CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC, PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC VÀ BOM NGUYÊN TỬ

Trong khi Hollywood ăn mừng sự thành công của bộ phim Oppenheimer thì ở New Mexico, cộng đồng người gốc Tây Ban Nha và bản địa ở địa phương cũng biểu tình để lên án những tác động tàn khốc của vụ thử nghiệm nguyên tử Trinity đối với họ. Các cuộc biểu tình là một phần của cuộc đấu tranh lâu dài đòi hỏi chính phủ phải công nhận và bồi thường vì sự phân biệt chủng tộc trong quá trình phát triển và thử nghiệm bom nguyên tử.


Vụ thử nguyên tử Trinity, diễn ra vào ngày 16 tháng 7 năm 1945 tại Los Alamos, là một phần của Dự án Manhattan tuyệt mật, được thành lập vào năm 1942 để phát triển và sản xuất bom nguyên tử. Sau khi các nhà khoa học Đức Otto Hahn và Fritz Strassmann phát hiện ra hiện tượng phân hạch hạt nhân do neutron gây ra trong uranium vào năm 1938, chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt đã thành lập Ủy ban Uranium, do các chuyên gia quân sự và khoa học đứng đầu, nhằm thúc đẩy khả năng nghiên cứu nguyên tử và hạt nhân của Hoa Kỳ.

Năm 1941, hoạt động nghiên cứu nguyên tử của Hoa Kỳ được tổ chức lại, đánh dấu sự chuyển đổi chính thức của chính phủ từ nghiên cứu sang phát triển. Chưa đầy một năm sau, Dự án Manhattan chính thức được thành lập với số vốn ban đầu được phân bổ là 500 triệu USD. Ba địa điểm trên khắp nước Mỹ đã được chọn để thử nghiệm bom do dự án phát triển: Hanford ở Washington, Los Alamos ở New Mexico và Oak Ridge ở Tennessee. Các địa điểm được bổ sung sau đó là Nevada và Colorado vào những năm 1950 và 1960.

Việc lựa chọn các địa điểm ban đầu, đặc biệt là Hanford và Los Alamos, đã có tác động ngay lập tức đến các cộng đồng người Mỹ bản địa ở địa phương. Trong khi cư dân da trắng ở Hanford và White Bluffs gần đó được bồi thường và có tối thiểu 90 ngày để di dời, đã không có khoản bồi thường nào được đưa ra cho những người Umatilla, Yakama và Nez Perce, những người từ chối từ bỏ vùng đất tổ truyền của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003 cho dự án lịch sử truyền miệng của Bảo tàng Di sản Nguyên tử ghi lại Dự án Manhattan, Russell Jim – một thành viên của sắc dân Yakama – lưu ý rằng, mặc dù khu vực Hanford đã được người dân của ông sử dụng trong nhiều thế kỷ nhưng nó vẫn được chính phủ chọn vì nó được xem là “một vùng đất hoang dã biệt lập với người dân có thể được hy sinh”. Jim lưu ý rằng khi hơn 19.000 tài liệu về Dự án Manhattan được công bố vào năm 1986, người ta đã tiết lộ rằng các cuộc thử nghiệm bao gồm việc cố tình thải các đồng vị phóng xạ vào môi trường. Một trong những sự phát thải này là một “cuộc chạy xanh”, mà Jim giải thích là “một sự phát thải có chủ ý để thử nghiệm trên con người và môi trường”. Nó có tác động tàn khốc đến sức khỏe của người dân Yakama.

Gabriel Bohnee, một thành viên của sắc dân Nez Perce, trong một cuộc phỏng vấn khác cho Bảo tàng Di sản Nguyên tử, đã giải thích tác động của chủ nghĩa đế quốc Mỹ đối với người dân và vùng đất của họ, rằng: “Môi trường đã bị hy sinh nhân danh sức mạnh toàn cầu”.

Ở New Mexico, cũng như ở Hanford, mặc dù có tới 19.000 người sống trong bán kính 80km tính từ vụ nổ nhưng người dân địa phương đã không được cảnh báo về mối nguy hiểm, cả trước hay sau, các vụ thử nghiệm. Viết cho tờ New York Times vào năm 2020, người viết tiểu luận và tác giả của Acid West Joshua Wheeler đã nhấn mạnh sự phân biệt chủng tộc của nhà nước Hoa Kỳ: “Không có gì ngạc nhiên khi những người sống sót và chịu ảnh hưởng từ các cuộc thử nghiệm của Trinity phần lớn là các gia đình làm nông nghèo khó, chủ yếu là người gốc Tây Ban Nha và người bản địa”. 

Vào thời điểm thử nghiệm, New Mexico là nơi sinh sống 19 cộng đồng người Mỹ bản địa, các sắc dân Apache và Navajo. 

Địa điểm cho thử nghiệm Trinity đã được chọn vì nó không chỉ bằng phẳng với các kiểu gió có thể dự đoán được mà còn vì được coi là chốn “hẻo lánh”, bất chấp một lượng lớn người dân bản địa và gốc Tây Ban Nha đang sinh sống ở đây. Ban đầu người ta ước tính rằng bụi phóng xạ hạt nhân bao phủ một khu vực dài 400km và rộng 320km. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Đại học Princeton đã phát hiện ra rằng bụi phóng xạ từ các vụ thử nguyên tử ở New Mexico và Nevada đã lan ra khắp 46 bang của Mỹ, cũng như Mexico và Canada, chỉ trong vòng 10 ngày.

Lily Adams từ Liên minh các nhà khoa học quan tâm, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ những nạn nhân chịu ảnh hưởng của thử nghiệm nguyên tử ở New Mexico, nói với hãng tin AP rằng chính phủ Hoa Kỳ đã “đầu độc chính người dân của mình, nhiều người trong số họ vẫn đang chờ đợi được thừa nhận và công lý”.

Bất chấp tác động tàn khốc của cuộc thử nghiệm Trinity đối với cộng đồng bản địa ở New Mexico, họ chưa bao giờ được xét đủ điều kiện để được bồi thường theo Đạo luật bồi thường bức xạ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo Nghiên cứu của Princeton, sự tích tụ chất phóng xạ ở 28 trong số 33 quận nằm trong New Mexico và trên các vùng đất của bộ lạc người Mỹ bản địa được liên bang công nhận vượt xa giới hạn yêu cầu đặt ra cho chương trình bồi thường của liên bang. Bụi phóng xạ từ vụ thử nguyên tử đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, cũng như sự gia tăng bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe của các cộng đồng này trong nhiều thập kỷ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Waging Non-Violence về việc phát hành Oppenheimer, Tina Cordova, một người sống sót sau căn bệnh ung thư ở New Mexico, nói rằng bộ phim vốn có thể làm được rất nhiều để nâng cao nhận thức về cuộc đấu tranh của họ. Tuy nhiên, các nhà làm phim đã phớt lờ yêu cầu thừa nhận tác động của quả bom.

Sự coi thường và phân biệt chủng tộc đối với người bản địa của các đế quốc đã tham gia vào cuộc chạy đua phát triển loại vũ khí hủy diệt nhất mà loài người biết đến không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Tại Úc, chính phủ Anh – với sự chấp thuận của chính phủ Menzies Tự do – đã tiến hành 12 vụ thử hạt nhân trong những năm 1950 và 1960. Trong số này, bảy địa điểm ở Maralinga ở Nam Úc trên vùng đất truyền thống của các sắc dân Pitjantjatjara, Yankunytjatjara, Tjarutja và Kokatha. Trong số những quả bom nguyên tử được kích nổ ở Maralinga có một quả có kích thước gấp đôi quả bom ném xuống Hiroshima.

Cả chính phủ Anh và Úc đều không xin phép người dân bản địa, những người mà đất đai và cộng đồng của họ đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc thử nghiệm nguyên tử. Thay vào đó, chính phủ Úc đã cố gắng cưỡng bức loại bỏ và/hoặc ngăn chặn các cộng đồng thổ dân tiếp cận đất đai của họ. Mặc dù một số biển cảnh báo được dựng lên nhưng chúng lại được viết bằng tiếng Anh. Việc không cảnh báo chính xác cho bất kỳ cộng đồng thổ dân nào về các cuộc thử nghiệm hoặc hậu quả của chúng không chỉ khiến thổ dân bị mù mà còn khiến bốn dân tộc bị nhiễm độc phóng xạ, dẫn đến các vấn đề sức khỏe liên quan đến bức xạ trọn đời. 

Mặc dù đã chi hàng triệu đô la để “làm sạch” khu vực này trong những năm 1980 và 1990, một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Monash cho thấy mặt đất vẫn bị ô nhiễm — và tệ hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Phát biểu với ABC News năm ngoái, trưởng nhóm nghiên cứu Megan Cook lưu ý rằng tiếp tục có “sự giải phóng plutonium liên tục và kéo dài vào hệ sinh thái”. 

Phân biệt chủng tộc với chủ nghĩa đế quốc không chỉ là một phần trong quá trình phát triển bom nguyên tử ở Mỹ và Úc. Nó cũng được sử dụng để biện minh cho vụ giết người hàng loạt mà đế quốc Mỹ đã gây ra khi thả hai quả bom xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản chỉ ba tuần sau vụ thử Trinity thành công.

Sau vụ Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng năm 1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ từ bỏ lập trường biệt lập để tham gia Thế chiến thứ hai, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống Nhật Bản đã trở thành trọng tâm của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các nỗ lực chiến tranh. Phân biệt chủng tộc chống Nhật Bản đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Chính sách của chính phủ Hoa Kỳ cũng có tác dụng thúc đẩy hơn nữa sự phân biệt chủng tộc chống người Nhật bằng cách giam giữ hơn 12 vạn người Mỹ gốc Nhật và người di cư trong các trại tập trung.

Các cuộc thăm dò dư luận vào tháng 12 năm 1944 cho thấy 13% công chúng và 50% quân nhân Mỹ đã ủng hộ việc tiêu diệt toàn bộ người dân Nhật Bản. Các cuộc thăm dò được tiến hành ngay sau vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki, dẫn đến cái chết của hơn 21 vạn thường dân Nhật Bản, cho thấy 85% công chúng tán thành việc giết hại hàng loạt thường dân Nhật Bản. Các cuộc thăm dò được tiến hành hai tháng sau vụ đánh bom vẫn cho thấy hơn 1/5 dân số Hoa Kỳ nghĩ rằng lẽ ra phải thả nhiều quả bom hơn.


Kim Bullimore, Cờ đỏ, 21 tháng 8 năm 2023

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận