Cách mạng xã hội chủ nghĩa và cuộc đấu tranh chống lại tổng thống của phố Wall

 

John Peterson, Socialist Revolution, ngày 3 tháng 12 năm 2020


 

Việc Joe Biden đánh bại Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Rốt cuộc, đối thủ của anh ta chỉ là một ngôi sao kém cỏi của truyền hình thực tế, người đang đứng đầu một nền kinh tế bị tàn phá và một đại dịch không thể kiểm soát. Chỉ vài tháng trước thôi, quý ngài Tổng tư lệnh còn buộc phải náu mình trong boong-ke trước phong trào biểu tình lớn nhất trong lịch sử đất nước. Điều đáng ngạc nhiên là rốt cuộc ngoài điều hiển nhiên đó ra chẳng có gì được rút ra cả.

 

Biden thắng không có gì ngạc nhiên; điều đáng ngạc nhiên đó là một chiến thắng sít sao.

 

Biden hẳn đã giành được kỷ lục với 80,9 triệu phiếu phổ thông, nhưng đó không phải là điều mà nhiều chuyên gia tự do mong đợi. Bất chấp tất cả, Trump cũng đã nhận được hơn 74 triệu phiếu bầu – số cao nhất từ ​​trước đến nay cho một tổng thống đắc cử hay bất kỳ một ứng cử viên nào từ Đảng Cộng hòa. Đã không có một “làn sóng xanh” quét qua Quốc hội. Thực ra Đảng Dân chủ đã mất ghế tại Hạ viện, và vẫn chưa rõ ràng là ai sẽ kiểm soát Thượng viện. Trump có thể đã bị đánh bại về mặt cá nhân, nhưng chủ nghĩa Trump vẫn sống sót và thách thức.

 

Làm thế nào chúng ta có thể giải thích điều này? Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của cuộc đấu tranh giai cấp? Như chúng ta sẽ thấy, bản chất và sự dằng dai của Chủ nghĩa Trump – được thể hiện qua sự chia rẽ sâu sắc trong giai cấp công nhân Mỹ – chỉ có thể được hiểu đúng nếu chúng ta nhìn nhận từ quan điểm giai cấp.

 

Ứng cử viên của Phố Wall

 

Khi Trump lên đường rời khỏi Nhà Trắng, thật dễ hiểu khi hàng triệu người đã có cảm giác như thể một cơn ác mộng kéo dài và kỳ quái đã đến hồi kết. Nhưng cùng lúc đó hàng triệu người khác lại cảm thấy như thể cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu. Những xúc cảm trái chiều từ hai bên bị chia rẽ bởi bầu cử được thúc đẩy bởi sự lo lắng sâu sắc, nỗi sợ hãi, trầm cảm, bệnh tật, nợ nần, thất nghiệp và mất hy vọng đối với một sự thay đổi thực sự. Nhưng chủ nghĩa tư bản không thể cung cấp một phao cứu sinh cho những khốn khổ này vì nó không thể cung cấp việc làm có chất lượng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an toàn và phẩm giá cho tất cả mọi người. Sự thật cay đắng là rốt cuộc, cơn ác mộng mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn đối với đại đa số người lao động, bất kể họ bỏ phiếu cho ai.

 

Về cơ bản, chương trình của Biden nhấn mạnh vào những điều sau: “Tôi không phải là Donald Trump, và tôi sẽ đưa đất nước trở lại ‘những ngày xưa tốt đẹp’ dưới thời Obama.” Nhưng chính “những ngày xưa tốt đẹp” đó ngay từ đầu đã đặt cơ sở cho Trump. Trump có thể là tổng thống bị ghét nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng với tư cách là một chính trị gia thành lập kiên định suốt đời, Biden cũng bị ghét hết sức. Ông ta đứng thứ 4 trong các cuộc họp kín ở Iowa và đứng thứ 5 trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire. Đây là thước đo thực sự để đánh giá mức độ nổi tiếng của ông trước các đảng viên Đảng Dân chủ. Hàng triệu người đã bỏ phiếu “chống Trump” thay vì là “cho” Biden.

 

Phần lớn giai cấp thống trị Hoa Kỳ khi miệt Trump vì coi ông ta là một nhân tố gây bất ổn và khó lường. Các cuộc thăm dò trước bầu cử của các CEO hàng đầu và dấu vết của những khoản quyên góp lớn cho thấy rõ ràng Biden là ứng cử viên của Phố Wall. Các tỷ phú đã chi tiêu rất lớn để đưa người đàn ông của họ vào Nhà Trắng, chưa đến một phần tư tổng số đóng góp là các khoản đóng góp nhỏ.

 

Như một hệ quả, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là một cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ước tính đã có khoảng 14 tỷ đô la được chi ra – nhiều hơn cả hai cuộc bầu cử tổng thống trước đó cộng lại – và thậm chí đảng Dân chủ còn nhiều hơn gần gấp đôi so với đảng Cộng hòa. Bất chấp lợi thế chi tiêu khổng lồ này, Biden gần như không vượt qua được mức chênh lệch Đại cử tri đoàn như Trump đã nhận được vào năm 2016. Dẫu vậy, những ngày sau khi cựu Phó Tổng thống đắc cử thị trường chứng khoán đã tăng vọt lên mức kỷ lục, bất chấp virus coronavirus vẫn hoành hành, kinh tế hỗn loạn, và một cơn sóng thần về di cư và vô gia cư đang lờ mờ nơi chân trời.

 

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình Trump đã “phá vỡ những rào chắn”, nhiệm vụ của Biden là khôi phục lại thể chế và hệ thống nói chung thay mặt cho giai cấp thống trị. Nhưng đất nước mà ông sắp chèo lái là một đất nước đang bên bờ của sự chia rẽ sâu sắc và những gì ông kế thừa là một sự hội tụ của những thảm họa chưa từng có.

 

Bất chấp số phiếu kỷ lục chống lại mình, Biden tuyên bố rằng mình đã được giao trọng trách để thành lập một chính phủ của sự “hòa giải”, “hàn gắn” và “đoàn kết dân tộc”. Ngay cả khi đây là một thông điệp mà hàng triệu người muốn nghe, thì chúng ta cũng phải rõ ràng rằng đó là quy tắc để lệ thuộc lợi ích của công nhân vào lợi ích của các nhà tư bản. Sự hoà hợp là không thể trong một xã hội bị chia thành kẻ bóc lột và người bị bóc lột.

 

Tổng thống mới có thể thực hiện tốt các biện pháp cứu trợ ngắn hạn cho người nghèo, người thất nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng động lực chính trong các chính sách của ông sẽ là hỗ trợ Phố Wall. Bằng cách này hay cách khác, giai cấp công nhân cuối cùng sẽ phải trả giá cho cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, thông qua thắt lưng buộc bụng trực tiếp hoặc gián tiếp, gánh nặng lạm phát, hoặc một sự phối hợp của những cuộc tấn công vào tiền lương và điều kiện sống.

 

Vì vậy, ngay cả khi có một vài điều chỉnh ở vẻ ngoài thì điều này có vẻ như chỉ  làm vơi nhẹ phần nào trong ngắn hạn, những thất vọng thậm chí còn lớn hơn đang đón đợi những người còn ảo tưởng vào một sự thay đổi thực sự đến từ Đảng Dân chủ. Nếu những gì theo sau Obama dường như là không thể tưởng tượng nổi, thì những dư vị của Trường học Dân chủ phiên bản 2.0 thậm chí sẽ còn khắc nghiệt hơn. Trừ khi và cho đến khi các cấu trúc, thể chế và đảng của chủ nghĩa tư bản bị lật đổ, mọi thứ luôn có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

 

Phân cực xã hội

 

Việc thiếu vắng một chính đảng quần chúng của giai cấp công nhân là một nhân tố khách quan đè nặng lên cách nhìn chủ quan của người lao động. Kết quả là, sự phân cực đến tột độ của xã hội bị khúc xạ qua lăng kính rạn nứt giữa hai chính đảng tư bản.

 

Sau bốn năm đầy bức bội, những kẻ tự do chủ nghĩa muốn trở lại những gì mà  họ coi là bình thường. Với một vài mệnh lệnh hành pháp, họ sẽ cố gắng viết lại kỷ nguyên Trump như thể nó chưa từng xảy ra. Nhưng, chủ nghĩa Trump đã đến và nó đến là có lý do.

 

Các đường nứt gãy làm rạn nứt giai cấp công nhân lần đầu tiên tụ lại vào năm 2016, bằng chứng là thất bại của Clinton trong vành đai gỉ sét (Rust belt – Một khu vực của Hoa Kỳ đã trải qua sự suy giảm công nghiệp bắt đầu từ những năm 1970). Sau tám năm thất bại của cái gọi là “sự hy vọng”“thay đổi” và sự đầu hàng của Bernie Sanders trước Trung ương Đảng dân chủ, nhiều công nhân, những người đang tìm kiếm một giải pháp triệt để, đã chọn trao cơ hội cho kẻ ngoài cuộc đủ liều lĩnh và táo bạo. Kết quả là việc bỏ phiếu cho một tỷ phú chống công nhân như Donald J. Trump.

 

Nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn và gây chia rẽ trong giai cấp công nhân là ở những người lãnh đạo lao động, những người có một nguyên tắc dẫn đường là “điều gì tốt cho ông chủ cũng tốt cho công nhân”. Nhưng trên thực tế thì điều gì tốt cho ông chủ lại chẳng hề tốt cho người công nhân, lợi ích của chúng ta là không thể hòa giải.

 

Những người này đứng đầu hàng triệu công nhân có tổ chức trong hàng chục ngành công nghiệp thiết yếu. Họ chẳng những có sức mạnh để đóng cửa nền kinh tế mà còn có phương tiện để huy động các thành viên và nguồn lực phía sau một nỗ lực xây dựng đảng quần chúng mới trên cơ sở một giai cấp mới. Thay vào đó, họ đã bắt tay, liên kết và thỏa hiệp với các sếp tại nơi làm việc và tại các cuộc thăm dò ý kiến, điều này đã dẫn đến một vòng xoáy của giảm lương, điều kiện làm việc và phúc lợi trên thực tế. Sự vắng bóng của một lãnh đạo giai cấp độc lập, có tính chiến đấu đã để lại một khoảng trống mà Trump và những người thân cận của ông ta đã nhận ra và tranh thủ thông qua việc sử dụng những lời hùng biện táo bạo, ủng hộ công nhân.

 

Hậu quả thấy rõ, các nhà lãnh đạo công đoàn đã bắt đầu mất kiểm soát đối với những công đoàn viên bình thường. Biden có thể đã giành được 57% trong số các cử tri công đoàn, trong khi 40% bỏ phiếu cho Trump. Nhưng đã có thời, đây là khối phiếu bầu đáng tin cậy của đảng Dân chủ – giờ nó không còn rõ ràng như thế nữa. Những người trong các công đoàn khu vực công và dịch vụ vẫn có xu hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, trong khi nhiều người trong các công đoàn công nghiệp, và không ngạc nhiên khi các hiệp hội cảnh sát, ủng hộ Trump một cách áp đảo. Mặc dù có phần khoác lác nhưng không phải vô cớ mà Trump đã tuyên bố rằng “Đảng Cộng hòa giờ đã trở thành đảng của công nhân Mỹ.”

 

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong số những người ủng hộ ông ta có những kẻ là cặn bã của xã hội: những kẻ phân biệt chủng tộc không biết xấu hổ, những kẻ theo chủ nghĩa da trắng tối thượng, Proud Boys (bọn tân phát xít), v.v. Những thành phần này đang bị khuấy động vào một sự điên cuồng. Họ “đang sẵn sàng” để được huy động như một đòn đánh cả về tư tưởng và vật chất nhằm chống lại cánh tả và những người lao động một lúc nào đó. Nhưng không phải chỉ có giai cấp tiểu tư sản và những kẻ bị mất quyền trong cơn phẫn nộ ủng hộ ông. Cơ sở của ông cũng bao gồm hàng triệu công nhân đang giận dữ và tuyệt vọng.

 

Đúng là trên quang phổ chính trị hiện tại, những người lao động này đã ngả nhiều hơn về cánh hữu. Nhưng điều này chỉ là bởi vì chỉ các lựa chọn chính trị cánh hữu là có sẵn. Nhiều người trong số họ ủng hộ Trump vì cùng một lý do mà họ đã ủng hộ Obama và đảng Dân chủ trong quá khứ – vì không có giải pháp thay thế khả thi, độc lập về giai cấp. Chỉ sau sự thất bại của cái gọi là chiếc ủng cánh tả của chủ nghĩa tư bản, họ mới quyết định trao cơ hội cho chiếc ủng cánh hữu. Nhiều hơn là một sự ngả nghiêng về cánh hữu, nó phản ánh cuộc tìm kiếm điên cuồng cho một lối thoát cho sự bế tắc.

 

Về gốc rễ, sự tức giận và phản kháng của họ đối với giới thượng lưu tự do là sự tức giận giai cấp đã bị làm sai lạc, đang bị Trump và đảng Cộng hòa ma mãnh thao túng. Trong phần lớn nhiệm kỳ của mình, Trump đã may mắn khi nói đến nền kinh tế, điều mà ông ta tuyên bố hoàn toàn là thành quả của bản thân. Điều này đã tạo ra cho anh ta rất nhiều sự tín nhiệm trong giới công nhân. Với thẩm quyền cá nhân đó và sự thiếu tin tưởng vào các phương tiện truyền thông tự do, ông đã thành công để gán trách nhiệm cho Trung Quốc và virus gây bệnh về những tai ương kinh tế mà ông ta gây ra.

 

Trong vài thập kỷ, dưới thời các tổng thống như F.D Roosevelt và ​​Lyndon Johnson, đảng Dân chủ được coi là đảng “thân thiện với người lao động hơn” hay “ít ác hơn”. Nhưng sau nhiều thập kỷ thất bại và bị phản bội, hàng triệu công nhân đã thay đổi lòng trung thành chính trị của họ. Đảng Dân chủ không còn được tin tưởng bởi một lớp công nhân, những người mà trong quá khứ điều này ít nhiều là hiển nhiên: một bộ phận của giai cấp công nhân da trắng được công đoàn hóa, và trên hết là những người ở vùng nông thôn và vành đai gỉ sét.

 

Mặc dù bản thân là một nhà tư sản, Trump đã thành công trong việc khai thác sự tức giận bản năng đối với hiện trạng, và Đảng Cộng hòa giờ hẳn phải mang ơn ông ta vì bằng cách khai thác sự tức giận đó, ông ta đã cho đảng này một cuộc sống khác. Điều này giải thích cho việc họ có vẻ đã bợ đỡ một cách khó hiểu được trước mọi lời nói và tuyên bố kể cả vô lý đến đâu của ông ta.

 

Sự nhấn mạnh của Trump về việc mở cửa lại nền kinh tế và đưa mọi người trở lại làm việc bất kể rủi ro đã gây được tiếng vang với hàng triệu người không có gì để sống ngoài đồng lương và bị tiêm nhiễm thứ đạo đức làm việc “tự vươn lên bằng nỗ lực bản thân”. Ông đã khéo vẽ lên Đảng Dân chủ như là một nhóm những kẻ theo chủ nghĩa tự do nhõng nhẽo, những kẻ đủ sức chờ đợi đại dịch trôi qua trong thoải mái – trong khi tất cả những người khác ở bên ngoài phải vật lộn và mạo hiểm mạng sống của chính mình để mưu sinh.

 

Khi công nhân ở các vùng khốn cùng của đất nước nghe thấy khẩu hiệu như “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cái họ nghĩ đến không phải là chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa đế quốc sô – vanh, mà là niềm tin tưởng chân thành rằng, Trump sẽ mang lại những công việc chất lượng, thứ đã cho phép cha mẹ và ông bà của họ có một cuộc sống tương đối chất lượng trong thời kỳ bùng nổ sau chiến tranh. Tất nhiên, không đơn giản để những thập niên 1950 quay trở lại – cần nhiều yếu tố chính trị và kinh tế để tạo nên điều đó — và ngay cả lúc đó không phải ai cũng được hưởng lợi.

 

Đúng là Trump đã không thực hiện được lời hứa của mình là sẽ tái thiết đất nước và tạo ra hàng trăm nghìn công việc trong các ngành khai thác và sản xuất than. Tuy nhiên, thông điệp của ông ta đã gây được tiếng vang với người lao động ở những nơi mà công việc trở thành quản lý của Walmart hoặc McDonald's hay, tham gia quân đội là những điều tốt nhất bạn có thể mong ước. Có những vùng trên đất nước này, nơi mà toàn bộ các thành phố và quận hạt đã bị chìm sâu trong vũng bùn bởi toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa và thuê ngoài, đổi lại cho họ chỉ là sự nhục nhã của nạn thất nghiệp hàng loạt và nghèo đói – chưa kể đến nạn dịch của thuốc gây nghiện, béo phì và sức khỏe tâm thần.

 

Tại các cuộc mít tinh đông đảo của mình – gợi lại những buổi họp xa xưa của những người theo chủ nghĩa phục hưng Cơ đốc giáo – Trump hứa hẹn mà không biết thẹn rằng sẽ trút lửa địa ngục và sự trừng phạt lên những kẻ đã gây ra điều này cho họ. Đó là một sự mâu thuẫn sâu sắc, bởi, mặc cho việc bản thân đang chễm chệ trên ghế tổng thống ông ta vẫn miêu tả mình như thể kẻ ngoài cuộc. Và trong khi tấn công hiện trạng, anh ta hứa hẹn sẽ quay trở lại một loại hiện trạng khác – một loại hiện trạng mà trong đó công nhân công nghiệp da trắng có được thêm một vài mẩu vụn để họ hoàn toàn tin tưởng rằng với ông chủ họ là đối tác.

 

Khi phải thiếu thốn và giành giật với nhau về việc làm, nhà ở, và thậm chí cả tôn nghiêm cơ bản để làm người, sự tuyệt vọng dẫn đến tầm nhìn bị thu hẹp. Điều này khiến mọi người dễ tiếp thu thông điệp “cứu thế” của một người như Trump. Ông ta hứa với họ cả thế giới và ném họ vào cơn cuồng loạn – với một liều khổng lồ của nỗi sợ hãi, phân biệt chủng tộc và bài ngoại được phối trộn một cách hiệu quả. Biến một lớp công nhân khác thành vật tế thần, đổ lỗi cho họ về những khủng hoảng của hệ thống là một chiến thuật cổ điển chia để trị của giai cấp thù địch nhằm chuyển hướng tâm trạng quần chúng.

 

Không màng đến những kẻ mất trí kiểm soát trại tâm thần của Đảng Cộng hòa. Mọi người muốn một cái gì đó khác biệt, và điều này chắc chắn không phải là bình mới rượu cũ. Mọi người đang tìm kiếm câu trả lời, một lối thoát cho sự bế tắc, và trên hết, một lãnh đạo dám chiến đấu. Trump là một kẻ rác rưởi, kẻ thù truyền kiếp của giai cấp công nhân. Nhưng anh ta láu cá và bất chấp – và đó là nhiều hơn những gì mà các nhà lãnh đạo công đoàn hoặc những người theo chủ nghĩa tự do có thể đưa ra.

 

Vì vậy, nếu chúng ta muốn lý giải chủ nghĩa Trump và chống lại nó, trước tiên chúng ta phải hiểu nó. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách vạch mặt chỉ tên nó: Đó là một liên minh giữa các giai cấp đối lập trong đó một bộ phận của giai cấp thống trị dựa vào một bộ phận của giai cấp công nhân để củng cố lợi ích của chính mình. Chúng ta phải tách biệt cái hợp lý ra khỏi cái phi lý trong hiện tượng Trump. Có rất nhiều điều phi lý – có lẽ là hầu hết trong số đó. Nhưng ẩn sâu bên trong sự bất mãn của giai cấp công nhân đó là một hạt nhân nhỏ bé của tiềm năng chủ nghĩa Bolshevism – không phải về mặt ý thức hệ, mà ở bản chất giai cấp mang tính căn bản của nó. Đây là “mảng tối” của chủ nghĩa Trump, điều đã khiến cho những nhà tự do chủ nghĩa bối rối.

 

Cơ hội bị bỏ lỡ

 

Đối với phe cánh tả trong các cuộc bầu cử này, hầu hết phải chịu áp lực và đóng đinh trong sự ủng hộ phe được xác nhận là “ít ác hơn”, dẫu trực tiếp hay gián tiếp. Điều này chỉ giúp gieo rắc ảo tưởng về đảng Dân chủ như là một phương tiện tiềm năng cho sự thay đổi thực sự. Tuy nhiên, vai trò của những người xã hội chủ nghĩa chân chính không phải là che đậy bằng những ngôn từ cánh tả cho một đảng lâu đời nhất của các nhà tư bản mà là giúp giai cấp công nhân lật đổ và thay thế nó.

 

Những người theo chủ nghĩa cải cách cáo buộc những người Marxist là “phi thực tế” trong khi chính họ nuôi dưỡng ảo tưởng phi lý rằng chủ nghĩa tư bản có thể được cải cách theo một cách có ý nghĩa và các đảng phái và thể chế hiện có của nó bằng cách nào đó có thể được tạo ra nhằm phục vụ một chủ nhân khác. Tất cả những tổ chức và cá nhân kêu gọi bỏ phiếu cho Biden dưới bất kỳ hình thức, khuôn khổ nào đều là kẻ đồng lõa và sẽ phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì xảy ra trong nhiệm kỳ của ông ta.

 

Căn nguyên cho sự hèn nhát của họ là họ không có lòng tin vào giai cấp công nhân và không có hệ tư tưởng mạch lạc làm kim chỉ nam. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa Marx hiểu rằng sức mạnh khổng lồ của giai cấp công nhân tới cùng là ở phía chúng ta. Chúng ta được trang bị những ý tưởng và một phương pháp cho phép chúng ta vượt qua sương mù của sự nhầm lẫn trong khi vẫn giữ được đôi mắt rộng mở và tầm nhìn dài hạn về lịch sử. Điều này không có nghĩa là chiến lược của chúng ta sẽ dễ dàng đạt được. Nhưng ít nhất nó dựa trên một phân tích khoa học về cách xã hội và lịch sử vận ​​động và làm thế nào sự thay đổi mang tính cơ bản thực sự có thể xảy ra.

 

Chúng ta cần phải đặt câu hỏi: chính xác thì cánh tả có kế hoạch như thế nào để “đốt lửa dưới chân Biden”, “bắt anh ta phải chịu trách nhiệm,” và “đẩy anh ta sang cánh tả”? Đảng Dân chủ không phải là một cái bình rỗng để có thể chứa đầy thỏa nguyện của những giai cấp khác nhau thông qua “áp lực”. Chúng chứa đầy nguyện vọng của tư bản, và trong khi chúng có thể thay đổi hình thức bên ngoài để tạo ấn tượng về sự thay đổi, cốt lõi nội dung vẫn còn đó.

 

Không còn đẩy được đảng Dân chủ sang cánh tả, tất cả những kẻ cố gắng tự tuyên bố mình theo chủ nghĩa xã hội đều bị hút về cánh hữu. Và điều tương tự cũng sẽ xảy ra với mọi nhà xã hội chủ nghĩa tự phong muốn nỗ lực thay đổi đảng đó từ bên trong. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Bernie Sanders, người hiện đã mất uy tín trước hàng triệu người.

 

Kể từ khi được bầu, Biden đã nói rõ rằng ông sẽ cai trị từ “trung tâm” – điều mà trong giới hạn tư bản có nghĩa là từ cánh hữu. Và dưới áp lực từ cực hữu, tới cùng anh ta sẽ trượt xa hơn về hướng đó. Cuộc tấn công trong nội bộ đảng vào các từ “chủ nghĩa xã hội” và thậm chí là “tiến bộ” đã bắt đầu. Ngay cả những nhà cải cách cánh hữu thiếu dứt khoát như Sanders và Warren cũng bị gạt sang một bên. Họ không còn được ứng cử vào các vị trí nội các vì họ bị xem là “quá xa về phía cánh tả.” Đây là lời cảm tạ cho vai trò kẻ dẫn dụ (Pied Piper – theo truyền thuyết về chàng thổi tiêu xứ Hameln) đầy thành công của họ trong bốn năm “mồi nhử và hoán đổi” này.

 

Chắc chắn, hàng triệu người có ảo tưởng thành thật rằng cảnh sát có thể được làm cho “tử tế và hoà nhã hơn” và rằng cái gọi là Thỏa thuận Mới Xanh có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu. Bản năng đầu tiên của họ là cố gắng tìm ra giải pháp trong hệ thống thông qua các bên và các nhà lãnh đạo mà họ đã quen thuộc. Đây là một việc bình thường và tự nhiên của quá trình cực đoan hóa và phát triển ý thức giai cấp.

 

Trong khi tương tác tích cực với những người có ảo tưởng như vậy, nhiệm vụ của những người Marxist là vạch ra một cách sâu sắc hơn những vấn đề và sự mâu thuẫn và giải thích rằng để chấm dứt khủng hoảng hệ thống chúng ta cần phải thay đổi hệ thống. Và để đạt được sự thay đổi sâu rộng như vậy, giai cấp công nhân cần được tổ chức về mặt chính trị để đối phó với các đảng của những ông chủ.

 

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ là hai mặt của cùng một đồng tiền tư bản. Chúng tôi bác bỏ ý kiến ​​cho rằng chúng là hai cực đối lập. Sự phân cực duy nhất mà chúng tôi khuyến khích, hoan nghênh và thúc đẩy là sự phân cực giai cấp.

 

Như chúng ta đã thấy, hàng triệu người đã bỏ phiếu để “chống” Trump, chứ không phải vì “cho” Biden. Và đối với hàng triệu người khác, một lá phiếu “cho” Trump thực sự là một lá phiếu “cho” công việc và mức lương tốt hơn, không nhất thiết phải là “cho” Trump và mọi thứ mà ông ta đại diện. Hàng chục triệu người khác đã không bỏ phiếu cho bất kỳ đảng phái nào hay bất kỳ ai. Và khoảng một nửa tổng số người Mỹ – bao gồm phần lớn thanh niên – nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho một tổng thống hoặc đảng xã hội chủ nghĩa. Và đừng quên rằng có đến 10% người Mỹ xuống đường giữa trận đại dịch mùa hè vừa qua để phản đối việc cảnh sát giết George Floyd. Đây là một sự phát triển phi thường, nó mang đầy ý nghĩa cho cuộc cách mạng trong tương lai.

 

Đây là cơ sở khách quan cho một đảng đại chúng mới, một đảng của, do và vì giai cấp công nhân – một đảng xã hội chủ nghĩa quần chúng dựa trên các đoàn thể. Một đảng công nhân chân chính và chính phủ của công nhân, được trang bị các chính sách nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội trên cơ sở giai cấp, có thể giành được sự ủng hộ của hàng triệu người hiện đang bỏ phiếu cho các đảng hiện có hoặc không bận tâm đến việc bỏ phiếu. Chủ nghĩa xã hội trong hành động – không phải chủ nghĩa tự do giả dạng xã hội chủ nghĩa – sẽ cắt ngang các chiến thuật chia để trị của giai cấp thống trị. Ngoài chủ nghĩa thực dụng hoàn toàn, hàng triệu người Mỹ bình thường cuối cùng sẽ ủng hộ các chính sách mang lại lợi ích cụ thể cho họ và gia đình họ – cho dù nó có được mang danh xã hội chủ nghĩa hay không.

 

Công nhân chiếm đa số và cuối cùng sẽ bị buộc phải xây dựng một phương tiện chính trị của riêng họ. Không thể biết đích xác những lực lượng nào, những hình thức nào hay thời điểm mà sự kết hợp giữa chúng làm cho một đảng như thế ra đời. Nhưng một khi có đủ số lượng công nhân dấn thân vào con đường này, họ sẽ chắc chắn gánh vác nó với nỗ lực và quyết tâm. Những người Marxist sẽ ở ngay đó với họ, kiên nhẫn tranh luận cho các chính sách và cấu trúc nhất quán độc lập giai cấp.

 

Trong những thời điểm đầy biến động như thế này, những bước nhảy vọt về ý thức luôn tiềm ẩn nơi điểm nút. Trong ngắn hạn, sự chia rẽ độc hại có khả năng còn tiếp tục, thậm chí trầm trọng hơn. Sẽ cần một thời gian và nhiều kinh nghiệm cay đắng để bóc tách được những mâu thuẫn phức tạp này. Nhưng chúng ta phải có niềm tin rằng sau cùng, vấn đề giai cấp sẽ đứng trên tất thảy. Đây là viễn cảnh mà toàn bộ cánh tả nên đấu tranh cho.

 

 

Đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa!

 

Còn nhiều điều cần phân tích khi nói đến nhiệm kỳ tổng thống của Biden: từ thành phần nội các cho đến chính sách đối ngoại của ông, những mối quan hệ của ông với phong trào lao động và Black Lives Matter, cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, v.v. Chúng tôi sẽ khám phá tất cả những điều này trong các bài báo và bài xã luận trong tương lai.

 

Nhưng điều này là rõ ràng: sự bất ổn và không chắc chắn liên tục là tiêu chuẩn mới, và trò đánh bóng qua lại của hệ thống lưỡng đảng không thể cứ tiếp tục vô thời hạn. Không có gì tồn tại mãi mãi, và chúng ta phải rút ra những kết luận cần thiết về chính trị, tổ chức và thậm chí cả tâm lý.

 

Tiếp theo những sự kiện gây chấn động về ý thức năm 2008 và 2016, năm 2020 đánh dấu một điểm nút khác trên con đường tiến tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Mỹ. Các sự kiện trong mười hai tháng qua là một bài kiểm tra căng thẳng lớn cho hệ thống – và những căng thẳng thậm chí còn nặng hơn vẫn đang ở phía trước. Mọi thứ cuối cùng trở thành đối lập của chính nó. Quốc gia ổn định nhất trên thế giới đã trở thành bất ổn nhất, và đến một giai đoạn nhất định, thế lực phản động nhất trên trái đất có thể sẽ trở thành cách mạng nhất.

 

Đối với những người theo chủ nghĩa Marx, chính trị còn nhiều điều hơn là bầu cử tư sản. Bỏ phiếu vài năm một lần không đủ để thay đổi xã hội. Tất cả các vấn đề cơ bản cuối cùng đều được quyết định trong đấu tranh, ở nơi làm việc, trên đường phố và nơi doanh trại, không chỉ đơn thuần ở thùng phiếu. Như lời giải thích nổi tiếng của Lenin, chính trị là sự hội tụ của những vấn đề kinh tế. Đó là cuộc đấu tranh tổng thể để có tiền lương và điều kiện tốt hơn, và cuối cùng, cuộc đấu tranh để thay đổi các quan hệ kinh tế cơ bản của xã hội.

 

Mặc dù có bản chất khác thường, sự phân cực sắc nét cuối cùng vẫn là bước dạo đầu cho cuộc cách mạng – có lẽ không phải vào tuần tới, nhưng sớm hơn nhiều so với mọi người có thể nghĩ. Chúng ta phải chuẩn bị cho những thay đổi mạnh mẽ và đột ngột và sự lên xuống của những sự kiện, số liệu và chuyển động ngẫu nhiên. Với suy nghĩ này, Trotsky đã từng nói rằng “Những người Marxist, đặc biệt là những người giành quyền lãnh đạo, phải có khả năng không phải ở việc làm kinh ngạc mà ở tầm nhìn xa.”

 

Chúng ta có thể thấy chính xác điều gì sắp xảy ra nếu một giải pháp thay thế cho quần chúng công nhân không được xây dựng trong giai đoạn tiếp theo. Chúng ta không nên bị sốc hay ngạc nhiên nếu chính Trump hoặc một người nào đó thậm chí còn phản động hơn sẽ trở lại Nhà Trắng vào năm 2024 hoặc 2028. Chúng ta phải kiên trì giải thích rằng nếu bạn không xây dựng một giải pháp thay thế độc lập về giai cấp cho Đảng Dân chủ, thì cái được gọi là ác hơn sẽ trở lại — lớn hơn và ác hơn bao giờ hết.

 

Hoa Kỳ có thể là một quốc gia khiến người ta phải hoang mang và sững sờ. Nhà báo Paul Krugman gần đây đã nói rằng nếu tất cả những điều này xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác, nó sẽ được coi là một trạng thái của sự thất bại. Nhưng điều cốt yếu là: các quy luật của cuộc đấu tranh giai cấp cũng được áp dụng ở đây, và các nguyên tắc cơ bản của nó rất đơn giản. Tất cả bắt đầu với sự hiểu biết rằng lợi ích của công nhân và nhà tư bản hoàn toàn đối lập nhau và độc lập giai cấp phải được duy trì và đấu tranh mọi lúc.

 

Khuynh hướng Marxist là biểu trưng cho ký ức lịch sử của giai cấp công nhân. Chúng ta phải học hỏi và truyền những bài học của cuộc đấu tranh giai cấp quốc tế cho giai cấp công nhân Mỹ, vận dụng những bài học đó một cách biện chứng vào điều kiện cụ thể mà chúng ta đang sống và làm việc hiện nay. Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là liên kết với các tầng lớp tiên tiến, giành được những người ủng hộ chủ nghĩa Marx trong khi kích động sự đoạn tuyệt với các đảng của các ông chủ và yêu cầu xây dựng một đảng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân.

 

Trump có thể đã bị đánh bại trong các cuộc thăm dò lần này, nhưng chủ nghĩa Trump và hệ thống mà ông và đảng Dân chủ bảo vệ còn lâu mới kết thúc. Chúng tôi đã nói điều đó vào năm 2016, và chúng tôi nói lại một lần nữa: chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đánh bại được Trump – và chủ nghĩa Trump!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận