Thư luân lưu gửi toàn thể đồng chí thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc

Bản dịch này dựa trên tài liệu được đăng tải trên Marxists.org, là một seri gồm 5 số được đăng trên tờ Militant. Còn một bản dịch tiếng Việt của Vũ Huy Quang đã được đăng tải cách đây nhiều năm nhưng nay đã không thể tìm thấy. Trong quá trình dịch và biên tập chắc hẳn không tránh khỏi còn nhiều thiếu sót, rất mong được các quý độc giả lượng thứ.

Phần I

Ngày 10 tháng Chạp, 1929

Gửi các đồng chí,

Kể từ khi tôi cùng các đồng chí của chúng ta thành lập Đảng Cộng sản, tôi đã thật thà mà thực thi chính sách cơ hội của những lãnh tụ quốc tế như Stalin, Zinoviev, Bukharin cùng những người khác, để rồi khiến cho cách mạng Trung Quốc phải chịu sự thất bại nhục nhã và thương tâm. Mặc dù tôi đã nỗ lực đêm ngày, công trạng cũng chẳng bù đắp được cho cái khuyết điểm của tôi.

Dĩ nhiên, ta chẳng nên bắt chước cái lối nhận tội giả dối của mấy ông vua ngày xưa, “Ta, chỉ mình ta, nhận hết thảy tội lỗi của thiên hạ”; tự mình gánh lấy mọi lỗi lầm gây nên sự suy vong. Nhưng đôi khi tôi vẫn rất xấu hổ khi nghe có những người có trách nhiệm, chỉ biết phê phán những sai lầm trong quá khứ của những người theo chủ nghĩa cơ hội mà lại loại trừ chính bản thân họ. Mỗi khi tôi bị các đồng chí phê bình, rằng có quá khứ đã ngả theo chủ nghĩa cơ hội, tôi đều thành khẩn ghi nhận.

Tôi tuyệt đối không thể bỏ qua những kinh nghiệm của cuộc cách mạng Trung Quốc mà những người vô sản đã phải trả bằng cái giá đắt nhất trong quá khứ. (Từ Hội nghị tháng Tám 1927 đến nay, tôi chẳng những không bác bỏ những lời chỉ trích đích đáng đối với tôi, mà thậm chí còn giữ im lặng trước những lời buộc tội phóng đại chống lại tôi.)

Tôi chẳng những sẵn sàng thừa nhận những lỗi lầm của mình trong quá khứ, mà còn cả trong hiện tại cũng như tương lai. Nếu như tôi phạm phải bất cứ sai lầm nào của một kẻ cơ hội, trong ý nghĩ cũng như trong hành động, tôi còn mong các đồng chí phê bình tôi không khoan nhượng, bằng cả lý luận và thực tiễn. Tôi sẽ khiêm tốn nhận, hoặc lắng nghe đầy đủ lời phê bình, nhưng tuyệt không chấp nhận những lời đồn đại hay cáo buộc bịa đặt. Tôi không thể tự mãn như Chử Khiết Bài và Lý Lập Tam. Tôi nhận thấy rằng, từ xưa nay chẳng phải người nào hay đảng nào cũng có thể dễ dàng tránh được sai lầm của chủ nghĩa cơ hội. Ngay cả những người Mácxít kì cựu như Kautsky hay Plekhanov khi về già còn phạm vào chủ nghĩa cơ hội một cách không thể tha thứ; cả những người theo Lenin đã lâu như Stalin và Bukharin còn đang có hành vi xấu xa của những kẻ cơ hội chủ nghĩa. Làm sao những kẻ còn nông cạn như chúng ta có thể tự mãn được? Kẻ nào tự mãn, kẻ đó không thể tiến bộ.

Ngay dưới tấm bảng Đối Lập cũng không có lá bùa “Thay trời” của Trang tử (người đứng đầu đạo Giáo, kẻ có “quyền năng” xua đuổi ma quỷ) để che chắn bản thân. Nếu ai chưa thanh toán xong gốc rễ căn bản duy tâm tiểu tư sản, chưa hiểu đơn giản một cách có hệ thống, thế nào là chủ nghĩa cơ hội, và chưa tham gia đấu tranh, chỉ đứng dưới chiêu bài của Stalin và Lý Lập Tam, rồi tự cho là sự xấu xa của chủ nghĩa cơ hội không thể chạm vào mình thì họ chỉ là những người sống trong ảo tưởng. Cách duy nhất để tránh sai lầm của chủ nghĩa cơ hội là khiêm tốn và liên tục học tập Marx, Lenin trong sự nghiệp tranh đấu của quần chúng vô sản và trong sự phê bình lẫn nhau của tình đồng chí.

Tôi dứt khoát nhìn nhận rằng điều kiện khách quan chỉ là điều quan trọng thứ nhì trong thất bại của cách mạng vừa qua mà mấu chốt lỗi lầm là ở chủ nghĩa cơ hội, cái sai lầm trong đường lối của chúng ta khi thỏa hiệp với bọn tư sản Quốc dân Đảng. [1] 

Chính sách đúng, kiểu Stalin, dĩ nhiên không phải đảm bảo cho sự thắng lợi mà bảo đảm cho sự sai lầm sẽ đưa đến thất bại. Nếu chúng ta đổ thừa, tại vì sức mạnh kẻ thù lớn hơn, khi thi hành đường lối đúng kiểu ấy, thì cách mạng Nga 1905 và Trung Quốc 1927, cùng các thất bại khác của lao động khắp nơi là tiền định. (Tôi không muốn Stalin bênh vực Đảng Cộng sản Trung Quốc theo kiểu ấy và bản thân tôi cũng không muốn được Stalin bào chữa như vậy.) Những đồng chí có trách nhiệm trong Trung ương khi ấy, nhất là tôi, nên thẳng thắn và dũng cảm nhận ra rằng chủ trương này chắc chắn là sai lầm. 

Nhưng nhìn nhận sai lầm cũng chưa đủ. Chúng ta phải nhìn nhận một cách chân thành và thấu đáo sai lầm vừa qua là nội hàm của chính sách cơ hội chủ nghĩa, nguyên nhân và kết quả của chính sách đó là gì, phải làm cho rõ. Như thế ta mới tránh được những lỗi lầm lặp lại trong tương lai, cùng không cho sự hồi sinh chính sách cơ hội chen vào cuộc cách mạng sắp tới. Đảng ta khi mới thành lập mặc dầu còn non trẻ nhưng dưới sự hướng dẫn của phong trào quốc tế Lêninnít, chúng ta chưa phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng nào. Thí dụ, chúng ta đã quyết tâm dẫn đầu cuộc tranh đấu của công nhân và nhận thức đúng bản chất giai cấp của Quốc dân Đảng. Năm 1921, Đảng ta vận động các đại biểu của Quốc dân đảng và các tổ chức xã hội khác tham gia Hội nghị công nhân Viễn Đông do Đệ tam Quốc tế kêu gọi. Nghị quyết của hội nghị là ở các nước thuộc địa phương Đông phải tiến hành cuộc đấu tranh cho cách mạng dân chủ và trong cuộc cách mạng này phải tổ chức các Xô viết công nông.

Năm 1922, Đại hội lần thứ hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua chính sách lập mặt trận Liên hiệp trong cuộc cách mạng dân chủ; và căn cứ điều ấy, chúng ta đã bày tỏ thái độ của mình trước tình hình chính trị. Cùng lúc đó, đại diện Thanh niên Quốc tế Cộng sản là Dalin đến Trung Quốc, đề xuất với Quốc dân Đảng cái chính sách lập Mặt trận Thống nhất với các phong trào cách mạng khác. Đảng trưởng Quốc dân Đảng là Tôn Dật Tiên khăng khăng chống lại, chỉ đồng ý cho các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Thanh niên Cộng sản gia nhập Quốc dân Đảng với tư cách cá nhân, phục tùng hoàn toàn kỷ luật của Quốc dân Đảng, loại trừ bất kỳ liên minh nào ngoài Đảng.

Ngay sau khi kết thúc đại hội của Đảng ta, Quốc tế Cộng sản gửi đại diện Maring tới Trung Quốc. Ông ta mời toàn thể đại biểu Đảng tới họp ở Hàng Châu, Chiết Giang, rồi đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc gia nhập Quốc dân Đảng. Ông ta cam kết với chúng ta rằng, Quốc dân Đảng không chỉ là đảng của tư sản, mà là đảng liên hiệp của các giai cấp khác nhau, do đó đảng vô sản nên tham gia, vừa để cải tiến đảng vừa thúc đẩy cách mạng.

Lúc ấy, năm đại biểu là Lí Thu Chương (Lý Đại Chiêu), Trương Đức Lý (Trương Quốc Đào), Thái Hồ Sơn, Cao Quân Vũ cùng tôi – nhất tề phản đối đề nghị ấy. Lý do chính là: Gia nhập Quốc dân Đảng sẽ làm xáo trộn cách tổ chức giai cấp, bẻ cong chính sách độc lập của Đảng. Sau cùng, đại diện của Đệ tam Quốc tế  hỏi chúng tôi rằng có chịu tùng phục quyết định của Quốc tế Cộng sản hay không?

Do đó, vì tôn trọng kỷ luật quốc tế mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể không chấp nhận mọi đề nghị của Quốc tế Cộng sản và đồng ý gia nhập Quốc dân Đảng. Thế rồi đại diện quốc tế và đại biểu Trung Quốc đã mất gần một năm để thích nghi với sự tái phối trí của Quốc dân Đảng. Nhưng ngay từ đầu, Quốc dân Đảng đã hoàn toàn phớt lờ đi và từ chối. Tôn Dật Tiên tuyên bố nhiều lần với đại diện Quốc tế: 

“Một khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gia nhập Quốc dân Đảng thì họ phải tuân theo kỷ luật Quốc dân Đảng, không được công khai chỉ trích. Nếu cán bộ cộng sản không chịu, chúng tôi trục xuất khỏi Đảng; Nếu Nga-xô về phe với ĐCSTQ, tôi tức khắc phản đối Nga-xô.” 

Kết quả Maring bị triệu về Mạc Tư Khoa, Borodin sang thay và mang theo nhiều viện trợ vật tư cho Quốc dân Đảng. Sau đó mới tới thời kỳ Quốc dân Đảng tái phối trí, tăng cường liên minh với Nga-xô.

Thời kỳ này ĐCSTQ còn chưa bị lấm bẩn bởi chủ nghĩa cơ hội. Chúng ta còn tổ chức được cuộc đình công của công nhân xe lửa ngày 2 tháng Hai, 1923, và ngày Ngũ Tam thập (Ngày 30 tháng Năm) năm 1925, khi chúng ta chưa bị gò bó bởi Quốc dân Đảng và còn phê bình nghiêm khắc đường lối thỏa hiệp của họ. Nhưng khi vô sản ló đầu ra trong biến động Ngũ Tam thập, tư sản ngay lập tức bị kích động. Để ra mặt, Thái Kỷ Đạo tung ra truyền đơn chống cộng vào tháng Bảy. (Truyền đơn có tựa ”Cách mạng Quốc gia và Cách mạng Cộng sản.”)

Trong hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ tại Bắc Kinh vào tháng Mười 1925, tôi đã đệ trình đề xuất như sau lên Uỷ ban Quyết nghị Chính trị:

“Truyền đơn của Thái Kỷ Đạo không phải cái sự ngẫu nhiên mà là chủ ý của tư sản muốn tăng cường sức mạnh nhằm mục đích kiểm soát giai cấp vô sản, và sẽ đi đến phản cách mạng. Chúng ta phải sẵn sàng lập tức rút khỏi Quốc dân Đảng. Chúng ta nên giữ vững lập trường chính trị của Đảng là dẫn dắt quần chúng, cũng không để cho chính sách Quốc dân Đảng kiềm chế chúng ta.”

Lúc đó cả đại biểu Quốc tế Cộng sản cùng các đồng chí có trách nhiệm trong Trung ương Đảng nhất tề chống đề nghị của tôi, nói rằng đó là đòi hỏi các đồng chí cùng quần chúng đi vào con đường chống lại Quốc Dân Đảng. Tôi, người thiếu tính quyết đoán, không thể kiên quyết giữ vững quan điểm của mình. Tôi lại tôn trọng kỷ luật quốc tế cùng ý kiến đa số trong Ban Chấp hành Trung ương.

Cuộc đảo chính của Tưởng Giới Thạch vào 20 tháng Ba năm 1926, đã quán triệt các nguyên tắc mà Thái Kỷ Đạo vạch ra. Họ lùng bắt được số lớn các đảng viên cộng sản, tước khí giới của những người bảo vệ các Uỷ ban Đình công Quảng Đông – Hương Cảng của nhóm Xô-viết (hầu hết là thành viên của Trung ương AUCP – All-Union Communist Party – B.T) thuộc Liên đoàn Cộng sản. Rồi với các cố vấn Xô-viết, Ban Chấp hành Trung ương Quốc Dân Đảng quyết định là mọi phần tử cộng sản phải bị tống xuất ra khỏi ban đầu não Quốc Dân Đảng; mọi phê bình chủ nghĩa Tôn Dật Tiên từ phía cộng sản phải bị cấm chỉ; phải nộp danh sách cán bộ thuộc Đảng Cộng sản cùng Đoàn Thanh niên Quốc tế Cộng sản. Chúng ta đã phải chấp nhận tất cả điều này.

Cùng lúc này, chúng ta mới quyết tâm chuẩn bị lực lượng quân sự độc lập của chúng ta hòng cân bằng với lực lượng của Tưởng Giới Thạch. Đồng chí Bành Thuật Chi được gửi tới Quảng Đông với tư cách đại diện cho Trung ương ĐCSTQ, nhằm xin ý kiến của đại biểu Quốc tế Cộng sản. Nhưng ông ấy không chấp thuận, chỉ ủng hộ Tưởng. Ông ta còn cho rằng phải củng cố sự chuyên chính quân sự của Tưởng, ủng hộ chính quyền Quảng Đông, và chúng ta phải tham gia Bắc phạt. Khi chúng ta đòi tăng viện 5 ngàn khẩu súng lấy trong phần viện trợ cho quân Tưởng và Lý Chí Thành, để trang bị cho nông dân Quảng Đông. Đại diện Đệ Tam Quốc Tế từ chối và nói:

“Nông dân vũ trang cũng không thể chống được Trần Quýnh Minh, họ cũng không tham dự được việc Bắc chinh. Trao vũ khí cho nông dân chỉ làm tăng sự nghi ngờ từ Quốc dân Đảng và còn làm cho nông dân thêm chống đối.”

Đó là thời kỳ ngặt nghèo nhất. Nói cụ thể ra thì đó là thời kỳ Quốc dân đảng tư sản công khai thúc ép vô sản theo sự chỉ đạo của họ, còn chúng ta thì phải kêu gọi – trên nguyên tắc – vô sản đóng vai trò phụ, nhường cho tư sản quyền lãnh đạo. (Đại diện Đệ Tam Quốc Tế công khai hô hào: “Thời nay là thời người cộng sản nên làm cu-li cho Quốc dân Đảng”). Lúc này thì Đảng không còn là Đảng của vô sản nữa, đã trở thành cực tả của tư sản, bắt đầu sa vào hố sâu của chủ nghĩa cơ hội.

Sau biến cố 20 tháng Ba, tôi có phúc trình riêng lên Đệ Tam Quốc Tế, rằng “Hợp tác với Quốc dân đảng bằng phương cách nội bộ nên được chuyển thành hợp tác ngoại vi. Bằng không, chúng ta chẳng những không thể có chính sách độc lập của riêng mình mà còn mất lòng quần chúng”. Sau phúc trình ấy, Đệ Tam Quốc Tế đăng một bài do Bukharin trả lời trên tờ Pravda, kịch liệt chống lại việc ĐCSTQ đòi tách khỏi Quốc dân đảng, như sau:

“Ở đây đã có hai sai lầm: Đòi rút khỏi Liên công Vàng rồi Ủy ban Liên công Hợp nhất Anh-Nga, giờ thì cái thứ ba đã được tạo ra: Đảng Cộng sản Trung Quốc đòi rút khỏi Quốc dân Đảng.” 

Cùng lúc đó, Cục trưởng Cục Viễn đông, Voitinsky, đến Trung Quốc để chỉnh đốn khuynh hướng muốn tách rời khỏi Quốc dân đảng của chúng ta. Lúc ấy tôi lại thất bại trong việc quyết liệt duy trì chính kiến của mình, tôn trọng kỷ luật của Đệ Tam Quốc Tế và thuận theo ý kiến đa số các đồng chí trong BCH TW.

Sau đó, nỗ lực quân sự cho cuộc Bắc phạt được phát động. Rất nhiều đồng chí của chúng ta đã bị Quốc dân đảng bức hại vì trên tờ Hướng đạo chúng ta dám cất tiếng phê bình: “Hậu phương thì lực lượng lao động bị bức ép, thêm sự cưỡng bách lấy quỹ của nông dân dùng vào việc quân sự”. Lúc ấy công nhân Thượng Hải lăm le nổi dậy đánh đuổi quân Tấn Lương – Quảng Đông. Nếu cuộc nổi dậy thành công thì vấn đề ai nắm quyền sẽ được đặt ra. Lúc ấy, trong cuộc hội luận về biện pháp chính trị tại phiên họp mở rộng của BCHTW, tôi phát biểu:

“Cách mạng Trung Quốc nay chỉ có hai đường: Một là được giai cấp vô sản dẫn dắt, được như thế thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cách mạng; Hai là để cho tư sản lãnh đạo, nếu mà như thế thì giữa đường họ sẽ phản lại cách mạng. Và, dù cho chúng ta có hợp tác với tư sản hay không thì chúng ta cũng phải nắm lấy quyền lãnh đạo.” 

Thế mà, tất cả thành viên Cục Viễn đông của Đệ Tam Quốc Tế đang ở Thượng Hải nhất tề chống lại tôi, nói rằng tư tưởng ấy sẽ gây ảnh hưởng đến các đồng chí của chúng ta, khiến họ đòi ra mặt chống tư sản quá sớm. Thêm nữa, họ bảo, nếu Thượng Hải nổi dậy có thành công thì quyền lãnh đạo vẫn phải thuộc về tư sản. Không cần thiết phải có đại biểu công nhân nào tham dự. Vì sự chỉ trích của họ mà tôi chẳng thể giữ vững quan điểm của mình.

[1] Stalin nói, “Chính sách của những người Bolshevik vào năm 1905 có đúng không? Vâng, nó đã đúng. Nhưng tại sao đã có Xô-viết và có chính sách đúng đắn của những người Bôn-sê-vích mà cách mạng 1905 không thành công? Điều này là do sức mạnh của những tàn tích phong kiến ​​và chính quyền chuyên chế mạnh hơn phong trào cách mạng. Chúng ta không thể nói rằng chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không nâng cao sức chiến đấu của giai cấp vô sản, làm cho mối quan hệ giữa giai cấp vô sản và quần chúng rộng rãi hơn, và nâng cao uy tín của giai cấp vô sản trong quần chúng? Rất rõ ràng, chúng ta không thể nói như vậy. (Stalin, “Về đối lập”, Bắc Kinh: Báo chí ngoại ngữ, 1974, tr. 747-48]. 

Phần II.

Vào lúc quân Bắc chinh chiếm Thượng Hải năm 1927, điều mà Chử Khiết Bài rất lưu tâm là việc chọn đại biểu cho chính quyền Thượng Hải và đoàn kết đám tiểu tư sản (trung lưu và tiểu thương) nhằm đối phó với đại tư sản. Bành Thuật Chi và Lã Di Nông đã đồng ý với tôi rằng cấp thời không nên chú ý chuyện bầu cử thành phố. Cốt yếu là, nếu vô sản không đủ mạnh để thắng lực lượng quân sự của Tưởng, thì tiểu tư sản cũng không ủng hộ chúng ta và Tưởng Giới Thạch, dưới sự thúc giục của các đế quốc, chắc chắn sẽ tàn sát quần chúng. Rồi không chỉ chuyện bầu cử thành thị trở nên chuyện rỗng tuếch mà chúng ta còn phải chứng kiến điểm khởi đầu cho sự thất bại mọi mặt trên toàn quốc. Khi Tưởng công khai tỏ sự phản bội cách mạng thì đó không phải chuyện cá nhân, mà sẽ là tín hiệu cho giai cấp tư sản toàn quốc chuyển hẳn sang phong trào phản động.

Khi Bành Thuật Chi đến Hán Khẩu để trình bày ý kiến của chúng tôi với đại biểu Đệ Tam Quốc Tế cùng đa số thành viên của ban Trung ương Đảng, và mở cuộc hội luận để đối phó với lực lượng của Tưởng. Nhưng họ chẳng mấy bận tâm mà chỉ nằng nặc đòi tôi đi Vũ Hán. Họ cho là chính quyền quốc dân đảng đã rời đến Vũ Hán vào thời điểm đó, vì vậy mọi vấn đề quan trọng nên được giải quyết ở đó. Ngay đó, Ban Quốc tế đánh điện tín cho tôi, bảo phải giấu hay chôn tất cả vũ khí của công nhân hầu tránh cuộc xung đột giữa công nhân và quân Tưởng, chớ làm căng thẳng cuộc tiến chiếm Thượng Hải của Tưởng. Cầm bức điện này, Lã Di Nông giận quá, quăng xuống đất. Khi ấy, tôi lại tuân theo Đệ Tam Quốc Tế mà không giữ ý mình. Rồi, căn cứ theo chính sách của Đệ Tam Quốc Tế đối với Quốc dân đảng và các đế quốc, tôi cho công bố bản tuyên ngôn đáng hổ thẹn cùng Uông Tinh Vệ.

Đầu tháng Tư tôi đi Vũ Hán. Khi lần đầu tiên gặp Uông Tinh Vệ, tôi đã được nghe từ miệng anh ta những lời lẽ phản động, khác xa những gì Uông tuyên bố ở Thượng Hải. Thuật lại cho Borodin, anh ta nhìn nhận những lo lắng của tôi là phải, nhưng trấn an tôi rằng bởi khi Uông đến Vũ Hán đã bị vây hãm bởi Từ Kiên, Cù Mộng Nghi, Trần Củng Bạch, Đặng Yên Khải cùng nhiều người nữa, nên mới dần lạnh lòng. [1] Sau khi Tưởng Giới Thạch và Lý Kỷ Siêu không ngừng tàn sát công nhân và nông dân, rồi chính quyền Quốc dân đảng Vũ Hán càng thêm căm thù lực lượng vô sản, thái độ phản cách mạng của Uông và Ban chấp hành Trung ương Quốc dân đảng ngày càng lộ rõ. Trong cuộc họp chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tôi báo cáo về tình hình giữa Ban chấp hành Trung ương và Quốc dân đảng:

“Mối hiểm nguy liên hệ đến sự hợp tác giữa Đảng ta và Quốc dân đảng ngày một nghiêm trọng. Cái họ đòi lấn mỗi chốc một ít là chuyện nhỏ; Cái chính họ muốn là quyền lực toàn diện. Chúng ta chỉ còn hai chọn lựa: Hoặc hy sinh quyền cùng lãnh đạo, hoặc đoạn tuyệt khỏi họ.”

Những người hiện diện hôm đó đáp lại lời tôi bằng sự im lặng.

Sau biến cố Trường Sa (tháng Năm 21) ở Hồ Nam, tôi lại hai lần nêu đề nghị tách khỏi Quốc dân đảng. Sau cùng tôi nói, “Chính quyền Quốc dân Đảng Vũ Hán đang nối bước Tưởng Giới Thạch! Nếu không đổi hướng, chúng ta sẽ lâm đường cùng.”

Lúc ấy chỉ có Nhân Bình Tịnh nói “Thật vậy!”. Chu Ân Lai thì nói: “Sau khi chúng ta rút khỏi Quốc dân đảng, phong trào lao động và nông dân sẽ dễ thở, nhưng lực lượng quân sự của ta sẽ chịu nhiều áp lực.” Những người còn lại khác, lại chỉ đáp lời kêu gọi của tôi bằng sự im lặng. Tôi hỏi Chử Khiết Bài. Anh ta bảo, “Ta nên để Quốc dân Đảng trục xuất; ta không nên tự ý rút.” Tôi hỏi Borodin. Anh ta bảo, “Tôi hoàn toàn đồng ý với ông nhưng tôi biết chắc rằng Mạc Tư Khoa chẳng bao giờ thuận.”

Đó cũng là lúc tôi đang lưu tâm đến kỷ luật của Ban Quốc tế cùng ý kiến đa số trong Ban chấp hành Trung ương. nên tôi không thể nói về đề nghị của mình mãi được. Từ đầu tôi cũng đã thế; nhưng lần này tôi hết chịu nổi. Tôi đành đưa lên Trung ương thư từ nhiệm của tôi. Lý do chính như sau:

“Quốc tế đòi chúng tôi phải có chương trình riêng, mặt khác, lại không cho chúng tôi rút lui khỏi Quốc dân Đảng. Như thế là bế tắc, tôi cảm thấy tôi không thể tiếp tục làm việc.”

Từ đầu đến cuối, Ban Quốc tế vẫn nhìn nhận Quốc dân đảng là bộ phận chính của cuộc cách mạng dân chủ tại Trung Quốc. Từ miệng Stalin, khẩu hiệu “Quốc dân đảng lãnh đạo” lúc nào cũng la to. (Xem “Lỗi lầm của đối lập” trong Vấn đề Cách mạng Trung Quốc của Stalin.) Như thế là đòi chúng ta phải quy hàng Quốc dân đảng, và đòi phải hướng dẫn quần chúng đứng dưới biểu ngữ của Quốc dân đảng. Điều đó duy trì mãi, cho tới lúc toàn bộ phe Quốc dân Đảng của Phong Ngũ Lương, Uông Tinh Vệ, Đặng Thế Chi, Hồ Kiên vân vân, trở mặt phản động công khai, phá vỡ cái gọi là chính sách ba điểm: Hiệp tác Nga-xô, ĐCS gia nhập Quốc dân đảng, trợ giúp phong trào lao động và nông dân. Cho nên Quốc tế lại chỉ thị chúng ta qua điện văn, “Chỉ rút khỏi chính phủ Quốc dân Đảng chứ không rút khỏi Quốc dân Đảng.”

Rồi sau nghị hội ngày 7 tháng Tám, từ khởi nghĩa Nam Xương cho đến vụ bắt giữ Swatow, ĐCS vẫn phải đứng dưới ngọn cờ xanh-trắng của tả phái Quốc dân đảng. Trong mắt quần chúng thì đó chỉ là lủng củng nội bộ Quốc dân đảng, không hơn không kém. Đảng Cộng sản Trung Quốc chúng ta non trẻ, sản phẩm của đoàn thanh niên vô sản Trung Quốc, chưa từng được huấn luyện đúng đắn về mácxít cùng đấu tranh giai cấp. Ngay sau khi thành lập Đảng, đã lao vào đấu tranh, chỉ mong khỏi sa vào lỗi lầm, bằng cách chờ sự điều chỉnh của Đệ Tam Quốc Tế. Nhưng dưới sự chỉ đạo bền chặt của chính sách cơ hội, làm sao Đảng Cộng sản và vô sản Trung Quốc có thể thấy được tương lai? Và làm sao, họ có thể có nổi một chính sách riêng? Đành chỉ biết đầu hàng tư sản từng buớc một, lệ thuộc vào chương trình tư sản. Khi bọn tư sản đột ngột ra tay tàn sát, chúng ta không trở tay kịp. Sau biến cố Trường Sa, chính sách của Ban Quốc tế chỉ cho chúng ta là:

 

  1. Tịch thu ruộng đất của địa chủ thuộc tầng hạ lưu, nhưng không được dùng danh nghĩa của chính quyền Quốc dân, không được đụng chạm đến đất đai của quan quân. (Làm gì có một địa chủ nào thuộc tư sản, địa chủ, thổ hào và quý tộc quyền thế tại các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc nào… mà lại không thuộc thành phần cấu kết, họ hàng xa gần, thân hữu với các quan quân thời đó. Địa chủ nào cũng có liên hệ, trực tiếp hay gián tiếp, với bọn sĩ quan để được bảo vệ. Tịch thu ruộng đất chỉ còn là ngôn từ sáo rỗng khi nó theo chủ chương “Không được đụng chạm đến đất đai của quan quân.”)
  2. Giám sát hành động “quá nhiệt tình” của nông dân với quyền uy của Ủy ban Chỉ huy Đảng. (húng tôi đã thực hiện chính sách đáng xấu hổ này nhằm kiểm soát hành động quá hăng hái của nông dân; thế mà sau đó lại bị Quốc tế chỉ trích là, “thường xuyên trở thành chướng ngại của quần chúng”, lại bảo đó là “một trong những sai quấy nhất của chủ nghĩa cơ hội”!)
  3. Loại bỏ những tướng lĩnh không đáng tin; võ trang cho 2 vạn người cộng sản và lựa lọc ra 5 vạn công nhân và nông dân từ Hồ Nam – Hồ Bắc để tổ chức quân đội mới. (Nếu chúng ta có nhiều súng trường đến thế, sao chúng ta không tự trang bị cho anh em công nông, tại sao ta cứ phải tuyển lính giùm Quốc dân đảng? Sao ta không thành lập Xô-viết cho công – nông – binh? Nếu đã chẳng có lực lượng võ trang của công nông cũng như chẳng có các Xô-viết, làm sao chúng ta có lực để mà loại bỏ đám tướng lãnh không đáng tin?) Tôi cho rằng muốn làm thế thì chỉ có nước năn nỉ Uỷ ban Trung ương Quốc dân đảng cắt chức chúng vậy. Khi đại diện Đệ Tam Quốc Tế là Roy cho Uông Tinh Vệ đọc những chỉ thị này, ắt hẳn cũng là với cái cách ấy!
  4. Cắt đặt những phần tử mới của công nhân và nông dân vào Ban chấp hành Trung ương của Quốc dân đảng để thay những phần tử cũ (Nếu chúng ta có quyền giải quyết thoải mái cái Ủy ban cũ và tổ chức lại Quốc dân đảng thì sao ta không tự thành lập các Xô-viết cho xong? Sao ta lại phải gửi các lãnh tụ công nông của ta đến với tư sản Quốc dân đảng, những kẻ đã và vẫn đang tàn sát công nông? Sao chúng ta cứ phải trang trí cho Quốc dân đảng bằng các lãnh tụ của chúng ta?)
  5. Tổ chức toà án cách mạng với một thành viên tiếng tăm của Quốc dân đảng (người không thuộc Đảng Cộng sản) làm chánh án, để xét xử sĩ quan phản cách mạng (Làm thế nào mà một lãnh tụ Quốc dân đảng đã phản cách mạng lại làm được chánh án xử sĩ quan phản cách mạng trong phiên toà cách mạng?)

 

Những ai còn nỗ lực thực hiện đầy đủ tất cả những chính sách kể trên thì vẫn là kẻ cơ hội theo khuynh hướng cánh tả trong Quốc dân đảng. Không hề có một đổi thay nào về mặt cơ bản của chính sách; y như phải tắm trong bồn nước tiểu! Lúc ấy mà muốn thực hiện chính sách tả khuynh cách mạng thì phải thay đổi ngay chính sách về căn bản. Tức là Đảng Cộng sản phải rút khỏi Quốc dân đảng và thực sự độc lập. Phải vũ trang cho công nông, càng nhiều càng hay, thành lập Xô viết công nông binh, phải nắm quyền chủ động trước Quốc dân đảng. Ngoài ra thì dù có chính sách nào khác gọi là tả đến đâu, cũng không cách nào thi hành được.

 

Thế là lúc ấy Bộ Chính trị Trung ương đánh điện cho Đệ Tam Quốc Tế hồi đáp chỉ thị trên: “Chúng tôi chấp thuận và sẽ làm theo chỉ thị, nhưng chưa thể tiến hành ngay.”

 

Toàn thể thành viên của Ban chấp hành Trung ương đều nhận thức rõ những chỉ dẫn của Quốc tế như vậy là phi thực thế. Ngay cả Phan Kế [2] , kẻ tham dự buổi họp (có đồn đãi anh này là đại diện riêng của Stalin) cũng cho là không cách nào thi hành nổi. Anh ta đồng ý nội dung điện hồi đáp và bảo, “Trả lời của chúng ta chỉ có thế nói như vậy thôi”.

 

Nhưng sau hội nghị 7 tháng Tám, Ban chấp hành Trung ương lại ra sức tuyên truyền rằng cách mạng Trung Quốc sở dĩ thất bại vì bọn cơ hội không chấp nhận chỉ dẫn của Quốc tế (Dĩ nhiên chỉ dẫn là chỉ dẫn nói ở trên; vì ngoài ra, làm gì có chỉ dẫn nào khác!) để thay đổi chiến thuật ngay lập tức. Chẳng ai cho chúng ta biết làm thế nào mà thực thi cho được cái chính sách ấy trong phạm vi của Quốc dân đảng và ai là bọn cơ hội ở đây?

 

Một khi Đảng đã phạm phải cái lỗi cơ bản như vậy thì đương nhiên những lỗi lầm lớn nhỏ khác sẽ liên tiếp kéo đến. Tôi, người nhận thức thiếu sáng suốt, chính kiến không dứt khoát, cứ chìm đắm trong bầu không khí cơ hội cơ hội chủ nghĩa để rồi thành tâm thi hành cái chính sách cơ hội của Đệ Tam Quốc tế. Trong vô thức tôi đã thành công cụ cho cái phe phái hẹp hòi của Stalin, không cứu vãn nổi Đảng và cuộc cách mạng. Tất cả những việc này, tôi và các đồng chí khác đều phải lãnh trách nhiệm. Ban chấp hành Trung ương hiện tại nói rằng, “Ông cứ cố đổ lỗi lầm thất bại của cách mạng Trung Quốc lên Đệ tam Quốc tế, cốt là để rũ bỏ trách nhiệm!”. Nhận định như thế là lố bịch. Không ai có thể bị vĩnh viễn truất quyền phê phán chủ nghĩa cơ hội trong sự lãnh đạo của Đảng, hay quay trở lại với chủ nghĩa Mác và Lênin vì bản thân đã phạm phải chủ nghĩa cơ hội.

 

Đồng thời, không ai có thể tự do chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách cơ hội chỉ vì cái chủ nghĩa cơ hội đó xuất phát từ cấp cao. Gốc của nó từ Đệ Tam Quốc Tế nhưng tại sao các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại không lên tiếng phản đối Đệ Tam Quốc Tế, lại chân thành mà thi hành chính sách đó? Ai có thể chối bỏ trách nhiệm này? Chúng ta nên nhìn nhận một cách thẳng thắn và khách quan rằng tất cả những chính sách cơ hội trước đây và hiện nay đều do Đệ Tam Quốc Tế mà ra. Đệ Tam Quốc Tế phải chịu trách nhiệm. Đảng Trung Quốc non trẻ chưa có khả năng phát minh ra bất kỳ lý thuyết nào và giải quyết bất kỳ chính sách nào; nhưng cơ quan lãnh đạo của Đảng phải chịu trách nhiệm vì đã mù quáng thi hành chính sách cơ hội của Đệ tam Quốc tế mà không một chút phán xét hay phản đối. 

 

Nếu chúng ta tha thứ cho nhau và ai nấy cũng đều cho rằng mình không có lỗi gì thì chả lẽ là quần chúng có lỗi? Điều này chẳng những quá lố bịch mà còn không có trách nhiệm gì với cách mạng! Tôi tin tưởng một cách mãnh liệt rằng, nếu tôi, cũng như các đồng chí có trách nhiệm khác, một khi đã nhìn ra sự sái quấy của chính sách cơ hội, sẽ dùng lý luận phản đối quyết liệt, ngay cả vận động toàn Đảng tham dự cuộc tranh biện nồng nhiệt, như đồng chí Trotsky đã và đang làm, hòng đem lại kết quả tốt đẹp cho cách mạng. Làm như thế thì cách mạng đã không phải chịu những thất bại nhục nhã, dầu cho tôi có bị trục xuất khỏi Quốc tế Cộng sản và Đảng có thể chịu sự chia rẽ. Tôi, người nhận thức không minh bạch và quan điểm không dứt khoát, cuối cùng đã không làm vậy! Nếu Đảng dựa trên những lỗi lầm quá khứ của tôi, hoặc vào việc tôi kiên quyết giữ vững đường lối sai lầm trước đây để trừng phạt nghiêm khắc tôi thì tôi xin thành khẩn chấp nhận mà không nói một lời.

Phần III

Nhưng sau đây là những lý do của Ban chấp hành Trung ương đưa ra để trục xuất tôi khỏi Đảng:

  1. Họ bảo, “Về cơ bản, ông ấy không thành thực nhìn nhận sai lầm của mình trong sự lãnh đạo theo chủ nghĩa cơ hội giữa thời kỳ vĩ đại của cách mạng Trung Quốc, không hề nhận ra những lỗi lầm của mình từ đâu mà ra, nên sai lầm trong quá khứ vẫn cứ thế mà tiếp diễn.” Thực ra, tôi bị khai trừ chính là vì tôi chẳng những đã thành thực nhìn nhận lỗi lầm của ban lãnh đạo trước đây mà còn quyết phản đối việc tiếp tục những đường lối sai trái như thế trong hiện tại cũng như tương lai.
  2. Họ bảo, “Ông ấy không hài lòng với các quyết định của Quốc tế Cộng sản. Về cơ bản, ông ấy bướng bỉnh không chịu đi Mạc Tư Khoa để học tập Quốc tế.” Tôi đã được Quốc tế Cộng sản huấn luyện quá đủ rồi. Trước kia, tôi đã mắc nhiều lỗi lầm cũng vì đã tiếp thu ý kiến của Đệ tam Quốc tế. Giờ đây, không hài lòng với những ý kiến đó nên tôi bị đuổi học.
  3. Ngày mùng 5 tháng Tám vừa rồi, tôi viết thư lên Trung ương với những lời sau, 

“Ngoài ra, đâu là sự mâu thuẫn trong lợi ích giai cấp về mặt kinh tế giữa hai giai cấp? Trước và sau khởi nghĩa Quảng Đông, tôi đã viết nhiều bức thư cho Ban chấp hành Trung ương để chỉ ra rằng quyền cai trị của Quốc dân đảng sẽ không sụp đổ nhanh như bạn ước lượng. Lúc này mặc dầu có vài cuộc nổi dậy lẻ tẻ thì cũng không thể xem đó là điềm báo cho làn sóng cách mạng sắp đến.” 

“Phong trào đấu tranh hợp pháp nói chung hẳn nhiên là sự từ bỏ toan tính làm cách mạng. Nhưng trong một số trường hợp nhất định, khi cần phải gia tăng sức mạnh cho chúng ta, thì ‘tất cả các biện pháp hợp pháp, mặc dầu không có tính chất gay gắt (theo Lenin) cũng nên bị loại trừ trong thời kỳ này (thời kỳ chuyển tiếp)’.” 

Ban chấp hành Trung ương đã thay thế lời lẽ của tôi bằng những câu mơ hồ như sau, 

“Không có mâu thuẫn nào giữa giai cấp tư sản và phong kiến. Giai cấp thống trị hiện nay sẽ không sụp đổ và đấu tranh cách mạng sẽ chẳng những không hồi sinh mà còn ngày một lụn bại.” Và rằng, ông ta “bênh vực cho đấu tranh hợp pháp”. 

Thêm nữa, họ còn đặt dấu ngoặc kép xung quanh mỗi câu đó để làm ra vẻ như là trích dẫn đúng nguyên tác của tôi. Lấy thêm nó làm cớ để trục xuất tôi.

4. Ngày 10 tháng Mười tôi viết lá thư nữa gửi Ban chấp hành Trung ương,

 “Giai đoạn hiện nay không phải thời kỳ của làn sóng cách mạng, mà là thời kỳ của phản cách mạng. Chúng ta phải tung ra những khẩu hiệu đòi dân chủ làm chính. Thí dụ, bên cạnh đòi hỏi làm 8 tiếng một ngày và tịch thu ruộng đất, ta nên ra khẩu hiệu ‘Vô hiệu hoá mọi hiệp ước bất bình đẳng’, ‘Chống chế độ độc tài quân sự của Quốc dân Đảng,’ ‘Triệu tập Quốc dân Đại hội’, vân vân. Phải huy động đông đảo quần chúng về dưới khẩu hiệu đòi dân chủ đó; sau đó chúng ta mới làm lung lay được chế độ phản cách mạng, để tiến tới làn sóng cách mạng, và biến những khẩu hiệu cơ bản của chúng ta: ‘Đả đảo chính quyền Quốc dân Đảng’, ‘Thành lập các Xô-viết,’ vân vân – thành những khẩu hiệu hành động cho phong trào quần chúng”. 

Ngày 26 tháng Mười, đồng chí Bành Thuật Chi và tôi cùng thảo bức thư gửi ban chấp hành Trung Ương: 

“Đây chưa phải thời kỳ quá độ để dẫn dắt cách mạng, chúng ta phải có những khẩu hiệu chính trị đại cương cho thích hợp với tình hình; rồi mới tranh thủ được quần chúng. Lập Xô-viết công-nông lúc này chỉ có thuần là hô khẩu hiệu. Nếu chúng ta lấy cuộc đấu tranh tổ chức các Xô viết làm khẩu hiệu hành động thì nhất định không được giai cấp vô sản hưởng ứng.” 

Nhưng Ban chấp hành Trung Ương lại dẫn chứng ngược lại rằng, thay vì kêu gọi “Đả đảo chính phủ Quốc dân Đảng”“Thành lập Xô-viết” chúng ta chỉ đòi thay bằng khẩu hiệu “Triệu tập Quốc dân Đại hội”. Đó cũng là một trong những lý do họ trục xuất tôi.

 

Như tôi đã nói trong một bức thư rằng, chúng ta phải chỉ ra cái “chính sách phản quốc hay phá hoại đất nước của Quốc dân Đảng trong vấn đề Đường sắt miền Đông Trung Quốc”, khiến cho “quảng đại quần chúng còn thấm nhuần cái tinh thần dân tộc chủ nghĩa có thể thông cảm với chúng ta, cùng chúng ta chống lại mưu toan của bọn đế quốc nhằm tấn công Liên Xô thông qua lợi dụng Quốc dân đảng và dùng Đường sắt miền Đông làm bình phong.” Đó cũng là làm cho tinh thần tương trợ Liên xô thấm vào quần chúng. Nhưng Ban chấp hành Trung ương lại nói rằng tôi muốn trưng ra khẩu hiệu đòi “Chống sự phá hoại của Quốc dân đảng” cốt để thay cho khẩu hiệu “Ủng hộ Liên xô”. Đó cũng là một lý do mà họ đòi trục xuất tôi.

 

Tôi đã viết lên Ban chấp hành Trung ương một số bức thư giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ nghiêm trọng trong Đảng, nhưng những thư ấy bị giữ lại rất lâu khỏi toàn thể đảng viên. Rồi đại biểu của Quốc tế Cộng sản và Ban chấp hành Trung ương còn trắng trợn nói với tôi rằng, theo nguyên tắc những ý kiến dị biệt không được công bố trong Đảng. Thế là không còn hy vọng gì sửa chữa sai lầm của Trung ương bằng cách thảo luận công khai trong nội bộ Đảng được nữa. Tôi không chịu nổi cái ràng buộc theo kỷ luật nề nếp kiểu đó, không cản ngăn các đồng chí luân lưu thư từ của tôi trong Đảng. Đó cũng là một trong những lý do tôi bị trục xuất.

 

Kể từ hội nghị ngày 7 tháng Tám, Ban chấp hành Trung ương đã không cho phép tôi tham dự bất kỳ cuộc họp nào, cũng không sắp xếp tôi vào việc gì. Tuy nhiên, ngày 6 tháng Mười (chỉ 40 ngày sau trước khi tôi bị trục xuất), họ đột ngột viết thư cho tôi để nói rằng, “Ban Trung ương đã quyết định yêu cầu ông phải đảm nhiệm việc biên tập trong Ban Trung ương theo đường lối chính trị của Đảng, và trong vòng một tuần phải viết xong một bài báo chống lại Phe đối lập.” Như tôi, không ít hơn một lần, đã chỉ trích Ủy ban Trung ương vì cứ tiếp tục cái đường lối cơ hội và manh động chủ nghĩa, nay họ cố gắng tạo ra một cái cớ để trục xuất tôi. Bây giờ về cơ bản tôi đã nhận ra rằng quan điểm của đồng chí Trotsky là đồng nhất với chủ nghĩa Marx–Lenin. Sao mà tôi có thể viết ra những lời giả dối, nghịch với mình?

 

Chúng ta đều biết đồng chí Trotsky đã kiên quyết chống lại chủ trương cơ hội của Stalin và Bukharin. Chúng ta không thể nghe những lời đồn đãi của bè lũ Stalin, để tin rằng đồng chí Trotsky, người đã từng lãnh đạo sát cánh cùng Lenin trong cách mạng tháng Mười, lại là kẻ phản cách mạng. (Điều đó có thể “được chứng thực” qua những phe cánh Stalin ở Trung Quốc như Lý Lập Tam vân vân). Bởi vì chúng ta nhắc đến đồng chí Trotsky như một đồng chí, Ban chấp hành Trung ương buộc tội ai tin như thế là đã “bỏ cách mạng, rời vô sản, về phe phản cách mạng” và trục xuất những người ấy ra khỏi Đảng.

Phần IV

Các đồng chí!

Ban chấp hành Trung ương đã tạo ra những lý do này để khai trừ tôi ra khỏi Đảng và gán cho tôi cái danh hiệu “phản cách mạng” mà không có bất kỳ bằng chứng nào. Tôi tin rằng hầu hết các đồng chí cũng không hiểu nổi tại sao lại vậy. Ngay cả Ban chấp hành Trung ương cũng thừa nhận, “Có thể còn một số người không hiểu.” Một số đồng chí còn chưa hiểu làm sao mà tôi bị trục xuất và bị gán cho cái tội “phản cách mạng”, nhưng tôi hiểu rất rõ tại sao họ lại gán cho tôi tội phản cách mạng. Đó là vũ khí của họ để tấn công những người Trung Quốc nào không đứng về phe họ. Chẳng khác gì Quốc dân đảng đổ tội “phản cách mạng” cho người cộng sản để che đậy cái tội ác của chính mình. Tưởng Giới Thạch đã lừa dối quần chúng với bình phong cách mạng, tạo ra hình ảnh y mới là người cách mạng. Ai không như y thì là người “phản cách mạng”, hay “phần tử phản động”.

 

Nhiều đồng chí cũng hiểu rằng những lý do ngụy tạo tôi đã liệt kê, mà Ban chấp hành Trung ương đưa ra hòng làm lý do trục xuất tôi, chỉ thuần bề ngoài để công bố. Thực ra, là họ mệt mỏi phải nghe tôi phê bình họ trong các cuộc họp Đảng, nói rằng họ đã theo chính sách cơ hội và manh động, và chỉ trích họ cứ theo mãi cái chính sách phá sản đó.

 

Ở bất cứ nước tư sản nào trên thế giới hiện nay đều vẫn còn sót lại vài di tích phong kiến và phương thức bóc lột bán phong kiến (người da đen, người nô lệ tại quần đảo Nam Hải vẫn còn phải sống trong cảnh như nô lệ thời tiền phong kiến). Trung Quốc thậm chí còn hơn thế, nên trong cách mạng chúng ta không lơ là cái điều này. Nhưng Quốc tế cộng sản và Ban chấp hành Trung ương lại nhất trí cho rằng tại Trung Quốc, tàn tích phong kiến hãy vẫn còn chiếm địa vị thống trị cả về kinh tế lẫn chính trị, và vẫn là giai cấp thống trị chính. Kết cục, họ coi những tàn tích đó là mục tiêu chính của cách mạng mà bỏ quên một kẻ thù chống phá cách mạng – đó là lực lượng tư sản. Họ coi mọi hành động tội ác của giai cấp tư sản là hành động của thế lực phong kiến.

Họ còn đi đến nhận định rằng tư sản Trung Quốc vẫn là cách mạng, không thể phản cách mạng. Còn ai phản cách mạng thì không thể là tư sản. Nhưng họ cũng không chịu nhận rằng Quốc dân đảng chỉ đại diện cho quyền lợi của tư sản, và chính phủ Quốc gia là chế độ đại diện cho chỉ quyền lợi của tư sản. Kết luận theo đó được rút ra là bên cạnh Quốc dân Đảng, hay bộ phận Nam Kinh của nó, hiện tại hoặc trong tương lai, còn có một đảng tư sản cách mạng và không phản động. Vì vậy, trong cả chiến thuật và hành động thực tế, họ chỉ đơn giản là đi theo đường lối của nhóm Tái tổ chức, phát động các hành động quân sự chống Tưởng. (Nhóm Tái tổ chức – cánh tả trong Quốc dân đảng, thành hình tháng Mười năm 1928 bởi Uông Tinh Vệ, trước cao trào đòi thanh lọc phản cách mạng trong đảng họ. Vào mùa đông 1929-30, Nhóm Tái tổ chức ủng hộ Đường Chánh Trí lật Tưởng nhưng thất bại. Sau đó Uông theo phe Phùng Ngọc Tường). Trên căn bản, họ cho rằng tính chất của cuộc cách mạng thứ Ba trong tương lai vẫn phải là cách mạng dân chủ tư sản, chống bất cứ gì nghịch lại lực lượng tư sản, và càng chống khẩu hiệu chuyên chính vô sản (I). Một ảo tưởng như vậy về giai cấp tư sản và sự khao khát liên tục như vậy đối với nó, không chỉ được tính toán nhằm tiếp tục chủ nghĩa cơ hội của quá khứ, mà còn làm sâu sắc thêm nó. Như thế, ắt làm cho cuộc cách mạng Trung Quốc trong tương lai phải chịu thêm nhiều thất bại nhục nhã và bi thương hơn nữa.

KHẨU HIỆU XÔ VIẾT

Nếu ta coi khẩu hiệu “Thành lập chính quyền Xô-viết” là một khẩu hiệu hành động thì chỉ khi điều kiện khách quan đã chín muồi thành làn sóng cách mạng thì mới đưa ra được. Không phải lúc nào cũng ban hành được (II). Trong quá khứ, vào lúc làn sóng cách mạng hay còn, chúng ta bỏ qua, không dương cao khẩu hiệu “Tổ chức Xô-viết”, “Lập chính quyền Xô-viết”… đã là sai lầm nghiêm trọng. Trong tương lai, khi cách mạng bùng nổ, ta phải lập tức tổ chức ngay các Xô-viết công nông binh. Rồi sau đó chúng ta sẽ phát động quần chúng đấu tranh dưới khẩu hiệu này. Thêm nữa, đó phải là Xô-viết của vô sản chuyên chính, không phải Xô-viết của chuyên chính dân chủ công-nông.

Giai đoạn hiện nay, khi lực lượng phản cách mạng còn thắng thế ở mọi mặt, lại không có làn sóng nổi dậy của quần chúng đòi cách mạng, thì điều kiện khách quan của “khởi nghĩa vũ trang” và chuyện “thành lập Xô-viết” là chưa chín muồi. Lúc này, khẩu hiệu “Thành lập Xô-viết” chỉ dùng vào tuyên truyền, giáo dục mà thôi. Nếu ta đòi thành hành động, vận động quần chúng để lập Xô-viết ngay thì ta không thể có được sự hưởng ứng của quần chúng.

Hiện thời, chúng ta nên lấy khẩu hiệu dân chủ là triệu tập Quốc dân Đại hội. Điều kiện khách quan cho phong trào này đã chín, và hiện nay chỉ có khẩu hiệu này mới có thể vận động được đông đảo quần chúng tham gia, qua đó mà chuyển từ đấu tranh hợp pháp sang cao trào cách mạng, dương cao khẩu hiệu “Khởi nghĩa vũ trang” và “Thành lập Xô-viết.”

Ban chấp hành Trung ương hiện nay vẫn tiếp tục chính sách manh động của mình mà không hiểu những điều như thế. Họ cho là sự hồi sinh của cách mạng đã đến lúc chín mùi (III), còn trách chúng ta chỉ hiểu khẩu hiệu “Lập các Xô-viết công-nông” là khẩu hiệu dùng để tuyên truyền, trong khi phải biến khẩu hiệu thành hành động. Thành ra, họ liên tục họ hô hào Đảng viên xuống đường biểu tình ở khu công nhân, bắt các đồng chí có việc làm đình công. Mọi cuộc đấu tranh nhỏ hàng ngày đều phải giả tạo mở rộng ra thành cuộc đấu tranh chính trị lớn, làm cho quần chúng lao động và đồng chí công nhân xa rời Đảng ngày một nhiều.

Hơn thế nữa, tại hội nghị Giang Tô mới đây, đã quyết nghị “Tổ chức phong trào đại bãi công” cùng “Nổi dậy địa phương”. Từ hè năm ngoái tới nay, công nhân Thượng Hải có dấu hiệu manh nha đấu tranh trở lại nhưng đều bị đường lối manh động của Đảng làm cho hỏng cả. Và tất nhiên, công nhân đã bị đàn áp. Nếu mà đường lối của hội nghị Giang Tô được thực hiện trọn vẹn, cuộc tranh đấu nào của công nhân cũng sẽ bị dập tắt hết. Đảng ta đã không còn là người dẫn đường giúp cho làn sóng đấu tranh cách mạng của công nhân bùng lên, mà đang trở thành đao phủ, nhổ tận gốc trốc tận rễ các nhánh đấu tranh của công nhân.

Ban chấp hành Trung ương đương nhiệm, chân thành dựa trên đường lối phá sản của Đại hội VI, và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quốc tế cộng sản, đang thi hành chính sách phá sản nói trên và che đậy chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa đảo chánh trong quá khứ bằng cách vô hiệu hoá Đảng, vô hiệu hóa cách mạng! Không cần biết là Quốc tế Cộng sản hay Đảng cộng sản Trung Quốc, ai đã thỏa hiệp với chủ nghĩa cơ hội để dẫn tới sai lầm thì đó vẫn là tội ác. Nay sai lầm ấy đã được các đồng chí đối lập chỉ ra rõ ràng rồi mà họ vẫn chẳng thừa nhận những sai lầm của mình trong quá khứ và vẫn tiếp tục một cách có ý thức đi theo con đường sai lầm quá khứ. Thêm nữa, để che đậy sai lầm cho một số cá nhân, họ còn tự tung tự tác, vi phạm lề lối tổ chức của những người Bolshevik, lạm dụng quyền lực của cơ quan tối cao, ngăn không cho tự phê trong Đảng, trục xuất hàng loạt cán bộ Đảng, tất cả những ai dám bày tỏ quan điểm và chính kiến riêng, lấy cớ làm thế gây chia rẽ đảng. Đó là tội ác trong tội ác, ngu xuẩn nhất, nhục nhã nhất.

Không người Bolshevik nào e sợ việc công khai tự phê bình trước công chúng. Cách độc nhất Đảng có thể tranh thủ được quần chúng là thi hành việc tự phê một cách can đảm, không vì sợ mất quần chúng mà bỏ tự phê. Che đậy sai lầm như Ban Chấp hành Trung ương đang làm bây giờ, chắc chắn sẽ mất quần chúng.

Các đồng chí!

Chúng ta đều biết rằng hễ cứ ai mở miệng chỉ trích lỗi lầm của Đảng là bị khai trừ, trong khi sai lầm cứ y nguyên, không được chỉnh sửa. Nhưng chúng ta nên vẽ ra một sự cân bằng. Điều gì là quan trọng hơn? Cứu Đảng khỏi cơn nguy khốn hay tự cứu mình khỏi bị gạch tên khỏi danh sách Đảng viên?

CHÍNH SÁCH NỔI DẬY VŨ TRANG

Từ Hội nghị 7 tháng Tám, thông qua kế hoạch “Tổng phát động nổi dậy vũ trang” và các cuộc nổi dậy sau đó ở vài nơi, tôi đã viết nhiều thư gửi Trung ương, vạch ra rằng cảm tình cách mạng của quần chúng chưa đến cao trào, rằng Quốc dân đảng chưa vỡ ngay, rằng nổi dậy mà thiếu điều kiện khách quan chỉ làm suy yếu sức mạnh của Đảng và làm quần chúng xa rời mình. Tôi đề nghị thay chủ trương nổi dậy bằng chủ trương tranh thủ quần chúng, kết hợp quần chúng bằng những cuộc đấu tranh mỗi ngày. Ban chấp hành Trung ương lại cho rằng phát động Tổng nổi dậy mới là một đường lối mới hoàn toàn đúng đắn để sửa sai chính sách cơ hội, chứ còn đánh giá lại tình hình cuộc nổi dậy và xem xét làm thế nào để bảo đảm chắc chắn thắng lợi thì vẫn là tiếp tục đường lối cơ hội chủ nghĩa. Tất nhiên, họ chẳng đếm xỉa ý kiến của tôi, coi lời lẽ của tôi như trò đùa. Họ còn tuyên truyền khắp nơi, nói rằng đó là bằng chứng cho thấy tôi đã không sửa chữa những sai lầm cơ hội chủ nghĩa của mình. Lúc ấy tôi bị ràng buộc bởi kỷ luật Đảng, có thái độ thụ động, không vượt nổi cái đỉnh của tổ chức để phát động sự quyết tâm chống chính sách phá hoại Đảng của Ban chấp hành Trung ương. Điều ấy tôi xin nhận.

Sau Đại hội VI, tôi vẫn còn ngộ nhận và ảo tưởng rằng Ban chấp hành Trung ương mới sẽ rút ra được nhiều bài học từ quá khứ, rồi chính họ sẽ thức tỉnh, rằng không cần thiết phải theo đuổi một cách mù quáng đường lối sai lầm của Quốc tế cộng sản nữa. Tôi vẫn giữ thái độ thụ động và không đem những ý kiến khác biệt ra thảo luận trong Đảng, dù cho tôi hoàn toàn không hài lòng với đường lối của Đại hội VI. Sau trận chiến giữa Tưởng Giới Thạch và bè lũ Quảng Tây, và “Kỷ niệm phong trào Ngũ Tam thập”, tôi cảm tưởng sâu sắc rằng Ban chấp hành Trung ương vẫn ngoan cố giữ đường lối cơ hội và manh động chủ nghĩa, và dù với chiêu bài nào khác, họ cũng vẫn không đổi: Trừ phi có cuộc thảo luận công khai, mọi đảng viên các cấp từ thấp đến cao, đều đứng dậy phê bình, thì sự sai lầm nghiêm trọng của đường lối Trung ương sẽ không sao sửa được. Thế mà, toàn thể đảng viên vẫn bị chế ngự và trói buộc bởi kỷ luật Đảng, “Dám giận mà không dám nói.”

Lúc ấy tôi không còn đành lòng nhìn cái Đảng (được lập nên bởi máu đào nóng hổi của vô số đồng chí) bị tiêu diệt thành phế tích vì cái đường lối sai lầm mãi không đổi, nên tôi lên tiếng, làm tròn bổn phận mình của từ tháng Tám trở đi. Có vài đồng chí can, nói rằng Trung ương xem lợi ích của một vài lãnh tụ quan trọng hơn lợi ích của Đảng và cách mạng, rằng người ta đang nỗ lực che giấu lỗi lầm của một số lãnh tụ, không thừa nhận phê bình của bất cứ ai, rằng tôi càng thẳng thắn phê bình thì họ càng có lý do để khai trừ tôi. Nhưng sự lo lắng của tôi đối với Đảng buộc tôi phải kiên quyết đi theo con đường không màng đến lợi ích của bản thân.

IV

Quốc Tế cộng sản và Ban chấp hành Trung ương trong một thời gian dài đã phản đối bất kỳ xem xét nào về kết quả thất bại ở Trung Quốc. Vì nay tôi cứ lên tiếng chỉ trích họ nên họ bỗng dưng bịa ra tuyên bố như sau: “Ông ta không thành thực nhìn nhận sai lầm của mình trong sự lãnh đạo theo chủ nghĩa cơ hội giữa thời kỳ vĩ đại của cách mạng Trung Quốc, không hề nhận ra những lỗi lầm của mình từ đâu mà ra, nên sai lầm trong quá khứ vẫn cứ thế mà tiếp diễn.”

Lời lẽ trên mô tả thật chính xác về chính các tác giả của nó. Thực ra, nếu đầu óc tôi đã mụ mị, không đếm xỉa gì tới lợi ích của giai cấp vô sản, không quyết tâm nhận ra sai lầm thực sự của mình trong quá khứ, vẫn tiếp tục thi hành công việc dơ bẩn cho họ, mặc người khác theo đường lối sai lầm như trước, với cây bút và cái miệng cơ hội, sử dụng tôi để tấn công những người bị gọi là Tờ-rốt-kít, cốt để che giấu sai quấy của mình. Nếu không làm sao họ phải khai trừ tôi ra khỏi Đảng?

Phải chăng tôi, người đã bỏ phần lớn cuộc đời, đấu tranh chống tệ đoan xã hội, lại đi làm những chuyện – không biết đâu là phải, đâu là trái? Lý Lập Tam nói, “Bọn cơ hội chủ nghĩa Trung Quốc (V) không chịu thấm nhuần đúng đắn bài học thất bại của đại cách mạng trong quá khứ, chỉ nấp dưới danh hiệu Tờ-rốt-kít hầu che dấu tội chúng”. Trên thực tế, những lời của đồng chí Trotsky phê bình tôi gay gắt hơn cả Stalin và Bukharin; và tôi không thể không nhìn nhận rằng những bài học cách mạng trong quá khứ được đồng chí ấy chỉ ra, trăm phần trăm là đúng, tôi đáng bị phê bình và đã không hề cãi. Tôi càng bằng lòng nhận phê bình của đồng chí ấy, càng không chịu chôn vùi những bài học cùng những kinh nghiệm mà cách mạng đem lại. Tôi thà bị những người như Lý Lập Tam trục xuất khỏi Đảng còn hơn là thấy Đảng trong cơn khủng hoảng mà không tìm cách cứu vãn, để sau này bị quần chúng đảng viên chê trách. Tôi mong được bình an tâm trí khi chiụ đựng áp lực từ đám phần tử xấu trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi của vô sản, chứ nhất quyết không chịu nhập bọn với bất cứ nhóm độc hại, thối nát nào!

Các đồng chí!

Tôi biết việc Trung ương khai trừ tôi khỏi Đảng là hành động của một số người nhằm mục đích che đậy lỗi lầm của họ. Họ không chỉ muốn tránh cho mình “rắc rối” khi phải nghe ý kiến ​​của tôi bày tỏ trước đảng, không muốn ủng hộ một cuộc thảo luận cởi mở về các vấn đề chính trị, mà còn muốn chuyện khai trừ tôi làm các đồng chí khác phải im miệng. Tôi biết khối đông đảng viên không hề hào hứng gì trước lệnh trục xuất tôi. Dù lệnh trục xuất tôi chỉ xuất phát bởi thiểu số lãnh đạo cấp cao, nhưng không hề có triệu chứng thù nghịch hay ác ý nào giữa khối đông đảng viên đối với tôi. Tôi vẫn tiếp tục phục vụ vô sản, sát cánh cùng tất cả đồng chí thuộc Quốc tế lẫn Trung Quốc, nếu như họ từ bỏ chính sách cơ hội của Stalin và bè lũ.

Các đồng chí!

Sai lầm của Đảng hiện nay không phải là cục bộ hay ngẫu nhiên: Y như trong quá khứ, nó tượng trưng cho chính sách cơ hội do Stalin thực hiện tại Trung Quốc. Những đầu não có trách nhiệm trong Uỷ ban chấp hành Trung ương, những người sẵn sàng trở thành cái máy hát của Stalin, không hề chứng tỏ ý thức chính trị nào mà mỗi ngày một tệ hơn: Không sửa họ được nữa. Trong Đại hội X của Đảng Cộng sản Nga (1921) Lenin nói, “Chỉ khi có sự hiện diện của các ý kiến chính trị khác nhau và không còn đường nào khác giải quyết, việc lập các nhóm khác là thích đáng”. Căn cứ điều ấy, ông đã lãnh đạo phe Bolshevik. [3]

Giờ đây, trong Đảng, không còn cách nào (hợp pháp hay công khai) để vượt qua cơn khủng hoảng của Đảng. Mỗi đảng viên đều gánh trách nhiệm cứu Đảng. Chúng ta phải quay về tinh thần cùng đường lối căn bản xưa kia của những người Bolshevik, đoàn kết chặt chẽ, đứng lên cạnh tả đối lập Quốc tế của đồng chí Trotsky, nghĩa là, dưới biểu ngữ của Marx-Lenin thực sự. Ta phải quyết tâm, bền chí, và hoàn tất cuộc chiến chống chủ nghĩa cơ hội của Quốc tế cộng sản cùng với Ban chấp hành Trung ương Đảng. Chúng ta không chỉ chống Stalin và bè lũ, mà cũng phải chống cả đường lối thỏa hiệp của Zinoviev và bè lũ. Chúng ta không sợ cái gọi là tội dám “Vượt thứ bậc Đảng”, và không ngần ngại hy sinh tất cả để cứu Đảng và cứu cách mạng Trung Quốc!


Trần Độc Tú, ngày 10 tháng 12, năm 1929

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận