TỪ N.E.P TỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI – Bài giảng số 7

Nền công nghiệp của nước Nga Xô Viết trong thập kỷ NEP


Trong bài giảng, chúng ta sẽ nghiên cứu sự phát triển của công nghiệp ở nước Nga Xô Viết trong thập kỷ đầu tiên của cái được gọi là Chính sách Kinh tế Mới.

Sau khi chuyển đổi từ Cộng sản thời chiến sang NEP, những doanh nghiệp may mắn trông thấy là các doanh nghiệp nhà nước, mà bằng cách này hay cách khác, giao dịch được với thị trường tự do. Tuy nhiên, công nghiệp nặng của Chính quyền Xô Viết vẫn ở trong tình trạng rất khó khăn, chỉ một phần nhỏ sản phẩm của nó được bán ra trên thị trường tự do trong khi phần lớn còn lại là được chuyển giao (hay “bán” nếu bạn muốn nói vậy) cho các doanh nghiệp nhà nước, những người vốn trả tiền hàng cực kỳ trễ hẹn. Ngành vận tải nói chung là tồi tệ, thu thì ít mà chi thì nhiều. Thâm hụt trong vận tải không thể được bù đắp hoàn toàn bởi ngân sách nhà nước, thứ mà nói chung cũng thâm hụt, và việc khôi phục tư bản bất biến cho giao thông vận tải thực sự diễn ra rất chậm. Tuy nhiên, ngay cả các ngành công nghiệp bắt đầu kinh doanh trên cơ sở sức mua nhỏ bé đến tệ hại của người dân, cũng đòi được bú bầu vú nhà nước, hay nói một cách dễ hiểu, đòi hỏi được chia phần những nguồn lực mà nhà nước nhận được thông qua thuế hiện vật, thuế nộp bằng tiền và việc phát hành tiền giấy. Thời kỳ này được đặc trưng bởi những tiếng hú dài của các nhà điều hành công nghiệp về cái gọi là khủng hoảng bán hàng. Vụ thu hoạch năm 1922 đã thay đổi bức tranh. Nhờ vụ mùa bội thu, nông thôn đã tăng nhu cầu đối với các sản phẩm chế tạo, và trên thực tế thì bộ phận thương mại, nghĩa là, bộ phận lớn hơn của công nghiệp nhà nước, đã tăng được nguồn lực của mình nhờ suối nguồn thị trường tự do. Khủng hoảng doanh số đã không xảy ra. Ngược lại, giờ đây những tiếng la hét vì cơn khát hàng hóa bắt đầu được nghe thấy: người ta nói rằng nông thôn sẽ sẵn sàng mua bất cứ thứ gì được cung cấp còn công nghiệp thì đang khát nguyên liệu thô.

Đồng thời, thuế hiện vật ngày càng tốt hơn, và nhà nước, chỉ cần duy trì một quân đội và bộ máy quan liêu tinh gọn đã có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của công nghiệp đối với sản phẩm nông nghiệp, giờ đây đôi khi nó đi ngược lại với loại ‘khủng hoảng bán hàng’ của riêng nó. Trong thời kỳ này, việc quốc hữu hóa trên quy mô lớn ngành công nghiệp và giao thông vận tải nói chung đã đóng một vai trò to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, nhờ nguồn lực của nhà nước mà chính phủ đã hỗ trợ được cho các ngành cần thiết cho xã hội như vận tải, gia công kim loại và chế xuất nguyên liệu, nếu cứ phó mặc chúng cho thị trường thì chẳng những chúng sẽ bị hủy hoại hoàn toàn mà còn kéo theo toàn ngành xuống vực sâu. Cũng mang tầm quan trọng rất lớn là sự hỗ trợ cho ngành điện và xây dựng các trạm phát điện mới. Công nghiệp quốc doanh thời kỳ này nhận được nguyên, nhiên liệu và thực phẩm cần thiết từ hai nguồn: mua trên thị trường tự do và mua từ các xí nghiệp quốc doanh cũng như chính nhà nước, người có nguồn lực to lớn thông qua thuế hiện vật. Sản phẩm của ngành công nghiệp cũng được phân phối qua hai kênh: bán trên thị trường tự do và bán cho nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Quan hệ mua bán giữa các xí nghiệp quốc doanh này, tuy bề ngoài mang một dáng dấp tư bản chủ nghĩa, nhưng về bản chất chỉ là một phương thức đặc biệt để phân phối giá trị trong vòng tròn kinh tế xã hội chủ nghĩa. Điều cần thiết để hiểu được cả giai đoạn này và quá trình phát triển tiếp theo của công nghiệp xã hội chủ nghĩa là luôn luôn phân biệt hai mặt: sự liên kết công nghiệp quy mô lớn thông qua thị trường với phần chưa được xã hội hóa của nền kinh tế, và sự liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau trên cơ sở mua và bán. Từ sự phân biệt đó, các doanh nghiệp nhà nước được chia thành hai nhóm: những doanh nghiệp có được phần lớn các yếu tố sản xuất mà họ cần thông qua trao đổi với phần chưa được quốc hữu hóa của nền kinh tế trên cơ sở của thị trường tư nhân, và những doanh nghiệp giữ phần lớn sản xuất của mình trong vòng tròn xã hội chủ nghĩa, cho dù thông qua các giao dịch không phải thanh toán với nhà nước hay thông qua các giao dịch thanh toán với các doanh nghiệp nhà nước khác.

Ví dụ điển hình cho hai loại này là: một nhà máy bán tất hoặc gần như tất cả các sản phẩm của mình trên thị trường tự do và mua tất cả nguyên liệu thô từ đó, cũng như công nhân với thực phẩm của họ; và một cơ sở chế tạo trang thiết bị quân sự, hoặc cơ sở đóng tàu, mà công việc sản xuất hầu như hoàn toàn nằm trong vòng tròn nhà nước, việc mua hoặc bán trên thị trường tự do chỉ có một lượng rất nhỏ. Để xác định được mức độ kết nối của nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa với thị trường tự do nói chung, sẽ là cần thiết phải cộng tất cả các giao dịch mua và bán của các doanh nghiệp nhà nước trong bộ phận chưa xã hội hóa của nền kinh tế và so sánh chúng với tổng số trao đổi lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau và giữa họ với nhà nước. Một phân tích như thế sẽ cho thấy sự khác biệt rất lớn về thực trạng giữa các doanh nghiệp thuộc loại thứ nhất và loại thứ hai và tính hai mặt về vị trí của những doanh nghiệp có mối liên hệ với nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân gần như ngang nhau. Tất nhiên, những doanh nghiệp tồn tại chủ yếu nhờ vào trao đổi với kinh tế tư nhân, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường bán hàng và thu mua nguyên liệu của họ, điều mà với điều kiện của nền kinh tế nông dân chính là vụ thu hoạch. Nhóm thứ hai sự tăng trưởng phụ thuộc trước hết vào thuế hiện vật và các nguồn lực mà nhà nước cung cấp miễn phí nhằm trợ cấp cho các ngành công nghiệp nặng và vận tải, thị trường mà theo đó chính nhà nước hoặc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động. Ở đây, nhà nước đóng vai trò như nguồn chính bù đắp thâm hụt, giống như trong trường hợp giao thông vận tải; hoặc là khách hàng duy nhất, như đối với ngành công nghiệp chiến tranh, hoặc là đầu mối gom vốn để xây dựng mới, như trường hợp xây dựng các nhà máy điện mới. Đúng là xét tới cùng thì số tiền thu được từ thuế hiện vật cũng phụ thuộc vào vụ thu hoạch, nhưng không quá trực tiếp như trường hợp đầu tiên, vì thuế hiện vật vẫn được thu vào những năm mùa màng thất bát, khi mà nông dân chẳng còn nhiều nhặn gì để mua lại các sản phẩm mà ngành công nghiệp sản xuất cho thị trường.

Trong bất kỳ trường hợp nào, vào những năm 1920, công nghiệp đứng ở một vị thế mà trong đó công nghiệp nặng và vận tải đã thành gánh nặng quá sức chịu đựng đối với phần công nghiệp hoạt động cho thị trường. Với sức nặng to lớn của mình nó có thể sẽ đè bẹp và nghiền nát ngành công nghiệp nhẹ, nếu nhà nước không viện trợ cho nó bằng các nguồn lực có được từ cả đánh thuế hiện vật và tiền từ phần chưa được xã hội hóa của nền kinh tế, mà trên hết là từ sản xuất nhỏ. Trong thời kỳ này, sản lượng công nghiệp chỉ bằng 1/5 trước chiến tranh, trong khi lợi nhuận thu về từ kinh tế nông dân và thủ công nghiệp giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước chiến tranh. Do đó, quyền lực chính trị nằm trong tay giai cấp vô sản là một nhân tố mạnh mẽ để thực hiện tái phân phối tổng thu nhập quốc dân, một nhân tố vận hành nhằm trợ cấp cho ngành công nghiệp quy mô lớn từ các nguồn lực của nền kinh tế nhỏ ít bị gián đoạn. Trong thời kỳ này, họ cũng đã hoàn thành việc xây dựng các nhà máy điện rất lớn như các nhà máy thủy điện Kashira, Kizel, Utka và Volkhov và một số nhà máy nhỏ hơn. Tất nhiên, việc khôi phục tư bản bất biến cho ngành công nghiệp nặng sẽ hoàn toàn bất khả thi nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước, với viện trợ từ nhà nước, ngành công nghiệp nặng đã có thể trụ vững để chờ đến những ngày tốt lành hơn. Cùng với đó, cũng nhờ mùa màng bội thu và sức mua tăng lên từ tầng lớp nông dân mà ngành công nghiệp nhẹ, hoạt động cho thị trường nông dân, đã ổn hơn về khả năng tất toán. Giờ đây nó đã có thể thanh toán đầy đủ cước phí vận tải, nhiên liệu cho than bán chịu, máy móc và thiết bị cho các công trình kỹ thuật, điện cho các nhà máy điện, và theo cách này, nó đã hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp nặng.

Tuy nhiên, công nghiệp trong những năm đầu tiên vẫn phát triển chậm chạp hơn so với kỳ vọng về một cú hích lớn, nhờ sự phát triển của nông nghiệp. Dù rằng một mặt, nhờ thu thành công thuế hiện vật, và mặt khác, sự tăng cường trao đổi hàng hóa với nông thôn, công nghiệp đã có thể gia công được nhiều hơn những năm trước từ 200 tới 300 triệu rúp vàng nguyên liệu thô, công nghiệp vẫn có khả năng mở rộng nhiều hơn nữa, không chỉ bằng cách này, vì nguyên liệu thô qua chế biến và gia công sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần giá trị (ví dụ: Một miếng da sống có thể được mua với giá 10 rúp vàng, nhưng các sản phẩm bằng da được làm từ nó sẽ có giá trị có khi tới 50 rúp; v.v…) Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp đã bị cản trở bởi thực tế là, sau khi đã tạo ra tư bản lưu động, nó phải khôi phục lại tư bản cố định và cũng phải tăng lương một cách đáng kể qua từng năm. Liên quan tới sự gia tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động, có một sự chậm chạp ở đây, bởi công nghiệp thời kỳ này, hoạt động không hết công suất, hàng hóa sản xuất ra thì đắt mà chất lượng lại thấp. Nhiệm vụ của các cơ quan kinh tế cốt ở việc khiến các doanh nghiệp phải làm việc hết công suất chứ chẳng phải đưa chúng vào hoạt động càng nhiều càng tốt. Sự tập trung sản xuất này dẫn tới giảm giá thành sản phẩm công nghiệp và tăng cường đáng kể trao đổi giữa thành thị và nông thôn. Chỉ khi nào giá ngũ cốc bắt đầu tương đối giảm thì sự mở rộng nhanh chóng về số lượng các doanh nghiệp mới diễn ra.

Giờ chúng ta hãy xem xét tới các ngành công nghiệp cụ thể, xem từ khía cạnh định lượng sản xuất chúng đã phát triển như thế nào trong thập kỷ đó.

Các nhánh đó bắt đầu phục hồi nhanh hơn là tất nhiên, chúng hoạt động chủ yếu cho thị trường nông dân và không đòi hỏi các khoản chi đặc biệt lớn để khôi phục vốn cố định (tư bản bất biến). Một phần của ngành công nghiệp thép phục vụ cho thị trường nông thôn đã phục hồi khá nhanh, và tương tự như vậy, là ngành công nghiệp dệt may. Nhưng nó cũng nhanh chóng phải đối mặt với một trở ngại khác – sự thiếu hụt bông. Sự tái thiết của sản xuất bông ở Turkestan chậm hơn nhiều so với công nghiệp sản xuất. Bông được nhà nước nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài và được chi trả bằng một phần đáng kể số vàng dự trữ của nước cộng hòa. Theo sau đó là sự phụ thuộc hoàn toàn của ngành dệt may vào sự thành công của hoạt động ngoại thương này. Khó khăn chất chồng khó khăn bởi trong nhiều năm, ngành dầu mỏ của chúng ta xuất siêu rất ít, và các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ, lông thú, bạch kim và một lượng ngũ cốc ngày càng tăng. Liên quan đến lanh, gai dầu và nguyên liệu thô có nguồn gốc động vật, ngoại thương đối với những mặt hàng này chỉ bắt đầu phát triển sau khi sản xuất của nông dân vượt quá nhu cầu của ngành công nghiệp trong nước.

Về ngành công nghiệp nhiên liệu, chỉ trong 5 năm lưu vực Donetsk đã khôi phục sản lượng trước chiến tranh, trong khi các mỏ ở Ural, Siberi và Moscow cùng thời gian đó đã vượt đáng kể. Vào đầu thời kỳ này, sản lượng than bùn đã vượt mức trước chiến tranh, đồng thời nhờ một số phát minh mới trong lĩnh vực khai thác và đốt than bùn mà ngành công nghiệp này đã sớm được nâng lên tầm cao mới. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1923 – 1924 đã được khắc phục, một phần nhờ chúng ta đã gia tăng được sản lượng và một phần nhờ sự giúp đỡ của các nhà khai thác nước ngoài. Sản lượng dầu mỏ ở huyện Emba đã tăng lên đáng kể. Ngành công nghiệp luyện kim đã được khôi phục cùng lúc với sự tiến triển của ngành công nghiệp than. Luyện kim ở miền Nam đã đạt đến mức trước chiến tranh sớm hơn khu vực Ural, nơi vẫn còn nằm trong ngõ cụt do việc khai thác gỗ mang tính huỷ diệt thời gian trước đó. Ural chỉ bắt đầu phát triển do sự kết hợp của khu vực này với khu vực Kuznetsk bằng một tuyến đường sắt chính, và trên cơ sở than cốc của Kuznetsk. Trong thập kỷ đầu tiên này, họ đã bắt đầu thăm dò các mỏ đồng mới được phát hiện ở quận Bogoslovsk và quặng sắt trong khu vực từ trường dị thường ở Kursk.

Ngành cơ khí phát triển theo hai hướng: ngành cơ khí nông nghiệp và ngành cơ khí chế tạo thiết bị phục vụ cho sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Điểm yếu chính của cơ khí nông nghiệp là họ phải sản xuất ra nhiều loại máy móc khác nhau, do vậy nhiệm vụ cơ bản ở đây là thống nhất sản xuất. Nhưng để đạt được điều này lại vô cùng khó bởi vì ở Nga có rất ít xưởng chuyên biệt cho chế tạo máy móc nông nghiệp, những xưởng thực hiện công việc này hầu hết chỉ xem nó như việc bên lề. Để xây dựng các công trình mới sẽ cần những nguồn tài nguyên đặc biệt mà nhà nước không có. Đồng thời việc sản xuất máy kéo bắt đầu trở lại bình thường. Phần kia của ngành cơ khí ngay từ đầu chủ yếu phát triển nhờ trợ cấp của nhà nước, thứ nó đã được nhận liên tục. Các trung tâm chính của nó, ngoài miền Nam, là Petrograd và Urals; Vấn đề nhiên liệu đã được giải quyết cho Petrograd bằng việc xây dựng trạm thủy điện Volkhov. Trong thập kỷ đầu tiên ngành vận tải đã đạt được mức như trước chiến tranh. Việc đóng tàu cho các tuyến đường thủy nội địa cũng được khôi phục với sự trợ giúp của tư bản Anh. Về vận tải đường biển, do cước phí vận chuyển của Anh quá rẻ và khó có khả năng có được các tàu thuyền cần thiết ở nước ngoài, nên nước Nga Xô Viết chưa cần thiết có một đội thương thuyền của riêng mình. Ngành công nghiệp máy bay đã có những bước phát triển vượt bậc ở Nga nhờ có sự hợp tác với tư bản Đức. Đáng nhắc đến một cách đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất thời kỳ này là tốc độ phát triển nhanh chóng trong sản xuất phân bón nhân tạo. Các mỏ phốt pho ở các tỉnh Vyatka, Kostroma, Tula, Orel và Chernigov đã được thăm dò trên quy mô lớn. Những công việc này, lúc đầu được thực hiện theo phương thức bán thủ công, dần dần đã được chuyển thành một trong những ngành quan trọng nhất của ngành công nghiệp nước ta, không chỉ sản xuất cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Cũng cần đề cập đến là các nhà máy nghiền tinh dầu được xây dựng ở Siberia để chế biến hạt tuyết tùng trên quy mô lớn.

Tình hình giao thông vận tải đầu thời kỳ này quả là bi đát. Giao thông vận tải là một nhánh của nền kinh tế, chỉ có thể vận hành và phát triển nếu toàn bộ các cơ quan kinh tế khỏe mạnh và bên trong có một quá trình trao đổi diễn ra sôi nổi. Nó tồn tại và phát triển trên cơ sở sự tích lũy dư thừa tư bản trong phần còn lại của nền kinh tế. Xét kỹ thời kỳ đầu thì nói chung toàn ngành hầu như không có dấu hiệu tích cực. Tệ trên hết thảy là hệ thống giao thông. Đã bắt đầu tan rã vào năm thứ hai của chiến tranh thế giới, nó vẫn tồn tại được qua những năm cách mạng chỉ là nhờ sự lãng phí vô độ tư bản bất bất biến và sự bóc lột sức lao động một cách dã man. Hơn nữa, xét về quãng đường đi, đối với toàn bộ nền kinh tế có một mức độ không cân xứng – 1/5 thời kỳ trước chiến tranh dành cho công nghiệp, một nửa cho nông nghiệp. Sự cải thiện về thu thuế hiện vật cùng nguồn lực tài chính của nhà nước, và nữa là sự gia tăng lợi nhuận của ngành công nghiệp nhẹ làm việc cho thị trường, sự mở rộng thương mại nói chung và các khoản phí tự do được thanh toán, tất cả đều làm tăng tài nguyên cho hệ thống giao thông vận tải. Một số trợ giúp nữa là các khoản vay nhỏ từ nước ngoài, chủ yếu dưới dạng vật liệu cần thiết cho đường sắt. Nhưng thực tế đã chứng minh phục hồi vận tải trong những năm đầu tiên nói chung là không thể. Trước hết, các tuyến đường chính quan trọng nhất, dẫn đến các cảng và kết nối thủ đô với miền Nam, Caucasus và Siberia, phải được khôi phục. Phần còn lại của mạng lưới chỉ bắt đầu hồi sinh sau đó, và nó diễn ra khá chậm. Việc xây dựng lại đường sắt mới chỉ bắt đầu vào năm thứ năm của NEP, và chủ yếu dưới hình thức hoàn thiện các tuyến và đường ray trước đó. Cùng lúc đó, vận tải cơ giới và hàng không cũng dần dà phát triển. Vào thời điểm NEP bắt đầu, đi lại bằng ô tô chỉ dành cho một nhóm nhỏ người, trên tất cả là những người được gọi là ‘chính ủy’, người mà bây giờ bạn đọc được rất nhiều trong các bài viết lịch sử về cuộc cách mạng vĩ đại. Chiếc xe máy vượt quá tầm tay của những người lao động bình thường. Nhưng nửa thập kỷ trôi qua, mọi nhà máy đều sở hữu các phương tiện cơ giới, không chỉ để chở hàng hóa và hành chính mà còn để phục vụ công nhân của nhà máy và con cái của họ. Động cơ ô tô cũng bắt đầu dần thay thế cho xe ngựa kéo; đến cuối thập kỷ, đi lại bằng ngựa trong các trung tâm dân cư lớn chỉ được xem như là một điều xa xỉ hay một trò đùa.

Bây giờ tôi vẫn phải nói qua về tiến trình điện khí hóa trong giai đoạn này. Các đồng chí ạ, nếu các đồng chí nhận ra đất nước ta nghèo đói đến nhường nào trong thời kỳ cách mạng, nếu mô tả được bằng lời bữa ăn hàng ngày của một người lao động bình thường và gia đình anh ta trong những ngày tháng đó, thì chắc chắn các đồng chí sẽ thấu hiểu được tinh thần anh hùng, sự can đảm táo bạo của nước cộng hòa trong việc chống lại sự phá hoại và bắt tay vào thực hiện kế hoạch điện khí hóa vào thời kỳ này. Để cho bất kỳ công trình xây dựng mới nào chỉ qua vài năm đã tạo ra kết quả về mặt sản xuất thì chỉ có thể là trong một xã hội mà tích lũy đã đạt đến chín muồi, nơi mà một phần giá trị thặng dư (nếu là xã hội tư bản) hoặc thặng dư sản phẩm (nếu là xã hội xã hội chủ nghĩa) có thể được rút khỏi chi tiêu vãng lai để duy trì và tái sản xuất sức lao động trên các công trình xây dựng mới. Tất nhiên, ở nước Nga Xô Viết những năm 1920 không có thặng dư như vậy. Trái lại, những nhu cầu của nhân dân từ những cái cơ bản nhất, đặc biệt là từ giai cấp công nhân, còn chưa đáp ứng nổi. Trong điều kiện đó, việc xây dựng các nhà máy điện mới đồng nghĩa với việc khấu trừ vào ngân sách vốn đã khốn khó của công nhân và nông dân vì lợi ích của tương lai; đó là một sự hy sinh lớn lao của nhân dân cho sự tiến bộ. Kế hoạch điện khí hóa của nước Nga Xô Viết đã được hình thành trong thời gian 10 năm. Tuy nhiên, hình thức sơ khai của nó đã không được thực hiện trong thời kỳ này, mặc dù ở mặt khác, một số vấn đề trong lĩnh vực này đã đạt được mà kế hoạch không lường trước. Trên thực tế, sau khi xây dựng các nhà máy điện tại Shatura, Kashira, Utka, Kizel và nhà máy thủy điện Volkhov gần Petrograd, họ tiếp tục xây dựng các trạm điện cấp huyện ở các khu vực Donets, Nizhny-Novgorod và Chelyabinsk, điện khí hóa Baku, xây dựng một trạm trên ghềnh Dnepr, v.v. Ngoài ra, một công ty vận tải Nga-Đức được đặc biệt thành lập để làm tiền đề cho công cuộc khảo sát nhằm đặt một siêu đường ray dẫn tải điện, kéo dài từ Berlin qua Moscow, Irkutsk đến Vladivostok, điều này đòi hỏi phải thiết lập một số trạm thủy điện mới dọc theo đường ray. Mỗi quận[1] thị trấn coi việc có một trạm điện nhỏ phục vụ vùng nông thôn lân cận là một điều vinh dự, nếu nó không thể kết nối với trạm điện [2] huyện gần nhất.

Tất cả các nhà máy điện mới này bắt đầu gây ảnh hưởng to lớn đến cả đời sống kinh tế cũng như các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả những điều thường nhật ở nước cộng hòa. Việc điện khí hóa trong thời kỳ đó, mặc dù ở quy mô mà bây giờ đối với chúng ta đem ra so sánh thì dường như quá nhỏ bé, đã dẫn tới:

  1. tiết kiệm rất nhiều nhiên liệu ở tất cả các doanh nghiệp sử dụng năng lượng điện;
  2. tiết kiệm rất nhiều cho hệ thống giao thông, giải phóng hàng triệu thùng gỗ, than đá và dầu mỏ (hầu hết các nhà máy điện hoạt động bằng nhiên liệu địa phương, tức là than địa phương, than bùn, đá phiến sét, v.v.);
  3. tiết kiệm rất nhiều sức lao động ở các xí nghiệp mà sau khi điện khí hoá, cơ giới hoá lao động được đưa vào thì lao động tay chân tay thô sơ đã được thay thế bằng công việc của máy móc (chặt và xẻ gỗ, bốc xếp, v.v.).

Theo một tính toán gần đúng, trong thời kỳ này điện khí hóa đã dẫn đến một khoản tiết kiệm hàng năm tương đương với công việc của hơn một triệu người trong một năm.

Ở đây tôi sẽ kết luận cho phần trình bày của tôi về tình trạng công nghiệp, và trong bài giảng tiếp theo, tôi sẽ đề cập đến vị trí của giai cấp công nhân và hệ thống phân phối trong thời kỳ đó.


*Chú thích

[1] uyezdny

[2]. rations


GIỚI THIỆU

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận