Nghèo đói và biến đổi khí hậu

Hừng Đông, tháng 6 năm 2019

Thế giới của chúng ta đang bị hủy hoại và con cháu chúng ta đang đối mặt với một tương lai bất định bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Không một ai không bị ảnh hưởng, nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là người nghèo, đó là những người nông dân, ngư dân mà đời sống kinh tế còn phụ thuộc ít nhiều vào điều kiện tự nhiên, những người nghèo đô thị mà việc đảm bảo nhu cầu nhà ở và nước sạch là vô cùng khó khăn.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới người nghèo như thế nào?

Cho tới quý I năm 2018, trong tổng số 55,1 triệu lao động Việt Nam ước tính có 38,12% là làm việc trong lĩnh vực nông lâm thủy sản [1], một lĩnh vực mà điều kiện làm việc còn phụ thuộc ít nhiều vào tự nhiên. Bởi vì vậy mà người nông dân, ngư dân luôn là những người đầu tiên phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Đời sống của người nông dân Việt Nam từ xưa tới nay chưa bao giờ là dễ dàng cả, giống như một bài thơ đã mô tả:

“ Hạt gạo làng ta,

Có bão tháng bảy, có mưa tháng ba,

Giọt mồ hôi sa, những trưa tháng sáu,

Nước như ai nấu, chết cả cá cờ,

Cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy…”

Bài thơ “Hạt gạo làng ta”, Trần Đăng Khoa.

Và giờ đây, nó lại càng khó khăn hơn bao giờ hết bởi sự diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán của những hiện tượng thời tiết cực đoan. Chỉ trong năm 2018 họ đã đón nhận: 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long và triều cường vượt mốc ở Nam Bộ. Những hậu quả mà chúng để lại hết sức nặng nề: 198 người chết và mất tích, 141 người bị thương, 1.747 căn nhà bị đổ, sập và 30.429 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và 53.077 nhà bị ngập nước; 217.829 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 30.666 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 27.155 con gia súc và 458.790 con gia cầm bị chết; 11.047 ha thủy sản bị ngập, mất; 343 km đê, kè, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt; hơn 65,6 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hơn 8,26 triệu m3 đất đá đường giao thông Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt, đồng nghĩa với nhiều khu vực [2]. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều vùng xa trung tâm sẽ bị cô lập trong hàng tháng trời. Miền trung Việt Nam là nơi phải hứng chịu nhiều cơn bão nhất, cũng vì thế mà nhiều ngôi nhà ở đây thường chỉ được xây tạm bợ bởi dù sao nó cũng không trụ được sau mỗi trận bão.

Biển và các vùng ven bờ đang bị ô nhiễm bởi rác thải và hóa chất, cá và các sinh vật biển đang chết hàng loạt. Đó thực sự là một thảm họa với những người ngư dân mà đời sống của họ hầu như phụ thuộc vào biển cả,. Hẳn cần phải nhắc lại sự kiện Fomosa xả thải năm 2016 đã làm người ngư dân điêu đứng thế nào, kết quả khảo sát của Bộ lao động – thương binh và xã hội Việt Nam ở bốn tỉnh miền trung cho thấy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đột biến: Ở Hà Tĩnh là 15,7 lần, Quảng Bình: 7,9 lần, Quảng Trị: 2,8 lần và Thừa Thiên Huế: 1,6 lần. Số lượng ngư dân ở Hà Tĩnh đã giảm tới 74%, đời sống hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng [3].

Tình trạng thất nghiệp và nghèo đói ở nông thôn đã khiến cho nhiều người phải đổ ra thành thị để tìm kiếm việc làm. Nhưng ở đây đời sống của họ cũng không khá hơn bao nhiêu.

Một khu ổ chuột ở thành phố Hồ Chí Minh/ Hình ảnh công cộng

Nơi mà họ sống là những khu ổ chuột, một khu vực chật chội với những ngôi nhà tạm bợ luôn trong tình trạng xuống cấp và thiếu thốn, tình trạng mất vệ sinh, thiếu nước sạch, điện, luật pháp và các dịch vụ công cộng khác là phổ biến. Thật khó tin khi 3 – 4 thế hệ có thể cùng chung sống trong những ngôi nhà chưa tới chục mét vuông. Nhiều người đã mắc bệnh ngoài da và đường ruột, ung thư cũng không phải hiếm, nhiều trẻ em không được đi học và tương lai với chúng thật mù mịt như cha mẹ chúng, những người mà công việc thường xuyên là tạm bợ và lương thấp [4].

Trong các nhà máy, công trường, tình trạng an toàn lao động kém khiến cho không ít tai nạn xảy ra nhiều người tử vong hoặc…tệ hơn nữa, bị thương tật vĩnh viễn và trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình. Nhưng có lẽ thật mỉa mai khi tháng 10 năm 2018, hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua 100% dự án nhà hát giao hưởng trị giá 1500 tỷ VND, dường như với họ việc hưởng thụ âm nhạc cao cấp quan trọng hơn nhiều một ngôi nhà nhỏ cho những gia đình nghèo, nước sạch cho người dân và học hành của con trẻ.

Chúng ta cần những con đê chắc chắn và dĩ nhiên là không có lõi toàn tre, những con đập ngăn nước mặn xâm nhập đồng ruộng, những nhà máy năng lượng mặt trời hoặc sức gió, nhiều những ngôi nhà nhỏ thôi nhưng có thể chống chọi được bão gió và đảm bảo được những nhu cầu cơ bản của chủ nhà, một bộ luật chặt chẽ đảm bảo những doanh nghiệp phá hoại môi trường phải chịu hậu quả nghiêm trọng… Chúng ta không thiếu giải pháp, chỉ thiếu tiền và quyền lực để làm điều đó. Hàng ngàn tỷ đã và đang biến mất, bởi tham nhũng và đầu tư không hiệu quả. Những người sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất lại phải trông đợi giải pháp từ kẻ khác. Đó là thế giới mà chúng ta đang sống, và chúng ta sẽ đầu hàng mà không tranh đấu chăng?

Giải pháp nào cho chúng ta?

Tôi nhớ đến đoạn cuối trong bài phát biểu của cô bé Greta Thunberg tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ( COP 24) [5]:

“Nếu như không thể tìm thấy giải pháp nào trong hệ thống, có lẽ chúng ta cần thay đổi chính hệ thống.

Chúng tôi tới đây không phải cầu xin các nhà lãnh đạo thế giới. Các vị đã phớt lờ chúng tôi hết lần này tới lần khác.

Không còn gì để biện hộ và chúng ta sắp hết thời gian.

Chúng tôi đến đây để nói cho các vị biết sự thay đổi đang đến, dù các vị có thích nó hay không. Sức mạnh thực sự ở nhân dân.”

Chính xác! sức mạnh nằm trong nhân dân, đoàn kết lại chúng ta có thể làm nên những điều không tưởng. Nhưng bằng cách nào? Đã có một số người hướng tới nền dân chủ tư sản. Nhưng chẳng phải tổng thống Trump của Hoa Kỳ, quốc gia “dân chủ” nhất thế giới, đã nhiều lần công khai coi biến đổi khí hậu là một “trò lừa bịp” và không ngại ngần dỡ bỏ các quy định môi trường để làm lợi cho các nhà tư bản. Tập đoàn Fomosa đã gây ô nhiễm môi trường ở miền Trung Việt Nam nhưng trước đó nó cũng đã làm điều tương tự ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Đài Loan, nơi tập đoàn đặt trụ sở chính đã nhiều lần diễn ra các cuộc biểu tình lớn của người dân địa phương, như cuộc biểu tình ở Cao Hùng năm 2010, ở Văn Lâm năm 2015. Năm 1998, tập đoàn Fomosa đã mua chuộc chính quyền địa phương ở Sihanoukville, Campuchia để đổ 5000 tấn chất thải chưa qua xử lý, trong đó có 3000 tấn nhiễm thủy ngân gây nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe của dân địa phương. Khu tổ hợp sản xuất nhựa của Fomosa ở Mỹ bất chấp nhiều lần chịu án phạt vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường [6]. Và đây không phải là cá biệt, chúng ta còn vô vàn ví dụ khác: bê bối “chất độc da cam” của tập đoàn Monsato, bê bối gian lận khí thải của Volkswagen, các sự cố tràn dầu của BP, Chevron… Chỉ 100 tập đoàn lớn đã phải chịu trách nhiệm cho hơn 70% lượng khí thải nhà kính [7]. Bất cứ ở đâu và khi nào thuận tiện các tập đoàn đa quốc gia cũng sẵn sàng xé bỏ sự ràng buộc của luật pháp, và đó hoàn toàn không phải là sự xuống cấp đạo đức của một vài người mà là hệ quả tất yếu của cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận. Một cuộc đua cắt giảm chi phí, giành giật thị trường và đánh bại đối thủ cạnh tranh là một cuộc đua xuống đáy, với những hậu quả khủng khiếp cho tương lai nhân loại. Các chính phủ tư sản đã hoàn toàn bất lực để ngăn chặn điều đó, và trong nhiều trường hợp còn có sự đồng lõa. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu và chúng ta đều biết, để giải quyết một vấn đề toàn cầu cần một nỗ lực toàn cầu, nhưng hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ( COP) dù đã diễn ra liên tục 24 năm nay nhưng tới giờ nó còn xa mới đáp ứng được nhu cầu bức thiết của nhân loại. Xét cho cùng, chúng ta chẳng thể hi vọng gì vào giới tinh hoa, những con người đang sống trong những tòa lâu đài nguy nga và an toàn tuyệt đối, tách biệt hoàn toàn khỏi phần còn lại nhân loại.

Nếu bạn muốn một công việc có kết quả hãy trao nó vào tay người cần nó nhất. Chúng ta cần những ủy ban công cộng và các hội đồng trong máy được kiểm soát dân chủ bởi công nhân. Một sự phối hợp giữa ủy ban nhà với các hội đồng công nhân trong các nhà máy thép, xi măng …sẽ giúp lên kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà ở miễn phí cho người nghèo. Tương tự, với ủy ban năng lượng để lên kế hoạch từng bước đóng cửa các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thay thế bằng năng lượng sạch như gió, mặt trời, thủy triều… Và trên hết chúng ta cần quốc hữu hóa các ngân hàng và tập đoàn đầu sỏ để tận dụng nguồn lực cho nhu cầu xã hội đồng thời ngăn chặn sự phá hoại.

Nghe có vẻ không tưởng chăng? Có một điều rõ ràng là sẽ không có một bánh xe nào quay, điện thoại nào reo hay bóng đèn nào sáng mà không có sự cho phép của công nhân. Giai cấp công nhân có tổ chức, được trang bị một chương trình cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ là sức mạnh không thế lực nào có thể ngăn cản nổi. Vì vậy nhiệm vụ trước mắt của những người Marxist là hết sức rõ ràng, đoàn kết phong trào cấp tiến bảo vệ môi trường với phong trào công nhân để đấu tranh cho một chương trình xã hội chủ nghĩa táo bạo. Chỉ bằng cách tước đoạt của 1% tầng lớp ký sinh ta mới có nguồn lực để đảm bảo nhu cầu cho 99% còn lại, chỉ có thay thế chủ nghĩa tư bản dưới mọi hình thức bằng chủ nghĩa xã hội chúng ta mới có thể lên kế hoạch sử dụng tài nguyên trái đất một cách dân chủ và hài hòa, đảm bảo cho tương lai nhân loại!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận