IRAN 1979: Cuộc cách mạng bị đánh cắp

Minoo Jalali là một trong những người chống lại việc Ayatollah Khomeini lên nắm quyền ở Iran. Vào những tháng đầu năm 1979, bà tham gia một cuộc biểu tình của đông đảo phụ nữ phản đối việc bắt buộc đội khăn trùm đầu ở nơi công cộng. “Cuộc cách mạng đó là không thể tránh khỏi”, Jalali kể lại trong một cuộc phỏng vấn với Tập đoàn Phát thanh truyền hình Canada 40 năm sau. “Không ai có thể thực sự ngăn được sức mạnh của nó. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể lèo lái nó [nhưng] chúng tôi đã sai. Và các giáo sĩ đã cướp lấy nó… và lừa dối rất nhiều người.”

Cuộc cách mạng Iran hứa hẹn sự giải phóng. Công nhân, phụ nữ, các nhóm thiểu số bị áp bức trên toàn quốc, nhà thơ, nghệ sĩ, sinh viên, người thất nghiệp, chủ cửa hàng và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã lật đổ chế độ quân chủ Pahlavi do Mỹ hậu thuẫn. Các công nhân cách mạng của Iran đã tạo ra các “shura”, hay còn gọi là hội đồng công nhân — các hội đồng dân chủ vốn đã xuất hiện trong tất cả các cuộc cách mạng vĩ đại từ Nga năm 1917 đến Chile chỉ sáu năm trước đó. Các Shura nắm giữ chìa khóa cho một xã hội có thể vượt ra khỏi chủ nghĩa tư bản.

 

Tuy nhiên, vào cuối năm 1979, các Shura đã bị chuyển đổi thành các Hiệp hội Hồi giáo. Tới cuối năm 1980, hàng trăm nghìn người đã gọi lên để chiến đấu và chết trong một cuộc chiến tàn khốc với nước láng giềng Iraq. Điều kiện sống của những người bị áp bức, đặc biệt là phụ nữ và các dân tộc thiểu số như người Kurd, đã bị giật lùi. Trong khi nhà nước quân chủ của Iran đã bị xóa sổ, Đảng Cộng hòa Hồi giáo của Khomeini lại trở thành những người thực thi sự áp bức của chủ nghĩa tư bản.

 

Để hiểu được cách lời hứa nhanh chóng bị phản bội như thế nào, chúng ta cần biết về bối cảnh của nó.

 

Trong những thập kỷ trước cuộc cách mạng, chủ nghĩa tư bản Iran đang đứng ở ngã ba đường. Shah Reza Pahlavi, người tự mô tả mình là “Vua của các vị vua”, mong muốn các thành phố quốc tế nhưng được tự do bày tỏ quan điểm chính trị, và một quá trình hiện đại hóa hòa bình với địa chủ và các thủ lĩnh bộ lạc. Chế độ quân chủ phản động của Iran – bị kiểm soát bởi các triều đại của gia đình Pahlavi – đã hợp tác chặt chẽ với người Anh và sau đó là người Mỹ, cả hai đều muốn kiểm soát trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của đất nước này. Sự vắng mặt của nền dân chủ trong hệ thống chính trị của Iran không chỉ có lợi cho Shah mà còn cho cả chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

 

Những người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản — tầng lớp trung lưu trên và tư sản bản địa của Iran — có những lúc xung đột với Shah về việc ai sẽ kiểm soát và hưởng lợi từ sự giàu có từ dầu mỏ. Thử thách lớn nhất đến vào năm 1951, khi Mohammad Mosaddegh, lãnh đạo được nhiều người ưu chuộng của Mặt trận Quốc gia tư sản, được bổ nhiệm làm thủ tướng. Mosaddegh đã quốc hữu hóa Công ty Dầu mỏ Anh-Iran, một công ty độc quyền do Anh sở hữu 50%. Hai năm sau, ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính trao lại quyền lực vào tay Shah. Công đoàn bị đặt ngoài vòng pháp luật; các tổ chức cánh tả đều bị tiêu diệt.

 

 

Sau cuộc đảo chính, gia đình Pahlavi trở lại vai trò chỉ đạo trong nền kinh tế Iran. Họ muốn “hiện đại hóa” Iran và tài trợ lối sống hào nhoáng cho giới thượng lưu, đồng thời dẹp bỏ những kẻ thách thức chế độ. Richard Kapuscinski, trong cuốn sách “Shah of Shah’s” năm 1982, viết rằng Reza Pahlavi sẽ nói, “Với dầu mỏ, tôi sẽ tạo ra một nước Mỹ thứ hai trong một thế hệ”. Tầm nhìn này được gói gọn trong một gói cải cách có tên là Cách mạng Trắng nhằm tăng năng suất nông nghiệp và đưa những địa chủ và thủ lĩnh bộ lạc quyền lực, đôi khi nổi loạn, tham gia vào chính phủ. Trong khi một số ít chủ đất làm giàu, phần lớn nông dân nghèo không có đất bị đẩy vào cảnh bần cùng. Trong thập kỷ trước cuộc cách mạng, ước tính có khoảng năm triệu nông dân, tức một phần tư dân số nông thôn, đã di cư đến các thành phố.

 

Chương trình hiện đại hóa đã thúc đẩy chủ nghĩa thế tục, và thuyết phục Shah chống lại các “ulama”, còn gọi là các chuyên gia tôn giáo Hồi giáo. Là nơi có 80.000 nhà thờ Hồi giáo, các giáo sĩ của Iran có ảnh hưởng chính trị và xã hội đáng kể. Các giáo sĩ trước đây đã nổi dậy chống lại các yếu tố trong các chính sách thế tục của Shah, chẳng hạn như quyền bầu cử và cơ hội việc làm trong chính phủ dành cho phụ nữ. Đỉnh điểm là một phong trào quần chúng năm 1963. Sau phong trào này, Ayatollah Ruhollah Khomeini, một giáo sĩ có ảnh hưởng, bị lưu đày. Vào những năm 1970, một phiên bản của Hồi giáo chính trị, chống lại ảnh hưởng của phương Tây và nói về cuộc đấu tranh giữa những người bị áp bức (mostazafin) và những người áp bức (mostakhbarin) một cách hiếu chiến, đã giành được ảnh hưởng. Ý thức hệ này và tầng lớp xã hội ủng hộ nó, có mối liên hệ sâu sắc với các chủ cửa hàng (còn gọi là bazaaris), đã chống lại thói hoang phí của Shah nhưng vẫn kiên quyết ủng hộ tư hữu.

 

 

Để củng cố dự án của mình và ngăn chặn những kẻ thách thức tiềm năng, Shah đã xây dựng một đội quân trung thành với chế độ quân chủ. Iran trở thành nhà nhập khẩu vũ khí trang bị lớn nhất thế giới. Với sự hỗ trợ của CIA, một lực lượng an ninh nội địa đáng gờm, được gọi là SAVAK, đã tuyển dụng hàng chục nghìn đặc vụ bí mật. SAVAK đã góp phần tạo nên bầu không khí sợ hãi và đe dọa. Abbas Milani, một học giả đã bị chế độ bỏ tù vào cuối những năm 1970, nói với các nhà báo của Al Jazeera 30 năm sau, “Khi làm việc ở Iran, chúng tôi giả định là trong bất kỳ nhóm nào gồm bốn hoặc năm người, một người sẽ được cài vào [bởi SAVAK]” .

 

Lợi nhuận của ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran đã tăng vọt sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được thành lập vào năm 1960. Dầu mỏ chiếm 2/3 doanh thu của chính phủ vào giữa những năm 1960. “Hiện đại hóa” đã tạo ra một tầng lớp tinh hoa giàu có và củng cố tầng lớp trung lưu nhưng công nhân và người nghèo phải chịu đựng rất nhiều.

 

Mặc dù Iran là nền kinh tế tiên tiến nhất Trung Đông, mạng lưới các khu ổ chuột — không có nước hoặc điện, chứa những ngôi nhà xây dựng từ đồng nát — vẫn mọc lên như nấm ở các vùng ngoại ô của các thành phố lớn để đáp ứng nhu cầu nhập cư nhanh chóng từ nông thôn. Người lao động phải chịu cảnh thiếu việc làm triền miên, tìm kiếm công việc lưu động với mức lương thấp trong ngành xây dựng và dịch vụ trong thời kỳ kinh tế bùng nổ nhưng chẳng tìm thấy gì trong thời kỳ kinh tế sụt giảm. Nhiều người lao động làm việc trong các cửa hàng nhỏ với mức lương tồi tệ. Hầu hết các ngôi làng ở Iran đều thiếu trường học, bệnh viện và chịu điều kiện vệ sinh kém.

 

Tuy nhiên, bối cảnh của công nhân dầu mỏ và hóa dầu lại khác. Trong những năm 1960 và 1970, năng suất, cơ giới hóa và việc làm trong ngành công nghiệp dầu mỏ đã tăng lên đáng kể. Hơn 50.000 công nhân làm việc trực tiếp trong việc khai thác và lọc dầu, và hàng chục nghìn công nhân khác trong việc vận chuyển, lưu trữ và bảo trì. Vì dầu mỏ chiếm vị trí trung tâm trong nền kinh tế Iran và lực lượng lao động tập trung lại một chỗ, Shah luôn thấp thỏm trong việc giữ gìn trật tự.

 

 

Thông qua các cuộc đình công ngắn hạn, sắc nét, công nhân dầu mỏ đã cải thiện được tiền lương và điều kiện làm việc. Năm 1972, mức lương trung bình theo giờ của công nhân dầu mỏ là 83 rial (đồng nội tệ), so với 38 rial trong ngành thuốc lá, 17 rial trong ngành vận tải và 13 rial trong ngành dệt. Các cơ sở dầu mỏ bị kiểm soát bởi binh lính và SAVAK. Trong trường hợp không có tổ chức công đoàn hợp pháp, các hiệp hội doanh nghiệp (company syndicates) cung cấp cách thức để người lao động bày tỏ sự bất bình. Tuy nhiên, nếu các ứng cử viên công nhân cánh tả hoặc có tính tranh đấu giành được sự ủng hộ cho các vị trí đại diện trong hiệp hội, quân đội sẽ cấm họ vào nhà máy vào ngày bầu cử. Các đặc vụ của SAVAK đã tung tin đồn xấu về lòng trung thành và phe phái của những người lao động có tính tranh đấu nhằm xói mòn sự đoàn kết tại nơi làm việc và tạo ra sự ngờ vực.

 

Ngay cả đối với những công nhân khá giả, điều kiện làm việc ở nhà máy vẫn nguy hiểm và ngột ngạt. Asef Bayat, trong cuốn sách Workers and Revolution in Iran dựa trên nghiên cứu thực địa tại 14 nhà máy lớn của Iran trong những năm sau cuộc cách mạng, ước tính rằng mỗi ngày xảy ra hai vụ tử vong do làm việc. “Mọi người đều muốn lên tiếng”, Bayat viết về tình huống ở một nhà máy kim loại. “Bạn được kể rất nhiều điều; và tất cả đều là những lời than phiền, những lời phàn nàn được đưa ra một cách ầm ĩ và giận dữ:

 

Hỏi: Anh/chị đã làm việc ở đây trên chiếc lò 12 tấn này được khoảng chín năm; anh/chị có bị bệnh gì không?

Đáp. Bệnh?! Tất cả chúng tôi đều mắc bệnh, thậm chí cả bệnh tâm thần thuộc loại này hay loại khác. Chúng tôi không có bác sĩ, không ai xem xét vấn đề của chúng tôi một cách nghiêm túc. Tất cả chúng tôi đều bị thương tật gì đó; bàn tay, bàn chân của chúng tôi, v.v. đều bị bỏng hoặc bị thương. ”

 

 

Vào giữa những năm 1970, giá dầu sụt giảm đã gây ra một cuộc suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng vọt. Tiền thuê nhà tăng 200% vào năm 1974 và tăng gấp đôi một lần nữa vào năm 1975. Trong khi tiền lương trong các công ty sản xuất lớn tăng 2,6% vào năm 1977, lạm phát tăng 27,%. Những người đã bị áp bức thì càng bị vắt kiệt hơn nữa, trong khi những kẻ giàu có vẫn tiếp tục lối sống xa hoa.

 

 

Nghệ sĩ người Mỹ Andy Warhol đã đến Tehran vào năm 1978 để chụp ảnh vợ chồng Shah. Bob Colacello, biên tập viên của tạp chí Interview của Warhol đã đồng hành cùng ông trong cuộc hành trình. Colacello viết: “Các biệt thự của họ dường như chẳng khác gì những cái ở Bel-Air — ngoại trừ những tấm thảm Ba Tư bên cạnh hồ bơi — và những người phụ nữ mặc bikini cả ngày và thời trang cao cấp vào ban đêm”. Các bức chân dung của Warhol được trưng bày tại lễ hội nghệ thuật Shiraz vào tháng 9. Nhưng ngay trước lễ hội, Bộ Văn hóa đánh điện báo rằng sự kiện đã bị hủy bỏ. Các cuộc biểu tình đông đảo đã làm tê liệt Tehran. Các công nhân dầu mỏ đình công đòi nhà ở giá rẻ. Cuộc cách mạng đã bắt đầu.

 

Dự án hiện đại hóa của Shah đã củng cố sức mạnh nhà nước nhưng cũng xói mòn sự ủng hộ vốn đã hạn chế của ông. Địa chủ, giáo sĩ, trí thức, sinh viên, công nhân và nông dân đều có hiềm khích với Shah. Việc nới lỏng tương đối các hoạt động đàn áp trong những năm 1970 cũng khiến các chỉ trích nổi lên. Mặt trận Quốc gia và các trí thức, được khuyến khích bởi Tổng thống mới của Hoa Kỳ lúc bấy giờ Jimmy Carter, yêu cầu các quyền tự do tư sản và khôi phục các quyền đã được trao trong Cách mạng Lập hiến 1905.

 

Sự phản đối của quần chúng nhanh chóng nổ ra giữa những cư dân nghèo và thất nghiệp của các khu ổ chuột ở phía nam Tehran. Vào tháng 6 năm 1977, cư dân đã chiến đấu với cảnh sát để ngăn những ngôi nhà tạm của họ bị san ủi. Họ, chủ yếu là những người đàn ông trẻ bỏ trống ngôi nhà lâu đời ở nông thôn để tìm kiếm sự thịnh vượng ở thành thị, bị sỉ nhục bởi nghèo đói. Họ học được rằng, sự tàn bạo của xã hội được thể hiện ở cả bọn côn đồ của địa chủ và cảnh sát thành phố.

 

 

Các cuộc bạo loạn trong khu ổ chuột đã biến những bất bình âm ỉ thành một cuộc nổi dậy công khai. Các cuộc nổi dậy đôi khi vô tình liên kết lại với nhau. Vào tháng 10 năm 1977, Liên hoan các nhà văn Iran đã tổ chức mười đêm đọc thơ, được gọi là “Dah Shab”. Mỗi đêm, hàng ngàn người tụ tập. Đến ngày thứ tư, nhà chức trách dùng vũ lực để giải tán đám đông. Một cuộc biểu tình tự phát, hô hào chống lại Shah, đã đẩy lùi cảnh sát. Các nhân vật quốc tế – bao gồm Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir và Allen Ginsberg – lên tiếng ủng hộ các nhà văn và hướng sự chú ý của truyền thông vào những người bất đồng chính kiến ​​chống Shah.

 

Các giáo sĩ, dẫn đầu là Khomeini đang lưu vong, nổi lên như một phe đối lập có ảnh hưởng nhất. Để xoa dịu họ, Shah đã đóng cửa các tụ điểm cờ bạc, bãi bỏ Bộ Phụ nữ và tấn công các tổ chức cánh tả. Điều này chỉ củng cố thêm sức mạnh của các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng và hiếu chiến. Khomeini bắt đầu kêu gọi lật đổ Shah. Những người ủng hộ đã tuồn các cuộn băng chứa bài giảng của ông để phát trong các nhà thờ Hồi giáo. Trong khi đó, Khomeini lên sóng các phương tiện truyền thông quốc tế, tố cáo Shah và nâng cao hình ảnh cá nhân. Thông qua hàng chục ngàn nhà thờ Hồi giáo, các giáo sĩ đã trở thành một luồng ảnh hưởng quan trọng trong lòng người nghèo thành thị. Khi Shah cố gắng khích các nhóm đối lập chống lại nhau bằng cách đưa bazaaris làm vật tế thần, điều đó cũng đẩy nhóm có khả năng kinh tế hùng mạnh này vào liên minh với Hồi giáo. Bazaaris đã cung cấp các khoản tiền quan trọng cho chiến dịch của Khomeini và nhiều lần đóng cửa các khu chợ để ủng hộ các cuộc biểu tình.

 

 

Chế độ buộc phải dùng đến bạo lực. Vào tháng 1 năm 1978, các sinh viên thần học đã biểu tình chống lại một bài báo phỉ báng Khomeini trên một tờ báo của chính phủ. Theo một số ước tính, lực lượng an ninh đã nổ súng khiến 60 sinh viên thiệt mạng. Điều này đã thúc đẩy một chu kỳ biểu tình hàng loạt, cứ 40 ngày một lần — khi kết thúc thời kỳ để tang trong truyền thống Hồi giáo Shi’ite — quần chúng sẽ tụ tập để tôn vinh những người tử vì đạo và bày tỏ sự phản đối Shah.

 

Có những lúc, sự tàn bạo của chế độ không hề có giới hạn. Vào tháng 9 năm 1978, quân đội đã sát hại hơn 1.000 người biểu tình trong ngày được biết đến với cái tên “Thứ Sáu Đen Tối” của Tehran. Trước đó là những ngày tuần hành lên đến nửa triệu người đòi Khomeini trở lại và lật đổ chính phủ. Đây là những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Iran. Shah đáng ra đã có thể đợi tình hình lắng xuống nếu như tính chất và cường độ của cuộc cách mạng không bị thay đổi bởi các cuộc đình công hàng loạt vào những tháng cuối năm 1978. Một số ngành công nghiệp và nơi làm việc đã đình công vào đầu năm nhưng một làn sóng đình công vào tháng 9 bắt đầu bởi công nhân dầu mỏ của Tehran công nhân sớm nhận chìm đất nước. Bayat mô tả tình huống đó:

 

 

“Chỉ riêng vào ngày 6 tháng 10, công nhân đường sắt ở Zahedan, 40.000 công nhân thép ở Isfahan, công nhân mỏ đồng Sar Cheshmeh và Rafsanjan, tại Abadan Petrochemical, tại Công ty bưu điện và điện tín Isfahan và tất cả các chi nhánh của Ngân hàng Shahriar đã đình công. Ngày hôm sau cũng vậy: tất cả các nhà máy lọc dầu, Dịch vụ Hàng không Hoàng gia, nhà máy Iranit ở Ray, các nhân viên hải quan ở Jolfa, Cục Hàng hải và Cảng ở Bandar Shahpour, Máy kéo Sazi ở Tabriz, đài phát thanh tại các đài truyền hình ở Rezayah, 80 đơn vị công nghiệp ở Isfahan, một nhà máy thép ở Bafgh, các nhân viên của cơ quan tư pháp trên khắp đất nước và nhân viên của Bộ Tài chính ở Maragheh đã tham gia ”.

 

 

Đáng kể nhất là các cuộc đình công dầu mỏ càng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về mặt chính trị. Ủy ban Đình công Abadan yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị và giải thể SAVAK. Các cuộc đình công có hiệu quả kinh khủng: sản lượng bị cắt giảm xuống 0 vào tháng 11 và thu nhập của chính phủ giảm gần một phần tư. Ngay sau khi các cuộc đình công bắt đầu, tạp chí Time đã phỏng vấn Shah, mô tả “một người đàn ông vô cùng đau buồn”, “thiếu sức sống và nhiều lo ngại trong giọng nói của mình”. Vào tháng 11, đại sứ Hoa Kỳ tại Tehran đã than thở: “Nguồn cung cấp dầu của Iran là tĩnh mạch cổ của chế độ. Cắt những nguồn cung cấp này là cắt cổ họng của Shah ”.

 

Trong tháng sau, một cuộc tổng đình công đã làm tê liệt đất nước và đe dọa sự sụp đổ của chế độ. Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu tránh xa Shah, và phe đối lập tôn giáo của Iran càng tự tin hơn trong việc lật đổ ông. Tháng 1 năm 1979, Shah trốn sang Ai Cập. Chính thức thì ông ấy đang “đi nghỉ” nhưng những người cách mạng biết họ đã đạt được điều gì. Lễ kỷ niệm tràn ngập khắp các đường phố của Iran: những người bán hàng phân phát đồ ngọt miễn phí, các bức tượng của Shah bị lật đổ. Quân nổi dậy càn quét quân đội. Được sự hỗ trợ của các chiến binh du kích, quân nổi dậy đã chiếm được doanh trại, kho vũ khí và quốc hội. Vào ngày 16 tháng 2, nỗ lực đảo chính của các vệ binh hoàng gia, lực lượng vũ trang duy nhất vẫn trung thành với Shah, đã bị bóp nghẹt. Dấu tích cuối cùng của nhà nước quân chủ đã bị phá hủy. Vị Shah cuối cùng không bao giờ đặt chân đến Iran nữa.

 

 

Sau hơn mười bốn năm, Khomeini chiến thắng trở về từ lưu vong vào ngày 1 tháng Hai và nhanh chóng bổ nhiệm Mehdi Bazargan làm thủ tướng trong chính phủ lâm thời. Nhưng chế độ mới không hề ổn định. Một cuộc khủng hoảng kinh tế và cuộc tháo chạy vốn khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, và các thể chế cách mạng khác nhau cạnh tranh để giành quyền kiểm soát đa số.

 

Trong bầu không khí tự do của cuộc cách mạng, các thể chế dân chủ mới đã được tạo ra để điều phối các hoạt động biểu tình và thậm chí là các vấn đề kinh tế. Cơ quan quan trọng nhất là các “shura”, hay còn gọi là các hội đồng nhà máy, nổi lên trên khắp đất nước. Shura đã được tạo ra bởi công nhân để tổ chức sản xuất. Bắt đầu với nhiệm vụ là mở rộng của các ủy ban đình công, “shura” đã đặt ra một thách thức cơ bản đối với sự bóc lột tư bản. Cơ cấu cụ thể của các shura khác nhau nhưng hầu hết đều áp dụng hình thức dân chủ với các đại biểu được bầu chọn và có được tính chính danh từ các đại hội đồng thường trực. Một công nhân nói với Bayat: “Chúng tôi đã thành lập và chỉ định shura này phụ trách nhà máy, giải quyết các vấn đề và công việc”. “Chúng tôi đã xây dựng shura vì lợi ích của cuộc cách mạng của chúng tôi.”

 

 

Shuras đã được phổ biến như một phương thức tổ chức giữa nông dân và sinh viên và cả trong các lực lượng vũ trang. Trong số những người nghèo thành thị, các “komiteh” trong khu vực dân cư nổi lên như thể chế xã hội có sự tham gia của quần chúng. Shura yêu cầu quyền kiểm soát đối với việc tuyển dụng và sa thải, thanh trừng các đặc vụ SAVAK và cấm sa thải các công nhân có tinh thần tranh đấu. Họ yêu cầu được tiếp cận với nguồn tài chính của công ty và quyền ra quyết định về cách chi tiêu ngân quỹ. Khi ban lãnh đạo trốn ra nước ngoài, các shura đã tiếp quản hoạt động của các nhà máy để giữ chúng vận hành. Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ, các shura hành xử một phần như các tổ chức công đoàn hoặc ủy ban đại diện quản lý doanh nghiệp, với sự can thiệp và tinh thần tranh đấu mạnh mẽ hơn.

 

Shura được nhiều người coi là công cụ kiểm soát của người lao động, mặc cho có những cách diễn giải khác nhau về ý nghĩa nó. Cảm giác sở hữu và tính cấp tiến tràn ngập các nhà máy. Việc tham gia vào shura đã làm thay đổi ý thức của người lao động. “Ngày nay, bạn không cần phải bảo một công nhân đi làm”, một công nhân của Nhà máy giày Melli nói với Bayat. “Anh ấy tự làm việc; tại sao? Lý do tại sao anh ta không làm việc [dưới quyền của Shah] là vì anh ta dưới quyền của sếp. Anh ấy không thể lên tiếng. Bây giờ, anh ấy sẽ nói: ‘Công việc này do tôi làm chủ. Tôi sẽ đi làm’.”

 

 

Các hành động của công nhân, vốn đã bảo đảm cho sự sụp đổ của Shah, giờ đây được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của giai cấp tư sản Iran và chế độ chính trị mới của nó. Khomeini ra lệnh họ quay trở lại làm việc. Đảng Cộng hòa Hồi giáo mới đã chia rẽ trong nội bộ về cách thức vận hành của một Iran hậu Shah, nhưng tất cả các phe phái đều nhất trí rằng cần phải tiêu diệt shura và nền kinh tế tư bản cần phải ổn định. Các thể chế như shura và komiteh đã mang lại cho công nhân và những người nghèo nhất trong xã hội quyền lực kinh tế và chính trị, vốn cần được đặt lại vào tay các giai cấp bóc lột.

 

 

Các komiteh dễ dàng bị ảnh hưởng bởi Khomeini và các giáo sĩ. Khomeini muốn tiếp tục gần gũi với phong trào quần chúng để kiểm soát nó, trình diện nước Cộng hòa Hồi giáo mới với tư cách một anh hùng cho những người bị áp bức. Những người bất đồng chính kiến ​​cánh tả đã bị vu khống là đồng minh của những kẻ đàn áp và bị thanh trừng khỏi các komiteh. Các kohmiteh, theo thời gian đã trở thành cơ sở chủ lực cho Đảng Cộng hòa Hồi giáo. Ngoài những người nghèo thành thị tham gia komiteh, Khomeini đã lập ra Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, hay còn gọi là pasdaran, lực lượng này lần đầu tiên được cử vào để tiêu diệt một cuộc nổi dậy của người Kurd nhằm giải phóng dân tộc. Pasdaran ngày càng bắt chước SAVAK, theo dõi, đe dọa, đánh đập và giết chết những người cánh tả và những lãnh đạo công nhân.

 

Các lực lượng phản cách mạng của Khomeini đã can thiệp để hạn chế hoạt động của shura. Sử dụng ý thức hệ Hồi giáo và đạo đức, nhà nước biến shura thành các Hiệp hội Hồi giáo, tuyên bố rằng gián đoạn quá trình sản xuất là chống lại Hồi giáo. Ở những công sở được chuyển đổi thành công, shura trở thành một cấu trúc tương tự với các tập đoàn và cấm thành viên các tổ chức cánh tả ứng cử. Một nhà lãnh đạo trong một shura như vậy đã mô tả: “Cuộc cách mạng của chúng tôi là một cuộc cách mạng Hồi giáo. Chúng tôi đã không thực hiện một cuộc cách mạng cộng sản. Vì vậy, các thành viên shura phải giữ quan điểm Hồi giáo ”.

 

Sự đàn áp leo thang. Một luật mới đã được đưa ra, phạt hai đến chín năm tù đối với những cá nhân “làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trong các xưởng và nhà máy hoặc khuyến khích công nhân ngừng làm việc hoặc đóng cửa xưởng hoặc nhà máy”. Cuộc phản cách mạng đã hạn chế thành công hoạt động của shura. Vào giữa năm 1979, phần lớn các sáng kiến ​​của công nhân để kiểm soát các nhà máy đã bị bóp nghẹt. Các shura còn lại đã bị vô hiệu hoá, đổi tên thành Hiệp hội Hồi giáo có nhiệm vụ tạo ra “tinh thần hợp tác và đoàn kết giữa tất cả nhân viên và ban lãnh đạo”. Cuối năm 1979, Khomeini được bổ nhiệm làm Lãnh đạo tối cao đầu tiên của Iran. Mặc dù các cuộc đình công tiếp tục xảy ra lẻ tẻ, thách thức đối với chủ nghĩa tư bản đã bị phá hỏng.

 

 

Trong suốt những năm sống lưu vong, Khomeini đã gây dựng được một lượng lớn người đi theo. Tuy nhiên, chiến thắng của cuộc phản cách mạng Hồi giáo hoàn toàn không hề được suôn sẻ. Người lao động không dễ dàng hay ngay lập tức chấp nhận rằng ham muốn làm chủ cuộc đời của họ nên được hy sinh cho giáo điều tôn giáo. “Họ nói rằng chúng tôi đã không thực hiện cuộc cách mạng để cải thiện kinh tế!”, Bayat trích lời một công nhân nhà máy ở Azmayesh nói vào năm 1981. “Vậy thì chúng tôi đã làm nó để làm gì? Họ nói vì đạo Hồi! Nhưng đạo Hồi đó có nghĩa lý gì? Chúng tôi làm nó để cải thiện các điều kiện của cuộc sống của chúng tôi. ”

 

Vào tháng 3 năm 1981, tại nhà máy Iran Cars, tranh chấp về việc không trả lương dẫn đến việc ban lãnh đạo shura bị bắt. Đại diện của Khomeini đã đến thăm nhà máy và phải đối mặt với một công nhân người Azerbaijan và bị cảnh báo: “Cũng như chúng tôi hạ bệ chế độ Shah, chúng tôi có thể hạ bệ bất kỳ chế độ nào khác”. Nhưng Khomeini và mạng lưới giáo sĩ của ông ta có lực lượng chính trị có tổ chức nhất ở Iran, có khả năng tranh cãi, bắt nạt và gây ảnh hưởng đến quần chúng công nhân và người nghèo thành thị trên toàn quốc.

 

 

Các tổ chức có ảnh hưởng nhất của cánh tả Iran là phe Maoist, các đơn vị du kích của Fedayeen và Mojahedin. Về mặt chính trị, các tổ chức này chỉ khác nhau về thái độ đối với tôn giáo: Fedayeen kiên quyết thế tục, trong khi Mojahedin muốn hợp nhất Hồi giáo với chủ nghĩa Stalin. Cả hai tổ chức đều tin cái thể gọi là quan điểm “cách mạng từng giai đoạn”, cho rằng mục tiêu trước mắt là đạt được một cuộc cách mạng “dân chủ tư sản” hoặc “chống đế quốc”, còn chủ nghĩa xã hội bị đẩy vào trong một tương lai xa. Tại Iran, lập luận cho rằng cánh tả nên ủng hộ giai cấp tư sản Iran tiến bộ và chống chủ nghĩa đế quốc, đối lập với bộ phận giai cấp tư bản bị ràng buộc với phương Tây.

 

Điều này dẫn đến sự hợp tác giai cấp: các yêu cầu độc lập của người lao động nên được gác lại vì “lợi ích quốc gia”. Bizhan Jahani, một nhà lý thuyết của Fedayeen, đã viết trong tác phẩm “Chủ nghĩa tư bản và Cách mạng ở Iran” rằng “Sự đoàn kết và hợp tác phải được mở rộng để bao trùm tất cả các lực lượng dân tộc chủ nghĩa. Bất kỳ tổ chức nào tham gia đấu tranh chống chế độ độc tài và chủ nghĩa đế quốc đều có thể có được sự ủng hộ và đồng hành của các tổ chức cách mạng vô sản tiên phong”. Chính xác rằng, khi Đảng Cộng hòa Hồi giáo đòi sự thống nhất quốc gia và chống lại các yêu cầu “chia rẽ” của người lao động, tất cả những gì cánh tả có thể làm là đồng ý.

Việc cánh tả giành được ủng hộ trong cuộc cách mạng dường như cung cấp một giải pháp thay thế cho các tổ chức bảo thủ hơn như Đảng Tudeh thân Liên Xô. Fedayeen đã có thể huy động 150.000 người cho một cuộc biểu tình tại Đại học Tehran vào năm 1979 và nhận được sự tôn trọng vì vai trò nổi bật của nó trong cuộc cách mạng tháng Hai. Tuy nhiên, cả Fedayeen và Mojahedin đều không có lực lượng chính trị hoặc định hướng chống lại cuộc phản cách mạng của Khomeini với các shura. Thật vậy, các tổ chức này không hề có một định hướng cụ thể nào cho giai cấp công nhân. Mặc dù được lãnh đạo bởi các sinh viên trung lưu ở thành phố, các tổ chức này chịu ảnh hưởng của tư tưởng Maoist coi đấu tranh du kích ở nông thôn là hoạt động cách mạng quan trọng nhất. Điều này dẫn đến việc họ coi thường tiềm năng cách mạng của shura.

 

Vậy cần những gì để tiếp tục đấu tranh cho quyền lực của người lao động? Thứ nhất, cần một lập luận chính trị kiên quyết để vạch trần bản chất phản cách mạng của lực lượng Khomeini. Thứ hai, một cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại các luận điểm hợp tác giai cấp của cả những người theo chủ nghĩa dân tộc và Hồi giáo để đòi độc lập cho giai cấp công nhân. Phải ngăn chặn sự hợp nhất của một nhà nước tư sản mới và thúc đẩy một cuộc cách mạng thứ hai chống lại chế độ mới. Các shura lẽ ra đã có thể cung cấp cơ sở cho điều này, nếu họ được liên kết thành các tổ chức toàn thành phố và toàn quốc — được mở rộng thành một tổ chức có khả năng hoạt động như một nhà nước thay thế, một chính phủ của người lao động. Giai cấp công nhân, thông qua các shura, sẽ phải giành được quyền lãnh đạo toàn bộ cuộc cách mạng, hành động như cái Lenin gọi là “hộ vệ của những người bị áp bức”, vì phụ nữ, người nghèo, sinh viên và các dân tộc thiểu số.

 

 

Tất cả những điều này sẽ đòi hỏi một đảng cách mạng cam kết rõ ràng với quyền lực của người lao động. Tuy nhiên, không có tổ chức nào phù hợp cho nhiệm vụ này. Nhà sử học Peyman Jafari viết: “Vào tháng 3 năm 1979, hàng nghìn phụ nữ đã phản đối các chính sách giới tính mới của Khomeini, đặc biệt là sắc lệnh bắt buộc phải đeo hijab”. “Cánh tả ủng hộ quyền của phụ nữ bằng mồm nhưng không có hành động cụ thể để bảo vệ họ và kêu gọi những người ủng hộ ngưng biểu tình vì hầu hết những người tham gia thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu”. Cánh tả cũng từ chối ủng hộ các cuộc đấu tranh cay đắng và đôi khi bị đàn áp dữ dội của các dân tộc thiểu số trong nước.

 

 

Vào giữa năm 1979, Khomeini bắt đầu sử dụng luận điệu chống chủ nghĩa đế quốc để kêu gọi sự ủng hộ cho nhà nước tư bản mới. Những người ủng hộ shura, những phụ nữ từ chối đeo mạng che mặt và tất cả những người phản đối Khomeini đều bị chụp mũ là ăn bả tuyên truyền của Hoa Kỳ và chủ nghĩa Phục quốc Do thái. Vào tháng 11, những sinh viên ủng hộ Khomeini đã chiếm đại sứ quán Hoa Kỳ như một phần của đấu tranh phe phái trong Đảng Cộng hòa Hồi giáo. Phe cánh tả cách mạng không thể nhìn thấu tính cay độc trong luận điệu chống chủ nghĩa đế quốc của Khomeini và không thể đánh giá đầy đủ vai trò phản cách mạng của Đảng Cộng hòa Hồi giáo và phân biệt đảng này với các lực lượng chính trị khác. Sự nhầm lẫn này mang lại hậu quả bi thảm.

 

 

Vào tháng 9 năm 1980, chính phủ của Saddam Hussein ở Iraq phát động cuộc chiến chống lại Iran. Được hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ, Hussein hy vọng khai thác cuộc khủng hoảng ở Iran để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực của Iraq và ngăn chặn sự lan rộng của cuộc nổi dậy qua Trung Đông. Đối với Khomeini, chiến tranh mang đến cơ hội ngàn vàng để thống nhất quốc gia. Ông kêu gọi tất cả những người Iran yêu nước hy sinh cho Nhà nước Hồi giáo mới. Bầu không khí chiến tranh tạo cớ để đàn áp mạnh mẽ hơn các hoạt động chính trị độc lập và cấm các shura vào đầu năm 1982. Chiến tranh đã phá hủy nhiều cơ sở dầu mỏ, và buộc hàng ngàn công nhân với nổi loạn nhất, có ý thức giai cấp nhất phải di cư. Thay vì chống lại sự đổ máu này, các đảng cánh tả lại ủng hộ chính phủ Hồi giáo và lòng trung thành của họ đã được đền đáp bằng các hoạt động đàn áp dã man hơn, với đỉnh điểm là vụ hành quyết hàng loạt các nhà lãnh đạo cánh tả vào năm 1988.

 

 

Sự thất bại của cuộc cách mạng Iran phủ một bóng đen dài. Nhà nước xuất hiện vào năm 1979 hoàn toàn không có chung mục tiêu giải phóng của cuộc cách mạng. Nó gây ra nỗi kinh hoàng để đè bẹp những chiến binh chân chính chống lại áp bức. Cộng hòa Hồi giáo của Khomeini tiếp tục chương trình của Shah nhằm phát triển Iran thành một cường quốc trong khu vực, đồng thời đưa ra một số chính sách xã hội phản động nhất trên trái đất. Thất bại khủng khiếp này không phải là không thể tránh khỏi. Cách mạng Iran là một trong những cuộc nổi dậy vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Giai cấp công nhân đã tạo ra các cơ quan của nền dân chủ cấp tiến và đã đi được nửa chặng đường tới quyền lực. Nếu những người theo chủ nghĩa xã hội cách mạng của Iran được tổ chức tốt hơn những giáo sĩ phản động, thì cuộc nổi dậy có thể đã đi theo một hướng khác.


Priya De, Báo Cờ đỏ, 24 tháng 9 năm 2022

Người dịch: Le Vu

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận