ĐẠO ĐỨC LAO ĐỘNG

Khi tết đến xuân về, đong đầy trong nước mắt những người lao động là sự thất vọng với mức thưởng bị cắt xén, là nỗi lo lắng vì những khó khăn vật chất và dịch bệnh đe dọa. Cũng do vậy hàng ngàn người lao động đã và đang tham gia vào các cuộc ngừng việc tập thể. Đã có những tiếng nói ủng hộ, đồng cảm với họ nhưng cũng có những tiếng nói lên án, hay nhẹ hơn, phàn nàn như thế đó là sự vô ơn với người đã “ban” cho công nhân công việc, ích kỷ, thiếu đồng cảm với doanh nghiệp. Vấn đề này đã dấy lên một chủ đề đặc biệt: Đạo đức lao động.


Hẳn sẽ có người viện dẫn những đạo lý truyền thống như uống nước nhớ nguồn, lá rách ít đùm lá rách nhiều, như thể đạo đức là một thứ trường tồn bất biến với mọi hình thái xã hội. Chỉ cần một cái nhìn thoáng qua vào lịch sử đã đủ để ta thấy những ý tưởng đó thật ngây thơ. Giết người được xem là tội ác đối với mọi xã hội, nhưng đó chỉ là thời bình. Trong chiến tranh, giết kẻ địch không những có thể được tha thứ về mặt đạo đức mà thậm chí còn có thể được tôn vinh như một việc làm cao cả, vì quốc gia, vì dân tộc… Trộm ổ bánh mì giữa một cuộc bạo loạn có thể là một tội lỗi còn nghiêm trọng hơn tội của một kẻ chuyên trộm đồ. Đó chỉ là 2 trong nhiều ví dụ.

Đạo đức lao động, cũng như đạo đức nói chung, không bất biến mà phụ thuộc vào các hình thái xã hội. Đã từng có thời, giết chết một người nô lệ còn dễ hơn giết một con vật, buộc họ phải lao động đến chết, tước đoạt mọi thứ của họ không được xem là tội ác hay trái đạo đức, nhưng ngược lại, bất cứ sự phản kháng nào dù nhỏ nhất đều có thể bị xem là tội lỗi đáng bị trừng phạt bằng cái chết ngay lập tức. Đó là dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, còn dưới chế độ phong kiến, nông nô đã được coi là người, dù chỉ là ‘tiện dân’. Họ được cấp một mảnh ruộng để trồng cấy nuôi gia đình và nộp tô cho lãnh chúa, dù vậy mức tô này nhiều khi chiếm phần lớn những gì người nông nô làm ra. Họ có nghĩa vụ phải phục tùng lãnh chúa của họ, lao động không công một số ngày nhất định trong năm, đi lính cho những trận chiến vì lợi ích chẳng phải của họ và không được tự ý rời khỏi lãnh địa. Ngày nay, dưới thời đại của chủ nghĩa tư bản, người công nhân có thể tự do rời khỏi công ty này để tìm ông chủ khác cho mình nhưng họ sẽ bị những cái loa của các ông chủ phê phán như thể là lũ vô ơn. Khi người công nhân phản đối việc thay thế một mức lương tốt, phúc lợi bằng một mức lương chết đói và những lời hứa hão về ‘trải nghiệm, triển vọng tương lai,…’ họ bị lên án là ích kỷ.

Nếu có gì bất biến ở đây thì đó là, trong những xã hội phân chia thành các giai cấp, đạo đức lao động cũng như đạo đức chính thống xét tới cùng phản ánh lợi ích của chính giai cấp thống trị. Khi đòn roi không còn làm người lao động run sợ, người ta thay thế những sợi xích sắt bằng xiềng xích tư tưởng.

Nhưng nếu như đạo đức lao động không phản ánh ít nhiều lợi ích của người lao động thì tại sao họ lại phải tuân theo nó, tin vào nó? K.Marx có thể cung cấp cho chúng ta một gợi ý:

“…Vì chính là do lao động bị tự nhiên quyết định cho nên người nào không có sở hữu nào khác ngoài sức lao động của mình ra thì trong mọi trạng thái xã hội và văn hoá, đều nhất định sẽ phải làm nô lệ cho những kẻ khác nắm trong tay những điều kiện vật chất của lao động. Người đó chỉ có thể lao động và do đó chỉ có thể sinh sống, khi được những kẻ này cho phép.” (K.Marx và Engels, Chương I, Phê phán cương lĩnh Gotha)

Con người là động vật xã hội chẳng phải vì họ có một tính cách yếu đuối hay bi lụy nào cả. Xã hội càng có sự phân công lao động chặt chẽ mỗi cá nhân lại càng phụ thuộc vào xã hội để duy trì cuộc sống của mình cũng như gia đình. Một người nông dân trong chế độ phong kiến có thể tự trồng lúa gạo để nuôi sống cả gia đình cũng như hầu hết những vật dụng anh ta dùng hàng ngày, có chăng một vài nông cụ cho việc đồng áng anh ta buộc phải cậy đến gã thợ rèn đầu làng, nhưng người nông dân hiện đại chỉ để thực hiện việc đồng áng của mình thôi đã phải phụ thuộc vào từ phân bón, con giống, nông cụ, máy móc… được cung cấp bởi lao động của những người lao động khác trong xã hội. Người công nhân còn hơn thế nữa, mọi thứ mà anh ta cần để duy trì cuộc sống của bản thân cũng như cái gia đình bé nhỏ của anh ta tất cả phải phụ thuộc vào đồng lương còm cõi mà nhà tư bản trả cho anh ta vào mỗi đầu hoặc cuối tháng. Có thể nào khác được vì điều thứ hai, quan trọng hơn, để lao động người ta cần có những điều kiện vật chất cho lao động.

Chỉ với tầm nhìn này ta mới hiểu được phong trào nằm dài (Tangping) ở Trung Quốc và hikikomori ở Nhật Bản. Lẽ thường lao động là một nhu cầu thiết thân của mỗi con người trong xã hội, không chỉ để khỏi chết đói. Và khi những người trẻ từ chối lao động, hay thậm chí chỉ lao động trong mức tối thiểu để duy trì cuộc sống, người ta bắt đầu lên án nó như thể là trái đạo đức. Nhưng ẩn bên dưới hành động trái lẽ thường đó là sự bất mãn sâu sắc với hiện trạng, với một xã hội không có khả năng mang lại tương lai cho cả một thế hệ. Chăm chỉ để làm gì khi đến già bạn vẫn không thể có một mái ấm trên đầu, cố gắng làm gì khi triển vọng về một mức lương đủ sống cho bản thân và chuẩn bị cho một gia đình trong tương lai hoàn toàn mù mịt? Thật khôi hài là trong khi đã phải thừa nhận điều đó, bởi vì không ai không nhìn thấy rõ mồn một vậy mà người ta vẫn tiếp tục lên án nó. Ai mới là kẻ trái đạo đức ở đây? Ai mới là kẻ đạo đức giả ở đây?

Vậy là các anh ủng hộ việc mọi người không lao động? Liệu có kẻ ngu ngốc nào sẽ hỏi thế chăng. Thành thực mà nói, những người theo chủ nghĩa Marx xây dựng quan điểm của mình không phải trên cơ sở đạo đức thuần tuý, trừu tượng mà từ quan điểm đấu tranh giai cấp. Tang ping biểu hiện cho sự phản kháng của người lao động chống lại hiện trạng áp bức nhưng, trong hình thức cá nhân, đơn lẻ. Đó là điều khiến cho chúng tôi không lên án nhưng cũng không ủng hộ Tang ping. Trong khi hàng ngàn, chục ngàn người có thể đã và đang tham gia vào phong trào này nhưng hàng triệu người khác vẫn sẽ phải tiếp tục lao động dưới chế độ nô lệ tiền lương, không phải vì bản thần, mà vì gánh nặng gia đình trên vai. Các nhà tư bản và những cái loa đạo đức của họ có thể cảm thấy khó chịu hay hốt hoảng vì sự phản kháng của một vài “kẻ nổi loạn” nhưng chủ nghĩa tư bản sẽ vẫn tiếp tục guồng quay của nó. Nó chỉ dừng lại một khi công nhân hành động không phải như những cá nhân đơn lẻ mà như một phần của một giai cấp cách mạng.

Nếu một ngày nào đó xã hội không còn phân chia thành hai, giữa kẻ áp bức và người bị áp bức, kẻ giàu sang và người đói rách, tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng đạo đức lao động sẽ mang một nội dung rất khác, một mức độ kỷ luật tự thân của những người lao động đang cống hiến hết mình cho một xã hội do chính họ làm chủ. Nhưng tôi không phải là một nhà tiên tri với quả cầu pha lê, hiện thực của đấu tranh giai cấp đang ở trước mắt, và nếu cần phải kêu gọi người lao động tuân theo một giới luật đạo đức nào thì đó chỉ có một, sự đoàn kết tuyệt đối vô điều kiện trong cuộc đấu tranh cho một mức lương tốt, điều kiện phúc lợi và sau chót là tương lai xã hội chủ nghĩa không còn áp bức, bất công.

Hầu hết mọi người thường chấp nhận cái gọi là lẽ thường và cố tránh xa những điều có thể làm xáo trộn cuộc đời họ. Đó là cho đến khi những khi những biến động to lớn không thể tránh khỏi buộc họ phải xem xét lại những ý tưởng và giá trị mà xã hội đã vun đắp cho họ trong suốt cuộc đời. Lẽ thường không phải là bất biến.


Auroral, ngày 2 tháng 2 năm 2022

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận