Hòa bình nào cho Trung đông?

Một năm mới bất ổn

Năm 2019 có thể coi là một năm bất ổn nhất kể từ khi nhân loại bước sang thế kỷ XXI: những xung đột đẫm máu ở Trung Đông, những cuộc nổi dậy của quần chúng từ châu Á, Phi cho tới Mỹ la tinh; những thảm họa môi trường khủng khiếp, bão lũ, hạn hán và cả ngọn lửa đang thiêu rụi toàn bộ lục địa Australia v.v… Bước sang năm 2020 bất cứ người bình thường nào cũng hy vọng về một điều sẽ bớt tệ hại hơn, nhưng thực tế đã sớm chứng minh đó chỉ là mơ mộng hão huyền.

Nửa đêm về sáng ngày 3/1/2020, Không quân Hoa Kỳ đã bất ngờ tiến hành tập kích bằng tên lửa gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq, giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds, bộ phận chịu trách nhiệm cho hoạt động can thiệp quân sự ở nước ngoài của Iran, cùng Abu Mahdi al-Muhandis, người đứng đầu lực lượng Kata’ib Hezbollah, phó thủ lĩnh của ủy ban huy động nhân dân ( Al-Hashd Al-Sha’abi, PMC), các tổ chức dân quân người Shia được Iran hậu thuẫn. Hành động này như thể ném mồi lửa vào thùng thuốc súng, nó châm ngòi cho một cuộc đối đầu trực diện giữa Iran và Hoa Kỳ và gia tăng nghiêm trọng sự bất ổn trong khu vực Trung Đông.

Tang lễ của Soleimani từ ngày mùng 4 tới mùng 7, tháng 1 đã thu hút hàng triệu người Iran tham gia, bao trùm lên đó là một không khí cuồng nhiệt của sự giận dữ và khát khao trả thù. Ngay sau đó ngày 8 tháng 1, Iran đã tấn công tên lửa trực tiếp vào 2 căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Erbil và Al Asad, Iraq [1], trong khi vùng xanh nơi đặt sứ quán Hoa Kỳ ở Iraq đã bị tấn công ngày 9 tháng 1 [2]. Lo sợ cho một cuộc chiến khủng khiếp sắp xảy ra thị trường chứng khoán thế giới tụt dốc trong khi giá dầu và giá vàng tăng mạnh [3].Và đó mới chỉ là bắt đầu, những hậu quả đến sau hành động này là khó có thể tưởng tượng nổi.

Đúng 20 năm về trước, tự tin với vị trí siêu cường duy nhất của thế giới, Hoa Kỳ đã phát động cuộc chiến xâm lược Afghanistan tháng 9 năm 2001 và sau đó là Iraq tháng 3 năm 2003 dưới danh nghĩa chống khủng bố nhưng thực chất là để tiêu diệt các quốc gia không phục tùng Hoa Kỳ và củng cố vị trí tuyệt đối của nó ở Trung Đông, giếng dầu của thế giới.

Nhưng trong tình hình hiện tại, sự tự tin đó đã không còn nữa. Ở Afghanistan, hàng chục nghìn người đã chết và hàng nghìn tỷ dollar đã mất, điều gì đã đạt được kể từ đó? [4]. Lực lượng Taliban không những không bị tiêu diệt mà còn đang mạnh mẽ trở lại, buộc Hoa Kỳ phải tìm tới một thỏa hiệp [5]. Trong khi ở Iraq, một sự mất mát tương tự về người và của để mang lại một kết cục tương tự, thậm chí có thể tệ hại hơn. Những can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ vào Syria hay hỗ trợ đồng minh Saudi Arabia ở Yemen cũng phải đối mặt với nguy cơ thất bại thảm hại. Chính khoảng trống quyền lực gây ra bởi những cuộc chiến hay sự can thiệp do Hoa Kỳ gây ra ở Trung Đông là một trong những nguyên nhân chính cho sự trỗi dậy của nhà nước hồi giáo IS ( Islamic State) [6], cơn ác mộng không chỉ của Trung Đông. Công luận Hoa Kỳ đã mệt mỏi với những cuộc chiến kéo dài và hoàn toàn không hào hứng chút nào với một cuộc chiến mới, chính tâm trạng đó đã góp phần đưa Donald Trump tới vị trí tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016 [7].

Một cuộc chiến với Iran ư? Đó sẽ là một thảm họa đối với Hoa Kỳ không kém gì những cuộc chiến trước đó. Dãy núi Zagros hùng vĩ trải dọc biên giới Iran – Iraq như một bức tường thành tự nhiên ngăn cản mọi cuộc tấn công chớp nhoáng từ phía Tây, cùng với địa hình đa phần là đồi núi của Iran cung cấp cho lực lượng phòng thủ một lợi thế rõ ràng, quân đội Iran được huấn luyện và trang bị tốt, tốt hơn nhiều quân đội Taliban và Iraq mà quân đội Hoa Kỳ từng đối mặt, chưa kể những căn cứ được chuẩn bị từ lâu trong lòng đất. Tất cả những điều đó sẽ khiến cho quân đội Hoa Kỳ không thể tránh khỏi bị sa lầy, và bất kỳ một chiến thắng thực sự nào cũng phải trả giá đắt. Chưa kể những đội quân ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông có thể liên tục tập kích vào các căn cứ của Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực. Ngoài ra, nếu Iran khóa chặt eo biển Hormuz, nơi 40% lượng dầu thô của thế giới đi qua, kết hợp với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết điều này chắc chắn sẽ kéo kinh tế thế giới vào một vòng xoáy suy thoái vô cùng nghiêm trọng. Đó là thảm họa và không thể dùng từ nào khác để diễn tả.

Mặc dù đi sâu vào những cuộc chiến này không phải là mục đích của bài viết mà nói như vậy chỉ để chỉ ra rằng bất kỳ người tỉnh táo nào cũng sẽ không hào hứng với một cuộc chiến trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Iran. Vậy tại sao Donald Trump lại làm vậy? Mặc dù chính Trump đã xé bỏ thỏa thuận hạt nhân và gia tăng áp lực cấm vận với Iran, ông ta vẫn đủ tỉnh táo để tránh một cuộc chiến tranh trực diện với Iran, đó cũng là một trong những bất đồng nghiêm trọng giữa Trump và cố vấn diều hâu John Bolton, dẫn tới sự chia tay giữa họ [8]. Không phải tự nhiên mà các cố vấn của Trump đã bất ngờ khi có lựa chọn tiêu cực như vậy. Vậy tại sao ông ta lại làm vậy? Chúng ta hãy để anh ấy tự trả lời:

“Tổng thống của chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc chiến với Iran vì ông ấy hoàn toàn không có khả năng đàm phán”

“Anh ấy yếu đuối và vô tích sự, vì vậy, tôi tin rằng anh ta sẽ tấn công Iran vào một thời điểm nào đó trước cuộc bầu cử, bởi vì anh ta nghĩ đó là cách duy nhất để anh ta được bầu.”[9]

Đó là những gì mà Trump đã nói về Obama vào năm 2011. Vị tổng thống thứ 45 của Hoa kỳ khi đó đã không ngờ rằng, không phải Obama mà chính ông sẽ là người đi đến một hành động mà có thể dẫn Hoa Kỳ tới một cuộc chiến tranh trực tiếp với Iran. Có phải ông ta đã quên những lời này, như những dòng Tweet vội lúc nửa đêm mỗi lúc ông cao hứng. Không phải vậy. Những thành tựu kinh tế mà quý ngài Trump thường khoe khoang đã được chứng minh là phóng đại và xa sự thực [10] [11]. Nó sẽ lừa bịp được công chúng Hoa Kỳ bao lâu nữa? Chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” của Donald Trump, mà thực chất là sự bắt nạt của kẻ mạnh, đã khiến cho các đồng minh nghi ngại và Hoa Kỳ bị cô lập hơn bao giờ hết [12]. Và như chưa đủ tệ hơn, ông ấy đang phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội [13]. Thật dễ hiểu khi ông ấy cần đánh lạc hứa dư luận và củng cố vị trí của mình.

Những gì có thể được dùng để mô tả Trump? Một kẻ bắt nạt? Một kẻ nói dối chuyên nghiệp? Một kẻ phân biệt chủng tộc?… Tất cả những điều đó đều đúng và thật dễ hiểu là cho tới cùng chỗ dựa vững chắc của ông chính là những lực lượng bảo thủ và phản động nhất của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh áp lực từ tứ phía, Trump ngày càng phải dựa vào lực lượng này để củng cố vị trí của mình, bắt đầu với chính sách chống nhập cư phân biệt chủng tộc, sự ủng hộ cho chính sách phản động của Israel và giờ là một sự leo thang đối đầu với Iran.

Bằng hành động của mình, Donald Trump đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, làm cho nó thêm bất ổn và ngày càng khó dự đoán hơn. Nhưng một cách rõ ràng, vai trò cá nhân của ông chỉ đến đây, Trump đã không tạo ra khủng hoảng, trách nhiệm đó thuộc về chủ nghĩa tư bản toàn cầu, một hệ thống già cỗi và ngày càng bộc lộ bản chất tàn bạo, phản động của nó đối với nhân loại. Xem một phân tích sâu sắc hơn ở đây.

Iran là kẻ bị hại?

Bởi những mục đích riêng của mình một số người đã mô tả sự kiện này như thể Iran là đối tượng bị bắt nạt, hay một cách văn vẻ hơn là chàng David bé nhỏ trước gã khổng lồ Goliath. Đáng tiếc là nó còn cách khá xa với sự thật.

Sự kiện này chỉ là một bước leo thang mới nhất trong cuộc đối đầu giữa Iran và Hoa Kỳ. 6 tháng vừa qua đã chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Israel với Kata’ib Hezbollah, PMC được hậu thuẫn bởi Iran, khi Hoa Kỳ vốn kiểm soát không phận Iraq đã cho phép máy bay Israel công kích các vị trí của các nhóm dân quân người Shia. Để đáp trả Kata’ib Hezbollah đã tổ chức một làn sóng tấn công mới bằng tên lửa và súng cối vào các căn cứ của Hoa Kỳ và vùng xanh ở Iraq. Các cuộc tấn công tăng vọt vào tháng 12, đặc biệt cuộc tấn công vào căn cứ không quân Kirkuk vào ngày 27/12 đã giết chết một nhà thầu quân sự Hoa Kỳ. Ngày 29/12, không quân Hoa Kỳ không kích kho vũ khí và trung tâm chỉ huy của Kata’ib Hezbollah, giết chết 25 người và bị thương 55 người. Ngày 31/12, đại sứ quán Hoa Kỳ bị bao vây và tấn công bởi dân quân Shia và những người ủng hộ họ. Việc ám sát tướng Soleimani chính là một trong những lựa chọn để trả đũa cho hành động này.

Những điều này thậm chí chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Iran trong những năm gần đây, không chỉ là sự đổ vỡ trong thỏa thuận hạt nhân Iran mà còn trong các cuộc xung đột vũ trang trên toàn khu vực những năm vừa qua. Như đã nói ở trên tham vọng củng cố địa vị bá chủ ở Trung Đông đã đưa Hoa Kỳ vào một loạt những cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan, Iraq, Syria, Yemen. Những cuộc chiến này không những làm cho Hoa Kỳ hao tốn tiền của, nhân mạng, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng uy tín, địa vị của nó trong khu vực. Chính sự hỗn loạn khủng khiếp gây ra bởi những cuộc chiến này đã tạo điều kiện cho sự ra đời của ISIL thứ càng làm cho Hoa Kỳ khống đốn. Chính trong bối cảnh này mà một khoảng trống quyền lực đã mở ra, dưới danh nghĩa chống khủng bố ISIL, chống lại sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc, Iran đã thực hiện chính sách can thiệp tích cực trên toàn Trung Đông, họ gửi quân tới hỗ trợ chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, viện trợ và huấn luyện cho dân quân Shia ở Iraq, dân quân Houthi ở Yemen, chưa kể tới Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine.

Chắc chắn chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ và các đồng minh của nó như Israel, Saudi Arabia và Nato phải chịu trách nhiệm chính cho sự hỗn loạn hiện tại ở Trung Đông, cho sự đau thương, mất mát mà nhân dân Trung Đông đang phải chịu đựng mỗi ngày. Nhưng kẻ thù của kẻ thù không phải lúc nào cũng là bạn. Chế độ của Bashar al-Assad là một chế độ phản động mà nếu không có sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc quần chúng cách mạng đã lật đổ nó ( Xem xét đầy đủ trong một loạt bài phân tích ở đây). Một điều tương tự ở Iraq, từ chính phủ Al-Maliki tới Mahdi chỉ có thể được mô tả bằng những từ như: tham nhũng, độc đoán, áp bức dân tộc. Sự phân biệt đối xử của chính phủ đa số Shia đã gây ra sự bất bình trong dân số Sunni, chính vì vậy lúc đầu họ đã ủng hộ ISIL và giúp nó dễ dàng nhanh chóng chiếm được toàn bộ miền Bắc Iraq [14]. Hezbollah ở Lebanon và Kata’ib Hezbollah, PMC ở Iraq đã tham gia đàn áp dã man những người biểu tình, những người đang đòi hỏi được cải thiện điều kiện sống tồi tệ và chấm dứt xung đột [15] [16].

Ai có thể gọi đó là sự tiến bộ? Không, chính sách can thiệp của Iran không vì tiến bộ mà vì tham vọng đế quốc khu vực của nó. Và luôn luôn như mọi khi, tham vọng đế quốc của những kẻ thống trị sẽ được trả giá bởi các dân tộc khác và chính nhân dân lao động ở chính quốc, và cái giá đó không bao giờ rẻ. Theo điều tra của cục thống kê dân số Iran tháng 3 – 2016 [17]: tỷ lệ thất nghiệp ở Iran là 12,4% ( 3,2 triệu người), ở thủ đô Tehran là 11,6% nhưng ở Kermanshah thậm chí là 22%, thanh niên có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25,9%. Tỷ lệ nghèo đói là 33%, khoảng 40% người làm công ăn lương kiếm được thu nhập dưới mức lương tối thiểu… Tình hình kể từ đó đã chỉ ngày một thêm tồi tệ, một phần nguyên nhân của nó là do chính sách cấm vận của Hoa Kỳ, nhưng phần nhiều là do tham nhũng, bất bình đẳng trong phân chia thu nhập và chi phí khổng lồ cho sự can thiệp ở nước ngoài. Nó là nguyên nhân kích động quần chúng Iran nổi dậy đấu tranh chống lại chế độ trong suốt năm 2018, 2019 và chế độ chỉ có thể dập tắt bằng một sự đàn áp vô cùng tàn bạo [18]. Ở Iraq, một làn sóng tương tự đang nổ ra, với khẩu hiệu của mình “No to Iran, no to America” họ đã chỉ rõ ai là kẻ phải chịu trách nhiệm cho sự đau khổ của họ [19]. Cái chết của Soleimani có thể mua thêm chút thời gian cho chế độ, nhưng chừng nào mà những đau khổ mà quần chúng phải chịu đựng vẫn tiếp diễn họ sẽ sớm trở lại trên đường phố, quyết tâm và mạnh mẽ.

Triển vọng nào phía trước

Ở thời điểm này, cả hai bên đang lùi lại để tránh một cuộc chiến trực tiếp. Javad Zarif, ngoại trưởng Iran, sau vụ phóng tên lửa vào 2 căn cứ Hoa Kỳ đã tuyên bố trên tweet: “Iran đã hành động và kết thúc những biện pháp tương xứng cho tự vệ” và “chúng tôi không tìm cách leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước bất kỳ sự xâm lược nào” [20]. Trong khi đó Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã ra nghị quyết ngăn cấm tổng thống đưa ra bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran mà chưa có sự chấp thuận của quốc hội [21]. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang hí hửng xoa tay vào nhau trước cơ hội làm trung gian hòa giải ( Chắc chắn là không phải vì họ yêu hòa bình rồi) [22], trong khi Putin đang đủng đỉnh theo sau.

Nhưng chiếc hộp Pandora đã mở ra và nó sẽ không dễ gì đóng lại. Như đã nói ở trên, đó không chỉ là vai trò của cá nhân hay sự thiếu đối thoại. Đó là lợi ích không thể thỏa hiệp giữa các đế quốc, không chỉ giữa Iran và Hoa Kỳ. Israel và Saudi Arabia sẽ không từ cơ hội nào để xóa sổ cái gai nhức nhối trong mắt là Iran; trong khi Nga và Trung Quốc sẽ xem Trung đông là cơ hội để trỗi dậy tranh quyền bá chủ và làm suy yếu những đối thủ của mình. Đức có ngồi im? Và nước Anh mặc dù đã xuống hàng đế quốc hạng hai và đang đau đầu với Brexit và nhiều vấn đề nội bộ, nhưng với quý ngài Johnson, “Trump của nước Anh”, sau chiến thắng vang dội của mình liệu có quá tự tin với tham vọng đưa nước Anh mạnh mẽ trở lại?

Không phải Hoa Kỳ, Israel, Saudi Arabia hay Nato, cũng không phải Iran, Nga và Trung Quốc, không ai trong số họ sẽ đóng bất kỳ một vai trò tiến bộ nào đối với nhân dân Trung Đông. Đây có phải là một kết luận bi quan? Không phải như vậy, nói như vậy để thấy rằng hi vọng về chấm dứt chiến tranh, về nền hòa bình cho nhân dân Trung Đông không bao giờ có thể đặt vào tay chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa dân tộc. Lối thoát duy nhất là sự đoàn kết của nhân dân lao động toàn thế giới vì khát vọng hòa bình và một cuộc sống mới.

Đó không chỉ là câu khẩu hiệu. Nhân dân Hoa Kỳ đã xuống đường để phản đối cuộc chiến tranh với Iran [23], bằng cách này họ sẽ chứng minh cho nhân dân Trung Đông rằng có hai nước Mỹ, một nước Mỹ của những tay lái súng, tư bản tham lam, của những chính trị gia vô trách nhiệm và một nước Mỹ khác, của những người dân lao động bình thường yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa. Cũng như có 2 Trung Đông, một Trung đông của đẳng cấp giáo sĩ và giới quan liêu, bọn phong kiến phản động và những tay sai đế quốc, và một Trung Đông của những người lao động nghèo đang ngày ngày phải chịu đựng áp bức, bất công và khổ đau vì chiến tranh.

“Không với Iran, không với Mỹ hay bất kỳ đế quốc nào khác,

Công nhân ở mọi nước, đoàn kết vì hòa bình của toàn Trung Đông!”

Hừng Đông, ngày 10 tháng 01 năm 2020
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận