Cơ sở xã hội cho vấn đề phụ nữ

Những cuộc thảo luận về những vấn đề như là tính ưu việt của giới này so với giới kia, hoặc trò cân não hay sự so sánh cấu trúc tâm lý giữa nam và nữ, những cái như vậy hãy để lại cho các học giả tư sản tự thảo luận với nhau. Đặc thù tự nhiên của mỗi giới là điều mà những người theo chủ nghĩa duy vật lịch sử hoàn toàn chấp nhận, điều họ đòi hỏi chỉ là mỗi người, dẫu là nam hay nữ, đều có một cơ hội thực sự cho quyền tự quyết đầy đủ và tự do nhất, cũng như phạm vi rộng nhất để phát triển và vận dụng tất cả các khuynh hướng tự nhiên. Những người theo chủ nghĩa duy vật lịch sử bác bỏ sự tồn tại của một vấn đề đặc biệt về phụ nữ tách biệt khỏi vấn đề xã hội nói chung của thời đại. Đằng sau sự lệ thuộc của người phụ nữ là những yếu tố kinh tế cụ thể, phẩm chất tự nhiên chỉ là yếu tố phụ. Chỉ có sự biến mất hoàn toàn của những yếu tố này, chỉ có sự tiến triển của những lực lượng mà ở một thời điểm nào đó trong quá khứ đã buộc phụ nữ khuất phục, về cơ bản mới có thể tác động và thay đổi vị trí xã hội của họ. Nói cách khác, phụ nữ chỉ có thể trở nên thực sự tự do và bình đẳng trong một thế giới theo những đường lối sản xuất và tổ chức xã hội mới.



Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sự cải thiện phần nào cuộc sống của phụ nữ trong khuôn khổ của hệ thống hiện tại là không thể. Hẳn nhiên là giải pháp triệt để cho vấn đề của người lao động chỉ có thể đạt được khi các quan hệ sản xuất hiện tại được tái thiết lại hoàn toàn; nhưng dẫu vậy điều đó có ngăn chúng ta hành động cho những cải cách nhằm thỏa mãn những nhu cầu cấp thiết nhất của giai cấp vô sản? Chính ngược lại, mỗi quyền lợi mới mà giai cấp công nhân có được thể hiện một bước dẫn nhân loại tiến tới sự tự do và bình đẳng xã hội: mỗi quyền mà phụ nữ giành được sẽ đưa họ đến gần hơn với mục tiêu tiên quyết là sự giải phóng họ hoàn toàn…

Dân chủ xã hội là bên đầu tiên đưa vào chương trình của nó yêu cầu về quyền bình đẳng giữa nam và nữ; trong các bài phát biểu cũng như trên báo chí, ở mọi nơi mọi lúc đảng luôn đòi hỏi việc rút bỏ những hạn chế ảnh hưởng đến phụ nữ; chỉ riêng ảnh hưởng của đảng thôi đã buộc các đảng và chính phủ khác phải tiến hành các cải cách có lợi cho phụ nữ. Và ở Nga, đảng này không chỉ là người bảo vệ phụ nữ về mặt lý thuyết mà ở mọi nơi mọi lúc vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc bình đẳng cho phụ nữ.

Vậy hà cớ gì mà “những nhà đấu tranh cho quyền bình đẳng” của chúng ta không chấp nhận sự hỗ trợ từ một bên mạnh mẽ và giàu kinh nghiệm như vậy? Thực tế là, dẫu họ có “cấp tiến” tới đâu họ vẫn trung thành với giai cấp tư sản. Tự do chính trị lúc này là điều kiện thiết yếu hàng đầu cho sự vươn lên và nắm quyền lực của giai cấp tư sản Nga, nếu không có nó, tất cả những đặc quyền kinh tế của giai cấp này hóa ra chỉ được xây trên cát. Bắt nguồn từ chính cuộc sống mà đòi hỏi bình đẳng chính trị đối với phụ nữ trở thành điều cần thiết.

Khẩu hiệu “tiếp cận công bằng về nghề nghiệp” đã không còn đủ nữa; chỉ có sự tham gia trực tiếp vào chính phủ mới hứa hẹn góp phần vào sự cải thiện tình hình kinh tế của phụ nữ. Do đó, phụ nữ thuộc giai tầng trung lưu tư sản khao khát được có chân trong đó và do đó mà họ có thái độ thù địch với hệ thống quan liêu hiện tại.

Tuy nhiên, trong đòi hỏi của mình về bình đẳng chính trị những nhà nữ quyền của chúng ta cũng không khác chi những người chị em của họ ở phương tây; họ tỏ ra không thể làm quen và không thể hiểu được những chân trời rộng lớn được mở ra bởi nền dân chủ xã hội. Những nhà nữ quyền tìm kiếm sự bình đẳng trong khuôn khổ của xã hội có giai cấp mà không đánh vào nền tảng của xã hội này. Họ muốn đấu tranh giành đặc quyền cho chính mình mà không thách thức những đặc quyền và quyền ưu tiên hiện có. Chúng tôi không buộc tội những người đại diện của phong trào phụ nữ tư sản là không hiểu vấn đề; cái nhìn của họ về mọi thứ chắc chắn không thể tránh khỏi vị trí giai cấp của họ…

Cuộc đấu tranh cho sự độc lập về kinh tế

Trước hết, chúng ta phải tự hỏi rằng liệu có thể có một phong trào phụ nữ được thống nhất làm một trong một xã hội dựa trên sự mâu thuẫn giai cấp hay không. Quan sát mà không thiên vị thì thực tế rõ ràng là, những phụ nữ tham gia vào phong trào giải phóng không đại diện cho một khối đồng nhất.

Thế giới của phụ nữ bị phân chia, cũng như thế giới của đàn ông, thành hai phe; lợi ích và nguyện vọng của một nhóm phụ nữ đưa nó đến gần với giai cấp tư sản, trong khi nhóm kia lại có mối liên hệ chặt chẽ với giai cấp vô sản, và yêu sách giải phóng của họ bao hàm một giải pháp đầy đủ cho vấn đề phụ nữ. Do vậy dẫu cho cả hai phe đều tuân theo khẩu hiệu chung là “giải phóng phụ nữ” nhưng mục đích và lợi ích của họ lại khác nhau. Mỗi nhóm lấy điểm xuất phát một cách vô thức từ lợi ích của giai cấp mình, điều này mang lại bản sắc giai cấp cụ thể cho các mục tiêu và nhiệm vụ mà nó tự đặt ra…

Tuy nhiên, một thực tế mà ta không được quên. Rõ ràng về cơ bản thì các nhà nữ quyền, vì vị trí giai cấp của họ nên sẽ không thể đấu tranh cho một sự chuyển đổi căn bản cấu trúc của kinh tế và xã hội đương thời, thứ mà nếu không có thì sự giải phóng phụ nữ chẳng thể trọn vẹn.

Nếu trong một số trường hợp nhất định nhiệm vụ ngắn hạn của phụ nữ thuộc mọi tầng lớp trùng khớp với nhau thì mục tiêu cuối cùng của hai phe, điều mà về lâu dài sẽ xác định phương hướng cho phong trào và các chiến thuật được sử dụng, sẽ khác nhau rõ rệt. Đối với những người ủng hộ nữ quyền, việc đạt được quyền bình đẳng với nam giới trong khuôn khổ thế giới tư bản đương đại tự nó đã thể hiện một mục đích cụ thể trọn vẹn, thì quyền bình đẳng ở thời điểm hiện tại đối với phụ nữ vô sản mà nói chỉ là một phương tiện để thúc đẩy cuộc đấu tranh kinh tế chống lại chế độ nô lệ đè nặng lên giai cấp công nhân. Các nhà nữ quyền coi đàn ông là kẻ thù chính, vì lẽ đàn ông đã chiếm đoạt một cách vô cớ mọi lợi ích và đặc quyền cho riêng mình, chỉ để lại cho phụ nữ những xiềng xích và bổn phận. Đối với họ, sẽ là chiến thắng một khi một đặc quyền trước đây chỉ dành riêng cho nam giới giờ được thừa nhận cho cả hai. Phụ nữ vô sản có một quan điểm khác. Họ không coi đàn ông là kẻ thù và kẻ áp bức; ngược lại, họ coi đàn ông như đồng đội của mình, người chia sẻ với họ những vất vả của cuộc sống hàng ngày và cùng họ chiến đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn. Người phụ nữ và người đồng chí nam của cô ấy bị nô lệ bởi những điều kiện xã hội như nhau; chịu cùng những xiềng xích đáng ghét mà chủ nghĩa tư bản, thứ đã đàn áp ý chí của họ, tước đoạt những niềm vui và hạnh phúc cuộc sống. Đúng là ở một số khía cạnh cụ thể của hệ thống đương đại, phụ nữ phải chịu gánh nặng gấp đôi và đôi khi vì điều kiện của lao động làm thuê mà người phụ nữ đi làm biến thành đối thủ cạnh tranh với đồng nghiệp nam. Nhưng ngay cả trong những tình huống bất lợi này, giai cấp công nhân ý thức được ai mới là kẻ có tội…

Người phụ nữ công nhân, không kém gì người anh của cô ấy trong nỗi bất hạnh, ghét cái con quái vật vô độ với cái vằn mạ vàng, kẻ chỉ quan tâm đến việc hút cho cạn nhựa sống từ các nạn nhân của mình bất kể cái giá là hàng triệu mạng người, mặc cho đó là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em. Hàng ngàn sợi chỉ đỏ đưa người lao động đến gần với nhau. Mặt khác, những khát vọng của người phụ nữ tiểu tư sản có vẻ ngộ nghĩnh và khó hiểu. Họ không làm ấm lòng người vô sản; họ không hứa hẹn với người phụ nữ vô sản một tương lai tươi sáng mà tất cả nhân loại bị bóc lột đều đang hướng tới…

Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng của phụ nữ vô sản không ngăn cản họ mong muốn cải thiện địa vị của mình ngay cả trong khuôn khổ của hệ thống tư sản hiện hành, nhưng việc thực hiện những mong muốn này liên tục bị cản trở bởi những chướng ngại xuất phát từ chính bản chất của chủ nghĩa tư bản. Người phụ nữ chỉ có thể có quyền bình đẳng và được tự do thực sự trong một thế giới mà lao động được xã hội hóa, hài hòa và công bằng. Các nhà nữ quyền không muốn và không có khả năng hiểu được điều này; dường như đối với họ thì chỉ cần sự bình đẳng được chính thức chấp nhận bằng văn bản luật pháp là họ sẽ có thể giành được một vị trí thoải mái cho mình trong thế giới cũ của áp bức, nô lệ và trói buộc, của nước mắt và khó khăn. Ở một thời điểm nhất định điều này đúng. Đối với phần lớn phụ nữ của giai cấp vô sản, quyền bình đẳng với nam giới chỉ có nghĩa là một phần bình đẳng trong bất bình đẳng, nhưng đối với “một số ít được chọn”, đối với phụ nữ tư sản, nó thực sự sẽ mở ra những cánh cửa cho những quyền và đặc quyền mới chưa từng có, thứ mà cho đến nay chỉ riêng nam giới của giai cấp tư sản mới được hưởng. Nhưng mỗi nhượng bộ mới mà người phụ nữ tư sản giành được sẽ mang lại cho cô một vũ khí khác để bóc lột em gái mình và sẽ tiếp tục gia tăng sự chia rẽ giữa phụ nữ của hai phe xã hội đối lập. Lợi ích của họ sẽ mâu thuẫn gay gắt hơn, nguyện vọng của họ mâu thuẫn rõ ràng hơn.

Vậy thì, “vấn đề chung cho phụ nữ” ở đâu? Đâu là sự thống nhất giữa các nhiệm vụ và nguyện vọng mà các nhà nữ quyền có rất nhiều điều để nói? Một cái nhìn tỉnh táo vào thực tế cho thấy rằng sự thống nhất như vậy không có và không thể tồn tại. Vô ích, những người ủng hộ nữ quyền cố gắng tự đảm bảo rằng “vấn đề về phụ nữ” không liên quan gì đến đảng chính trị và rằng “giải pháp của nó chỉ có thể thực hiện được với sự tham gia của tất cả các bên và tất cả phụ nữ”; như một trong những nhà nữ quyền cấp tiến của Đức đã nói, logic của các sự kiện buộc chúng ta phải bác bỏ ảo tưởng thoải mái này của những người theo chủ nghĩa nữ quyền…

Trong suốt lịch sử loài người các điều kiện và hình thức sản xuất đã khuất phục phụ nữ, dần dần khiến họ rơi vào vị trí bị áp bức và lệ thuộc. Hầu hết chúng vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ.

Cần phải có một sự biến động lớn của toàn bộ cơ cấu kinh tế và xã hội trước khi phụ nữ có thể bắt đầu lấy lại ý nghĩa và sự độc lập mà họ đã đánh mất. Những vấn đề từng có thời tưởng như quá khó đối với những nhà tư tưởng tài năng nhất nay đã được giải quyết nhờ những điều kiện vô tri vô giác nhưng toàn năng của sản xuất. Cũng chính những lực lượng đã nô lệ phụ nữ hàng ngàn năm giờ đây, ở một giai đoạn phát triển hơn nữa, đang dẫn dắt họ trên con đường đi đến tự do và độc lập…

Vấn đề về phụ nữ có tầm quan trọng đối với phụ nữ thuộc các tầng lớp tư sản vào khoảng giữa thế kỷ XIX – đó là một khá muộn sau khi phụ nữ vô sản đã bước ra đấu trường lao động. Dưới tác động của những thành công khủng khiếp của chủ nghĩa tư bản, các tầng lớp trung lưu đã phải hứng chịu những làn sóng của sự thiếu thốn. Những thay đổi về kinh tế đã làm cho tình hình tài chính của tầng lớp tiểu tư sản và trung lưu không ổn định, và phụ nữ tư sản phải đối mặt với tình thế đe dọa đầy khó xử, hoặc chấp nhận nghèo đói hoặc giành quyền làm việc. Các bà vợ và con gái của các nhóm xã hội này bắt đầu đến gõ cửa các trường đại học, các tiệm mỹ thuật, các tòa soạn, các văn phòng, đổ xô vào các ngành nghề đang mở ra cho họ.

Phụ nữ của giai cấp tư sản ngay từ đầu đã gặp phải sự phản kháng gay gắt của nam giới. Một trận chiến cam go nổ ra giữa những người đàn ông chuyên nghiệp, quá quen với “những công việc nhỏ bé ấm cúng” của họ và những phụ nữ mới làm quen với vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày. Cuộc đấu tranh này đã làm nảy sinh “chủ nghĩa nữ quyền” – nỗ lực của những người phụ nữ tư sản để sát cánh cùng nhau, chung sức chống lại kẻ thù, chống lại nam giới. Khi bước vào đấu trường lao động, những người phụ nữ này tự hào gọi mình là “đội tiên phong của phong trào phụ nữ”. Họ quên rằng trong vấn đề giành độc lập kinh tế này, cũng như trong các lĩnh vực khác, họ chỉ đang đi theo dấu chân của những người em gái của họ và thành quả họ gặt hái được chính là từ nỗ lực của những đôi bàn tay phồng rộp kia.

Vậy thì thực sự có thể nói rằng những nhà nữ quyền là kẻ đi tiên phong trên con đường lao động của phụ nữ hay không, khi ở mỗi nước, hàng trăm nghìn phụ nữ vô sản đã tràn vào các nhà máy, công xưởng, tiếp quản hết từ ngành này đến ngành khác, trước cả khi phong trào phụ nữ tư sản sinh ra? Chỉ nhờ vào thực tế là sức lao động của nữ công nhân đã được thị trường thế giới công nhận thì phụ nữ tư sản mới có thể chiếm được vị trí độc lập trong xã hội, điều mà các nhà nữ quyền rất tự hào…

Một thực tế là trong lịch sử, cuộc đấu tranh của phụ nữ vô sản cho sự cải thiện điều kiện vật chất khó có thể chỉ ra trong đó phong trào nữ quyền nói chung đã góp phần gì quan trọng. Những gì phụ nữ vô sản đạt được trong việc nâng cao mức sống của mình đều là kết quả của sự nỗ lực của giai cấp công nhân nói chung và của bản thân họ nói riêng. Lịch sử đấu tranh của phụ nữ lao động cho điều kiện lao động tốt hơn và có cuộc sống đàng hoàng hơn là lịch sử đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản.

Điều gì nếu không phải là nỗi sợ hãi trước sự bùng nổ đầy nguy hiểm của sự bất mãn vô sản đã buộc các chủ xưởng phải tăng giá lao động, giảm giờ làm và đưa ra các điều kiện làm việc tốt hơn? Điều gì nếu không phải là nỗi sợ hãi về “tình trạng bất ổn lao động” đã thuyết phục chính phủ thiết lập luật pháp để hạn chế việc bóc lột sức lao động bằng tư bản?…

Không có một đảng nào trên thế giới đứng ra bảo vệ phụ nữ như đảng dân chủ xã hội đã làm. Phụ nữ lao động trước hết là thành viên của giai cấp công nhân, vị trí và phúc lợi chung của mỗi thành viên trong gia đình vô sản càng thỏa đáng thì về lâu dài, giai cấp công nhân càng có lợi ích lớn hơn…

Trước những khó khăn xã hội ngày càng gia tăng, người chiến sĩ chân thành vì chính nghĩa phải dừng lại trong nỗi buồn hoang mang. Cô ấy không thể không thấy rằng phong trào phụ nữ nói chung đã làm được ít như thế nào đối với phụ nữ vô sản, nó không có khả năng cải thiện điều kiện sống và làm việc của giai cấp công nhân như thế nào. Tương lai của nhân loại phải có vẻ xám xịt, buồn tẻ và không chắc chắn đối với những phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng nhưng không chấp nhận triển vọng thế giới vô sản hoặc phát triển niềm tin vững chắc vào sự xuất hiện của một hệ thống xã hội hoàn hảo hơn. Trong khi thế giới tư bản đương đại vẫn không thay đổi, đối với họ, sự giải phóng dường như phải không hoàn thiện và không thiên vị. Những người phụ nữ chu đáo và nhạy cảm này còn có nỗi tuyệt vọng nào nữa. Chỉ có giai cấp công nhân mới có khả năng duy trì tinh thần trong thế giới hiện đại với những quan hệ xã hội bị bóp méo của nó. Với bước đi vững chắc và được đo lường, nó tiến đều đặn theo mục tiêu của nó. Nó thu hút phụ nữ lao động vào hàng ngũ của nó. Người phụ nữ vô sản dũng cảm đặt chân lên con đường vượt cạn đầy chông gai. Chân cô chùng xuống; cơ thể cô bị xé nát. Có những vách đá nguy hiểm trên đường đi và những con thú săn mồi tàn ác đang ở gần.

Nhưng chỉ khi đi theo con đường này, người phụ nữ mới có thể đạt được mục tiêu xa vời nhưng đầy quyến rũ đó – sự giải phóng thực sự của cô ấy trong một thế giới mới của người lao động. Trong cuộc hành trình đầy khó khăn này đến tương lai tươi sáng, người phụ nữ vô sản, cho đến gần đây là một nô lệ bị áp bức, nhục nhã không có quyền, học cách từ bỏ tâm lý nô lệ đã đeo bám cô, từng bước cô chuyển mình thành một người lao động độc lập, một nhân cách độc lập, tự do trong tình yêu. Chính cô ấy, chiến đấu trong hàng ngũ của giai cấp vô sản, người giành quyền làm việc cho phụ nữ; chính cô ấy, “em gái”, người chuẩn bị nền tảng cho một người phụ nữ “tự do” và “bình đẳng” trong tương lai.

 

Vậy thì, vì lý do gì mà người phụ nữ công nhân nên tìm cách liên minh với những người theo chủ nghĩa nữ quyền tư sản? Trên thực tế, ai sẽ giành được lợi thế trong trường hợp có một liên minh như vậy? Chắc chắn không phải là nữ công nhân. Cô ấy là vị cứu tinh của chính mình; tương lai của cô ấy trong tay của chính cô ấy. Người phụ nữ lao động bảo vệ lợi ích giai cấp của mình và không bị lừa dối bởi những bài phát biểu tuyệt vời về “thế giới mà tất cả phụ nữ đều chia sẻ”. Người phụ nữ lao động không được và đừng quên rằng trong khi mục đích của phụ nữ tư sản là bảo đảm phúc lợi của chính họ trong khuôn khổ của một xã hội đối kháng với chúng ta, thì mục đích của chúng ta là xây dựng, thay cho thế giới cũ, lạc hậu, một sự tươi sáng của lao động phổ thông, tình đoàn kết hữu nghị và tự do vui vẻ. …

Hôn nhân và gia đình

Chúng ta hãy chuyển sự chú ý của mình sang một khía cạnh khác của vấn đề phụ nữ, câu hỏi về gia đình. Tầm quan trọng của lời giải cho câu hỏi này, câu hỏi mang tính cấp bách và phức tạp đối với sự giải phóng thực sự cho phụ nữ, đã được biết đến. Cuộc đấu tranh cho quyền chính trị, cho quyền nhận bằng tiến sĩ và các bằng cấp học thuật khác, cho việc trả công bình đẳng với những công việc tương đương, không phải là toàn bộ của cuộc đấu tranh cho bình đẳng. Để trở nên thực sự tự do, người phụ nữ phải cởi bỏ được những xiềng xích nặng nề của các hình thức gia đình hiện tại, vốn đã lỗi thời và đầy áp bức. Đối với phụ nữ, lời giải của câu hỏi về gia đình chẳng kém phần quan trọng so với việc đạt được sự bình đẳng về chính trị và độc lập về kinh tế.

Trong gia đình ngày nay, cái gia đình mà cấu trúc đã được xác lập bởi phong tục và luật pháp, người phụ nữ bị áp bức không chỉ với tư cách một con người mà còn với tư cách một người vợ, người mẹ, ở hầu hết các nước thuộc thế giới văn minh, bộ luật dân sự đặt phụ nữ vào vị trí cao hơn hoặc bớt phụ thuộc vào chồng nhưng lại trao cho anh ta không chỉ quyền định đoạt tài sản của mình mà còn cả quyền thống trị về mặt tinh thần và thể chất đối với cô ấy…

Khi cái phận tôi tớ, chính thức và hợp pháp, của phụ nữ đi vào dĩ vãng thì cái lực lượng mà chúng ta gọi là “dư luận” lại vén màn bước ra. Dư luận này do giai cấp tư sản tạo ra và ủng hộ với mục đích bảo tồn cái “thể chế thiêng liêng của tư sản”. Cái “đạo đức kép” giả tạo cũng là một thứ vũ khí. Xã hội tư sản đè nặng phụ nữ bằng sự kìm kẹp man rợ về kinh tế, trả cho sức lao động của cô ấy ở một mức rất thấp. Người phụ nữ bị tước đi cái quyền công dân là tự lên tiếng để bảo vệ lợi ích cho mình, thay vào điều đó là những lựa chọn đầy tử tế kiểu như sự ràng buộc của hôn nhân hoặc làm đĩ – một bên là giao kèo mà khi ký vào phụ nữ phải sống cả đời trong sự coi thường còn một bên, chịu đàn áp công khai nơi công cộng nhưng trong bí mật lại được khuyến khích và ủng hộ. Có cần phải làm rõ hơn những mặt tối của cuộc sống hôn nhân đương đại và những đau khổ mà phụ nữ phải trải qua liên quan đến vị trí của họ trong cấu trúc gia đình hiện nay không? Về chủ đề này đã có quá nhiều điều được viết và nói. Văn học chứa đầy những bức tranh buồn bã về cạm bẫy của cuộc sống hôn nhân và gia đình. Bao nhiêu bộ phim tâm lý được đã được phát hành! Bao nhiêu cuộc đời què quặt! Ở đây, điều cần phải lưu ý rằng cấu trúc gia đình hiện đại, ít hay nhiều, đặt ách áp bức nên tất cả phụ nữ thuộc mọi giai cấp và tầng lớp dân cư. Phong tục và truyền thống dày vò những người mẹ trẻ bất kể cô ấy thuộc về tầng lớp dân cư nào; luật pháp đặt cả phụ nữ tư sản cũng như vô sản, phụ nữ ở thành thị cũng như nông thôn dưới sự giám hộ của chồng họ.

Phải chăng chúng ta đã bỏ qua một khía cạnh của vấn đề phụ nữ mà qua đó người phụ nữ thuộc mọi tầng lớp có thể đoàn kết với nhau? Chẳng lẽ họ lại không thể cùng nhau đấu tranh chống lại các điều kiện áp bức họ hay sao? Có lẽ nào nỗi đau đớn và khổ cực mà những người phụ nữ cùng chia sẻ trong trường hợp này sẽ làm dịu đi móng vuốt của sự đối kháng giai cấp và mang lại khát vọng hành động chung cho phụ nữ ở các phe phái khác nhau? Phải chăng trên cơ sở của những mong muốn và mục đích chung, sự hợp tác giữa phụ nữ tư sản và phụ nữ vô sản có thể trở nên khả dĩ? Các nhà nữ quyền đang đấu tranh cho các hình thức hôn nhân tự do hơn và cho “quyền được sinh con”; họ đang lên tiếng bênh vực gái điếm, những người bị đàn áp bởi tất cả. Hãy xem văn học nữ quyền phong phú như thế nào trong việc tìm kiếm các hình thức quan hệ mới và sự đòi hỏi sốt sắng về “bình đẳng đạo đức” giữa các giới. Có phải chăng trong khi ở lĩnh vực giải phóng kinh tế, những người phụ nữ tư sản đã tụt hậu phía sau đội quân hùng hậu của hàng triệu phụ nữ vô sản, những người tiên phong dẫn đường cho “phụ nữ mới”, thì nay trong cuộc đấu tranh để tìm giải pháp cho vấn đề gia đình các nhà nữ quyền lại chiếm trọn vòng nguyệt quế?

Ở nước Nga, phụ nữ thuộc giai tầng tư sản trung lưu – đội quân của những người làm công ăn lương độc lập đã tham gia vào thị trường lao động trong những năm 1860 – từ lâu đã giải quyết được nhiều khía cạnh rối rắm của vấn đề hôn nhân. Họ đã can đảm để thay thế cái gia đình “cố kết” bởi hôn nhân truyền thống trong nhà thờ bằng những kiểu quan hệ linh hoạt hơn đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp xã hội đó. Nhưng cách giải quyết chủ quan cho vấn đề này của từng cá nhân chị em không làm thay đổi được tình hình và không làm dịu đi bức tranh chung u ám của cuộc sống gia đình. Nếu bất kỳ thế lực nào đang phá hủy hình thức hiện đại của gia đình, thì đó không phải là những nỗ lực to lớn của những cá nhân riêng biệt và mạnh mẽ mà là những lực lượng sản xuất vô tri vô giác nhưng hùng mạnh, thứ mầm sống đang vươn lên một cách không khoan nhượng trên nền tảng mới…

Cuộc đấu tranh anh dũng cá nhân của những cô gái trẻ thuộc thế giới tư sản, những người dám thách thức và đòi hỏi xã hội cái quyền “dám yêu” thay vì chịu sắp xếp hay trói buộc, phải như là tấm gương cho tất cả chị em đang mòn mỏi trong xiềng xích gia đình – Đó là những gì mà các nhà nữ quyền được giải phóng hơn ở nước ngoài và những nhà cấp tiến đấu tranh cho quyền bình đẳng của chúng ta ở trong nước, rao giảng. Nói cách khác, theo quan điểm của họ vấn đề về hôn nhân có thể được giải quyết mà không cần tham chiếu đến hoàn cảnh bên ngoài; nó độc lập với những thay đổi của cơ cấu kinh tế của xã hội. Chỉ cần những nỗ lực riêng rẽ, anh hùng của các cá nhân là đủ. Đơn giản chỉ cần người phụ nữ “dám” và vấn đề hôn nhân sẽ được giải quyết.

Nhưng những người phụ nữ ít anh hùng hơn lắc đầu ngờ vực. “Tất cả đều ổn đối với các nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết, những người được tác giả ban phước cho tính độc lập cao, những người bạn không ích kỷ và những phẩm chất quyến rũ phi thường để có thể hành động thách thức. Nhưng những người không có vốn, lương thì chẳng đủ, không bạn bè và kém duyên thì sao?” Và cả vấn đề thai sản nữa, thứ luôn canh cánh trong tâm trí của người phụ nữ phấn đấu cho tự do. “Tình yêu tự do” liệu có khả thi? Với cơ cấu kinh tế của xã hội chúng ta nó có thể đi vào hiện thực như một hiện tượng phổ biến, như một chuẩn mực được chấp nhận chung chứ không phải ngoại lệ riêng lẻ không? Liệu có thể bỏ qua yếu tố tư hữu trong hôn nhân đương đại? Có thể nào, trong một thế giới của chủ nghĩa cá nhân, việc gạt bỏ khế ước hôn nhân chính thức lại không làm tổn hại đến quyền lợi của phụ nữ? Khi mà khế ước hôn nhân là sự đảm bảo duy nhất rằng toàn bộ nỗi khó nhọc của việc thai sản sẽ không rơi vào một mình người phụ nữ.

Điều đã từng xảy ra với nam công nhân giờ sẽ không xảy ra với nữ sao? Việc bãi bỏ các quy định công hội, mà không thiết lập các quy tắc mới điều chỉnh hành vi của giới chủ, đã trao cho nhà tư bản quyền lực tuyệt đối đối với công nhân. Khẩu hiệu đầy cám dỗ “tự do hợp đồng giữa lao động và tư bản” đã trở thành phương tiện cho sự bóc lột sức lao động một cách trần trụi bằng tư bản. “Tình yêu tự do”, được du nhập một cách nhất quán vào xã hội giai cấp đương thời, thay vì giải phóng người phụ nữ khỏi những vất vả của cuộc sống gia đình chắc chắn sẽ tăng thêm cho cô một gánh nặng mới – nhiệm vụ chăm sóc con cái một mình mà không ai giúp đỡ.

Chỉ có một số cải cách mang tính cơ bản trong lĩnh vực quan hệ xã hội – những cải cách chuyển đổi nghĩa vụ từ gia đình sang xã hội và nhà nước – mới có thể tạo ra một tình huống mà nhờ đó nguyên tắc về “tình yêu tự do” mới ít nhiều là có thể. Nhưng nghiêm túc mà nói liệu chúng ta có thể trông đợi nhà nước giai cấp hiện đại, dù nó dân chủ đến đâu, tự giác đảm nhận những bổn phận đối với bà mẹ và trẻ em, thứ mà hiện do các gia đình hiện đại, những đơn vị cá nhân, đảm nhận? Chỉ có sự chuyển đổi về cơ bản của toàn bộ quan hệ sản xuất mới có thể tạo ra những tiền đề xã hội để bảo vệ phụ nữ khỏi những mặt tiêu cực của công thức “tình yêu tự do”. Bạn không nhận ra sao những suy đồi và quái dị  đáng lo lắng ẩn dưới cái mác tiện lợi này? Để ý mà xem đám quý ông, những ông chủ và người quản lý các doanh nghiệp công nghiệp, những kẻ ép buộc những phụ nữ lao động và nhân viên văn thư làm việc cho họ phải thỏa mãn nhu cầu tình dục của họ bằng lời đe dọa sa thải. Không phải là họ đang thực hành cái “tình yêu tự do”, theo cách riêng của mình, hay sao? Tất cả những “chủ nhà” hãm hiếp tôi tớ của mình và ném họ ra đường khi họ mang thai, chẳng phải bọn chúng cũng đang tuân theo công thức của “tình yêu tự do” sao?

“Nhưng chúng tôi không nói về loại đối tượng ‘tự do’ đó. Ngược lại, chúng tôi là những người bênh vực cho hôn nhân tự do, chúng tôi yêu cầu sự chấp nhận một thứ ‘đạo đức duy nhất’, thứ ràng buộc như nhau đối với cả hai giới. Chúng tôi phản đối chuẩn mực tình dục hiện hành và coi sự kết hợp tự do dựa trên tình yêu đích thực mới là đạo đức.” – Các nhà nữ quyền nói.

Nhưng, các bạn thân mến của tôi, bạn có nghĩ rằng lý tưởng “hôn nhân tự do” của bạn, khi đem vào thực hành trong điều kiện của xã hội hiện nay, kết quả mà nó mang lại có thể khác biệt chút nào với việc áp dụng tự do tình dục một cách méo mó? Chỉ khi phụ nữ trút bỏ được những gánh nặng vật chất vốn đang tạo ra sự lệ thuộc kép, vào tư bản và vào người chồng, thì nguyên tắc về “tình yêu tự do” mới có thể được thực hiện mà không gây ra những đau khổ mới cho phụ nữ. Khi phụ nữ ra ngoài, làm việc và đạt được sự độc lập về kinh tế, một số khả năng nhất định cho “tình yêu tự do” sẽ xuất hiện, đặc biệt là đối với những phụ nữ được trả lương cao hơn trong giới trí thức. Nhưng, sự lệ thuộc của phụ nữ vào tư bản vẫn còn đó, và sự phụ thuộc này tăng lên khi ngày càng có nhiều phụ nữ vô sản bán sức lao động của mình. Liệu rằng khẩu hiệu về “tình yêu tự do” có khả năng cải thiện được cuộc đời đáng thương của những phụ nữ này, những người chỉ kiếm đủ để duy trì cuộc sống cho bản thân?

Mà dẫu sao, chẳng phải trong giai cấp công nhân đã có sự thực hành “tình yêu tự do” đó sao? Thậm chí rộng rãi đến mức mà giai cấp tư sản phải không dưới một lần lên tiếng báo động và vận động nhằm chống lại sự “sa đọa” và “vô đạo đức” của giai cấp vô sản. Cần lưu ý rằng, khi các nhà nữ quyền tán tụng với những phụ nữ tư sản tự do rằng họ nên lưu tâm tới các hình thức chung sống ngoài hôn nhân mới, họ gọi nó là “tình yêu tự do”, nhưng khi giai cấp công nhân bị đặt dưới sự chất vấn, những mối quan hệ này bị ám chỉ một cách khinh bỉ như là “quan hệ tình dục bừa bãi”. Điều này đã đủ tóm tắt cho thái độ của họ.

Đối với phụ nữ vô sản thời nay mọi mối quan hệ, dù có được nhà thờ thần thánh hóa hay không, hậu quả của chúng đều khắc nghiệt như nhau. Điểm mấu chốt cho vấn đề hôn nhân và gia đình đối với người vợ và người mẹ vô sản không phải ở vấn đề hình thức bên ngoài thiêng liêng hay thế tục, mà ở những điều kiện xã hội và kinh tế tương ứng, thân phận của người phụ nữ lao động được xác định bởi những bổn phận đầy phức tạp của cô ấy. Tất nhiên, điều quan trọng  là chồng của cô ấy có quyền định đoạt thu nhập của cô hay không, liệu luật pháp có cho anh ta cái quyền buộc cô phải sống với anh ta khi cô không muốn, liệu người chồng có thể cưỡng đoạt các con khỏi tay cô ấy v.v… Dù thế nào, chỉ với vài dòng trong bộ luật công dân cũng không xác định được vị trí của người phụ nữ trong gia đình, nó cũng không làm cho vấn đề gia đình trở nên bớt rối rắm và phức tạp. Vấn đề về các mối quan hệ sẽ không còn là một vấn đề nhức nhối đối với đa số phụ nữ nữa chỉ khi mà xã hội làm dịu đi những ưu phiền của người phụ nữ về tất cả những công việc chăm sóc gia đình nhỏ nhặt, điều mà hiện giờ vẫn chưa thể tránh khỏi (do sự tồn tại của tính nhỏ lẻ, rải rác của nền kinh tế trong nước), chịu trách nhiệm với những đứa trẻ được sinh ra, bảo vệ thai sản và quyền chăm sóc con của người mẹ ít nhất trong những tháng đầu sau khi sinh.

Đối với vấn đề khó khăn như gia đình sự khác biệt chính giữa cách tiếp cận của tư sản và vô sản nằm ở đâu? Chống lại khế ước hôn nhân hợp pháp và thiêng liêng của nhà thờ, các nhà nữ quyền đang chống lại một sự mê tín. Ở đầu kia, cái mà phụ nữ vô sản chống lại là các yếu tố đứng đằng sau hình thức của hôn nhân và gia đình hiện đại. Trong nỗ lực thay đổi một cách căn bản các điều kiện của cuộc sống, họ biết rằng họ cũng đang giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai giới. Đó là khác biệt chính.

Các nhà nữ quyền và các nhà cải cách xã hội đến từ giai cấp tư sản, tin tưởng một cách ngây thơ vào khả năng tạo ra các hình thức gia đình mới và các kiểu quan hệ hôn nhân mới để chống lại bối cảnh ảm đạm của xã hội giai cấp đương thời, tự trói mình vào cuộc tìm kiếm các hình thức mới này. Nếu chính cuộc sống không tạo ra những hình thức này thì tất nhiên họ phải nghĩ ra, tưởng tượng ra chúng, bằng bất cứ giá nào. Họ tin rằng để giải quyết vấn đề phức tạp của gia đình trong hệ thống xã hội hiện nay phải có những hình thức quan hệ tình dục hiện đại. Và các nhà tư tưởng của thế giới tư sản – những nhà báo, nhà văn và những phụ nữ nổi tiếng đấu tranh cho sự giải phóng – thay phiên nhau đưa ra những “phương thuốc gia đình”, “công thức gia đình” mới của họ.

Những công thức hôn nhân này nghe mới không tưởng làm sao. Những hình thức xoa dịu này mới yếu ớt làm sao, khi nó được xem xét dưới góc độ thực tế ảm đạm của cấu trúc gia đình hiện đại của chúng ta. Trước khi những công thức về “mối quan hệ tự do” và “tình yêu tự do” này có thể trở thành thực tiễn, trên hết, điều cần thiết là phải tiến hành một cuộc cải tổ căn bản tất cả các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau; hơn nữa, các chuẩn mực đạo đức và tình dục và toàn bộ tâm lý của con người sẽ phải trải qua một quá trình tiến hóa toàn diện, liệu con người đương đại về mặt tâm lý đã có thể đối mặt với “tình yêu tự do” chưa? Còn sự ghen tuông thứ đã ăn sâu vào ngay cả những tâm hồn tốt đẹp nhất thì sao? Và cả cái tiềm thức đòi hỏi sự chiếm hữu không chỉ thể xác mà còn cả tâm hồn người khác nữa thì sao? Sự thiếu tôn trọng không gian cá nhân của người khác? Thói quen lệ thuộc mình vào người yêu hoặc lệ thuộc người yêu vào mình? Và nỗi cay đắng cùng tuyệt vọng của sự chia tay, của sự cô đơn vô hạn mà người ta phải trải qua khi người yêu không còn yêu mình nữa và bỏ ra đi? Một người cô đơn, sống khép mình, có thể tìm thấy niềm an ủi nơi đâu?

Tập thể, cùng với những niềm vui, sự chán ngắt và cả khát vọng của nó, là lối thoát tốt nhất cho năng lượng tình cảm và trí tuệ của cá nhân. Nhưng con người hiện đại liệu có khả năng làm việc với cái tập thể này theo cách mà cả bản thân có thể cảm nhận được những ảnh hưởng tương tác qua lại không? Cuộc sống của tập thể hiện tại thực sự có khả năng thay thế những thú vui vặt vãnh của cá nhân? Nếu không có một tâm hồn để cùng đồng điệu thì ngay cả người xã hội chủ nghĩa, hoặc người theo chủ nghĩa tập thể, cũng khá là đơn độc trong thế giới đối kháng hiện nay; chỉ ở giai cấp công nhân chúng ta mới nhìn thấy được bóng hình mờ nhạt về tương lai, về những mối quan hệ xã hội hài hòa hơn và gắn bó hơn giữa con người với nhau. Vấn đề gia đình cũng phức tạp và nhiều mặt như chính cuộc sống. Vấn đề gia đình cũng phức tạp và nhiều mặt như chính cuộc sống, thứ mà hệ thống xã hội của chúng ta không có khả năng để giải quyết.

Các công thức hôn nhân khác được đưa ra. Một số phụ nữ cấp tiến và các nhà tư tưởng xã hội coi hôn nhân chỉ là một phương thức sản sinh ra thế hệ con cháu. Theo họ thì hôn nhân tự nó không có bất kỳ giá trị đặc biệt nào đối với người phụ nữ – làm mẹ mới là mục đích, mục đích thiêng liêng, phần việc của cô trong cuộc đời. Nhờ những người ủng hộ có sức truyền cảm hứng như Ruth Bray và Ellen Key, lý tưởng tư sản thừa nhận đàn bà là giống cái hơn là một con người đã có được một vầng hào quang tiến bộ đặc biệt. Văn học nước ngoài đã tiếp thu khẩu hiệu mà những người phụ nữ tiên tiến này đưa ra một cách nhiệt tình. Và ngay cả ở đây, ở nước Nga, trong giai đoạn trước cơn bão chính trị [năm 1905], trước khi các giá trị xã hội được xem xét lại, vấn đề về thai sản đã thu hút sự chú ý của báo chí hàng ngày. Khẩu hiệu “quyền hưởng chế độ thai sản” nhận được sự hưởng ứng sôi nổi và rộng rãi trong các tầng lớp chị em phụ nữ. Vì vậy, dẫu rằng trên thực tế tất cả các đề xuất từ những nhà nữ quyền về mối liên hệ này là không tưởng, nhưng tầm quan trọng và tính thời sự của vấn đề khiến cho nó không khỏi khiến chị em bị thu hút.

“Quyền hưởng chế độ thai sản” là một vấn đề không những liên đới đến phụ nữ tư sản mà với phụ nữ vô sản nó còn ảnh hưởng rất nhiều. Quyền được làm mẹ – đây là những lời vàng ngọc đi thẳng vào “trái tim bất kỳ người phụ nữ nào” và buộc nó phải đập thổn thức. Quyền được nuôi con “mình” bằng sữa của chính mình, được bên con khi nó lần đầu tiên đến với thế giới này, quyền được chăm bẵm cho cái cơ thể bé bỏng và bao bọc tâm hồn non nớt của nó khỏi những chông gai và đau khổ của những bước đi đầu tiên vào đời – Làm sao mà những người mẹ lại không ủng hộ những đòi hỏi này cơ chứ?

Có vẻ như chúng ta lại vấp phải một vấn đề, một vấn đề có thể coi là khoảnh khắc đồng lòng giữa những người phụ nữ thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau: cuối cùng, dường như chúng ta cũng đã tìm thấy một cây cầu gắn kết phụ nữ của hai thế giới thù địch. Hãy khoan, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn, để khám phá ra những gì mà phụ nữ tư sản tiến bộ hiểu về “quyền hưởng thai sản”. Và sau đó, chúng ta có thể thấy liệu rằng trên thực tế thì phụ nữ vô sản có thể đồng ý với những giải pháp cho vấn đề thai sản mà các nhà tranh đấu vì quyền bình đẳng thuộc giai cấp tư sản vạch ra hay không. Trong mắt của những người bênh vực nhiệt thành, làm mẹ gần như là một phẩm chất thiêng liêng. Nỗ lực để đập tan những định kiến ​​sai lầm rằng việc đóng đinh một phụ nữ với sự hấp dẫn trong một hoạt động tự nhiên – sinh con – chỉ bởi vì hoạt động này chưa được thừa nhận bởi luật pháp, những người đấu tranh cho quyền thai sản đã bẻ cong cây gậy theo hướng khác: đối với họ, thiên chức làm mẹ đã trở thành mục đích sống của người phụ nữ…

Sự sùng bái của Ellen Key đối với bổn phận làm mẹ và gia đình đã buộc cô phải đảm bảo rằng tổ chức gia đình biệt lập sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả trong một xã hội đã chuyển đổi theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Như cô ấy lưu ý, thay đổi duy nhất sẽ là việc loại trừ khỏi hôn nhân tất cả những yếu tố của sự toan tính hoặc lợi ích vật chất, để nó được quyết định theo một khuynh hướng chung, không còn nghi lễ hay thủ tục – tình yêu và hôn nhân thực sự sẽ có nghĩa như nhau. Nhưng đơn vị gia đình biệt lập là kết quả của thế giới cá nhân chủ nghĩa hiện đại, với sự truy cầu vô tận, những áp lực, sự cô đơn của nó; tóm lại, gia đình là sản phẩm của hệ thống tư bản quái dị. Và Key hy vọng trong xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ vẫn được kế thừa! Sự thật là, những mối quan hệ huyết thống và họ hàng hiện nay thường phục vụ như là chỗ dựa duy nhất trong cuộc sống, nơi duy nhất có thể nương tựa trong những lúc khó khăn, bất hạnh. Nhưng trong tương lai liệu chúng có cần thiết cả về mặt đạo đức hay xã hội? Key không có trả lời cho câu hỏi này. Cô ấy quá yêu quý “gia đình lý tưởng”, cái đơn vị ích kỷ của tầng lớp tư sản trung lưu mà chỉ có những người sùng kính cấu trúc xã hội tư sản mới sùng kính đến vậy.

Không chỉ có Ellen Key, tài năng mặc dù thất thường, mới lạc lối trước những mâu thuẫn xã hội. Có lẽ không có vấn đề nào như vấn đề hôn nhân và gia đình lại khó tìm được sự đồng thuận đến vậy giữa bản thân những người theo chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng tôi thử tổ chức một cuộc khảo sát giữa những người theo chủ nghĩa xã hội, kết quả có lẽ sẽ rất đáng tò mò. Gia đình có tàn lụi không? hay có cơ sở để tin rằng những xáo trộn trong gia đình của hiện tại chỉ là một khủng hoảng nhất thời? Hình thức hiện tại của gia đình sẽ được bảo tồn trong xã hội tương lai, hay nó sẽ bị chôn vùi cùng với hệ thống tư bản hiện đại? Đây là những câu hỏi có thể nhận được những câu trả lời rất chi khác nhau…

Với sự chuyển giao các chức năng giáo dục từ gia đình sang xã hội, sợi dây cuối cùng giữ chặt gia đình biệt lập hiện đại sẽ được nới lỏng; quá trình tan rã sẽ diễn ra với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn, và rồi những hình bóng nhạt nhòa của quan hệ hôn nhân trong tương lai sẽ bắt đầu xuất hiện. Chúng ta có thể nói gì trước về những hình bóng hãy còn mờ nhạt, như ẩn như hiện của chúng dưới những ảnh hưởng ngày nay?

Có phải nhắc lại rằng hình thức hôn nhân bắt buộc hiện nay sẽ được thay thế bằng sự kết hợp tự do của các cá nhân yêu thương nhau không? Lý tưởng về tình yêu tự do được vẽ nên bởi óc tưởng tượng của những người phụ nữ khát khao đấu tranh cho sự giải phóng chính mình chắc chắn sẽ tương ứng ở một mức độ nào đó với    quy tắc về mối quan hệ giữa hai giới mà xã hội tương lai sẽ thiết lập. Tuy nhiên, những ảnh hưởng xã hội rất phức tạp và mối tương tác của chúng rất đa dạng nên không thể nói trước được những mối quan hệ trong tương lai sẽ như thế nào khi mà toàn bộ hệ thống thay đổi về cơ bản. Nhưng sự phát triển từ từ của các mối quan hệ giữa hai giới là bằng chứng rõ ràng cho thấy hôn nhân theo nghi lễ và gia đình biệt lập cưỡng bách sẽ biến mất.

Cuộc đấu tranh cho các quyền chính trị

Các nhà nữ quyền trả lời những chỉ trích của chúng tôi bằng cách nói: Kể cả bạn có vẻ như đã hiểu sai những lý lẽ đằng sau việc bảo vệ quyền chính trị của phụ nữ thì tầm quan trọng của bản thân nhu cầu, vốn cấp thiết không kém đối với các nhà nữ quyền và đại diện của tầng lớp lao động, có do đó mà giảm bớt? Chẳng nhẽ những người phụ nữ của hai phe xã hội lại không thể vì nguyện vọng chính trị chung mà có thể vượt qua những rào cản của sự đối kháng giai cấp đang chia rẽ họ hay sao? Chắc phải có khả năng để tiến hành một cuộc đấu tranh chung chống lại các thế lực thù địch đang bao vây họ chứ? Sự phân chia giữa tư sản và vô sản là không thể tránh khỏi ở các vấn đề khác, vậy mà trong vấn đề cụ thể này, các nhà nữ quyền vẫn tưởng tượng rằng phụ nữ thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau không có sự khác biệt.

Những nhà nữ quyền tiếp tục quay lại những lập luận này với sự cay đắng và hoang mang khi chứng kiến ​​những định kiến đảng phái trong việc từ chối các đại diện của giai cấp công nhân tham gia cùng họ trong cuộc đấu tranh cho các quyền chính trị của phụ nữ. Đây không phải là sự thật sao?

Liệu có thể có sự đồng nhất hoàn toàn về khát vọng chính trị hay sự đối kháng sẽ cản trở việc tạo ra một đội quân phụ nữ, vượt trên giai cấp, không thể phân chia ở đây cũng như nơi khác? Chúng ta phải trả lời câu hỏi này trước khi có thể vạch ra các chiến thuật mà phụ nữ vô sản sẽ sử dụng để giành quyền chính trị cho giới của họ.

Các nhà nữ quyền tuyên bố họ đứng về phía cải cách xã hội, và một số trong đó thậm chí còn nói rằng họ ủng hộ chủ nghĩa xã hội – tất nhiên là trong tương lai xa – nhưng đứng vào hàng ngũ của giai cấp công nhân để đấu tranh cho những mục tiêu này thì họ không có ý định. Những người tốt nhất trong số họ tin, với một sự ngây thơ chân thành, rằng một khi họ nắm được trong tay chiếc ghế đại biểu quốc hội họ sẽ có thể chữa lành những tệ nạn xã hội, thứ mà theo quan điểm của họ đã phát triển là bởi đàn ông, với tính kỷ vốn có, làm chủ tình hình. Dù các nhóm nữ quyền có ý tốt đối với giai cấp vô sản, bất cứ khi nào vấn đề đấu tranh giai cấp được đặt ra, họ đều sợ hãi mà rút khỏi chiến trường. Họ thấy rằng chẳng nên động chạm vào những mục tiêu xa lạ, tốt hơn là lui về chủ nghĩa tự do tư sản vốn đã quá quen thuộc.

Không, những nhà nữ quyền tư sản dù có cố gắng kìm nén bao nhiêu cái mục đích thực sự là ham muốn chính trị của họ, dù có cam đoan bao nhiêu với những em gái của mình rằng việc tham gia vào đời sống chính trị hứa hẹn những lợi ích to lớn cho phụ nữ thuộc giai cấp công nhân, thì lan tỏa toàn bộ phong trào nữ quyền vẫn là tinh thần tư sản, thứ mang lại màu sắc giai cấp ngay cả đối với nhu cầu về quyền chính trị bình đẳng trước nam giới, vốn dường như là nhu cầu chung của phụ nữ. Những mục đích và cách hiểu khác nhau về cách sử dụng các quyền chính trị đã tạo ra một hố sâu ngăn cách giữa phụ nữ tư sản và phụ nữ vô sản. Điều này không mâu thuẫn với thực tế là các nhiệm vụ trước mắt của hai nhóm phụ nữ trùng nhau ở một mức độ nhất định, vì quyền tiếp cận chính trị cho các đại diện của tất cả các tầng lớp, tất cả đều cố gắng đạt được một sự xem xét lại bộ luật dân sự, thứ mà ở mọi nước vẫn còn ít hay nhiều sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Chị em kêu gọi những thay đổi về luật pháp để tạo điều kiện lao động thuận lợi hơn cho chính họ; họ cùng nhau chống lại các quy định để hợp pháp hóa mại dâm v.v … Tuy nhiên, sự trùng hợp của những nhiệm vụ trước mắt này chỉ mang tính chất hình thức thuần túy. Trước những cải cách này lợi ích giai cấp sẽ xác định thái độ hoàn toàn trái ngược nhau của hai nhóm…

Bản năng giai cấp – hay bất cứ điều gì mà các nhà nữ quyền nói – luôn cho thấy nó có sức mạnh hơn những nhiệt thành cao quý về tư tưởng chính trị “vượt trên giai cấp”. Chừng nào phụ nữ tư sản còn bình đẳng với những “em gái” của họ về sự bất bình đẳng, thì họ hoàn toàn có thể cố gắng hết sức để bảo vệ lợi ích chung của phụ nữ. Nhưng một khi rào cản được hạ xuống và phụ nữ tư sản được tiếp cận với hoạt động chính trị, những người bảo vệ “quyền cho tất cả phụ nữ” trước đây giờ lại trở thành những người bảo vệ nhiệt thành cho các đặc quyền của giai cấp họ và sẵn lòng bỏ lại các cô em gái chẳng có quyền gì cả. Vì vậy, khi các nhà nữ quyền nói chuyện với phụ nữ lao động về nhu cầu đấu tranh chung để thực hiện một số nguyên tắc “chung cho phụ nữ”, phụ nữ thuộc tầng lớp lao động đương nhiên không thể ảo tưởng.


Alexandra Kollontai, 1909

Nguồn: MIA

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận