TOÀN CẦU HÓA ĐÃ ĐẾN HỒI KẾT?

Giám đốc điều hành của BlackRock, trong một tuyên bố vào tháng 5 năm 2022, đã nói rằng “Nga xâm lược Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta đã trải qua trong ba thập kỷ qua”. Chắc chắn anh ấy đã đúng ở một điểm. Những mâu thuẫn giữa các cường quốc, vốn âm ỉ trong một thời gian, đã được thổi bùng lên bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Những tiến triển này cần một lời giải thích, tuy nhiên các nhà bình luận tư sản chỉ biết than vãn cho số phận tương lai và sự thiển cận của các chính trị gia. Cái kiểu vò đầu bứt tai này chẳng mấy ý nghĩa. Người ta không thể hiểu thế giới theo ‘sự lựa chọn chính sách’ và các thuật ngữ vô ích tương tự. Thay vào đó, chúng ta phải cố gắng hiểu bối cảnh mà trong đó thương mại tự do (là nội dung thực sự của toàn cầu hóa) và chủ nghĩa bảo hộ phát triển. Toàn cầu hóa phải được hiểu là một quá trình do những điều kiện nhất định mang lại; những điều mà giờ đây đã không còn nữa.



Thương mại quốc tế đã biến đổi thế giới như thế nào

Hãy quay trở lại đầu những năm 2000, thời điểm mà toàn cầu hóa và thương mại tự do còn đang là mốt. Dù bạn theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ, tất cả đều rạp mình trước bàn thờ của Adam Smith. Sự giàu có của các quốc gia được coi là điều sâu sắc nhất từng được viết.

Có lý do nhất định cho sự ngưỡng mộ của họ đối với thương mại tự do. Thương mại thế giới đã biến đổi thế giới và, theo hướng tốt đẹp hơn. Lực lượng sản xuất đã phá vỡ giới hạn của nhà nước dân tộc. Thế giới đã trở nên kết nối với nhau theo cách chưa từng có trước đây. Chuỗi cung ứng đã kết nối các quốc gia, ngành công nghiệp và người lao động trên toàn thế giới.

Với sự tăng trưởng của thương mại thế giới, năng suất cũng tăng lên. Các ngành công nghiệp ở những nền kinh tế tiên tiến sản xuất hàng hóa ngày càng tiên tiến, và ngay cả ở các nước thuộc địa cũ cũng bắt đầu phát triển các cơ sở công nghiệp quan trọng, tất nhiên, đặc biệt là ở Trung Quốc, một quốc gia mà chúng ta sẽ quay lại sau.

Thương mại thế giới làm giảm giá nguyên liệu thô bằng cách chuyển hoạt động sản xuất hoặc khai thác sang những nơi mà chúng dễ tiếp cận nhất, như Adam Smith đã dự đoán. Tại sao không khai thác quặng sắt ở vùng hẻo lánh của Australia với giá 30 USD/tấn, thay cho ở Trung Quốc với giá 90 USD/tấn?

Tương tự như vậy, chỉ có sự kết hợp của tất cả các nguồn lực trên thế giới mới có thể tạo ra công nghệ hiện đại. Lấy coban chẳng hạn. Một nửa trữ lượng được tìm thấy và sản xuất của thế giới nằm ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Một phần ba lượng niken của thế giới được sản xuất tại Indonesia và một nửa lượng lithium của thế giới được sản xuất tại Úc. Những vật liệu này đều là những thành phần thiết yếu của pin lithium.

Hơn nữa, bằng cách tập trung sản xuất tại các nhà máy khổng lồ phục vụ thị trường thế giới, hiệu quả kinh tế có thể đạt được nhờ quy mô lớn. Chẳng hạn, dây chuyền lắp ráp iPhone của Foxconn ở Thâm Quyến có khả năng xuất ra 100.000 chiếc iPhone mỗi ngày. Điều này khác xa so với những năm đầu của chủ nghĩa tư bản, khi hoạt động sản xuất được thực hiện bởi những người công nhân dệt vải thủ công, không được cung cấp năng lượng gì khác ngoài cơ bắp và kỹ năng của mỗi công nhân.

Chỉ trong 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã hoàn toàn biến đổi. Số lượng lao động tham gia vào lĩnh vực sơ cấp (khai thác mỏ, nông nghiệp, v.v.) đã giảm từ 60% xuống 34%, trong khi tỷ lệ lao động công nghiệp tăng từ 20 lên 34%, điều đó có nghĩa là giờ đây Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có tỷ trọng công nhân công nghiệp cao nhất trên thế giới. Từ năm 1991 đến 2019, giá trị gia tăng trên mỗi công nhân công nghiệp trong ngành công nghiệp Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần tính theo dollar Mỹ, mặc dù nó mới chỉ bằng 1/5 giá trị do công nhân Hoa Kỳ tạo ra.

Sự phân công lao động trên toàn thế giới đã tăng mạnh năng suất lao động và tạo khả năng sản xuất hàng hóa giá rẻ, bao gồm cả việc cung cấp điện thoại di động trên toàn thế giới. Ngay cả ở một nước nghèo như Ấn Độ, ngày nay có 84 thuê bao điện thoại di động trên 100 người (tăng từ 1 thuê bao vào năm 2001). Sự cải thiện lớn về năng suất trong ngành này cũng đã cho phép ngày càng có nhiều người dân dành thời gian làm việc của họ cho lĩnh vực dịch vụ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cũng như du lịch và khách sạn.

Toàn bộ thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai chứng kiến ​​sự mở rộng mạnh mẽ của thương mại thế giới, bắt đầu từ những năm 1950 – 1960, và vẫn tiếp tục tăng mạnh sau đó. Năm 1970, tỷ lệ thương mại thế giới trên GDP thế giới là 13% – nói cách khác, khoảng 1/8 tổng số hàng hóa và dịch vụ được sản xuất là để xuất khẩu. Đến năm 1980, con số này đã lên tới 21%. Trong những năm 1990, có một đợt tăng trưởng khác lên tới 24% và đến năm 2008 đạt 31%.

Sự phát triển chính trị theo sau cùng với sự phát triển kinh tế. Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) được ký kết vào năm 1947 bởi 20 quốc gia. Tiếp theo đó là nhiều thỏa thuận khác giữa các bên ký kết trong suốt những năm 1950 và 1960, cũng như sự gia tăng số lượng các bên ký kết, từ 20 vào năm 1949 lên 37 năm 1959, và đến năm 1968 đã lên 75. Vào thời điểm Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ) được thành lập năm 1994, GATT đã có 128 bên ký kết.

Bản thân WTO đã bao gồm một hiệp định thương mại toàn diện hơn bao gồm cả dịch vụ; cơ chế giải quyết tranh chấp; các hiệp định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, v.v… Trung bình chung, thuế quan thương mại đã giảm từ 22% năm 1947 xuống còn 5% vào thời điểm thành lập WTO.

Điều này có thể thực hiện được nhờ sự mở rộng ồ ạt của nền kinh tế thế giới diễn ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nghĩa là ngay cả khi bạn phải nhượng lại một số cứ địa cho đối thủ cạnh tranh hoặc đóng cửa một số ngành của mình, thì sự gia tăng tổng thể của thị trường thế giới sẽ để lại cho bạn điều còn tốt đẹp hơn một cách đáng kể. Trong giai đoạn này, động lực của thương mại tự do thực sự hoạt động theo cách mà Adam Smith và David Ricardo (người đã phát triển các ý tưởng của Smith) đề xuất. Sự thống trị sau bức màn của Hoa Kỳ đối với thế giới tư bản đã thúc đẩy một chương trình nghị sự thương mại tự do cho những người tham gia miễn cưỡng, khiến toàn bộ quá trình trở nên suôn sẻ.

Vào những năm 1990, Khuynh hướng Mác xít Quốc tế (IMT) đã đưa ra một tài liệu giải thích về quá trình này như sau:

“Việc chúng ta bước vào một tình huống hoàn toàn mới trên quy mô thế giới được thể hiện qua vai trò thay đổi của thương mại thế giới. Sự phát triển ồ ạt của thương mại thế giới trong giai đoạn 1948 – 73 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thế giới sau chiến tranh. Điều này đã cho phép chủ nghĩa tư bản vượt qua – một phần và trong một thời gian tạm thời – những rào cản chính đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất: nhà nước dân tộc và sở hữu tư nhân.” (Một giai đoạn mới trong cuộc cách mạng thế giới)

Đây là cái được gọi là toàn cầu hóa, tức là sự mở rộng ồ ạt của thị trường thế giới để khắc phục những hạn chế của thị trường quốc gia. Nói cách khác: giới hạn của quốc gia.

Nhà nước dân tộc

Đây là thời điểm cần thiết để xem xét vai trò như thế nào của nhà nước dân tộc đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện trong bối cảnh lịch sử thế giới, nó đã vượt qua những hạn chế của khu vực, phong kiến để tạo ra một thị trường quốc gia. Những đặc thù của thị trường bị cô lập loanh quanh phố thị và khu vực thủ đô đã được khắc phục, giá cả được thiết lập thông qua cạnh tranh trên quy mô quốc gia giữa nông dân và các công ty. Thị trường quốc gia này là chìa khóa cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong những thế kỷ đầu tiên nó tồn tại.

Nhưng khi chủ nghĩa tư bản phát triển lực lượng sản xuất, cạnh tranh nhường chỗ cho độc quyền. Khung cửi thủ công nhường chỗ cho khung cửi điện, và ‘rào cản gia nhập’, theo cách gọi của các nhà kinh tế học, trở nên lớn hơn. Để bắt đầu một xưởng dệt, giờ đây bạn không chỉ cần một xưởng và một số khung dệt thủ công, mà còn cần một nhà máy, động cơ hơi nước và khung dệt chạy bằng điện. Sự phát triển của lực lượng sản xuất, tức là sự phát triển của công nghệ mới và ứng dụng của nó vào sản xuất, hầu như luôn dẫn đến độc quyền lớn hơn, tức là tập trung nhiều tư bản hơn vào tay ít nhà tư bản hơn.

Một khi các công ty độc quyền đã chiếm lĩnh và làm cạn kiệt thị trường trong nước, họ buộc phải tìm kiếm các đầu ra khác cho sản phẩm của mình. Điều này dẫn đến sự mở rộng to lớn của thị trường thế giới và thương mại thế giới. Tuy nhiên, ở một điểm nào đó điều này cũng không còn đủ. Các công ty độc quyền cũng cần tìm các đại lý mới cho lợi nhuận mà họ đã tích lũy. Tư bản tìm kiếm các khoản đầu tư sinh lời mới, thứ đã không còn sẵn có trên thị trường nội địa. Đây là thời điểm bắt đầu cho xuất khẩu tư bản.

Tư bản được xuất khẩu bằng các phương tiện tư bản tài chính (ngân hàng, công ty bảo hiểm…) tiến tới chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới. Đây là thế giới mà Lênin đã mô tả trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc: Giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản. Đây cũng là thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay, mặc dù ở một cấp độ thậm chí còn cao hơn.

Lênin giải thích rằng, biên giới quốc gia chật hẹp, có giới hạn bao trùm lực lượng sản xuất, mà mỗi quốc gia tư bản buộc phải cố gắng vượt qua. Do đó, khi mà lực lượng sản xuất phát triển trong suốt thế kỷ 20 thì thương mại thế giới phát triển thậm chí còn nhanh hơn rất nhiều.

Hậu quả thật khủng khiếp:

“Việc tăng cường phân công lao động quốc tế, hạ thấp hàng rào thuế quan và tăng trưởng thương mại, đặc biệt là giữa các nước tư bản tiên tiến đã đóng vai trò như một tác nhân kích thích to lớn đối với nền kinh tế của các nhà nước dân tộc. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự chia cắt của nền kinh tế thế giới trong thời kỳ giữa hai cuộc Chiến tranh, khi chủ nghĩa bảo hộ và phá giá đồng tiền mang tính cạnh tranh đã góp phần biến sự suy thoái thành một cuộc suy thoái toàn cầu.” (Một giai đoạn mới trong cuộc cách mạng thế giới)

Hơn nữa, sự đi lên của thời kỳ sau chiến tranh vừa là nguyên nhân lại vừa là kết quả của sự phát triển thương mại thế giới:

“Điều này cho phép chủ nghĩa tư bản—một phần và trong một thời gian tạm thời—vượt qua các rào cản chính đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất: nhà nước dân tộc và sở hữu tư nhân.” ( Một giai đoạn mới trong cuộc cách mạng thế giới)

Chủ nghĩa bảo hộ

Tất nhiên, chủ nghĩa bảo hộ, đối cực của thương mại tự do, cũng đã tồn tại trong suốt lịch sử của chủ nghĩa tư bản và vì những lý do rất chính đáng.

Vào giữa thế kỷ XIX, các ngành công nghiệp của Anh thống trị thị trường thế giới. Sử dụng hàng hóa giá rẻ, họ đã chinh phục thế giới. Đây là kỷ nguyên thương mại tự do của Anh. Nó được phản ánh trong sự thống trị của Whigs trong Quốc hội Anh, và sự bãi bỏ thuế quan đối với ngũ cốc, được gọi là Luật ngô. Nhờ điều đó mà thức ăn cho tầng lớp lao động đã được giảm giá, tạo điều kiện cho các ông chủ duy trì mức lương thấp.

Tuy nhiên, sự thống trị của công nghiệp Anh đã đặt ra một vấn đề cho các quốc gia khác có nền công nghiệp kém phát triển hơn nó nhiều. Họ cần một số phương tiện để bảo vệ ngành công nghiệp của họ khỏi sự cạnh tranh của Anh. Như Engels đã nói, những quốc gia này “không thấy vẻ đẹp nào trong một hệ thống mà theo đó những lợi thế công nghiệp tạm thời mà nước Anh sở hữu sẽ được biến thành phương tiện để đảm bảo cho nước này độc quyền sản xuất trên toàn thế giới mãi mãi.” (Engels, “Hiệp ước Thương mại Pháp”, 1881)

Ví dụ, ở Thụy Điển, họ đã đưa ra một hệ thống hạn chế xuất khẩu. Các ngành công nghiệp của Anh đang thu hút lượng nguyên liệu thô ngày càng tăng. Nhưng việc cung cấp cho Anh gỗ tròn, quặng sắt và các khoáng chất khác chưa qua chế biến sẽ giúp ích rất ít cho việc phát triển các ngành công nghiệp của Thụy Điển. Do đó, các hạn chế đã được đưa ra đối với việc xuất khẩu gang, quặng sắt và gỗ tròn để đảm bảo rằng quá trình chế biến diễn ra ở Thụy Điển. Khi ngành kim loại và gỗ của Thụy Điển bắt kịp, các hạn chế đã được dỡ bỏ và Thụy Điển đã tham gia một hiệp định thương mại tự do với cả Anh và Pháp.

Tương tự như vậy, Phe liên minh trong Nội chiến Hoa Kỳ sản xuất bông là những người ủng hộ thương mại tự do. Họ muốn hạ thấp hơn nữa các rào cản để xuất khẩu bông thô sang Anh. Trong khi đó, miền bắc công nghiệp lại ủng hộ thuế quan bảo hộ để bảo vệ các ngành công nghiệp của mình khỏi các đối thủ người Anh của họ. Do đó, chế độ nô lệ có mối liên hệ mật thiết với tình trạng lạc hậu về kinh tế và tự do thương mại. Một lần nữa, một khi Hoa Kỳ đã phát triển các ngành công nghiệp của mình, giai cấp tư sản của nó lại trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho thương mại tự do.

Tuy nhiên, sự phát triển hướng tới thương mại tự do này không chỉ diễn ra theo một hướng. Vào cuối thế kỷ 19, các ngành công nghiệp của Anh phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở nước ngoài, đặc biệt là từ Đức và Mỹ. Điều này bắt đầu gây ra một sự thay đổi ở Anh. Đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền và bắt đầu thúc đẩy chương trình nghị sự ngày càng mang tính bảo hộ. Cái được gọi là ‘ưu tiên đế quốc’ đã trở thành một phương tiện để áp đặt chủ nghĩa bảo hộ. Điều này dẫn đến việc các thuộc địa của Anh ban hành chế độ ưu đãi đối với thương mại bên trong Đế quốc Anh. Chính sách này đặc biệt nhắm vào Mỹ và Đức.

Chính sách này trùng hợp với việc chuyển sang đánh chiếm các thuộc địa. Lênin đã giải thích quá trình này trong Chủ nghĩa đế quốc. Sự cạnh tranh giữa các công ty độc quyền biến thành sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Cho đến năm 1900, thế giới đã được phân chia giữa các nước đế quốc, và do đó, bất kỳ sự bành trướng nào nữa của một đế quốc chỉ có thể gây ra thiệt hại cho các quốc gia đế quốc khác. Mâu thuẫn ngày càng tăng giữa các cường quốc tư bản – cuộc chiến giành thị trường hàng hóa và đầu tư – đang dẫn đến căng thẳng gia tăng trong quan hệ quốc tế.

Vì Đức có tỷ lệ thuộc địa nhỏ hơn nên các ngành công nghiệp của nước này phải căng thẳng trước những hạn chế do thiếu thốn thuộc địa và khả năng tiếp cận các thuộc địa của các quốc gia khác. Nhu cầu của giai cấp tư sản Đức do đó là đòi hỏi phân chia lại thế giới, cân xứng với sự phát triển kinh tế mới của nước Đức. Khi sự bùng nổ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 kết thúc, những mâu thuẫn đã bùng phát thành chiến tranh thế giới.

Do đó, có mối liên hệ chặt chẽ giữa khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ, khủng hoảng trong quan hệ quốc tế và chiến tranh. Chúng ta nên nhớ, như Clausewitz đã chỉ ra, rằng chiến tranh là chính trị theo những cách khác. Và, như Lênin đã nói, bản thân chính trị chỉ là kinh tế trong sự cô đọng.

Chiến tranh thế giới thứ nhất không giải quyết được mâu thuẫn nào trong nền kinh tế thế giới. Nó chỉ làm chúng thêm căng thẳng, và sau chiến tranh, chủ nghĩa bảo hộ đã thực sự bùng nổ. Anh đưa ra ‘Ưu tiên Đế quốc’ vào năm 1932-1933, chính sách ở các thuộc địa được đưa ra sao cho phù hợp với chính quốc. Năm 1933, Tổng thống Hoover đưa ra Đạo luật Mua hàng Mỹ buộc các nhà thầu của chính phủ phải sử dụng các sản phẩm do Mỹ sản xuất. Các chính sách tương tự đã được ban hành trên toàn thế giới, góp phần gây ra sự sụp đổ nghiêm trọng trong thương mại thế giới, khoảng 30% trong ba năm sau cuộc khủng hoảng năm 1929.

Adam Smith cho rằng các quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ đang “ăn mày tất cả các láng giềng”, tức là biến các nước láng giềng thành những kẻ khốn cùng, từ đây mà một cụm từ đã ra đời, “ăn mày hàng xóm” (beggar-thy-neighbour). Smith đang mô tả những nỗ lực để giải quyết suy thoái và thất nghiệp bằng cách xuất khẩu nó, bằng cách chuyển tiêu dùng sang hàng hóa sản xuất trong nước. Tất nhiên, trong thời kỳ suy thoái và đặc biệt là đình trệ, những mâu thuẫn này càng trở nên trầm trọng hơn khi các thị trường bị thu hẹp lại tạo ra nhiều nhà máy nhàn rỗi hơn.

Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng

Cuộc khủng hoảng 2007-2008 đã thực sự đặt dấu chấm hết cho việc mở rộng hơn nữa tự do thương mại. Vòng đàm phán Doha do WTO dẫn đầu gặp những khó khăn nhất định, nhưng kết thúc nó là cuộc khủng hoảng. Các cuộc đàm phán nhằm giải quyết vấn đề trợ cấp nông nghiệp ở châu Âu và Hoa Kỳ. Sau sự sụp đổ của các cuộc đàm phán, chỉ có những nỗ lực nửa vời được thực hiện để gia hạn chúng. Thay vào đó, bắt đầu một quá trình đẩy lùi thương mại thế giới.

Mọi người thường cho là Trump đã mang lại chủ nghĩa bảo hộ, tuy nhiên, ông ta chỉ là một bước hợp lý tiếp theo. Chính Obama đưa ra khẩu hiệu “Mua hàng Mỹ!” vào năm 2009. Đạo luật Mua hàng Mỹ vẫn có hiệu lực kể từ năm 1933, nhưng đã bị giảm bớt đáng kể bởi các hiệp định khác nhau như GATT, NAFTA và Hiệp định Mua sắm Chính phủ. Obama đã tăng cường nó trong Đạo luật Phục hồi năm 2009 của mình và có thể đã tiến xa hơn trong Đạo luật Việc làm năm 2011 nếu như không có đảng Cộng hòa ngăn chặn nó. Cả hai hành vi đều bị EU và Canada chỉ trích nặng nề vì làm suy yếu thương mại tự do.

Tất nhiên, Trump đã đưa ra một loạt các biện pháp bảo hộ, đặc biệt là đối với thép, nhưng ông vẫn bị hạn chế bởi các điều khoản của WTO. Biden đã rút lại một số biện pháp này, đặc biệt là đối với Châu Âu, Nhật Bản và Canada. Tuy nhiên, thay vì từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ, ông đã hứa sẽ cố gắng ‘hiện đại hóa’ các quy tắc của WTO, mà theo đó có nghĩa là giảm bớt chúng để tạo cho Mỹ nhiều phạm vi hơn cho các biện pháp bảo hộ. EU, vì những lý do rõ ràng, không hào hứng với đề xuất này.

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Biden nối tiếp tiền lệ do Obama đặt ra. Để đủ điều kiện nhận trợ cấp mua ô tô điện, bạn phải mua ô tô ‘Made in America’. Tương tự, các khoản đầu tư vào Năng lượng Xanh cần tuân thủ các điều kiện của Đạo luật Mua hàng Mỹ, tức là họ cần tìm nguồn nguyên liệu thô từ Mỹ. Điều này đã thực sự thổi bùng căng thẳng giữa Mỹ và EU, những bên cho rằng Mỹ đang phân biệt đối xử với các “đồng minh” của mình. Macron đã kêu gọi hẳn một “Đạo luật mua hàng châu Âu”, còn người Đức mặc dù đã thực hiện một cách tiếp cận ít đối đầu hơn nhưng họ vẫn gây áp lực buộc Mỹ phải nhượng bộ.

Thủ tướng Đức Scholtz, với phong cách ngoại giao dè dặt điển hình của mình, đã viết trên tạp chí Foreign Affairs:

“Tôi tin rằng những gì chúng ta đang chứng kiến ​​là sự kết thúc của một giai đoạn toàn cầu hóa đặc biệt, một sự thay đổi lịch sử được thúc đẩy bởi, nhưng không hoàn toàn là kết quả của những cú sốc bên ngoài như đại dịch COVID-19 và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.”

Nói cách khác, toàn cầu hóa như chúng ta biết đã kết thúc và sẽ không quay trở lại, chính xác là vì nó không chỉ là kết quả của cuộc chiến ở Ukraine hay đại dịch.

Bên cạnh các lực lượng kinh tế thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ, còn có các yếu tố chính trị liên quan đến tác động từ cuộc khủng hoảng đối với người lao động ở các nền kinh tế tiên tiến. Áp lực thất nghiệp, các cuộc tấn công vào tiền lương và các điều kiện, v.v. đã tạo ra sự bất mãn lớn trong công nhân.

Các đảng tư sản truyền thống thấy mình không có gì để cung cấp ngoại trừ nhiều cuộc tấn công và thắt lưng buộc bụng hơn nữa. Cách duy nhất trong nỗ lực tìm được một chỗ đứng trong tình huống này là chuyển sang cánh hữu và hướng tới chủ nghĩa dân tộc, bao gồm cả chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Việc vẫy cờ hoa, tình cảm chống nhập cư và chủ nghĩa bảo hộ đi đôi với nhau và là cách duy nhất mà giai cấp tư sản có thể bằng cách nào đó tập hợp lại với nhau trên một cơ sở bầu cử.

Trump là ví dụ rõ ràng nhất cho điều này. Anh ấy nói về việc khôi phục vị trí của “tầng lớp lao động Mỹ” bằng cách hạn chế nhập cư và ngoại thương – một sự kết hợp của các chính sách ‘ăn mày’; giữ ngành công nghiệp ở nhà; và ngăn chặn quần chúng ở nước ngoài, những người bị bần cùng hóa bởi các cuộc chiến tranh đế quốc và cướp bóc kinh tế. Ít nhất đây là những gì anh ấy đã cố gắng để đạt được.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Một áp lực khác là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là một ích lợi to lớn cho nền kinh tế thế giới. Việc mở cửa các nền kinh tế ra thị trường thế giới – ở Đông Âu, đặc biệt là ở Trung Quốc – là một trong những yếu tố chính kéo dài thời kỳ bùng nổ sang những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Sự phát triển công nghiệp mà chúng ta chứng kiến ​​trên quy mô thế giới trong 30 năm qua phần lớn diễn ra ở Trung Quốc, quốc gia đã nổi lên như một cường quốc mới của thế giới. Kể từ giữa những năm 1990, năng suất lao động của Trung Quốc đã tăng từ 7 đến 10% mỗi năm.

Sau những bước đầu ca ngợi thành công kinh tế của Trung Quốc và dựa vào quốc gia này để phục hồi sau vụ sụp đổ năm 2008, Mỹ và EU bắt đầu lo ngại về sự tăng trưởng của Trung Quốc. Họ bắt đầu nhận thấy các công ty Trung Quốc quan tâm nghiêm túc đến mức nào những bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ. Điều này bao gồm từ lĩnh vực nông nghiệp cho đến điện tử. Các công ty Trung Quốc như Lenovo, Geely và Huawei cũng đang mua lại các công ty và thị phần ở phương Tây. Và thế là các cường quốc phương Tây bắt đầu lo lắng.

Ngay dưới nhiệm kỳ tổng thống của Obama đã có cuộc thảo luận về ‘Xoay trục sang châu Á’, nhưng sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch ‘Made in China 2025’ vào năm 2015, số lượng đã chuyển thành chất lượng. Trung Quốc trở thành một mối lo ngại nghiêm trọng và trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, Hoa Kỳ đã bắt đầu nỗ lực nghiêm túc để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

‘Made in China 2025’ là một thông báo với thế giới rằng Trung Quốc không còn hài lòng với việc chỉ sản xuất đồ nội thất, quần áo, và lắp ráp đồ điện tử. Nó muốn cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Trung Quốc có dân số đông và giá trị tổng sản lượng của nền kinh tế nước này hiện đang tiệm cận với Mỹ. Việc hiện đại hóa các ngành công nghiệp Trung Quốc đã biến nó thành một trong những quốc gia công nghiệp lớn nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn thua xa các nước kia. IMF ước tính rằng năng suất lao động trung bình trong ngành công nghiệp của nó là 35 phần trăm của các thông lệ tốt nhất toàn cầu.

Chỉ ở những khu vực tiên tiến nhất, như các thành phố quanh Cửa sông Châu Giang, Thượng Hải hoặc Bắc Kinh, bạn mới có GDP bình quân đầu người tương đương với Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. Trung Quốc chưa ngang tầm với các nước đế quốc tiên tiến như Đức, Nhật Bản hay Mỹ, nhưng họ đang nuôi tham vọng để trở thành như vậy.

Hoa Kỳ hiện đang tận dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao của mình để ngăn chặn các quốc gia xuất khẩu linh kiện quan trọng sang Trung Quốc và mua các công nghệ như 5G từ Huawei. Nó cũng tự đặt cho mình nhiệm vụ ‘giải phóng’ chuỗi cung ứng của bản thân và của các đồng minh khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều đồng minh của Mỹ vẫn không bị thuyết phục bởi cách tiếp cận này. Thật vậy, Scholtz, trái với mong muốn của Mỹ, đã quyết định thực hiện chuyến thăm đến Trung Quốc để gặp Tập Cận Bình. Ông quyết tâm giải quyết các tranh chấp của Đức với Trung Quốc một cách độc lập với Mỹ. Macron có cách tiếp cận rất giống và thông cáo về ‘thỏa thuận’ sau cuộc gặp gần đây với Biden, đáng chú ý là không đề cập đến Trung Quốc.

Các cường quốc nhỏ hơn của EU không hài lòng với cách Mỹ giải quyết xung đột với Nga: vung vũ khí để thực hiện các biện pháp có tác động hạn chế đến nền kinh tế Mỹ nhưng lại gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là của Đức. Một quan chức cấp cao giấu tên của EU gọi đây là “thời điểm lịch sử” trong mối quan hệ EU-Mỹ (Châu Âu cáo buộc Mỹ trục lợi từ chiến tranh – POLITICO). Các cường quốc châu Âu không nhìn thấy đâu là sức hấp dẫn trong một cuộc chiến thương mại khác mà trong đó họ phải tuân theo mệnh lệnh của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng thực hiện hành động đơn phương, và họ đã và đang tiếp tục làm như vậy. Nó đang áp đặt luật mới, không chỉ đối với các công ty Hoa Kỳ mà đối với bất kỳ công ty nào trên thế giới. Lệnh cấm xuất khẩu máy móc sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc gần đây là một ví dụ như vậy. Tương tự, trong cuộc phong tỏa chống lại Cuba, Hoa Kỳ đã đơn phương yêu cầu các công ty ở Châu Âu, Đài Loan, v.v. tuân thủ, nếu không sẽ có nguy cơ bị trừng phạt.

Nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới là một công ty Đài Loan có tên là TSMC. Bây giờ nó phải xin phép chính phủ Hoa Kỳ để nhập khẩu máy móc cho các nhà máy của nó ở Trung Quốc. Nhà sản xuất máy móc lớn nhất là ASML, một công ty của Hà Lan. Chính phủ Hà Lan hiện đang thảo luận với Hoa Kỳ về những rào cản bổ sung nào sẽ áp đặt đối với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Về cơ bản, Mỹ đang áp đặt các phương pháp ‘cạnh tranh’ với Trung Quốc lên các đồng minh của mình.

Hoa Kỳ vẫn siêu cường thế giới, và giống như hạm đội Anh vào năm 1914 đã có chính sách duy trì năng lực hải quân lớn hơn hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất cộng lại, vì vậy Hoa Kỳ đang chi tiêu cho quân đội nhiều bằng mười quốc gia tiếp theo cộng lại, hay gấp 2,7 lần Trung Quốc đứng thứ hai. Trong quá khứ, sức mạnh này được sử dụng để duy trì thương mại tự do. Nhưng ngày càng nhiều, nó đang được sử dụng cho mục đích ngược lại.

Bước ngoặt này ở Mỹ có ý nghĩa quan trọng. Không giống như trong quá khứ, sức mạnh của nó không còn được sử dụng để bảo vệ lợi ích chung của giai cấp tư bản trong nỗ lực chống lại Liên Xô hoặc cách mạng thế giới, mà là lợi ích hẹp hòi của chính nó trước các cường quốc lớn khác. Do đó, nước này đã đảm nhận vai trò của một cường quốc đang suy tàn, cố gắng tự bảo vệ mình khỏi sự cạnh tranh, giống như nước Anh vào cuối thế kỷ 19.

Tuy nhiên, sẽ là hoàn toàn sai lầm nếu chỉ nhìn nhận chủ nghĩa bảo hộ từ góc độ của Hoa Kỳ. Liên minh châu Âu cũng quan tâm đến việc chống lại sự cạnh tranh của Trung Quốc. Họ có “Đạo luật Chips” của riêng mình, nỗ lực của riêng họ để đảm bảo an toàn cho các nhà máy sản xuất pin lithium, v.v. Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế các sáng kiến ​​bảo hộ mới, nhưng có rất nhiều lời phàn nàn về các biện pháp không chính thức được thực hiện nhằm gây khó khăn cho các công ty phương Tây đang hoạt động tại Trung Quốc.

Tất cả những xung đột này đang tăng cường dưới áp lực của các sự kiện. Điều này sẽ có hậu quả lớn. Tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tránh Nga và Trung Quốc sẽ rất tốn kém. Nỗ lực chuyển sản xuất vi mạch rõ ràng có nghĩa là đầu tư vào các hệ thống in thạch bản trị giá 300 tỷ Dollar từ TSMC, Intel và Samsung. Theo ASML, TSMC đã công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ Dollar. Sau khi được thành lập, các nhà máy mới này sẽ phải được bảo vệ trước sự cạnh tranh của nước ngoài bằng thuế quan và các biện pháp khác. Thực tế là tất cả chúng đều có khả năng vượt quá nhu cầu của thị trường thế giới đối với chất bán dẫn, dẫn đến hậu quả về giá cả, khiến điều này trở nên đặc biệt đúng. Do đó, chủ nghĩa bảo hộ lại nuôi dưỡng chủ nghĩa bảo hộ.

Điều này sẽ có hậu quả lâu dài đối với các mức đầu tư. IMF ước tính rằng mỗi điểm cắt giảm thuế quan sẽ dẫn đến đầu tư tăng 0,4 điểm do máy móc rẻ đi. Bây giờ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sẽ dẫn đến máy móc đắt tiền hơn và do đó đầu tư ít hơn.

Trong cuộc tranh giành này, thương mại thế giới sẽ không dừng lại. Làm thế nào nó có thể? Nhưng nó sẽ trở nên đắt hơn, đồng nghĩa với việc hàng hóa đắt hơn, tức là lạm phát nhiều hơn. Sau đó, điều này sẽ phải được giải quyết bằng cách tăng lãi suất để cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế, nhưng bản thân điều đó cũng sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế.

Tại sao họ làm điều đó, người ta có thể hỏi? Chắc chắn báo chí tự do đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Tuy nhiên, không khó để tìm ra lý do. Thứ nhất, chính xác là các chính sách thương mại tự do đã đưa chúng ta đến điểm này. Thương mại tự do vừa trì hoãn vừa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Cả thương mại tự do lẫn chủ nghĩa bảo hộ đều không thể giải quyết những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản.

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế ngày càng khắc nghiệt, các chính phủ đang cố gắng tìm ra một số cách để ổn định hệ thống chính trị và đảm bảo rằng các công ty độc quyền chính duy trì hoặc giành được lợi thế cạnh tranh. Họ cố gắng câu giờ cho bản thân, để nếu như những cơn chấn động cách mạng sẽ làm sụp đổ một chế độ thì họ vẫn có thể đảm bảo rằng đó sẽ không phải là chế độ của chính họ. Tuy nhiên, bởi vì tất cả họ đều hành động theo cùng một cách, họ phá hủy kết cấu của nền kinh tế thế giới, hay nói rộng ra, của toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Những người theo chủ nghĩa Mác đứng ở đâu?

Thị trường, hay ‘bàn tay vô hình’, đã đóng một vai trò tiến bộ trong lịch sử, nhưng rõ ràng là nó không còn có thể làm như vậy nữa. Đối với chúng tôi, vấn đề không phải là hỗ trợ thương mại tự do chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Vai trò của chúng ta không phải là cố gắng quay ngược đồng hồ về năm 2006 hay thậm chí là năm 1967. Toàn bộ cuộc khủng hoảng cho thấy chủ nghĩa tư bản không có khả năng đưa nhân loại tiến lên, và trong sự suy tàn già cỗi của mình, chủ nghĩa tư bản đang phá hủy nhiều thành quả mà nó đã đạt được trong quá khứ.

Nó đang phá hủy chuỗi cung ứng, nó đang phá hủy hệ thống quan hệ quốc tế, nó đang đưa chúng ta trở lại với chiến tranh, chủ nghĩa quân phiệt và tất cả những lãng phí liên quan đến tài nguyên kinh tế và đời sống con người. Vai trò của chúng ta là giải thích tại sao điều này lại xảy ra và không bên nào giải quyết được vấn đề bằng biện pháp của mình.

Chúng ta phải hiểu rằng chủ nghĩa bảo hộ là một ngõ cụt. Toàn bộ sự phát triển của 80 năm qua cho thấy “chủ nghĩa xã hội trong một nước” là  một điều không tưởng hoàn toàn phản động. Chúng ta là một thế giới kết nối với nhau và chúng ta có những lợi thế to lớn trong việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và tài nguyên. Chủ nghĩa xã hội sẽ được xây dựng trên nền tảng của thương mại và chủ nghĩa quốc tế, chứ không phải bằng cách buộc các lực lượng sản xuất khoác trên mình cái áo nhà nước dân tộc.

Thương mại tự do và tự do hóa không còn có thể đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa, trong khi việc chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi là những người xã hội chủ nghĩa, những người theo chủ nghĩa Mác và những nhà cách mạng. Chúng ta thấy trong sự sụp đổ toàn cầu hóa này chỉ là một giai đoạn khác trong cuộc khủng hoảng của toàn bộ hệ thống. Chúng ta thấy những lợi ích to lớn của thương mại thế giới, nhưng con đường này hiện đã kết thúc. Chỉ trên cơ sở giai cấp công nhân nắm quyền, chúng ta mới có thể thiết lập lại thương mại thế giới và quan hệ thế giới trên cơ sở lành mạnh. Chúng ta sẽ chuẩn bị con đường cho một bước nhảy vọt về phía trước.


Niklas Albin Svensson, Xu hướng Marxist Quốc tế, 06 Tháng một 2023

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận