Thư Engels gửi tới Franz Mehring
Nguồn: Thư từ của Marx và Engels
Nhà xuất bản: International Publishers (1968);
Xuất bản lần đầu bởi: Gestamtausgabe;
Chuyển qua tiếng Anh bởi: Donna Torr; Tiếng Việt bởi Hừng Đông.
London, ngày 14 tháng 7 năm 1893
Mehring thân mến,
Nay là lần đầu tôi mới có cơ hội để cảm ơn cậu vì cuốn Huyền thoại Lessing mà cậu đã tốt bụng gửi cho tôi. Tôi không muốn phản hồi nó chỉ bằng một câu thừa nhận trần trụi là mình đã nhận được cuốn sách mà còn muốn đi kèm cùng với đó là nói với cậu điều gì đó về nó, về nội dung của nó. Cũng bởi đó mà dẫn tới sự chậm trễ này.
Tôi sẽ bắt đầu với phần cuối – phần phụ lục về chủ nghĩa duy vật lịch sử mà trong đó cậu đã trình bày những điểm chính một cách xuất sắc và rất chi thuyết phục với bất kỳ ai không thành kiến. Nếu phải có ít nhiều phản đối gì về nó thì chỉ là cậu đã ghi công cho tôi nhiều hơn những gì tôi xứng đáng, dẫu cho có xét tới tất cả những gì mà tôi đã có thể tự mình tìm ra thì cùng lúc đó Marx, với khả năng nắm bắt mau lẹ và tầm nhìn rộng lớn của mình đã khám phá ra còn nhanh hơn nhiều. Khi ai đó có may mắn được làm việc trong bốn mươi năm với một người đàn ông như Marx, người đó thường không nhận được một sự công nhận mà người ngoài nghĩ rằng đó là điều xứng đáng trong đời. Sau đó, nếu người đàn ông vĩ đại hơn chết, người kém hơn dễ dàng bị đánh giá quá cao, và điều này dường như là đúng với trường hợp của tôi ở hiện tại; lịch sử cuối cùng sẽ đặt tất cả về đúng chỗ của nó và cho đến lúc đó chẳng nên đắn đo chi.
Hoặc không thì chỉ còn một điểm khác nữa, điều mà dầu sao cả Marx và tôi cũng đã luôn nhấn mạnh chưa đủ trong các bài viết và ghi chú của mình, điều mà tất cả chúng ta ai cũng đã bỏ sót. Tức là, đáng ra tất cả chúng ta đều phải xét đến và nhất định phải nhấn mạnh, ngay từ đầu, về nguồn gốc của các quan niệm chính trị, luật pháp và hệ tư tưởng khác nhau, và cả các hành động phát sinh thông qua những quan niệm này, từ cơ sở kinh tế thực tế. Đáng nhẽ phải vậy thì chúng ta, bởi trọng nội dung mà đã xem nhẹ hình thức, tức là cách thức và phương tiện mà từ đó những khái niệm, v.v., này xuất hiện. Điều này đã tạo cơ hội cho những kẻ thù của chúng ta được dịp gây nhầm lẫn, trong đó Paul Barth là một ví dụ nổi bật.
Ý thức hệ là một quá trình được thành hình bởi kẻ được biết đến là nhà tư tưởng có ý thức, nhưng là một ý thức sai lầm (false consciousness). Những động cơ thực sự thúc đẩy anh ta anh ta đâu đã biết, nếu không nó sẽ chẳng còn hoàn toàn là một quá trình tư tưởng nữa. Do vậy mà anh ta phải mường tượng ra những động cơ, có khi sai lầm có khi minh bạch. Bởi vì đó là một quá trình của sự suy tưởng mà với anh ta cả về hình thức lẫn nội dung của nó bắt nguồn thuần túy từ suy tưởng, hoặc của chính anh ta hoặc của những người tiền nhiệm. Anh ta làm việc thuần với chất liệu tư duy mà anh ta chấp nhận không cần xét lại, sản phẩm của tư duy cũng vậy, anh ta không đào sâu xét kỹ tới một quá trình xa xôi hơn độc lập với tư duy; mà quả thật thì nguồn gốc của nó dường như đã rõ ràng đối với anh ta, bởi mọi hành động được tạo thành thông qua phương tiện là suy tư thì cho tới cùng thành quả xuất hiện trước anh ta dường như cũng phải đặt trên cơ sở của sự suy tư. Nhà tư tưởng giải quyết lịch sử (lịch sử ở đây được hiểu đơn giản là bao gồm tất cả các lĩnh vực – chính trị, luật pháp, triết học, thần học – thuộc về xã hội chứ không chỉ tự nhiên), và đương khi làm như thế anh ta có được cái chất liệu trong mọi lĩnh vực khoa học, thứ đã hình thành độc lập bên ngoài tư duy của các thế hệ trước và có được thông qua một chuỗi phát triển độc lập trong não bộ của những thế hệ kế tiếp này. Thực ra, các dữ kiện bên ngoài thuộc về lĩnh vực này hay các lĩnh vực khác cũng có thể cùng ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự phát triển này, nhưng cứ ngầm giả định rằng bản thân những dữ kiện này cũng chỉ là thành quả của một quá trình suy tư, và do vậy mà chúng ta vẫn còn ở trong lĩnh vực thuần túy là suy tưởng, thứ đã tiêu hóa thành công ngay cả những sự thật khó nhằn nhất.
Trên hết thảy, sự xuất hiện của một lịch sử độc lập của những hiến pháp nhà nước, của hệ thống luật pháp, của các quan niệm tư tưởng trong mọi lĩnh vực riêng biệt, làm choáng ngợp hầu hết mọi người. Nếu Luther và Calvin đã “vượt qua” giáo lý Công giáo chính thống, hoặc Hegel “vượt qua” Fichte và Kant, hoặc giả thử hiến pháp Montesquieu đã bị Rousseau “vượt qua” một cách gián tiếp bằng “Khế ước xã hội”, thì mỗi sự kiện này vẫn nằm trong phạm vi thần học, triết học hoặc khoa học chính trị, đại diện cho một giai đoạn lịch sử của những lĩnh vực tư tưởng cụ thể này và chưa bao giờ vượt ra ngoài lĩnh vực tư tưởng. Ngay cả khi ảo tưởng tư sản về sự vĩnh cửu và sự kết thúc về lịch sử của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa được thêm vào cũng vậy, chiến thắng của các nhà trọng nông và Adam Smith trước các nhà trọng thương cũng chỉ được coi là một chiến thắng tuyệt đối của tư tưởng; không phải như sự phản ánh trong suy tưởng về những sự kiện kinh tế biến chuyển mà như thể sự hiểu biết tới rốt ráo về những điều kiện thực tế luôn tồn tại ở mọi nơi và mọi lúc – sự thực là nếu như Richard Coeur-de-Lion và Philip Augustus đã giới thiệu thương mại tự do thay vì trộn lẫn nó vào trong các cuộc thập tự chinh thì chúng ta lẽ ra đã thoát được khỏi năm trăm năm khốn khổ và ngu ngốc.
Mặt này của vấn đề tôi chỉ có thể chỉ ra đến đây, tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta đã bỏ qua nó một cách không thoả đáng. Đây là câu chuyện cũ: hình thức lúc đầu luôn bị xem nhẹ hơn nội dung. Như tôi đã nói trước đó, tôi cũng đã làm thế và sau đó sai lầm luôn ập đến với tôi. Vì vậy, tôi không có ý gì là trách móc cậu cả, mà với tư cách là người đi trước, tôi chẳng có quyền gì để làm vậy, trái lại; điều mà tôi muốn tất cả chỉ là để tránh cho cậu khỏi phải lặp lại nó trong tương lai.
Đi cùng với điều này cũng là thứ quan niệm thừa thãi của các nhà tư tưởng học, rằng bởi vì chúng ta đã phủ nhận một lịch sử phát triển độc lập đối với các lĩnh vực tư tưởng khác nhau, thứ đã hoạt động như một phần trong lịch sử cho nên chúng ta cũng phủ nhận chúng có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với lịch sử. Cơ sở cho điều này là quan niệm phi biện chứng phổ biến về nguyên nhân và kết quả như thể là hai cực đối lập nhau một cách cứng nhắc, hoàn toàn không có sự tương tác; những quý ông này thường gần như cố tình quên rằng một khi một yếu tố lịch sử đã được đưa vào thế giới bởi các yếu tố khác, sau cùng bởi các sự kiện kinh tế, đến lượt mình nó cũng tương tác trở lại, có thể tương tác với môi trường và thậm chí là nguyên nhân của chính nó. Ví dụ, Barth với chức tư tế và tôn giáo ở trang 475 sách của cậu. Tôi rất thú cái cách cậu giải quyết con người này, người mà sự tầm thường vượt quá mọi mong đợi; thế mà ông ấy còn trở thành giáo sư lịch sử ở Leipzig cơ đấy! Tôi phải nói rằng ông già Wachsmuth, cũng là một gã khờ nhưng được cái rất coi trọng sự thật, lại là một loại người khá khác.
Về phần còn lại của cuốn sách, nếu có nói thì tôi cũng chỉ lặp lại những gì mình đã nói nhiều lần về các bài báo khi chúng xuất hiện trên tờ Neue Zeit; phải nói rằng cho đến nay đây là bản trình bày tốt nhất về nguồn gốc của nhà nước Phổ. Thật vậy, tôi có thể nói rằng đó là bài thuyết trình tốt duy nhất, các vấn đề hầu hết được khai triển chính xác, liên kết với nhau đến từng chi tiết. Chỉ tiếc rằng điều đó đã không bao gồm sự khai triển tiếp theo về Bismarck; hy vọng rằng cậu sẽ làm được điều này vào dịp khác và trình bày được một bức tranh hoàn chỉnh mạch lạc, từ Tuyển hầu tước Frederick William đến William già. Cậu đã thực hiện được các bước nghiên cứu sơ bộ và ít nhất ở những nét chính, chúng đạt gần như trọn vẹn. Dù sao thì việc này cũng phải được hoàn thành trước khi khu ổ chuột cũ kỹ, tồi tàn đổ sập. Mặc dầu sự tiêu tan của những huyền thoại về chế độ quân chủ – yêu nước không thực sự là điều kiện tiên quyết nhất để xóa bỏ chế độ quân chủ, cái mặt nạ che đậy sự thống trị giai cấp (một nhà nước cộng hòa tư sản, thuần túy ở Đức đã lỗi thời bởi các sự kiện ngay cả trước khi nó kịp ra đời) nhưng nó là một trong những đòn bẩy hiệu quả nhất cho mục đích đó.
Sau đó, bạn cũng sẽ có thêm không gian và cơ hội để khắc họa lịch sử địa phương của Phổ như một phần trong sự khốn khổ chung của nước Đức. Đây là điểm mà tôi có đôi khi hơi khác về quan điểm với bạn, đặc biệt là trong quan niệm về các điều kiện sơ khởi cho sự chia cắt nước Đức và sự thất bại của cuộc cách mạng tư sản ở Đức trong thế kỷ XVI. Nếu tôi bắt đầu làm lại phần giới thiệu lịch sử về Chiến tranh nông dân của mình, điều mà tôi hy vọng sẽ làm vào mùa đông tới, có thể tôi sẽ khai triển những điểm mình đã đề cập ở đó. Không phải tôi coi những gì cậu chỉ ra là không chính xác, mà tôi sắp xếp và gộp chúng có hơi khác.
Khi nghiên cứu về lịch sử nước Đức – câu chuyện về một hiện trạng liên tục của sự tồi tệ – tôi luôn thấy rằng chỉ có sự so sánh với các thời kỳ tương ứng của nước Pháp mới tạo ra ý niệm chính xác về mức độ, bởi vì ở đó những gì xảy ra là hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra ở đất nước chúng ta. Ở đó, sự thành lập một quốc gia dân tộc từ các bộ phận rải rác của nhà nước phong kiến diễn ra ngay lúc chúng ta đang bước qua thời kỳ suy tàn nhất của mình. Ở đó, một lôgic khách quan hy hữu xuyên suốt toàn bộ quá trình; còn với chúng ta, những mảnh rời rạc ảm đạm cứ ngày một tăng thêm. Ở đó, trong suốt thời Trung cổ, những kẻ chinh phục đến từ Anh đóng vai trò kẻ xâm lăng ngoại bang khi can thiệp để bảo hộ dân Provencal chống lại dân Bắc Pháp, và những cuộc chiến với nước Anh, còn được biết đến là Chiến tranh Ba mươi năm, đã kết thúc bằng việc kẻ ngoại bang bị đánh đuổi và phương Nam bị phương bắc khuất phục. Thứ đến cuộc tranh đấu giữa quyền lực trung ương và xứ chư hầu Burgundy, kẻ tự tin vào những thuộc địa nước ngoài của mình và đã đóng vai trò giống như Brandenburg với Phổ, tuy nhiên, cuộc tranh đấu đã kết thúc với chiến thắng của quyền lực trung ương và quốc gia dân tộc được củng cố vững chãi. Và chính xác ở lúc này, quốc gia dân tộc lại hoàn toàn sụp đổ ở đất nước chúng ta (cho đến giờ “vương quốc Đức” trong Đế chế La Mã Thần thánh liệu có thể được gọi là một quốc gia dân tộc) và sự vơ vét trên lãnh thổ Đức ở quy mô lớn được khởi sự. So sánh này hẳn là điều sỉ nhục nhất đối với người Đức nhưng cũng bởi đó nó càng đáng trở thành bài học; và kể từ khi các công nhân của chúng ta đưa nước Đức trở lại vị trí đi đầu trong trào lưu lịch sử thì việc nuốt trôi những nỗi ô nhục của quá khứ hẳn đã trở nên dễ dàng hơn đối với chúng ta.
Một điểm đặc biệt quan trọng khác trong sự phát triển của nước Đức là một thực tế rằng không phải một trong hai bang thành viên đến cuối cùng đã chia chác nước Đức mà hoàn toàn là ở người Đức – cả hai đều là thuộc địa trên lãnh thổ chinh phục từ người Slav: Áo có Bavaria và Brandenburg là thuộc địa của Saxon – và rằng họ có được quyền lực bên trong nước Đức chỉ bằng cách dựa vào sự hỗ trợ từ ngoại cường, không phải trong nước Đức: Áo dựa vào Hungary (chưa kể Bohemia) và Brandenburg dựa vào Phổ. Ở biên giới phía Tây, một trong những nguy cơ lớn nhất, đã không có gì xảy ra; trong khi biên giới phía Bắc bị phó mặc cho người Đan Mạch bảo vệ nước Đức chống lại người Đan Mạch; và ở miền Nam có rất ít sự bảo vệ đến nỗi mà kẻ canh gác biên giới, người Thụy Sĩ, thậm chí đã thành công trong việc tách mình ra khỏi nước Đức!
Nhưng tất cả những thứ tôi nói đó thực cũng không liên quan mấy ở đây, cậu cứ coi đây như là một bằng chứng cho thấy tôi đã bị khích động thế nào bởi công việc của cậu.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn và xin gửi lời chào tới cậu,
F. Engels