Lao động làm thuê và tư bản (1847)- Quan hệ giữa lao động làm thuê và tư bản

*Mục lục:


 

BẢN CHẤT VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TƯ BẢN

 

[1]Tư bản gồm có nguyên liệu, công cụ lao động và đủ loại tư liệu sinh hoạt; chúng được dùng để sản xuất ra những nguyên liệu, công cụ lao động và tư liệu sinh hoạt mới. Tất cả những bộ phận đó của tư bản đều do lao động tạo ra, là sản phẩm của lao động, là lao động tích lũy. Lao động tích lũy được dùng làm tư liệu cho việc sản xuất mới, đó là tư bản.

 

Các nhà kinh tế học nói như vậy. Nô lệ da đen là gì? Là một người thuộc giống da đen. Lời giải thích này cũng giống hệt lời giải thích ở trên.

 

Một người da đen là một người da đen. Chỉ trong những điều kiện nhất định, anh ta mới trở thành nô lệ. Máy kéo sợi bông là một chiếc máy dùng để xe sợi. Chỉ trong những điều kiện nhất định, nó mới trở thành tư bản. Khi bị tách khỏi những điều kiện đó, thì nó không còn là tư bản nữa; cũng như vàng tự nó không phải là tiền tệ, hay đường không phải là giá của đường.

 

Trong quá trình sản xuất, con người có quan hệ không chỉ với giới tự nhiên, mà còn với người khác nữa. Người ta chỉ sản xuất được khi kết hợp với nhau theo cách nào đó, và trao đổi hoạt động với nhau. Để sản xuất được, họ thiết lập những mối liên hệ và quan hệ nhất định với nhau; và chỉ trong khuôn khổ đó, quan hệ của họ với giới tự nhiên – tức là việc sản xuất – mới diễn ra được.

 

Các quan hệ xã hội đó giữa những người sản xuất, và những điều kiện mà theo đó, họ trao đổi hoạt động với nhau và tham gia vào toàn bộ sự sản xuất, sẽ biến đổi tùy theo tính chất của tư liệu sản xuất. Với việc phát minh ra một công cụ chiến tranh mới, là khẩu súng, thì toàn thể tổ chức nội bộ của quân đội đã nhất thiết phải thay đổi; các quan hệ mà theo đó, những cá nhân hợp lại và hành động như một đội quân, cũng được cải biến; và mối quan hệ giữa các đạo quân với nhau cũng khác đi.

 

Vậy, ta thấy rằng: các quan hệ xã hội mà theo đó các cá nhân sản xuất, tức là các quan hệ sản xuất xã hội, đã cải biến cùng với những biến đổi và phát triển của những tư liệu sản xuất vật chất, tức là các lực lượng sản xuất. Toàn bộ các quan hệ sản xuất tạo nên cái được gọi là quan hệ xã hội, hay là xã hội; và hơn nữa, đó là một xã hội ở một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, một xã hội có những nét đặc trưng độc đáo, riêng biệt. Xã hội cổ đại, xã hội phong kiến, xã hội tư sản (hay là tư bản) đều là những tổng thể như vậy của các quan hệ sản xuất; mỗi tổng thể đó lại biểu thị một giai đoạn phát triển đặc thù trong lịch sử loài người.

 

Tư bản cũng là một quan hệ sản xuất xã hội. Đó là quan hệ sản xuất tư sản, quan hệ sản xuất của xã hội tư sản. Tư liệu sinh hoạt, công cụ lao động, nguyên liệu, những cái tạo thành tư bản; chẳng phải chúng đều được sản xuất và tích lũy dưới những điều kiện xã hội nhất định, những quan hệ xã hội nhất định hay sao? Chẳng phải chúng được dùng vào việc sản xuất mới trong những điều kiện và quan hệ đó hay sao? Chẳng phải chính những đặc trưng xã hội nhất định đã biến chúng thành tư bản hay sao?

 

Tư bản không chỉ gồm có những tư liệu sinh hoạt, công cụ lao động, nguyên liệu; không chỉ là những sản phẩm vật chất, nó còn có cả những giá trị trao đổi nữa. Mọi sản phẩm tạo nên tư bản đều là hàng hóa. Do đó, tư bản không chỉ là tổng số những sản phẩm vật chất, mà còn là tổng số những hàng hóa, những giá trị trao đổi, những đại lượng xã hội.

 

Tư bản vẫn giữ nguyên, dù ta có thay len bằng bông, thay lúa mì bằng lúa nước, thay đường sắt bằng tàu thủy; miễn là bông, lúa nước, tàu thủy – tức là vật chất của tư bản – có cùng giá trị trao đổi với len, lúa mì, đường sắt mà nó bao gồm trước kia. Hình thức vật chất của tư bản có thể thay đổi liên tục, mà tư bản không hề biến chuyển chút nào.

 

Nhưng dù bất kỳ tư bản nào cũng là một tổng số hàng hóa, tức là giá trị trao đổi; thì không phải bất kì tổng số hàng hóa nào, hay là giá trị trao đổi nào, cũng là tư bản.

 

Bất kì tổng số giá trị trao đổi nào cũng là một giá trị trao đổi. Bất kì giá trị trao đổi nào cũng là một tổng số giá trị trao đổi. Ví dụ: một ngôi nhà trị giá 1000 đồng là một giá trị trao đổi 1000 đồng, một tờ giấy giá 1 xu là một tổng số giá trị trao đổi của 100 lần 1/100 xu. Các sản phẩm có thể đổi lấy sản phẩm khác đều là hàng hóa. Cái tỉ lệ xác định, theo đó chúng được trao đổi, chính là giá trị trao đổi của chúng, hoặc nếu biểu diễn bằng tiền thì đó là giá của chúng. Số lượng của những sản phẩm này cũng không thể có tác động gì đến tính chất của chúng là hàng hóa, đại diện cho một giá trị trao đổi, là một giá nhất định. Một cái cây dù lớn hay bé thì vẫn là cái cây. Lẽ nào ta có thể thay đổi tính chất của sắt – là hàng hóa, là giá trị trao đổi – bằng cách trao đổi chúng lấy những sản phẩm khác, dù là tính theo gram hay theo tạ? Tùy theo số lượng mà nó là một hàng hóa có giá trị lớn hay nhỏ, có giá cao hay thấp.

 

Làm thế nào mà một tổng số hàng hóa, một tổng số giá trị trao đổi, trở thành tư bản?

 

Vì với tư cách là một lực lượng xã hội độc lập, tức là một lực lượng của một bộ phận xã hội, nó tự duy trì và lớn lên bằng cách trao đổi với sức lao động sống, trực tiếp.

 

Sự tồn tại của một giai cấp không sở hữu gì hết, ngoài năng lực lao động, là tiền đề cần thiết của tư bản.

 

Chính sự thống trị của lao động quá khứ, tích lũy, vật hóa với lao động sống, trực tiếp, đã biến lao động tích lũy thành tư bản.

 

Điểm cốt yếu của tư bản không phải là việc lao động tích lũy phục vụ lao động sống, như một phương tiện để tiến hành sản xuất mới; mà là việc lao động sống phục vụ lao động tích lũy, như một phương tiện để duy trì và tăng thêm giá trị trao đổi cho lao động tích lũy.

 

QUAN HỆ GIỮA LAO ĐỘNG LÀM THUÊ VÀ TƯ BẢN

 

 Cái gì diễn ra trong sự trao đổi giữa nhà tư bản và công nhân làm thuê?

 

 Công nhân đổi lao động của mình lấy tư liệu sinh hoạt, nhà tư bản đổi tư liệu sinh hoạt của mình lấy lao động, lấy hoạt động sản xuất của công nhân; lấy cái sức sáng tạo mà nhờ đó, người lao động không chỉ bù lại cái đã tiêu dùng, mà còn đem lại cho lao động tích lũy một giá trị lớn hơn giá trị của nó trước kia. Công nhân nhận một phần tư liệu sinh hoạt của nhà tư bản. Anh ta lấy những tư liệu sinh hoạt ấy làm gì? Để tiêu dùng trực tiếp. Nhưng ngay khi tôi dùng những tư liệu sinh hoạt ấy, thì đối với tôi, chúng đã hoàn toàn biến mất; trừ khi tôi dùng khoảng thời gian có được nhờ sử dụng chúng, để tạo ra những tư liệu sinh hoạt mới, để tạo ra những giá trị mới bằng lao động của mình; nhằm thay cho những giá trị đã được sử dụng, và đã mất đi. Nhưng chính cái sức tái sản xuất cao quý đó lại bị công nhân đem cho nhà tư bản, để đổi lấy những tư liệu sinh hoạt mà anh ta nhận về. Do đó, với bản thân anh ta, sức tái sản xuất ấy đã mất đi rồi.

 

 Hãy lấy một ví dụ. Một người làm công làm việc cả một ngày trên mảnh ruộng của chủ, để nhận được 1 đồng, còn chủ ruộng nhờ lao động ấy mà thu được 2 đồng. Người chủ không chỉ thu lại được số giá trị mà mình đã trả cho người làm công nhật, ông ta còn lấy được gấp đôi số đó. Vậy là ông ta đã tiêu dùng một cách sinh lợi, một cách sản xuất, 1 đồng mà mình trả cho người làm công nhật. Ông ta dùng 1 đồng đó để mua sức lao động của người làm công, sức lao động ấy tạo ra một giá trị gấp đôi, và 1 đồng biến thành 2 đồng. Ngược lại, người làm công nhật đem trao đổi sức sản xuất của mình, thành quả của sức lực đó thuộc về người chủ, để lấy 1 đồng; 1 đồng đó lại được anh ta trao đổi lấy những tư liệu sinh hoạt, để sử dụng trong một thời gian ngắn hoặc dài. Vậy là 1 đồng đó được tiêu dùng theo hai cách: với nhà tư bản là một cách tái sản xuất, vì 1 đồng đó được trao đổi lấy sức lao động, sức lực ấy lại tạo ra 2 đồng; còn với công nhân là một cách không sản xuất, vì 1 đồng đó được trao đổi lấy những tư liệu sinh hoạt, mà cái đó sẽ mất đi hẳn, và anh ta chỉ có lại được giá trị ấy bằng cách lặp lại sự trao đổi với người chủ. Như thế là tư bản giả định phải có lao động làm thuê, còn lao động làm thuê giả định phải có tư bản. Chúng qui định lẫn nhau, cái nọ tạo ra cái kia.

 

 Có phải công nhân xưởng dệt vải bông chỉ làm ra vải bông? Không. Anh ta còn sản xuất ra tư bản. Anh ta tạo ra những giá trị, những giá trị này lại được dùng để thống trị lao động của anh ta, nhằm dùng lao động đó để tạo ra những giá trị mới.

 

 Tư bản chỉ có thể sinh sôi nảy nở bằng cách trao đổi với sức lao động, và tạo ra lao động làm thuê. Sức lao động của công nhân làm thuê chỉ có thể trao đổi với tư bản nếu nó làm tăng thêm tư bản, làm mạnh thêm chính cái thế lực đang nô dịch nó. Vậy, sự tăng lên của tư bản có nghĩa là sự tăng lên của giai cấp vô sản, tức là giai cấp công nhân.

 

 Và thế là giai cấp tư sản và các nhà kinh tế học của nó khẳng định rằng: lợi ích của nhà tư bản và của công nhân là một. Và thực tế là đúng thế! Nếu tư bản không thuê công nhân làm việc thì công nhân sẽ chết. Nếu tư bản không bóc lột sức lao động thì tư bản sẽ chết, mà muốn bóc lột sức lao động thì nó phải mua sức lao động. Tư bản dùng cho sản xuất – tức là tư bản sản xuất – càng tăng nhanh, công nghiệp càng phồn vinh, giai cấp tư sản càng giàu lên, việc kinh doanh càng phát đạt; thì nhà tư bản càng cần nhiều công nhân, và công nhân càng bán mình với giá cao.

 

 Vậy, điều kiện tiên quyết của việc công nhân có được một đời sống chấp nhận được, đó là sự tăng lên càng nhanh càng tốt của tư bản sản xuất.

 

 Nhưng sự tăng thêm của tư bản sản xuất là gì? Đó là việc lao động tích lũy có thêm quyền lực với lao động sống, là việc giai cấp tư sản có thêm quyền thống trị với giai cấp công nhân. Khi lao động làm thuê tạo ra của cải cho kẻ khác, thứ của cải thống trị nó, thù địch với nó, tức là tư bản; thì nó nhận được công ăn việc làm, tức là tư liệu sinh hoạt, với điều kiện là nó lại phải trở thành một bộ phận của tư bản, trở thành cái đòn bẩy, ném tư bản vào cuộc vận động mở rộng ngày càng nhanh.

 

 Nói rằng "lợi ích của tư bản và của công nhân là một" thì chỉ có nghĩa là: tư bản và lao động làm thuê là hai mặt của cùng một quan hệ. Cái này quy định cái kia, cũng như kẻ cho vay và người đi vay quy định lẫn nhau.

 

 Chừng nào công nhân làm thuê vẫn là công nhân làm thuê, thì số phận của anh ta còn do tư bản định đoạt. Cái lợi ích chung của công nhân và của nhà tư bản, mà người ta tán tụng, là như thế đấy.

 

[2]Nếu tư bản tăng lên thì khối lượng lao động làm thuê tăng lên, số công nhân làm thuê nhiều thêm; tóm lại là tư bản thống trị một khối người đông hơn.

 

 Hãy giả định một trường hợp thuận lợi nhất: tư bản sản xuất tăng lên, lượng cầu về lao động cũng tăng. Do đó mà giá của lao động, tức là tiền lương, tăng lên.

 

 Một ngôi nhà có thể lớn hoặc nhỏ, chừng nào những ngôi nhà xung quanh cũng nhỏ như thế, thì ngôi nhà ấy vẫn thỏa mãn mọi yêu cầu xã hội về nhà ở. Nhưng nếu có một tòa lâu đài mọc lên cạnh ngôi nhà nhỏ đó, thì ngôi nhà tụt xuống thành một túp lều. Lúc này, ngôi nhà nhỏ ấy nói lên rằng người chủ của nó có rất ít, hoặc hoàn toàn không có địa vị xã hội; và dù ngôi nhà nhỏ có lớn lên trong tiến trình của nền văn minh, mà tòa lâu đài bên cạnh cũng lớn lên với mức độ như vậy hoặc mạnh hơn, thì người sống trong ngôi nhà nhỏ sẽ thấy ngày càng khó chịu, không thỏa mãn và ngột ngạt trong bốn bức tường của mình.

 

 Sự tăng lên đáng kể của tiền công giả định sự tăng lên nhanh chóng của tư bản sản xuất. Sự tăng lên nhanh chóng của tư bản sản xuất gây ra sự tăng lên nhanh chóng của của cải, sự xa hoa, những nhu cầu và hưởng thụ của xã hội. Vậy, dù sự hưởng thụ mà công nhân có thể có đã tăng lên, thì nó lại giảm đi khi so với sự hưởng thụ ngày càng tăng lên của nhà tư bản, mà công nhân không với tới được, và khi so với trình độ phát triển của xã hội nói chung. Những nhu cầu và hưởng thụ của chúng ta là do xã hội sinh ra, thế nên ta so sánh chúng với xã hội, chứ không phải với những vật phẩm để thỏa mãn chúng. Vì chúng có tính chất xã hội, nên chúng có tính chất tương đối.

 

 Nhưng tiền lương nói chung không được quy định bởi lượng hàng hóa mà nó có thể đổi lấy. Còn có những yếu tố khác.

 

 Cái mà công nhân trực tiếp nhận được từ sức lao động của mình là một số tiền nhất định. Có phải tiền lương chỉ do cái giá bằng tiền đó quy định hay không?

 

 Vào thế kỉ XVI, sự lưu thông vàng bạc ở châu Âu tăng lên, do việc tìm ra ở châu Mỹ những mỏ giàu hơn và dễ khai thác hơn. Giá trị của vàng bạc vì thế mà hạ xuống so với các hàng hóa khác. Công nhân thì vẫn lĩnh cùng một lượng bạc như trước cho sức lao động của mình. Giá tiền của công việc của họ vẫn giữ nguyên, nhưng tiền lương của họ thì đã giảm, vì với cùng một lượng bạc ấy, họ trao đổi được một lượng hàng hóa khác ít hơn. Đó là một trong những điều kiện làm tăng thêm tư bản, khiến giai cấp tư sản nổi lên trong thế kỉ XVI.

 

 Hãy lấy một trường hợp khác. Mùa đông năm 1847, do mất mùa nên giá của những tư liệu sinh hoạt cần thiết nhất – lúa mì, thịt, bơ, pho-mát, v.v. – đã tăng vọt. Hãy giả định rằng công nhân vẫn nhận được cùng một số tiền như trước cho sức lao động của mình. Chẳng phải tiền lương của họ đã giảm đi hay sao? Tất nhiên là thế. Với cùng số tiền đó, họ trao đổi được ít bánh mì, thịt, v.v. hơn. Tiền lương của họ giảm, không phải vì giá trị của bạc giảm, mà vì giá trị của các tư liệu sinh hoạt đã tăng.

 

 Sau cùng, hãy giả định là giá tiền của sức lao động thì giữ nguyên, trong khi tất cả những sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp đều giảm giá, do việc sử dụng máy móc mới, hoặc do được mùa, v.v. Lúc đó, với cùng một số tiền, công nhân có thể mua nhiều hàng hóa hơn, thuộc đủ các loại. Vậy là tiền lương của họ đã tăng, chỉ vì giá tiền của nó không thay đổi.

 

 Thế là giá tiền của sức lao động, tức là tiền lương danh nghĩa, không khớp với tiền lương thực tế, tức là lượng hàng hóa thực sự có thể mua bằng tiền lương. Vậy, khi nói tới việc tăng giảm tiền lương, ta phải nhớ tới cả tiền lương thực tế, chứ không chỉ có giá tiền của sức lao động, hay là tiền lương danh nghĩa.

 

 Nhưng cả tiền lương danh nghĩa – tức là số tiền mà công nhân có được khi bán mình cho nhà tư bản, lẫn tiền lương thực tế – tức là lượng hàng hóa mà anh ta có thể mua bằng số tiền đó, cũng chưa phải là tất cả những quan hệ bao hàm trong vấn đề tiền lương.

 

 Trên hết, tiền lương còn được quy định bởi quan hệ của nó với tiền lãi, với lợi nhuận của nhà tư bản. Đó là tiền lương so sánh, tiền lương tương đối.

 

 Tiền lương thực tế biểu hiện giá của sức lao động, trong quan hệ với giá của các hàng hóa khác; mặt khác, tiền lương tương đối biểu hiện cái phần mà lao động trực tiếp thu được từ giá trị mới mà nó tạo ra, so với phần mà lao động tích lũy thu được.

 

NGUYÊN TẮC CHUNG QUYẾT ĐỊNH SỰ TĂNG GIẢM CỦA TIỀN LƯƠNG VÀ LỢI NHUẬN

 

 Ở trên, ta từng nói: "Tiền lương không phải là phần của anh công nhân trong cái sản phẩm mà anh ta làm ra. Tiền lương là một phần hàng hóa có sẵn, được nhà tư bản dùng để mua một lượng sức lao động sản xuất nhất định". Nhưng nhà tư bản phải thu lại số tiền lương đấy, bằng cách lấy từ số tiền bán sản phẩm do công nhân làm ra; ông ta còn phải thu lại sao cho theo lệ thường, ông ta có được một số dư so với chi phí sản xuất mà mình bỏ ra, tức là ông ta phải thu được lợi nhuận.

 

 Với nhà tư bản, giá bán hàng hóa do công nhân sản xuất ra được chia thành 3 phần:

  •  Một là phần để bù lại giá của nguyên liệu mà ông ta đã chỉ ra, và bù lại hao mòn của công cụ, máy móc, và các phương tiện lao động khác, cũng do ông ta ứng trước;
  •  Hai là phần để bù lại số tiền lương mà nhà tư bản bỏ ra;
  •  Ba là số dư còn lại, tức là lợi nhuận của nhà tư bản.

 

 Trong khi phần 1 chỉ bù lại các giá trị đã có từ trước, thì rõ ràng là hai phần kia đều do cái giá trị mới, do lao động của công nhân tạo ra, và được thêm vào giá trị của nguyên liệu. Và theo ý nghĩa này, để so sánh chúng với nhau, ta có thể coi cả tiền lương và lợi nhuận là những phần trong sản phẩm do công nhân làm ra.

 

 Tiền lương thực tế có thể vẫn giữ nguyên, thậm chí là tăng, nhưng tiền lương tương đối lại giảm. Ví dụ, hãy giả định rằng giá của mọi tư liệu sinh hoạt đều giảm đi 2/3, còn tiền lương hàng ngày chỉ giảm đi 1/3, chẳng hạn từ 3 đồng xuống còn 2 đồng. Dù với 2 đồng bây giờ, công nhân có thể mua nhiều hàng hóa hơn so với 3 đồng trước kia, nhưng tiền lương của anh ta đã giảm xuống, trong mối tương quan với lợi nhuận của nhà tư bản. Lợi nhuận của nhà tư bản – ví dụ nhà công nghiệp – đã tăng thêm 1 đồng, tức là số giá trị trao đổi mà ông ta trả cho công nhân càng ít, thì công nhân càng phải làm ra nhiều giá trị trao đổi hơn trước. Phần của tư bản đã tăng lên so với phần của lao động. Sự phân phối của cải xã hội giữa tư bản và lao động càng trở nên không đồng đều. Với cùng một lượng tư bản, nhà tư bản thống trị được một lượng lao động lớn hơn. Quyền lợi của giai cấp các nhà tư bản với giai cấp công nhân đã tăng lên, địa vị xã hội của công nhân trở nên thấp kém hơn, bị đẩy xuống thêm một cấp so với nhà tư bản.

 

 Vậy thì quy luật chung nào quyết định sự tăng giảm của tiền lương và lợi nhuận, trong mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau?

 

 Chúng tỉ lệ nghịch với nhau. Phần của tư bản (lợi nhuận) tăng lên bao nhiêu, thì phần của lao động (tiền lương) giảm xuống bấy nhiêu, và ngược lại. Lợi nhuận tăng theo mức giảm của tiền lương, và giảm theo mức tăng của tiền lương.

 

 Người ta có thể cãi rằng: nhà tư bản kiếm lời được nhờ việc trao đổi sản phẩm của mình với người khác một cách có lợi, hay là lượng cầu cho hàng hóa của ông ta tăng lên (do tìm ra thị trường mới hoặc do nhu cầu ở thị trường cũ nhất thời tăng lên, v.v.); vì thế, lợi nhuận của nhà tư bản này có thể tăng lên do lợi dụng những kẻ khác, mà không phụ thuộc vào sự tăng giảm tiền lương, hay giá trị trao đổi của sức lao động; hoặc là nhà tư bản có thêm lợi nhuận vì cải tiến công cụ lao động, khai thác năng lượng tự nhiên theo phương pháp mới, v.v.

 

 Trước hết, phải thừa nhận rằng kết quả thì vẫn vậy, dù cách thức để đạt được kết quả thì ngược lại. Đúng là lợi nhuận đã tăng không phải vì tiền lương giảm, nhưng tiền lương đã giảm vì lợi nhuận tăng. Với cùng một lượng lao động của kẻ khác, nhà tư bản đã có được một lượng giá trị trao đổi lớn hơn, mà không phải trả thêm tiền cho lao động; tức là lao động được trả rẻ hơn so với thu nhập ròng mà nhà tư bản lấy về.

 

 Thêm nữa, phải nhớ rằng: dù có những dao động trong giá của các hàng hóa, thì giá trung bình của mỗi hàng hóa, cái tỉ lệ mà nó được trao đổi với các hàng hóa khác, vẫn được quy định bởi chi phí sản xuất ra nó. Những việc lừa dối và lợi dụng lẫn nhau giữa các nhà tư bản tất nhiên sẽ bù trừ cho nhau. Sự cải tiến máy móc, việc sử dụng năng lượng tự nhiên theo cách mới để phục vụ sản xuất, có thể giúp làm ra nhiều sản phẩm hơn trong một khoảng thời gian nhất định, với cùng một lượng lao động và tư bản; nhưng nó hoàn toàn không tạo ra một lượng giá trị trao đổi lớn hơn. Nếu nhờ việc dùng máy kéo sợi, trong một giờ tôi làm được lượng sợi nhiều gấp đôi trước kia, ví dụ 100 cân thay vì 50 cân; thì cuối cùng, khi trao đổi 100 cân sợi ấy, tôi cũng không nhận được nhiều hàng hóa hơn so với khi trao đổi 50 cân sợi trước đây; vì chi phí sản xuất đã giảm đi một nửa, hay là vì với cùng chi phí như vậy, tôi đã làm ra nhiều gấp đôi sản phẩm.

 

 Cuối cùng, dù giai cấp các nhà tư bản – trong một nước hay trên thị trường thế giới – có phân chia thu nhập ròng cho nhau theo tỉ lệ nào đi nữa, thì tổng số thu nhập ròng ấy vẫn chỉ là cái lượng mà lao động trực tiếp đã thêm vào lao động tích lũy. Thế nên tổng số ấy tăng lên theo cùng tỉ lệ với việc lao động làm tăng tư bản, tức là trùng với tỉ lệ tăng của lợi nhuận so với tiền lương.

 


*Chú thích:

[1] Phần này đăng trên số báo 266, ra ngày 7 tháng Tư. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 6 tháng Tư".

[2] Phần này đăng trên số báo 267, ra ngày 8 tháng Tư. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 7 tháng Tư".

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận