ABC về chủ nghĩa cộng sản (Chương XI)
CHƯƠNG XI
CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VÀ TÔN GIÁO
§ 89. Tại sao tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản không thể tương hợp
“Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, Mác đã nói như vậy. Phơi bày sự thật này và quần chúng lao động cần được thấu hiểu nó một cách rộng rãi nhất có thể là một trong những nhiệm vụ của Đảng Cộng sản. Nhiệm vụ của Đảng là kiên định giác ngộ những người lao động, kể cả những người chậm tiến nhất, rằng tôn giáo từ trước đến nay vẫn là một trong những phương tiện mạnh mẽ nhất để những kẻ thống trị duy trì sự bất công, bóc lột và phục tùng mù quáng lên quần chúng cần lao.
Nhiều người cộng sản lý luận một cách yếu ớt như sau: “Tôn giáo không ngăn cản tôi trở thành người cộng sản. Tôi tin cả vào Chúa và chủ nghĩa cộng sản. Đức tin của tôi vào Chúa không cản trở tôi đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng vô sản.”
Lý luận này hoàn toàn sai lầm. Tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản không thể hòa hợp cả về mặt lý thuyết và thực tế.
Mọi người cộng sản phải coi các hiện tượng xã hội (mối quan hệ giữa con người với nhau, các cuộc cách mạng, chiến tranh, v.v.) là những quá trình xảy ra theo những quy luật xác định. Các quy luật phát triển của xã hội đã được chủ nghĩa cộng sản khoa học [scientific communism] thiết lập đầy đủ trên cơ sở lý luận duy vật lịch sử mà đã được chỉ dạy bởi người thầy của chúng ta là Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen. Lý thuyết này giải thích rằng sự phát triển xã hội không phải do bất kỳ loại lực lượng siêu nhiên nào mang lại. Còn nữa. Cũng chính lý thuyết này đã chứng minh rằng chính ý tưởng về Chúa và sức mạnh siêu nhiên được nảy sinh ở một giai đoạn xác định trong lịch sử loài người, và ở một giai đoạn xác định khác mà nó bắt đầu biến mất như một quan niệm ấu trĩ không được xác nhận trong đời sống thực tiễn và trong cuộc tranh đấu giữa con người với thiên nhiên. Và những kẻ bóc lột sẽ rất có lợi khi duy trì sự thiếu hiểu biết của người dân và niềm tin ấu trĩ vào phép màu, và đây là lý do tại sao các định kiến tôn giáo lại rất vững chắc, và tại sao nó làm rối trí ngay cả những người nhìn nhận ở khía cạnh khác.
Hơn nữa, những điều xảy ra trong thiên nhiên không phụ thuộc vào các nguyên nhân siêu nhiên. Con người đã vô cùng thành công trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên. Thậm chí là kiểm soát các được các lực lượng tự nhiên và ảnh hưởng đến thiên nhiên vì lợi ích của mình. Rõ ràng con người không nhờ đức tin vào Chúa và sự trợ giúp của thần linh để chinh phục được những điều này. Họ đạt được những điều này là nhờ vào cuộc sống thực tế và trong mọi vấn đề nghiêm trọng thì vẫn luôn coi mình là một người vô thần. Những nhận định về hiện tượng tự nhiên của chủ nghĩa cộng sản khoa học được dẫn dắt bởi các dữ liệu của khoa học tự nhiên, vốn mâu thuẫn và không thể hòa giải với tất cả sự tưởng tượng của tôn giáo.
Trên thực tế, ít nhất về mặt lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản mâu thuẫn với đức tin tôn giáo. Các thành viên của đảng ứng xử theo những đường lối chủ trương mà Đảng Cộng sản quy định. Tôn giáo cũng vậy, các tín đồ cũng phải hành động theo một lối ứng xử nhất định. Chẳng hạn, giáo điều Cơ đốc giáo có câu “bất cứ ai muốn tát má phải của bạn, thì hãy quay sang vả người kia theo cách tương tự”. Nếu như đường lối của đảng yêu cầu bạn không làm vậy thì sao? Trong hầu hết mọi trường hợp có những điều mâu thuẫn không thể hòa hợp giữa nguyên tắc chính sách của đảng và các điều răn của tôn giáo. Do đó, một người từ chối làm theo giáo điều của tôn giáo và tuân theo các chỉ đạo của đảng thì họ không phải là một tín đồ trung thành. Mặt khác, một người cộng sản vẫn bám vào đức tin tôn giáo của mình, nhân danh các điều răn của tôn giáo nhưng vi phạm các chủ trương của đảng thì họ cũng không còn là một người cộng sản.
Cuộc chiến với tôn giáo có hai điều cần phải làm và người cộng sản nào cũng phải phân biệt rạch ròi giữa chúng. Một là chúng ta có cuộc đấu tranh với nhà thờ như là một tổ chức đặc biệt và sự tồn tại của nó là để tuyên truyền tôn giáo nhằm duy trì sự nô dịch của mình. Hai là chúng ta phải đấu tranh với những định kiến thâm căn cố đế đã in sâu trong đầu phần lớn người dân lao động.
§ 90. Sự chia tách giữa nhà thờ và nhà nước
Giáo lý Kitô giáo dạy rằng nhà thờ là một hội của các tín hữu được hợp nhất bởi một tín điều chung, bởi các bí tích, v.v. Đối với người cộng sản, nhà thờ là một đám người hợp lại với nhau vì những nguồn lợi ích nhất định với cái giá phải trả là lòng trung thành, mất đi hiểu biết và đánh mất văn hóa đích thực của chính họ. Đó là một hội thống nhất với hội của những kẻ bóc lột khác như chủ đất và tư bản, đám người này đoàn kết với “Nhà nước” của mình và hỗ trợ “chính quyền” thẳng tay đàn áp người lao động và nhận lại được sự trợ giúp của “chính quyền” để chèn ép trong việc kinh doanh, việc hợp tác giữa nhà thờ và nhà nước đã có từ rất lâu. Mối quan hệ giữa nhà thờ và Nhà nước phong kiến (của các chủ đất) vô cùng mật thiết. Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta nhớ rằng Nhà nước do giới quý tộc cầm quyền được duy trì bởi những quyền lợi về đất đai. Bản thân nhà thờ chính là chủ đất, sở hữu lượng đất đai quy mô lớn, lên tới hàng triệu mẫu. Hai thế lực này chắc chắn buộc phải hợp sức chống lại quần chúng lao động, và liên minh mà bọn họ tạo ra nhằm củng cố quyền thống trị của họ đối với người lao động.
Trong thời kỳ giai cấp tư sản thành thị xung đột với quý tộc phong kiến, giai cấp tư sản đã tấn công quyết liệt vào nhà thờ, vì nhà thờ sở hữu những mảnh đất mà giai cấp tư sản muốn có cho riêng mình. Nhà thờ, với tư cách là chủ đất, đã nhận được các khoản thu lớn từ những người làm công, một khoản thu mà giai cấp tư sản thèm khát đến nhỏ dãi. Ở một số nước (ví dụ như Pháp), cuộc tranh đấu giữa nhà thờ và giới tư sản rất kịch tính; còn những nơi khác khác (như ở Anh, Đức và Nga) thì nó ít khốc liệt hơn. Những mâu thuẫn này đã giải thích vì sao Nhà thờ bị tách ra khỏi quyền lực Nhà nước bởi giai cấp tư sản tự do và tư sản dân chủ. Mà lý do đằng sau là những doanh thu Nhà nước có được sẽ chuyển cho giai cấp tư sản chứ không phải là đưa cho các nhà thờ. Nhưng việc tách nhà thờ ra khỏi Nhà nước lại không được giới tư sản làm đến nơi đến chốn. Nguyên nhân là cuộc đấu tranh của giai cấp lao động diễn ra khắp mọi nơi chống lại tư bản ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt, và dường như giai cấp tư sản thấy được việc phá vỡ liên minh giữa Nhà nước với các nhà thờ chưa chắc đã là ý hay. Mặt khác, giai cấp tư sản nghĩ rằng, đi đến nhà thờ và bỏ ra một ít tiền để “mua” những lời cầu nguyện (quyền năng của Chúa), để nhà thờ ban phát cho quần chúng thiếu hiểu biết, mê muội để hòng duy trì bằng được trong tâm thức họ là sự cam tâm nguyện ý phục tùng Nhà nước bóc lột, để chống lại chủ nghĩa xã hội, vẫn có “lãi” hơn.
Nhưng một lý do quan trọng khiến cho việc tách rời nhà thờ ra khỏi Nhà nước của giai cấp tư sản giữa đường đứt gánh là do Nhà nước vô sản đã chấm dứt Nhà nước tư bản. Một trong những sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô Viết ở Nga là sắc lệnh liên quan đến việc tách nhà thờ ra khỏi Nhà nước. Tất cả các điền trang của nhà thờ được giao cho nông dân. Tất cả vốn liếng của nhà thờ đều trở thành tài sản của công nhân. Các khoản tài trợ đã được giao cho nhà thờ dưới chế độ của Nga hoàng đã bị tịch thu, mặc dù những khoản tài trợ này đã được tiếp tục một cách vui vẻ dưới sự quản lý của “nhà xã hội chủ nghĩa Kerensky”. Tôn giáo đã trở thành chuyện riêng của mỗi người dân. Chính quyền Xô Viết từ chối mọi ý định sử dụng nhà thờ theo bất cứ cách thức nào để làm phương tiện củng cố Nhà nước vô sản.
§ 91. Sự chia tách của trường học ra khỏi nhà thờ
Sự kết hợp của tuyên truyền tôn giáo với sự mớm lời của học giả là vũ khí lợi hại thứ hai được giới tăng lữ sử dụng để củng cố giáo hội và tăng ảnh hưởng của nhà thờ đối với quần chúng nhân dân. Tương lai của loài người, tuổi trẻ của nó, được giao phó cho các linh mục. Dưới thời sa hoàng, việc duy trì sự cuồng tín tôn giáo, duy trì sự ngu muội và dốt nát, được coi là một vấn đề quan trọng đối với Nhà nước phong kiến. Tôn giáo là chủ đề giảng dạy hàng đầu trong các trường học. Hơn nữa, trong các trường học, chế độ chuyên chế ủng hộ nhà thờ, và nhà thờ ủng hộ chế độ chuyên chế. Ngoài việc giảng dạy bắt buộc tôn giáo trong trường học và bắt buộc tham gia các buổi lễ nghi tôn giáo, nhà thờ còn có những vũ khí khác. Nó bắt đầu đảm trách về việc giáo dục phổ thông, và vì mục đích này, nước Nga được bao phủ bởi một mạng lưới các trường giáo hội.
Tạ ơn liên minh giữa trường học và nhà thờ! Nhờ họ, thế hệ trẻ từ những năm đầu tiên của mình bị đắm chìm trong tín điều tôn giáo, điều này khiến việc truyền tải bất cứ cái nhìn toàn vẹn nào của vũ trụ đến bọn trẻ là bất khả thi trong thực tiễn. Đối với câu hỏi tương tự (ví dụ liên quan đến nguồn gốc của thế giới), tôn giáo và khoa học đưa ra những câu trả lời trái ngược nhau, để tâm trí của học sinh biến thành trận địa giữa kiến thức chính xác và sai lầm thô thiển của những người theo chủ nghĩa ngu dân.
Ở nhiều nước, những đứa trẻ được đào tạo như vậy không chỉ có tinh thần phục tùng chế độ thống trị hiện tại mà còn có tinh thần phục tùng đối với trật tự phong kiến và giáo hội đã bị lật đổ. Điều này xảy ra ở Pháp. Ngay cả Nhà nước tư sản cũng coi cách tuyên truyền và tư tưởng như vậy là phản động.
Chương trình của của giai cấp tư sản tự do từng có ý muốn tách trường học khỏi nhà thờ. Những người theo phe tư sản tự do đã đấu tranh nhằm thay thế việc giảng dạy tôn giáo trong trường học thành giáo dục về đạo đức tư sản [bourgeois morality]; và họ yêu cầu đóng cửa các trường học do các hiệp hội tôn giáo và các tu viện tổ chức. Tuy nhiên, không có nơi nào mà cuộc đấu đá này tới hồi kết thúc. Ví dụ, ở Pháp, trong suốt hai thập kỷ, tất cả các tầng lớp tư sản đã “long trọng” thề rằng sẽ giải tán các dòng tu, tịch thu tài sản và cấm các hoạt động giáo dục của chúng song bọn họ lần khước đến mức, đi hết từ thỏa hiệp này đến thỏa hiệp khác với đám giáo sĩ Công giáo. Một ví dụ tuyệt vời về sự thỏa hiệp giữa Nhà nước và nhà thờ là hành động gần đây của Clemenceau. Tay bộ trưởng này vào thời của ông ta đã bị nhà thờ phản đối dữ dội. Tuy nhiên, cuối cùng, không biết ông ta đã quên hay là cố tình lờ đi về thái độ chống đối đó, và đích thân phát lệnh, phân hạng biệt đãi cho các giáo sĩ Công giáo như một phần thưởng vì lòng yêu nước của họ. Trong cuộc đấu tranh giành quyền khai thác các vùng đất khác (chiến tranh với Đức) và trong cuộc đấu tranh trong nước với giai cấp công nhân, Nhà nước tư sản và nhà thờ đã liên minh và ủng hộ lẫn nhau.
Sự hòa hợp này của giai cấp tư sản với nhà thờ được thể hiện, không chỉ đơn thuần là việc giai cấp tư sản từ bỏ những khẩu hiệu chống tôn giáo cũ và chiến dịch chống lại tôn giáo của mình, mà còn ở một điều gì đó quan trọng hơn. Tiền thân của giai cấp tư sản châu Âu đương thời là những người vô thần, là những người suy nghĩ tự do, đối kháng gay gắt với đám linh mục và các thầy tư tế. Nhưng những người kế thừa họ đã lùi một bước. Mặc dù trong số bọn họ là những người vẫn có khuynh hướng vô thần, mặc dù họ không tin vào những câu chuyện cổ tích tôn giáo, và mặc dù họ cười nhạo tôn giáo một cách kín đáo, nhưng họ vẫn cho rằng cần cư xử đúng mực với những câu chuyện ngụ ngôn này ở nơi công cộng, vì tôn giáo là một sự kiềm chế hữu ích những người mà bọn họ cho làm tầm thường. Ngày nay, giai cấp tư sản không đồng tình với việc coi tôn giáo là thứ cung cấp những gông cùm hữu hiệu với người dân song lại đeo nó cho chính mình. Dưới con mắt của chúng ta, sau cuộc cách mạng tháng 11, thành viên của giai cấp tư sản tự do và tầng lớp chuyên nghiệp đã tập trung vào các nhà thờ và nhiệt thành cầu nguyện những điều mà bọn họ đã coi thường trước đó. Mà thực ra là biểu hiện cho chúng ta thấy rằng bọn họ là những kẻ đang trong cơn hấp hối mà nguồn lực cuối cùng chỉ có thể tìm kiếm “sự an ủi” trong tôn giáo.
Trong số các giai cấp tư sản ở Trung và Tây Âu, những người vẫn nắm trong tay quyền lực, có thể quan sát thấy một phong trào ủng hộ tôn giáo tương tự. Nhưng nếu giai cấp tư sản bắt đầu tin vào Chúa và sự sống trên trời, điều này chỉ có nghĩa là họ đã nhận ra rằng cuộc sống của họ ở đây, bên dưới trái đất này sắp kết thúc!
Việc tách trường học khỏi nhà thờ đã làm dấy lên và tiếp tục khơi dậy sự phản đối của giới công nhân và nông dân vẫn còn đang lạc hậu tin vào tôn giáo. Nhiều người trong chế độ phong kiến cũ vẫn kiên quyết đề nghị rằng tôn giáo vẫn nên được giảng dạy trong trường học như một môn học không bắt buộc. Đảng Cộng sản kiên quyết chống lại tất cả những đề xuất thụt lùi này. Dù chỉ là một môn học tùy chọn nhưng sẽ bao hàm sự hỗ trợ của Nhà nước và chẳng khác nào làm ngơ cho một con đường duy trì các định kiến tôn giáo. Trong trường hợp đó, nhà thờ sẽ được cung cấp một lượng khán thính giả là trẻ em, những đứa trẻ đến trường vì những mục đích hoàn toàn trái ngược với mục đích chiếm ngưỡng [contemplated] tôn giáo. Nhà thờ sẽ có quyền sử dụng các phòng học thuộc về Nhà nước, và do đó sẽ được phép phổ biến chất độc của mình tiêm vào đầu giới trẻ của chúng ta một cách tự do nhất có thể trước khi nhà thờ bị tách khỏi trường học.
Theo sắc lệnh này trường học tách khỏi nhà thờ phải được thi hành một cách cứng rắn, và Nhà nước vô sản quyết không được nhượng bộ một chút nào đối với chủ nghĩa trung cổ. Những gì đã làm để vứt bỏ ách thống trị của tôn giáo là quá ít, vì nó vẫn nằm trong khả năng của những bậc cha mẹ thiếu hiểu biết khi vô tình làm tê liệt tâm trí con mình bằng cách dạy chúng những câu chuyện cổ tích về tôn giáo. Dưới Nhà nước Liên Xô đương nhiên là có sự tự do lương tâm dành cho người lớn. Nhưng sự tự do lương tâm này của các bậc cha mẹ tương đương với sự tự do để họ đầu độc tâm trí con cái bằng thứ thuốc phiện khi họ còn nhỏ mà đã được các nhà thờ đổ vào đầu mình. Các bậc cha mẹ ép buộc con cái bằng sự ngốc nghếch của chính họ, sự thiếu hiểu biết của chính họ; họ đã biến sự thật trở nên vô nghĩa; và do đó chúng làm gia tăng đáng kể những khó khăn mà một trường học thống nhất gặp phải. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước vô sản là giải phóng trẻ em khỏi ảnh hưởng phản động do cha mẹ chúng thực hiện. Cách thực sự cấp tiến để làm điều này là giáo dục xã hội cho trẻ em, được thực hiện theo kết luận hợp lý của nó. Về phương diện trước mắt, chúng ta không được nghỉ ngơi hay bằng lòng với việc đuổi những người tuyên truyền tôn giáo ra khỏi trường học. Chúng ta phải thấy rằng nhà trường, ngay từ đầu, giúp tâm trí trẻ em sẽ miễn nhiễm với tất cả những câu chuyện cổ tích tôn giáo mà nhiều người lớn vẫn coi là sự thật.
§ 92. Cuộc đấu tranh với định kiến tôn giáo của quần chúng
Chính quyền vô sản có thể dễ dàng tách nhà thờ ra khỏi Nhà nước hoặc trường học, nhưng việc chống lại những định kiến tôn giáo vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của quần chúng và đang bám víu vào đó thì khó khăn gấp bội. Cuộc đấu tranh này là một cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi sự kiên định và kiên nhẫn lớn. Về vấn đề này, chúng ta đã đọc trong cương lĩnh của chúng ta rằng: “Đảng Cộng sản Nga được dẫn dắt bởi lòng tin chắc chắn, không gì khác ngoài việc hiện thực hóa những mục tiêu được đặt ra và đạt đến sự nhận thức toàn diện trong mọi hoạt động xã hội và kinh tế của nhân dân và nó sẽ dẫn đến sự biến mất hoàn toàn của các định kiến tôn giáo”. Những ngôn từ này biểu thị điều gì?
Tuyên truyền tôn giáo, niềm tin vào Chúa và tất cả thể loại sức mạnh siêu nhiên khác, tìm kiếm sự dễ chịu nơi dơ bẩn nhất của chúng, nơi các thiết chế của đời sống xã hội nhằm định hướng ý thức của quần chúng theo hướng giải thích siêu nhiên các hiện tượng của tự nhiên và xã hội. Môi trường do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra có xu hướng phát triển mạnh mẽ theo hướng này. Trong xã hội tư bản, sản xuất và trao đổi sản phẩm không được thực hiện với một ý thức đầy đủ và theo một kế hoạch đã định trước; chúng tiến hành như thể chúng là kết quả của các lực lượng nguyên tố tương tác với nhau. Thị trường kiểm soát người sản xuất. Không ai biết liệu hàng hóa đang được sản xuất thừa hay thiếu. Người sản xuất không hiểu hết cơ chế vận hành to lớn và phức tạp của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa; tại sao khủng hoảng xảy ra và thất nghiệp tự nhiên nhan nhản; tại sao giá cả tăng tại một thời điểm và giảm vào một thời điểm khác; và như thế. Người lao động bình thường, không biết gì về nguyên nhân thực sự của những diễn biến xã hội mà cuộc sống mình đang trải qua từng ngày, và rồi họ sẵn sàng chấp nhận (hoặc cam chịu, đổ lỗi) bằng cái luận điệu “đó ý muốn của Chúa” hoặc “sống chết có số, phú quý tại trời” như một lời giải thích phổ quát.
Mặt khác, trong xã hội cộng sản có tổ chức, lĩnh vực sản xuất và phân phối sẽ không còn bí ẩn nào đối với người lao động. Mỗi công nhân sẽ không chỉ thực hiện phần công việc xã hội được giao. Ngoài ra, anh ta sẽ tham gia vào việc xây dựng kế hoạch sản xuất chung, và ít nhất sẽ có ý tưởng rõ ràng về vấn đề này. Trong toàn bộ cơ chế sản xuất xã hội sẽ không còn điều gì bí ẩn, khó hiểu, hay bất ngờ, và do đó sẽ không còn chỗ cho những giải thích thần bí hay mê tín. Cũng giống như người tham gia làm ra cái bàn hoàn toàn biết rõ cái bàn đã tồn tại như thế nào và anh ta không cần phải ngước mắt lên trời để tìm người đã tạo ra nó, vì vậy trong xã hội cộng sản, tất cả những người lao động sẽ hiểu rõ ràng những gì họ đã sản xuất bằng năng lượng chung của họ và cách họ tạo ra nó.
Vì lý do này, thực tế đơn giản là việc tổ chức và củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa, sẽ giáng cho tôn giáo một đòn không thể phục hồi. Quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản, từ cái xã hội chấm dứt chủ nghĩa tư bản sang một xã hội mà hoàn toàn thoát khỏi cái gọi là phân chia và đấu tranh giai cấp, và điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi tôn giáo như một lẽ tự nhiên.
Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta đã có thể thoải mái ngồi xuống và hài lòng với việc dự đoán về sự suy tàn của tôn giáo vào một ngày nào đó trong tương lai.
Vào thời điểm hiện tại, điều cần thiết là phải tiến hành cuộc chiến chống lại những định kiến tôn giáo một cách mạnh mẽ nhất, vì nhà thờ giờ đây chắc chắn đã trở thành một tổ chức phản cách mạng, và cố gắng sử dụng ảnh hưởng tôn giáo của mình đối với quần chúng để chống lại sự thống trị của giai cấp vô sản. Đức tin được các linh mục bảo vệ nhằm mục đích liên minh với chế độ quân chủ. Đây là lý do tại sao Nhà nước Liên Xô thấy cần phải tham gia vào thời điểm này trong việc tuyên truyền chống tôn giáo rộng rãi. Mục tiêu của chúng ta có thể được đảm bảo bằng việc cung cấp các bài giảng đặc biệt, bằng cách tổ chức các cuộc tranh luận và bằng cách xuất bản các tài liệu phù hợp; cũng bởi sự phổ biến chung của kiến thức khoa học, một cách chậm rãi nhưng chắc chắn làm suy yếu uy quyền của tôn giáo. Một vũ khí tuyệt vời trong cuộc chiến với nhà thờ gần đây đã được sử dụng ở nhiều nơi của nước cộng hòa khi các đền thờ được mở ra để trưng bày các di tích “không thể hủy diệt”. Điều này đã chứng minh cho đông đảo mọi người, và chính xác cho những người có đức tin tôn giáo mạnh nhất, thủ thuật mà tôn giáo sử dụng nói chung, và tín điều của nhà thờ Chính thống Nga nói riêng là có cơ sở.
Nhưng chiến dịch chống lại sự lạc hậu của quần chúng trong vấn đề tôn giáo này, phải được tiến hành với sự kiên nhẫn và cân nhắc, cũng như bằng nghị lực và sự kiên trì. Đám đông đáng tin cậy cực kỳ nhạy cảm với bất cứ điều gì làm tổn thương cảm xúc của họ. Áp đặt chủ nghĩa vô thần một cách thô bạo lên quần chúng nhân dân, và cùng với đó là can thiệp cưỡng bức vào các hoạt động tôn giáo và chế nhạo các đối tượng đại diện cho sự tôn kính phổ biến, sẽ không hỗ trợ chúng ta mà ngược lại sẽ cản trở chiến dịch chống lại tôn giáo. Nếu nhà thờ bị đàn áp, nó sẽ giành được sự cảm thông của quần chúng, vì cuộc đàn áp sẽ nhắc nhở họ về những ngày gần như bị lãng quên khi có sự liên kết giữa tôn giáo và việc bảo vệ tự do quốc gia; nó sẽ củng cố phong trào chống bài trừ; và nói chung, nó sẽ kích hoạt tất cả những dấu tích của một hệ tư tưởng vốn đã bắt đầu lụi tàn.
Chúng tôi đề xuất bổ sung một vài số liệu, cho thấy cách mà chế độ Nga hoàng đã trả tiền của người dân cho nhà thờ; làm thế nào nhà thờ được hỗ trợ trực tiếp bởi những người dân thường, những người đã rút hầu bao bé nhỏ của thường dân cho đến cùng; và làm thế nào của cải tích lũy trong tay các tôi tớ của Chúa.
Thông qua các hội nghị tôn giáo và theo những cách khác, Nga hoàng hàng năm đã cung cấp cho nhà thờ số tiền trung bình là năm mươi triệu rúp (vào thời điểm đồng rúp có giá trị gấp một trăm lần như ngày nay). Hội đồng tôn giáo thêm được bảy mươi triệu rúp vào tín dụng của họ trong ngân hàng. Các nhà thờ và tu viện sở hữu những khu đất rộng lớn. Vào năm 1905, các nhà thờ sở hữu một triệu tám trăm bảy mươi hai ngàn desyatinas, và các tu viện sở hữu bảy trăm bốn mươi ngàn desyatinas. Sáu trong số những tu viện lớn nhất sở hữu bảy trăm tám mươi hai ngàn desyatinas. Tu viện Solovyetsky sở hữu sáu mươi sáu ngàn desyatinas; Sarovskaya, hai mươi sáu ngàn; Alexandro-Nevskaya, hai mươi lăm ngàn; và như thế. Năm 1903, các nhà thờ và tu viện ở Petrograd sở hữu hai trăm sáu mươi sáu bất động sản cho thuê dưới dạng nhà ở, cửa hàng, địa điểm xây dựng, v.v. Ở Moscow, họ sở hữu 1 054 ngôi nhà trả tiền thuê, chưa kể ba mươi hai khách sạn. Ở Kiev, các nhà thờ sở hữu một trăm mười bốn ngôi nhà. Còn đây là phúc lợi từ các thành thị phân cho các tổng giám mục. Thủ đô Petrograd nhận ba trăm ngàn rúp mỗi năm; các thủ đô của Moscow và Kiev được trả 100 000 rúp mỗi năm; phụ cấp của tổng giám mục Novgorod là ba trăm bảy mươi ngàn rúp.
Có khoảng ba mươi ngàn trường học nhà thờ và một triệu giáo sinh theo học. Hơn hai mươi ngàn giáo viên tôn giáo đã “làm việc” trong các trường tiểu học của Bộ Giáo dục.
Ta đều biết rằng chế độ chuyên chế đã ủng hộ nhà thờ Chính thống giáo là nhà thờ chính thống và duy nhất. Hàng triệu rúp đã được quyên góp bằng cách như đánh thuế người Musulmans (người Tatars và người Bashkirs), người Công giáo (người Ba Lan) và người Do Thái. Số tiền này đã được sử dụng bởi các giáo sĩ Chính thống giáo để chứng minh rằng tất cả các đức tin khác là sai. Dưới thời Nga hoàng, cuộc đàn áp tôn giáo đạt tỷ lệ chưa từng thấy. Trong dân số của Nga, cứ một trăm cư dân thì có (ngoài 70 người Chính thống giáo), 9 người Công giáo, 11 người Mohammed giáo, 9 người theo đạo Tin lành, 4 người Do Thái và 7 tín ngưỡng khác nhau. Đối với số lượng giáo sĩ Chính thống giáo, sau đây là số liệu của năm 1909.
52 869 nhà thờ của Nga đã được phục vụ bởi | |
Tổng linh mục | 2912 |
Linh mục | 4673 |
Phó tế | 1467 |
Độc giả | 43518 |
Trong 455 tu viện là | |
Các nhà sư | 9987 |
Anh em đồng hữu | 9582 |
Trong 418 tu viện là | |
Nữ tu | 14008 |
Chị em đồng hữu | 468111 |
Tổng cộng | 188218 |
Các con số chỉ liên quan đến nhà thờ Chính thống giáo. Một “ký sinh trùng” thượng đẳng tương tự được tìm thấy ở mọi quốc gia, mặc dù tất nhiên, cũng có tôn giáo này tôn giáo kia. Những người này, thay vì trích ra những khoản tiền khổng lồ từ dân chúng lại để làm ngu dân, lẽ ra, nếu họ tham gia vào các công việc chân tay để tạo ra những giá trị vô cùng lớn thì sẽ có ích hơn. Nhà nước xã hội chủ nghĩa, khi bộ máy kinh tế đã được hoàn thiện, sẽ đưa ra các yêu cầu lao động đối với giới tăng lữ và tầng lớp không hiệu quả khác làm công nhân hoặc nông dân. Trong số các khoản thu Nhà nước trả cho nhà thờ dưới thời Nga hoàng, hơn mười hai triệu rúp được trao cho các giáo sĩ thành thị và nông thôn mỗi năm. Đó là lý do những “bậc tôn kính” lại phản đối việc tách nhà thờ khỏi Nhà nước, đơn giản, vì điều này có khác gì việc họ sẽ không thể nào “không làm mà đòi có chục triệu rúp trong tay”, một khoản tiền lớn trong túi họ sẽ bị rơi đi. Tuy nhiên, số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong thu nhập của các giáo sĩ, mà phần lớn là thu nhập từ phí dịch vụ chuyên môn [professional fees], tiền thuê đất và tiền lãi từ vốn của nhà thờ. Không ai có thể xác định chính xác số tiền thu được của nhà thờ Nga. Khoảng số tiền có thể được coi là một trăm triệu rúp – tại thời điểm (chúng tôi nhắc lại) khi đồng rúp có giá trị bằng một trăm rúp hiện tại của chúng ta. Một phần đáng kể thu nhập này vẫn được người dân trả cho các giáo sĩ.