Góp phần phê phán khoa kinh tế – chính trị (1859) – Chương II – P3B

*Mục lục:

*Lời tựa

Chương I: Hàng hóa

Lưu ý A. Ghi chú lịch sử về phân tích hàng hóa

Chương II: Tiền tệ hoặc Lưu thông đơn giản

1. Thước đo Giá trị

Lưu ý B. Các lý thuyết về tiêu chuẩn tiền tệ

2. Phương tiện trao đổi

a) Sự biến chất của hàng hóa

b) Sự lưu thông của tiền

c) Tiền đúc và ký hiệu giá trị

3. Tiền tệ

a) Cất trữ tiền tệ

b) Phương tiện thanh toán

c) Tiền tệ thế giới

4. Kim loại quý

Lưu ý C. Các lý thuyết về phương tiện lưu thông và tiền tệ



CHƯ­ƠNG II. TIỀN TỆ, HAY L­ƯU THÔNG GIẢN ĐƠN

 

3. TIỀN TỆ

 

b) Phương tiện thanh toán

 

Tới đây, tiền tệ được phân biệt với phương tiện lưu thông dưới hai hình thái tiền đúc tiềm tàng của tiền tệ cất trữ. Trong sự chuyển hóa nhất thời của tiền đúc thành tiền tệ, hình thái thứ nhất đã phản ánh sự việc là khâu thứ hai của H – T – H, tức là mua T – H, phải được phân tán thành một loạt lần mua nối tiếp nhau trong phạm vi một lĩnh vực lưu thông nhất định. Còn việc cất trữ tiền tệ thì chỉ dựa trên việc tách hành vi H – T ra, tức là hành vi đó không phát triển thành T – H; hay nó chỉ là sự phát triển độc lập của sự chuyển hoá hình thái lần thứ nhất của hàng hoá; nó là tiền tệ mà ở đây đã phát triển thành phương thức tồn tại đã được chuyển nhượng của tất cả mọi hàng hóa, đối lập với phương tiện lưu thông, là phương thức tồn tại của hàng hóa dưới cái hình thái luôn luôn được chuyển nhượng. Tiền đúc dự trữ và tiền tệ cất trữ chỉ là tiền tệ chừng nào chúng không phải là phương tiện lưu thông, và chúng không là phương tiện lưu thông chỉ vì chúng không lưu thông. Trong tính quy định mà giờ đây chúng ta nghiên cứu tiền tệ thì chúng đang lưu thông hoặc đang bước vào lưu thông, nhưng lại không làm chức năng phương tiện lưu thông. Với tư cách là phương tiện lưu thông, tiền tệ bao giờ là phương tiện để mua, còn bây giờ thì chúng tác động như là phương tiện không phải để mua.

 

Một khi do có việc cất trữ tiền tệ, tiền tệ trở thành phương thức tồn tại của của cải xã hội trừu tượng và thành đại biểu cụ thể của của cải vật chất, thì dưới cái hình thái nhất định ấy, với tư cách là tiền tệ, tiền tệ có những chức năng đặc biệt trong phạm vi quá trình lưu thông. Nếu tiền tệ lưu thông với tư cách là phương tiện lưu thông đơn thuần, và do đó, với tư cách là phương tiện mua, thì điều đó hàm ý rằng hàng hoá và tiền tệ đối diện với nhau cùng một lúc; do đó, cùng một lượng giá trị tồn tại dưới hai hình thái: ở một cực là hàng hoá trong tay người bán, ở cực kia là tiền tệ trong tay người mua. Sự tồn tại cùng một lúc của hai vật ngang giá ở hai cực đối lập nhau và sự thay đổi vị trí cùng một lúc hay sự chuyển nhượng lẫn nhau của hai vật ngang giá ấy lại giả định rằng người bán và người mua có quan hệ với nhau chỉ với tư cách là những người sở hữu những vật ngang giá hiện có. Tuy nhiên, quá trình chuyển hoá hình thái của hàng hoá tạo nên những tính quy định hình thái khác nhau của tiền tệ, nên cũng khiến cho những người sở hữu hàng hoá biến đổi hình thái, hay thay đổi vai trò xã hội mà họ thể hiện ra giữa họ với nhau. Trong quá trình chuyển hoá hình thái của hàng hoá, người có hàng hoá cũng thường hay thay đổi hình dạng cũng như hàng hoá thay đổi chỗ hay tiền tệ thường mang những hình thái mới. Chính vì thế nên lúc đầu, những người sở hữu hàng hoá chỉ đối diện với nhau với tư cách là những người sở hữu hàng hoá; sau đó, một người sở hữu hàng hóa trở thành người bán, người kia trở thành người mua, mỗi một người lần lượt là người mua, và người bán, rồi là người cất giữ tiền tệ và cuối cùng trở thành những kẻ giầu có. Cho nên, những kẻ sở hữu hàng hoá khi bước ra khỏi quá trình lưu thông không giống với khi họ đã đi vào quá trình lưu thông. Trên thực tế, những tính quy định hình thái khác nhau mà tiền tệ mang trong quá trình lưu thông chẳng qua chỉ là sự biến đổi hình thái của bản thân hàng hoá đã kết tinh lại, sự biến đổi hình thái đó chỉ là biểu hiện dưới hình thái vật của những quan hệ xã hội đang thay đổi, trong đó những người sở hữu hàng hoá thực hiện việc trao đổi chất của họ. Trong quá trình lưu thông, những quan hệ giao dịch mới phát sinh, và với tư cách là những đại biểu cho các quan hệ đã thay đổi ấy, những người sở hữu hàng hoá đóng những vai trò kinh tế mới. Cũng giống như tiền tệ trở thành tiền trên ý niệm trong phạm vi lưu thông trong nước và một tờ giấy đơn thuần, với tư cách là đại biểu của vàng, lại làm chức năng của tiền tệ, quá trình ấy cũng vậy, nó cũng đem lại cho người mua hay người bán tham gia quá trình đó với tư cách là đại biểu đơn thuần của tiền tệ hay của hàng hoá, — nghĩa là đại biểu cho tiền tệ tương lai hoặc hàng hóa tương lai, — cái hiệu lực của người mua hay người bán thực sự.

 

Tất cả những tính quy định hình thái của vàng, khi vàng phát triển thành tiền tệ, đều chỉ là sự phát triển của những quy định đã bao hàm trong sự chuyển hoá hình thái của hàng hoá, nhưng trong lưu thông tiền tệ giản đơn — khi tiền tệ xuất hiện với tư cách là tiền đúc hay khi vận động H – T – H đang diễn ra như một thể thống nhất — thì những tính quy định đó hoặc chưa phân hoá thành một hình thái độc lập, hoặc chỉ xuất hiện với tư cách là những khả năng mà thôi, như trong sự gián đoạn việc chuyển hoá hình thái của hàng hoá chẳng hạn. Chúng ta đã thấy rằng trong quá trình H – T, hàng hoá, với tư cách là giá trị sử dụng thực tế và giá trị trao đổi trên ý niệm, quan hệ với tiền tệ như là với giá trị trao đổi thực tế và giá trị sử dụng chỉ trên ý niệm mà thôi. Khi chuyển nhượng hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng, người bán thực hiện giá trị trao đổi của bản thân hàng hoá và giá trị sử dụng của tiền tệ. Ngược lại, khi chuyển nhượng tiền tệ với tư cách là giá trị trao đổi, người mua thực hiện giá trị sử dụng của tiền và giá cả của hàng hoá. Do đó đã có sự thay đổi vị trí giữa hàng hóa và tiền tệ. Quá trình sinh động của sự đối lập của hai cực ở hai bên giờ đây lại bị đứt đoạn trong sự thực hiện của nó. Người bán trên thực tế chuyển nhượng hàng hoá, nhưng lúc đầu anh ta chỉ mới thực hiện giá cả hàng hóa trên ý niệm mà thôi. Anh ta đã bán hàng hoá đúng với giá cả của nó, nhưng giá cả này chỉ một thời gian sau mới được thực hiện. Người mua mua với tư cách là người đại biểu của tiền tệ sẽ có, còn người bán thì bán với tư cách là người sở hữu hàng hoá hiện tại. Về phía người bán, hàng hoá với tư cách là giá trị sử dụng đã thực sự được chuyển nhượng, mặc dầu giá cả của nó trên thực tế chưa được thực hiện; về phía người mua, tiền thực tế được thực hiện trong giá trị sử dụng của hàng hoá, mặc dầu với tư cách là giá trị trao đổi, nó thực tế chưa được chuyển nhượng. Thay cho ký hiệu giá trị trước kia, bản thân người mua giờ đây thể hiện ra là người đại biểu tượng trưng của tiền tệ. Nhưng cũng như trước kia tính chất tượng trưng phổ biến của ký hiệu giá trị đòi hỏi phải có sự bảo đảm và chế độ lưu hành bắt buộc của nhà nước, thì hiện nay tính chất tượng trưng cá biệt của người mua đẻ ra những hợp đồng tư nhân có hiệu lực về mặt pháp luật giữa những người sở hữu hàng hoá với nhau.

 

Trái lại, trong quá trình T – H, tiền tệ có thể được chuyển nhượng với tư cách là phương tiện mua thực tế và do đó, giá cả hàng hoá có thể thực hiện trước khi giá trị sử dụng của tiền được thực hiện, hay trước khi hàng hóa được chuyển nhượng. Điều đó xẩy ra, chẳng hạn, trong hình thức ứng tiền trước thông thường, hay trong hình thức Chính phủ Anh mua thuốc phiện của nông dân Ấn Độ, hoặc khi các thương nhân nước ngoài sống ở Nga mua một số lớn nông phẩm của người Nga. Nhưng ở đây tiền tệ chỉ tác dụng dưới hình thức phương tiện để mua mà chúng ta đã biết rồi, do đó tiền tệ không có một tính quy định hình thái mới nào1). Cho nên chúng ta không nên đề cập đến trường hợp cuối cùng này; nhưng về hình thái chuyển hoá mà hai quá trình T – H và H – T thể hiện ra ở đây, chúng ta chỉ cần chú ý rằng sự khác nhau, thuần túy có tính chất tưởng tượng, giữa mua và bán, như đã trực tiếp biểu hiện ra trong lưu thông nay trở thành một sự khác nhau thực sự, bởi vì trong một hình thái này thì chỉ có hàng hoá, ở trong hình thái  kia lại chỉ có tiền tệ, còn trong cả hai hình thái thì chỉ có mỗi một cực là cực xuất phát. Hơn nữa, hai hình thái có một điều giống nhau là trong cả hai, một trong những vật ngang giá chỉ tồn tại trong ý chí chung của người mua và người bán, ý chí chung này ràng buộc hai bên và có những hình thức nhất định do pháp luật quy định.

 

Người bán và người mua trở thành chủ nợ và con nợ. Nếu người sở hữu hàng hoá với tư cách là người giữ tiền tệ cất trữ, đã đóng vai một nhân vật thực ra là nực cười, thì nay người sở hữu hàng hóa trở thành một nhân vật đáng sợ, vì nay hắn không coi bản thân mình mà coi người láng giềng của mình là hình thái tồn tại của một số tiền nhất định, do đó hắn không làm cho bản thân hắn mà làm cho người láng giềng của hắn trở thành một người đau khổ vì giá trị trao đổi. Từ chỗ là kẻ tín đồ, người sở hữu hàng hóa trở thành người chủ nợ; từ lĩnh vực tôn giáo, anh ta chuyển sang lĩnh vực pháp luật học.

 

"I stay here on my bond!"

["Tôi chỉ biết có giao kèo thôi!" (Shakespeare, "Chàng thương nhân thành Venice" ["The Merchant of Venice" — B. T.]).]

 

Do đó, trong hình thái H – T đã biến đổi, trong đó hàng hoá tồn tại thực tế, còn tiền tệ thì chỉ là đại biểu, trước hết tiền tệ làm chức năng thước  đo giá trị. Giá trị trao đổi của hàng hoá được tính bằng tiền và tiền được coi là thước đo của hàng hoá; nhưng với tư cách là giá trị trao đổi đã được xác định ở trong giao kèo, giá cả không những chỉ tồn tại ở trong đầu của người bán mà đồng thời còn tồn tại với tư cách là thước đo nghĩa vụ của người mua. Thứ đến, ở đây tiền tệ làm chức năng phương tiện mua, mặc dù tiền tệ chỉ hắt ra trước nó cái bóng của sự tồn tại tương lai của nó mà thôi. Thực vậy, tiền tệ kéo hàng hóa rời khỏi vị trí của nó, từ tay người bán sang tay người mua. Tới kỳ hạn thực hiện giao kèo, tiền tệ bước vào lưu thông, vì nó chuyển vị trí và chuyển từ tay người mua cũ sang tay người bán cũ. Nhưng tiền tệ bước vào lưu thông không phải với tư cách là phương tiện lưu thông hay là phương tiện để mua. Tiền tệ đã làm những chức năng đó trước khi nó tồn tại và nó xuất hiện sau khi đã thôi không làm những chức năng đó nữa. Trái lại, tiền tệ bước vào lưu thông với tư cách là vật ngang giá duy nhất thích hợp của hàng hoá, là hình thái tồn tại tuyệt đối của giá trị trao đổi, là kết quả cuối cùng của quá trình trao đổi, — tóm lại, với tư cách là tiền tệ và tiền tệ trong cái chức năng cụ thể là phương tiện thanh toán chung. Trong cái chức năng phương tiện thanh toán đó, tiền tệ xuất hiện như là một hàng hoá tuyệt đối, nhưng ở trong phạm vi bản thân lưu thông, chứ không phải ở ngoài lưu thông như tiền tệ cất trữ. Sự khác nhau giữa phương tiện để mua và phương tiện thanh toán bộc lộ ra một cách rất khó chịu trong thời kỳ các cuộc khủng hoảng thương nghiệp. ["Sự khác nhau giữa phương tiện để mua và phương tiện thanh toán đã được Luther nhấn mạnh." — Chú thích của Marx trong bản riêng của ông.]

 

Lúc đầu, sự chuyển hoá sản phẩm thành tiền chỉ biểu hiện ra ở trong lưu thông, với tư cách là một sự tất yếu của cá nhân người sở hữu hàng hoá, vì sản phẩm của anh ta không phải là giá trị sử dụng cho anh ta, mà còn phải trở thành giá trị sử dụng cho anh ta bằng cách được chuyển nhượng đi. Nhưng để có thể thanh toán được đúng hạn do giao kèo quy định, anh ta phải bán hàng hoá trước đi. Cho nên, hoàn toàn không phụ thuộc vào những nhu cầu cá nhân của anh ta, việc bán ra này đã được sự vận động của quá trình lưu thông biến thành một sự tất yếu xã hội cho anh ta. Với tư cách là người trước đây đã mua hàng hoá anh ta buộc phải trở thành người bán một hàng hoá khác nào đó, không phải để có tiền dùng làm phương tiện mua mà dùng làm phương tiện thanh toán, làm hình thái tuyệt đối của giá trị trao đổi. Sự chuyển hoá hàng hoá thành tiền, với tư cách là hành vi kết thúc, hay là sự chuyển hoá hình thái đầu tiên của hàng hoá với tư cách là mục đích tự nó, — tức là cái mà trong việc cất trữ tiền tệ hình như là một việc làm theo sở thích của người sở hữu hàng hoá, — nay lại trở thành một chức năng kinh tế. Động cơ và nội dung của việc bán để thanh toán là nội dung của quá trình lưu thông, nội dung sinh ra từ bản thân hình thức của quá trình đó.

 

Trong hình thức bán đó, hàng hoá thay đổi vị trí của nó, nằm trong lưu thông, nhưng lại trì hoãn sự chuyển hoá hình thái đầu tiên của nó, tức là sự chuyển hoá của nó thành tiền. Trái lại, về phía người mua, sự chuyển hoá hình thái thứ hai, tức là việc tiền biến đổi trở lại thành hàng hoá, lại được thực hiện trước khi sự chuyển hoá hình thái thứ nhất được thực hiện, nghĩa là trước khi hàng hóa được biến đổi thành tiền. Cho nên ở đây, xét về mặt thời gian thì sự chuyển hoá hình thái thứ nhất xuất hiện sau sự chuyển hoá hình thái thứ hai. Và do đó, tiền tệ — tức là hình thái của hàng hóa trong sự chuyển hoá hình thái thứ nhất của nó — nhận được một tính quy định hình thái mới. Tiền tệ, hay là sự phát triển độc lập của giá trị trao đổi, không còn là hình thái làm môi giới của lưu thông hàng hoá mà là kết quả cuối cùng của lưu thông hàng hoá.

 

Những việc bán có kỳ hạn đó, — trong đó hai cực của việc bán tồn tại tách rời trong thời gian, — là một sản phẩm tự phát của lưu thông hàng hoá giản đơn, sự kiện ấy không cần phải chứng minh tỉ mỉ. Trước hết, sự phát triển của lưu thông dẫn tới chỗ là cũng những người sở hữu hàng hoá ấy, đối với nhau lần lượt xuất hiện khi thì làm người bán khi thì làm người mua, cứ lặp đi lặp lại như thế. Sự lặp đi lặp lại đó không còn là việc chỉ có tính chất ngẫu nhiên nữa, mà người ta đặt một hàng hoá cho một thời gian sắp tới chẳng hạn, tới hạn thì phải giao hàng hoá và trả tiền. Trong trường hợp đó, việc bán được thực hiện trên ý niệm, nghĩa là về mặt pháp luật, không cần có hàng hoá và tiền tệ dưới hình thái vật thể của chúng. Hai hình thái của tiền tệ — phương tiện lưu thông và phương tiện thanh toán — ở đây vẫn còn thống nhất với nhau, một mặt, vì hàng hoá và tiền tệ thay đổi vị trí cùng một lúc, mặt khác, vì tiền tệ không mua hàng hoá mà lại thực hiện giá cả của hàng hoá đã được bán từ trước rồi. Hơn nữa, do bản chất của một loạt giá trị sử dụng, tiền tệ thực sự được chuyển nhượng không phải khi thực tế giao hàng, mà chỉ sau khi giao hàng một thời gian nhất định. Ví dụ, nếu người ta cho thuê nhà trong một tháng, thì chỉ sau một tháng giá trị sử dụng của nhà mới được chuyển giao, mặc dù cái nhà đó đã được chuyển từ tay người này qua tay người khác ngay từ đầu tháng. Vì rằng ở đây, việc thực tế chuyển giao giá trị sử dụng và việc thực tế chuyển nhượng giá trị sử dụng ấy không trùng hợp với nhau trong thời gian, nên sự thực hiện giá cả của nó cũng xảy ra sau khi nó thay đổi vị trí. Cuối cùng, do việc sản xuất ra những hàng hoá khác nhau đòi hỏi thời gian dài ngắn khác nhau và chúng được sản xuất ra ở những thời kỳ khác nhau, nên người này thì đã xuất hiện là người bán trong lúc người kia chưa thể xuất hiện là người mua được; và do tình hình mua bán lặp đi lặp lại luôn luôn giữa cùng những người sở hữu hàng hoá ấy, nên hai yếu tố của việc bán bị tách rời ra tuỳ theo các điều kiện của việc sản xuất ra các hàng hoá của họ. Do đó mà giữa những người sở hữu hàng hoá nảy sinh ra mối quan hệ chủ nợ và con nợ, quan hệ này tuy là cơ sở tự nhiên của chế độ tín dụng nhưng nó cũng có thể phát triển đầy đủ trước khi có chế độ tín dụng. Tuy nhiên cũng rõ ràng là cùng với sự phát triển của chế độ tín dụng, do đó, cùng với sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa nói chung, thì chức năng của tiền tệ dùng làm phương tiện thanh toán sẽ được mở rộng thay cho chức năng của tiền tệ dùng làm phương tiện để mua và hơn nữa thay cho chức năng của chúng dùng làm yếu tố để cất trữ. Ở nước Anh chẳng hạn, tiền tệ dưới hình thái tiền đúc hầu như chỉ đóng khung trong lĩnh vực buôn bán lẻ và buôn bán nhỏ giữa người sản xuất và người tiêu dùng, còn tiền tệ với tư cách là phương tiện thanh toán thì lại chiếm địa vị thống trị trong lĩnh vực những việc giao dịch thương mại lớn2).

 

Với tư cách là phương tiện thanh toán chung, tiền tệ trở thành hàng hoá chung trong các giao kèo, — trước tiên chỉ mới ở trong lĩnh vực lưu thông hàng hoá3). Nhưng cùng với sự phát triển của chức năng này của tiền tệ, tất cả các hình thức thanh toán khác đều dần dần quy lại thành những hình thức thanh toán bằng tiền. Mức độ phát triển của tiền tệ với tư cách là phương tiện thanh toán độc nhất, chỉ rõ mức độ mà giá trị trao đổi chi phối được nền sản xuất về bề rộng và về bề sâu4).

 

Lượng tiền tệ lưu thông với tư cách là phương tiện thanh toán trước hết do tổng số các khoản thanh toán, tức là tổng số giá cả các hàng hoá đã chuyển nhượng quyết định, chứ không phải do tổng số giá cả các hàng hoá cần được chuyển nhượng quyết định như trong lưu thông tiền tệ giản đơn. Tuy nhiên, cái tổng số được quyết định như vậy bị thay đổi bằng hai cách: thứ nhất, do ảnh hưởng của tốc độ mà cũng những đồng tiền đó lặp đi lặp lại cùng một chức năng đó, hoặc do tốc độ mà các việc thanh toán nối tiếp nhau dưới hình thức một chuỗi việc thanh toán đang vận động. A trả cho B, sau đó B trả cho C, v. v.. Tốc độ mà cùng những đồng tiền đó lặp đi lặp lại cái chức năng của nó là phương tiện thanh toán, một mặt, tuỳ thuộc vào sự chằng chịt của các quan hệ chủ nợ với con nợ giữa những người sở hữu hàng hoá, — thành thử cũng một người sở hữu hàng hoá lại là chủ nợ đối với người này, nhưng lại là con nợ đối với kẻ khác, v. v., — mặt khác, do khoảng cách giữa các kỳ hạn thanh toán khác nhau quyết định. Cái chuỗi thanh toán đó, hay là chuỗi những sự chuyển hoá hình thái lần thứ nhất đó của các hàng hoá, — những sự chuyển hoá hình thái chỉ qua một thời gian mới thực hiện, — về mặt chất lượng khác với các chuỗi chuyển hoá hình thái biểu hiện ra trong lưu thông tiền tệ với tư cách là phương tiện lưu thông. Cái chuỗi chuyển hoá hình thái sau này không những xuất hiện theo một trật tự kế tiếp nhau trong thời gian, mà còn xuất hiện đầu tiên trong trật tự thời gian đó. Hàng hóa trở thành tiền tệ, rồi lại trở thành hàng hoá, và do đó làm cho hàng hoá khác có thể trở thành tiền tệ, v. v., hay là người bán trở thành người mua, nhờ đó mà một người sở hữu hàng hoá khác trở thành người bán. Mối liên hệ này, nảy sinh ra một cách ngẫu nhiên trong bản thân quá trình trao đổi hàng hoá. Nhưng sự việc tiền tệ mà A dùng để trả cho B, B lại đem trả cho C, C trả cho D, v. v., hơn nữa sự việc này lại diễn ra trong những khoảng thời gian kế tiếp nhau một cách nhanh chóng, trong cái mối liên hệ bề ngoài đó chỉ biểu lộ ra mối liên hệ xã hội đã có sẵn. Cũng một đồng tiền ấy chuyển từ tay người này sang tay người khác không phải vì nó đóng vai trò phương tiện thanh toán: nó lưu thông với tư cách là phương tiện thanh toán chính vì những người sở hữu hàng hoá khác nhau ấy đã ký kết  giao kèo trao đổi với nhau. Cho nên, tốc độ mà tiền tệ lưu thông với tư cách là phương tiện thanh toán cho ta thấy rằng con người đã bị lôi cuốn vào quá trình lưu thông một cách sâu sắc hơn nhiều, so với tốc độ và tiền tệ lưu thông với tư cách là tiền đúc hay là phương tiện để mua.

 

Tổng số giá cả các việc mua, bán xảy ra cùng một lúc, tức là đã xảy ra bên cạnh nhau trong không gian, hình thành một giới hạn cho việc lấy tốc độ lưu thông bù cho khối lượng tiền đúc. Giới hạn đó không còn nữa đối với tiền tệ làm chức năng phương tiện thanh toán. Nếu các khoản thanh toán cần tiến hành cùng một lúc tập trung lại ở một nơi, — điều này lúc đầu chỉ xảy ra, tất nhiên, ở những trung tâm lưu thông hàng hoá lớn mà thôi, — thì các khoản thanh toán đó bù trừ lẫn nhau với tư cách là những đại lượng âm và dương, bởi vì A phải trả cho B nhưng đồng thời lại nhận khoản thanh toán do C trả, v. v.. Vì vậy, tổng số tiền cần thiết dùng làm phương tiện thanh toán sẽ không phải do tổng số các khoản thanh toán phải tiến hành cùng một lúc quyết định, mà là do trình độ tập trung nhiều ít của các khoản thanh toán đó quyết định, và do số còn thừa lại nhiều hay ít sau khi các khoản thanh toán đó đã bù trừ lẫn nhau với tư cách là những đại lượng âm và dương quyết định. Những cơ quan đặc biệt để tiến hành các việc thanh toán qua lại đó đã nảy sinh ra một cách hoàn toàn độc lập với sự phát triển của chế độ tín dụng, chẳng hạn như ở La Mã cổ đại. Nhưng ở đây chúng ta không nghiên cứu các cơ quan đó, cũng như không nghiên cứu những kỳ hạn thanh toán chung được xác lập ở khắp nơi trong những giới xã hội nhất định. Ở đây chúng ta chỉ nhận xét rằng ảnh hưởng đặc biệt của các kỳ hạn thanh toán đó đối với những sự biến động chu kỳ của khối lượng tiền tệ đang lưu thông, mãi tới gần đây mới được khoa học nghiên cứu.

 

Trong chừng mực các khoản thanh toán bù trừ lẫn nhau với tư cách là những đại lượng âm và dương, thì không có sự tham gia nào của tiền tệ thực tế cả. Ở đây tiền tệ chỉ hoạt động dưới hình thái thước đo giá trị: một mặt, ở trong giá cả hàng hoá, mặt khác, trong quy mô của những khoản nợ lẫn nhau. Cho nên ở đây, ngoài sự tồn tại trên ý niệm của nó, giá trị trao đổi không có một sự tồn tại độc lập nào khác, dù là sự tồn tại dưới hình thái ký hiệu giá trị, nghĩa là tiền chỉ trở thành tiền tệ tính toán trên ý niệm mà thôi. Cho nên chức năng của tiền tệ làm phương tiện thanh toán bao hàm một mâu thuẫn này: một mặt, vì các khoản thanh toán bù trừ lẫn nhau, nên tiền tệ chỉ có tác động trên ý niệm làm thước đo, và mặt khác, vì việc thanh toán phải tiến hành một cách thực tế, nên tiền tệ lại bước vào lưu thông không phải với tư cách là phương tiện lưu thông nhất thời, mà với tư cách là hình thái tồn tại yên tĩnh của vật ngang giá chung, với tư cách là hàng hoá tuyệt đối, tóm lại, với tư cách là tiền tệ. Cho nên ở những nơi nào đã phát triển cái chuỗi thanh toán và một chế độ nhân tạo để bù trừ các việc thanh toán đó, thì ở đấy, khi có những sự rung chuyển làm gián đoạn một cách tàn nhẫn tiến trình của các việc thanh toán và phá vỡ cơ chế của việc các khoản thanh toán bù trừ lẫn nhau, tiền tệ sẽ đột nhiên chuyển từ hình thức mơ hồ của nó là thước đo giá trị sang hình thức tiền kim khí hay là sang hình thức phương tiện thanh toán. Do đó, trong điều kiện nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã phát triển, khi người sở hữu hàng hoá đã trở thành một nhà tư bản từ lâu rồi, khi anh ta đã biết đến ông Adam Smith của mình và cười ngạo mạn đối với những thành kiến cho rằng chỉ vàng và bạc mới là tiền tệ hay là cho rằng, khác hẳn với các hàng hoá khác, nói chung tiền tệ là một hàng hoá tuyệt đối, — khi đó đột nhiên tiền tệ lại xuất hiện không phải với tư cách là kẻ môi giới của lưu thông, mà là hình thức duy nhất thích hợp của giá trị trao đổi, là của cải duy nhất, giống như trong quan niệm của người tích trữ tiền tệ. Tiền tệ là hình thái tồn tại duy nhất đó của của cải, điều đó không phải chỉ thể hiện ra trong sự sụt giá tưởng tượng của mọi của cải vật chất như trong chế độ tiền tệ chẳng hạn, mà còn thể hiện ra trong sự mất giá thực tế, một phần hay toàn bộ, của mọi của cải vật chất. Đó chính là giai đoạn đặc biệt của các cuộc khủng hoảng của thị trường thế giới mà người ta gọi là khủng hoảng tiền tệ. Cái summum bonum [tài sản cao nhất] mà người ta yêu cầu trong những lúc đó, với tư cách là của cải duy nhất, là tiền tệ, tiền mặt, trái lại, tất cả các hàng hoá khác đều bị coi là những vật vô dụng, những thứ vụn vặt vô giá trị, những đồ chơi, hoặc nói như bác sĩ Martin Luther của chúng ta, đều chỉ là những thứ phù hoa và chè chén, chính vì chúng là những giá trị sử dụng. Sự chuyển biến đột ngột ấy từ chế độ tín dụng sang chế độ tiền tệ đã thêm sự hoảng loạn thực tế nỗi sợ hãi về lý luận, và những đại biểu của lưu thông run sợ trước sự bí mật không sao hiểu được của bản thân các mối quan hệ của họ5).

 

Về phần chúng, các việc thanh toán lại làm cho qũy dự trữ, sự tích lũy tiền tệ với tư cách là phương tiện thanh toán, trở thành một việc cần thiết. Việc hình thành các quỹ dự trữ này không còn thể hiện ra dưới hình thức một hoạt động không quan trọng đối với bản thân lưu thông như trong việc cất trữ tiền tệ, cũng không thể hiện ra dưới hình thức sự ngưng trệ có tính chất thuần tuý kỹ thuật của tiền đúc, như trong việc dự trữ tiền đúc; ở đây, tiền tệ phải được tích lũy dần để nó có mặt trong những kỳ hạn thanh toán sắp tới. Do đó, trong lúc việc cất trữ tiền tệ dưới hình thái trừu tượng (dưới hình thái này nó được coi là một cách làm giàu) giảm bớt đi theo với sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thì việc tích trữ tiền tệ do quá trình trao đổi trực tiếp yêu cầu lại tăng lên, hoặc nói cho đúng hơn, một bộ phận tiền tệ cất trữ nói chung được hình thành trong lĩnh vực lưu thông hàng hoá, trở thành quỹ dự trữ về các phương tiện thanh toán. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển thì các quỹ dự trữ này càng được hạn chế ở một mức tối thiểu cần thiết. Trong tác phẩm của ông ta về việc hạ thấp tỷ suất lợi tức6), Locke đã cung cấp nhiều số liệu thú vị về quy mô của những quỹ dự trữ đó ở thời ông ta. Qua những số liệu ấy người ta thấy rằng, ở Anh, ngay trong lúc ngành ngân hàng bắt đầu phát triển, thì các dự trữ về các phương tiện thanh toán đó đã thu hút một bộ phận tiền lớn như thế nào trong khối lượng tiền tệ nói chung đang nằm trong lưu thông.

 

Quy luật về lượng tiền tệ nằm trong lưu thông, như đã rút ra được từ việc phân tích lưu thông tiền tệ giản đơn, đã thay đổi căn bản do có sự lưu thông của các phương tiện thanh toán. Với một tốc độ lưu thông nhất định của tiền tệ, dù với tư cách là phương tiện lưu thông, hoặc với tư cách là phương tiện thanh toán, thì tổng số tiền tệ lưu thông trong một khoảng thời gian nhất định là do tổng số giá cả hàng hoá phải được thực hiện, cộng với tổng số khoản thanh toán đến hạn cũng trong thời gian đó, trừ đi các khoản thanh toán được huỷ đi bằng cách bù trừ lẫn nhau quyết định. Quy luật chung nói rằng khối lượng tiền tệ nằm trong lưu thông do giá cả hàng hoá quyết định, quy luật đó không mảy may bị điều ấy làm đảo lộn, bởi vì bản thân tổng số tiền thanh toán do giá cả đã xác định trong các giao kèo quyết định. Nhưng thật rõ ràng là dù có giả định rằng tốc độ lưu thông tiền tệ và sự tiết kiệm trong các việc thanh toán vẫn không thay đổi, thì tổng số giá cả của khối hàng đang lưu thông trong một thời kỳ nhất định, ví dụ là một ngày, và khối lượng tiền tệ đang lưu thông cũng trong ngày đó không hề đồng nhất với nhau, vì trong lưu thông có một khối lượng hàng hoá nhất định mà giá cả của chúng sau này mới được thực hiện thành tiền, và vì trong lưu thông cũng có một khối lượng tiền tệ nhất định thích ứng với khối lượng những hàng hoá đã ra khỏi lưu thông từ lâu rồi. Bản thân khối lượng tiền tệ sau này sẽ tùy thuộc ở quy mô của tổng số giá trị các việc thanh toán đã đến kỳ hạn cũng trong ngày đó, mặc dù các hợp đồng đã được ký kết trong những thời kỳ hoàn toàn khác nhau.

 

Chúng ta thấy rằng sự biến đổi trong giá trị của vàng và bạc không ảnh hưởng gì tới chức năng của vàng và bạc làm thước đo giá trị hay là tiền tệ để tính toán. Nhưng sự biến đổi đó có ý nghĩa quyết định đối với tiền tệ làm tiền tệ cất trữ, vì lượng giá trị của tiền tệ cất trữ, bằng vàng hay bằng bạc tăng lên hay giảm xuống cùng với sự tăng hay giảm giá trị của vàng và bạc. Đối với tiền tệ dùng làm phương tiện thanh toán thì sự biến đổi đó lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Việc thanh toán chỉ được thực hiện sau khi hàng hoá đã bán xong rồi, hay là tiền tệ tác động ở hai thời kỳ khác nhau trong hai chức năng khác nhau, lúc đầu làm thước đo giá trị, rồi sau đó làm phương tiện thanh toán thích ứng với thước đo đó. Nếu trong khoảng thời gian đó, giá trị của kim khí quý thay đổi, hoặc thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra các kim khí quý đó thay đổi, thì cũng một số lượng vàng hay bạc đó, khi được dùng làm phương tiện thanh toán, sẽ có một giá trị lớn hơn hoặc nhỏ hơn khi nó được dùng làm thước đo giá trị hoặc là khi giao kèo được ký kết. Ở đây, chức năng của một hàng hoá đặc thù, — như vàng và bạc chẳng hạn, — dùng làm tiền tệ hay là làm giá trị trao đổi đã có một sự tồn tại độc lập, lại xung đột với bản chất của nó là hàng hoá đặc biệt mà lượng giá trị tùy thuộc vào sự thay đổi của chi phí để sản xuất ra nó. Cuộc cách mạng xã hội lớn lao do giá trị của các kim khí quý sụt giá gây nên ở châu Âu là một sự việc ai cũng biết rõ, cũng như cuộc cách mạng ngược lại trong những thời gian đầu của nước Cộng hoà cổ La Mã, đã xảy ra do giá trị của đồng, tức là thứ kim khí dùng để ký kết những món nợ của những người bình dân, đã cao vọt lên. Chẳng cần nghiên cứu sâu hơn nữa ảnh hưởng của những sự biến động trong giá trị các kim khí quý đối với chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa, ngay ở đây chúng ta cũng đã thấy rằng giá trị các kim khí quý hạ xuống có lợi cho con nợ và thiệt cho chủ nợ, và ngược lại giá trị các kim khí quý tăng lên thì có lợi cho chủ nợ và thiệt cho con nợ.

 


*Chú thích:

 

1) Tất nhiên, tư bản cũng được ứng trước dưới hình thức tiền và tiền ứng trước có thể là tư bản ứng trước; nhưng quan điểm đó không thuộc phạm vi lưu thông giản đơn.

 

2) Mặc dù có thái độ thích lý luận trong các định nghĩa của ông ta, ông Macleod không hiểu những quan hệ kinh tế sơ đẳng nhất, đến nỗi ông ta đã tìm nguồn gốc của tiền tệ nói chung trong hình thái phát triển nhất của tiền tệ, tức là trong hình thái phương tiện thanh toán. Ví dụ ông ta nói: vì người ta cần những sự phục vụ của nhau không phải bao giờ cũng cùng một lúc và cùng một lượng giá trị bằng nhau, nên "người nọ còn phải trả cho người kia một khoản chênh lệch nào đó hay là một khối lượng nào đó về sự phục vụ, tức là món nợ". Người chủ món nợ đó cần sự phục vụ của một người thứ ba, người này lại không trực tiếp cần tới sự phục vụ của anh ta và "anh ta chuyển cho người thứ ba món nợ mà người thứ nhất thiếu đối với anh ta. Do đó trái khoản đó được chuyển từ tay người này sang tay người khác, – đó chính là lưu thông tiền tệ. Khi một người nhận được một giấy nợ ghi bằng tiền kim khí, thì người đó không chỉ có thể sử dụng các việc phục vụ của con nợ ban đầu mà còn có thể sử dụng các việc phục vụ của tất cả mọi thành viên của xã hội sản xuất". (Henry Dunning Macleod, " The Theory and Practice of Banking, etc", London, 1855, v. I, ch. 1 [Henry Dunning Macleod, "Lý luận và thực tiễn của ngành ngân hàng, v. v.", London, 1855, t. I, ch. 1].)

 

3) Bailey, sách đã dẫn [Samuel Bailey, "Money and its Vicissitudes", London, 1837 (Samuel Bailey, "Tiền tệ và những sự lên xuống của nó", London, 1837) — B. T.], tr. 3, có nói: "Tiền tệ là hàng hoá chung của các giao kèo, hoặc là một vật trong đó thực hiện đa số các giao kèo về tài sản phải thực hiện trong một thời kỳ sau".

 

4) Senior (sách đã dẫn [N. W. Senior, "Principes fondamentaux de l'économie politique", traduit par la comte Jean Arrivabene, Paris, 1836 ("Nguyên lý cơ bản về kinh tế chính trị học" do bá tước Jean Arrivabene dịch, Paris, 1836) — B. T.], tr.221) nói: "Vì giá trị của mọi vật thay đổi trong một khoảng thời gian nhất định, cho nên người ta lấy một vật ít thay đổi giá trị hơn cả và giữ được lâu hơn hết cái khả năng trung bình mua các vật khác, để làm phương tiện thanh toán. Do đó, tiền tệ trở thành hình thức biểu hiện hay là kẻ đại biểu của giá trị". Sự thực thì trái lại. Chính vì vàng, bạc, v. v. đã trở thành tiền tệ, nghĩa là trở thành hình thái tồn tại của giá trị trao đổi đã có được một sự tồn tại độc lập, nên vàng, bạc trở thành phương tiện thanh toán phổ biến. Khi cần phải quan tâm đến việc làm cho lượng giá trị của tiền tệ vững chắc — sự quan tâm mà ông Senior đã nhắc đến — nghĩa là trong những thời kỳ mà tiền tệ — do hoàn cảnh — được dùng làm phương tiện thanh toán chung, thì chính khi đó cũng bộc lộ những sự biến động trong lượng giá trị của tiền tệ. Ở nước Anh đó là thời kỳ nữ hoàng Elizabeth và chính trong thời kỳ ấy, do thấy các kim loại quý đã sụt giá một cách rõ rệt, huân tước Burleigh và ông Thomas Smith đã yêu cầu nghị viện thông qua một đạo luật buộc các trường Đại học Oxford và Cambridge phải thu được cho mình một phần ba địa tô bằng lúa mì và mạch nha như trong lưu thông tiền tệ giản đơn.

 

5) Boisguillebert vì muốn ngăn cản các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đứng lên chống lại chính các nhà tư bản, nên ông ta thích xem xét những hình thức tiền tệ trong đó tiền tệ chỉ thể hiện ra trên ý niệm hoặc chỉ thể hiện ra một cách nhất thời mà thôi. Trước đây phương tiện lưu thông như vậy, nay phương tiện thanh toán cũng như vậy. Điều mà một lần nữa ông ta vẫn chưa thấy chính là sự chuyển biến trực tiếp của tiền tệ từ hình thức trên ý niệm của nó sang cái thực tế bề ngoài của nó, ông ta không thấy rằng tiền kim khí đã ẩn náu tiềm tàng trong thước đo giá trị trên ý niệm rồi. Ông ta nói rằng: tiền tệ chỉ là một hình thái của bản thân hàng hoá, sự việc đó bộc lộ trong thương nghiệp bán buôn, trong đó việc trao đổi được tiến hành không có sự tham gia của đồng tiền, sau khi "les marchandises sont appréciées" ["hàng hoá đã được đánh giá"]. ("Thương nghiệp bán lẻ của nước Pháp" ["Le detail de la France", 1697, Nhà xuất bản Eugène Daire, "Economistes financiers du XVIII siecle", Paris, 1843, vol. I — B. T.], tr. 210.)

 

6) Locke, sách đã dẫn [John Locke, "Some Considerations on the Lowering of Interest etc", 1691, p. 65, trong "Works" của ông ta, 7 ed., London, 1768, vol II , — B. T.], tr. 17, 18.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận