NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI ĐANG BỊ THỐNG TRỊ BỞI SỰ HỖN LOẠN, ĐIỀU GÌ GÂY RA NÓ?

Các chiến lược gia của giai cấp tư sản đã tưởng tượng rằng việc đóng cửa do Covid-19 chỉ đơn thuần là đặt nền kinh tế thế giới vốn đã mỏng manh vào  trạng thái tạm dừng. Một khi mở cửa trở lại, kinh tế sẽ chỉ đơn thuần là hết ‘tạm dừng’, mọi thứ sẽ trở lại như trước. Thực tế khác xa, kinh tế thế giới hiện đang ở trong vòng xoáy của sự hỗn loạn.



 

Bấy giờ là mùa xuân năm 2020, thời điểm khởi đầu Đại dịch. Phần lớn nền kinh tế thế giới đang đóng cửa. Cả sản xuất và nhu cầu đều đang giảm xuống mức thấp trong lịch sử. Giá dầu đang giảm và các hợp đồng giao dầu trong tương lai (được gọi là ‘hợp đồng dầu tương lai’), đang được bán ở mức âm. Tình hình xã hội cực kỳ căng thẳng, nóng lên sau một năm đáng ngại đối với giai cấp thống trị, năm 2019. Verisk Maplecroft, cơ quan đánh giá rủi ro, đã ước tính trong năm ngoái rằng:[A] một phần tư của tất cả các quốc gia trên thế giới đã trải qua sự gia tăng đáng kể của bất ổn xã hội”. Cũng chính nó dự đoán rằng trong tương lai, vào năm 2020, điều này có thể trở thành “bình thường mới”. Các ngân hàng trung ương và chính phủ ở khắp mọi nơi đều nhận thức được thực tế rằng, nếu hàng triệu công nhân mất đi sinh kế từ ngày này sang ngày khác thì xã hội sẽ bất ổn xã hội theo hướng cực đoan và rất có thể, một cuộc nổi dậy để chống hiện trạng sẽ xảy ra. Do đó, họ đã quyết định dốc hết sức vào “gói giải cứu” – giải phóng hàng nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế thế giới qua nợ và in tiền.

Trong hai tháng tiếp theo, chỉ riêng ở Hoa Kỳ hơn 10 nghìn tỷ dollar được bơm vào nền kinh tế. Con số này nhiều hơn gấp 10 lần so với số tiền đã được đưa vào nền kinh tế trong hai năm sau cuộc Đại suy thoái, từ năm 2008 đến 2010. Số tiền này không chỉ đi đến kho bạc mà còn vào túi của người tiêu dùng. Phần lớn trong số này dưới dạng của cái gọi là ‘tiền trực thăng’, giống như trong các chi phiếu cứu trợ dịch coronavirus mà Trump trao cho mọi công dân Hoa Kỳ. Tất cả đều được tài trợ bởi các khoảng nợ cùng máy in, và nó đã dẫn đến bùng nổ của nguồn cung tiền.

Các thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà chiến lược tư bản biết rằng theo quan điểm kinh tế tư sản, chính sách này là sự vô trách nhiệm một cách sâu sắc. Khi cung tiền tăng lên mà sản xuất không theo kịp, nó sẽ dẫn đến lạm phát và bất ổn kinh tế. Nhưng đối mặt với nguy cơ biến động xã hội và nỗi sợ hãi của con người về việc mất tất cả mọi thứ ngay đây ngay lúc này, tốt hơn hết là đạp đổ các vấn đề kinh tế dài hạn. Bất chấp hậu quả tiêu cực của các gói kích thích khổng lồ một khi chúng xuất hiện sẽ còn khó xử lý hơn.

Ban đầu, gói kích thích lớn đã phát huy tác dụng. Nhu cầu nhanh chóng bùng nổ, đặc biệt là ở phương Tây. Mọi người sửa sang nhà cửa, mua xe đạp, ô tô và máy tính. Nhu cầu tăng từ 0 lên 60 ngay lập tức. Nhưng mô hình tiêu dùng đã thay đổi. Nhu cầu tạo ra hàng nghìn tỷ dollar và euro chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, đặc biệt là từ dịch vụ (không thể tiếp cận được do khóa cửa) sang hàng tiêu dùng. Đồng thời là sự đóng cửa định kỳ của các bộ phận khác nhau của chuỗi sản xuất nhằm ngăn chặn đà lây lan của vi rút. Toàn bộ chuỗi cung ứng thế giới, với cơ chế được xây dựng một cách tinh vi, tan rã khi một làn sóng nhu cầu ‘nhân tạo’ tràn qua thị trường. Cuộc khủng hoảng nguồn cung ra đời.

Một mạng lưới tinh vi

Khủng hoảng nguồn cung là kết quả của sự sụp đổ của mạng lưới thương mại toàn cầu vốn rất mỏng manh. Trong nhiều thập kỷ – đặc biệt là kể từ khi Khối phương Đông sụp đổ và sự hội nhập của Trung Quốc vào thị trường thế giới – cái được gọi là ‘toàn cầu hóa’ đã diễn ra không ngừng. Nó đã dẫn đến sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của toàn thế giới. Những chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp, được hỗ trợ bởi chi phí vận chuyển rất thấp, hàng hóa với các bộ phận có thể được sản xuất đồng thời ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, lắp ráp ở chỗ này, đóng gói ở chỗ kia, để rồi được bán ở một nơi khác, v.v…

Cùng với điều này là sự phát triển của cái gọi là sản xuất ‘đúng lúc’. Ý tưởng của nó là giảm hàng tồn kho xuống mức tối thiểu tuyệt đối. Và về bản chất, điều này có nghĩa là giảm thiểu sự chậm trễ trong quá trình luân chuyển tư bản, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển của vốn và do đó làm tăng tỷ suất lợi nhuận.

Vì vậy, chẳng hạn, nếu 1 triệu dollar vốn của một nhà tư bản đi vào thành phẩm chỉ để thu về 10.000 dollar sau một năm khi hàng được bán thì đó là sự lãng phí đáng trách đối với nhà tư bản. Miễn là nguồn vốn này cứ dậm chân tại chỗ, nó sẽ không luân chuyển và không tạo ra lợi nhuận, do vậy nhà tư bản muốn đẩy nhanh quá trình lưu thông này. Nếu cùng một số vốn đó mà có thể luân chuyển 20 lần trong một năm, thì nhà tư bản có thể thu được 200.000 dollar. Điều này cũng đúng đối với hàng hoá – cả nguyên vật liệu thô và hàng hóa chưa thành phẩm – mà nhà tư bản mua nhằm phục vụ sản xuất. Sẽ là vô nghĩa khi để hàng  tồn trong kho trong khi họ có thể giải phóng khỏi nó.

Các kỹ thuật nhằm đạt được những mục đích như vậy đã được hoàn thiện trong thập kỷ qua. Bắt đầu từ một vài nhà máy lớn như Toyota, cách tiếp cận này đã lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế thế giới – từ những nhà sản xuất lớn nhất cho đến nhỏ nhất.

Ví dụ, như trước đây, khi bạn đến xưởng cơ khí để tìm phụ tùng thay thế cho chiếc ô tô của mình thì khi đó người thợ mới lấy nó từ trong kho chứa đầy ắp của họ. Nhưng giờ đây cũng người thợ cơ khí đó, với quy trình ‘sản xuất đúng lúc’ anh ta có thể tránh được một lượng hàng tồn kho lớn và tốn kém. Anh ta chỉ cần đặt hàng một bộ phận từ nhà cung cấp của mình và họ sẽ giao nó đến xưởng của anh ta ngay ngày hôm sau. Nhờ đó, anh ta đã tiết kiệm được một khoản đáng kể vốn dùng để dự trữ hàng – khoản đó giờ đây có thể được sử dụng cho phần khác của việc kinh doanh của anh ta – với cái giá phải chịu một khoản chi phí bổ sung nho nhỏ cho việc đặt mua từng bộ phận riêng lẻ.

Nhưng, như chúng ta sẽ đề cập ở phần sau, sản xuất đúng lúc không giải quyết được những mâu thuẫn nội tại của tình trạng vô chính phủ của hệ thống tư bản nói chung, hoặc của việc sản xuất quá mức. Tuy nhiên nhìn từ quan điểm của một công ty đơn lẻ thì chuỗi cung ứng như thế là cực kỳ hiệu quả. Thay vì có các nhà kho ở địa phương giờ đây toàn bộ danh mục hàng hóa trên thế giới đã trở thành kho trữ của họ. Dẫu rằng toàn bộ công trình công phu này vô cùng mong manh.

‘Hiệu ứng bullwhip’ từ sự kích cầu

Trong các cuộc thảo luận về chiến lược cung ứng có một thứ rất thường được nhắc đến, đó là ‘hiệu ứng bullwhip’. Thuật ngữ này biểu thị một tình huống mà trong đó nhu cầu đột ngột đạt đỉnh đã gây ra hiệu ứng domino, với những âm vang theo cấp số nhân dội lại thông qua chuỗi cung ứng.

Chúng ta hãy lấy một ví dụ: một cửa hàng thường bán ra 250 thùng nước mỗi tháng. Đột nhiên nhu cầu tăng cao và toàn bộ 250 thùng được đã được tiêu thụ chỉ trong một tuần. Kinh ngạc trước nhu cầu tăng cao cửa hàng liên hệ với bên bán buôn để đặt hàng 500 thùng. Bên bán buôn cũng vừa ngạc nhiên vừa hứng khởi trước một điều dường như là sự mở rộng của thị trường và đặt hàng 1.000 thùng với nhà phân phối của họ để đáp ứng nhu cầu dự kiến. Nhà phân phối lại đặt hàng 1.500 thùng với nhà sản xuất. Nhà sản xuất lại đặt hàng nguyên liệu đáp ứng cho việc sản xuất 2.000 thùng từ các nhà cung cấp. Và do đó, nhu cầu về 250 thùng nước trong ngắn hạn, có lẽ được thúc đẩy bởi một tuần đặc biệt nóng, đã biến thành 2.000 thùng ở đầu kia của chuỗi cung ứng.

Chúng ta thấy một quá trình tương tự trên thế giới, thứ đang đóng vai trò làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại, dẫn đến sự tắc nghẽn và thiếu hụt nghiêm trọng mà chúng ta hiện đang thấy trên toàn thế giới. Nhưng chúng ta không chỉ nói về một loại hàng hóa  trong trường hợp này. Không, điều này còn nghiêm trọng hơn nhiều: chúng ta đang nói về một quá trình đang diễn ra đồng thời trong toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nhu cầu không chỉ thay đổi rõ rệt giữa các lĩnh vực và sản phẩm, mà còn tăng lên đáng kể do lượng tiền miễn phí khổng lồ được cung cấp thông qua các gói kích thích từ chính phủ và ngân hàng trung ương. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa vốn vô chính phủ đã nước nâng lên một tầm cao mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Các nhà sản xuất không có cơ hội để ước tính nhu cầu trong tương lai dựa trên dữ liệu từ những năm trước, vì không ai biết liệu những thay đổi trong cách tiêu dùng có được lâu dài hay không.

Về phía nguồn cung, không ai dám chắc rằng liệu ngày mai thôi các nhà sản xuất có đóng cửa do đợt bùng phát mới của biến thể delta (hoặc biến thể nào đó tiếp theo) hay không. Và với việc các cảng trọng yếu đã bị đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các chuỗi hậu cần quốc tế bị tắc nghẽn hoàn toàn. Những container rỗng không nằm im một chỗ trong khi các tàu phải đợi hàng tuần bên ngoài cảng chỉ để dỡ hàng. Có một sự không chắc chắn về việc liệu nguyên liệu thô, linh kiện và bán thành phẩm sẽ đến vào ngày mai hay phải sáu hoặc mười hai tháng nữa. Sự hỗn loạn ngự trị mọi nơi.

Hiệu ứng bullwhip hiện đang hoạt động trở lại thông qua chuỗi cung ứng với mức độ theo cấp số nhân, bởi vì, các nhà cung cấp dự đoán rằng mức nhu cầu cao hơn hiện tại là ‘mức bình thường mới’ mà họ phải điều chỉnh để tiếp tục. Hơn nữa, ở mọi cấp độ của chuỗi cung ứng, các công ty đang cố tích trữ vì sợ phải ngừng sản xuất một lần nữa do thiếu các thành phần – ví dụ như chúng ta đã thấy đối với nhiều thương hiệu trong ngành công nghiệp ô tô. Những người chơi lớn nhất với nhiều tiền nhất có thể đặt những đơn đặt hàng lớn từ các nhà cung cấp, để phòng xa và cũng để có quyền ưu tiên nhận hàng trước các khách hàng khác. Nhưng điều này lại càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Không có thống kê nào về quy mô tích trữ, bằng chứng duy nhất là những giai thoại. Nhưng chắc chắn rằng nó đang diễn ra trên một quy mô lớn.

Bộ máy sản xuất hiện tại không thể theo kịp. Một nhà sản xuất ngập trong đơn đặt hàng sẽ làm gì? Ngoài việc tăng giá, anh ta tự nhiên cho phép mình tập trung vào những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao nhất cho anh ta: những sản phẩm cao cấp đắt tiền hơn. Điều này có nghĩa là thậm chí có thể giảm nguồn cung một số sản phẩm – chẳng hạn như chip máy tính cũ, được sử dụng trong các thành phần đơn giản của ngành công nghiệp ô tô như bộ điều chỉnh độ sáng trong gương chiếu hậu.

“Hiệu ứng bullwhip” do sự kích cầu là tác động tổng hợp của tất cả các yếu tố được đề cập kể trên. Khoảng cách giữa cung và cầu đã giãn đến mức kinh ngạc.

Trở lại ‘bình thường’, nhưng thế nào là ‘bình thường’?

Nếu những tai ương của nền kinh tế thế giới chỉ là vấn đề về một ‘hiệu ứng bullwhip’ khổng lồ trong bối cảnh của một sự bùng nổ lành mạnh nào đó, thì mọi thứ sớm hay muộn sẽ ổn định để trở lại bình thường với một sự điều chỉnh nhỏ trên thị trường. Nhưng nền kinh tế thế giới không có gì là lành mạnh và lại càng không “bình thường”.

Kể từ năm 2008, các nhà nước và ngân hàng trung ương đã giữ cho nền kinh tế phát triển một cách giả tạo thông qua lãi suất cực thấp và hỗ trợ mua sắm trên thị trường tài chính. Đây là một chính sách nhằm hỗ trợ thị trường một cách vô trách nhiệm, xuất phát từ nỗi lo sợ về những hậu quả chính trị và xã hội của một sự sụp đổ kinh tế lớn.

Trên thực tế, các chủ ngân hàng trung ương và chính phủ đang cố gắng để đạt được một điều không thể: loại bỏ một phần vốn là thiết yếu của hệ thống tư bản – những cuộc khủng hoảng định kỳ của hệ thống sản xuất thừa. Không có chúng thì chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thị trường, dù có hay không sử dụng các phương thức sản xuất đúng lúc, không thể hoạt động bình thường.

Một trong những mâu thuẫn trung tâm của hệ thống tư bản là ở chỗ giai cấp công nhân tạo ra giá trị nhiều hơn giá trị mà họ nhận được qua tiền lương. Mặc dù đây là nguồn gốc của giá trị thặng dư để các nhà tư bản tích lũy, nhưng điều đó cũng có nghĩa là giai cấp công nhân – với tư cách là đại bộ phận dân cư – không có khả năng mua lại giá trị do mình đã tạo ra. Tất nhiên, miễn là các nhà tư bản ném lợi nhuận của họ trở lại các phương tiện sản xuất mới, máy móc và nhà xưởng, v.v. để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường và đón đầu thị phần ngày càng tăng, những bánh răng cứ thế mà quay đều. Cung và cầu dường như cân bằng lẫn nhau và sản xuất quá mức không thể hiện ra bên ngoài. Công nhân được thuê để chế tạo máy móc mới và họ mua hàng tiêu dùng, v.v… Đó là một vòng xoáy hướng lên và có đạo đức. Nhưng tất cả năng lực sản xuất mới này cuối cùng phải dẫn đến thậm chí là nhiều hàng hóa hơn được sản xuất ra để bán cho chính những người mà nhà tư bản đang bóc lột. Như Marx đã giải thích : “Lý do sau chót cho tất cả những cuộc khủng hoảng trên thực tế luôn luôn là sự nghèo đói và giới hạn tiêu dùng của quần chúng, nó đối lập với động lực để phát triển lực lượng sản xuất của nền sản xuất tư bản, thứ như thể chỉ có sức tiêu dùng tuyệt đối của xã hội mới tạo nên giới hạn cho chúng.”

Tại một số thời điểm, như năm 2008, mâu thuẫn chồng chất đã trở nên quá lớn để bùng phát. Theo một nghĩa nào đó, bản thân cuộc khủng hoảng đại diện cho một giải pháp tạm thời cho mâu thuẫn này: nó phá hủy tình trạng sản xuất thừa, năng xuất dư thừa và nợ xấu. Thông qua việc phá hủy, nó đặt nền tảng cho sự phục hồi mới và thiết lập lại chu kỳ kinh doanh. Giai cấp công nhân phải trả giá, nhưng một mức giá như vậy là không thể tránh khỏi dưới chủ nghĩa tư bản, điều tất yếu cho sự vận hành của hệ thống.

Nhưng đây không phải là cách mọi thứ diễn ra vào năm 2008. Không giống như những năm 1930, cuộc khủng hoảng đã không được phép làm công việc bẩn thỉu của nó. Hoàn toàn đơn giản, giai cấp thống trị quá sợ hãi trước những thế lực hủy diệt sẽ được tung ra. Một cơn sóng thần của sự tuyệt vọng và giận dữ từ giai cấp công nhân – vốn không ngừng gia tăng về quy mô và quyền lực, nay đã lớn hơn nhiều lần so với thời kỳ Đại suy thoái – sẽ nhấn chìm giai cấp thống trị. Do đó, nhà nước đã cứu các công ty, và trên hết là các ngân hàng.

Theo logic của chủ nghĩa tư bản, tất cả những gì đáng lẽ phải diệt vong trong sự phá sản và thảm họa xã hội đã được cứu vãn nhờ bàn tay “nâng niu” của nhà nước tư sản. Nợ nần chất ngày càng cao và những công ty zombie, các ngân hàng và thậm chí các quốc gia cứ thế tiếp tục tồn tại như một ‘xác sống’ kinh tế miễn là nguồn tín dụng giá rẻ còn dồi dào. Thị trường chứng khoán lại phát triển và tăng vọt lên những đỉnh cao chưa từng được biết trong lịch sử. Các bong bóng nhà ở được phục hồi và tất cả các loại tài sản cất cánh.

Với các gói giải cứu của chính phủ sau năm 2008, rủi ro đã được loại bỏ khỏi thị trường. Các tín hiệu về giá, vốn là tối quan trọng trong việc phân bổ tư bản trong nền kinh tế thị trường, đã bị bóp méo hoặc trở nên hoàn toàn vô dụng. Thông thường, do rủi ro cao mà các nhà đầu tư sẽ yêu cầu một mức lãi suất cao hơn khi cho các công ty có xếp hạng tín dụng kém vay. Nhưng ngày nay, lãi suất từ trái phiếu rủi ro cao ở Hoa Kỳ trung bình ở mức thấp hơn lạm phát. Những cơn sóng tiền mặt khổng lồ bao trùm lên hệ thống trong sự theo đuổi lợi nhuận. Kể từ khi đại dịch đến và cùng với nó là những kích thích khổng lồ, sự méo mó của các tín hiệu giá đã trở nên tồi tệ hơn gấp nhiều lần. Rủi ro không còn đơn giản là vấn đề của các nhà đầu cơ tài chính. Các thị trường tài chính bị ấn tượng sai lầm rằng nếu có bất kỳ vấn đề phát sinh nào thì các ngân hàng trung ương cũng sẽ luôn can thiệp và xoay chuyển được tình hình. Rằng thị trường sẽ cứ luôn đi lên, đi lên mãi. Sự hiểu lầm này có vẻ như đã được xác nhận bởi hành vi của các ngân hàng trung ương vào mùa xuân năm 2020, khi họ can thiệp bằng những món quà tiền tệ khổng lồ của mình và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã biến đổi, một cách đột ngột và sâu sắc, đà sụp đổ của thị trường chứng khoán thành một cơn đê mê chứng khoán mới. Làm sao có thể kỳ vọng rằng các thị trường và chuỗi cung ứng sẽ tìm được đường trở lại trạng thái cân bằng ‘lành mạnh’ một khi ‘bàn tay vô hình’ của thị trường ngừng hoạt động?

Do đó, sự hỗn loạn ngày nay chẳng những là sản phẩm của một cuộc khủng hoảng hữu cơ sâu sắc của chủ nghĩa tư bản mà còn là sản phẩm của phản ứng chính trị từ chính giai cấp thống trị, những người đã không còn dám để cho hệ thống kinh tế của chính họ hoạt động “như nó nên là”, bởi vì họ sợ rằng nó sẽ bị lật đổ trong một quá trình bùng nổ xã hội gây ra bởi cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát.

Toàn cầu hóa

Sự hỗn loạn và không chắc chắn hiện nay có nghĩa là các công ty lớn đang trong quá trình tái tổ chức chuỗi cung ứng của họ và làm cho chúng trở nên địa phương hoá và khu vực hoá hơn, hay nói chung là mạnh mẽ hơn. Nhưng đây không phải là điều có thể xảy ra trong một sớm một chiều. Và nó chắc chắn không miễn phí.

Có những nhà máy phải đóng cửa và những nhà máy khác phải được xây dựng. Đây là một quá trình mất nhiều năm, không phải vài tuần hay vài tháng. Nhưng sự hỗn loạn sau đại dịch cũng chuyển vận thành một xu hướng vốn đã tồn tại: gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và sự cạnh tranh đế quốc. Kể từ thất bại tại Vòng đàm phán Doha của WTO hồi năm 2001, toàn cầu hóa đã chậm lại và bị đảo ngược.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã tạo thêm động lực cho các lực ly tâm này. Mỗi quốc gia khác nhau đều cố gắng tống xuất khủng hoảng của mình với chi phí của kẻ khác. Nó ngày càng trở thành một cuộc đấu tranh ‘mỗi người vì chính mình mà thôi’. Các rào cản thương mại đã được dựng lên. Và khi Trump lên nắm quyền vào năm 2016, ông đã đẩy nhanh quá trình này, bắt đầu với cuộc chiến thuế quan trực tiếp chống lại Trung Quốc, một nỗ lực nhằm kìm hãm gã khổng lồ kinh tế đang phát triển bằng các biện pháp chính trị, ngăn nó thách thức sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Giờ đây, đến lượt Joe Biden cũng mạnh mẽ cất bước theo chính sách tương tự.

Nói cách khác, ngay cả trong trung hạn, không có gì phải hoài nghi rằng sẽ có sự quay trở lại cùng một mức độ của toàn cầu hóa và kiểu chuỗi cung ứng mà chúng ta đã thấy trước đại dịch. Nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ có nhiều điểm chung với đầu thế kỷ 20 hơn so với hai thập kỷ trước đó. Điều này sẽ gây ra nhiều hậu quả: sự chậm chạp trong việc gia tăng năng suất, áp lực giảm tỷ suất lợi nhuận (thứ mà về lâu dài giai cấp thống trị sẽ tìm cách chống lại bằng cách siết chặt tiền lương) cũng như giá cả tăng vọt. Đó là một công thức mở ra cho cuộc đấu tranh giai cấp.

Chúng ta đang phải đối mặt với điều gì?

Sẽ là ngây thơ để tin vào điều mà các ngân hàng trung ương đã đảm bảo với chúng ta, rằng lạm phát mà chúng ta đang bắt đầu thấy lan rộng trên toàn cầu chỉ là một hiện tượng nhất thời. Họ đã bắt đầu một vòng xoáy lạm phát bằng cách in tiền với số lượng khổng lồ để rồi bơm nó vào một nền kinh tế đang hỗn loạn, trong khi giữ lãi suất ở mức thấp giả tạo. Chính sách này đã giữ cho bánh xe của nền kinh tế xoay chuyển và tất nhiên nghiêng về một bên, khiến cho người giàu giàu lên một cách ngoạn mục khi giá của tất cả các loại tài sản tăng lên. Nhưng hậu quả không phải là không có. Các gói viện trợ khổng lồ và các biện pháp kích thích tiền tệ kể từ sau đại dịch đang được xây dựng dựa trên cùng một chính sách của hàng thập kỷ qua. Từ lâu, nền kinh tế thế giới đã trở thành một thứ gì đó giống như một kẻ nghiện tín dụng, và giai cấp thống trị đã tống mọi thứ mà nó có thể để dung dưỡng cho chứng nghiện này.

Chỉ trong một quý sau đại dịch, cái gọi là thước đo cung tiền M2 ở Hoa Kỳ đã tăng tới 16%. Những năm trước, tốc độ tăng chỉ khoảng 3-4%/ năm. Tốc độ tăng cung tiền hàng năm hiện đã ổn định ở mức khoảng 13% (từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 8 năm 2021). Lạm phát ở Mỹ không ngừng leo thang và tại thời điểm viết bài này đã lên tới hơn 6%. Với lãi suất chỉ hơn 1% và số tiền mua trái phiếu hàng tháng lên tới 120 tỷ USD, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn có khả năng tăng tốc khi có lo ngại về lạm phát. Mặc dù, họ đã bắt đầu nói về việc chấm dứt chính sách này vào…một lúc nào đó.

Tại EU, số liệu lạm phát cho đến nay vẫn thấp hơn ở Hoa Kỳ, ở mức 4,1% trong tháng 10 cho toàn khu vực đồng euro nói chung và 4,5% cho Đức nói riêng. Tuy nhiên, chỉ số giá của nhà sản xuất ở Đức (PPI) mới nhất (tháng 10 năm 2021) đã cung cấp một con số về sự lạm phát, nó cho thấy mức tăng mạnh 14,2% trên cơ sở hàng năm. Lần cuối cùng chỉ số này đạt mức như vậy là vào năm 1974.

Không sớm thì muộn, các ngân hàng trung ương sẽ phải thay đổi hướng đi và cố gắng giảm lạm phát. Điều này đồng nghĩa với việc ngừng hỗ trợ mua sắm và tăng lãi suất. Các thị trường tài chính sẽ phản ứng giống như một kẻ nghiện ngập rời vào đường cùng: rơi vào trạng thái sốc. Lãi suất tăng cũng sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với thị trường nhà ở tăng cao, ở cả Mỹ và châu Âu, nơi hàng triệu người lao động có nguy cơ rơi vào phá sản cá nhân. Nhưng các vấn đề không chỉ dừng lại ở đây.

Không giống như tình trạng lạm phát đình trệ của những năm 1970, khi Hoa Kỳ có khoản nợ chính phủ rơi vào khoảng 30% GDP, ngày nay nó đã là 125%. Và thâm hụt ngân sách đang ở con số khổng lồ 2,769 nghìn tỷ dollar chỉ riêng cho năm 2021 (tức là khoảng 13% GDP của Hoa Kỳ). Những con số như thế này từng được thấy trong thống kê mô tả các nước kém phát triển đã phá sản và bán phá sản. Giờ đây chúng ta đang nói về liệt cường đế quốc mạnh nhất thế giới, vệ binh của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Không có cách nào để cho điều này có thể tiếp tục.

Khủng hoảng này chồng chất lên khủng hoảng kia. Và trên bề mặt, tất cả đều xuất hiện như một sự kết hợp của những vụ tai nạn cụ thể. Nhưng những vụ tai nạn này thể hiện một điều tất yếu sâu xa: Khủng hoảng phải được giải quyết thay vì trì hoãn. Họ càng trì hoãn thì chỉ đơn giản là làm trầm trọng thêm mọi mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Hệ thống hiện đang đạt đến giới hạn và một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang cận kề.

Chủ nghĩa tư bản chỉ có thể hoạt động nếu các cuộc khủng hoảng sản xuất thừa diễn ra tự nhiên và lặp lại, cho phép nó thanh trừng năng lực sản xuất và từ đó tạo cơ sở cho một sự bùng nổ mới. Trong hơn hai thập kỷ, ba cuộc khủng hoảng lớn (2001, 2008, 2020) đã bị ngăn chặn bởi nợ chồng nợ chất. Thế giới chưa bao giờ nhiều nợ đến vậy, điều này đặc biệt đúng với các nước giàu. Loài người chưa từng lần nào trải qua những gì như chúng ta thấy ngày nay. Nhưng sớm hay muộn, tất cả sẽ đổ ập xuống đầu chúng ta – vì chúng ta đã bắt đầu thấy sự hỗn loạn và khủng hoảng trong chuỗi cung ứng, với lạm phát, khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và châu Á. Toàn bộ gánh nặng tích lũy sẽ được chuyển sang giai cấp công nhân với những hậu quả xã hội thảm khốc.

Toàn bộ điều này dường như thật vô lý nhưng không có ích gì khi cười hay khóc trong tình huống này. Trên hết thảy, điều cần thiết là phải hiểu nó, đối mặt với một thực tế đúng như nó là: hệ thống tư bản thế giới đang hỗn loạn. Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt và kéo dài, vốn sẽ không dễ dàng và lại càng không êm ái. Chúng ta càng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ quá khứ, chúng ta càng tổ chức tốt hơn và mạnh mẽ hơn, càng có vị trí tốt hơn để giáng đòn chí mạng vào hệ thống đang bị thương này. Xóa bỏ tình trạng vô chính phủ của chủ nghĩa tư bản là cách duy nhất để tạo ra một xã hội phù hợp cho con người: một xã hội mà bản thân chúng ta có quyền kiểm soát hợp lý và dân chủ đối với nền kinh tế và tương lai chung của chúng ta.


Jonas Foldager, 15 tháng 11 năm 2021

Nguồn: IMT

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận