Đúng vậy, Rosa đã chống đối “Quyền tự quyết của dân tộc”

Mọi thứ được bắt nguồn từ những tin đồn trong cuộc tranh cãi của Rosa và Lenin, trong “The Socialist Revolution and the Right of Nations to Self-Determination” Lenin cho rằng các dân tộc cần phải được giải phóng trước khi tiến hành cách mạng quốc tế, vì chỉ có thoát khỏi áp bức thì giai cấp vô sản mới có thể đoàn kết quốc tế. Còn đối với Rosa, bà chống đối “quyền tự quyết của dân tộc” và điển hình nhất điều mà mọi người luôn phê phán bà đó là bà đã chống đối lại “quyền tự quyết của dân tộc” Ba Lan và phản đối “giải phóng dân tộc” Ba Lan. Vì sao một nhà Marxist thông thái, người được cho là đã viết tiếp “Tư Bản” của Marx lại có quan điểm như vậy? Tuy nhiên, có thật rằng Lenin và Rosa đã chống đối nhau về vấn đề “quyền tự quyết dân tộc”?

1.Tin đồn về mâu thuẫn giữa Lenin và Rosa

Có thật rằng Lenin là một người “chuyên” về giải phóng dân tộc và ủng hộ hoàn toàn các cuộc giải phóng dân tộc mà không xem xét về hoàn cảnh lịch sử của đất nước đó? Có phải Rosa đã phản đối việc Ba Lan nên được độc lập hay không?

Thật chất, trong lập luận của Lenin về giải phóng dân tộc Ba Lan, ông không hề sai khi nói rằng:

Công nhân Ba Lan nên chiến đấu không mệt mỏi bên cạnh các đồng chí trong giai cấp của họ. Đã qua rồi cái thời mà một cuộc cách mạng tư sản có thể tạo ra một nước Ba Lan tự do: ngày nay sự tái sinh của Ba Lan chỉ có thể thực hiện được thông qua một cuộc cách mạng xã hội, trong đó giai cấp vô sản hiện đại sẽ phá bỏ xiềng xích của nó. The National Questions in Our Program – Vladimir Lenin

Thật kỳ lạ khi Rosa, người mà các tin đồn cho rằng chống đối việc giải phóng Ba Lan lại có cùng quan điểm với Lenin

giai cấp vô sản Ba Lan nên sử dụng sức mạnh của mình để đảm bảo rằng giai cấp của họ sẽ tạo dấu ấn lớn nhất trong các quyết định của cơ quan tự quản quốc gia đó.  …… phải có một chương trình được xác định rõ ràng về vấn đề quốc gia, mà nó có thể giới thiệu tại quốc hội Warsaw, một chương trình không tương ứng với ý muốn của “ quốc gia ”nhưng chỉ phù hợp với ý chí và lợi ích của giai cấp vô sản Ba Lan. – The National Question – Rosa Luxemburg

Rõ ràng từ hai quan điểm của cả Lenin và Rosa cho thấy rằng hai người đều ủng hộ việc giải phóng Ba Lan. Tuy nhiên lợi ích từ việc giải phóng dân tộc hay quyền tự quyết dân tộc phải là của giai cấp vô sản cũng như người thực hiện cách mạng ấy phải là chính họ.

Điều mà cả hai đồng quan điểm với nhau đó là họ chống lại một cuộc cách mạng tư sản đi tiên phong về vấn đề dân tộc. Nếu giai cấp tư sản lãnh đạo giải phóng dân tộc thì đó không còn là lợi ích của giai cấp vô sản nữa mà họ đã trở thành những công cụ trong tay tư sản, giai cấp vô sản sẽ không bao giờ được tự do nếu đi theo con đường mà tư sản đã sắp đặt.

Mặt khác, Lenin đã khẳng định rằng ông không phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc và mù quáng ủng hộ các cuộc giải phóng dân tộc khi ông hoàn toàn đứng về phía của người dân vô sản, ông ủng hộ giải phóng cho những người bị áp bức và Rosa cũng vậy.

Thật không hiểu sao khi đôi bạn thân Rosa và Lenin đã từng kề cặp bên nhau thảo luận và bàn bạc về chính trị lại có những tin đồn mâu thuẫn hết sức thiếu logic như vậy. Đã tới lúc những tin đồn nhảm nhí về mâu thuẫn “quyền tự quyết dân tộc” giữa Rosa và Lenin biến mất.

2. Rosa chống lại “quyền tự quyết dân tộc”

Rosa đã không phản đối việc giải phóng dân tộc và quyền tự quyết dân tộc thật sự.  Cụ thể ,đối với cách mạng dân tộc của người Thụy Sĩ, Rosa đã không ngừng ngại đưa ra những lời ủng hộ của mình

Từ quan điểm về “quyền tự quyết của các quốc gia”, cuộc nổi dậy của Thụy Sĩ hiển nhiên xứng đáng nhận được sự đồng cảm của những người theo chủ nghĩa xã hội. Không còn nghi ngờ gì nữa, nguyện vọng của người Thụy Sĩ được giải phóng khỏi ách thống trị của Hapsburg là một biểu hiện thiết yếu cho ý chí của “người dân” hoặc phần lớn trong số họ. Phong trào dân tộc của người Thụy Sĩ mang tính chất phòng thủ thuần túy, nó chỉ nhằm mục đích loại bỏ sự áp bức của một kẻ xâm lược ngoại bang – The National Question – Rosa Luxemburg

Vậy thật ra thứ mà bà đang chống đối và phê phán chính là “quyền tự quyết dân tộc” được đưa ra bởi những kẻ cơ hội, bởi những nhà tư sản đang nắm lấy đa số phiếu bầu và các cơ quan lập pháp.

“Không thể nói về ý chí tập thể và thống nhất, về quyền tự quyết của “quốc gia” trong một xã hội được hình thành theo cách thức như vậy. Nếu chúng ta tìm thấy trong lịch sử các xã hội hiện đại các phong trào “quốc gia” và đấu tranh cho “lợi ích quốc gia”, thì đây thường là các phong trào giai cấp của các tầng lớp thống trị của giai cấp tư sản,… “ – The National Question – Rosa Luxemburg

Với những người tư sản đang hiện hữu ở Ba Lan, thứ họ muốn chính là “quyền tự quyết dân tộc” đến từ chủ nghĩa dân tộc, đến từ việc đặt quốc gia này lên quốc gia khác và tăng thêm mâu thuẫn giữa các nước. Những người tư sản kêu gào “dân chủ” và “bình đẳng” cho mọi người thông qua vấn đề “giải phóng dân tộc”. Tuy nhiên, thứ “dân chủ” mà tư sản lừa bịp người dân vốn chỉ là những thứ không có ý nghĩa. Chúng chỉ đại diện cho mặt hình thức bên ngoài để hòng làm giàu cho chính giai cấp tư sản.

 “Trên cơ sở này, chủ nghĩa xã hội khoa học đã sửa đổi lại toàn bộ kho tư tưởng sáo rỗng dân chủ và siêu hình kế thừa từ giai cấp tư sản. Dân chủ Xã hội ngày nay từ lâu đã không còn liên quan đến những cụm từ như “dân chủ”, “tự do quốc gia”, “bình đẳng” và những điều đẹp đẽ khác như chân lý vĩnh cửu và quy luật vượt qua các quốc gia và thời đại cụ thể. Ngược lại, chủ nghĩa Marx chỉ xem là những biểu hiện của những điều kiện lịch sử nhất định,…”  The National Question – Rosa Luxemburg

Đối với “quyền”, Rosa cho rằng thật khó để có thể định nghĩa được từ “quyền” khi nó đến từ sự ban phước của giai cấp tư sản. Tức là, nếu như có “quyền” nghĩa là có một sự không bình đẳng đang hiện diện trong xã hội giai cấp. Và “quyền” nên thật sự trao cho ai? Là những người công nhân, những người vô sản hay những người cầm quyền? Những người ban hành và lập pháp theo hệ thống của giai cấp tư sản?

 “Quốc gia” nên có “quyền” tự quyết. Nhưng “quốc gia” đó là ai và ai có thẩm quyền và “quyền” để nói cho “quốc gia” và bày tỏ ý chí của mình? Làm thế nào chúng ta có thể tìm ra “quốc gia” thực sự muốn gì? Tất cả các đảng tư sản, tự do đều coi mình là hiện thân của ý chí nhân dân và tự nhận độc quyền đại diện cho “quốc gia”……..” The National Question – Rosa Luxemburg

Tuy nhiên, không có nghĩa rằng Rosa chống đối “quyền”. Bà cho rằng mỗi cá nhân đều được hưởng những quyền lợi của mình miễn là không phải quyền lợi không đại diện cho họ. Như mỗi người đều có quyền được sở hữu tài sản cá nhân và đều có quyền lên tiếng nói. Nhiều quyền do giai cấp tư sản giành được cũng là những quyền quan trọng đối với giai cấp công nhân, ví dụ: quyền bình đẳng trước pháp luật ; quyền sở hữu tài sản; quyền tự do ngôn luận; quyền tự chủ về cơ thể của mình;v..v Một số quyền, một số ít, là của riêng giai cấp tư sản chủ yếu là quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất xã hội; quyền được hưởng các đặc quyền trong các hoạt động công cộng như luật pháp, y tế và giáo dục dựa trên sự giàu có. Và người lao động có những quyền đặc biệt là quyền của giai cấp công nhân: chẳng hạn như quyền tự do hiệp hội. Người lao động cần các quyền của họ cho dù họ đang sống ở bất kỳ nhà nước nào.

Ngoài ra, Rosa chỉ ra rằng việc giải phóng dân tộc dựa trên các hệ thống của giai cấp tư sản hay chủ nghĩa dân tộc sẽ chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Các quốc gia nhỏ bé hơn sẽ phải sống lệ thuộc các quốc gia lớn, không hề có tiếng nói trong quốc tế cũng như bất lực về mặt chính trị

 “Sự phát triển của các cường quốc trên thế giới, một đặc điểm đặc trưng của thời đại chúng ta ngày càng quan trọng cùng với sự tiến bộ của chủ nghĩa tư bản, ngay từ đầu đã lên án tất cả các quốc gia nhỏ là bất lực về chính trị. Ngoài một số quốc gia hùng mạnh nhất, những quốc gia đi đầu trong sự phát triển tư bản chủ nghĩa, những quốc gia sở hữu các nguồn lực tinh thần và vật chất cần thiết để duy trì sự độc lập về chính trị và kinh tế, thì “quyền tự quyết”, sự tồn tại độc lập của các quốc gia nhỏ hơn là một ảo tưởng , và sẽ thậm chí còn trở nên như vậy. Bên cạnh đó, nền kinh tế và chính trị cường quốc – điều kiện tồn tại của các quốc gia tư bản – biến các quốc gia nhỏ ở Châu Âu độc lập về chính trị, bình đẳng về mặt hình thức thành những kẻ câm lặng trên sân khấu Châu Âu và thường trở thành vật tế thần. Người ta có thể nói một cách nghiêm túc về “quyền tự quyết” của các dân tộc chính thức độc lập không?” The National Question – Rosa Luxemburg

Vậy “quyền tự quyết dân tộc” thật sự là gì? “Dân tộc” chính là một cái tên đại diện cho giai cấp vô sản ở mỗi quốc gia. Và nhiệm vụ của Đảng vô sản các nước ấy là chống lại sự áp bức mà không phải là đến từ “chủ nghĩa dân tộc” mà phải đến từ quyền lợi của giai cấp vô sản, quyền lợi của những người bị áp bức và cùng đoàn kết quốc tế đối với những người vô sản bị áp bức trên khắp mọi nơi, ngay cả một quốc gia thuộc địa. Một “quốc gia” hay một “dân tộc” giống như một giai cấp ở chỗ nó được xây dựng trong lịch sử thông qua đấu tranh chung cho tự do, không phải tự do cá nhân, mà là tự do được thực hiện chung bằng việc xây dựng một nhà nước có khả năng đẩy lùi kẻ thù bên ngoài và đảm bảo các điều kiện cho sự phát triển tự do của nhân dân quốc gia đó. Tất nhiên bên trong các quan hệ giai cấp tồn tại giữa những người có liên quan, cho dù đó là tư sản / tư bản hay một số hệ thống khác – cũng như một nền văn hóa ràng buộc mọi người với nhau. Biên giới chỉ là thứ yếu, nhưng có thể trở thành nền tảng cho sự toàn vẹn của quốc gia. Đất đai là một tác nhân quan trọng tạo điều kiện cho sự tương tác giữa tất cả những người trên khắp thế giới.

Rosa Luxemburg and the revolutionary party revisited | John Riddell

Việc thúc đẩy một cuộc giải phóng dân tộc đến từ giai cấp vô sản thật sự không phải là một điều dễ dàng, cho đến tận ngày nay. Đối với Rosa, điều quan trọng nhất trong lý luận và thực tiễn của bà đó chính là sự trưởng thành của quần chúng công nhân thông qua các cuộc biểu tình và đoàn kết lẫn nhau .Những điều đó sẽ đút kết và trở thành kinh nghiệm để giai cấp công nhân ngày một lớn mạnh hơn. Dẫu vậy, để giai cấp công nhân có thể đi đúng hướng và có lý trí, Rosa đã không ngừng đề cập đến một Đảng Cộng Sản – một Đảng Công Nhân chuyên chính vô sản dẫn đầu trong công cuộc đấu tranh giai cấp, giúp công nhân có ý thức hệ và tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh vô sản quốc tế.

“Trong cuộc đấu tranh với tư bản nhân danh “quyền bình đẳng của công dân”, chúng tôi vạch trần cái sáo rỗng siêu hình che giấu sự bất bình đẳng kinh tế rõ ràng nhất, và chúng tôi yêu cầu, nói trắng ra, sự bảo vệ hợp pháp của tầng lớp người làm công ăn lương, do đó rõ ràng là vi phạm chính thức “bình đẳng trước pháp luật”.” The National Question – Rosa Luxemburg

Sự khác biệt duy nhất trong cuộc tranh cãi về vấn đề dân tộc ở Ba Lan giữa Lenin và Rosa đó chính là Lenin ủng hộ nhanh chóng việc giai cấp vô sản ở Ba Lan phải lập tức tiến hành cách mạng và ủng hộ độc lập từng quốc gia. Điều này được phản biện trong ‘The rights of Nation to Self-determiation” bởi Lenin. Tuy nhiên với vị thế là người con Ba Lan, thấu hiểu mức độ trưởng thành của giai cấp công nhân Ba Lan thông qua những kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được,  bà ủng hộ một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc toàn quốc tế. Rosa cho rằng giai cấp vô sản Ba Lan chưa thể tự tiến hành đấu tranh để giành quyền tự quyết được. Một mặt vì họ vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành, Mặt khác vì giai cấp tư sản cũng như những cơ quan lập pháp vẫn đang là xiềng xích đối với họ nên ngay trong thời đại của bà, bà đã lập tức từ chối việc giai cấp vô sản tiến hành một cuộc giải phóng dân tộc. Điều đó không có nghĩa rằng bà phản đối giải phóng dân tộc như những tin đồn bịa đặt về bà.

“Cuộc cách mạng hiện tại không kêu gọi một phong trào độc lập ở Ba Lan;”The National Question – Rosa Luxemburg

“Nói cách khác, người dân Ba Lan chỉ có thể nhận ra “quyền” tự quyết của mình khi họ có khả năng thực tế, lực lượng cần thiết cho việc này, và khi đó họ sẽ thực hiện nó không phải trên cơ sở “quyền” của mình mà trên cơ sở sức mạnh của nó.” The National Question – Rosa Luxemburg

Ngoài ra, việc đấu tranh giải phóng dân tộc đối với giai cấp vô sản không có nghĩa là hoàn toàn xóa bỏ những đặc tính văn hóa của dân tộc. Bà ủng hộ việc giai cấp vô sản phải cùng lúc giải phóng bản thân khỏi xiềng xích và bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ của mình, không phải bằng chủ nghĩa dân tộc mà là bằng chủ nghĩa quốc tế.

“giai cấp vô sản của chúng ta có thể và phải đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc với tư cách là di sản văn hóa, có quyền tồn tại và phát triển riêng. Và ngày nay bản sắc dân tộc của chúng ta không thể được bảo vệ bằng chủ nghĩa ly khai dân tộc; nó chỉ có thể được bảo đảm thông qua cuộc đấu tranh lật đổ chế độ chuyên quyền” The Poland Question – Rosa Luxemburg

3.  Rosa Luxemburg và mâu thuẫn với Karl Marx về vấn đề giải phóng dân tộc.

Đây là một bước tiến quan trọng đối với Rosa vì bà cho rằng mình đã dám “nghi ngờ Marx”. Bà cho rằng mọi điều kiện lịch sử đã thay đổi và ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm ngày ấy của Marx về “quyền tự quyết dân tộc”.

Cụ thể trong ví dụ đầu tiên Rosa đã phân tích việc hoàn cảnh lịch sử sẽ thay đổi hoàn toàn những ý kiến về câu hỏi quốc gia. Bà lấy ví dụ về  cuộc chiến tranh Krym năm 1855, toàn bộ những nhà xã hội chủ nghĩa bao gồm Marx, Engels và Liebknecht đã chống lại người Slav và đứng về phe người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vấn đề này Marx cho rằng người Slav là một sản phẩm của Sa Hoàng nên ông đã không ngừng ngại và ủng hộ việc độc lập tự do cho nước Thổ. Tuy nhiên, vào năm 1890, mọi thứ đã thay đổi khi Đảng Dân Chủ ủng hộ việc độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ, và cho rằng Thổ sẽ mang lại lợi ích kinh tế và là sân sau của Nga.

 “Dân chủ Xã hội không trái ngược với hiện tại của sự phát triển khách quan, nhưng cùng với nó, và thu lợi từ những kết luận của nó, nó bảo vệ lợi ích của nền văn minh châu Âu bằng cách hỗ trợ các phong trào quốc gia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó cũng hỗ trợ tất cả các nỗ lực đổi mới và cải cách Thổ Nhĩ Kỳ từ bên trong, cho dù cơ sở xã hội cho một phong trào như vậy có thể còn yếu.” The National Question – Rosa Luxemburg

Sau đấy bà lấy tiếp ví dụ về Czech và Ba Lan.  Marx đã ủng hộ việc giải phóng độc lập cho quốc gia Ba Lan và ủng hộ mọi lực lượng giải phóng cho Ba Lan. Tuy nhiên cũng tại thời điểm này, bà đã lên án Marx vì đã quay lưng với người Czech và không đòi hỏi quyền lợi cho họ thông qua “quyền tự quyết dân tộc”.

“Không nghi ngờ gì khi theo quan điểm “quyền tự quyết của các quốc gia”, người Czech xứng đáng nhận được sự ủng hộ của các nhà xã hội chủ nghĩa và dân chủ Châu Âu không kém gì người Ba Lan. Tuy nhiên, Marx đã không để ý đến công thức trừu tượng đó (quyền tự quyết ), và ném những tiếng sét vào đầu những người Czech và khát vọng tự do của họ, những khát vọng mà ông coi là một biến chứng có hại của tình hình cách mạng, càng đáng bị lên án nghiêm khắc, vì đối với Marx, người Czech là một quốc gia đang hấp hối, sẽ sớm biến mất” The National Question – Rosa Luxemburg

What Engels Gave To Marx and Marxism

Và một ví dụ quan trọng cuối cùng chính là vấn đề Thụy Sĩ và Hungary.

Rosa cho rằng phong trào của người Thụy Sĩ là phong trào phòng thủ thuần túy, không hề muốn đàn áp quốc gia khác và xứng đáng được sự ủng hộ của những người xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên Marx và Engels lại cho rằng phong trào Thụy Sĩ là một phong trào phản động và ủng hộ phong trào Hungary – phong trào mà đã giúp chính phủ Vienna đàn áp cuộc cách mạng Ý.

“Từ quan điểm về “quyền tự quyết của các quốc gia”, cuộc nổi dậy của Thụy Sĩ hiển nhiên xứng đáng nhận được sự đồng cảm của những người theo chủ nghĩa xã hội. Không còn nghi ngờ gì nữa, nguyện vọng của người Thụy Sĩ được giải phóng khỏi ách thống trị của Hapsburg là một biểu hiện thiết yếu cho ý chí của “người dân” hoặc phần lớn trong số họ. Phong trào dân tộc của người Thụy Sĩ mang tính chất phòng thủ thuần túy. Nó chỉ nhằm mục đích loại bỏ sự áp bức của một kẻ xâm lược ngoại bang” The National Question – Rosa Luxemburg

“Và bất chấp đặc điểm hai lưỡi không thể chối cãi của phong trào Magyar, rõ ràng là chủ nghĩa xu nịnh mà những người cách mạng Hungary đã giúp chính phủ Vienna đàn áp cuộc cách mạng Ý, những người sáng tạo ra chủ nghĩa xã hội khoa học đã chỉ trích gay gắt cuộc nổi dậy của Thụy Sĩ là một sự kiện phản động, trong khi họ ủng hộ nhiệt liệt cuộc khởi nghĩa Hungary năm 1848.” The National Question – Rosa Luxemburg

Việc Rosa vạch ra những sai lầm của Marx và Engels không phải là để tấn công hai ông mà là để cho chúng ta biết rằng điều kiện lịch sử góp phần thay đổi rất lớn đến những phân tích trong quá khứ, và cần tránh va phải những cái bẫy do hệ thống tư bản đã thiết lập cho chúng ta.

Cho đến tận hôm nay, Rosa có thể sai do điều kiện lịch sử thay đổi nhưng ít nhất bà ấy đã cho chúng ta một tư liệu biện chứng để phân tích tình hình hiện tại.

Ngày nay, câu hỏi dân tộc và giải phóng dân tộc vẫn là những vấn đề cấp bách mà chúng ta cần phải bàn bạc. Từ Palestine, Myanmar đến những quốc gia bị áp bức ở Trung Đông và Mỹ La Tinh, chúng ta có một tình huống khi người lao động bị áp bức bởi các nhà nước mà chính người lao động đã tạo ra. Ngoài ra, lịch sử đã chỉ ra rằng các quốc gia không phai nhạt đi mà vẫn tiếp tục đòi hỏi quyền lợi và đất đai của họ, như người Kurd, người Palestine, người bản địa Úc và các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á. Một phần của cuộc đấu tranh để giải phóng mình khỏi các nhà nước áp bức là để người lao động giúp các dân tộc bị áp bức giành được các quyền dân tộc, chẳng hạn như quyền sử dụng ngôn ngữ của họ và quyền kiểm soát các vùng đất truyền thống của họ. Chúng ta phải học về vấn đề “quyền tự quyết dân tộc” để đấu tranh cho họ cũng như ủng hộ tinh thần, sức mạnh của giai cấp vô sản để cùng nhau đoàn kết quốc tế.Vì chỉ có chủ nghĩa quốc tế mới có thể thật sự đem đến cho chúng ta quyền tự quyết, sự giải phóng dân tộc và bảo tồn những văn hóa dân tộc.

 

Được viết bởi Sally Mju

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận