LỊCH SỬ CÁCH MẠNG NGA (Lời nói đầu)

LỜI NÓI ĐẦU

Trong 2 tháng đầu năm 1917 nước Nga hãy còn nằm dưới ách cai trị của vương triều Romanov, nhưng chỉ tám tháng sau cầm lái con tàu đã là những người Bolshevik. Ít ai trong số họ dám nghĩ tới điều đó khi năm mới bắt đầu, và ngay cả khi họ đã lên nắm quyền nhiều nhà lãnh đạo của họ vẫn còn bị chụp cho cái tội danh phản quốc. Một bước ngoặt như vậy hẳn sẽ chẳng thể nào tìm thấy được điều tương tự trong lịch sử, nhất là nếu bạn nhớ rằng nó liên quan đến một quốc gia 150 triệu dân. Rõ ràng là các sự kiện của năm 1917, dù bạn có nghĩ thế nào về chúng chúng vẫn đều đáng được nghiên cứu.

Lịch sử của một cuộc cách mạng, giống như mọi lịch sử khác, trước hết là sự liệt kê những gì xảy ra và tại sao. Tuy nhiên, điều đó còn xa mới đủ, đó là ngay khi phải làm cho rõ tại sao nó lại xảy ra như thế này mà không phải là thế khác. Những sự kiện chẳng thể coi là một chuỗi những điều ngẫu nhiên, lại càng chẳng thể là chuỗi tràng hạt trên sợi dây luân lý tiền định. Chúng phải tuân theo những quy luật nhất định mà việc phát hiện ra những quy luật ấy là nhiệm vụ mà tác giả cuốn sách này đặt ra cho bản thân.

Đặc điểm kiên quyết nhất của một cuộc cách mạng là gì? Là sự can thiệp trực tiếp của quần chúng nhân dân vào các sự kiện lịch sử. Trong những lúc bình thường, nhà nước, dù quân chủ hay dân chủ, tự nâng mình lên địa vị quốc gia dân tộc, và lịch sử được làm ra bởi những kẻ nhà nghề – các vị vua, các ngài bộ trưởng, đám quan chức, nghị sĩ và ký giả. Nhưng vào những thời điểm quan trọng, khi mà trong mắt quần chúng trật tự cũ đã không còn tồn tại, họ đập bỏ những chướng ngại loại trừ họ khỏi chính trị, họ quét sạch sang một bên đám đại diện truyền thống của họ, và bằng sự can thiệp của chính mình họ đặt nền tảng cho một chế độ mới. Điều này tốt hay xấu? Các nhà đạo đức, câu trả lời xin để dành cho các vị, còn chúng tôi sẽ chỉ xem xét các sự kiện như chúng là, dưới ánh sáng của quá trình phát triển khách quan. Với chúng tôi, lịch sử một cuộc cách mạng trước hết là lịch sử tiến quân của quần chúng vào vương quốc nơi mà họ tự tay nắm giữ lấy vận mệnh của chính mình.

Hẳn nhiên, xã hội được đoạt lấy bởi các giai cấp cách mạng ngập chìm trong mâu thuẫn. Dẫu vậy, phải hoàn toàn rõ rằng những biến chuyển trong nền tảng kinh tế xã hội và các giai tầng xã hội từ lúc một cuộc cách mạng bắt đầu cho tới lúc nó kết thúc là chẳng đủ để giải thích cho tiến trình của bản thân cuộc cách mạng, nó có thể chỉ trong chớp mặt lật đổ các thể chế lâu đời, kiến tạo những thể chế mới và để rồi lại lật đổ chúng. Chính những biến chuyển mau lẹ, sục sôi trong tinh thần của các giai cấp đã hình thành trước cách mạng mới là động lực trực tiếp quyết định các sự kiện cách mạng.

Vấn đề là, xã hội không thay đổi định chế của mình khi đòi hỏi đó đến, như cách một người thợ máy thay đổi công cụ của anh ta. Ngược lại, xã hội thực sự coi những thể chế bám vào nó như một thứ gì đó được ban tặng, một lần và cho mãi mãi. Trong nhiều thập kỷ, những lời chỉ trích đối lập không gì hơn là một cái van xả cho nỗi bất bình của quần chúng, thậm chí, một điều kiện cho sự ổn định của cấu trúc xã hội. Về nguyên tắc, ví dụ như là tầm quan trọng đạt được nhờ sự phản biện xã hội. Những tình cảnh hoàn toàn khác thường, không phụ thuộc vào ý chí của các cá nhân hay đảng phái, là cần thiết để giật phăng cái sợi xích bảo thủ trói buộc nỗi bất bình và dẫn quần chúng đến cuộc nổi dậy.

Do đó, những biến chuyển nhanh chóng trong quan điểm và tâm trạng của quần chúng trong một kỷ nguyên cách mạng không phải bắt nguồn từ sự linh hoạt và mau lẹ trong tâm trí con người, mà chính ngược lại, từ sự bảo thủ sâu sắc của nó. Những ý tưởng và các mối quan hệ chịu sự tụt hậu kinh niên đằng sau những điều kiện khách quan mới, ngay cho đến thời điểm mà vụ tai nạn dáng xuống nhân dân dưới dạng một thảm họa, là những gì tạo nên bước nhảy vọt của những ý tưởng và đam mê trong một thời kỳ cách mạng, thứ mà trong tâm trí các ngài cảnh sát có vẻ như chỉ đơn thuần là hệ quả từ hoạt động của “đám mị dân”.

Quần chúng bước vào cuộc cách mạng không phải với một kế hoạch tái thiết xã hội đã chuẩn bị sẵn mà với một mẫn cảm mạnh mẽ rằng, với họ khuôn mẫu cũ đã không còn có thể chịu đựng được nữa. Chỉ có đội tiền phong của một giai cấp mới có một chương trình chính trị, những ngay cả nó cũng đòi hỏi qua thử lửa bởi những sự kiện và từ đó nhận được sự tán thành từ quần chúng. Do vậy, tiến trình chính trị cơ bản của cuộc cách mạng bao gồm việc nhận thức dần dần của một giai cấp về các vấn đề nảy sinh từ cuộc khủng hoảng xã hội – sự định hướng tích cực của quần chúng bằng phương pháp tiệm cận tuần tự. Các giai đoạn khác nhau của một quá trình cách mạng được chứng thực bởi sự thay đổi theo hướng mà các đảng chính trị ngày càng trở nên cực đoan dưới áp lực không ngừng tăng từ quần chúng – miễn sao việc xoay chuyển phong trào không gặp trở ngại khách quan. Khi nó xảy ra, có một phản ứng bắt đầu: sự thất vọng trong các tầng lớp khác nhau của chính bản thân giai cấp cách mạng, sự phát triển của chủ nghĩa thờ ơ và cùng với đó, các lực lượng phản cách mạng củng cố vị trí của mình. Đây, về cơ bản là đại cương của các cuộc cách mạng cổ điển.

Còn tầm vóc của đảng và những nhà lãnh đạo của nó thì sao, những người mà chúng ta có khuynh hướng bỏ qua? Chỉ trên cơ sở nghiên cứu tiến trình mà bản thân quần chúng tham gia vào chính trị thì chúng ta chỉ có thể hiểu được điều này. Họ không những không phải là một yếu tố độc lập mà còn là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình này. Nếu không có một tổ chức dẫn hướng, năng lượng của quần chúng sẽ tiêu tán như hơi nước không được bao bọc trong một chiếc pít-tông. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng thứ làm chuyển động mọi thứ không phải là cái pít-tông mà là hơi nước.

Những khó khăn chắn ngang trên con đường nghiên cứu những biến chuyển trong ý thức quần chúng ở thời kỳ cách mạng là khá rõ ràng. Các giai cấp bị áp bức làm nên lịch sử trong các nhà máy, trong doanh trại, trong làng mạc và trên đường phố nơi thành thị. Vả nữa, họ ít quen với việc viết những điều đó ra giấy. Những thời kỳ bùng nổ của sự tức giận và khát vọng xã hội không còn nhiều chỗ cho nghĩ suy và nghiền ngẫm. Tất cả những kẻ hay nghĩ ngợi – kể cả những nàng thơ đa đoan của làng báo chí, dẫu có đôi hông rắn chắc – cũng đều phải bất lực trong thời kỳ cách mạng. Tuy nhiên, tình hình không hẳn vô vọng với nhà sử học. Những ghi chép tuy không đầy đủ, phân tán và nhiều khi ngẫu nhiên, nhưng trong ánh sáng của các sự kiện những mảnh vỡ đó lại thường cho phép ta phỏng đoán về hướng đi và nhịp điệu của quá trình còn đang ẩn dấu. Tốt hay xấu thì một đảng cách mạng dựa trên chiến thuật của mình cũng có thể đưa ra một ước chừng về những thay đổi trong ý thức quần chúng. Tiến trình lịch sử của chủ nghĩa Bolshevik đã chứng minh rằng một phép tính như vậy là có thể thực hiện được, ít nhất là ở những nét thô sơ. Nếu nó đã có thể thực hiện được bởi một nhà lãnh đạo cách mạng giữa vòng xoáy của cuộc đấu tranh, tại sao lại không thể bởi nhà sử học sau đó?

Tuy nhiên, các quá trình diễn ra trong ý thức của quần chúng nhân dân không phải là độc lập và không liên quan gì với nhau. Mặc cho sự đám duy tâm chủ nghĩa và đám theo chủ nghĩa chiết trung có nổi xung thì ý thức vẫn được xác định bởi các điều kiện. Trong những điều kiện lịch sử hình thành nên nước Nga, nền kinh tế, các giai cấp và Nhà nước của nó, trong cách hành xử của nó với các quốc gia khác, chúng ta hẳn có thể tìm ra tiền đề cho cả cách mạng tháng Hai và cách mạng tháng Mười đến sau nó. Một nước lạc hậu như nước Nga làm thế nào mà lại là nước đầu tiên mà giai cấp vô sản lên nắm quyền? Đó hẳn là một câu đố lớn nhất nên lời giải cho nó hẳn nhiên chúng ta phải tìm kiếm trong những đặc thù của đất nước lạc hậu đó – tức là ở những điểm khác biệt so với các nước khác.

Những đặc thù lịch sử của nước Nga và sức nặng tương đối của chúng sẽ được chúng tôi mô tả trong các chương đầu của cuốn sách này, phần trình bày sơ lược về sự phát triển của xã hội Nga và các lực lượng bên trong của nó. Chúng tôi hy vọng rằng sự sai lầm không thể tránh khỏi của những chương này sẽ không làm người đọc cảm thấy khó chịu. Trong phần phát triển tiếp theo của cuốn sách, anh ấy sẽ gặp lại những lực lượng tương tự trong hành động sống.

Dù ở bất kỳ mức độ nào, công việc này sẽ không dựa trên những hồi ức cá nhân. Bối cảnh mà tác giả là một trong những người tham gia vào các sự kiện cũng không giải phóng anh ta khỏi nghĩa vụ phải giải trình dựa trên các tài liệu đã được xác minh bởi lịch sử. Tác giả nói về mình ở ngôi thứ ba, theo như yêu cầu của diễn biến sự kiện. Và đó không đơn thuần là một hình thức văn học: Giọng điệu chủ quan, thứ không thể tránh khỏi trong những cuốn tự truyện hoặc hồi ký, không được phép có mặt trong một tác phẩm lịch sử.

Tuy nhiên, việc đã tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh trên thực tế đương nhiên giúp tác giả dễ dàng hơn trong việc hiểu, không chỉ về tâm lý của các lực lượng đang hành động, cá nhân cũng như tập thể, mà còn về mối liên hệ bên trong của các sự kiện. Ưu điểm này sẽ chỉ phát huy kết quả tích cực nếu nó tuân theo một điều kiện: anh ta không dựa vào lời khai trong trí nhớ của chính mình về những chi tiết nhỏ nhặt hay những vấn đề quan trọng, hay những câu hỏi về thực tế hoặc những vấn đề về động cơ và tâm trạng. Tác giả tin rằng cho tới tận giờ thì anh ta vẫn đáp ứng được điều kiện này.

Vẫn còn đó câu hỏi về lập trường chính trị của tác giả, người mà quan điểm khi đứng với tư cách là một nhà sử học vẫn không mảy may thay đổi như khi đứng trên tư cách là một người tham gia vào các sự kiện. Tác giả không có lý do gì để phải che giấu nó và người đọc, tất nhiên, không có nghĩa vụ phải chia sẻ cùng quan điểm chính trị với ông ấy. Nhưng độc giả có quyền yêu cầu rằng một tác phẩm lịch sử không phải để bảo vệ một quan điểm chính trị, mà là một bức chân dung về tiến trình cách mạng trên thực tế với chiều sâu của sự thật. Một tác phẩm lịch sử hoàn thành được sứ mệnh của nó một cách trọn vẹn chỉ khi nào mà các sự kiện diễn ra trên mỗi trang giấy của nó trong sự tất yếu một cách trọn vẹn tự nhiên của chúng.

Đối với điều này, có cần thiết phải có cái gọi là “sự công minh” của người làm sử? Chưa ai giải thích rõ ràng tính công minh này bao gồm những gì. Những lời  của Clemenceau thường được trích dẫn rằng, cần phải thực hiện một cuộc cách mạng với “khối trọn vẹn” – tốt nhất là một cách trốn tránh thông minh. Làm thế nào bạn có thể xem xét trọn vẹn một thứ mà về bản chất nó tồn tại trong sự phân mảnh? Cách ngôn của Clemenceau được đưa ra một phần là do sự hổ thẹn trước tổ tiên, những người đã quá kiên quyết, và phần kia là do sự xấu hổ trước bản sắc của chính họ.

Một trong những nhà sử học phản động và do đó thời thượng ở nước Pháp đương thời, L. Madelin, từ cái phòng vẽ thời thượng của mình đã không ngừng bôi nhọ cuộc cách mạng vĩ đại – tức là, cái đã khai sinh ra đất nước của ông ta – bằng cách khẳng định rằng “nhà sử học phải đứng trên bức tường của một thành phố bị đe dọa, để nhìn thấy đồng thời cả những kẻ bao vây và những kẻ bị bao vây”: chỉ bằng cách này, có vẻ như anh ta mới có thể đạt được một “công lý được điều đình”. Tuy nhiên, chính những lời của Madelin đã chứng minh rằng nếu anh ta trèo ra khỏi bức tường chia hai phe, thì anh ta chỉ còn là kẻ dò la cho phe phản động. Điều tốt là anh ta chỉ quan tâm đến các phe tham chiến trong quá khứ: ở một thời điểm như thời điểm cách mạng mà leo lên một bức tường có thể phải chịu rủi ro khá lớn. Vả nữa, trong thời gian báo động thì các thầy tu của cái “công lý được điều đình” thường được bắt gặp ở bên trong bốn bức tường để chờ xem bên nào sẽ thắng.

Người đọc nghiêm túc và có tính phê phán sẽ không muốn một sự vô tư man trá, đưa cho anh ta một chén thánh của sự hòa giải nhưng ở dưới đáy lại là chất độc của lòng thù hận phản động. Cái anh ta cần là sự tận tâm khoa học, dù có đồng tình hay phản đối thì cũng cởi mở và không che giấu, kiếm tìm sự cứu cánh trong một nghiên cứu trung thực về các sự kiện, xác định mối liên hệ thực sự giữa chúng, phơi bày ra những quy luật nhân – quả trong sự vận động của chúng. Đó là chủ nghĩa khách quan lịch sử duy nhất có thể có, và hơn thế nữa, nó đầy đủ một cách trọn vẹn, vì nó được xác minh và chứng thực không phải bởi cái tâm của nhà sử học, điều mà chỉ bản thân ông ta mới biết thế nào, mà là những quy luật tự nhiên do chính ông ta tiết lộ trong quá trình lịch sử.

Các nguồn của cuốn sách này là vô số ấn phẩm định kỳ, báo và tạp chí, hồi ký, báo cáo, và các tài liệu khác, một phần ở dạng bản thảo, nhưng phần lớn được xuất bản bởi Viện Lịch sử Cách mạng ở Moscow và Leningrad. Chúng tôi đã coi việc tham chiếu văn bản đến các ấn phẩm cụ thể là không cần thiết, vì điều đó sẽ chỉ làm phiền người đọc. Trong số những cuốn sách có tính chất tập thể của các tác phẩm lịch sử, chúng tôi đặc biệt sử dụng Tiểu luận hai tập về Lịch sử Cách mạng Tháng Mười (Moscow-Leningrad, 1927). Được viết bởi các tác giả khác nhau, các phần khác nhau của cuốn sách này có giá trị không bằng nhau, nhưng chúng chứa đựng ở bất kỳ mức độ nào nhiều tài liệu thực tế phong phú.

Ngày tháng mà chúng tôi ghi chép ở khắp nơi trong cuốn sách là theo kiểu cũ – nghĩa là chúng chậm hơn lịch quốc tế và lịch Liên Xô hiện tại 13 ngày. Tác giả cảm thấy có nghĩa vụ sử dụng lịch được sử dụng vào thời điểm cách mạng. Tất nhiên sẽ không tốn nhiều công sức để dịch ngày tháng sang một kiểu mới. Nhưng việc loại bỏ một khó khăn này sẽ nhất thiết tạo ra những khó khăn khác.  Cuộc cách mạng tháng Hai đã đi vào lịch sử như là công cuộc lật đổ chế độ quân chủ đúng theo Tây lịch thì xảy ra là vào tháng Ba. Cuộc biểu tình vũ trang chống lại chính sách đế quốc của Chính phủ lâm thời đã đi vào lịch sử với tên gọi “Ngày tháng Tư”, nhưng theo Tây lịch thì nó diễn ra vào tháng Năm. Chưa kể đến các sự kiện và ngày tháng xen kẽ, thì cuộc cách mạng tháng Mười nếu tính theo lịch Tây thì cũng xảy ra vào tháng mười một. Bản thân lịch, chúng ta thấy, nhuốm màu bởi các sự kiện, và nhà sử học không thể xử lý niên đại mang tính cách mạng chỉ bằng số học. Người đọc sẽ đủ tử tế để nhớ rằng trước khi lật đổ lịch Byzantine, cuộc cách mạng đã phải lật đổ các thể chế bám vào nó.


Trotsky, Prinkipo, ngày 14 tháng 11 năm 1930

Nguồn: MIA

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận