Tự do: Trưởng thành trong thời tận cùng lịch sử

Lea Ypi (sn. 1979) là Giáo sư bộ môn Lý thuyết Chính trị và Marx tại Khoa Chính phủ, Trường Kinh tế London (LSE), và là Phó Giáo sư Triết học tại Trường Nghiên cứu Khoa học Xã hội, Đại học Quốc gia Úc.
Ypi lớn lên tại Albania, một trong những chính quyền cộng sản cực đoan nhất lịch sử. Do gia đình bà thuộc dòng dõi quý tộc Hồi Giáo nên đã bị chính phủ của Enver Hoxha đàn áp một cách kịch liệt. Gia đình Ypi sống trong hoàn cảnh nghèo khó: tài sản của gia đình bà đã bị chiếm dụng gần hết, ông của bà đã bị cầm giam 15 năm, và vô số thành viên của gia đình bà đã bị đưa vào trại cải tạo, nhiều người trong số đó không bao giờ trở về. Sau khi chính quyền cộng sản Albania sụp đổ, và sau khi chứng kiến hậu quả tàn khốc của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, bà quyết định du học.
Tuy lớn lên trong hoàn cảnh như vậy nhưng bà tự coi mình là nhà Marxist theo xu hướng Kant, và là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nhân văn.
Sau đây, VYM xin giới thiệu với bạn đọc trích đoạn của cuốn Free: Coming of Age at the End of History. Đây là cuốn sách nói về những nghịch lý của khái niệm tự do trong chủ nghĩa tư bản và cả chủ nghĩa xã hội. Tất cả những suy nghĩ này được kể thông qua hồi ức của bà khi Albania cộng sản sụp đổ vào tháng 12 năm 1990, và quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài của Enver Hoxha sang một quốc gia đáng lẽ tự do hơn và dân chủ hơn, nhưng theo Ypi thì thực chất lại không hề.
—–

KẾT

MỖI NĂM, TÔI BẮT ĐẦU các khóa học về Marx của mình tại Trường Kinh tế London bằng cách nói với các sinh viên của mình rằng nhiều người nghĩ về chủ nghĩa xã hội như một lý thuyết về quan hệ xã hội, đấu tranh giai cấp hoặc công bằng kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, động lực của nó nằm ở cái gì đó cơ bản hơn. Tôi nói với họ, chủ nghĩa xã hội trước hết là một lý thuyết về tự do của con người, về cách suy nghĩ về sự phát triển của lịch sử, về cách chúng ta thích ứng với hoàn cảnh và cố gắng vượt qua chúng. Tự do không chỉ mất đi khi người khác bảo chúng ta phải nói gì, đi đâu, cư xử như thế nào. Một xã hội hứa hẹn rằng nó sẽ phát triển tiềm năng của con người, nhưng lại không thay đổi được cấu trúc ngăn cản chính sự phát triển này, cũng là một xã hội áp bức. Tuy nhiên, bất chấp mọi ràng buộc, chúng ta không bao giờ đánh mất tự do trong nội tâm của mình: tự do được làm điều đúng đắn.
Trong thời sinh viên, tôi đã nói chuyện với rất nhiều bạn học tự xưng là những người theo chủ nghĩa xã hội – tức chủ nghĩa xã hội phương Tây. Họ nói về Rosa Luxemburg, Leon Trotsky, Salvador Allende và Ernesto “Che” Guevara như những vị thánh thế tục. Tôi chợt nhận ra rằng họ giống cha tôi ở điểm này: những nhà cách mạng duy nhất mà họ cho là đáng ngưỡng mộ lại là những người đã bị giết. Những biểu tượng này xuất hiện trên áp phích, áo phông và cốc cà phê, giống như hình ảnh Enver Hoxha được đơn giản hoá, được điều chỉnh cho học sinh như tôi. Marx đã viết trong những trang mở đầu của Tư bản luận, “các cá nhân được bàn tới như là hiện thân của các phạm trù kinh tế, hiện thân của các quan hệ giai cấp cụ thể và lợi ích giai cấp.” Nhưng với tôi, đằng sau mỗi hiện thân của một phạm trù kinh tế đều có máu thịt của một con người. Đằng sau nhà tư bản và địa chủ là các ông cố của tôi, người đã bị chính quyền bắt ngồi tù 15 năm; đằng sau những người nông dân, những người làm đồng cùng bà khi ông đang ngồi từ, và cũng là những người mà bà khinh rẻ. Tôi không thể đọc xong rồi để đó được.
Mẹ tôi không hiểu tại sao tôi lại giảng dạy và nghiên cứu về Mác và lại viết luận về chuyên chính vô sản. Đôi khi bà đọc các bài báo của tôi và thấy sốc. Bà đã học được cách trả lời những câu hỏi khó xử từ người thân. Những câu hỏi như: “con bé đấy có tin thế thật không?”, “đang đùa à?”. Đối với riêng mẹ tôi thì bà chỉ giữ lời phê bình trong lòng mình. Lần duy nhất bà nhắc đến vấn đề là khi bà kể lại lời rèm pha của một người anh họ, rằng cộng sản đã cầm tù ông tôi 15 năm nhưng thế nào mà lại để tôi rời Albania rồi bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Cả hai chúng tôi đều cười ngượng nghịu, rồi tạm dừng và chuyển chủ đề. Nó khiến tôi có cảm giác mình là đồng loã của một vụ giết người, như thể rằng chỉ cần nói về một hệ thống đã hủy hoại rất nhiều sinh mạng trong gia đình tôi cũng đủ khiến tôi trở thành người chịu trách nhiệm bóp cò. Trong sâu thẳm, tôi biết đây là những gì mẹ tôi nghĩ. Tôi luôn muốn thanh minh cho chính mình, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi nghĩ rằng mình sẽ cần một cuốn sách để trả lời.
Đây là cuốn sách đó. Lúc đầu, tôi hình dung nó như là một cuốn sách triết học về sự tương đồng giữa chủ nghĩa tự do và xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi tôi bắt đầu viết, cũng giống như khi tôi bắt đầu đọc Tư bản luận, những ý tưởng đó đã biến thành con người—những con người đã tạo nên tôi. Họ yêu nhau, cãi nhau; họ có những quan niệm khác nhau về bản thân và nghĩa vụ của họ. Như Marx đã viết, họ là sản phẩm của các mối quan hệ xã hội mà họ không tạo dựng nên, nhưng họ vẫn cố gắng vượt lên trên chúng. Họ nghĩ rằng họ đã thành công. Nhưng khi nguyện vọng của họ trở thành hiện thực, giấc mơ của họ biến thành sự vỡ mộng của tôi. Chúng tôi sống ở cùng một nơi, nhưng ở những thế giới khác nhau. Những thế giới này chỉ chồng lên nhau trong một thời gian ngắn. Khi chúng chồng lên nhau, chúng tôi nhìn mọi thứ bằng con mắt khác. Gia đình tôi đánh đồng chủ nghĩa xã hội với sự phủ nhận: sự phủ nhận nhân tính của họ, phủ nhận quyền mắc sai lầm và học hỏi từ chúng, phủ nhận quyền khám phá thế giới theo cách riêng của mỗi người. Tôi đánh đồng chủ nghĩa tự do với sự thất hứa, sự phá hoại tình đoàn kết, sự bảo về quyền thừa kế đặc quyền, sự tham lam, sự nuôi dưỡng ảo tưởng trong khi nhắm mắt làm ngơ trước bất công.
Theo cách nào đó, tôi đã trở lại điểm xuất phát. Khi bạn thấy hệ thống thay đổi một lần, bạn bắt đầu tin rằng nó có thể thay đổi lần nữa. Việc chống lại chủ nghĩa hoài nghi và sự thờ ơ chính trị đã biến thành cái mà một số người có thể gọi là nghĩa vụ đạo đức; đối với tôi, đó là một món nợ mà tôi cảm thấy mình nợ tất cả những người trong quá khứ, những người đã hy sinh tất cả vì họ không thờ ơ, họ không hoài nghi, họ không tin rằng mọi thứ sẽ đâu vào đó nếu bạn cứ để mọi thứ diễn ra. Nếu tôi không làm gì thì những nỗ lực của họ sẽ bị lãng phí, cuộc sống của họ sẽ trở nên vô nghĩa.
Khoảng cách tới tự do của thế giới của tôi và cha mẹ tôi đã cố trốn thoát đều xa bằng nhau. Cả hai đều không đạt được tới lý tưởng đó. Nhưng những thất bại của họ có những hình thức đặc biệt và nếu không thể hiểu được chúng thì chúng ta sẽ vẫn bị chia rẽ. Tôi viết câu chuyện của mình để giải thích, để hòa giải và để tiếp tục đấu tranh.

—-Hết đoạn trích—-

Sau đây là trích đoạn của cuộc phỏng vấn giữa Lea Ypi và thenew.institute về cuốn sách, và về khái niệm tự do và tư bản.
PV: Bà đã viết một cuốn sách có tựa đề “Free” kể về thời thơ ấu của bà ở Albania. Điều gì khiến bà viết cuốn sách này?
Cuốn sách này một phần là tự truyện và một phần là triết học chính trị. Đó là sự phản ánh về tự do, được nhìn qua cuộc sống và trải nghiệm, những xung đột và căng thẳng của các nhân vật khác nhau mà tôi đã biết trong thời thơ ấu. Tôi viết cuốn sách này để hiểu được tự do được tạo ra như thế nào trong các hệ thống chính trị khác nhau – và cả việc nó bị phản bội như thế nào.
PV: Từ chấn động dường như phù hợp để hiểu rất nhiều bất ổn chính trị sau khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc ở Đông u đúng không?
Tôi đã bị chịu chấn động hai lần trong vòng bảy năm. Lần đầu tiên là vào năm 1990. Tôi chỉ là một đứa trẻ xã hội chủ nghĩa ngoan ngoãn, tôi yêu đảng của mình và tôi yêu chú Enver, nhà lãnh đạo cộng sản của chúng tôi. Lần đầu tiên tôi nghĩ “đây không phải là một đất nước tự do,” là khi tôi vô tình gặp phải một cuộc biểu tình và tôi nghe thấy những người này hét lên “tự do” và “dân chủ” – TV gọi họ là côn đồ. Những côn đồ này là gì? Tôi hỏi cha tôi thì ông ấy nói, con biết đấy, côn đồ, họ la hét và gây rối, họ chỉ có ở phương Tây.
PV: Khi nào bà hiểu những gì đang xảy ra?
Dần dần, trong những tuần chuyển tiếp này, tôi phát hiện ra rằng quan điểm của cha mẹ tôi không phù hợp với quan điểm ở trường học hoặc trên truyền hình. Tôi nhận ra rằng gia đình tôi không thực sự tin vào những điều mà tôi đã tin. Và tôi tự hỏi: Tại sao họ lại nói dối tôi? Tại sao họ lại che giấu mọi thứ với tôi? Ai đúng? Tôi cảm thấy không có gì mà tôi có thể coi thường được – tôi phải quên đi những gì tôi đã học về chủ nghĩa xã hội vĩ đại như thế nào.
PV: Và sự chấn động thứ hai?
Chấn động thứ hai xảy ra vào năm 1997, với cái gọi là “liệu pháp sốc” và nỗ lực tự do hóa – ý tưởng cải cách cơ cấu này được thực hiện với sự thúc đẩy của Ngân hàng Thế giới và IMF, để đảm bảo rằng chúng tôi đã sẵn sàng cho nền kinh tế thị trường. Họ nói rằng điều đó đau đớn thật, nhưng sau nó sẽ ổn thoả cả. Niềm tin này sụp đổ vào năm 1997 bởi vì tự do hóa và tư nhân hóa cũng đồng nghĩa với sự phát triển của nhiều công ty đa cấp: Mọi người dồn tất cả tiền tiết kiệm vào đó, họ bán nhà, họ tin tưởng mạnh mẽ rằng thị trường sẽ hoạt động – và cuối cùng mọi người mất tiền tiết kiệm và nhà nước mất kiểm soát.
Mọi người rất tức giận. Họ đã cướp bóc, mọi người đều có súng trường. Nhà nước thậm chí không còn độc quyền trong việc sử dụng vũ lực, để bảo vệ hòa bình cơ bản và an ninh cơ bản. Có hàng ngàn người chết, mọi người đang cố gắng rời khỏi đất nước, một số người đã chết đuối khi cố vượt biển. Đây là một khoảnh khắc đau thương kép, một trải nghiệm về sự vỡ mộng với hai hệ thống – cả hai đều tự cho mình là hiện thân của tự do và dân chủ.
PV: Bà dường như hoài nghi các khái niệm đơn giản về tự do và dân chủ.
Tôi hoài nghi vì tôi thấy được hệ thống tuyên truyền hoạt động như thế nào và cách chúng hoạt động trong các hệ thống khác nhau ra sao. Bạn được giới thiệu về những khái niệm nhất định, phương tiện truyền thông viết về chúng theo một cách nhất định, các trường học nói về chúng theo một cách nhất định, các thể chế chính trị được tuyên truyền là hiện thân của những ý tưởng này – nhưng thực tế thì những người xung quanh bạn nghĩ rất khác, và đôi khi trái ngược hẳn với cách những lý tưởng này được trình bày.
PV: Ví dụ?
Chỉ cần nghĩ về tự do di chuyển. Dưới chế độ cộng sản, chúng tôi không có quyền tự do đi lại vì chúng tôi không được phép rời khỏi đất nước. Đột nhiên, chúng tôi được thông báo rằng chúng tôi được tự do. Nhưng sau đó hóa ra mọi người đã chết khi băng qua biển Adriatic khi cố gắng đến Ý. Đó cũng không thực sự là quyền tự do di chuyển – quyền tự do đi ra chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không có quyền tự do đi vào. Tôi nhận thức được những nghịch lý sâu sắc về cách sử dụng từ này.
PV: Bà có đang cố gắng cứu từ “tự do” cho cánh tả không?
Nói như vậy cũng đúng. Nhưng nó không phải là tiền đề cho lập luận của tôi. Tôi quan tâm đến tự do như một khái niệm đạo đức và ý tưởng về quyền tự quyết và trách nhiệm. Tôi quan tâm đến quan niệm của Kant về tự do – bạn tự do chừng nào bạn còn là một tác nhân đạo đức. Sống trong một thế giới tự do là sống trong một thế giới mà mọi người không biến nhau thành công cụ và hành hạ lẫn nhau. Cốt lõi triết học này không trái cũng không phải. Nhưng khi bạn nghĩ về cách thể chế hóa điều đó, bạn sẽ đi đến một quan niệm dân chủ rất cấp tiến về loại thể chế nào có thể thực hiện hoá được tự do. Và hóa ra, theo quan điểm của tôi, một hệ thống tư bản chủ nghĩa không thể có những thể chế này.
PV: Tại sao vậy?
Trong chủ nghĩa tư bản, bạn có sự bất đối xứng sâu sắc về quyền lực, phân phối và cấu trúc sở hữu. Bạn có một hệ thống toàn cầu hóa, trong đó sự tự lập của một quốc gia cụ thể bị cản trở vì cách thức hoạt động của các thể chế quốc tế, vì các mối quan hệ quyền lực, vì di sản của chủ nghĩa thực dân, vì tất cả những thất bại của trật tự quốc tế. Lý tưởng dân chủ cấp tiến hoàn toàn không được phản ánh trong các thể chế tư bản ở cấp độ pháp lý, hiến pháp hoặc chính trị. Vì vậy nên tôi tin rằng dân chủ và tư bản là hai khái niệm không tương thích.
Nguồn: https://thenew.institute/en/media/freedom-and-betrayal
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận