích ở dưới.

Các đạo luật cải cách nông nghiệp

Chúng bao gồm Luật thương mại và bán buôn nông sản 2020, Hiệp định Bảo đảm Giá cả và Dịch vụ Nông nghiệp cho Nông dân năm 2020, và Luật về các Hàng hóa Thiết yếu ( Sửa đổi) năm 2020.

Luật thương mại và bán buôn nông sản 2020 sẽ cho phép nông dân tự do giao dịch bên ngoài hệ thống Mandi, tức là các chợ đầu mối do Ủy ban Thị trường Nông sản (APMC) kiểm soát, nơi nông dân được đảm bảo một mức giá tối thiểu (MSP) cho nông sản của mình. Việc này sẽ được khuyến khích thông qua giảm thuế. Nghe có vẻ tốt khi một thị trường cạnh tranh hơn nhất thời có thể sẽ đẩy giá nông sản lên, vả chăng hệ thống Mandi xét cho cùng cũng không tốt đẹp gì. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng trong thị trường tự do tư bản, kẻ có lợi nhất là người chơi lớn, tức là các tập đoàn đa quốc gia với nguồn vốn và công nghệ dồi dào. Đối với các tập đoàn lớn, hệ thống Mandi được xem như một miền tây hoang dã, với đầy rẫy các đại lý ủy quyền, trung gian, các quan chức chính phủ tham nhũng, và kèm theo đó là vô số thủ tục quan liêu; vì vậy nó phải bị loại bỏ. Nhưng sự loại bỏ này không phải vì lợi ích hay giải phóng cho nông dân, mà chỉ là thay thế kẻ áp bức, bóc lột cũ bằng một kẻ mới. Hơn nữa sự bãi bỏ hệ thống Mandi có thể đi kèm sự loại bỏ Ủy ban Thị trường Nông sản và cùng với đó mức giá tối thiểu do nó ấn định, phao cứu sinh bị tước đi và người nông dân bị bỏ mặc lại cho “các lực lượng của thị trường” quyết định số phận. Điều này đang bị đạo luật mới cố tình lảng tránh.

Tương tự, luật mới cũng cho phép người mua tư nhân tích trữ các mặt hàng thiết yếu để bán trong tương lai, điều mà trước đó chỉ các đại lý được chính phủ uỷ quyền mới có thể làm. Chắc chắn đó không phải là những người nông dân bình thường, những người mà đến tiền phân bón, cây giống cũng phải đi vay chứ đừng nói gì tới việc xây dựng kho bãi, hầm chứa. Nó sẽ thúc đẩy nạn đầu cơ, tích trữ nông sản trong bối cảnh Ấn Độ là quốc gia đang xếp thứ 94/107 trên chỉ số đói toàn cầu (GHI) năm 2020 với một phần ba dân số bị suy dinh dưỡng, và đại dịch Covid hiện đang làm vấn đề này trở nên nghiêm trọng thêm.

 Giải pháp nào cho nông dân?

Chắc chắn không phải là tự do hoá thị trường, cũng không phải là duy trì hệ thống áp bức, bóc lột của bọn chủ nợ, đầu cơ; không phải là bất kỳ giải pháp nào trong giới hạn của chủ nghĩa tư bản. Công nhân và nông dân cần đoàn kết trong cuộc đấu tranh cho một cuộc cách mạng vô sản và chương trình xã hội chủ nghĩa, trong đó đòi hỏi hàng đầu là xóa nợ cho nông dân và tịch thu tài sản do đầu cơ mà có, xây dựng hợp tác xã dưới sự kiểm soát dân chủ của người nông dân, được tích hợp vào một kế hoạch chung nhằm hiện đại hoá nông nghiệp thông qua công nghiệp hoá đất nước dưới sự kiểm soát dân chủ của công nhân. Nhờ vậy mà nâng cao mức sống cho người dân nghèo ở cả thành thị và nông thôn.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận