CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT VỚI NHIỀU KHUÔN MẶT
Chủ nghĩa phát xít mà ngày nay chúng ta phải đối mặt, không chỉ là một chương đen tối trong lịch sử thế kỷ XX, mà còn là một mối nguy nổi bật trong thời đại của chúng ta. Đó là một hiện tượng cần được phân tích nghiêm túc.
Tuy vậy, những kiến giải phổ biến về chủ nghĩa phát xít từ những nhà tư tưởng chính thống lại hết sức không thỏa đáng. Chỉ cần lướt qua văn đàn chính thống, và bạn sẽ tìm ra được cả đống những kiến giải nông cạn. Hay gặp nhất, đó là chủ nghĩa phát xít là một loại hình “sùng bái lãnh tụ”, hoặc rằng “sức cuốn hút” của Hitler đơn giản là không thể cưỡng lại. Những lý lẽ như vậy chẳng cho chúng ta biết gì về những mâu thuẫn tiềm tàng trong xã hội có thể đẩy nhiều người về phía cánh hữu.
Các phong trào phát xít, có khả năng đàn áp quy mô lớn về chính trị và thể chất, không thể được xem như là âm mưu xảo quyệt, được dựng lên bởi một kẻ mị dân đơn lẻ nhằm dẫn dắt những kẻ sùng đạo cuồng tín.
Chủ nghĩa phát xít cũng không thể được giải thích như là những biểu hiện cực đoan của phân biệt chủng tộc. Phe cực hữu chắc chắn là có thể và đã đang thực sự vũ khí hóa vấn đề chủng tộc theo một cách vô cùng tàn khốc. Nhưng chủ nghĩa phát xít không bị bó hẹp trong chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cũng như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cực đoan chẳng phải là lãnh địa dành riêng cho những kẻ phát xít. Các đảng chính trị tư bản chính thống cũng thường sử dụng nỗi sợ hãi phân biệt chủng tộc để gây dựng sự ủng hộ mà không trở thành phát xít.
Ví dụ, Đảng Lao động Úc được xây dựng dựa trên quan điểm dân tộc chủ nghĩa nhằm tìm cách dung hòa lợi ích của công nhân Úc với lợi ích của các ông chủ của họ, và gây ra sự thù địch đối với lao động nhập cư. Nhưng nó không thể được coi là một đảng phát xít theo bất kỳ cách nào. Đảng Tự do đã giám sát việc tra tấn và sát hại người tị nạn trong các trại giam của mình nhưng nó vẫn là đại diện đáng kính hàng đầu của tầng lớp doanh nhân Úc.
Lịch sử cho chúng ta biết khá nhiều về lý do tại sao chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không thể là cốt lõi trong định nghĩa của chúng ta về chủ nghĩa phát xít. Có rất nhiều ví dụ về các phong trào phát xít đã không sử dụng chủng tộc như một công cụ huy động chính. Thật vậy, thuật ngữ phân biệt chủng tộc tương đối vắng bóng trong hình thức “cổ điển” của Ý. Ở Ý, Tây Ban Nha và thậm chí ở Úc trong những năm 1930, kẻ thù chính được chủ nghĩa phát xít xác định là cánh tả xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bất kỳ mối đe dọa sắc tộc có chủ đích nào.
Điều này không phải là để làm dịu đi những tội ác khủng khiếp do Đức Quốc xã đã gây ra dưới danh nghĩa bài Do Thái, cũng không phải là sự xem nhẹ cách mà phe cực hữu hiện đại sử dụng tâm trạng bài người Hồi giáo để kích động sự ủng hộ. Nó chỉ đơn giản để nói rằng phân biệt chủng tộc không cần phải là một đặc điểm thiết yếu của các phong trào phát xít.
Trong lịch sử, chủ nghĩa phát xít đã dựa trên những tình cảm đa dạng và mâu thuẫn như chủ nghĩa quân chủ, chủ nghĩa nghiệp đoàn, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và chủ nghĩa quân phiệt hiếu chiến. Như Colin Sparks, một nhà Marxist người Anh, đã nhận xét vào năm 1974, “chủ nghĩa phát xít đã phối trộn đủ mọi huyền thoại và dối trá từ lịch sử bại rữa của chủ nghĩa tư bản để tạo ra một đống thẻ bài nhơ nhớp và phát cho những người mà chúng cho là sẽ tranh thủ được.”
Nếu những lập luận đặc biệt mang tính ý thức hệ không phù hợp cho những phong trào phát xít, vậy liệu có khả năng có một lý thuyết tổng quát về chủ nghĩa phát xít chăng? Các nhà Marxist lập luận rằng, điều này là có thể nhưng nó sẽ yêu cầu ta phải vượt ra khỏi cái nhìn hời hợt về những phong trào như vậy. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết về các xã hội tư bản nơi chủ nghĩa phát xít trỗi dậy, những cơn khủng hoảng được kiến tạo từ những xã hội này và những mâu thuẫn giai cấp đặc hữu của chúng.
Những nỗ lực đầu tiên để so sánh nước Ý của Mussolini với Đức Quốc xã là do những người theo chủ nghĩa Marx thực hiện. Trong một bài phát biểu đầu năm 1925, nhà mácxít người Ý Antonio Gramsci đã đề xuất rằng chủ nghĩa phát xít “không phải là một hiện tượng thuần túy của Ý… mà nó là một hiện tượng của cả châu Âu và toàn thế giới, có tầm quan trọng to lớn trong việc tìm hiểu cuộc khủng hoảng toàn diện thời hậu chiến.”
Đến đầu những năm 1930, các nhà xã hội chủ nghĩa đã có thể rút ra từ kinh nghiệm đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít ở Đức, Ý, Tây Ban Nha và Pháp để đưa ra một phác thảo chung về những đặc điểm cơ bản của nó. Đối với những nhà hoạt động này, chủ nghĩa phát xít có một vài đặc điểm nhất quán tồn tại trên mọi biểu hiện của nó.
Thứ nhất, chủ nghĩa phát xít có một cơ sở giai cấp xác định được. Trotsky lập luận rằng, ở khắp mọi nơi, “đội quân nòng cốt của chủ nghĩa phát xít… là bao gồm giai cấp tiểu tư sản và tầng lớp trung lưu mới nổi, các nghệ nhân và chủ tiệm nhỏ ở các thành phố”. Các tầng lớp này có quyền lợi khác biệt với hai giai cấp chủ yếu trong chủ nghĩa tư bản, đó là giai cấp công nhân và các nhà tư bản.
Các tầng lớp trung lưu bị kẹt giữa hai cực thù địch. Một mặt, khuynh hướng tập trung sản xuất vào các doanh nghiệp lớn của chủ nghĩa tư bản có thể đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp nhỏ. Sự hỗn loạn của nền kinh tế theo đuổi lợi nhuận chắc chắn tạo ra những giai đoạn bùng nổ đi cùng với những cuộc khủng hoảng và cơn co thắt cấp tính, khi đó các tầng lớp trung lưu cảm thấy mình bị đè nén bởi những lực lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ có thể trở nên thù địch với các đại biểu chính trị chủ yếu của tư bản, những người có chính sách thuế và gói cứu trợ theo xu hướng ủng hộ các doanh nghiệp lớn.
Đồng thời, các tiểu chủ cũng cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương khi đối mặt với giai cấp công nhân có tổ chức. Nếu không có sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư lớn, lợi nhuận của họ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những đợt tăng lương nhỏ hoặc những cải thiện về điều kiện sức khỏe và an toàn cho người lao động. Ngay cả những thành phần trung lưu không trực tiếp sử dụng lao động cũng có thể chia sẻ nỗi sợ hãi về hoạt động của giai cấp công nhân. Các trí thức, quan chức nhỏ và quan chức nhà nước đều phụ thuộc vào sự vận hành trơn tru của chủ nghĩa tư bản và tính hợp pháp của các cấu trúc chính trị của nó. Bất kỳ phong trào công nhân nào đe dọa đến sự ổn định của trật tự vốn đều là mối đe dọa đối với vị trí đặc quyền của họ.
Các tầng lớp trung lưu vào những thời điểm nhất định có thể có thể bị lâm vào cảnh tuyệt vọng và cuồng loạn đến mức mà họ từ bỏ sự ủng hộ đối với giới tinh hoa truyền thống và cố gắng xây dựng các tổ chức chính trị của riêng mình. Các tổ chức như vậy nhằm mục đích sử dụng quyền lực của nhà nước để đè bẹp phong trào công nhân và các bộ phận tư bản đe dọa đến lợi ích của tầng lớp trung lưu – đó là một chương cổ điển của chủ nghĩa phát xít.
Tính tiểu tư sản của Chủ nghĩa phát xít không có nghĩa là không có sự tham gia của các tầng lớp xã hội khác. Khi nó phát triển, chủ nghĩa phát xít có thể thu hút sự ủng hộ từ những người không thấy giải pháp nào khác cho sự khốn cùng dưới chủ nghĩa tư bản. Những người lính trở về từ chiến trường, mang theo sang chấn của chiến tranh, hàng ngũ tuyệt vọng của những người thất nghiệp và những người đã chán nản với hiện trạng có thể bị các tầng lớp trung lưu lôi kéo. Nhà cách mạng người Đức Clara Zetkin đã nhận ra rằng chủ nghĩa phát xít đã trở thành “chốn nương náu cho những người vô gia cư về mặt chính trị, những kẻ đã bị bật rễ ra khỏi xã hội, những kẻ bần cùng và vỡ mộng.”
Khả năng của chủ nghĩa phát xít để tự mô tả mình như một sự thay thế triệt để cho chủ nghĩa tư bản là một đặc điểm khác được lưu ý bởi các nhà xã hội chủ nghĩa sống giữa hai cuộc chiến. Lên án các ngân hàng lớn, toàn cầu hóa và giới tinh hoa đều là những điệp khúc đối với các phong trào phát xít. Chủ nghĩa phát xít có thể sử dụng luận điệu chống tư bản chủ nghĩa, nhưng các giải pháp mà nó đưa ra hoàn toàn là phản động.
Trotsky nhận xét rằng mục tiêu thống nhất của chủ nghĩa phát xít là “nhổ bỏ tất cả các yếu tố của nền dân chủ vô sản trong xã hội tư sản.” Những kẻ phát xít tìm cách “phá bỏ tất cả các thành lũy phòng thủ của giai cấp vô sản, và nhổ bỏ bất cứ thành tựu nào mà giai cấp vô sản đã đạt được trong suốt 3/4 thế kỷ thông qua nền dân chủ xã hội và công đoàn.”
Mục tiêu của chủ nghĩa phát xít là đàn áp bạo lực giai cấp công nhân, chứ không phải là sự tái tổ chức triệt để các quan hệ xã hội. Đó là giấc mơ tiểu tư sản về sự bóc lột không ngừng giai cấp công nhân mà không bị ràng buộc bởi những trò hề rối rắm của nền dân chủ tự do.
Vì có chung lòng căm thù đối với giai cấp công nhân, các đại diện của tư bản lớn thường trực tiếp tài trợ và ủng hộ các phong trào phát xít. Các hoạt động của Hitler ngay từ rất sớm đã được tài trợ bởi nam tước than đá Emil Kirdof và trùm thép Fritz Thyssen. Ở Anh, ông trùm truyền thông Lord Rothermere đã quyên góp và cung cấp công khai cho Áo sơ mi đen của Oswald Mosley. Trong nhiều trường hợp cực đoan, chủ nghĩa phát xít còn được các nhà cai trị chào đón khi mà các phương pháp cưỡng bức và sự đồng thuận truyền thống không thể khôi phục sự ổn định của chủ nghĩa tư bản. Cả Hitler và Mussolini đều không nắm quyền thông qua cuộc nổi dậy mà họ đã được mời lên cai trị bởi các vị vua, tổng thống và các tướng lĩnh quân đội.
Chủ nghĩa phát xít không phải là cách mạng, nhưng những người theo chủ nghĩa Marx hiểu rằng nó là một kiểu phong trào quần chúng đặc biệt. Nó phát triển với tư cách là một lực lượng tương đối độc lập trên nền tảng của tiểu tư sản, chứ không phải là công cụ trực tiếp của tư bản.
Đức Quốc xã và Phát xít Ý đã áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để xây dựng đảng của họ trước khi được chào đón lên nắm quyền. Cỗ máy đàn áp đình công của Mussolini đã được hoàn thiện qua nhiều năm khủng bố chính trị ở vùng nông thôn nước Ý trước khi nó được chuyển sang để chống lại các trung tâm công nghiệp, nơi tập trung sức mạnh của giai cấp công nhân.
Đảng Quốc xã đã trải qua 5 năm tương đối không đáng kể trên chính trường Đức sau cuộc nổi dậy vũ trang thất bại năm 1923. Rõ ràng là bạo lực chính trị trực tiếp không thể đánh bại giai cấp công nhân có tổ chức ở miền Nam nước Đức. Hitler tuyên bố rằng “thay vì làm việc để đạt được quyền lực bằng âm mưu vũ trang, chúng ta sẽ phải bịt mũi và tiến vào Quốc hội để chống lại các đại biểu Công giáo và Mác-xít”. Công việc bầu cử này cho phép Đức Quốc xã xây dựng một đội ngũ thành viên tận tâm và năng nổ, có thể được triển khai như để chiến đấu trên đường phố trong những năm cuối của thập kỷ. Các cuộc biểu tình quần chúng rất quan trọng đối với các phong trào phát xít vì, như Hitler đã lưu ý, chúng “thổi bùng vào tâm hồn những anh chàng nhỏ bé niềm kiêu hãnh chắc nịch rằng, dù chỉ là một con sâu nhỏ nhưng anh ta vẫn là một phần của một con rồng vĩ đại.”
Các phong trào phát xít thực hiện vô số sự lươn lẹo trong các diễn ngôn và hình thái tổ chức của chúng. Chúng cũng có thể đóng một vai trò phản động ngay cả khi chúng không được tích hợp vào chính phủ. Vào tháng 2 năm 1934, các băng đảng phát xít đã khởi xướng một cuộc đảo chính chống lại Quốc hội ở Paris. Mặc dù việc xông vào quốc hội đã thất bại, giai cấp thống trị Pháp sử dụng bạo loạn như một cái cớ để lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ và bổ nhiệm Thủ tướng Gaston Doumergue theo đường lối bảo thủ. Đến năm 1940, các nhà tư bản Pháp đã hân hoan chào đón cuộc xâm lược của Đức Quốc xã và sẵn sàng để thiết lập một chế độ cộng tác viên do Philippe Pétain, một kẻ bài Do Thái, đứng đầu.
Một câu chuyện tương tự xuất hiện ở quy mô nhỏ hơn ở Úc. Năm 1932, Lực lượng Cận vệ mới của phát xít đã ấp ủ một âm mưu hạ bệ chính phủ Lao động New South Wales, được cho là “xã hội chủ nghĩa” dưới thời Jack Lang. Đội Cận vệ Mới đã dành nhiều năm để khủng bố cánh tả và nghiền nát các tổ chức của công nhân trong các cuộc ẩu đả trên đường phố. Cuối cùng, thống đốc bang đã sa thải Lang trước khi quân phát xít có thể tổ chức cuộc đảo chính của chúng, và Đội cận vệ mới được hấp thụ vào bộ máy đáng kính của chủ nghĩa bảo thủ Úc. Nhưng phe tả đã chịu những tổn hại nghiêm trọng và một xu hướng cực hữu đang tiến vào nền chính trị chính thống.
Những ví dụ này từ những năm 1930 minh họa cho mối quan hệ phức tạp mà chủ nghĩa phát xít có thể có với các lực lượng cánh hữu khác. Đôi khi, các phong trào phát xít có thể hoạt động như những đội quân xung kích cho các đảng bảo thủ truyền thống hơn. Họ có thể xuất hiện và lại tham gia vào các hình thức bầu cử chính thống khi bối cảnh chính trị thay đổi. Gramsci đã mô tả chủ nghĩa phát xít là “một đám phản động tiềm tàng tổ chức một cách tự phát, lúc hợp lại, khi tan rã rồi lại tái hợp”. Tuy nhiên, luôn luôn và ở mọi nơi, chủ nghĩa phát xít được nuôi dưỡng bởi những căng thẳng xã hội do chủ nghĩa tư bản tạo ra.
Đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho các lực lượng cực hữu và phát xít lớn mạnh. Sự yếu kém của phong trào công nhân và sự ổn định xã hội mang tính bảo thủ tạo ra hạn chế về mức độ hỗ trợ mà họ có thể thu hút từ giới đại tư sản và các nhân vật chính trị chính thống ngày nay. Tuy nhiên, số lượng mà chúng có thể đạt được nên được quan tâm và trở thành động lực hành động.
Để thành công, chúng ta cần một bản phân tích dựa trên những hiểu biết quan trọng của những người theo chủ nghĩa xã hội, những người đã chiến đấu với chủ nghĩa phát xít trước chúng ta. Điều quan trọng, chúng ta cần bắt đầu từ sự phê phán cơ bản về cấu trúc của xã hội tư bản, những căng thẳng mà nó tạo ra và những ý tưởng chính trị mà nó sinh ra. Như nhà cánh tả người Đức Max Horkheimer đã nhấn mạnh vào năm 1939, “bất cứ ai không sẵn sàng nói về chủ nghĩa tư bản thì cũng nên giữ im lặng về chủ nghĩa phát xít”.
Ruby Healer, ngày 08, tháng 12 năm 2021
Nguồn: Redflag
Người dịch: Lê Quốc Phong