Marx và Engels về sinh thái học: ‘Với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc, chúng ta đều thuộc về tự nhiên’

Nhiều người vẫn lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa Marx lãnh đạm đối với các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên trên thực tế, Karl Marx và Friedrich Engels thể hiện mối quan tâm vô cùng sâu sắc đối với chúng trên gần như từng dòng mà họ viết. Kể cả trước khi từ ‘sinh thái’ được đặt ra, họ đã liên tục nhấn mạnh sự đồng nhất không thể tách rời của nhân loại và thiên nhiên, bản chất hủy diệt của chủ nghĩa tư bản, và sự cần thiết của chủ nghĩa xã hội vì sự tồn vong của hành tinh.

Sau đây chỉ là những đoạn trích nhỏ từ những ghi chép của họ về chủ đề này:

Sự đồng nhất của nhân loại và tự nhiên

 

‘Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên.’

 

— Karl Marx, Bản thảo Kinh tế Triết học 1844

 

Đất đai như hàng hóa

 

‘Ruộng đất là tất cả đối với chúng ta, là điều kiện tồn tại đầu tiên của chúng ta; biến ruộng đất thành đối tượng mua bán là bước cuối cùng dẫn tới việc tự mua bán mình; điều đó, trước kia và cho đến ngày nay, vẫn là một sự vô đạo đức mà chỉ có sự vô đạo đức của việc tự mua bán mình mới có thể vượt quá được. Việc chiếm hữu ruộng đất lúc ban đầu, việc một số ít người độc quyền chiếm hữu ruộng đất, việc tất cả mọi người khác bị tước mất điều kiện sinh sống cơ bản của họ, tất cả những việc đó không thua kém chút nào việc mua bán ruộng đất sau này về mặt đạo đức.’

 

— Friedrich Engels, Lược thảo Phê phán Khoa Kinh tế Chính trị

 

Sự xói mòn đất

 

‘Hơn nữa, mỗi một bước tiến của nền nông nghiệp tư bản chủ nghĩa không những là một bước tiến trong nghệ thuật bóc lột công nhân mà đồng thời còn là một bước tiến trong nghệ thuật bóc lột đất đai; mỗi một bước tiến trong việc làm tăng độ màu mỡ của đất đai trong một thời gian nhất định đồng thời cũng là một bước tiến trong việc hủy hoại những nguồn lâu dài của sự màu mỡ đó. Một nước, như Hợp chúng quốc Bắc Mỹ chẳng hạn, mà càng lấy đại công nghiệp làm cơ sở phát triển của mình, thì quá trình phá hoại đó lại càng nhanh chóng. Do đó nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ phát triển kỹ thuật và sự kết hợp của quá trình sản xuất xã hội bằng cách là đồng thời phá hoại các nguồn đẻ ra mọi của cải xã hội: đất đai và người lao động.’

 

— Karl Marx, Tư bản tập I

Tàn phá rừng

 

‘Sự phát triển của ngành trồng trọt và của công nghiệp nói chung từ lâu đều kèm theo một sự hủy hoại rừng một cách mãnh liệt tới mức, so với sự hủy hoại này thì toàn bộ khối lượng công việc mà ngành trồng trọt và công nghiệp đã làm để bảo vệ rừng và gây rừng cứ như thể một hạt cát trong sa mạc.’

 

— Karl Marx, Tư bản tập II

Bất công môi trường

 

‘Ngay cả nhu cầu về không khí trong lành cũng không còn là một nhu cầu ở người công nhân nữa. Con người lại ở hang, nhưng những hang này ngày nay đã bị hơi thở dịch hạch ngột ngạt của nền văn minh đầu độc, và trong đó anh ta cảm thấy mình thiếu tin tưởng như đối với một lực lượng xa lạ bất cứ ngày nào cũng có thể tuột khỏi anh ta, người ta có thể ném anh ta ra khỏi những cái hang đó bất cứ ngày nào, nếu anh ta không trả tiền thuê nhà. Người công nhân phải trả tiền thuê những nhà xác ấy. Nhà ở quang đãng, mà Prômêtê trong vở kịch của Êsilơ gọi là một trong những tặng vật vĩ đại mà nhờ chúng anh ta đã biến người dã man thành người, không còn tồn tại đối với công nhân nữa. Ánh sáng, không khí v.v., sự sạch sẽ đơn giản nhất mà ngay cả các động vật cũng có thì không còn là nhu cầu của con người nữa. Sự dơ bẩn, trạng thái đó của con người bị sa đọa, mục nát, những đồ xú uế (theo nghĩa đen của từ đó) của nền văn minh trở thành một yếu tố sinh hoạt đối với anh ta.’

 

— Karl Marx, Bản thảo Kinh tế Triết học 1844

Sự tàn phá của chủ nghĩa tư bản và giải pháp từ chủ nghĩa xã hội

 

‘Tóm lại, loài vật chỉ lợi dụng giới tự nhiên bên ngoài và gây ra những biến đổi trong giới tự nhiên, chỉ đơn thuần do sự có mặt của nó thôi; còn con người thì do đã tạo ra những biến đổi đó, mà bắt giới tự nhiên phải phục vụ những mục đích của mình, mà thống trị giới tự nhiên. Và chính đó là sự khác nhau chủ yếu cuối cùng giữa con người và các loài vật khác, và một lần nữa, chính cũng là nhờ lao động mà con người mới có được sự khác nhau đó. 

 

Tuy vậy, chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta. Thật thế, mỗi một thắng lợi, trước hết là đem lại cho chúng ta những kết quả mà chúng ta hằng mong muốn, nhưng đến lượt thứ hai, lượt thứ ba, thì nó lại gây ra những tác dụng hoàn toàn khác hẳn, không lường trước được, những tác dụng thường hay phá hủy tất cả những kết quả đầu tiên đó. Ở Lưỡng Hà, ở Hy Lạp, ở Tiểu Á và ở các nơi khác, khi người ta phá rừng để có đất cày cấy, thì không mấy khi họ nghĩ rằng làm như thế là họ đã tạo ra nguồn gốc sinh ra những mối tai họa hiện nay trong những nước đó, vì rằng khi phá rừng, họ đã hủy hoại cả những trung tâm chứa nước và giữ nước. Những người miền núi ở Italia, khi phá hoại các đám rừng tùng trên sườn phía nam dải núi Anpơ, trong lúc những đám rừng như thế được bảo vệ một cách rất chu đáo bên sườn núi phía bắc, thì họ không nghĩ rằng, làm như vậy là đã phá hoại việc chăn nuôi trên núi cao trong nước; và họ lại càng không nghĩ rằng như thế là họ đã làm cho các suối nước trên núi bị khô cạn suốt một phần lớn thời gian trong năm, và đến mùa mưa thì nước lũ của các khe suối đó lại tuôn xuống càng dữ dội hơn nữa, làm ngập cả đồng bằng. Những người đem khoai tây về trồng khắp nơi ở châu Âu không biết trước được rằng, cũng với những củ khoai lắm bột đó, họ cũng đem cả bệnh tràng nhạc về gieo rắc ở khắp nơi nữa. Và những sự việc đó nhắc nhở chúng ta từng giờ từng phút rằng chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác. 

 

Và trên thực tế, chúng ta học hỏi để ngày càng hiểu được một cách chính xác hơn những quy luật đó, và biết được những hậu quả gần gũi cũng như xa xôi của những sự can thiệp tích cực của chúng ta vào trong tiến trình bình thường của các sự vật trong giới tự nhiên. Nhất là từ khi khoa học tự nhiên đã thu được những tiến bộ vĩ đại trong thế kỷ hiện thời, thì chúng ta lại ngày càng đi đến chỗ hiểu biết được cả những hậu quả tự nhiên xa xôi, ít nhất là của những hành động thông thường nhất của chúng ta trong lĩnh vực sản xuất, và do đó, có thể chi phối được những hậu quả đó. Nhưng điều đó càng trở thành sự thật, thì con người không những càng cảm thấy, mà lại càng hiểu biết thêm rằng mình với giới tự nhiên chỉ là một, thì cái quan niệm phi lý và trái tự nhiên về sự đối lập giữa tinh thần và vật chất, giữa con người và giới tự nhiên, giữa linh hồn và thể xác càng không thể nào tồn tại được, đó là một quan niệm đã thịnh hành ở châu Âu từ khi nền văn hóa cổ điển thời cổ bị suy đồi, một quan niệm đã đạt được một sự phát triển cao nhất, cùng với đạo Thiên chúa. 

 

Nhưng nếu chúng ta đã phải trải qua hàng nghìn năm lao động mới có thể, trong một chừng mực nào đó, đánh giá trước được những hậu quả tự nhiên xa xôi của những hành động sản xuất của chúng ta, thì chúng ta lại càng phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa, mới có thể hiểu biết được những hậu quả xã hội xa xôi của những hành động ấy. Chúng ta đã nói đến việc trồng khoai tây và hậu quả của nó là sự lan rộng của bệnh tràng nhạc. Nhưng nếu ta đem so sánh với những hậu quả mà tình trạng dân cư cần lao buộc phải ăn toàn khoai tây để sống đã gây ra trong hoàn cảnh sinh hoạt của quần chúng nhân dân nhiều nước thì thử hỏi bệnh tràng nhạc còn có nghĩa lý gì nữa? Và, nếu ta đem so sánh với nạn đói đã xảy ra ở Airơlen năm 1847 sau khi số khoai tây trồng đều bị hư hỏng cả, tức là nạn đói đã chôn vùi một triệu người Airơlen sống hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn bằng khoai tây, và đã làm cho hai triệu người khác phải di cư sang bên kia đại dương, thì thử hỏi bệnh tràng nhạc còn có nghĩa lý gì nữa? Khi những người Ả-rập biết nấu rượu, họ hoàn toàn không nghĩ rằng họ vừa mới tạo ra một trong những công cụ chủ yếu mà sau này, người ta sẽ dùng đến để tiêu diệt dân bản xứ ở châu Mỹ, một lục địa mà lúc bấy giờ chưa ai phát hiện ra. Và sau đó, khi Cô-lông tìm ra châu Mỹ, thì ông ta cũng không biết rằng như thế là ông ta làm sống lại chế độ nô lệ mà châu Âu đã chôn vùi từ lâu, và đặt cơ sở cho việc buôn bán người da đen. Những người đã cố công sáng chế ra máy hơi nước hồi thế kỷ XVII và XVIII, lúc bấy giờ, không hề nghĩ rằng, làm như thế là họ đã tạo ra một công cụ có tác dụng hơn bất cứ một công cụ nào khác để cách mạng hóa những quan hệ xã hội trên toàn thế giới; nhất là ở châu Âu, bằng cách tập trung của cải vào trong tay thiểu số và đầy đọa tuyệt đại đa số vào cảnh bần cùng; một công cụ, trước hết, đem lại cho giai cấp tư sản quyền thống trị chính trị và xã hội, nhưng sau đó, lại gây ra giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản một cuộc đấu tranh giai cấp chỉ có thể chấm dứt được bằng sự lật đổ giai cấp tư sản và bằng việc thủ tiêu tất cả mọi đối kháng giai cấp. Nhưng ngay trong lĩnh vực này, chúng ta cũng phải trải qua một thời gian kinh nghiệm lâu dài và thường là gay go, và phải đối chiếu và nghiên cứu những tài liệu lịch sử, mới có thể dần dần hiểu rõ được những hậu quả xã hội gián tiếp và xa xôi của hoạt động sản xuất của chúng ta, và do đó mà có được khả năng chi phối và điều tiết những hậu quả đó.

 

Nhưng muốn tiến hành sự điều tiết ấy cho được tốt mà chỉ đơn thuần dựa vào nhận thức thôi thì chưa đủ. Cần phải có sự chuyển biến hoàn toàn trong phương thức sản xuất đã tồn tại cho đến nay, và đồng thời, trong chế độ xã hội hiện tại.’

 

— Friedrich Engels, Biện chứng của Tự nhiên

 

‘Chủ nghĩa cộng sản như vậy, với tính cách là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị, bằng với chủ nghĩa nhân đạo, với tính cách là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, bằng với chủ nghĩa tự nhiên; nó là sự giải quyết thực sự mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, giữa con người và con người, là sự giải quyết thực sự cuộc tranh chấp giữa tồn tại và bản chất, giữa sự đối tượng hóa và sự tự khẳng định, giữa tự do và tất yếu, giữa cá thể và loài. Nó là sự giải quyết câu đố của lịch sử và nó biết rằng nó là sự giải quyết ấy.’

 

— Karl Marx, Bản thảo Kinh tế Triết học 1844

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận