Tai tiếng tới phút chót, Trump lại liệt Cuba vào nhóm “các nước bảo trợ cho khủng bố”
Trong một sự khiêu khích đầy tai tiếng khác khi vào ngày 11 tháng 1, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố quyết định liệt Cuba vào nhóm “các nước bảo trợ cho khủng bố”. Tuyên bố được ký bởi Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, được đưa ra khi chính quyền Trump chỉ còn ít hơn 10 ngày tại vị. Nó không có cơ sở trong thực tế và rõ ràng được thúc đẩy hoàn toàn bởi những mưu toan chính trị.
Cuba được chính quyền Reagan liệt vào nhóm “các nước bảo trợ cho khủng bố” vào năm 1982 và được Obama loại ra khỏi cái danh sách do đơn phương đế quốc Mỹ áp đặt này vào năm 2015, điều này như là một phần trong nỗ lực nhằm thay đổi các phương pháp mà Washington đã sử dụng để đập tan cuộc Cách mạng ở Cuba.
Trong tuyên bố, Pompeo đã giải thích lý do đằng sau quyết định này, nhưng những lý do mà ông ta cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ, thậm chí là phi logic ngay cả từ quan điểm của chủ nghĩa đế quốc. Như: “Cuba đã từ chối yêu cầu của Colombia về việc dẫn độ mười thủ lĩnh ELN [Quân đội Giải phóng Quốc gia, tiếng Tây Ban Nha: Ejército de Liberación Nacional] hiện đang ở Havana sau khi nhóm này nhận trách nhiệm về vụ đánh bom nhằm vào một học viện cảnh sát Bogota tháng 1 năm 2019, khiến 22 người thiệt mạng và 87 bị thương”.
Đúng vậy, các lãnh đạo ELN được đề cập đến hiện đang ở Cuba, nhưng là như một phần của phái đoàn đang tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Colombia, bắt đầu từ năm 2016. Vụ đánh bom vào học viện cảnh sát Bogota vào năm 2019 (mà Cuba công khai lên án) đã kết thúc cuộc đàm phán hòa bình này. Tuy nhiên, văn bản do ELN và cả chính phủ Colombia ký vào năm 2016 đã nêu rõ điều gì sẽ xảy ra nếu các cuộc đàm phán hòa bình bị phá vỡ: các thành viên của phái đoàn ELN ở Cuba sẽ được phép an toàn trở lại các căn cứ ELN ở Colombia. Tài liệu 11 điểm đã được công khai trên các phương tiện truyền thông Colombia và chính phủ Colombia chịu ràng buộc bởi nó. Nhưng, Chính phủ Colombia đã phớt lờ điều này và vẫn yêu cầu Cuba dẫn độ các nhà lãnh đạo ELN, họ thừa biết rằng Havana không thể nào làm khác ngoài việc từ chối. Na Uy, một trong những nước đóng vai trò bảo trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình, cũng ủng hộ quan điểm này của Cuba. Chính phủ Iván Duque của Colombia, bất lực và mất uy tín, có lý do riêng để muốn đặt ELN vào trung tâm của cuộc tranh luận chính trị, và rõ ràng là ở đây nó cung cấp cho Trump một lý do để biện minh cho hành động chống lại Cuba của mình.
Lập luận thứ hai được Pompeo đưa ra liên quan đến việc Cuba chứa chấp “một số người Mỹ đào tẩu khỏi công lý, những người bị truy nã hoặc bị kết án vì tội bạo lực chính trị”. Trong số những người được đề cập có nhà hoạt động của Báo đen Assata Shakur, Ishmael Muslim Ali và nhà hoạt động của Cộng hòa Tân châu Phi Charlie Hill. Có thể đi vào từng trường hợp một, ví dụ, Muslim Ali, anh ta hiện phải ngồi tù ở Cuba vì bắt cóc chiếc máy bay đã đưa anh ta đến đó, điều này cho thấy thái độ thực sự của Cuba chống lại khủng bố hàng không, nhưng đó không phải là câu hỏi trọng tâm ở đây. Tất cả những kẻ “đào tẩu khỏi công lý Hoa Kỳ” đều đến Cuba vào cuối những năm 1970 hoặc đầu những năm 1980. Họ vẫn ở Cuba vào năm 2015, khi Hoa Kỳ loại bỏ quốc đảo này như là “nước bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố”. Điều gì đã thay đổi từ 2015 đến nay? Về thái độ của chính phủ Cuba đối với những người được tị nạn này, không có gì thay đổi cả. Điều đã thay đổi chỉ là thái độ của chính phủ Hoa Kỳ, và hơn nữa là Trump sắp bị tống cổ khỏi Phòng Bầu dục.
Cuộc tấn công chính trị vào Cách mạng Cuba
Tuyên bố của Hoa Kỳ nhằm chống lại Cuba không có cơ sở pháp lý thực sự và chỉ là một cuộc tấn công mang động cơ chính trị nhằm chống lại Cách mạng Cuba, với Venezuela bị ném vào cho thêm phần thuyết phục. Trên thực tế, như một số nhà bình luận đã chỉ ra, quá trình dẫn đến quyết định này do Cục Các vấn đề Tây bán cầu của Bộ Ngoại giao điều hành chứ không phải Cục Chống khủng bố, điều này vi phạm quy trình thông thường.
Trên thực tế, nếu đâu là phần sự thật thì chính Cuba mới là đối tượng chịu sự khủng bố của Hoa Kỳ trong suốt 60 năm qua. Kể từ cuộc xâm lược Playa Girón (Vịnh Con heo) vào năm 1961, chính phủ Mỹ đã thực hiện vô số âm mưu lật đổ nhằm vào cuộc cách mạng Cuba, bao gồm cả việc CIA thực hiện hơn 600 âm mưu khác nhau nhằm giết Fidel Castro qua tay những kẻ phản động ở Miami, v.v…
Nếu bạn muốn biết quốc gia nào tài trợ cho khủng bố và chứa chấp những kẻ khủng bố trong cuộc xung đột Cuba – Hoa Kỳ, chỉ cần nhìn vào lịch sử của Posada Carrilles, người hiện đã qua đời, kẻ phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố năm 1976 nhằm vào một máy bay của Cubana de Aviación, giết chết 73 người. Posada Carriles chưa bao giờ bị đưa ra công lý ở Mỹ vì vô số tội ác khủng bố của mình – trên thực tế, anh ta còn thuộc biên chế của CIA. Washington liên tục từ chối các nỗ lực của chính phủ Venezuela và Cuba nhằm dẫn độ ông ta. Trường hợp của Miami Five, những người Cuba bị bỏ tù ở Mỹ vì vạch trần các mạng lưới khủng bố chống Cuba, là một ví dụ điển hình khác về thái độ của Washington đối với chủ nghĩa khủng bố.
Ngoài vấn đề quan hệ Cuba – Hoa Kỳ, Washington có một bề dày thành tích tham gia trực tiếp vào các hoạt động khủng bố ở các quốc gia khác và tài trợ cho các nhóm và tổ chức khủng bố, từ Mujahideen trong Chiến tranh Afghanistan (tiền thân của Taliban và Al Qaeda) đến Contra ở Nicaragua. Chưa kể chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã thường xuyên sử dụng các phương pháp khủng bố để loại bỏ các nguyên thủ nước ngoài không tuân theo lợi ích của tư bản Hoa Kỳ, từ việc lật đổ Arbenz của Guatemala và Salvador Allende của Chile đến vụ ám sát Patrice Lumumba của Congo. Danh sách là vô tận.
Vậy thì đâu là lý do thực sự dẫn đến quyết định phút chót này của Trump và Pompeo? Cuba (và cả Venezuela) đã trở thành vấn đề chính trị rất quan trọng trong chính trường Hoa Kỳ và đặc biệt là ở bang quan trọng là Florida, nơi Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Cộng đồng Cuba lưu vong phản động đóng một vai trò quan trọng trong cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong bang và do đó, việc tuân theo phương pháp sư phạm chống Cộng điên cuồng thời Chiến tranh Lạnh là một phần quan trọng trong nỗ lực củng cố cơ sở ủng hộ của Trump.
Ngoài ra, trong những tuần qua, Pompeo đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm thiết lập một di sản phản động rõ ràng cho chính quyền Trump trong các vấn đề đối ngoại, từ quan hệ với Trung Quốc, đến cuộc chiến ở Yemen. Cuba chỉ là một phần của nó. Động thái này được đưa ra nhằm khiến cho bất kỳ nỗ lực nào của tổng thống mới đắc cử nhằm quay lại học thuyết của Obama đối với hòn đảo sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Nếu Biden muốn loại Cuba ra khỏi danh sách “các nước bảo trợ cho khủng bố” thì sẽ phải mất nhiều tháng để xem xét giữa các cơ quan.
Đoàn kết với Cuba!
Hãy rõ ràng rằng, Obama không phải là bạn của Cách mạng Cuba. Hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, Obama đại diện cho một bộ phận của giai cấp thống trị Hoa Kỳ nhận ra rằng 60 năm nỗ lực tàn bạo nhằm lật đổ cuộc cách mạng đã thất bại, và có lẽ cần phải có những chiến thuật khác. Họ tính toán rằng việc mở cửa các quan hệ kinh tế sẽ đạt được cùng mục đích (đặt dấu chấm hết cho cuộc cách mạng Cuba) bằng những cách khác: thông qua sự thâm nhập của các quan hệ tư bản.
Quyết định đã được đưa ra vào cuối nhiệm kỳ 4 năm, thời gian mà chính quyền Trump đã không chỉ đảo ngược các biện pháp được thực hiện dưới thời Obama mà còn đẩy sự phong tỏa và cấm vận đối với hòn đảo Caribe này lên mức chưa từng thấy. Một đồng chí Cuba mà tôi đã thảo luận đã nhận xét:
“Các cuộc tấn công của chính quyền Trump không chỉ giới hạn ở việc đảo ngược các biện pháp của Obama và kích hoạt Chương III của đạo luật Helms-Burton. Có lẽ đây là chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp nhất để thắt chặt phong tỏa và đã cố gắng một cách tàn bạo nhất để bóp nghẹt các nguồn thu nhập của nền kinh tế Cuba. Cuộc đàn áp tất cả các giao dịch và hoạt động tài chính quốc tế của Cuba diễn ra rất tàn bạo. Hầu như hàng tháng, và trong thời gian gần đây, hầu như hàng tuần, đều có các biện pháp trừng phạt và thủ đoạn mới nhằm thắt chặt việc phong tỏa đối với Cuba ”.
Các biện pháp trừng phạt do Mỹ đưa ra đã dẫn đến việc Western Union ngừng hoạt động trên hòn đảo, khiến cho mọi giao dịch chuyển tiền quan trọng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Một số nhà bình luận cho rằng, trong bối cảnh này, việc Cuba bị liệt vào nhóm “các nước bảo trợ cho khủng bố” sẽ có rất ít tác động thực tế. Điều đó không đúng. Sắc lệnh của Pompeo tuyên bố rằng “việc chỉ đích danh Cuba ngày hôm nay sẽ kéo theo các sắc lệnh nhằm trừng phạt những cá nhân và quốc gia tham gia vào một số hoạt động thương mại nhất định với Cuba, hạn chế viện trợ nước ngoài của Mỹ, cấm xuất khẩu và bán hàng quốc phòng, đồng thời áp đặt một số biện pháp kiểm soát đối với xuất khẩu các mặt hàng có mục đích sử dụng kép”. Điều đó sẽ đủ tệ. Quyết định này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các doanh nghiệp và công ty trên khắp thế giới (không chỉ ở Mỹ), rằng các giao dịch tài chính và quan hệ kinh tế với Cuba sẽ phải chịu thêm một lớp giám sát nữa. Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Thương mại Hoa Kỳ-Cuba, John Kavulich, điều này sẽ tăng cường “khuyến khích cho việc tìm kiếm cơ hội khác thay vì xuất, nhập khẩu hay cung cấp dịch vụ cho Cuba”.
Nếu chúng ta lấy định nghĩa trong từ điển về chủ nghĩa khủng bố là: “việc sử dụng bất hợp pháp bạo lực và sự đe dọa, đặc biệt là đối với dân thường, nhằm theo đuổi các mục đích chính trị”, thì rõ ràng, các hành động của chủ nghĩa đế quốc Mỹ nhằm chống lại Cách mạng Cuba chính là một hành động khủng bố.
Cuộc tấn công mới nhất này diễn ra vào thời điểm Cuba đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ, với mức giảm GDP vào năm 2020 là 11%, theo Bộ trưởng Tài chính Alejandro Gil. Cuộc khủng hoảng này là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả đại dịch Covid-19 và tác động của nó đối với du lịch, nhưng đã trở nên trầm trọng hơn nhiều bởi các biện pháp của Washington. Do đó, giới lãnh đạo Cuba đã chuyển sang áp dụng các biện pháp đã được thảo luận trong nhiều năm, điều có thể làm suy yếu kế hoạch của nhà nước và nhượng bộ thị trường tư bản, như chúng tôi đã giải thích ở phần khác.
Và cuối cùng lý do đế quốc Mỹ tiếp tục cuộc tấn công là thực tế, 62 năm trước, nhân dân Cuba, bao gồm những công nhân, nông dân và người nghèo, đã quyết định đứng lên giải phóng mình khỏi ách thống trị của nó. Và nữa, Cuba là nơi đầu tiên ở Tây bán cầu đã diễn ra cuộc cách mạng nhằm đập tan chủ nghĩa tư bản, cách nó 90 dặm là nơi mà tập trung hầu hết sức mạnh đế quốc hàng đầu trên thế giới, và cho đến ngày nay nó vẫn tiếp tục là một nguồn cảm hứng cho những người lao động và người bị áp bức trên khắp châu Mỹ Latinh cũng như trên thế giới.
Với tư cách là những người theo chủ nghĩa Marx cách mạng, chúng tôi bảo vệ và ủng hộ Cách mạng Cuba chống lại chủ nghĩa đế quốc và chống lại mối đe dọa phục hồi tư bản chủ nghĩa một cách vô điều kiện. Nhiệm vụ của tất cả các nhà xã hội chủ nghĩa, và nay, tất cả các nhà dân chủ xã hội là phải khước từ cuộc công kích mới nhất này và hô vang: Đoàn kết với Cuba!