NĂM CỦA LENIN: Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga (1899)

Tiếp theo seri Năm của Lenin, trong tuần này, chúng ta sẽ xem xét Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, một tác phẩm tuyệt vời nhưng ít người đọc, trong đó Lenin đã vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa chủ nghĩa Marx và tất cả các xu hướng cách mạng khác đang hoạt động ở Nga khi đó. 

Vào tháng 12 năm 1895, Lenin đã giúp thành lập nhóm Marxist ở St. Petersburg – Liên đoàn đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Nhưng ngay khi tờ báo chuẩn bị in số đầu tiên, Lenin cùng những nhân vật lãnh đạo khác đã bị cảnh sát mật của Nga hoàng bắt giữ.

Dẫu vậy hoạt động chính trị của Lenin vẫn không hề giảm sút khi ông bị cầm tù rồi bị đày đến Shushenskoye ở Siberia. Đúng vậy, chính trong thời kỳ này mà Lênin đã viết cuốn Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, một phân tích khoa học sắc bén về các quá trình kinh tế đang phá hoại trật tự xã hội lâu đời trong nước, chuẩn bị cho các sự kiện cách mạng.

Cuốn sách này, về bản chất, là một ví dụ tuyệt vời về phương pháp của chủ nghĩa Marx, là sự tiếp nối cuộc bút chiến của ông chống lại những người theo chủ nghĩa Narodnik. Như chúng ta đã thấy tuần trước, những người Narodnik coi giai cấp nông dân, và đặc biệt là công xã nông thôn, như một bức tường thành chống lại chủ nghĩa tư bản ở Nga.

Quan điểm của họ coi giai cấp nông dân là giai cấp cách mạng nhằm lật đổ chế độ Sa hoàng phản ánh thực tế rằng, ở đế quốc Nga lạc hậu, giai cấp công nhân vẫn là thiểu số (bất chấp thiểu số đó đã bắt đầu phô diễn sức mạnh của mình). Câu hỏi sau đó trở thành: tầng lớp nào đang gia tăng? Giai cấp nào nắm giữ tương lai trong tay?

Trong khi những người Narodnik không thể phớt lờ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đang diễn ra ở Nga, họ coi sự phát triển này là giả tạo, có thể tránh được, một điều không đáng trông đợi và chắc chắn sẽ thất bại. Trong cuốn sách này, Lênin qua việc nghiên cứu tỉ mỉ nhiều nguồn tài liệu đã chứng minh điều ngược lại. Chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu không chỉ xâm nhập vào các “gubernia công nghiệp” và các khu vực biên giới của nước Nga thuộc châu Âu, mà các quan hệ tư bản chủ nghĩa còn hình thành ngay cả ở các khu vực trung tâm bán phong kiến, trên điền trang của địa chủ và thậm chí cả chính trong cộng đồng làng xã “bình đẳng”. Trong khi công xã nông dân chắc chắn sẽ suy tàn, với sự thâm nhập của các quan hệ tư bản chủ nghĩa trên toàn nước Nga, cũng như sự đối kháng giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, chắc chắn sẽ trở nên gay gắt hơn.


Cải cách ruộng đất

Điểm khởi đầu cho nghiên cứu của Lênin là cuộc cải cách nông nghiệp năm 1861. Trước cải cách, chế độ nông nô thống trị vùng nông thôn nước Nga, nơi mà đất đai thuộc về lãnh chúa và người nông dân làm nô lệ cho họ. Trong hệ thống này, do hoàn cảnh bức bách mà chiếm ưu thế là các phương pháp nông nghiệp rất thô sơ. Nông cụ thường do chính người nông dân tự chế và sử dụng. Điền trang – được phân chia giữa đất của lãnh chúa và đất của từng hộ nông dân – là một đơn vị tự cung tự cấp biệt lập của nền kinh tế tự nhiên. Khi sự cạnh tranh từ thị trường tư bản gây áp lực lên hệ thống cũ, một quá trình giải thể bắt đầu. Lênin viết: “Việc địa chủ sản xuất lúa mì để bán, đặc biệt phát triển vào thời kỳ sau của chế độ nông nô, đã là điềm báo cho sự sụp đổ của chế độ cũ”.

Địa chủ buộc phải cải cách. Một mặt do sự gia tăng thương mại giữa Nga và châu Âu đã đẩy Nga đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản, một mặt là các cuộc nổi dậy của nông dân, vốn ngày một khốc liệt và nhiều hơn theo thời gian. Sa hoàng Alexander II, lúc bấy giờ là địa chủ lớn nhất nước Nga, đã bày tỏ rõ ràng quan điểm của địa chủ: “Thà xóa bỏ chế độ nông nô từ trên xuống còn hơn là đợi cho đến khi nó bắt đầu tự xóa bỏ từ dưới lên”.

Cách thức mà cải cách này được tiến hành tước đi của người nông dân những mảnh đất tốt nhất, như sự bồi thường cho lãnh chúa của họ vì mất mát những mảnh đất kém hiệu quả nhất. Nói cách khác, việc ‘giải phóng’ nông nô có nghĩa là cướp bóc và nô dịch hơn nữa đối với nông dân.

Mặc dù được giải phóng về mặt pháp lý khỏi chế độ nông nô, nhưng nông dân không hề được giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào địa chủ. Người nông dân bị cắt quyền sử dụng những đồng cỏ, cánh rừng, nơi chăn thả gia súc và giếng nước trước đây của cộng đồng, những thứ mà nông dân cần có để điều hành trang trại của họ, nhưng giờ lãnh chúa nắm tất cả chủ quyền. Vị trí phụ thuộc của nông dân có nghĩa là họ phải tiếp tục làm việc trên đất của địa chủ như trước đây, chỉ là giờ đây, thay vì lao động cưỡng bức thì người nông dân đã trao đổi ‘dịch vụ lao động’ của mình lấy tiền để trả tiền thuê đất và những khoản nợ. Càng ngày, điều này càng được thay thế bằng lao động làm thuê tư bản chủ nghĩa khi địa chủ bắt đầu giới thiệu các kỹ thuật nông nghiệp mới và các công cụ cải tiến.

Mâu thuẫn trong cộng đồng làng

Việc phân chia của mỗi hộ nông dân dựa trên số lượng nam giới trong độ tuổi lao động. Đất đai không được bán hoặc cho thuê một cách hợp pháp và phải chịu trách nhiệm nộp một phần thuế cho làng. Những người Narodnik đã lý tưởng hóa cộng đồng làng ‘bình đẳng’, nơi mà họ thấy rằng “tinh thần hợp tác” ngự trị.

Khi lý tưởng hóa ‘chủ nghĩa cộng sản’ này của nông dân, những người Narodnik đã bỏ qua sự phân biệt giai cấp đang diễn ra ở các làng. Ở một cực là những nông dân bị bần cùng hóa trở thành kẻ ăn xin, một số khác dành phần lớn thời gian làm công nhân làm thuê, trong khi một số có những trang trại thịnh vượng, tự cung tự cấp và một thiểu số đang trở thành những nông dân tư bản chính thức. Việc gộp những người nông dân lại với nhau như Narodnik đã làm là hoàn toàn sai lầm.

Trang trại của nông dân rơi vào tình thế bấp bênh. Bị gánh nặng bởi thuế cao và lao động bán liên kết, một năm tồi tệ có thể dễ dàng đẩy trang trại đến bờ vực phá sản. Với mỗi mùa màng thất bát, một số lượng lớn trang trại nông dân bị phá hủy. Những người Narodnik tưởng tượng rằng hiến pháp hợp pháp của làng nông dân, với sự phân chia đất đai theo nguyên tắc bình đẳng, sẽ ngăn chặn tư bản nắm quyền kiểm soát nông nghiệp. Nhưng như Lenin giải thích rằng, không có hình thức sở hữu đất đai nào có thể là trở ngại tuyệt đối cho chủ nghĩa tư bản.

Mặc dù bị ràng buộc về mặt pháp lý đối với nông dân, nhưng các mảnh đất cuối cùng vẫn được cho thuê và bán, với 50% nông dân nghèo nhất cho thuê 4/5 diện tích đất với mức giá rất thấp – đơn giản là họ không có phương tiện để tự mình canh tác đất đai sao cho sinh lời.

Cũng chính những người nông dân nghèo này phải tìm việc làm ở nơi khác, thường là những người lao động nông nghiệp trong trang trại của những trang trại nông dân khá giả, những người thuê đất của nông dân nghèo.

Quá trình biệt hóa này, được chính nông dân gọi là ‘phi nông dân’, đã tạo ra hai cực đối lập: một giai cấp tư sản nông thôn nhỏ về số lượng nhưng mạnh về kinh tế, và ở đầu kia là số lượng ngày càng tăng những người vô sản nông thôn nắm giữ đất đai.

Các nhà kinh tế học của Narodnik lập luận rằng thị trường nội địa cho chủ nghĩa tư bản không thể phát triển ở Nga vì việc chuyển đổi những người nông dân sản xuất nhỏ thành công nhân làm thuê đồng nghĩa với việc hủy hoại tiểu nông, từ đó thu hẹp thị trường nội địa khi sức mua của giai cấp nông dân giảm đi. Thực tế, như Lênin lập luận, lại ngược lại.

Quá trình biệt hóa đã tạo ra thị trường nội địa. Đất đai của người nông dân bị phá sản trở thành hàng hóa và được chuyển vào tay những người mới. Sản phẩm của mảnh đất này trước đây do nông dân trực tiếp tiêu thụ thì nay người đó phải mua. Để mua được, anh ta cần phải bán sức lao động của mình. Đổi lại, chủ sở hữu mới của mảnh đất sẽ tạo ra nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng và máy móc nông nghiệp.

Các nhà kinh tế Narodnik cho rằng chỉ trên cơ sở thị trường nước ngoài, các nhà tư bản mới có thể hiện thực hóa giá trị thặng dư để tích lũy tư bản, nhưng chủ nghĩa tư bản Nga đã xuất hiện quá muộn để có thể cạnh tranh. Ngược lại, Lênin đã chứng minh rằng điều này là sai. Nhu cầu trong nước về máy móc và các phương tiện sản xuất khác trong các nhà máy mới có thể tự cung cấp một thị trường, mở rộng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với thị trường hàng tiêu dùng.

Tình cờ thay, Rosa Luxemburg sau này cũng lặp lại những lập luận sai lầm tương tự về việc thị trường nước ngoài là cần thiết cho việc tích lũy tư bản trong cuốn sách Tích lũy tư bản năm 1913 của bà, nhằm cố gắng giải thích những căng thẳng gia tăng của chủ nghĩa đế quốc một thập kỷ rưỡi sau đó. Do đó, Sự phát triển của Chủ nghĩa Tư bản ở Nga đã trả lời trước những lập luận này; đồng thời những động lực thúc đẩy châu Âu tiến tới chiến tranh đã được Lênin phân tích xuất sắc trong cuốn Chủ nghĩa Đế quốc, Giai đoạn Cao nhất của Chủ nghĩa Tư bản.

Sự phát triển kết hợp và không đồng đều

Trong khi các khu vực bên ngoài phía nam và phía đông của nước Nga thuộc châu Âu vẫn còn là các thuộc địa dân cư thưa thớt thì tại các khu vực miền trung, nơi những người thực dân đã thành lập các trang trại mới không dọc theo đường lối phong kiến ​​​​cũ mà theo đường lối tư bản tiên tiến. Những trang trại mới này thường có quy mô khổng lồ và ngay từ đầu chúng đã thuộc loại sản xuất hàng hóa. Những mặt hàng nông nghiệp này có thể được trao đổi lấy hàng hóa công nghiệp từ các tỉnh miền trung nước Nga. Công nghiệp tư bản và nông nghiệp ở những vùng này phát triển song song với nhau, vùng này cung cấp thị trường cho vùng kia.

Một lượng lớn công nhân làm công ăn lương đã di cư ra các vùng ngoại ô phía nam và phía đông – Lênin ước tính họ đã vượt quá 2 triệu công nhân nông thôn. Họ chủ yếu là nông dân, từ bỏ đất đai của họ ở các bang gubernia vành đai đen trung tâm đông dân cư và bán phong kiến ​​để tìm việc làm tự do ở nơi khác.

Tính chất tiến bộ của sự phát triển tư bản chủ nghĩa

Những người Narodnik không thể hiểu tại sao nông dân lại bỏ trang trại của họ. Nếu họ nhất định phải tìm việc làm khác (ngoài việc trau dồi tài sản cá nhân) thì tại sao họ không thể làm như vậy ở địa phương? Quả thực, việc di cư đôi khi diễn ra cực đoan ở một số vùng đến mức tạo ra tình trạng thiếu lao động.

Do chi phí và những khó khăn khi đi lại cũng như thực tế là không phải lúc nào cũng tìm được việc làm, những người Narodnik lập luận rằng, trong khi một số cá nhân có thể được hưởng lợi từ việc di cư, thì toàn bộ nông dân chắc chắn sẽ bị mất mát. Tình cờ thay, các địa chủ cũ cũng có chung mong muốn phản động với những người Narodnik là ngăn chặn cuộc chạy trốn của nông dân khỏi các trang trại truyền thống của họ.

Nhưng Lênin giải thích rằng đây là một sự phát triển cực kỳ tiến bộ. Sự dịch chuyển của người lao động tới những khu vực có nhu cầu về sức lao động lớn hơn dẫn đến mức sống tăng lên. Là những người làm công ăn lương, những người nông dân trước đây đã được giải thoát khỏi tình trạng ngu dốt, lạc hậu của làng quê biệt lập. Tầm nhìn của họ đã được mở rộng.

Cuốn sách đi sâu vào chi tiết những mâu thuẫn và mặt tối trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga. Tuy nhiên, bất chấp điều này, thông qua sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga thời hậu Cải cách, như Lênin đã nói: “Nước Nga của cái cày gỗ và cái đập lúa, của cối xay nước và khung cửi thủ công, đã bắt đầu nhanh chóng biến thành nước Nga của cày sắt và máy tuốt lúa, máy xay hơi nước và máy dệt.”

Phân tích khoa học này về các sự kiện đã phát triển trong lịch sử – như chúng vốn là và chúng xuất hiện chứ không phải như chúng ta mong muốn – chính xác là phương pháp của chủ nghĩa Marx, của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Những người theo chủ nghĩa Marx như Lênin hiểu rõ tính chất tiến bộ của sự phát triển này, nó không chỉ mở rộng lực lượng sản xuất mà còn đặt cơ sở cho một hình thái xã hội mới cao hơn. Chủ nghĩa tư bản, bằng cách tạo ra các lực lượng sản xuất mới và kêu gọi sự tồn tại của một giai cấp công nhân hùng mạnh, đã đặt nền tảng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, diễn ra như một điều tất yếu từ những điều kiện này, chứ không chỉ đơn thuần là một điều không tưởng như mơ ước. Chính việc một bộ phận Narodnik thiếu quan niệm này là nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng của Lenin với họ:

“Có lẽ nguyên nhân sâu sắc nhất của sự bất đồng với những người Narodnik là sự khác biệt trong quan điểm cơ bản của chúng ta về các quá trình kinh tế và xã hội. Khi nghiên cứu phần sau, phái Narodnik thường đưa ra kết luận chỉ ra một số đạo đức; ông không coi các nhóm người khác nhau tham gia sản xuất là những người tạo ra các dạng sống khác nhau; ông không có ý trình bày tổng thể các mối quan hệ xã hội và kinh tế là kết quả của mối quan hệ tương hỗ giữa các nhóm này, những nhóm có lợi ích khác nhau và vai trò lịch sử khác nhau.”

Tính đúng đắn của phân tích trong cuốn sách này đã được chứng minh bằng các sự kiện: trên hết là bởi chính Cách mạng Nga. Điểm mấu chốt của sự phát triển tư bản chủ nghĩa ở Nga, vốn đã chôn sâu trong nhiều thập kỷ, là làm suy yếu hoàn toàn chế độ chuyên chế Sa hoàng kéo dài hàng thế kỷ và khiến nó sụp đổ, nhưng trên quy mô thế giới thì chủ nghĩa tư bản đã kiệt sức. Dù sao, nó đã hình thành nên một giai cấp công nhân hùng mạnh ở Nga.

Cuối cùng, không phải các nhà tư bản Nga yếu đuối và nô lệ đã lên nắm quyền sau khi chế độ sa hoàng sụp đổ, mà là giai cấp công nhân, những người đã nắm quyền và thiết lập một pháo đài của cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới, dưới sự lãnh đạo của Lênin và những người Bolshevik, những người đã nghiên cứu các quá trình ngầm này và đã nắm bắt được đầy đủ ý nghĩa mang tính cách mạng của chúng trước nhiều thập kỷ.


Bảo vệ chủ nghĩa Marx, 29 tháng 2 năm 2024

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận