ABC về chủ nghĩa cộng sản (Chương XIV)

CHƯƠNG XIV

VỀ VIỆC TỔ CHỨC PHÂN PHỐI

§ 115. Bãi bỏ hoạt động buôn bán tư nhân

Mỗi phương thức sản xuất sẽ tương ứng với một phương thức phân phối (hàng hóa); sau khi đã thủ tiêu sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nước cộng hòa Xô-viết tất yếu sẽ xung đột với phương thức phân phối hàng hóa của chủ nghĩa tư bản (cũng tức là buôn bán tư nhân), và từng bước một cũng buộc phải tiến hành thủ tiêu nó. Trước hết, các kho hàng lớn sẽ bị (Nhà nước) thu hồi lại; điều này được coi là cần thiết khi xét đến cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng cũng như nhu cầu (của xã hội) về hàng hóa. Những hàng hóa nào đã bị tích trữ bởi bọn đầu cơ khi chúng dự đoán việc tăng giá hàng hóa (sau Cách mạng) được phân phối cho tầng lớp lao động, và điều này đã xử lý được phần nào khủng hoảng sau Cách mạng tháng Mười.

Nhưng việc quốc hữu hóa các kho hàng trên mới chỉ là bước đầu; quá trình quốc hữu hóa thương mại quy mô lớn sẽ theo sau nó, và giải pháp này là cần thiết nhằm đấu tranh với nạn đầu cơ, cũng như nhằm ước tính số lượng hàng hóa trong nước, và trên hết là phân phối số hàng hóa trên tới tay tầng lớp lao động. Chính quyền Xô-viết đã cho ra đời một hệ thống bao cấp chia theo tầng lớp không chỉ đối với nhu yếu phẩm, mà với cả các hàng hóa nói chung và hàng hóa gia dụng nữa.

Nhưng dường như cách tốt nhất mà chính quyền Xô-viết có thể làm là thu hồi mọi kho chứa hàng hóa trong tay các thương lái, và sau đó phân phối hàng hóa lại thông qua hệ thống bao cấp chia theo tầng lớp mà trong đó không làm hại tới phương tiện buôn bán hàng hóa, thứ mà nhà nước Xô-viết cần giữ nguyên và tận dụng cho mục đích của mình.

Trong mức độ nhất định, ta sẽ tiến hành như vậy; nhưng đáng tiếc là hàng hóa đã bị thu hồi lại quá chậm trễ, trong khi phần lớn hàng hóa đã thành tiền và chủ sở hữu thì đã kịp giấu tiền đi. Mọi phương tiện thương mại đã được nhà nước Xô-viết trưng thu, và bắt đầu hoạt động cùng với sự trợ giúp bởi các thương đoàn của người lao động. Chỉ có những lực lượng quản trị bộ máy kinh doanh cũ mới bị loại trừ vì chúng giờ đã trở thành nhân tố hoàn toàn ký sinh. Trước kia, ta cần tới lực lượng này để mua hàng, săn tìm hàng hóa và ngã giá. Nhưng giờ thì nhà nước vô sản đã trở thành pháp nhân sản xuất hàng hóa chính với các xưởng của mình, vậy nên sẽ phi lý khi nhà nước lại tự bán sản phẩm mình làm ra cho chính mình và nuôi sống lực lượng trên bằng tiền của mình. Hơn nữa, bên trung gian sẽ là thừa thãi khi giữa nông dân với Nhà nước, giữa Nhà nước với bên tiêu thụ có mối quan hệ hàng hóa do Nhà nước độc quyền. Bên trung gian không thể thuyết phục được nông dân nộp ngũ cốc cho chính quyền, mà nông dân cũng không thể tìm người mua ngũ cốc của mình vì không có ai mua cả.

Như thế là, bởi chính quyền vô sản đã nắm quyền sản xuất các mặt hàng thiết yếu, và bởi nó đã gây ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất bằng phương tiện sản xuất của mình, nó cũng cần đến phương tiện để phân phối hàng hóa đã sản xuất, và ở đây không có chỗ cho buôn bán tư nhân.

Nhưng ta sẽ giải quyết ra sao đối với những người tiểu thương đang phân phối hàng hóa đến từ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp? Chính quyền Xô-viết chưa nắm được quyền kiểm soát đối với nhánh này; nó chưa trở thành người mua độc quyền các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra nếu những tiểu thương này bán hàng hóa (tất nhiên là với giá phải chăng) mà chính quyền Xô-viết sẽ không thể phân phối cạnh tranh được ở mức giá cố định?

Không có gì phải hoài nghi là câu hỏi này phức tạp hơn nhiều so với vấn đề của ngành thương nghiệp quy mô lớn; số phận của thương nghiệp quy mô lớn đã được xử lý đơn thuần bằng cách tịch thu toàn bộ tư bản thương nghiệp. Sẽ là bất hợp lý nếu như Chính quyền Xô Viết ngăn cấm hoạt động tiểu thương, trong khi nó vẫn chưa thay thế được các chức năng của bộ phận này [những người buôn bán nhỏ] bằng các cơ quan phân phối của bản thân Chính quyền Xô Viết. Có một số trường hợp, đặc biệt là ở những vùng mà quân Bạch Vệ vừa mới bị tiêu diệt, các ủy ban cách mạng và chính quyền xô viết địa phương đã ngay lập tức cấm hoạt động của tư thương trong khi chưa tổ chức được bộ máy cung cấp vật phẩm thiết yếu; ngay cả khi có tồn tại một bộ máy phân phối như thế thì cũng không đảm bảo được sự cung cấp thường xuyên cho dân chúng. Kết quả là sự phát triển tự phát của hoạt động tư thương, làm cho giá cả tăng vọt.

Hoạt động tiểu thương bám víu vào cuộc sống thường nhật. Nó chỉ mất dần đi khi mà số lượng sản phẩm cần thiết cho dân cư do Nhà nước cung ứng ngày càng tăng. Ngày nay, nếu như Ủy ban Lương thực Nhân dân [Narkomprod] tồn tại song song với Suharevka [một chợ ở Moscow], điều này có nghĩa là ngay trong lĩnh vực phân phối thì cuộc chiến giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội vẫn đang diễn ra. Cuộc chiến này đang lan rộng xung quanh các địa điểm do tiểu thương nắm giữ. Nó sẽ không chấm dứt cho đến khi Nhà nước Xô viết trở thành người mua chính các sản phẩm do tiểu thương cung cấp; hoặc cho đến khi, điều tất yếu sẽ xảy ra, Nhà nước trở thành nhà sản xuất tất cả mọi sản phẩm do tiểu thương cung cấp. Ở đây, chúng ta không đề cập đến những trường hợp mà tiểu thương bán những sản phẩm mà các cơ quan phân phối của Nhà nước đã cung ứng; chúng ta không đề cập đến những trường hợp chỉ đơn giản là những hình thức đấu tranh chống trộm cắp và những nhược điểm khác của hệ thống phân phối Xô viết. Trong bất cứ trường hợp nào, hoạt động tiểu thương sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi, thứ nhất là, sản xuất quy mô lớn đã được tổ chức đầy đủ ở các thành phố; thứ hai là, có đủ lượng dự phòng cho việc cung ứng mọi sản phẩm thiết yếu, kể cả sản phẩm mà sản xuất độc quyền của Nhà nước chưa cung ứng.

Mặc dù mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là xóa bỏ toàn bộ tầng lớp trung gian trong lĩnh vực phân phối, và mục đích này cuối cùng sẽ thực hiện được, nhưng rõ ràng là chúng ta không nên hi vọng rằng trong tương lai gần sẽ vô hiệu hóa được toàn bộ hệ thống thương nghiệp bán lẻ.

§ 116.Bộ máy phân phối

Các cơ quan phân phối xã hội chủ nghĩa phù hợp phải được hình thành để đảm bảo việc cung ứng một khối lượng sản phẩm to lớn cần thiết cho toàn thể dân cư, với điều kiện là những sản phẩm này hiện nay đã chuyển sang hoặc sẽ chuyển sang cho Nhà nước kiểm soát. Những cơ quan phân phối này phải có những đặc điểm sau đây. Các cơ quan này phải được tập trung hóa. Tập trung hóa sẽ đảm bảo phân phối một cách chính xác và công bằng nhất. Nó sẽ giúp giảm bớt chi phí duy trì bộ máy, bời vì dưới hệ thống xã hội chủ nghĩa, bộ máy phân phối sẽ tiêu tốn ít chi phí về sức lao động và các công cụ vật chất hơn so với chi phí vận hành của bộ máy thương nghiệp tư nhân. Hệ thống phân phối xã hội chủ nghĩa phải vận hành nhanh chóng. Điều này là quan trọng nhất. Điều cốt yếu là, hệ thống phân phối không chỉ đòi hỏi mức chi phí tối thiểu từ sức người tới sức của từ các cơ quan của Nhà nước, mà thêm vào đó, nó còn cần phải không gây ra sự lãng phí thời gian của người tiêu dùng. Nếu không như vậy, toàn bộ xã hội sẽ phải gánh chịu những thất thoát to lớn do sự lãng phí đó. Trong hệ thống thương nghiệp tư nhân và những điều kiện bình thường của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, người tiêu dùng, chỉ cần có tiền, là có thể có được bất cứ thứ gì họ muốn, vào bất cứ lúc nào họ cần. Về những vấn đề này, hệ thống phân phối xã hội chủ nghĩa phải, ít nhất, hoạt động tốt như hệ thống thương nghiệp tư nhân. Nhưng với mức độ tập trung hóa cao, hệ thống phân phối xã hội chủ nghĩa sẽ gặp phải rủi ro đáng kể; nó có thể bị suy thoái thành một bộ máy nặng nề và chậm chạp, ở đó một lượng lớn sản phẩm sẽ bị hỏng trước khi đến tay người tiêu dùng. Làm thế nào để xây dựng một hệ thống phân phối có hiệu quả?

Có hai khả năng mở ra đối với Chính quyền Xô Viết. Chính quyền Xô Viết có thể xây dựng một bộ máy phân phối hoàn toàn mới; hoặc là nó sử dụng lại toàn bộ hệ thống phân phối của chủ nghĩa tư bản, làm thành ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Chính quyền Xô Viết đã lựa chọn phương án thứ hai. Trong khi xây dựng các cơ quan của mình ở những nơi cần thiết, đặc biệt trong thời kỳ đầu xóa bỏ các điều kiện của chủ nghĩa tư bản, Chính quyền Xô Viết tập trung quan tâm vào các hợp tác xã thương nghiệp, chủ yếu nhằm sử dụng hệ thống hợp tác xã để phục vụ cho việc phân phối hàng hóa.

§ 117. Hợp tác trong thời kỳ trước đây

Trong xã hội tư bản, chức năng chính của hợp tác xã là giải phóng người tiêu dùng khỏi ách thống trị của người trung gian, khỏi sự kìm kẹp của thương nhân đầu cơ; để đảm bảo việc trao đổi lợi nhuận cho liên minh người tiêu dùng; và cung cấp cho người tiêu dùng hàng hoá có chất lượng thỏa đáng. Các hợp tác xã đạt được những kết quả với thành công đáng kể, song họ chỉ làm điều này cho các thành viên của mình, tức là cho một bộ phận nhất định của xã hội.

Những người hợp tác tiên phong đã tưởng tượng rằng, chủ nghĩa tư bản sẽ được cải tạo một cách hòa bình thông qua phương thức hợp tác. Tuy nhiên, kết quả thực sự đạt được khá khiêm tốn. Với sự thành công ít nhiều, hợp tác chỉ đơn thuần lật đổ thương mại bán lẻ; song nó đã không thể tác động đến sức mạnh của thương mại bán buôn, mà bản thân nó chỉ là thứ cấp của hệ thống này. Tất nhiên, chúng tôi đang đề cập đến hợp tác phân phối. Hợp tác sản xuất chiếm một phần không đáng kể trong hệ thống sản xuất tư bản chủ nghĩa, và thực tế không ảnh hưởng gì đến quá trình và sự phát triển của công nghiệp tư bản chủ nghĩa. Một cách tổng quát, chúng ta có thể nói rằng tổ chức tư bản khổng lồ không coi sự hợp tác là một đối thủ nặng ký. Chủ nghĩa tư bản cảm thấy hoàn toàn có khả năng bóp nghẹt sự hợp tác, như bóp một con mèo con, bất cứ khi nào nó cho là phù hợp. Và do đó, nó hoàn toàn thoải mái để những người mơ mộng của phong trào hợp tác tự do thỏa mãn tầm nhìn của họ về việc lật đổ chủ nghĩa tư bản, và cho phép những người thư ký của phong trào này vỗ về bản thân bằng lợi nhuận mà họ đã giành được từ những người buôn bán nhỏ lẻ. Sự hợp tác tự thích nghi với chủ nghĩa tư bản, và đóng một vai trò nhất định trong hệ thống phân phối tư bản chủ nghĩa. Nó thậm chí còn có lợi cho chủ nghĩa tư bản, vì nó làm giảm chi phí của bộ máy phân phối tư bản chủ nghĩa, và do đó giải phóng một lượng vốn kinh doanh nhất định để sử dụng trong công nghiệp sản xuất. Mặt khác, bằng cách giảm số lượng người trung gian nhỏ lẻ và đưa người tiêu dùng tiếp xúc gần hơn với nhà sản xuất tư bản quy mô lớn, hợp tác đã thúc đẩy trao đổi hàng hóa, đảm bảo việc hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán một cách nhanh chóng và tận tâm, và cuối cùng, đã làm cho vị thế của đội quân dự bị công nghiệp [1] thậm chí còn tồi tệ hơn trước, bởi lực lượng này thường có xu hướng nương náu vào cuộc sống buôn bán lặt vặt. Hơn nữa, nhiều cuộc điều tra đã chỉ ra rằng, sự hợp tác giữa những người nông dân chủ yếu giới hạn lợi thế của nó trong nhóm những người nông dân có năng lực và khá giả, trong khi những người nông dân nghèo được hưởng lợi rất ít.

Nếu xét tới tính giai cấp của các thành viên, các hợp tác xã phân phối có thể được chia thành hợp tác xã của công nhân, hợp tác xã của nông dân, hợp tác xã của những cư dân thành thị tiểu tư sản khá giả và công chức. Các hợp tác xã do công nhân hình thành luôn cực tả hơn so với các thiết chế hợp tác xã nói chung; nhưng đối với các tổ chức khác của giai cấp vô sản, các hợp tác xã này lại thiên hữu hơn. Trong các hợp tác xã nông dân, những nông dân làm ăn khá giả có tiếng nói quyết định. Trong loại hình hợp tác xã thứ ba, thành phần chủ yếu là trí thức tiểu tư sản, có tầm cỡ ngang với những trí thức đã chi phối toàn bộ phong trào hợp tác – những người tin rằng hợp tác có sứ mệnh to lớn là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, bằng phiếu giảm giá và những ổ bánh mì.

Bản chất thực sự của phong trào hợp tác đã được bộc lộ qua cuộc cách mạng vô sản ở Nga. Ngoại trừ một số hợp tác xã của công nhân, phong trào này, đặc biệt là tầng lớp trí thức và nông dân giàu có trong giới lãnh đạo hợp tác xã – có thái độ thù địch nhất định đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thật vậy, các hợp tác xã ở Siberia, dưới hình thức tổ chức được gọi là Mua và Bán, và các hợp tác xã phân phối khác, đã công khai đứng về phía phản cách mạng và ủng hộ việc nghiền nát Cộng hòa Xô Viết với sự hỗ trợ của chủ nghĩa đế quốc thế giới.

Tính đến ngày 1/10/1917, có 612 hợp tác xã ở Nga. Tuy nhiên, rõ ràng con số này quá thấp, vì đến ngày 1/1/1918, theo ước tính từ nhiều nguồn khác nhau, có đến 1000 hợp tác xã như vậy. Trong Centrosoyuz [Liên minh Hợp tác Trung tâm] có 88.601 hội với tổng số thành viên là 18.694.196. Tuy nhiên, cùng một hợp tác xã có thể thuộc hai hoặc ba liên đoàn khác nhau, nên số lượng hợp tác xã và người hợp tác ở Nga có thể nhỏ hơn so với tuyên bố này. Về hợp tác sản xuất, đến năm 1918, ở Nga tồn tại 469 hiệp hội và liên đoàn hợp tác, chủ yếu là ở quy mô nhỏ.

  • Chú thích:

[1] Đội quân dự bị công nghiệp: một khái niệm của Karl Marx, đề cập đến một lực lượng thiệt thòi của tầng lớp vô sản, những người thất nghiệp và thiếu việc.

§ 118. Hợp tác đương thời

Trong chế độ tư bản, hợp tác đóng một vai trò nhất định trong hệ thống chung. Trong chế độ xô viết, bộ máy hợp tác xã đã được định sẵn là sẽ chết dần cùng với những bộ máy khác của chế độ phân phối tư bản hoặc gia nhập hệ thống phân phối xã hội chủ nghĩa và nắm lấy vai trò của một bộ máy phân phối nhà nước. Những lãnh đạo cũ của hợp tác xã – các mensheviks, các nhà cách mạng xã hội và hàng loạt các nhà xã hội kiểu Kolchak – muốn đảm bảo sự độc lập của hợp tác xã đối với nhà nước vô sản, điều này có nghĩa là đảm bảo cho chúng quyền được dần dần biến mất. Mặt khác, chính quyền Xô Viết vì thực sự chú tâm đến những mong muốn thực sự của đại đa số quần chúng lao động và đặc biệt quan tâm đến mong muốn của những xã viên hợp tác xã nên theo đuổi một con đường khác. Chính quyền Xô Viết đã không ngừng nỗ lực để hợp nhất bộ máy phân phối hợp tác xã với toàn bộ hệ thống các cơ quan phân phối của nó, bất chấp những ý kiến của các trí thức đã từng lãnh đạo hợp tác xã và từ chối xóa bỏ cả bộ máy hợp tác xã vì những hoạt động phản cách mạng của các lãnh đạo này. Nó đã và đang nỗ lực để mở rộng quy mô các hoạt động hợp tác xã thay vì hạn chế lại. Những mục tiêu thực tiễn của chính quyền Xô Viết và Đảng Cộng sản trong vấn đề này là như sau:

Hợp tác xã bình thường kiểu tư sản là một hiệp hội tự nguyện của các công dân có những mối quan tâm nhất định trong xã hội. Quy tắc của xã hội là không phục vụ ai ngoại trừ các thành viên của chính nó, và nếu nó có cung cấp hàng hóa tới hầu hết dân chúng thì nó cũng chỉ làm thế chừng nào việc này có thể được thực hiện mà không gây tổn hại đến các thành viên. Mặt khác, chúng tôi lại thấy điều cần thiết là toàn bộ dân chúng sẽ được đưa vào trong các hợp tác xã và mọi thành viên của cộng đồng đều sẽ thuộc về một hợp tác xã. Chỉ khi đó việc phân phối thông qua các hợp tác xã mới đồng nghĩa với phân phối tới toàn thể dân chúng.

Trong một xã hội phân phối của những người hợp tác, công việc thường được tiến hành dưới sự điều hành của tất cả các thành viên trong xã hội. Trên thực tế, theo quy định thì một nhóm khá nhỏ các thành viên chịu trách nhiệm thực hiện các công việc buôn bán, nhưng điều này phụ thuộc vào chính các thành viên. Hiến pháp của xã hội đặt quyền kiểm soát tuyệt đối trong tay của quốc hội. Nếu tất cả các công dân của nước cộng hòa được ghi danh vào hợp tác xã, họ có toàn quyền kiểm soát các tổ chức này từ dưới lên trên và do đó kiểm soát toàn bộ bộ máy phân phối trong Nhà nước vô sản. Nếu quần chúng thể hiện sự độc lập đầy đủ, họ có thể cương quyết thành công trong việc xóa bỏ tệ độc hại và quan liêu khỏi công việc phân phối, và do đó có thể đảm bảo tính đúng giờ và chính xác cần thiết trong toàn bộ tổ chức hợp tác xã. Khi chính người tiêu dùng tham gia vào công việc phân phối, các cơ quan phân phối sẽ không còn như ở trên trời nữa mà sẽ trở thành phương tiện trong tay của chính quần chúng. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của ý thức cộng sản và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kỷ luật đồng chí giữa những người lao động. Đồng thời, nó sẽ giúp quần chúng nhân dân hiểu được bản chất hợp nhất của bộ máy sản xuất và phân phối trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, sau khi kết nạp toàn dân vào hợp tác xã, bộ phận lãnh đạo của các tổ chức này phải được giao cho giai cấp vô sản của quần chúng. Ở các thành thị, điều này sẽ được đảm bảo thông qua sự tham gia tích cực hơn của người lao động thành thị vào các chức năng hợp tác; thông qua việc đảm bảo bầu cử đa số những người cộng sản và vô sản vào các cơ quan hành chính; và trên hết là bằng cách hiểu rằng các hợp tác xã được chuyển thành công xã tiêu dùng thành thị sẽ là hợp tác xã của công nhân chứ không phải hợp tác xã do tiểu tư sản và công chức thành lập. Cuối cùng, điều cần thiết là phải có sự liên kết mật thiết giữa các hợp tác xã và các tổ chức công đoàn, nghĩa là giữa các cơ quan phân phối và sản xuất tương ứng. Một tương lai rộng mở đang chờ đón những tổ chức như vậy. Theo thời gian, chức năng của Nhà nước sẽ giảm xuống chỉ còn chức năng của một văn phòng kế toán trung ương, và khi đó, sự liên kết sống động của các tổ chức sản xuất với các tổ chức phân phối sẽ có tầm quan trọng vượt trội. Cuối cùng, điều cốt yếu là những người cộng sản nên tham gia như một nhóm nhỏ trong việc xây dựng hệ thống phân phối hợp tác này, và họ phải đảm bảo vai trò thống trị trong công việc.

Ở các vùng nông thôn, điều quan trọng là phải loại trừ những nông dân giàu có ra khỏi công việc quản lý của các hợp tác xã; rằng những cư dân tương đối khá giả ở nông thôn không được nhận bất kỳ đặc quyền nào trong vấn đề phân phối; và rằng toàn bộ bộ máy của các hợp tác xã nông thôn nên được kiểm soát bởi nông dân nghèo và tầng lớp nông dân trung lưu.

§ 119. Các cơ quan phân phối khác

Kể từ cách mạng tháng Mười đã có nhiều cơ quan phân phối khác nhau do cuộc cách mạng tạo ra. Trung ương của chúng là Narkomprod [Ủy ban Lương thực Nhân dân] với tất cả các chi cục của nó ở các tỉnh và quận. Các tổ chức cung cấp thực phẩm này có những công cụ phân phối riêng của mình dưới dạng một mạng lưới của các kho tàng và cửa hàng thực phẩm. Có một thời, ở các huyện nông thôn, các ủy ban của nông dân nghèo cũng là các đại lý phân phối, do đó hình thành một đối trọng với phân phối hợp tác xã. Trong khi các hợp tác xã phân phối hầu hết sản phẩm họ nhận được cho nông dân khá giả, thì ủy ban nông dân nghèo phân phối cho nông dân nghèo phần lớn hơn và phần tốt nhất họ nhận được từ Nhà nước. Cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phân phối là các ủy ban về nhà ở trong các thành phố lớn và các công xã nhà ở. Các công đoàn và các ủy ban nhà máy cũng thế.

Nhiệm vụ của Chính quyền Xô Viết là đảm bảo rằng, nhiều cơ quan phân phối như vậy sẽ được thay thế bằng một cơ quan phân phối duy nhất, hoặc sẽ trở thành các bộ phận được tích hợp vào một cơ chế phân phối. Ví dụ, trong mối liên kết này, các ủy ban và công xã về nhà ở đóng một vai trò hữu ích, vì chúng cho phép người tiêu dùng đảm bảo được hàng hóa họ cần mà không phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ hoặc thậm chí vài ngày.


Mục lục

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận