1918: năm đầu tiên của Cách mạng Nga (Phần I)
Giới thiệu
100 năm về trước, thế giới đã bị rúng động trước cuộc Cách mạng Tháng Mười. Chúng ta chân thành tôn vinh hành động anh hùng này như là minh chứng đầu tiên trong lịch sử về sức mạnh của giai cấp công nhân. Nhưng chính xác bằng cách nào mà những người Bolshevik và giai cấp công nhân Nga đã có được quyền lực mà giai cấp vô sản chưa từng có trước đây? Những thách thức họ đã gặp phải – về kinh tế, quản lý, chính trị và quân sự, bên trong cũng như bên ngoài nước Nga – và cách mà họ đối diện với chúng? Derek Gunby sẽ cung cấp cho chúng ta một bản phân tích kỹ lưỡng về năm 1918: năm đầu tiên của Cách mạng Nga.
Năm 1918 là một trong những năm hỗn loạn và bạo lực nhất mà thế giới đã từng thấy. Không chỉ bởi những đạo quân khổng lồ từ tất cả các quốc gia và lục địa đang chiến đấu với nhau trong một cuộc Thế chiến khủng khiếp mà còn bởi cuộc Cách mạng Nga vừa thắng lợi vào tháng 10 năm 1917 đã phải đối mặt với một làn sóng lớn của các đạo quân do ngoại bang ủy nhiệm đang nhăm nhe lật đổ nó. Thế chiến đã kết thúc vào cuối năm này. Chính phủ công nông Nga do những người Bolshevik lãnh đạo đã vượt qua mọi thử thách để đảm bảo chỗ đứng quan trọng cho cuộc cách mạng và bắt đầu nhiệm vụ lâu dài là đánh bại tất cả các lực lượng vũ trang phản cách mạng. Vẫn còn nhiều việc phải làm và phải tới năm 1921, sức mạnh của Soviet mới được củng cố trên toàn nước Nga. Bài viết này dõi theo các sự kiện chính và xác định những thách thức chủ yếu đối với cuộc cách mạng trong năm 1918, vai trò quyết định của Đảng Bolshevik và những người lãnh đạo nó, những bài học cho hôm nay.
Một cuộc cách mạng phản ánh những xung đột lớn giữa các giai cấp đối kháng, như đã từng xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử loài người, như Cách mạng Anh năm 1642, Cách mạng Pháp năm 1789, Công xã Paris năm 1871 và sau đó là Cuộc cách mạng Nga năm 1917. Đây là những sự kiện trọng đại mang tới hiểu biết cho tất cả những ai quan tâm tới vấn đề nhân loại, đặc biệt là cho những người Mácxít cách mạng đang mưu cầu lật đổ cái thế giới đang bị giai cấp tư sản thống trị để mở đường cho một xã hội không còn giai cấp.
Cách mạng là bước chuyển lớn nhất của lịch sử. Chúng đánh dấu một bước nhảy vọt cả về chất của sự phát triển xã hội loài người. Kéo theo đông đảo quần chúng tham gia trực tiếp vào các hoạt động chính trị. Trong tiến trình thông thường các sự kiện chính trị được tiến hành bởi chỉ một vài người đại biểu cho những lợi ích giai cấp nhất định. Nhưng trong một cuộc cách mạng trọng đại, như đã xảy ra ở Nga năm 1917, đông đảo quần chúng đã vứt bỏ sự hạn chế đó và tham gia trực tiếp giành lấy quyền lực. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi một tổ chức chính trị đủ tỉnh táo và sáng suốt với một chương trình chính trị đủ sức dẫn đường chỉ lối cho năng lượng sáng tạo này nhằm đổi thay xã hội.
Là những người cách mạng, mục tiêu của chúng ta là trở thành một phần của tổ chức chính trị quan trọng đó. Bằng những kinh nghiệm của quá khứ chính tay chúng ta sẽ mở đường cho tương lai. Chúng ta cần hiểu rõ những diễn biến của một quá trình cách mạng. Những bài học không thể được áp dụng một cách máy móc mà phải có sự ánh xạ qua lăng kính của lịch sử sắp tới và những kinh nghiệm của chúng ta ngày hôm nay. Không có gì sẽ lặp lại một cách chính xác. Chúng ta lấy từ quá khứ, trải qua sự liên hệ và thực nghiệm, từ đó mà xem xét xem làm thế nào điều này có thể cung cấp cho chúng ta một số hướng dẫn về cách phản ứng hiệu quả với thời đại của chúng ta.
Nước Nga vào cuối năm 1917
Đế quốc Nga cho tới cuối năm 1917 là sự kết hợp lớn của các quốc gia và nhóm sắc tộc trải dài trên hàng triệu dặm vuông từ bờ Thái Bình Dương ở phía đông cho đến tận biển Baltic và biển Đen ở phía Tây. Với dân số hơn 178 triệu người, nơi đây vẫn còn là một xã hội nông nghiệp và lạc hậu. 80% dân số là những người nông dân mà đa phần sống trong các ngôi làng rải rác với giao thông liên lạc hạn chế giữa chúng. Đối với nông dân Nga, ngôi làng và các cánh đồng bao quanh, trong thực tế, là toàn bộ thế giới của họ. Mặc dù nông dân đã được giải phóng khỏi chế độ nông nô từ năm 1861, nhưng pháp luật đã thất bại trong việc hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, và đời sống của nông dân Nga còn bị tụt hậu so với hầu hết các nước châu u đương thời.
Công nghiệp tập trung ở một số khu vực như St. Petersburg và Moscow, với việc sản xuất dầu ở Baku về phía nam và khai thác than trong Lưu vực Donets của Ukraine. Một tỷ lệ lớn vốn công nghiệp thuộc sở hữu của các nhóm lợi ích nước ngoài, đặc biệt là ở St Petersburg, với tầng lớp tư sản quốc gia vừa yếu vừa chia rẽ, phần lớn còn phụ thuộc nhiều vào nhà nước. Một số nhà máy của nó rất hiện đại và thậm chí đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là ở thủ đô St. Petersburg. Điều này đã tạo nên một giai cấp công nhân tương đối nhỏ nhưng tập trung, phần lớn mới được tuyển dụng từ các làng quê.
Vấn đề quốc gia, dân tộc
Đế quốc Nga là sự hợp nhất của rất nhiều những quốc gia khác nhau, mà trong nhiều năm, đã bị nước Nga Sa hoàng thôn tính và đàn áp. Chúng bao gồm: các nước vùng Baltic, Ba Lan, Phần Lan, Ukraine, và các nước vùng Cápca khác như Georgia, Belorussia, Bessarabia và một số quốc gia châu Á như Kazakhstan, Turkmenistan v.v.. Do đó, chủ nghĩa dân tộc là một lực lượng mạnh mẽ trong nước Nga, vấn đề đòi hỏi tất cả các đảng xã hội chủ nghĩa phải quan tâm.
Vấn đề này đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trong những người Mác-xít. Nhu cầu về việc kiến tạo nhà nước liên bang xã hội chủ nghĩa trên cơ sở xã hội chủ nghĩa quốc tế đòi hỏi ngay lập tức phải tháo bỏ cái ách của chủ nghĩa đế quốc Nga. Cách tiếp cận của Lenin là thực tế. Ông nhận ra, không giống như Rosa Luxemburg, rằng để giai cấp công nhân giành được chiến thắng trong một đế chế có các dân tộc bị áp bức, họ phải tranh thủ được đông đảo các tầng lớp quần chúng, thường là nông dân và các tầng lớp tiểu tư sản, bằng cách áp dụng nguyên tắc về quyền tự quyết của tất cả các dân tộc. Nếu không có cách tiếp cận này, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.
Nhà thờ Chính thống Nga
Quyền lực và sự giàu có của Giáo hội Chính thống Nga từng là đáng kể. Không những thế nó còn được liên kết chặt chẽ với Sa hoàng và trật tự cũ của Đế quốc. Mặc dù có ảnh hưởng lớn trong quần chúng nông dân, kinh nghiệm cay đắng về Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự bất đồng ngày càng tăng với Sa hoàng đã khiến cho thẩm quyền của nó bị suy giảm đáng kể. Trong làn sóng phản cách mạng và nội chiến, Giáo hội đã ủng hộ hoàn toàn các thế lực phản động, khiến cho nó mất dần sự ảnh hưởng trong nhân dân. Quyền lực, sự giàu có và ảnh hưởng của nó đã suy giảm đáng kể bởi các sắc lệnh mới của chính phủ Bolshevik như tịch thu đất đai và đặc quyền của Giáo hội, hạn chế các hoạt động và ảnh hưởng của nó.
Các giai cấp và tình cảnh nước Nga vào cuối năm 1917
Nước Nga vào cuối năm 1917 rõ ràng đang trong cơn khủng hoảng. Đất nước đã dấn sâu vào cuộc Thế chiến tàn khốc suốt ba năm. Những người lính mệt mỏi và trở nên cứng đầu, luôn sẵn sàng nổi loạn, nhiều trong số đó đã đào ngũ và trở về ngôi nhà chốn thôn quê của mình. Chính phủ lâm thời sau Cách mạng tháng Hai đã không giải quyết được bất kỳ vấn đề cấp bách nào của chiến tranh: lương thực cũng như đất đai và tỏ ra hoàn toàn bất lực. Nền kinh tế và tinh thần chung của đất nước đã bị xao động. Động cơ để thay đổi nước Nga là tầng lớp lao động tương đối nhỏ nhưng mạnh mẽ. Họ đã tự tổ chức trong các Soviet, trên thực tế đã trở thành một quyền lực song song với Chính phủ. Những cấu trúc cai trị cũ như Nhà nước và Dumas địa phương đã trở thành những tàn tích cuối cùng của giai cấp tư sản, liên minh với một ít tàn dư của tầng lớp cựu quý tộc.
Giai cấp tư sản – gồm chủ ngân hàng, nhà tư bản, nhà quản lý doanh nghiệp lớn và công chức cao cấp – còn khá nhỏ bé, nhưng tương đối giàu có và có quyền tiếp cận với các nguồn lực. Tuy nhiên, nó thiếu uy tín và bề dày lịch sử hơn hẳn các giai cấp tương tự ở Tây u và Hoa Kỳ. Do bản chất lạc hậu của nhà nước Nga giai cấp tư sản Nga đã bị khước từ một vị trí đầy đủ trong chính phủ. Mặc dù giành được các vị trí lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời đầu tiên sau Cách mạng tháng Hai, họ cũng tỏ rõ sự yếu kém và bất lực. Đông đảo nông dân không là khối đồng nhất, bị chia thành phú nông, trung và bần nông với những người nghèo nhất, thường không có đất, cho tới lúc đó chiếm tỷ lệ lớn. Hầu hết nông dân được đại diện kém trong các cấu trúc cai trị. Chính quyền địa phương nằm trong tay các đại địa chủ và những người ủng hộ họ, người buôn bán nhỏ, thương nhân và Kulak ( nông dân giàu có).
Tự vệ đỏ
Lực lượng vũ trang của công nhân, được gọi là Tự vệ đỏ, đã xuất hiện vào thời điểm Cách mạng tháng 2 năm 1917, thường dưới dạng tự phát. Nhiều nhà máy và các đảng phái chính trị đã tìm cách khuyến khích và phát triển các đơn vị như vậy. Những người Bolshevik là những người nhiệt tình và thành công nhất trong việc thúc đẩy ý tưởng về lực lượng dân quân từ công nhân được vũ trang. Đã có nỗ lực giải giáp tự vệ đỏ sau các sự kiện vào tháng 7 năm 1917 nhưng điều này đã bị đảo ngược vào tháng 9 khi Chính phủ lâm thời đối mặt với mối đe dọa từ tướng Kornilov và các lực lượng dưới quyền ông ta, lúc đó đang uy hiếp Petrograd. Những người Bolshevik được khẩn nài hỗ trợ cho kháng chiến và đã nhanh chóng huy động và trang bị cho 25.000 Tự vệ đỏ. Sau đó, tự vệ đỏ vẫn là một nhân tố chính trong các cuộc đấu tranh tương lai ở tất cả các thành phố lớn và ở thời điểm Cách mạng Tháng Mười, số lượng đã lên tới 200.000. Sau cuộc cách mạng, tự vệ đỏ vừa thực hiện các chức năng của cảnh sát vừa của quân đội cho tới khi các đơn vị công an và Hồng quân mới được thành lập, khoảng cuối năm 1918.
Các đảng phái và lãnh đạo chính trị
Cho tới mùa thu năm 1917, những người Bolshevik đã giành được đa số trong tầng lớp lao động thành thị nhưng vẫn còn là thiểu số ở nông thôn. Đảng Bolshevik có một số đặc điểm nổi bật mạnh mẽ mang lại cho nó một sức mạnh độc nhất trong các điều kiện của nước Nga cuối năm 1917 và năm 1918 cực kỳ hỗn loạn. Họ có một nền tảng lý thuyết Marxist, đặc biệt là tư duy biện chứng, cho phép họ phân tích các sự kiện từ tất cả các góc độ và khám phá các lực lượng cơ bản đang ẩn mình dưới các sự kiện.
Không có văn hóa suy nghĩ cứng nhắc và thống nhất trong Đảng Bolshevik. Trong sức nóng của cuộc cách mạng ban đầu đã có một vài lần chia tách và đôi khi là rời bỏ để rồi sau đó lại trở lại. Lenin, nổi bật là người tỉnh táo nhất, thực tế nhất, nhà biện chứng chính, và Trotsky, cũng là một nhà biện chứng vĩ đại, đã chứng tỏ là người đứng đầu và vượt lên trên tất cả các nhà lãnh đạo Bolshevik khác trong khả năng phân tích các sự kiện và quyết đoán trong những hành động bước ngoặt. Trong Đảng có một truyền thống mạnh mẽ về dân chủ và tranh luận nội bộ. Các nhà lãnh đạo mặc dù được thừa nhận nhưng cũng bị phản đối nếu họ bị cho là sai. Ngược lại, các nhà lãnh đạo chấp nhận các quyết định ngay cả khi nó chống lại họ, ngay cả khi sự phản đối vẫn tiếp tục trong cuộc tranh luận. Vẫn như vậy ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất trong suốt năm 1918 cho tới năm 1924, khi Lenin qua đời và Stalin lên nắm quyền, thay đổi nguyên tắc chính này của Đảng. Khi Lenin trở lại Nga vào tháng 4 năm 1917, Đảng đã phát triển mạnh mẽ và tự tin, họ đã khuấy động giai cấp công nhân và thúc đẩy các nỗ lực anh hùng để bảo vệ và thúc đẩy cách mạng. Những người Bolshevik phản ánh khát vọng của bộ phận tiên tiến nhất trong tầng lớp lao động và sử dụng các kỹ năng và năng lượng của họ. Chính điều này đã thuyết phục các tầng lớp công nhân, binh lính và nông dân nghèo ngày càng hướng về những giá trị và mục tiêu của những người Bolshevik.
Đảng Cách mạng xã hội (SR) được thành lập năm 1902 và là thành viên của Quốc tế thứ hai. Đảng là một sự pha trộn của nhiều khuynh hướng khác nhau, bao gồm một số Mácxít và một số theo ý tưởng của nhóm dân túy và khủng bố cũ Narodniks, nhưng chủ yếu vẫn là một đảng cải cách tập trung vào cải cách ruộng đất. Nhưng không giống như những người Bolshevik, các SR đặt trọng tâm vào cá nhân, thay vì kết quả tập thể để cải cách ruộng đất thành công. Nó thực chất là một đảng dựa trên nông dân và do đó có xu hướng lửng lơ giữa các giai cấp trong khi định vị bản thân, vì nông dân bao gồm các yếu tố phân tán và không đồng nhất, một số giàu có hơn nhiều so với các nhóm khác. Năm 1917, đó là đảng đa số ở nông thôn với sự hỗ trợ mạnh mẽ giữa những người lính bình thường, những người có nguồn gốc chính là nông dân.
Sau cuộc cách mạng tháng 2 năm 1917, Đảng SR trở thành một phần chính của Chính phủ lâm thời mới. Khi Chính phủ chuyển sang cánh hữu dưới áp lực của các sự kiện và Kerensky nắm quyền cai trị, phe cánh tả của SR, do Maria Spiridonova lãnh đạo, bắt đầu thiết lập một vị trí riêng biệt, thông cảm hơn với những người Bolshevik. Tại Đại hội Xô viết lần thứ hai vào tháng 10 năm 1917, khi những người Bolshevik tuyên bố hạ bệ chính phủ lâm thời, sự chia rẽ trong Đảng SR đã đi tới cực điểm. Cánh tả của đảng SR ở lại đại hội và được bầu vào Ban chấp hành thường trực của Soviet (ban đầu từ chối gia nhập chính phủ Bolshevik), trong khi cánh hữu của đảng SR và các đồng minh Menshevik của họ ra đi. Sau đó, cánh tả của Đảng SR gia nhập chính phủ Bolshevik, có được ba bộ. Sau đó cánh tả của Đảng SR lại dịch chuyển theo hướng đối lập với chính phủ mới do những người Bolshevik lãnh đạo, cuối cùng là vũ trang với âm mưu nổi dậy và liên kết với Bạch vệ phản động.
Những người Menshevik là một đảng xã hội chủ nghĩa và Mác-xít, nhưng chủ nghĩa Marx của họ thuộc dạng cứng nhắc và máy móc. Cùng với những người Bolshevik, ban đầu họ là thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Nga. Họ chia rẽ với những người Bolshevik về tư cách thành viên của Đảng. Nhưng trong thực tế, có nguyên nhân sâu xa hơn cho sự khác biệt giữa hai phe nằm ở niềm tin của Menshevik rằng chủ nghĩa xã hội không thể đạt được ở nước Nga do những điều kiện kinh tế lạc hậu của nó, và rằng nước Nga trước hết phải trải qua một cuộc cách mạng dân chủ tư sản để đi lên chủ nghĩa tư bản, trước khi chủ nghĩa xã hội là có thể và giai cấp công nhân phát triển ý thức đầy đủ về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do vậy mà phe Menshevik đã phản đối kịch liệt những ý tưởng của phe Bolshevik về tổ chức đảng và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Sự phản đối của họ đối với chủ nghĩa Mác cách mạng đã dẫn đến một con đường cải cách và cuối cùng, với hầu hết trong số họ, đối lập với Cách mạng Tháng Mười. Những người Menshevik đã đạt được một sự ủng hộ đáng kể giữa các tầng lớp lao động trong cuộc chạy đua đến Cách mạng Tháng Hai và thường nắm giữ đa số ở Soviet và có sự hiện diện mạnh mẽ ở Dumas địa phương. Nhưng sự ủng hộ của họ đối với Chiến tranh và sự tham gia của họ vào một Chính phủ lâm thời ngày càng mất lòng dân đã khiến cho sự ủng hộ tan biến dần trong suốt năm 1917. Sau Cách mạng Tháng Mười, họ đã chia thành phe cánh hữu đa số, do Tsereteli lãnh đạo, người ủng hộ hành động chống lại phe Bolshevik và phe cánh tả, được lãnh đạo bởi Martov, người có xu hướng ủng hộ Quỷ đỏ trong cuộc nội chiến nhưng từ chối phá vỡ hoàn toàn với cánh hữu. Những người Menshevik chiến binh nhất đã tham gia cùng những người Bolshevik.
Cánh vô chính phủ là tương đối nhỏ và dễ dao động. Có lúc ủng hộ những người Bolshevik, có lúc thì chống đối. Họ đã bị giải giáp trong mùa xuân năm 1918 do âm mưu kích động một cuộc nổi dậy trong nước Nga. Ban đầu phe vô chính phủ tập trung ở thành thị và lôi kéo được tầng lớp trí thức và tiểu tư sản, nhưng ở Ukraine trong các nhóm du kích vô chính phủ nòng cốt lại là nông dân. Ở đó cuối cùng họ đã tập hợp được một lực lượng lớn dưới quyền Makhno, họ chống lại tất cả, chủ yếu là người Đức, nhưng sau đó là cả Bạch vệ và Hồng quân.
Đảng dân chủ lập hiến ( Kadets), thành lập năm 1905, là một đảng tư sản chính đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản, ủng hộ cả quân chủ lập hiến và dân chủ tư sản. Sau Cách mạng tháng 2, họ đã có 5 vị trí bộ trưởng trong chính phủ lâm thời đầu tiên, kể cả vị trí thủ tướng ( Hoàng tử Lvov) và ngoại trưởng ( Miliukov). Vị trí của họ dần bị xói mòn sau khi chính sách chiến tranh của chính phủ lâm thời ngày càng bị phản đối. Sau Cách mạng tháng Mười họ kêu gọi chống lại chính phủ Bolshevik và ủng hộ phản cách mạng, do vậy họ bị cấm hoạt động từ tháng 12 năm 1917.
Tăng cường củng cố, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1917
Nhiệm vụ của bài viết này không phải là đi sâu vào chi tiết của sự kiện giành chính quyền tháng 10 năm 1917. Leon Trotsky đã nắm bắt một cách xuất sắc sự kiện này trong Lịch sử Cách mạng Nga , John Reed trong Mười ngày rung chuyển thế giới và còn nhiều tác phẩm khác , bao gồm cả các bài báo gần đây từ Bảo vệ chủ nghĩa Mác. Thực tế của vấn đề là khẩu hiệu vang dội của Đảng Bolshevik, “Tất cả chính quyền về tay Soviet!” đã nhận được sự tán thành ngay lập tức và mạnh mẽ từ binh lính và công nhân ở trong hầu như mọi thành phố và thị trấn trên khắp đế chế Nga.
Trên thực tế, ở Tallin, Estonia, Soviet đã giành được chính quyền trước 2 ngày so với cuộc cách mạng ở Petrograd, và trong ngày khởi nghĩa đó, chính quyền đã được chuyển giao thành công ở Minsk, Novogrod, Ivanovo-Voznesenk và Tartu. Trong vòng tám ngày kể từ ngày tuyên bố sự ra đời của một nhà nước công nhân kiểu mới, hơn 21 thị trấn và thành phố đã do Soviet nắm quyền lãnh đạo. Sự kháng cự từ các lực lượng Chính phủ lâm thời hoặc từ các lực lượng giai cấp thù địch, ban đầu, là rất yếu.
Ngoại lệ cho điều này là Matxcơva, nơi những người Bolshevik và Soviet địa phương đã lên kế hoạch kém, cùng với sự kháng cự mạnh mẽ từ lực lượng Kadets được vũ trang, đồng nghĩa là phải mất 6 ngày trong một cuộc chiến nghiêm trọng để giành được chính quyền, dẫn tới sự mất mát của 400 sinh mạng. Dù vậy cho tới cuối năm 1917, hầu hết các khu vực của nước Nga đã tuyên bố quyền lực vào tay Soviet, thường là dưới sự lãnh đạo của những người Bolshevik. Tuy nhiên, ở các quốc gia tách biệt như Ukraine, các nước vùng Baltic và các khu vực miền nam nước Nga xung quanh Don và vùng Kavkaz đã chứng tỏ sức kháng cự mạnh mẽ hơn với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và đây là những khu vực đấu tranh gay gắt trong nhiều năm tới.
Những bước đầu tiên của phản cách mạng
Trong khi việc giành chính quyền tỏ ra tương đối dễ dàng, cuộc phản cách mạng đã sớm bắt đầu và nhiều nỗ lực khác nhau đã được thực hiện để đảo chiều làn sóng cách mạng. Ở Petrograd, nỗ lực đầu tiên, phi lý để ngăn chặn cuộc cách mạng được thực hiện bởi các học viên quân sự, được gọi là Junkers (con cái của giai cấp tư sản và trung lưu thành thị), những người đã tổ chức một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại những người Bolshevik. Sau một cuộc xung đột ngắn, Tự vệ đỏ dễ dàng giải giáp họ.
Khó khăn hơn đối với chính quyền mới là nỗ lực của Kerensky, người đứng đầu Chính phủ lâm thời, để giành lại quyền kiểm soát thủ đô bằng cách sử dụng các đơn vị Cossacks. Sau khi trốn thoát khỏi Petrograd bằng cách cải trang, Kerensky đã cố gắng mạ kích động Quân đội đế chế từ trụ sở Mặt trận phía Bắc tại Psov. Tuy nhiên, Quân đội đế chế đã bị chia rẽ và chỉ có Tướng Krasnov đồng ý tổ chức một cuộc viễn chinh chống lại Petrograd. Anh lên đường với 700 lính Cossacks với hy vọng những người khác sẽ tham gia cùng anh trên đường đi.
Các lực lượng này, thiếu tinh thần và bất kỳ sự hỗ trợ bộ binh đáng kể nào, đã bị Tự vệ đỏ, được tuyển dụng từ các nhà máy của Petrograd, đánh bại trên Cao nguyên Pulkovo, chỉ cách Petrograd vài km. Những sự kiện này xảy ra chỉ năm ngày sau cuộc cách mạng thành công ở Petrograd. Điều này đánh dấu sự kết thúc vai trò trực tiếp của Kerensky trong các sự kiện ở nước Nga và anh đã trốn sang Paris. Krasnov bị bắt nhưng sau đó được thả ra và tiếp tục tham gia vào cuộc nội chiến bên phe bạch vệ phản cách mạng.