CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO ĐÃ BÓP MÉO QUYỀN CON NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

Các đấng sinh thành của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) đều biết rằng họ cần phải gán một triết lý đầy những lý tưởng cao quý cho hệ thống thị trường tự do tàn ác mà họ hằng mong muốn truyền bá khắp thế giới. Và họ đã tìm thấy giải pháp bằng cách bóp méo lý tưởng về quyền con người.
Vào năm 1947, hai sự kiện tưởng chừng như không liên quan diễn ra. Vào năm này, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được dự thảo. Cùng năm đó, Hiệp hội Mont Pelerin được sáng lập, trong đó thành viên sáng lập bao gồm những nhà lý luận tiên phong của chủ nghĩa Tân Tự do, Friedrich Hayek và Milton Friedman.
Trong tác phẩm của mình, Đạo lý của Thị trường: Nhân quyền và sự Trỗi dậy của chủ nghĩa Tân Tự do (The Morals of the Market: Human Rights and the Rise of Neoliberalism), nhà lý luận chính trị Jessica Whyte điều tra mối quan hệ lịch sử và nhận thức giữa nhân quyền và chủ nghĩa tân tự do. Đối mặt với những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai, các đại biểu tại Liên Hiệp Quốc đã cùng nhau xây dựng một danh sách các quyền con người phổ biến. Cùng lúc đó, một nỗ lực do Friedrich Hayek đứng đầu được tiến hành nhằm vực dậy chủ nghĩa Tự do (liberalism) quốc tế, cũng là cùng trên danh nghĩa nhằm bảo vệ quyền tự do và phẩm giá con người đang bị đe dọa. Tuy nhiên, các đại biểu Liên hiệp quốc và phái Tân tự do mới chớm bất đồng về giải pháp chính xác cho những khủng hoảng xã hội đang gây nhức nhối thế giới thời hậu chiến. Một bên thì nỗ lực xây dựng trật tự hậu chiến dựa trên một hàng dài những quyền lợi và chính sách kinh tế xã hội. Trái lại, bên kia cho rằng những nỗ lực phúc lợi và quy hoạch của nhà nước gây ra những nguy cơ độc tài, chuyên quyền đối với “nền văn minh phương Tây”.
Whyte lập luận rằng các chính phủ, các nhà trí thức và tuyên giáo đã sử dụng diễn ngôn về nhân quyền để cung cấp một ngôn ngữ đạo lý phù hợp với mô hình xã hội thị trường tự do mà họ đã giăng ra toàn thế giới. Họ chỉ có thể làm điều này một khi đã xóa bỏ toàn bộ tính chất tiến bộ vốn có khỏi ý nghĩa của quyền con người.
Whyte đã tham gia cuộc trò chuyện với Jacobin để bàn về khủng hoảng của chủ nghĩa Tân tự do và những gì có thể xảy đến trong tương lai.


Nobel prize winning economist Professor Friedrich Hayek, 84, at a presentation ceremony at which he received the Aims of Industry organisation’s first International Free Enterprise Award. (Photo by PA Images via Getty Images)

ANGELA SMITH
Hãy kể cho tôi nghe về bối cảnh của quyển Đạo lý của Thị trường. Điều gì đã thôi thúc bạn viết tác phẩm này?
JESSICA WHYE
Một vấn đề làm tôi bận tâm là mối quan hệ giữa một bên là quyền con người – kể từ những năm 70 đã trở thành ngôn ngữ trung tâm của các cuộc tranh luận chính trị – và một bên là chủ nghĩa Tân tự do đang trở nên phổ biến vào cùng khoảng thời gian đó. Nói cách khác, dường như kỷ nguyên Tân tự do của chúng ta hiện tại cũng chính là kỷ nguyên của nhân quyền. Bởi vậy, tôi đã quyết định truy về năm 1947 khi Hội đồng Nhân quyền bắt đầu dự thảo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền. Cũng vào năm đó, một nhóm các nhà kinh tế, triết gia và sử gia hội tụ tại một ngôi làng nhỏ miền núi Thụy Sĩ để thành lập Hiệp hội Mont Pelerin. Hiệp hội này được triệu tập bởi Friedrich Hayek với mục đích hồi sinh chủ nghĩa Tự do quốc tế nhằm chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa Xã hội, dân chủ xã hội và các khuynh hướng “tập thể chủ nghĩa” khác. Trong số những nhà sáng lập hiệp hội này gồm có các nhà kinh tế trường phái Áo như Ludwig von Mises, các nhà Trật tự Tự do chủ nghĩa (ordoliberals) của phái Freiburg Đức như Wilhelm Roepke và Alexander Ruestow, hay các nhà kinh tế phái Chicago như Milton Friedman và Frank Knight. Ngoài ra còn có nhà ngoại giao Thụy Sĩ William Rappard, nhà kinh tế người Anh Lionel Robbins, và các triết gia người Pháp như Bertrand de Jouvenel hay Raymond Aron. Hiệp hội Mont Pelerin vẫn còn tồn tại đến ngày nay và tiếp tục định danh và ủng hộ chủ nghĩa Tân tự do khắp thế giới trong nhiều thập kỷ.
Tôi muốn hiểu cách mà bản thân các nhà Tân tự do này nhìn nhận và liên quan đến ý niệm quyền con người, và liệu họ có đóng góp cho sự phát triển của thứ chính trị nhân quyền phổ biến từ những năm 70 trở đi. Nghiên cứu và cùng với đó là cuốn sách của tôi là một nỗ lực nhằm nắm được ý nghĩa và vai trò của tư tưởng về quyền con người trong tư tưởng và thực hành của chủ nghĩa Tân tự do.
ANGELA SMITH
Có một giả định thường gặp bên phía cánh Tả rằng chủ nghĩa Tân tự do là một tư tưởng phi đạo đức, lãnh đạm, đầy toan tính duy lý kinh tế và chỉ quan tâm đến tăng trưởng vô định hạn. Dĩ nhiên, cách hiểu này có những hàm ý về đạo đức. Tuy nhiên trong tác phẩm của bạn, bạn lập luận rằng ngay từ đầu, chủ nghĩa Tân tự do là một dự án luân lý. Chính bởi vậy chủ nghĩa Tân tự do đã gây ra ảnh hưởng cũng như chịu ảnh hưởng nhiều đối với các học thuyết về nhân quyền. Vậy, một phân tích về chủ nghĩa Tân tự do như một dự án luân lý thay đổi cách ta hiểu về sự phát triển của nó từ thập niên 40 như thế nào?
JESSICA WHYTE
Tôi không hài lòng với cách hiểu thông dụng về chủ nghĩa Tân Tự do như một chủ nghĩa duy lý kinh tế phi đạo đức, coi con người như những cỗ máy tính toán vụ lợi. Cách diễn giải này mâu thuẫn với những gì tôi tìm được từ kho lưu trữ tại Hiệp hội Mont Pelerin. Khi bạn nhìn vào những tài liệu khai lập của Hiệp hội năm 1947 chẳng hạn, một viễn cảnh khác hiện ra. Dẫn chính lời của họ, ta thấy những nhà sáng lập chủ nghĩa Tân tự do tin rằng “những giá trị cốt lõi của nền văn minh đang lâm nguy”. Họ lập luận rằng khủng hoảng văn minh này là hậu quả của sự chối bỏ những tiêu chuẩn và giá trị đạo đức tuyệt đối. Bởi vậy, nhiều nhà Tân tự do kiên quyết bảo vệ tính chính danh về đạo lý của “nền văn minh phương Tây” cùng với những thứ như giá trị gia đình truyền thống, tự do cá nhân, trách nhiệm bản thân hay việc chấp nhận kết quả của cạnh tranh thị trường.
Đối với họ, cạnh tranh thị trường không chỉ là một công cụ phân phối hàng hóa và dịch vụ hiệu quả. Thị trường còn là thể chế trung tâm của xã hội có khả năng chống lại quyền lực chính trị. Friedrich Hayek đặc biệt đã dành rất nhiều công sức hệ thống hóa cái ông cho là đạo lý của thị trường. Ông cho rằng một xã hội tự do chỉ có thể tồn tại nếu ta sẵn sàng chấp nhận bất bình đẳng ở một mức độ cao và tuyệt đối không can thiệp vào thị trường dù là vì mục đích chung. Sự thành công của một trật tự thị trường cạnh tranh đòi hỏi ta phải khắc sâu những niềm tin này.
ANGELA SMITH
Phương diện này giúp ta hiểu về sứ mệnh đạo lý của chủ nghĩa Tân tự do ngày nay như thế nào?
JESSICA WHYTE
Tôi cho rằng điều này thay đổi cách ta hiểu về mối quan hệ mật thiết giữa tư tưởng bảo thủ xã hội và chủ nghĩa Tân tự do, đặc biệt ăn sâu tại những nước như Mỹ. Nhà lý luận chính trị Wendy Brown cũng như nhà xã hội học Melinda Cooper đã tiếp cận vấn đề này. Ví dụ một trường hợp mà họ nghiên cứu là vào thời kỳ ‘cách mạng tình dục’ khi thái độ và tư tưởng công chúng trở nên cởi mở và khai phóng hơn về các vấn đề về giới hay tình dục, những nhà Tân tự do khô khan, lãnh đạm thường ngày bỗng bắt tay với những người bảo thủ hay sùng đạo chống lại điều này. Giờ nếu ta chuyển trọng tâm từ Mỹ sang châu u những năm 40, ta thấy rõ rằng tư tưởng bảo thủ không chỉ là một phần bổ sung lắp từ bên ngoài vào tư tưởng Tân tự do, mà là một phần cốt yếu của nó ngay từ đầu. Chẳng cần phải nhìn đâu xa ngoài bản thân phong trào Tân tự do để tìm thấy những luận điệu bảo vệ đạo Thiên Chúa, sự ưu việt của nền văn minh Tây phương hay những giá trị gia đình truyền thống. Nhà lý luận Tân tự do người Đức Wilhelm Roepke chẳng hạn đã gọi gia đình là “lĩnh vực tự nhiên của người phụ nữ, môi trường đúng đắn cho việc nuôi dạy con trẻ, và chính là tế bào mẹ của toàn cộng đồng”. Từ điều này, ta cũng không ngạc nhiên lắm khi thấy rằng những nhà tư tưởng Tân tự do đời đầu tin rằng sự trỗi dậy của nền dân chủ xã hội gây ra mối nguy cho vai trò tự nhiên của người phụ nữ trong gia đình.
ANGELA SMITH
Vài học giả khác — tiêu biểu là Samuel Moyn, giáo sư luật và lịch sử tại đại học Yale — cho rằng chủ nghĩa Tân tự do và quyền con người đi đôi với nhau, rằng chúng tương thích hoàn toàn với nhau. Trái lại, bạn lập luận rằng dự án Tân tự do đã lợi dụng và tái định nghĩa lại các chủ thuyết về quyền con người. Với việc quyền con người ngày càng chiếm một vị trí trung tâm trong các phong trào xã hội, bạn có nghĩ rằng chủ nghĩa Tân tự do đã phi chính trị hóa những phong trào này, đẩy chúng khỏi việc đấu tranh về phương diện chính trị? Liệu điều này có liên quan đến việc sáp nhập các phong trào chính trị vào các tổ chức phi chính phủ ‘trung lập’ về mặt chính trị?
JESSICA WHYTE
Việc các nhà tư tưởng và lãnh đạo Tân tự do tiến hành thủ đoạn phi chính trị hóa các phong trào xã hội là rất rõ ràng. Vào nửa đầu thế kỷ 20, các nhà Tân tự do của Hiệp hội Mont Pelerin đều khá là nhất quán trong quan điểm của họ rằng thị trường có thể được sử dụng để trung hòa và bình định các mối quan hệ xã hội. Để ủng hộ lập luận này, họ đã hồi sinh một ý tưởng từ thế kỷ 18 do nhà kinh tế học phát triển Albert Hirschman truy về.
Những nhà Tân tự do đời đầu cho rằng khi con người hành động dựa trên những lợi ích cá nhân toan tính, điềm tĩnh, họ sẽ bớt bị thúc đẩy bởi những xúc cảm chính trị bạo lực. Bởi vậy, họ cho rằng xã hội dân sự là một phạm vi nơi tồn tại các mối quan hệ vụ lợi cá nhân nhưng vẹn cả đôi đường, cần được bảo vệ khỏi sự xâm phạm của quyền lực chính trị. Quyền con người có thể được sử dụng để bảo vệ xã hội dân sự và phạm vi cá nhân của mỗi người, quan trọng nhất là tài sản tư hữu của họ, khỏi sự can thiệp chính trị.
Trên quy mô toàn cầu, điều này còn có nghĩa bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp của các thuộc địa cũ, nơi các chính phủ hậu thuộc địa đang nỗ lực tịch thu và sung công tài sản của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn có dính dáng đến các nước thực dân cũ. Vì vậy các nhà Tân tự do coi quyền con người như một cách để loại bỏ chính trị ra khỏi câu chuyện và ngăn chặn sự can thiệp chính trị.
Còn về các tổ chức phi chính phủ (NGO), bản thân các nhà Tân tự do tương đối mâu thuẫn về phía chúng. Tuy nhiên, tôi cho rằng kể từ những năm 70, nhiều NGO nhân quyền đã áp dụng khuôn khổ Tân tự do: họ coi chính trị chỉ toàn bạo lực và đàn áp, và chỉ thị trường và xã hội dân sự mới có khả năng đảm bảo quyền tự do cá nhân và các mối quan hệ xã hội mang lại lợi ích chung.
ANGELA SMITH
Vậy thì những nhà Tân tự do đã chấp nhận vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người như thế nào? Họ muốn thúc đẩy mối quan hệ kiểu gì giữa các thể chế quốc tế như Liên hiệp quốc và nhà nước quốc gia?
JESSICA WHYTE
Chủ nghĩa Tân tự do không nhất thiết phản đối thể chế nhà nước. Trái lại, nó đặt trọng tâm vô cùng lớn vào việc huy động nhà nước nhằm bảo vệ thị trường cạnh tranh khỏi mọi ảnh hưởng chính trị. Về cơ bản, cái mà các nhà Tân tự do thực sự chống đối là chủ quyền nhân dân. Trong các tác phẩm Tân tự do, ta dễ dàng bắt gặp một cái tên thường xuyên được nhắc tới như nhà lý luận khởi thủy của chủ nghĩa toàn trị: triết gia cấp tiến thời Khai sáng Jean-Jacques Rousseau. Rousseau có lẽ là nhà lý luận quan trọng nhất của thuyết chủ quyền nhân dân. Các nhà Tân tự do muốn phi chính trị hóa nhà nước. Họ bác bỏ lập luận của Rousseau rằng nguyện vọng và ý chí của nhân dân nên được thể hiện thông qua nhà nước, và rằng nhà nước nên được sử dụng như một thiết chế đảm bảo chủ quyền nhân dân. Thay vào đó, họ muốn giới hạn vai trò của nhà nước vào việc tuần tra những bất ổn trong xã hội và dập tan các mối nguy đối với thị trường. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Tân tự do ủng hộ can thiệp nhà nước nhằm duy trì các mối quan hệ thị trường. Đối với họ, khái niệm quyền con người có ích vì nó có thể biện minh cho việc can thiệp nhà nước nhằm bảo vệ các mối quan hệ thị trường trên quy mô toàn cầu.
ANGELA SMITH
Chủ nghĩa Tân tự do đã củng cố quyền lực và thống trị kể từ những năm 70 và 80, và cùng với đó là phiên bản quyền con người mà họ ủng hộ. Cùng lúc đó, các dự án cách mạng cộng sản và chủ nghĩa xã hội nhà nước đang trên đà suy thoái. Bạn suy nghĩ thế nào về mối quan hệ giữa hai xu hướng này?
JESSICA WHYTE
Chủ nghĩa Tân tự do nổi lên kể từ giữa thế kỷ 20 như một sự phản ứng chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, dân chủ xã hội hay chủ nghĩa dân tộc chống thực dân. Bước vào thập niên 70 và 80 khi các phong trào chính trị này đang trên đà suy thoái, chủ nghĩa Tân tự do dần chiếm vị trí thống trị trên trường quốc tế. Vào cùng thời điểm này, một phiên bản nhất định của diễn ngôn quyền con người trở nên phổ biến, tập trung nhiều vào quyền lợi dân sự và chính trị trong khi bỏ mặc quyền lợi xã hội hay kinh tế.
Để hiểu mối quan hệ giữa những xu hướng này, tôi lấy Pháp làm ví dụ. Cụ thể là NGO nhân đạo Médecins Sans Frontières (MSF) cùng với lối tư duy Tân tự do không thể lẫn vào đâu được đối lập với những yêu sách của các thuộc địa cũ đòi hỏi sự tái phân phối toàn cầu. Đến đầu những năm 80, rất dễ lập luận rằng những nỗ lực phát triển và giải phóng con người của các nước bán cầu Nam theo hướng tự chủ và phi thực dân hóa đều đang thất bại thảm hại và dẫn đến những chế độ chuyên quyền và đàn áp. Những nhân vật liên kết với MSF dựa vào nghiên cứu của nhà kinh tế phát triển Tân tự do Peter Bauer nhằm giải thích điều này, và lập luận rằng chỉ nền kinh tế thị trường cạnh tranh mới có thể đảm bảo quyền con người.
Như Samuel Moyn đã lý luận, vào thời kỳ đó, diễn ngôn về quyền con người đã trở nên phổ biến như một sự thay thế cho những lý tưởng cộng sản hay hậu thuộc địa giờ đây đã bị hoen ố. Nhưng hơn thế nữa, diễn ngôn về quyền con người đã tạo ra tính chính danh đạo đức cho dự án Tân tự do. Sự bác bỏ lý tưởng về chủ quyền kinh tế hay tái phân phối tài sản đã được thể hiện vô cùng cụ thể ở trường hợp của MSF. Tuy nhiên, rất nhiều các NGO khác cũng đã tham gia củng cố cuộc đồ sát của chủ nghĩa Tân tự do đối với chủ quyền của các nước hậu thuộc địa, cũng như ủng hộ nhu cầu cho các hình thức can thiệp nhân đạo mới vào các lãnh thổ của các thuộc địa cũ.
ANGELA SMITH
Vậy MSF là một ví dụ về một tổ chức tiến bộ áp dụng tư duy và quan điểm Tân tự do?
JESSICA WHYTE
Đúng vậy. Dù trên danh nghĩa MSF là một tổ chức nhân đạo, ban lãnh đạo Pháp của họ đã bắt đầu đưa ra nhiều lập luận kinh tế rất cứng rắn, đặc biệt là phản đối lại ý tưởng về Trật tự Kinh tế Toàn cầu Mới được ủng hộ bởi phong trào Không Liên kết Toàn cầu (của các quốc gia mà không đứng về phe cộng sản hay phe Mỹ và NATO). Ban lãnh đạo MSF đã bắt đầu tái chế lại những luận điểm đã được các nhà tư tưởng Tân tự do đặt ra từ hàng thập kỷ, rằng phương Tây không nên rơi vào bẫy của cái được gọi là cảm giác tội lỗi thực dân.
Đồng thời, họ cũng lên kế hoạch đánh bại các lý lẽ của thế hệ các nhà tư tưởng chống thực dân trước đây — ví dụ như phân tích của Frantz Fanon về cách của cải của châu u thực sự bắt nguồn từ việc cướp bóc và bóc lột các thuộc địa cũ, một luận điểm sau được lặp lại bởi Jean-Paul Sartre. Ban lãnh đạo MSF lại dựa vào nghiên cứu Bauer nhằm từ chối lập luận về mối quan hệ giữa của cải của châu u và sự nghèo đói của các cựu thuộc địa. Đối với họ điều này đóng vai trò chủ chốt trong việc từ chối “tội lỗi thực dân”.
ANGELA SMITH
Vậy là một loạt những người tiến bộ về cơ bản đã chấp nhận quan điểm Tân tự do về văn minh, chủng tộc và quốc gia?
JESSICA WHYTE
Các nhà lý luận nhân quyền chủ yếu không bao giờ thực sự đi xa tới mức như các nhà Tân tự do trong việc ủng hộ luận điệu rằng nền văn minh Tây phương là ưu việt do sự đề cao giá trị của thị trường và quyền con người của nó. Tuy nhiên, họ có chịu ảnh hưởng bởi các nhà tư tưởng Tân tự do thông qua việc phát triển một học thuyết mà tôi gọi là “nhân quyền Tân tự do”, giả định rằng việc bảo đảm quyền con người cần thiết phải có một nền kinh tế thị trường cạnh tranh.
Trong quyển Hành động Con người: Một bản Luận án về Kinh tế, Ludwig von Mises đã đặt ra luận điểm này một cách rõ rệt. Ông lập luận rằng “một khi quyền tự do kinh tế mà nền kinh tế thị trường đã trao cho mọi công dân bị gỡ bỏ, tất cả các quyền tự do chính trị, tất cả các bản tuyên ngôn nhân quyền đều trở nên vô nghĩa”. Rất nhiều các NGO chấp nhận điều này, dù hàm ẩn hay rõ rệt.
Các NGO khó chấp nhận hơn tư tưởng phân biệt chủng tộc mà nhiều nhà Tân tự do bảo vệ. Chẳng hạn, họ không bao giờ đi đến mức lập luận như Mises rằng các “chủng tộc thượng đẳng” có khả năng và thiên hướng đặc biệt cho việc hợp tác xã hội trong môi trường thị trường, và vì vậy, “các dân tộc mà đã phát triển nên nền kinh tế thị trường và giữ vững lấy nó thượng đẳng hơn về mọi mặt so với tất cả các dân tộc khác”.
Tuy nhiên, qua việc khẳng định rằng sự nghèo đói của các quốc gia hậu thuộc địa là hậu quả của hành động của chính họ và rằng họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho sự kém phát triển của bản thân, nhiều NGO đã ngụ ý chấp nhận một diễn ngôn về chủng tộc mà đã che đậy cách mà các quốc gia thực dân và những mối quan hệ thị trường ‘tự do’ đã chủ động đẩy các cựu thuộc địa vào đói nghèo và bần cùng. Hơn nữa, các NGO cũng đã chấp nhận phép nhị nguyên của Tân tự do giữa thị trường và chính trị, tung hô và đề cao một cái thành thế lực khắc chế lại sự toàn trị và chuyên chế của cái kia.
ANGELA SMITH
Vậy cách hiểu về quyền tự do và chủ quyền của các nhà Tân tự do liên quan thế nào đến thái độ của họ chống đối lại sự đấu tranh chống thực dân và đòi quyền tự quyết? Và cụ thể thì các nhà Tân tự do đã hiểu về quyền tự do và chủ quyền như thế nào?
JESSICA WHYTE
Ta sẽ bắt đầu từ quyền tự do trước. Tự do thú vị ở chỗ nó chính là giá trị nổi bật và cốt lõi nhất của chủ nghĩa Tân tự do. Nếu ta nghiên cứu kỹ lưỡng các tác phẩm của họ, cách mà các nhà Tân tự do hiểu về quyền tự do rốt cuộc truy về cái mà Hayek miêu tả như sự khuất phục trước những quy luật và hậu quả khách quan của thị trường. Nói cách khác, đối với các nhà Tân tự do, “tự do” đối với họ rất rõ ràng là chỉ giới hạn ở những gì mà quy chế vận hành của kinh tế thị trường cạnh tranh có thể dung túng và chứa đựng được.
Đây là thể loại tự do mà tất cả chúng ta đều quá đỗi quen thuộc ngày nay. Bạn ‘tự do’ được tìm việc khác, được tham gia huấn luyện lại, được trở lại học đại học hay được lái xe cho Uber. Nhưng bạn không hề tự do được tham gia vào công đoàn hay được đấu tranh chống lại sự áp đặt các mối quan hệ thị trường tư bản trên quy mô toàn cầu.
Khi chế độ thực dân đã chấm dứt về mặt hình thức, chủ nghĩa Tân tự do quan tâm trên hết đến việc ngăn chặn tự do chính trị thực sự hay quyền được tự quyết cho các dân tộc ở các cựu thuộc địa. Thay vào đó, họ mong muốn đảm bảo rằng các cựu thuộc địa này giữ nguyên vị trí chịu khuất phục của họ như trước, trong một hệ thống phân chia lao động toàn cầu được tạo ra bởi chế độ thực dân.
Ta bắt gặp câu chuyện tương tự đối với khái niệm về chủ quyền. Các nhà Tân tự do ủng hộ cái mà Mises gọi là “chủ quyền của thị trường”. Đối với họ, chủ quyền của thị trường không hề trao quyền được chống cự — tất cả mọi người đều phải chấp nhận vị trí của họ trong một trật tự thị trường cho sẵn. Điều này tương phản hoàn toàn với khái niệm về chủ quyền kinh tế mà các xã hội hậu thuộc địa đang cố đấu tranh để dành được.
Các nhà Tân tự do phản đối ý tưởng về chủ quyền nhân dân đối với tài nguyên thiên nhiên, thay vào đó lập luận rằng những tài nguyên này nên thuộc về bất cứ ai có khả năng mua chúng trên thị trường tự do. Lý tưởng của họ rốt cuộc chính là một trật tự toàn cầu nơi các mối quan hệ kinh tế từ thời thuộc địa vẫn giữ nguyên dù cho sự chấm dứt về hình thức của chế độ thực dân.
ANGELA SMITH
Sau cuộc bầu cử Donald Trump, một loạt các nhà lý luận từ triết gia chính trị cấp tiến và nhà hoạt động Cornel West đến Samuel Moyn đều tuyên bố chủ nghĩa Tân tự do đã chết. Đây là một lời khẳng định đã được lặp lại nhiều lần qua hàng thập kỷ. Trong quyển Đạo lý của Thị trường, bạn đã chỉ trích lối tư duy kỷ nguyên kiểu này. Việc khai tử cho chủ nghĩa Tân tự do kiểu vậy cản trở cách ta suy nghĩ về tình trạng chính trị hiện nay như thế nào?
JESSICA WHYTE
Chủ nghĩa Tân tự do đã bị khai tử vô số lần rồi. Dù vậy nó dường như liên tục tự vực dậy bản thân. Bởi vậy, dư luận đã sinh ra đủ thứ phép so sánh ẩn dụ, bao gồm khái niệm “Tân tự do xác sống” và cái mà Zachary Manfredi cùng William Callison gọi gần đây là “Tân tự do đột biến”.
Có lẽ ta có thể có cách hiểu tốt hơn về quỹ đạo phát triển của chủ nghĩa Tân tự do kể từ thời Trump trở đi qua khái niệm “Tân tự do đột biến”. Chủ nghĩa Tân tự do phiên bản của cha con nhà Clinton tại Mỹ cũng như của Tony Blair tại Anh đã kết hợp một chính sách mang tính tiến bộ về mặt xã hội cùng với kinh tế thị trường tự do. Hướng tiếp cận này đã dần bị thay thế, không chỉ ở Mỹ và Anh mà còn ở Ấn Độ, Brazil hay Hungary, bởi một phiên bản của chủ nghĩa Tân tự do mang tính phản động, phân biệt chủng tộc và bảo thủ hơn rõ rệt. Tuy nhiên, nếu ta nhìn vào lịch sử của chủ nghĩa Tân tự do, ta có thể thấy rõ rằng những chủ đề dường như mới lạ này — dù là sự ủng hộ tính thượng đẳng của “phương Tây’, hay là một trật tự về chủng tộc và văn minh — lại thực sự là những kiểu mẫu quen thuộc và then chốt từ đầu trong thế giới quan của các nhà Tân tự do.
Dù vậy, tôi cho rằng đang có một chuyển biến thực sự đang diễn ra vào thời điểm này. Những người như Margaret Thatcher, Ronald Reagan hay thậm chí là Tony Blair đã có thể phác họa chủ nghĩa Tân tự do như một lời hứa về chốn địa đàng. Đã từng có cảm giác lạc quan rằng điều này sẽ thực sự dẫn đến một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, sự mộng tưởng này đã tan vỡ sau những cơn khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đại dịch COVID-19, cùng với cuộc thảm họa khí hậu đang diễn biến khôn lường.
Mặc dù tôi cho rằng chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển biến, tôi cũng có những mối lo ngại về việc rằng chủ nghĩa Tân tự do là một hệ thống những ý niệm và thực hành vô cùng dai dẳng và ngoan cố. Không chỉ gây ra những ảnh hưởng to lớn đối với việc hoạch định chính sách, nó còn len lỏi và ăn sâu vào ý thức và danh tính của mỗi chúng ta. Việc lật đổ chủ nghĩa Tân tự do vì vậy sẽ đòi hỏi một nỗ lực khổng lồ, một cuộc huy động chính trị lớn nhất mà ta từng thấy.
ANGELA SMITH:
—————————-
Bạn nói rằng chủ nghĩa Tân tự do đã ăn sâu vào danh tính của chúng ta. Ý bạn là sao?
JESSICA WHYTE:
—————————-
Theo tôi thấy, nhiều thành phần trong xã hội ngày nay càng ngày có xu hướng tự nhìn nhận bản thân như những nhà khởi nghiệp, những doanh nhân đơn lẻ tương tác với nhau trên thương trường cạnh tranh. Chẳng hạn như phong trào công đoàn đã bị suy yếu phần nhiều bởi lối tư duy rằng mỗi người buộc phải chịu trách nhiệm cho việc tự cải thiện đời sống và tự quyết định số phận bản thân – kể cả những công nhân mà đáng lẽ ra được công đoàn bảo vệ lợi ích lao động. Qua ví dụ này, ta có thể thấy cách mà thứ đạo lý của thị trường đã len lỏi và ăn sâu vào tư duy và ý thức của toàn xã hội, kể cả đối với những người không nhất thiết coi bản thân như là Tân tự do.
Càng ngày càng nhiều người nhận thức về thế giới theo kiểu này, rằng đây đơn giản là cách xã hội đã luôn vận hành và sẽ chả bao giờ có thể khác đi được. Một nguyên nhân cho điều này là việc các chính sách Tân tự do đã làm suy yếu các hệ thống phúc lợi xã hội và hỗ trợ cộng đồng, buộc con người giờ đây không có lựa chọn nào khác ngoài tự lực cánh sinh trong một thế giới cá lớn nuốt cá bé.
Đối mặt với một bối cảnh như trên, thử thách của chúng ta chính là thuyết phục mọi người đặt lại niềm tin vào một nỗ lực tập thể nhằm thay đổi xã hội vì lợi ích chung, vượt qua một xã hội nơi con người liên tục bị giam cầm vào những vòng luẩn quẩn cô lập và cá nhân hóa. Đây là một thử thách lớn, nó yêu cầu ta phải hoàn toàn biến đổi không chỉ lối tư duy mà còn là thực tại vật chất mà chủ nghĩa Tân tự do đã giăng ra toàn cầu.


Jessica Whyte, Jacobin


Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận