COP26: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CÓ THỂ CỨU HÀNH TINH KHÔNG?

Vào ngày mai, 31 tháng 10, hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc sẽ bắt đầu các phiên họp chính thức. Được tổ chức tại Glasgow, nơi Boris Johnson sẽ chào đón các nguyên thủ quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đến để bắt đầu hai tuần đàm phán, thảo luận và họp báo. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ có mặt để trình bày ý tưởng của họ về giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.


Dưới áp lực của các sự kiện, giai cấp thống trị và các đại diện của nó đã tiếp tục đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của mình. Biến đổi khí hậu đã chuyển từ một mối đe dọa xa vời sang một cuộc khủng hoảng hiện hữu. Ngay cả những nơi phát triển nhất trên thế giới cũng đang trải qua những thảm họa khí hậu. Năm nay ở New York và một số vùng của Đức, chúng ta đã chứng kiến ​​sự tàn phá nghiêm trọng do lũ lụt gây ra, nghiêm trọng đến nỗi có thể nói là 100 năm có 1. Sự xuất hiện phổ biến của chúng đã gây ra những tác động kinh tế và chính trị mà giai cấp thống trị không thể nào phớt lờ được nữa.

Vì điều này mà đã có rất nhiều sự cường điệu xung quanh hội nghị thượng đỉnh COP26 sắp tới, nhưng sự cường điều này không phải lần đầu mới có. Trên các phương tiện truyền thông chính thống, COP21 được tổ chức như một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Sự đồng thuận chung về mặt khoa học là để tránh những hậu quả không thể đảo ngược và mang tính hủy diệt, nhiệt độ toàn cầu phải được giới hạn ở mức tăng ấm hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này sẽ đòi hỏi nền kinh tế toàn cầu phải chuyển đổi thành không carbon ròng vào năm 2050. Đây toàn là những mục tiêu trong Thỏa thuận Paris đã được thông qua vào năm 2015 tại hội nghị thượng đỉnh COP21.

Trong khi một số đang đặt tất cả hy vọng cũng như nỗi tuyệt vọng vào các cam kết cũng như hội nghị thượng đỉnh quốc tế này, những người khác lại cho rằng điều đó đã là quá muộn. Nói thì dễ làm mới khó. Liên Hợp Quốc chỉ có cái mẽ, nó không thể buộc các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, vốn có những lợi ích trái ngược nhau, cùng hành động cho lợi ích chung.

Địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ

Căng thẳng địa chính trị đã khiến các đại diện cho tư bản ở các quốc gia khác nhau khó có thể đi đến ngay cả một thỏa thuận mơ hồ về các mục tiêu chứ chưa nói gì đến chính sách trong thực tế.

Lý do chính khiến cho các mục tiêu của Hiệp định Paris được ca ngợi như là một bước đột phá là ảo tưởng rằng, Barack Obama, Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã gác lại những cạnh tranh, bất đồng giữa ba cường quốc kinh tế chính trên thế giới để cùng hành động vì lợi ích của nhân loại và hành tinh. Đúng một năm sau ảo tưởng này đã tan vỡ cùng với sự đắc cử của Donald Trump, người đã vận động tranh cử với lời hứa rút khỏi Hiệp định Paris và anh ta đã tuân thủ. Nó không chỉ đơn thuần là một đốm sáng xuất phát từ tính cách hay thay đổi của Trump. Sự đình trệ trên thị trường thế giới kể từ năm 2008 là động lực thúc đẩy cho chủ nghĩa bảo hộ, ảnh hưởng lên tất cả các liệt cường đế quốc.

Sự sụp đổ của COP21 và sau đó là sự gia tăng của các xu hướng bảo hộ đã chứng tỏ rằng những lời hứa và mục tiêu này thực sự mong manh đến nhường nào. Và do đó, mọi thảo luận về một kế hoạch toàn cầu nhằm thực hiện chúng đều hoàn toàn vô nghĩa. Sở hữu tư nhân và nhà nước dân tộc, những đặc điểm cố hữu của thời kỳ tư bản chủ nghĩa, là những rào cản cơ bản đối với việc lên kế hoạch dài hạn cho sản xuất toàn cầu vì nhu cầu con người. Tài liệu chiến dịch ‘Cuộc đua đến con số không’ của Liên hợp quốc, được đưa ra vào tháng 6 năm 2020, diễn tả khá ngắn gọn điều này:

“Đột phá không thể xảy ra nếu các thực thể riêng lẻ hoạt động tách biệt với nhau. Những thách thức về cạnh tranh và sức ì thường ngăn cản tham vọng, nơi mà những cá nhân hành động không thể thực hiện bước đi đầu tiên mà trước mắt không tự đặt mình vào thế bất lợi rõ rệt.”

Tuy nhiên, LHQ là một công cụ của các liệt cường tư bản, nó tồn tại vì lẽ đó và do đó, nó không thể với tầm mắt ra xa hơn hệ thống tư bản chủ nghĩa để kiếm tìm giải pháp khả dĩ. Và do đó, nếu không muốn hoàn toàn rơi vào bế tắc nó buộc phải viện đến những ảo tưởng:

“Quá trình chuyển đổi về số không sẽ xảy ra thông qua sự thay đổi theo cấp số nhân. Chúng ta biết điều này bởi vì nó đã từng xảy ra trước đây trong mọi sự gián đoạn công nghiệp lớn – nó sẽ xảy ra một lần nữa với quá trình khử cacbon. Các công nghệ và thị trường mới thường phát triển theo đường cong hàm mũ, thay vì theo đường thẳng… ”

“…Những tác nhân khác nhau – trên các lĩnh vực, khu vực địa lý và nền kinh tế – bắt đầu hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi và tương tác tích cực giữa chúng tiếp tục làm tăng niềm tin, tăng nhu cầu cũng như đầu tư dọc theo mọi giai đoạn của chuỗi giá trị, làm cho nó có tính hệ thống.”

LHQ không thể làm gì hơn ngoài hy vọng vào một thời gian dài tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế thế giới. Và họ hy vọng rằng một quy định ở đây, thuế quan ở đó, sẽ truyền cảm hứng cho toàn bộ nền kinh tế tự cách mạng hóa chính nó trong quá trình chuyển đổi về không carbon. Nhưng, chính nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường thông qua các lực lượng thị trường đã đưa chúng ta đến đỉnh cao mà giờ đây chúng ta đang thấy.

Sự đầu tư

Như hiện tại, 84% mức tiêu thụ năng lượng chính của thế giới vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch. 73,2% tổng lượng phát thải trong năm 2016 là từ sản xuất năng lượng. Chỉ khoảng 20% ​​năng lượng tiêu thụ cuối cùng được cung cấp bởi điện. Nhưng không phải là không thể chuyển đổi một cách hoàn toàn cơ sở hạ tầng toàn cầu. Trên cơ sở một kế hoạch quốc tế, điều này là hoàn toàn có thể.

Vào năm 2019, IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế) đã tổng hợp một báo cáo có tên là Triển vọng về gió ngoài khơi 2019. Báo cáo kết luận rằng: “Với các nguồn tài nguyên chất lượng cao có sẵn ở hầu hết các thị trường chính, gió ngoài khơi có tiềm năng tạo ra hơn 420.000 terawatt giờ mỗi năm trên toàn thế giới. Con số này lớn hơn gấp 18 lần nhu cầu điện toàn cầu hiện nay.”

Nhưng trên cơ sở chủ nghĩa tư bản, việc chuyển đổi như vậy trong khung thời gian cần thiết là không thể.

Môi trường kinh tế hiện tại được đặc trưng bởi tình trạng thiếu đầu tư kinh niên. Chúng ta không có thời gian để ngồi và hy vọng vào một thị trường toàn cầu đi lên. Đầu tư vào năng lượng tái tạo đã có sự gia tăng nhưng với mức hiện tại vẫn còn quá thấp. Theo IEA, “Vào năm 2020, đầu tư vào năng lượng sạch của ngành dầu khí chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn chi tiêu.” Mặc dù con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 4% vào năm 2021, “750 tỷ dollar dự kiến ​​sẽ được chi cho các công nghệ và tăng tính hiệu quả của năng lượng sạch trên toàn thế giới vào năm 2021 vẫn thấp hơn nhiều so với yêu cầu trong các kịch bản điều tiết khí hậu.”

IEC đã tuyên bố rằng: “để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đầu tư năng lượng sạch hàng năm trên toàn thế giới sẽ cần tăng hơn gấp ba lần vào năm 2030 lên khoảng 4 nghìn tỷ dollar.”

Với tốc độ này, đầu tư toàn cầu thậm chí sẽ không đạt được một nửa số tiền cần thiết vào năm 2030.

Năm 2020 cũng được coi là năm đầu tiên của ‘Tài trợ khí hậu’. Hồi 2009, một cam kết đã được đưa ra rằng, từ năm 2020 đến năm 2025, các quốc gia nghèo hơn trên thế giới sẽ nhận được 100 tỷ dollar mỗi năm từ các quốc gia giàu có trên thế giới cho việc đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. 20 tỷ dollar đã bị cắt giảm ngay trong năm đầu tiên.

Vấn đề tương tự cũng tồn tại trong các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt. Một số dự án tiên phong ở đây và ở đó cho thấy một cái nhìn thoáng qua về các giải pháp công nghệ đang tồn tại, nhưng không có dấu hiệu nào cho một sự chuyển đổi thực sự. Ví dụ, trong các công trình thép, đóng góp vào khoảng 8% lượng khí thải carbon hàng năm trên thế giới, đầu tư đầy đủ có thể cung cấp các giải pháp thay thế phi carbon. Với chi phí 1 tỷ euro, nhà máy thép không carbon đầu tiên (sử dụng hydro xanh) đã được đưa vào vận hành mùa hè này. Công nghệ này cần được triển khai hết sức khẩn cấp, trên quy mô toàn cầu. Có hai lý do chính mà điều này sẽ không được thực hiện. Thứ nhất, đó là một lượng vốn khổng lồ đã được đầu tư vào các nhà máy thép hiện có. Trước khi có thể vắt kiệt tới giọt lợi nhuận cuối cùng, các nhà tư bản không sẵn sàng từ bỏ các lò cao mà họ đã đổ rất nhiều vốn vào. Thứ hai, so với nhu cầu về thép thì công suất hiện đã đạt tới mức dư thừa và do đó thị trường thực sự không còn chỗ để cho các nhà đầu tư mới mạo hiểm tham gia. Báo cáo của OECD năm 2019 đã giải thích về điều này như sau:

“Phải mất nhiều năm để lập kế hoạch, xin giấy phép, cấp vốn và xây dựng một nhà máy thép, và một khi được xây dựng, chúng có thể tồn tại trong 25-50 năm nếu được bảo trì thích hợp. Tình trạng cung vượt cầu hiện nay của các nhà máy thép, đương nhiên cũng sẽ làm chậm sự phát triển của các cơ sở mới hơn, sáng tạo hơn.”

Ngay cả trong trường hợp nhà máy thép ‘không carbon’’ mới, câu hỏi về lợi nhuận có thể đem mọi thứ trở lại vạch xuất phát. Công ty Arcelor Mittal đã thừa nhận trên một dòng chữ nhỏ rằng: “Nếu hydro xanh không có sẵn với giá cả phải chăng vào cuối năm 2025, khí tự nhiên sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho lò DRI.”[*]

Lợi nhuận là giá trị đặc biệt của tư bản. Đối mặt với sự lựa chọn hoặc mất lợi nhuận hoặc gây ô nhiễm cho hành tinh, nhà tư bản luôn phải chọn lựa chọn thứ hai nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh. Sự hỗn loạn của thị trường với những biến động bất ổn về giá cả đang tạo ra những rào cản không thể vượt qua nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Sự chuyển đổi – những hỗn loạn của thị trường

Giai cấp tư sản, bị kinh hãi bởi các quy định và dư luận cũng như nhu cầu sụt giảm trong thời kỳ đại dịch, đang rút các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ lợi nhuận của mình. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ tăng tương ứng. Nói tóm lại, họ đang rút khỏi lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn khả năng cung cấp năng lượng sạch. Kết quả của sự thiếu hụt là nó đã gây ra một cú sốc về nguồn cung và giá năng lượng tăng vọt.

Việc tăng giá nhiên liệu ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường, đe dọa lạm phát nói chung và thay vì khuyến khích chuyển sang đầu tư xanh, nó có thể có tác dụng ngược lại. Các vật liệu như thép, đồng, nhôm và liti rất cần thiết cho cơ sở hạ tầng xanh, nhưng hiện đang sử dụng rất nhiều carbon để sản xuất. Một sự điên cuồng vào phút cuối của các quy định và thuế quan đối với lượng khí thải carbon đang làm tăng giá cả và làm chệch hướng đầu tư vào các lĩnh vực này.

Đề cập đến vấn đề này là bài ‘Lạm phát xanh’, một bài báo trên Financial Times, giải thích rằng: “cố gắng đóng cửa nền kinh tế cũ quá nhanh có nguy cơ đẩy giá xây dựng một nền kinh tế sạch hơn ra ngoài tầm với.” Đối với các nhà hoạch định chính sách tư sản, dù họ xoay theo hướng nào thì họ vẫn phải đối mặt với những mâu thuẫn bộc phát từ thị trường. Một bài báo trên tờ Economist đã nhấn mạnh rằng “có những vấn đề nghiêm trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch… các mối đe dọa pháp lý, áp lực từ nhà đầu tư và nỗi sợ hãi về các quy định đã khiến đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch giảm 40% kể từ năm 2015.”

Kết quả là kinh tế bất ổn, một bước thụt lùi đối với quá trình khử cacbon và gia tăng thêm căng thẳng địa chính trị:

“Kể từ tháng 5, giá một rổ dầu, than và khí đốt đã tăng 95%. Anh, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, đã bật lại các nhà máy nhiệt điện than, giá xăng của Mỹ đã chạm mức 3 dollar một gallon, mất điện đã nhấn chìm Trung Quốc và Ấn Độ, và Vladimir Putin vừa nhắc nhở châu Âu một cách thiện chí rằng nguồn cung cấp nhiên liệu của họ phụ thuộc vào Nga.”

Khi thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn và căng thẳng địa chính trị gia tăng, xu hướng bảo hộ đang được tăng cường hơn nữa. Mỗi băng nhóm quốc gia tư bản đang chiến đấu để bảo vệ an ninh năng lượng của chính mình, rót trợ cấp để hỗ trợ cho các công ty hydrocarbon của “họ” và đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch. Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ xây dựng thêm các nhà máy điện than. Do đó, vấn đề không chỉ đơn giản là quy mô đầu tư, mà còn là cách thức chuyển đổi. Cần phải có một kế hoạch tổng thể. Trên cơ sở chủ nghĩa tư bản, quá trình chuyển đổi không thể là một quá trình quản lý được.

Sự trở lại của chủ nghĩa Keynes

Các tay chơi lớn trên thế giới hiện đang tiến tới với các kế hoạch đầu tư rời rạc của riêng họ, đan xen với một số luận điệu xung quanh biến đổi khí hậu.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030, sau đó trở về mức 0 vào năm 2060, cùng với cam kết rút đầu tư nước ngoài vào các nhà máy điện than. Hiện là nhà sản xuất điện mặt trời số một thế giới nhưng đồng thời cũng là nhà sản xuất gây ô nhiễm số một thế giới, ngành công nghiệp Trung Quốc vẽ nên một bức tranh trái ngược. Nó chiếm đến hơn 50% tổng lượng than tiêu thụ trên thế giới. Một số người tin tưởng hơn vào khả năng khử khí thải của Trung Quốc so với các nền kinh tế lớn khác khả năng can dự mạnh mẽ của nhà nước Trung Quốc vào các vấn đề kinh tế. Trong khoảng một thập kỷ gần đây, nhà nước Trung Quốc đã thông qua một chương trình chi tiêu nhà nước theo trường phái Keynes lớn nhất trong lịch sử, và buộc các nhà đầu tư tư nhân phải tuân lệnh theo cách mà trong một thời gian, dường như đưa ra một số hình thức của kế hoạch nhà nước đối với nền kinh tế. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang lao vào mâu thuẫn sâu sắc. Nợ đã tăng vọt trên toàn nền kinh tế, với các công ty lớn bắt đầu tuyên bố phá sản trong năm ngoái. Hơn nữa, nó đang phải đối mặt với những vấn đề lớn về cung cấp năng lượng do nỗ lực điều chỉnh ngành năng lượng mà nó không thực sự sở hữu.

Bức tranh ở Hoa Kỳ cũng không phải là đầy hứa hẹn. Nhà Trắng đã tái khẳng định mục tiêu của mình về mức khử Carbon vào năm 2050, nhưng khi đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và giá cả leo thang, nó đã thúc giục OPEC đẩy mạnh sản xuất dầu.

Nước này cũng dự kiến năm nay ​​sẽ đốt nhiều than hơn năm ngoái. Đầu tiên, để được Quốc hội thông qua thì kế hoạch đầu tư trị giá 2,6 nghìn tỷ dollar của Biden đã bị cắt giảm xuống còn chưa đầy một phần tư. Không có gì đáng ngạc nhiên, Chương trình Hiệu suất Điện sạch (dự luật CEPP) cũng đang vấp phải sự phản đối gay gắt trong thượng viện, bởi những đại diện trung thành nhất của Tư bản dầu mỏ và than đá.

Ở Trung Quốc, Mỹ, cũng như ở Anh và EU, các đề xuất chính sách chính dựa trên chi tiêu của Keynes, bao gồm các kế hoạch tài chính để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và không khuyến khích đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Nhưng như đã được giải thích ở trên; chỉ vì các nhà đầu tư đang rút khỏi nhiên liệu hóa thạch, không có nghĩa là họ có động lực đầu tư số tiền cần thiết vào năng lượng tái tạo. Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất, tín dụng rẻ và tiền ‘kích thích’ với số lượng chưa từng có đã được ném vào tay giai cấp tư sản, nhưng ở khu vực tư nhân đầu tư thấp kinh niên vẫn còn đó.

 

Thỏa thuận xanh ‘Mới’

Với cánh tả, Thỏa thuận xanh mới là một khẩu hiệu chủ đạo, nhưng về cơ bản nó lại xoay quanh cùng một vấn đề, đó là về nỗ lực của nhà nước để dẫn lối cho thị trường – và nó gặp phải tất cả các vấn đề giống như các ‘giải pháp’ đã nói ở trên.

Ở Anh, ‘Lao động vì một thỏa thuận xanh mới’ đã tiến hành một cuộc vận động trong Đảng Lao động và các tổ chức công đoàn để thông qua chương trình của họ. Các yêu cầu phần lớn là tiến bộ; “Mở rộng sở hữu công”, “quốc hữu hóa các ngành năng lượng, đường thủy và đường sắt”, “Việc làm được trả lương cao và hợp tác xã”, “Tiêu chuẩn nhà ở xanh”, v.v… Chúng tôi có thể hết lòng hỗ trợ cho những điều này, chúng tốt hơn nhiều so với các đề xuất ủng hộ thị trường thông thường như các khoản tín dụng carbon có thể giao dịch hoặc thắt lưng buộc bụng xanh, những thứ vốn được ủng hộ bởi các nhà tư bản xanh trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêm túc coi đây là một cuộc khủng hoảng sống còn, và do đó chúng tôi cần rút ra những kết luận cần thiết kết luận.

Các lời kêu gọi quốc hữu hóa bị giới hạn đối với một số lĩnh vực nhất định, được thực hiện như một phần phụ của nền kinh tế thị trường. Nhưng những lĩnh vực khác, như thép thì sao? Phương tiện đi lại thì sao? Chắc chắn, việc đầu tư vào tàu hỏa đã quá hạn từ lâu, nhưng kế hoạch loại bỏ dần dầu từ ô tô và xe tải sẽ như thế nào? Còn việc sản xuất pin ở mọi kích cỡ, đây sẽ là một phần quan trọng trong việc tạo ra năng lượng tái tạo thì sao? Nếu chúng ta không phá vỡ tình trạng vô chính phủ của thị trường và động cơ lợi nhuận trong việc đưa ra quyết định đầu tư, những câu hỏi này sẽ không được giải quyết.

Về cơ bản, không có gì ‘mới’ trong Thỏa thuận xanh mới. Tên của nó được cố tình rút ra từ kế hoạch những năm 1930 của Roosevelt nhằm giải cứu chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ, và cũng giống như thỏa thuận cũ đó, nó không giải quyết được cùng những vấn đề cũ. Nó có những hạn chế giống như các chính sách của Keynes nói chung. Thứ nhất, tư bản vẫn sẽ chi phối nền kinh tế toàn cầu, và thứ hai, nền kinh tế toàn cầu đang trong thời kỳ suy thoái. Chi tiêu của chính phủ sẽ không thể tạo ra một thời kỳ tăng trưởng cho tư bản chủ nghĩa. Sự hỗn loạn của thị trường, giá cả biến động và lợi ích của tư bản tài chính sẽ quyết định đến nhà nước, chứ không phải ngược lại.

Sự thích nghi

Chúng ta không chỉ cần giảm lượng khí thải để hạn chế thiệt hại, chúng ta còn cần có khả năng thích ứng với những thiệt hại. Nhiệt độ tăng cao đang khiến nhiều nơi trên thế giới không thể tồn tại được. Nhân loại đang bị đe dọa vì mất mùa và hạn hán ngày càng nặng nề. Mực nước biển dâng cao đe dọa quét sạch các quốc đảo nhỏ. Và khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng, lũ lụt và các cơn bão dữ dội ngày càng trở nên phổ biến, chúng sẽ gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với tính mạng và tài sản.

Chừng nào mà chủ nghĩa tư bản còn tồn tại thì điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với nhân loại?

Năm nay, ở Madagascar một triệu người đang phải đối mặt với nạn đói do mất mùa liên quan đến biến đổi khí hậu. Mặc dù vẫn có đủ lương thực trên quy mô thế giới, chỉ là việc phân phối nó cho những người đang phải gánh chịu hậu quả từ thảm họa khí hậu của chủ nghĩa tư bản không mang lại lợi ích cho các nhà tư bản.

Những người giàu sẽ tiếp tục có đủ khả năng mua máy lạnh, nước ngọt cũng như thực phẩm – và ở nhiều khu vực, thậm chí cả dịch vụ cứu hỏa tư nhân và các dịch vụ khẩn cấp khác – trong khi những người khác bị bỏ mặc vì nóng, mất nước và đói. Vì nhiều vùng trên Trái đất sẽ không thể ở được nữa, những người nghèo nhất thế giới sẽ bị buộc phải di cư. Trong mắt giai cấp tư bản thì họ chỉ giống như một thứ tai họa.

Cũng như giai cấp tư bản không thể lập kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế không có khí thải, về cơ bản, họ không thể xây dựng kế hoạch thích ứng – có thể bao gồm việc đầu tư vào phòng chống lũ lụt, lắp đặt điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng và nhà ở, hoặc về việc sử dụng nước và đất.

Đây không phải là những vấn đề gì mới. Đó là những vấn đề hiện hữu mà giai cấp công nhân trên toàn thế giới đang phải đối mặt, những thứ mà chủ nghĩa tư bản từ lâu đã chứng tỏ rằng nó không thể giải quyết được. Trên thực tế, chúng là những vấn đề mà chúng ta có khả năng giải quyết ngay bây giờ, nhưng chủ nghĩa tư bản mới là rào cản. Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà giai cấp công nhân đang phải đối mặt dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Vì lý do này, giải pháp duy nhất có thể là xã hội chủ nghĩa.

 

Vì một giải pháp xã hội chủ nghĩa

Dựa trên sự phong phú toàn cầu về nước và thực phẩm, chúng ta có thể lập kế hoạch tái phân phối ở những nơi chúng ta thấy không đồng đều, nhưng chỉ khi chúng ta có kế hoạch sản xuất dựa trên sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất.

Các công ty nông nghiệp lớn nhất phải được đặt dưới quyền sở hữu công cộng và sự kiểm soát của người lao động. Đây không phải là một giấc mơ không tưởng, mà là một khả năng rất thực và rất cần thiết. Ví dụ, Cargill chịu trách nhiệm về 25% tổng lượng ngũ cốc xuất khẩu của Hoa Kỳ và sử dụng 166.000 công nhân trên hơn 60 quốc gia. Đây là công ty nông nghiệp lớn nhất trên thế giới và 90% thuộc sở hữu của một cá nhân.

Những công ty như thế này đã chín muồi để trưng thu. Tài sản thiêng liêng của một người, có nghĩa là sự tàn phá của hàng triệu sinh mạng.

Mạng lưới các công ty nông nghiệp toàn cầu ngày nay, được kiểm soát bởi người lao động, sẽ cho phép sự phong phú của nông nghiệp được sử dụng cho tất cả các nhu cầu của nhân loại, đồng thời khôi phục các khu rừng trên thế giới và bảo vệ quần thể sinh vật. Điều này phải được kết hợp với một mạng lưới các tuyến vận tải đa phương thức quốc tế được quy hoạch tập trung để phân phối hiệu quả trên toàn cầu. Sự độc quyền diễn ra trong lĩnh vực vận tải biển cũng làm cho lĩnh vực này trở nên chín muồi để người lao động chiếm đoạt. Từ năm 2000 đến năm 2018, 10 công ty container lớn nhất đã tăng thị phần của họ từ 12% lên 82%.

Loại quan điểm này không phù hợp với những ý tưởng được trình bày trong Thỏa thuận xanh mới, và kết quả là nó không phù hợp với yêu cầu của cuộc khủng hoảng mà chúng ta nhận thấy.

Khủng hoảng khí hậu và đại dịch coronavirus đã đặt ra nhu cầu về một kế hoạch sản xuất quốc tế. Nhu cầu chiếm đoạt các công ty độc quyền lớn nhất và các ngành công nghiệp cũng vậy. Bạn không thể yêu cầu các cơ hội trở nên rõ ràng hơn. Nhưng chủ nghĩa cải cách cánh tả không thể không phung phí những cơ hội này, vì nó không thể nhìn xa hơn chủ nghĩa tư bản, hơn những gì mà bản thân giai cấp thống trị có thể làm được.

Nói cách khác, rào cản chính để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là công nghệ, mà là chính trị. Lực lượng xã hội duy nhất có thể xóa bỏ rào cản đó là giai cấp công nhân có tổ chức, và thời gian không còn nhiều. Do đó, phong trào của giai cấp công nhân phải được trang bị những ý tưởng đúng đắn càng sớm càng tốt. Những ảo tưởng cải lương, thậm chí là của những người theo chủ nghĩa cải lương, chỉ có thể dẫn đến một con hẻm mù mịt mà chúng ta không có thời gian để khám phá lại.

Leon Trotsky đã viết những lời sau vào năm 1938:

“Nếu không có một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong giai đoạn lịch sử tiếp theo, sẽ có một thảm họa sẽ đe dọa toàn bộ nền văn minh nhân loại. Tiếp theo là giai cấp vô sản… Cuộc khủng hoảng lịch sử của nhân loại được rút gọn thành cuộc khủng hoảng về đường lối lãnh đạo cách mạng.”

Vào thời điểm đó nó đã trở thành sự thật với thảm họa của Thế chiến 2, cái lò mổ của chủ nghĩa đế quốc. Giờ đây nó trở thành sự thật một lần nữa với thảm họa khí hậu.

Để quản lý các nguồn lực của chúng ta cho nhu cầu của con người và hành tinh, chúng ta cần một kế hoạch sản xuất và phân phối dân chủ. Do đó, nhiệm vụ trước mắt là chuẩn bị cho những sự kiện cách mạng đang bắt đầu ngày một dày đặc và nhanh chóng trên toàn thế giới; chuẩn bị cho giai cấp công nhân giành chính quyền. Điều này, và chỉ điều này mới có thể mở rộng cánh cửa cho nhiệm vụ lớn lao tiếp theo mà chúng ta đang phải đối mặt; sự hòa nhập của nhân loại với phần còn lại của giới tự nhiên.


Joe Russell, 29 tháng 10 năm 2021

Nguồn: IMT

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận