Lịch sử Hoa Kỳ đã chứng minh rằng: thay đổi đến từ đấu tranh, không phải bầu cử

Eleanor Morley, Redflag, ngày 25 tháng 10 năm 2020.


 

Đóng đinh niềm hy vọng vào kết quả của cuộc bầu cử là làm suy yếu các phong trào xã hội, mọi thứ thay đổi chỉ khi những người bị áp bức tự đặt vấn đề vào tay họ.

 

 

Trong năm nay Hoa Kỳ đã bị rung chuyển bởi cuộc nổi dậy hàng loạt lớn nhất trong lịch sử của nó. Các cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter đã xé toạc hơn 2.000 thị trấn và thành phố khác nhau, lôi cuốn hàng triệu người trong một cuộc nổi dậy đa chủng tộc, thứ đã thay đổi hẳn cục diện chính trị. Đối với nhiều người đó là lần đầu họ có kinh nghiệm về sự phản kháng; diễu hành và hô vang bên hàng ngàn người khác, đoàn kết với họ trên đường phố. Một số đã trở thành nhà lãnh đạo chính trị, dẫn đầu đám đông hàng nghìn người với những lời hô vang chống lại Trump và cảnh sát, xông đến các rào chắn được dựng lên để bảo vệ các bức tượng tôn vinh lịch sử phân biệt chủng tộc của đất nước và tham gia vào các cuộc họp để tổ chức các cuộc biểu tình quy mô. Thế hệ mới của những kẻ nổi loạn cũng đã truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới, truyền bá các cuộc biểu tình quần chúng nhằm chống phân biệt chủng tộc đến London, Seoul, Sydney và hơn thế nữa.

 

Nhưng năng lượng được giải phóng bởi cuộc nổi dậy bắt đầu từ tháng 5 đang bị đè nặng bởi gánh xiếc bầu cử Biden với Trump. Đây là một tin xấu đối với bất cứ ai kỳ vọng được chứng kiến sự thay đổi mang tính bước ngoặt ở Hoa Kỳ – hay cả ở những nơi khác trên thế giới, bởi tầm ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ thực sự mang tính toàn cầu. Những người xã hội chủ nghĩa luôn lập luận rằng cách mà chúng ta đấu tranh cho quyền lợi của mình là thông qua các cuộc biểu tình, bãi công và hoạt động quần chúng chứ không phải đặt hy vọng vào các cuộc bầu cử tư sản. Điều này đặc biệt đúng ở Hoa Kỳ, nơi mà nền chính trị bị chi phối hoàn toàn bởi hai đảng khổng lồ của tầng lớp các doanh nhân. Sự phản kháng mang tính tập thể ảnh hưởng đến ý thức của những người biểu tình theo một cách độc nhất vô nhị so với những trải nghiệm tản mác nơi thùng phiếu. “Diễn tập cách mạng”, là cách nhà hoạt động, nhà phê bình nghệ thuật xã hội chủ nghĩa người Anh John Berger mô tả đặc điểm của các cuộc biểu tình quần chúng, “không phải chiến lược, hay thậm chí chiến thuật, mà là cuộc diễn tập cho nhận thức cách mạng”.

 

Các cuộc biểu tình quần chúng không chỉ thay đổi ý thức chính trị của những người tham dự; chúng, cùng với các cuộc đình công, là cách hiệu quả nhất mà chúng ta có để buộc các chính trị gia thay đổi theo hướng tiến bộ. Với cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn vài tuần nữa, cánh tả ở Mỹ phải đối mặt với sự lựa chọn: miễn cưỡng vận động và bỏ phiếu cho Biden làm tổng thống, hoặc cố gắng khai thác năng lượng cấp tiến và truyền bá các cuộc đấu tranh của năm 2020, trong khi xây dựng lại tầng lớp lãnh đạo và các tổ chức chính trị cách mạng. Một số người cho rằng hai điều này không đối lập nhau. Nhưng lịch sử chính trị Hoa Kỳ cho chúng ta bài học rằng vòng xoáy của chu kỳ bầu cử hút gió khỏi các phong trào quần chúng thay vì thổi bùng chúng lên.

 

 

Những cuộc đấu tranh triệt để trong những năm 1930 và 1960, khi công nhân và những người bị áp bức giành được những thắng lợi lớn nhất cho mình, là minh chứng cho điều này. Cuộc Đại suy thoái được tưởng nhớ bởi những người theo chủ nghĩa tự do thuộc đủ mọi thể loại như là thời kỳ mà Tổng thống đảng Dân chủ Franklin D. Roosevelt đã đứng về phía các nhà công nghiệp để đấu tranh cho sinh kế của những người lao động nghèo khổ. Nhưng trong khi Roosevelt đã có đôi lúc đụng độ với một bộ phận này hay kia của giới Tư bản về chiến lược hiệu quả nhất để khôi phục lại khả năng sinh lời, thì những cải cách lập pháp lại chính là sản phẩm từ sự phản ứng lại trước cơn bùng nổ lớn nhất của lực lượng dân quân lao động trong thế kỷ XX.

 

Ba cuộc đình công đại chúng thắng lợi vào năm 1934 đã giúp cho công đoàn được công nhận và lương được tăng ở Toledo, Minneapolis và San Francisco, truyền cảm hứng cho phong trào đấu tranh toàn quốc của giai cấp công nhân. Đây là bối cảnh cho Thỏa thuận mới thứ hai của tổng thống vào năm 1935-36, trong đó mang tới nhiều nhượng bộ hơn cho người lao động so với Thỏa thuận mới đầu tiên năm 1933-34. Ví dụ, Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia khiến cho việc người sử dụng lao động từ chối thương lượng với các công đoàn là bất hợp pháp và Đạo luật An sinh Xã hội cung cấp hỗ trợ kinh tế cho những người lao động nghèo và người già cả.

 

Mặc dù Roosevelt đã hứa với các công nhân trong lần tái tranh cử năm 1936 rằng “chúng ta chỉ mới bắt đầu chiến đấu” nhưng năm 1935 mới chứng tỏ là đỉnh cao của những cải cách dưới thời chính quyền của ông. Trong khi nhiều công nhân bị lôi cuốn vào làn sóng nổi dậy công nghiệp, thứ đã bắt đầu vượt ra ngoài chính trị truyền thống của Đảng Dân chủ, các lãnh đạo công đoàn của họ và Đảng Cộng sản đã tìm mọi cách để chuyển hướng tầng lớp lao động sang chiến dịch tái tranh cử của Roosevelt, điều đã làm lãng phí một cơ hội lịch sử để xây dựng đảng công nhân quần chúng đối lập với hai đảng thống trị của chủ nghĩa tư bản Mỹ.

 

Ba mươi năm sau, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964, các cử tri được đưa ra hai lựa chọn không mong muốn. Barry Goldwater, kẻ phản động và hiếu chiến, ứng viên của Đảng Cộng hòa và Lyndon B. Johnson, kẻ đã nắm quyền được một năm và tăng cường quân đội ở Việt Nam mặc dù đã hứa sẽ không leo thang chiến tranh, tranh cử với tư cách là ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Những bộ phận lớn của phong trào hòa bình và cánh tả đã quyết định “thỏa hiệp với LBJ” – một khẩu hiệu hẳn gợi nhớ đến khẩu hiệu “hoà giải với Biden” ngày nay – cam kết sự bỏ phiếu và vận động cho Johnson, kẻ ít ác hơn Goldwater. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức khi mới nhậm chức, Johnson đã leo thang chiến tranh, cuộc chiến cho đến lúc kết thúc đã tàn sát hơn 3 triệu người.

 

Cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân Việt Nam đã gắn liền với cuộc nổi dậy trong quân đội và phong trào phản chiến trong quần chúng ở Mỹ. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, một bước leo thang lớn của cuộc kháng chiến Việt Nam, đã đưa Mặt trận Giải phóng dân tộc vào trung tâm Sài Gòn, thủ đô của miền Nam bị chiếm đóng. Cuộc nổi dậy lan ra hàng chục thị trấn khác do quân Mỹ và ngụy quyền miền Nam Việt Nam kiểm soát. Mặc dù cho tới cùng quân đội Hoa Kỳ đã chặn được cuộc tấn công, nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với vận mệnh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

 

Tại Hoa Kỳ, phong trào phản chiến bắt đầu thu hút hàng trăm nghìn người. Khi Tổng thống Nixon tuyên bố xâm lược Campuchia vào năm 1970, sinh viên tại hơn 100 cơ sở đã bãi khoá. Sau khi bốn nhà hoạt động sinh viên bị Lực lượng Vệ binh Quốc gia bắn chết tại Đại học Bang Kent, cuộc đình công đã lan sang hơn 400 trường cao đẳng. Một thế hệ đang ngày một trở nên cực đoan và sẵn sàng hành động. Nhưng cái đinh cuối cùng đóng nên cỗ quan tài của chiến lược Nixon chính là sự kháng cự của những người lính đang đóng ở Việt Nam. Những hành động bất tuân của cá nhân và tập thể, thường là do những người lính cực đoan về nước lãnh đạo, đã khiến quân đội rơi vào tình trạng suy sụp. Và do đó, cuộc chiến đã bị đánh bại bởi cuộc kháng chiến tập thể, đồng loạt của cả nhân dân Mỹ và Việt Nam.

 

Sức mạnh của các phong trào trên đường phố và tại nơi làm việc cũng được thể hiện rõ ràng trong thời gian gần đây. Năm 2006, khi một dự luật của Đảng Cộng hòa nhằm hình sự hóa những người di cư không có giấy tờ được Hạ viện thông qua và chuyển đến Thượng viện, hơn một triệu người đã rời bỏ nơi làm việc của họ và tràn ra đường trong một hành động lớn mang tên “Một ngày không có người nhập cư”. Dẫn đầu cuộc đình công ngày Một tháng năm là hàng trăm nghìn công nhân nhập cư, sinh viên và các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc, những người đã tạo nên sức phản kháng ghê gớm trước luật pháp. Sau cuộc đình công, dự luật đã trở thành một 'bức thư chết' (không bao giờ được nhắc đến nữa).

 

Nhưng phần lớn sức mạnh tổ chức dành cho việc xây dựng phong trào đã bị chuyển trọng tâm sang cuộc bầu cử giữa kỳ và sau đó là cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, ghi dấu ấn bằng câu khẩu hiệu phổ biến “Hôm nay, chúng ta tuần hành; ngày mai, chúng ta bỏ phiếu”. Hy vọng của hàng triệu người nhập cư, những người thường xuyên bị quấy rối và đàn áp, đã được đặt vào một chiến thắng tổng thống của Barack Obama. Nhưng sau khi được bầu trên nền tảng ủng hộ người nhập cư, ông ta đã nhanh chóng trở thành “tổng thống của trục xuất”, người đã trục xuất người nhập cư không có giấy tờ nhiều hơn tất cả các tổng thống tiền nhiệm cộng lại.

 

Vào năm 2018, cuộc đình công của các giáo viên ở Tây Virginia, bang thành trì của đảng Cộng hòa, đã truyền cảm hứng cho người lao động trên khắp nước Mỹ khi thay vì theo dự định sẽ kéo dài hai ngày với yêu cầu tăng lương 5% cho tất cả công nhân khu vực công của bang nó đã phun trào trong 8 ngày đình công liên tục. Các thượng nghị sĩ tiểu bang đã cố gắng tố các giáo viên là ích kỷ và phá hoại việc giáo dục trẻ em. Các nhà đàm phán đã cố gắng mua chuộc giáo viên bằng giá của những công nhân nhà nước khác với mức tăng lương theo từng ngành cụ thể. Nhưng hàng nghìn giáo viên vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi nhu cầu của họ được đáp ứng, với sự ủng hộ nhiệt liệt của học sinh và đông đảo công chúng.

 

Đây là một chiến thắng lớn khi nó giành được ở một bang có thống đốc thuộc đảng Cộng hòa, chủ tịch Thượng viện bang và lãnh đạo đa số Hạ viện. Trong ba tháng sau đó, các giáo viên ở Oklahoma, Kentucky, North Carolina, Colorado và Arizona đã làm theo, bước ra khỏi lớp học và giành được chiến thắng để được trả lương và tài trợ cho trường. Việc trả lương cho khu vực công đã bị tụt lùi trong nhiều thập kỷ trên khắp nước Mỹ dưới thời các thống đốc cả của Đảng Cộng hòa và Dân chủ; việc tăng lương chỉ trở thành hiện thực khi các giáo viên bắt đầu tổ chức và đấu tranh.

 

Và vào năm 2020, cuộc nổi dậy Black Lives Matter đã làm được nhiều việc để thách thức sự phân biệt chủng tộc hơn là so với tám năm nhiệm kỳ của một tổng thống Da màu. Cũng như trong những năm 1960, nó đã giúp hình thành một thế hệ mới và đào tạo ra những nhà hoạt động hàng đầu được học về cách tổ chức hành động quần chúng. Sự chính trị hóa quần chúng này là sự phát triển tốt nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ.

 

Chủ nghĩa tư bản toàn cầu vào năm 2020 đã bước vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong một thế kỷ. Tất cả các vấn đề hiện có về bất bình đẳng đáng kinh ngạc, bạo lực phân biệt chủng tộc của cảnh sát và phe cực hữu được khuyến khích đều sẽ trở nên khôn lường trừ khi người lao động và những người làm công ăn lương bị áp bức có một cuộc đấu tranh có khả năng đẩy lùi sự sa đọa của chủ nghĩa tư bản hiện đại và xây dựng các tổ chức xã hội chủ nghĩa phù hợp với mục đích đó. Điều này sẽ không giúp được gì bằng cách ôm ảo tưởng vào một nhiệm kỳ tổng thống Biden trong tương lai, hoặc cố gắng thuyết phục mọi người nhiệm vụ trước mắt là vận động và bỏ phiếu cho một thành viên của tập đoàn thống trị, kẻ không có gì để cung cấp cho công nhân và những người bị áp bức.

 

Cái bẫy của chủ nghĩa bầu cử khiến các phong trào cấp tiến hòa nhập vào mảnh đất yên bình của chính trị Đảng Dân chủ và giải giáp các nhà hoạt động xây dựng loại phong trào quần chúng đối đầu, thứ vốn là chìa khóa cho những cải cách triệt để, bất kể ai đang ngồi trong Nhà Trắng. Như nhà sử học lỗi lạc về thay đổi xã hội ở Hoa Kỳ, Howard Zinn, đã viết trong một tác phẩm năm 2005 cho Sự tiến bộ :

 

“Đã hiểu ra bản chất của hệ thống chính trị và tư pháp của đất nước này, về sự thiên vị cố hữu của nó đối với người nghèo, sự chống lại người da màu, sự chống lại những kẻ bất đồng chính kiến, thì chúng ta không thể trở nên phụ thuộc vào tòa án, hoặc vào sự lãnh đạo chính trị của chúng ta. Nền văn hóa của chúng ta – phương tiện truyền thông, hệ thống giáo dục – cố gắng loại bỏ ý thức chính trị của chúng ta, mọi thứ ngoại trừ ai sẽ được bầu làm tổng thống và ai sẽ ở trong Tòa án tối cao, như thể đây là những quyết định quan trọng nhất mà chúng ta có thể đưa ra. Không phải. Họ làm chệch hướng chúng ta khỏi công việc quan trọng nhất mà công dân có, đó là làm cho nền dân chủ tồn tại bằng cách tổ chức, phản đối, tham gia vào các hành vi bất tuân dân sự làm rung chuyển hệ thống”.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận