TẦNG LỚP TRUNG LƯU HỌ LÀ AI?
Trong tất cả các giai tầng, tầng lớp trung lưu có lẽ là tầng lớp mà nhiều người mong muốn được trở thành một phần của nó nhất. Nhiều thành viên của giai cấp thống trị thích cái nhãn “trung lưu” hơn cái nhãn làm cho sự thống trị tư bản trở nên quá công khai. Nhiều người lao động nghĩ rằng có một công việc thu nhập trung bình thì mặc định họ sẽ thuộc tầng lớp trung lưu. Và những người muốn hạ thấp tiềm năng cách mạng của giai cấp công nhân thích nói, “Giờ đây chúng ta đều thuộc về tầng lớp trung lưu”.
Tầng lớp trung lưu thường được trình bày dưới dạng hỗn hợp của các vị trí giai tầng khác nhau gộp lại với nhau. Có một yếu tố của sự thật trong này. Tầng lớp trung lưu không đồng nhất dù là thiểu số trong xã hội.Dẫu vậy, thay vì bắt đầu từ mức thu nhập trung bình, hoặc các nghề nghiệp “trung lưu” cụ thể, hay cách mọi người tự nhận, để hiểu hoặc định nghĩa rõ nhất về tầng lớp trung lưu, chúng ta cần xem xét các thành viên của nó trong mối quan hệ với sản xuất, với giai cấp tư bản và giai cấp công nhân.
Vào những năm 1970, nhà xã hội học mácxít Erik Olin Wright đã đặt ra ba câu hỏi để giải quyết điều này: Họ có sở hữu hay kiểm soát tư liệu sản xuất không? Họ có kiểm soát sức lao động của mình theo bất kỳ ý nghĩa quan trọng nào không? Họ có kiểm soát sức lao động của người khác không? Đối với giai cấp tư bản, câu trả lời cho cả ba câu hỏi là có, đối với giai cấp công nhân thì không. Đối với các nhóm khác nhau tạo nên tầng lớp trung lưu, câu trả lời là “còn tùy”.
Giữa tư bản và lao động là ba nhóm chính tạo nên tầng lớp trung lưu. Đầu tiên là “tầng lớp trung lưu truyền thống”: các chủ doanh nghiệp nhỏ và thương nhân tự kinh doanh, từ chủ quán cà phê đến các ngành nghề nhỏ như mở đại lý ống nước, tiệm làm tóc hoặc bác sĩ. Ở hầu hết các vùng nông thôn trên thế giới, nông dân từ vừa tới nhỏ phù hợp với loại này. Mặc dầu đang dần dần biến mất khỏi các nền kinh tế tiên tiến, tầng lớp trung lưu nông nghiệp ở nông thôn này vẫn là tiểu phần lớn nhất của tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới.
Thứ hai, khi chủ nghĩa tư bản phát triển, cái thường được gọi là “tầng lớp trung lưu mới” cũng phát triển. Đây là những người lao động chứ không phải là những chủ doanh nghiệp nhỏ, nhưng được phân biệt với giai cấp công nhân bởi vai trò của họ như những người quản lý lao động của những người khác.
Nhóm quan trọng khác giữa tư bản và lao động là trí thức, những người đóng một vai trò tư tưởng quan trọng đối với chủ nghĩa tư bản và có một mức độ lớn quyền kiểm soát đối với lao động của chính họ: các giáo sư đại học và nhà báo cao cấp, những người điều hành các tổ chức phi chính phủ, v.v…
Tầng lớp trung lưu truyền thống không hoạt động độc lập với chủ nghĩa tư bản, bất kể tư tưởng đức hạnh về làm chủ của chính bạn có nói nên điều gì đi nữa. Các thành viên của nó được tích hợp vào nền sản xuất tư bản chủ nghĩa với tư cách là nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho đại tư bản hoặc, vì hàng hóa và dịch vụ mà họ cung cấp được cung cấp dễ dàng hơn ở quy mô nhỏ hoặc, họ lấp đầy một khoảng trống trên thị trường mà tư bản lớn chưa tiếp quản.
Họ kiếm sống chủ yếu bằng sức lao động của mình với tư liệu sản xuất tư nhân. Những chủ cửa hàng hoặc người buôn bán thành công có thể bắt đầu thuê người phụ việc, ngay cả khi họ vẫn tiếp tục làm việc. Nếu điều này trở thành nguồn thu nhập chính của họ, họ đã rời bỏ tầng lớp trung lưu, mặc dù họ vẫn ở một vị trí kinh tế hơi bấp bênh. Theo chiều hướng khác, họ có thể rời bỏ tầng lớp trung lưu để chuyển sang tầng lớp lao động nếu công việc kinh doanh của họ bị phá sản và họ phải làm việc cho người khác.
Nhà Marxist người Mỹ Hal Draper đã từng tóm tắt vị trí của tầng lớp trung lưu truyền thống như thế này
“Những người tiểu tư sản [tư bản nhỏ] Janus phải đối mặt với hai ngả đường. Người tiểu tư sản một mặt đối diện với nhà tư bản, một mặt với công nhân. Hai đường ranh giới khác nhau chạy cắt qua họ: (1) Nếu một đường thẳng được vẽ giữa kẻ sở hữu và người không sở hữu tài sản, thì họ là chủ sở hữu tài sản; và như vậy, họ có thể hãnh diện với danh tính của mình trước các triệu phú và bị lôi cuốn bởi những buổi diễn thuyết về Quyền sở hữu.
“(2) Nếu một ranh giới được vẽ ra giữa những người sống bằng sức lao động của mình và những người sống bằng sức lao động của người khác, thì những người tiểu tư sản thấy mình thuộc về những người ở vế trước, và họ là những người lao động, và như vậy họ có thể đánh giá cao những bất bình của giai cấp công nhân… Tiểu tư sản vì thế mà bị giằng kéo theo hai hướng.”
Sự cân bằng của các lực lượng giai cấp, tình trạng của cuộc đấu tranh giai cấp, quyết định sức mạnh của lực kéo. Trong những lúc bình thường, tư bản có sức ảnh hưởng đến mức có ít ai hoài nghi tầng lớp trung lưu truyền thống có đứng chung một hàng với giai cấp các nhà tư bản hay không. Dẫu rằng trong hầu hết thời gian, các thành viên của nó tưởng tượng mình được nâng cao hơn những đối kháng giai cấp. Trên thực tế, chúng bị ép từ cả hai hướng. Một lần nữa ta trích dẫn Draper:
“Từ trên xuống, họ bị xô lấn bởi áp lực từ các nhà tư bản có năng lực hơn và bị đè nén bởi các chính sách từ một chính phủ bận tâm đến việc mở rộng các ngành công nghiệp lớn hơn là nỗi khó khăn của những thợ may địa phương… Mặt khác, từ bên dưới – Những người mới nổi có thể phiền lòng bởi ‘sự lười biếng’ của những người học việc, trợ lý cửa hàng hoặc những người giúp việc được thuê khác, những người sẽ không chia sẻ với họ sự hăng hái quên mình cho công việc… [và] nhà tư bản vừa nhỏ vừa nghèo bị buộc phải đổ mồ hôi nhiều hơn để bòn rút sức lao động từ nhân viên, điều vốn là cần thiết để cân bằng lợi thế trước một đối thủ cạnh tranh lớn hơn.”
Vì vậy, họ phẫn nộ với các nhà tư bản lớn cạnh tranh với họ và sự thiếu quan tâm từ nhà nước đối với các vấn đề của họ. Chẳng hạn như môi trường pháp lý về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc quá phức tạp và không được nới đủ để phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp nhỏ.
Không chỉ các yêu cầu về an toàn tại nơi làm việc mới khiến họ đau lòng. Đòi hỏi cạnh tranh trên một sân chơi không bình đẳng cũng là lý do tại sao các hành vi gian xảo khác như ăn cắp tiền lương, ép buộc con cái làm việc trong công việc kinh doanh của gia đình, thanh toán bằng tiền mặt và trốn thuế lại được các doanh nghiệp nhỏ chú ý.
Tiếp sau, “tầng lớp trung lưu mới” gồm các nhà quản lý cấp trung và các chuyên gia được trả lương cao. Điều quan trọng là phải phân biệt nhóm này với sự gia tăng của các “nhà quản lý” trong chủ nghĩa tư bản đương đại, giống như một người quản lý theo ca ở McDonald’s, người có thể kiếm thêm vài đô la mỗi giờ nhưng chỉ là một công nhân khác. Tầng lớp trung lưu mới là một loạt các giám sát viên cấp cao, các chuyên gia và các nhà quản lý cấp trung làm việc trong các cơ quan hành chính cả ở khu vực công và tư nhân lớn. Các chuyên gia có chuyên môn như kỹ sư, luật sư hoặc kế toán trong các cơ quan hành chính như vậy có thể có được quyền tự chủ đáng kể trong công việc của họ. Những người khác, chẳng hạn như trưởng khoa đại học hoặc giám đốc điều hành trong các tập đoàn lớn, có quyền lực đối với số lượng lớn công nhân.
Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu mới này là sản phẩm của quá trình tích tụ và tập trung tư bản. Chừng nào mà quy mô sản xuất và kích thước các doanh nghiệp còn tương đối nhỏ thì các nhà tư bản còn có thể tự mình thực hiện công việc giám sát và kiểm soát, với sự hỗ trợ của một số ít nhân viên và quản đốc mà họ thuê.
Một khi các doanh nghiệp trở nên lớn hơn, ngày càng cần thêm nhiều người được ủy quyền, nhiều tầng quyền lực và quản lý để giám sát quá trình lao động và quản lý nền kinh tế phức tạp cao của chủ nghĩa tư bản tiên tiến. Giai cấp thống trị cần phải dựa vào những đại biểu này để doanh nghiệp hoạt động theo cách thức có lợi cho mình, và do đó mang lại những phần thưởng tài chính đáng kể.
Các thành viên của tầng lớp trung lưu mới, trong khi không kiểm soát tư liệu sản xuất, có biện pháp để kiểm soát hoạt động mà cấp trên ủy quyền cho họ, nhờ những thành tựu cá nhân mà leo lên các nấc thang nghề nghiệp trong hệ thống quan liêu. Thu nhập có được và quyền lực đối với những nhân viên khác khiến họ trở thành một nhóm tách biệt khỏi giai cấp công nhân.
Vào những thời điểm đấu tranh xã hội, một phong trào công nhân mạnh mẽ đôi khi có thể kéo theo một số tầng lớp đi sau nó. Tuy nhiên khát vọng thăng tiến trong sự nghiệp và nhận được mức lương cao hơn nhiều so với những người lao động bình thường xung quanh họ, là lực lượng mạnh mẽ ràng buộc các nhà quản lý cấp trung với giai cấp thống trị.
Giống như tầng lớp trung lưu truyền thống, tầng lớp trung lưu mới có thể có chủ nghĩa cá nhân cao. Nhưng đây là một kiểu chủ nghĩa cá nhân hơi khác. Như Erik Olin Wright đã nói: “Chủ nghĩa cá nhân của tầng lớp tiểu tư sản cũ nhấn mạnh vào quyền tự chủ của cá nhân, hãy là ông chủ của chính bạn, kiểm soát vận mệnh của chính mình, v.v.”, trong khi những người thuộc tầng lớp trung lưu mới thể hiện “chủ nghĩa cá nhân mang tham vọng nghề nghiệp, một chủ nghĩa cá nhân hướng tới sự linh hoạt về tổ chức.”
Phần thứ ba của tầng lớp trung lưu là trí thức, chẳng hạn như giáo sư hoặc nhà báo cao cấp, hoặc các quan chức làm việc trong lĩnh vực cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ khác. Họ không sở hữu hoặc kiểm soát phương tiện sản xuất, nhưng họ được phép độc lập và tự chủ trong công việc, và họ thường cảm thấy mình là một phần của tầng lớp ưu tú với trách nhiệm đưa ra những ý tưởng quan trọng và có tầm nhìn xa.
Vai trò xã hội của họ là cung cấp cho giai cấp thống trị vỏ bọc ý thức hệ. Họ hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, nhưng họ không phải là tác nhân tự do. Lợi ích của giai cấp thống trị là điều kiện quyết định ảnh hưởng và thiết lập ranh giới của hành vi, vị trí trong cấu trúc xã hội và dòng hoạt động dẫn đến phần thưởng cho trí thức. Nếu việc tìm kiếm sự thật của họ đi ngược lại lợi ích của giai cấp thống trị, họ sẽ hiếm khi được thăng tiến trên cương vị của mình. Họ bị khóa vào hệ thống theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, các tổ chức phi chính phủ hầu hết phụ thuộc vào nhà nước (hoặc các nhà tư bản “tự do”) để cấp vốn và do đó, họ phải tuân theo một quan điểm chính trị ôn hòa.
Vì vậy, tầng lớp trung lưu là tập hợp các tầng lớp xã hội không đồng nhất, có điểm chung là chỉ có vị trí trung gian và mơ hồ trong mâu thuẫn cơ bản giữa tư bản và lao động làm công ăn lương. Các thành viên của tầng lớp trung lưu bị lệ thuộc cả về kinh tế và chính trị. Họ không có quyền lực như nhà tư bản, những người sở hữu hoặc kiểm soát tư liệu sản xuất, cũng không có quyền lực như giai cấp công nhân để thúc đẩy lợi ích của họ bằng hành động tập thể. Không một bộ phận nào của tầng lớp trung lưu có thể tạo thành một lực lượng độc lập trong xã hội theo cách mà giai cấp tư bản hoặc giai cấp công nhân có thể làm được.
Diane Fieldes, Báo Cờ đỏ