Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản – Chương I

Được viết từ tháng Giêng tới tháng Sáu, năm 1916. Nhà xuất bản “Cánh buồm” in lần đầu tiên thành sách riêng vào giữa năm 1917 ở Pê-tơ-rô-grát; lời tựa viết cho các lần xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Đức, được in lần đầu năm 1921 trên tạp chí “Quốc tế cộng sản”, số 18 Theo đúng bản thảo, có đối chiếu với bản in trong sách; lời tựa viết cho các lần xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Đức – theo đúng bản in trên tạp chí.

LỜI TỰA

Cuốn sách nhỏ mà tôi giới thiệu cùng độc giả đây, tôi đã viết vào mùa xuân 1916, ở Zurich. Trong những điều kiện làm việc lúc bấy giờ ở đấy, cố nhiên là tôi thiếu một số sách Pháp và Anh và rất nhiều sách Nga. Tuy vậy, tôi đã sử dụng một tác phẩm chủ yếu xuất bản ở Anh, bàn về chủ nghĩa đế quốc, tức là cuốn sách của J.A.Hobson, với tất cả sự chú ý mà tôi cho là cuốn sách đó xứng đáng.

 Khi viết cuốn sách nhỏ này, tôi đã viết sao cho qua được con mắt kiểm duyệt của Sa hoàng. Vì vậy, tôi không những bị bắt buộc phải tự giới hạn hết sức chặt chẽ trong việc phân tích về mặt lý luận thuần tuý – đặc biệt là về mặt kinh tế – mà còn chỉ nêu lên một cách hết sức thận trọng một số ít nhận xét cần thiết về mặt chính trị bằng cách nói bóng, theo cách nói Aesop – cách nói đáng ghét  Aesop – mà chế độ Sa hoàng buộc tất cả các nhà cách mạng phải dùng đến mỗi khi họ cầm bút để viết một tác phẩm “hợp pháp”.

Hiện nay, trong những ngày tự do, tôi thấy khổ tâm khi đọc lại những đoạn đã bị bóp méo đi trong cuốn sách nhỏ này vì nghĩ đến chế độ kiểm duyệt Nga hoàng, những đoạn đã bị gò ép như bị kẹp trong hai gọng kìm thép. Để trình bày rằng chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cách mạng xã hội chủ nghĩa; rằng chủ nghĩa xã hội – Sô-vanh (tức là chủ nghĩa xã hội trên đầu lưỡi, còn trên việc làm lại là chủ nghĩa Sô-vanh) là một sự phản bội hoàn toàn chủ nghĩa xã hội, là một sự chuyển hoàn toàn sang phía giai cấp tư sản; rằng sự phân liệt ấy trong phong trào công nhân gắn liền với những điều kiện khách quan của chủ nghĩa đế quốc, v.v. – tôi đã phải dùng lối nói của “người nô lệ”, và giờ đây, đối với độc giả nào quan tâm đến vấn đề ấy, tôi buộc phải giới thiệu với họ tập in lại những bài báo tôi đã viết ở nước ngoài từ năm 1914 đến năm 1917, sẽ tái bản nay mai. Đặc biệt, cần phải nêu lên một đoạn của cuốn sách này, từ trang 119 đến 1201); để giải thích, dưới một hình thức mà kiểm duyệt có thể cho phép, cho độc giả thấy được những lời dối trá vô liêm sỉ của bọn tư bản, cùng những bọn xã hội – sô-vanh (mà Cauxky đã đấu tranh chống lại một cách hết sức không triệt để) đã chạy sang phía bọn tư bản, về vấn đề những cuộc thôn tính, và chúng đã che đậy một cách vô liêm sỉ đến chừng nào những cuộc thôn tính của bọn tư bản nước chúng, tôi đã buộc lòng phải lấy…Nhật bản làm thí dụ! Độc giả nào chú ý, sẽ có thể dễ dàng lấy… Nga thay cho Nhật bản, lấy Phần-lan, Ba-lan, Courland, Ukraine, Khiva, Bokhara, Estonia và các miền khác mà dân cư ở đó không phải là người Đại Nga, để thay cho Triều Tiên.

Tôi hy vọng rằng cuốn sách nhỏ của tôi sẽ giúp vào sự hiểu biết một vấn đề kinh tế cơ bản mà nếu không nghiên cứu thì sẽ không hiểu được tí gì về sự đánh giá cuộc chiến tranh hiện nay và chính trị hiện nay, cụ thể là vấn đề thực chất kinh tế của chủ nghĩa đế quốc.

Tác giả, Petrograd, ngày 26 tháng 4, 1917

LỜI TỰA CHO BẢN TIẾNG PHÁP VÀ ĐỨC [124]

I

Như đã nói trong lời tựa cho bản tiếng Nga, cuốn sách này tôi viết vào năm 1916 và đã viết sao cho qua được con mắt kiểm duyệt của Sa hoàng. Hiện nay tôi không thể sửa lại cả cuốn sách này; hơn nữa, sửa lại có lẽ cũng không hợp lý, vì nhiệm vụ cơ bản của cuốn sách này trước sau vẫn là: dựa theo những tài liệu tổng hợp không thể tranh cãi được của thống kê tư sản và những lời thú nhận của các học giả tư sản ở tất cả các nước, nêu rõ tình hình tổng quát của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn thế giới, trong những quan hệ quốc tế của nó, vào đầu thế kỷ XX, ngay trước khi xảy ra cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa thế giới lần thứ nhất.

Đối với nhiều người cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa tiên tiến, nếu lấy cuốn sách này, cuốn sách hợp pháp xét theo quan điểm của chế độ kiểm duyệt của Nga hoàng, làm ví dụ để nhận rõ khả năng – và sự cần thiết – lợi dụng ngay cả những điều kiện hợp pháp mỏng manh còn lại mà họ còn có thể có được, chẳng hạn, ở nước Mỹ hiện tại hoặc ở Pháp sau những vụ bắt bớ hầu hết những người cộng sản trong thời gian gần đây,để giải thích tất cả sự dối trá của những quan điểm hoà bình – xã hội và những hy vọng vào một nền “dân chủ thế giới”, – thì như thế phần nào thậm chí cũng không phải là vô ích. Còn những điều bổ sung cần thiết nhất cho cuốn sách này, được viết dưới chế độ kiểm duyệt, thì tôi sẽ cố gắng nêu lên trong lời tựa này.

II

Trong cuốn sách này, tôi đã chứng minh rằng cuộc chiến tranh 1914 – 1918, đối với cả hai phe, đều là một cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa (nghĩa là một cuộc chiến tranh xâm lược, cướp bóc, ăn cướp), một cuộc chiến tranh để chia thế giới, để chia đi chia lại các thuộc địa, các “khu vực ảnh hưởng” của tư bản tài chính, v.v..

Vì muốn chứng minh tính chất xã hội thật sự, hay nói cho đúng hơn, tính chất giai cấp thật sự của cuộc chiến tranh, thì cố nhiên là không thể căn cứ vào lịch sử ngoại giao của cuộc chiến tranh, mà phải căn cứ vào sự phân tích địa vị khách quan của các giai cấp cầm đầu trong tất cả các cường quốc tham chiến. Để vạch rõ địa vị khách quan ấy, không nên lấy những ví dụ hay những tài liệu lẻ tẻ (vì các hiện tượng trong đời sống xã hội cực kỳ phức tạp, nên bao giờ người ta cũng có thể tìm được, với một số lượng bao nhiêu cũng có, những ví dụ hoặc tài liệu lẻ tẻ để chứng minh cho bất cứ một luận điểm nào), mà nhất thiết phải lấy toàn bộ các tài liệu về những cơ sở của đời sống kinh tế của tất cả các cường quốc tham chiến và của toàn thế giới. Chính những tài liệu tổng hợp không thể bác bỏ được ấy, tôi đã dẫn ra trong bảng tình hình phân chia thế giới năm 1876 và 1914 (Chương 6) và bảng tình hình phân chia các đường sắt trên toàn thế giới năm 1890 và 1913 (Chương 7). Đường sắt là kết quả của những ngành chủ yếu nhất của công nghiệp tư bản chủ nghĩa, của công nghiệp than đá và luyện thép; là kết quả và là những chỉ tiêu rõ rệt nhất về sự phát triển của thương nghiệp thế giới và nền văn minh dân chủ tư sản. Đường sắt gắn liền như thế nào với sản xuất lớn, với các tổ chức độc quyền, với các xanh-đi-ca (syndicates), các-ten (cartels), tơ-rớt (trusts), ngân hàng, với bọn đầu sỏ tài chính, – điều đó đã được chỉ rõ trong các chương đầu của cuốn sách này. Sự phân phối và sự phân phối không đều mạng lưới đường sắt, sự phát triển không đều của mạng lưới ấy, đó là kết quả của chủ nghĩa tư bản hiện đại, chủ nghĩa tư bản độc quyền, trên phạm vi toàn thế giới. Và những kết quả ấy chứng tỏ rằng trên một cơ sở kinh tế như thế, những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa là điều tuyệt đối không thể tránh được, chừng nào mà chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất vẫn còn tồn tại. Công trình xây dựng đường sắt tưởng chừng như là một doanh nghiệp bình thường, tự nhiên, dân chủ, có tính chất khai hoá; dưới con mắt của bọn giáo sư tư sản được trả tiền để tô son trát phấn cho chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa, cũng như dưới con mắt của bọn phi-li-xtanh tiểu tư sản, thì công trình ấy là như thế. Sự thật, những mối liên hệ tư bản chủ nghĩa ràng buộc những doanh nghiệp ấy, bằng muôn nghìn chiếc lưới, với chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất nói chung, đã biến công trình ấy thành một công cụ áp bức một tỷ người (ở thuộc địa và nửa thuộc địa), nghĩa là hơn một nửa dân số thế giới trong các nước phụ thuộc, và những người nô lệ làm thuê cho tư bản trong các nước “văn minh”.

Chế độ tư hữu dựa trên lao động của người tiểu chủ, tự do cạnh tranh, chế độ dân chủ, – tất cả những khẩu hiệu đó mà bọn tư bản và báo chí của chúng dùng để lừa bịp công nhân và nông dân, đã lỗi thời từ lâu rồi. Chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành một hệ thống có tính chất toàn thế giới của một nhúm nhỏ các nước “tiên tiến” đi áp bức thuộc địa và dùng tài chính để bóp nghẹt đại đa số nhân dân thế giới. Và việc chia cái “của ăn cướp được” ấy đang diễn ra giữa 2 – 3 nước ăn cướp hùng cường nhất thế giới, được vũ trang từ đầu đến chân (Mỹ, Anh, Nhật), những nước này, vì để chia cái của mà chúng đã ăn cướp được ấy, đang lôi cuốn toàn trái đất vào cuộc chiến tranh của chúng.

III

Hoà ước Brest-Litovsk[125] do nước Đức quân chủ bắt ký, rồi đến hoà ước Versailles[126] tàn nhẫn và bỉ ổi hơn nhiều, do các nước cộng hòa “dân chủ” Mỹ và Pháp cùng với nước Anh “tự do” bắt ký, đã làm được một việc hết sức có ích cho loài người là đã vạch trần bọn bồi bút làm thuê của chủ nghĩa đế quốc và bọn tiểu thị dân phản động, bọn này, mặc dù tự xưng là những người hoà bình chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, đã ca tụng “chủ nghĩa Wilson”[127] và chứng minh rằng trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc, có khả năng đạt được hòa bình và có khả năng thực hiện những cuộc cải cách. Hàng chục triệu người chết và tàn phế do chiến tranh để lại một cuộc chiến tranh để quyết định xem trong những nhóm tài chính ăn cướp, nhóm nào, Anh hay Đức được hưởng phần chiến lợi phẩm lớn hơn, rồi tiếp đó là hai bản “hoà ước” nói trên, – tất cả những cái đó đang mở mắt, một cách nhanh chóng chưa từng thấy, cho hàng triệu và hàng chục triệu người bị giai cấp tư sản áp bức, chà đạp, lừa bịp và phỉnh phờ. Thế là trên miếng đất của tình trạng điêu tàn trên toàn thế giới do chiến tranh gây nên, cuộc khủng hoảng cách mạng toàn thế giới đang phát triển, cuộc khủng hoảng này mặc dầu phải trải qua những biến cố kéo dài và gay go đến thế nào chăng nữa, thì cũng chỉ có thể kết thúc bằng cuộc cách mạng vô sản và bằng sự thắng lợi của cách mạng vô sản mà thôi.

Bản Tuyên ngôn Basle của Quốc tế II, năm 1912, đã nhận định chính là về cuộc chiến tranh nổ ra năm 1914, chứ không phải nhận định về chiến tranh nói chung (chiến tranh có nhiều loại, cũng có cả những cuộc chiến tranh cách mạng nữa), bản tuyên ngôn đó vẫn còn là một tấm bia phơi trần tất cả sự phá sản nhục nhã và tất cả sự phản bội của những kẻ đứng đầu Quốc tế II. Vì vậy, tôi cho in lại bản tuyên ngôn ấy trong phần phụ lục của cuốn sách này và lại một lần nữa, tôi xin lưu ý các độc giả rằng bọn đứng đầu Quốc tế II hết sức tránh những đoạn nào, trong bản tuyên ngôn ấy, đã nói một cách chính xác, rõ ràng và trực tiếp đến mối liên hệ giữa chính cuộc chiến tranh sắp tới đó với cuộc cách mạng vô sản, – tránh một cách cẩn thận như một tên ăn trộm cố tránh nơi hắn đã lấy trộm.

IV

Trong cuốn sách nhỏ này, tôi đặc biệt chú ý phê phán “chủ nghĩa Kautsky”, một trào lưu tư tưởng quốc tế mà đại biểu của nó ở khắp các nước trên thế giới là những “nhà lý luận trứ danh nhất”, những lãnh tụ của Quốc tế II (ở Áo có Otto Bauer và đồng bọn; ở Anh có Ramsay McDonald và nhiều kẻ khác; ở Pháp có Albert Thomas, v.v.. và v.v..), và rất nhiều những người xã hội chủ nghĩa, cải lương chủ nghĩa, hoà bình chủ nghĩa, dân chủ tư sản và linh mục.

Trào lưu tư tưởng ấy, một mặt là sản phẩm của sự tan rã và sự thối nát của Quốc tế II, và mặt khác là thành quả tất nhiên của hệ tư tưởng của bọn tiểu tư sản, bọn đã bị toàn bộ hoàn cảnh sinh hoạt cầm tù trong khuôn khổ những định kiến tư sản và dân chủ. Những quan điểm đó của Kautsky và của những kẻ tương tự là sự hoàn toàn rời bỏ chính những nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa Mác, những nguyên lý mà Cauxky đã bênh vực hàng chục năm, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào xã hội chủ nghĩa (chủ nghĩa cơ hội của Bernstein, Millerand, Hyndman, Gompers v.v.). Cho nên, không phải là ngẫu nhiên mà ngày nay trên khắp thế giới, “phái Kautsky”, trong lĩnh vực thực tiễn – chính trị, đã liên kết với bọn cơ hội cực đoan (thông qua Quốc tế II hay Quốc tế vàng[128]) và với các Chính phủ tư sản (thông qua các Chính phủ liên hiệp tư sản trong đó có các đảng viên xã hội chủ nghĩa tham gia).

Phong trào cách mạng vô sản nói chung, và phong trào cộng sản nói riêng, đang lớn lên trên toàn thế giới, không thể bỏ qua không phân tích và vạch trần những sai lầm lý luận của “chủ nghĩa Kautsky”. Việc đó lại càng phải làm, vì chủ nghĩa hoà bình và “chủ nghĩa dân chủ” nói chung, – hai trào lưu ấy hoàn toàn không tự nhận mình là chủ nghĩa Mác, nhưng cũng giống hệt như Kautsky  và đồng bọn, hai trào lưu ấy đang làm lu mờ tính chất sâu sắc của những mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc và tính tất yếu của cuộc khủng hoảng cách mạng do chủ nghĩa đế quốc gây ra, – những trào lưu ấy đang còn hết sức thịnh hành trên toàn thế giới. Đấu tranh chống các trào lưu ấy là điều bắt buộc đối với đảng của giai cấp vô sản, đảng phải giành lại từ tay giai cấp tư sản những người tiểu chủ bị giai cấp đó lừa bịp, cũng như phải giành lại hàng triệu người lao động hiện đang sống trong những điều kiện sinh hoạt ít nhiều mang tính chất tiểu tư sản.

V

Cần phải nói vài lời về chương VIII: “Tính ăn bám và sự thối nát của chủ nghĩa tư bản”. Như đã nói trong nội dung quyển sách này, Hilferding nguyên là một “người mác-xít”, ngày nay là bạn chiến đấu của Kautsky và là một trong những đại biểu chủ yếu của chính sách tư sản, cải lương chủ nghĩa trong “Đảng dân chủ – xã hội độc lập Đức”[129] – trong vấn đề này đã thụt lùi so với Hobson, một người Anh công khai theo chủ nghĩa hòa bình và chủ nghĩa cải lương. Ngày nay sự phân liệt có tính chất quốc tế trong toàn bộ phong trào công nhân đã hoàn toàn bộc lộ rõ rồi (Quốc tế II và III). Cuộc đấu tranh vũ trang và cuộc nội chiến giữa hai trào lưu cũng đã trở thành sự thật: ở Nga, bọn menshevik và bọn “xã hội chủ nghĩa – cách mạng” ủng hộ bọn Kolchak và Denikin chống lại những người Bolshevik; ở Đức thì những kẻ theo phái Scheidemann, Noske và đồng bọn đã cùng với giai cấp tư sản chống lại Spartacist[130]; ở Phần-lan, Ba-lan, Hungary, v.v. , tình hình cũng thế.

Vậy cơ sở kinh tế của hiện tượng lịch sử có tính chất toàn thế giới đó là ở chỗ nào? Chính là ở tính ăn bám và sự thối nát của chủ nghĩa tư bản, những nét đặc trưng của giai đoạn lịch sử tột cùng của nó, tức là chủ nghĩa đế quốc. Như cuốn sách này đã chứng minh, ngày nay chủ nghĩa tư bản đã tách ra một nhúm nhỏ những quốc gia đặc biệt giàu và mạnh (gồm dưới một phần mười dân số thế giới, và nếu tính thật “rộng rãi” và tính quá tay đi nữa, thì cũng chỉ gồm dưới một phần năm), các quốc gia này cướp bóc toàn thế giới chỉ giản đơn bằng lối “cắt phiếu”. Tính theo giá trước chiến tranh và theo thống kê tư sản trước chiến tranh, thì việc xuất khẩu tư bản đang đem lại một số thu nhập hàng năm từ 8 đến 10 tỷ phrăng. Ngày nay, cố nhiên còn nhiều hơn thế nữa.

Dĩ nhiên là với món siêu lợi nhuận khổng lồ ấy (vì số lợi nhuận này là kiếm được thêm ngoài số lợi nhuận mà bọn tư bản bòn rút được của công nhân nước “chúng”), người ta có thể mua chuộc những lãnh tụ công nhân và tầng lớp trên trong công nhân quý tộc. Và bọn tư bản các nước “tiên tiến” chính đang mua chuộc họ như vậy, mua chuộc bằng hàng nghìn thủ đoạn, trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay che đậy.

Lớp công nhân tư sản hóa hay “công nhân quý tộc” đó – hoàn toàn mang tính chất tiểu thị dân, xét về lối sống và mức tiền lương, xét về toàn bộ thế giới quan của họ – là cột trụ chủ yếu của Quốc tế II, và ngày nay là chỗ dựa xã hội (chứ không phải quân sự) chủ yếu của giai cấp tư sản. Vì họ là những tay sai thật sự của giai cấp tư sản trong phong trào công nhân, những công nhân tay chân của giai cấp tư bản (labor lieutenants of the capitalist class), những tay thật sự truyền bá chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa sô-vanh. Trong cuộc nội chiến giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, một số không ít trong bọn họ nhất định đứng vào hàng ngũ giai cấp tư sản, vào phía “Versaille”[131] để chống lại “các chiến sĩ Công xã.”

Không hiểu rõ gốc rễ kinh tế của hiện tượng ấy, không đánh giá được ý nghĩa chính trị và xã hội của nó, thì không thể nào tiến được một bước trong việc giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn của phong trào cộng sản và của cuộc cách mạng xã hội sắp đến. Chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cuộc cách mạng xã hội của giai cấp vô sản. Điều này đã được xác nhận từ năm 1917, trên quy mô toàn thế giới.

N. Lê-nin, ngày 6 tháng 7, 1920 

Trong 15-20 năm gần đây, nhất là từ sau các cuộc chiến tranh Tây-ban-nha – Mỹ (1898) và Anh – Boer (1899 – 1902), các sách báo kinh tế cũng như sách báo chính trị của thế giới cũ và mới ngày càng thường dùng đến khái niệm “chủ nghĩa đế quốc” để chỉ đặc tính của thời đại chúng ta đang sống. Năm 1902, một nhà kinh tế học Anh tên là J.A.Hobson đã cho xuất bản ở London và Newyork một tác phẩm nhan đề là “Chủ nghĩa đế quốc”. Tuy đứng trên quan điểm chủ nghĩa cải lương – xã hội tư sản và chủ nghĩa hoà bình – quan điểm này, về thực chất, giống hệt với lập trường hiện nay của K. Kautsky, một người nguyên trước kia là mác-xít, – những tác giả vẫn mô tả được rất hay và tường tận những đặc điểm kinh tế và chính trị chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc 132. Năm 1910, ở Viên, có xuất bản cuốn sách của nhà mác-xít Áo Rudolf Hilferding: “Tư bản tài chính” (bản dịch tiếng Nga: Mát-xcơ-va, 1912). Mặc dầu tác giả có một sai lầm trong vấn đề lý luận về tiền tệ và có một khuynh hướng nào đó muốn điều hoà chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa cơ hội, nhưng cuốn sách đó vẫn là một bản phân tích lý luận hết sức quý báu về “giai đoạn mới nhất trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản”, như phụ đề cuốn sách của Hilferding đã nói[133]. Thật ra, những điều mà người ta nói mấy năm gần đây về chủ nghĩa đế quốc – nhất là trong rất nhiều bài viết trên báo và trên tạp chí về đề tài này, cũng nh- trong các nghị quyết, chẳng hạn, của các Đại hội Chemnitz[134] Basle họp vào mùa thu 1912 – chưa chắc đã vượt khỏi phạm vi những tư tưởng mà hai tác giả nói trên đã trình bày, hay nói cho đúng hơn là đã tổng kết…

Sau đây, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày vắn tắt, dưới hình thức hết sức phổ thông, mối liên hệ và quan hệ qua lại giữa các đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa đế quốc. Ngoài mặt kinh tế chúng tôi sẽ không bàn đến những mặt khác của vấn đề, tuy những mặt đó cũng đáng được bàn đến. Còn mục sách tham khảo và những chú thích khác có thể không được hết thảy các độc giả quan tâm đến, thì chúng tôi để ở cuối cuốn sách.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận