LẠM PHÁT, ĐỘC QUYỀN, LÒNG THAM
Trong khi một số doanh nghiệp đang công bố mức lợi nhuận kỷ lục thì mức sống của người lao động tiếp tục bị cắt giảm bởi lạm phát. Một số người cho rằng nguyên nhân là do giá cắt cổ và lợi nhuận vượt mức của các doanh nghiệp lớn. Hiện tượng mà công đoàn và các nhà bình luận gọi là ‘lạm phát tham lam’.
Nhìn vào bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp thì lợi nhuận thực sự đã tăng vọt. ExxonMobil, gã khổng lồ dầu khí đa quốc gia, đã công bố mức lợi nhuận kỷ lục hơn 11 tỷ dollar chỉ trong quý đầu tiên của năm nay, giữa lúc hàng triệu người đang phải đối mặt với sự lựa chọn sưởi ấm hay có thử bỏ miệng.
Vào năm 2022, các ông lớn dầu mỏ đã tăng gấp đôi lợi nhuận của mình lên 219 tỷ dollar. Cùng thời gian đó, giá gas nội địa ở Anh đã tăng 129% và giá điện tăng 67%. Điều này đã đẩy 6,7 triệu hộ gia đình vào tình trạng thiếu nhiên liệu – tăng 4 triệu kể từ năm 2020.
Giá thực phẩm đã tăng vọt trên khắp châu Âu. Ở Đức, lạm phát lương thực ở mức 21,1%, trong khi ở Pháp là 15,8%. Các ngân hàng thực phẩm của Đức đã quá tải và những người đăng ký mới phải mòn mỏi chờ đợi đến lượt. Ở Anh, giá cả cao hơn 19,1% so với một năm trước – mức cao nhất trong vòng 45 năm – Nhu cầu đối với các tổ chức từ thiện thực phẩm ở Anh tăng chưa từng thấy. Ở Tây Ban Nha, sự tăng giá các nhu yếu phẩm cơ bản đã dẫn đến sự gia tăng tình trạng đói kém.
Giữa lúc mà hàng triệu người đang phải đấu tranh vật lộn như vậy thì lợi nhuận của các công ty độc quyền ngũ cốc toàn cầu đã tăng lên mức cao lịch sử và ‘thực phẩm dư thừa’ đang được lên kế hoạch đốt bỏ.
Các chính trị gia cánh hữu nhanh chóng lặp lại câu thần chú rằng lạm phát là do ‘vòng xoáy giá lương’ gây ra – tức là tiền lương tăng lên, và để đáp lại, các công ty buộc phải tăng giá để theo kịp chi phí lao động tăng.
Tuy nhiên, thực tế là tiền lương đang cố gắng hết sức để theo kịp giá cả chứ không phải ngược lại. Thật vậy, một báo cáo của Goldman Sachs – hầu như không thể coi một tổ chức cánh tả – cho thấy rằng việc tăng lương của người lao động chiếm chưa đến một phần ba mức tăng lạm phát, trong khi ước tính rằng 50% được tính vào lợi nhuận bổ sung mà các doanh nghiệp đang kiếm được.
Độc quyền
Cần phải giải thích làm thế nào mà dưới một hệ thống (tư bản chủ nghĩa) dựa trên thị trường, hiện tượng ‘lạm phát tham lam’ hoàn toàn có thể xảy ra. Không dễ gì mà một công ty có thể tự ý tăng giá để tăng lợi nhuận. Nếu điều này là có thể thì tại sao các công ty lại không làm điều đó mọi lúc?
Người ta sẽ nghĩ rằng nếu một doanh nghiệp tăng giá để tăng lợi nhuận, thì một đối thủ cạnh tranh sẽ hạ giá hơn để tăng thị phần của họ. Và quả thực, điều đó sẽ xảy ra nếu thực sự có sự cạnh tranh ‘tự do’ trên thị trường.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời kỳ của chủ nghĩa tư bản độc quyền, trong đó hầu hết các ngành công nghiệp đều bị chi phối bởi một số công ty đa quốc gia lớn. Lenin đã giải thích trong tác phẩm nổi tiếng Chủ nghĩa đế quốc: Giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản rằng cạnh tranh tư bản chủ nghĩa sẽ dẫn đến độc quyền và chủ nghĩa đế quốc. Đến lượt mình, sự phát triển này dẫn đến việc ấn định giá và các thỏa thuận giữa các-ten và các thế lực độc quyền, những người do đó tạo ra lợi nhuận siêu ngạch bằng chi phí của phần còn lại của xã hội.
Một báo cáo học thuật gần đây về lạm phát ở Mỹ đã nhấn mạnh rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát là sức mạnh thị trường (tức là vị thế độc quyền) của các doanh nghiệp. Báo cáo tương tự chỉ ra những thỏa thuận ngầm giữa các doanh nghiệp để tăng giá – đúng như Lenin đã giải thích hơn 100 năm trước!
Trong thời kỳ hỗn loạn của sự suy tàn của chủ nghĩa tư bản, các công ty độc quyền đang sử dụng vị thế độc tôn của mình để tăng lợi nhuận. Lấy giá năng lượng sau cuộc chiến Ukraine làm ví dụ. Từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 8 năm 2022, giá khí đốt bán buôn đã tăng 267%. Điều này dẫn đến sự gia tăng ngay lập tức trong hóa đơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Nhưng kể từ đó, giá bán buôn đã giảm 77% tính đến tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ năng lượng đã ‘thất bại’ trong việc chuyển sự giảm chi phí cho các hộ gia đình.
Khi chi phí của họ tăng lên, các công ty độc quyền ngay lập tức tăng giá. Khi chúng giảm, họ sử dụng vị trí của mình để chống lại sự trở lại của giá thấp hơn. Chúng tôi cũng thấy điều tương tự trong các lĩnh vực khác, với các nhà sản xuất phân bón, được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga, với lợi nhuận tăng gấp 10 lần vào năm ngoái.
Như chúng ta thấy, chủ nghĩa tư bản độc quyền đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát hiện nay. ‘Lạm phát tham lam’ chắc chắn là một hiện tượng rất thực tế. Tuy nhiên, nó không trả lời đầy đủ câu hỏi tại sao lại có tỷ lệ lạm phát cao như hiện nay.
Có phải tất cả vì lòng tham?
Chủ nghĩa tư bản đã phải được hỗ trợ sự sống kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Hơn 10 nghìn tỷ dollar đã được các ngân hàng trung ương bơm vào hệ thống thông qua nới lỏng định lượng để vượt qua khủng hoảng tín dụng và củng cố lợi nhuận của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn.
Đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy các chính phủ trên toàn thế giới can thiệp để đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp. Hơn 15 nghìn tỷ Dollar đã được tạo ra trong các khoản vay và các khoản nợ của chính phủ đã tăng vọt.
Việc bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế mà không có sự gia tăng tương ứng trong sản xuất phải tìm cách thể hiện trong nền kinh tế tại một thời điểm nhất định. Giai cấp tư bản, trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng vừa qua, đã đặt nền móng cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chiến tranh ở Ukraine, sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng và các yếu tố khác cũng góp phần làm tăng lạm phát. Không rõ chiến tranh sẽ tiếp tục trong bao lâu, những tác động mà điều này sẽ gây ra đối với việc xuất khẩu năng lượng dài hạn từ Nga và liệu ngũ cốc có được phép tiếp tục rời đi qua các cảng Biển Đen hay không. Điều này, ở một mức độ nhất định, đã được tính vào giá cả.
Bên cạnh việc làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu năng lượng, thực phẩm và phân bón của Nga và Ukraine, cuộc chiến Ukraine và quá trình tái quân sự hóa trên diện rộng, cũng đã tạo ra một động lực khác cho lạm phát với sự gia tăng chi tiêu vũ khí không hiệu quả. Các thành viên NATO đã cam kết tăng ngân sách quốc phòng của họ lên tổng cộng 133 tỷ USD. Sự gia tăng chi tiêu này là một gánh nặng đối với nền kinh tế và làm tăng thêm khủng hoảng lạm phát.
Trong giai đoạn vừa qua, phương pháp sản xuất “vừa kịp thời” đã giúp đẩy giá xuống thấp. Những cú sốc của đại dịch và cuộc chiến về chuỗi cung ứng siêu mở rộng đã dẫn đến sự thiếu hụt trong các ngành công nghiệp, cũng tạo ra một động lực khác cho lạm phát trong nền kinh tế thế giới.
Trong giai đoạn trước, toàn cầu hóa và sự tiến bộ của thương mại thế giới đã tác động để giữ cho giá cả ở mức thấp nhưng giờ đây điều này đã đến hạn. Các biện pháp bảo hộ đang gia tăng trên phạm vi quốc tế. Hoa Kỳ gần đây đã giới thiệu Đạo luật Giảm lạm phát có cái tên kỳ quặc. Khác xa với việc giảm lạm phát, việc cắt giảm thuế và trợ cấp được đưa ra để chuyển hoạt động sản xuất sang Hoa Kỳ nhằm tăng cường lạm phát.
Tóm lại, chúng ta không thể quy nguyên nhân của tỷ lệ lạm phát hiện tại xuống đặc điểm này hay đặc điểm kia của chủ nghĩa tư bản. Trong khi ‘lạm phát tham lam’ là rất thực tế, một lời giải thích đổ hết cho lòng tham không giải thích được gì. Nó gợi ý rằng tình hình hiện tại có thể được khắc phục bằng cách thuyết phục các nhà tư bản ‘bớt tham lam’. Nhưng lòng tham và chủ nghĩa tư bản luôn song hành với nhau.
Cuộc khủng hoảng lạm phát hiện nay là triệu chứng của sự phá sản của toàn bộ hệ thống. Trục lợi bằng độc quyền, cứu trợ, chiến tranh đế quốc, tình trạng hỗn loạn của thị trường, các rào cản do nhà nước dân tộc dựng lên – tất cả đều đóng vai trò gây ra lạm phát. Đó là toàn bộ chủ nghĩa tư bản đáng trách. Để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, chúng ta cần phải vượt qua chính chủ nghĩa tư bản.
Scott Shaw, IMT, 09 Tháng năm 2023