Cái chết đen: Đại dịch đã thay đổi cả thế giới.
Josh Holroyd, Socialist appeal, ngày 9 tháng 10 năm 2020
Cái chết đen ở thế kỷ XIV đã giáng một đòn chí mạng vào hệ thống phong kiến vốn đã trên đà suy tàn từ trước khi đại dịch bùng phát. Tương tự ngày nay là Đại dịch COVID-19, nó đã tiết lộ sự phá sản của chủ nghĩa tư bản và thực sự là một sự kiện làm thay đổi thế giới. Sự lây lan nhanh chóng và chết chóc mà nó mang lại đã phơi bày không thương tiếc sự bất lực của các chính phủ, đẩy các hệ thống dịch vụ y tế tới điểm sụp đổ và gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất mà chủ nghĩa tư bản từng thấy kể từ những năm 1930 – nếu không muốn nói là chưa từng có.
Trên khắp thế giới, cuộc sống của mọi người đã bị thay đổi đến không thể nhận ra. Khi cú sốc ban đầu bắt đầu tạm lặng, một làn sóng khổng lồ của giận dữ và phản kháng đã bắt đầu tấn công vào hệ thống tư bản và các thể chế của nó. Ở khắp mọi nơi điều có thể cảm nhận được một cách sâu sắc là mọi thứ sẽ không bao giờ giống như trước nữa.
Đối mặt với những sự kiện như vậy, các nhà bình luận một cách tự nhiên hướng mắt tìm kiếm về những thời kỳ lịch sử mà nhân loại đã trải qua. Với nhiều người, sự so sánh gần nhất có thể được tìm thấy không phải ở thời kỳ hiện đại mà ở trận dịch hạch khủng khiếp đã càn quét khắp châu Âu và châu Á trong thế kỷ XIV, giết chết hơn một phần ba dân số châu Âu: Cái chết đen.
Sự tương đồng này vô cùng ý nghĩa – không phải bởi sự tương đồng giữa chúng về sức lây lan và các tác động sinh học, mà vì những hậu quả xã hội to lớn mà những dịch bệnh này mang lại.
Cái chết đen được coi là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu. Nhưng tác động của nó lên xã hội còn vượt xa ngoài thế kỷ XIV. Các quá trình được giải phóng hoặc đẩy nhanh bởi sự tàn phá của dịch bệnh sẽ thay đổi hoàn toàn những quan hệ xã hội, cuối cùng đặt nền móng cho châu Âu hiện đại.
Một sự xem xét thấu đáo về Cái chết đen – và tác động của nó đối với xã hội phong kiến - không phải là một đề tài giới hạn trong học thuật. Bất chấp tất cả những khác biệt trên những vấn đề quan trọng giữa thế kỷ XIV và thế kỷ XXI, chúng vẫn có một điểm chung: cả hai đều là thời khắc chuyển giao, trong đó một trật tự xưa cũ, thối nát bắt đầu sụp đổ trong khi các lực lượng xã hội mới đấu tranh để ra đời.
Cái chết đen là gì?
Cái được biết đến như là Cái chết Đen là một đại dịch gây ra bởi chủng vi khuẩn Yersinia pestis gây chết người, sống trong bụng loài bọ chét ký sinh trên nhiều loài gặm nhấm khác nhau trên khắp châu Á và châu Phi.
Trong khoảng thời gian từ năm 1347 đến năm 1351, đại dịch này đã quét dọc những tuyến đường thương mại của Con đường Tơ lụa từ Trung Quốc sang Trung Đông và châu Âu, giết chết hàng triệu triệu người. Nó còn quay lại định kỳ với quy mô giảm dần cho tới tận thế kỷ XVIII.
Nổi tiếng nhất trong số các chủng này là dịch hạch, sở dĩ nó có tên gọi như vậy là vì những nốt tròn màu đen hình thành do hạch bạch huyết của nạn nhân bị sưng lên. Kết quả là tới 60% những người mắc bệnh bị chết. Chủng này vẫn có thể được tìm thấy còn tồn tại ở một số vùng của Trung Quốc cho đến ngày nay, với một trường hợp nghi ngờ mắc đã được báo cáo ở Nội Mông vào tháng 7 vừa qua.
Tử vong ở thể phổi thậm chí còn cao hơn, bệnh lây truyền trong không khí từ người sang người và gây tử vong trong ít nhất 95% trường hợp. Cuối cùng, thể nhiễm trùng huyết, ít phổ biến hơn nhiều, nhưng tử vong là chắc chắn.
Điều không được nhiều người biết đến là sự xuất hiện của Cái chết Đen vào thế kỷ thứ XIV trên thực tế chỉ là lần thứ hai mà bệnh dịch hạch xuất hiện ở châu Âu. Đại dịch đầu tiên đã tấn công Đế quốc Đông La Mã vào Thế kỷ thứ VI, khi Hoàng đế Justinian đang cố gắng phục hồi lại lãnh thổ phía Tây.
Nó được cho là đã giết chết khoảng một nửa dân số châu Âu vào thời điểm đó, góp phần vào sự suy tàn của Đế chế La Mã phương Đông và đưa châu Âu vào đêm trường Trung cổ.
Thật thú vị khi cần lưu ý rằng sự xuất hiện của cả hai đợt dịch lại trùng khớp với hai trong số những bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử châu Âu: Thứ nhất là sự suy tàn rồi sụp đổ của Đế chế La Mã; và thứ hai là sự suy tàn của chế độ phong kiến.
Không có gì phải hoài nghi rằng cái chết và sự hoảng loạn gây ra bởi đại dịch sẽ làm rung chuyển tới tận nền móng của xã hội, tinh thần, chính trị và kinh tế. Nhưng để hiểu được sự biến đổi diễn ra trong xã hội châu Âu sau sự xuất hiện của Cái chết Đen, chúng ta không thể chỉ nhìn vào yếu tố này. Cần phải hiểu được xã hội đã được tổ chức như thế nào vào thế kỷ XIV; và một cú sốc to lớn từ bên ngoài gây ra bởi đại dịch đã tương tác như thế nào với những động lực bên trong xã hội đó.
Xã hội năm 1347
Điều đầu tiên cần ghi nhớ khi xem xét xã hội châu Âu năm 1347 là nó được tổ chức trên một cơ sở hoàn toàn khác biệt với xã hội tư bản thành thị ngày nay. Phần lớn dân số (lên tới 90% ở Anh) sống và làm việc ở nông thôn. Đơn vị cơ bản của xã hội không thể được tìm thấy trong những nhà máy hay thị trấn (mặc dù cho tới lúc này những thị trấn thời trung cổ đang ngày một thịnh vượng chắc chắn đã tồn tại), mà là trong những thái ấp phong kiến.
Thái ấp về cơ bản là một ngôi làng, nơi mà ‘lãnh chúa của thái ấp’ cho nông dân thuê đất để đổi về một phần nông sản của họ và các lao dịch cưỡng bức trên 'lãnh địa' của vị lãnh chúa, vùng đất mà ông ta trực tiếp nắm giữ. Hình thức bóc lột này, được gọi là chế độ nông nô, đã hình thành nên nền tảng mà trên đó toàn bộ chế độ phong kiến dựa vào.
Dưới chế độ phong kiến, giai cấp quyền lực nhất trong xã hội không phải là các chủ ngân hàng hay các nhà công nghiệp, những kẻ đang cai trị xã hội ngày nay. Giai cấp tư sản công nghiệp đã không thực sự tồn tại ở giai đoạn này. Những kẻ có ít nhiều tương đồng với nó là những thợ thủ công của các phường hội, những người sống và làm việc ở các thành phố. Ngân hàng chỉ tồn tại ở hình thức rất sơ khai. Đám thương nhân là tầng lớp có ảnh hưởng và quyền lực nhất của giai cấp tư sản, nhưng Thời đại hoàng kim của các thương nhân tư bản lúc này vẫn còn chưa ló dạng.
Giai cấp thống trị được tạo thành từ giới quý tộc phong kiến quân phiệt và nhà thờ: “những chiến binh” và “những thầy tu”. Nhưng ngoài việc cầu nguyện và chiến đấu, giới quý tộc còn sở hữu gần như toàn bộ đất đai, ngoại trừ những vùng đất chung của cộng đồng như rừng chẳng hạn, v.v..
Với tư cách là những người nắm giữ tư liệu sản xuất quan trọng nhất lúc bấy giờ – ruộng đất – các thầy tu và quý tộc đương nhiên nắm độc quyền đối với các thể chế chính trị, tri thức và tinh thần của xã hội.
Không hề có giai cấp những người lao động theo như chúng ta nhận diện họ ngày nay. Người lao động hoặc làm việc cho chính họ; hoặc là những nông dân không có tự do làm việc cho lãnh chúa, họ được gọi là 'nông nô' (serf), theo tiếng Latinh 'servus' nghĩa là nô lệ.
Thay cho cuộc đấu tranh giữa những người làm công ăn lương với những ông chủ của họ vì tiền lương, giờ giấc và điều kiện làm việc, cuộc đấu tranh giai cấp ở vùng nông thôn thời phong kiến chủ yếu là cuộc đấu tranh của những người nông nô, cho sự giải phóng khỏi lao động cưỡng bức và giá thuê đất thấp hơn.
Hệ thống này, mặc dù xưa cũ nhưng cho tới nay vẫn chứng tỏ là nó đã đóng một vai trò tiến bộ trong việc đưa châu Âu thoát khỏi Thời kỳ tăm tối. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIII, dân số châu Âu đã tăng khoảng gấp ba lần lên tới khoảng 80 triệu người – mức cao nhất trong gần 1.000 năm.
Nội thương, trong Thời kỳ tăm tối gần như mất dạng ở châu Âu, nay đã bắt đầu tái xuất hiện cùng với những thị trấn trung cổ và giới thị dân. Cùng với đó, ngoại thương với châu Phi và châu Á thêm khởi sắc. Nhưng số phận dường như trớ trêu, chính sự mở rộng thương mại này đã khiến cho bệnh dịch nhanh chóng lây lan vào và ra khắp lục địa.
Giới hạn của chế độ phong kiến
Tuy nhiên, không có một hệ thống xã hội nào có khả năng phát triển xã hội mãi được. Đến một lúc nào đó, những quan hệ xã hội từng đóng vai trò kích thích cho sự tiến bộ và phát triển lại trở thành những gông cùm kìm hãm sự phát triển hơn nữa. Xã hội phong kiến đã đạt đến điểm này từ trước cả khi bệnh dịch xảy ra.
Đến đầu thế kỷ XIV, chế độ phong kiến đã đạt đến giới hạn của nó. Việc mở rộng canh tác – vốn đã thúc đẩy sản xuất và tăng dân số trong thời kỳ trước – giờ đã chững lại. Do đó, trong khi dân số tăng thặng dư lương thực bắt đầu giảm. Năng suất lao động vốn không thể bắt kịp lại còn bị kìm hãm bởi sự hạn chế sản xuất của thái ấp và thói phung phí của các lãnh chúa.
Đa số nông dân đã nghèo lại ngày càng nghèo thêm trước sự hà khắc không ngừng tăng của các lãnh chúa. Một nạn đói khủng khiếp trên toàn châu Âu – được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu – xảy ra vào năm 1307, giết chết từ 10-25% dân số.
Tệ hơn nữa là nông dân đã hết đất. Không còn mảnh đất để khai phá, trong mỗi gia đình một số con trai thứ bị bỏ mặc mà không có tài sản thừa kế, sinh kế của họ bị tước đoạt và điều này đã mở đường cho một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc. Robert Gottfried, trong cuốn sách của mình, Cái chết đen, đã nhận xét:
“Có thể nói là trước đây, nông dân đã được bảo đảm quyền, làm một nông dân; sau năm 1250, điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Hệ thống quản lý cũ đã sụp đổ, và các lãnh chúa, những kẻ mà giờ đây dường như không thực sự thu thêm được nhiều lợi ích, vẫn đang ngày một giàu có thêm”.
Những dòng này làm gợi nhớ đến những gì mà Marx và Engels đã viết trong Tuyên ngôn Cộng sản : rằng xã hội không còn có thể tồn tại mãi dưới chế độ tư sản, “bởi vì nó đã không còn đủ khả năng để đảm bảo cho sự tồn tại của nô lệ của nó như là một nô lệ”. Trật tự cũ đã hoàn toàn ốm yếu. Bệnh dịch đã làm cho căn bệnh này trở nên hữu hình và khủng khiếp.
Bệnh dịch hạch tấn công
Bệnh dịch được cho là xuất hiện lần đầu tiên ở sa mạc Gobi vào những năm 1320. Được đưa đến bởi các thương nhân và kỵ sĩ Mông Cổ trên khắp lục địa Âu-Á, nó đến Trung Quốc vào những năm 1330 và giết chết khoảng một phần tư dân số.
Nó sau đó lan tới phía Tây, với một biên niên sử tuyên bố: “Ấn Độ đã bị suy giảm dân số; Tartary, Mesopotamia, Syria, Armenia đầy xác chết; người Kurd chạy trốn lên núi trong vô vọng”.
Cũng giống như đại dịch COVID-19 ngày nay, quốc gia châu Âu đầu tiên bị tấn công là nước Ý. Các thương nhân Genova – buôn bán dọc theo bờ Biển Đen – đã vô tình lây bệnh và mang nó về nhà, cũng như đến phần còn lại của Địa Trung Hải. Từ đây, nó nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu Cơ đốc giáo và thế giới Hồi giáo.
Cairo là một trong những thành phố lớn nhất thế giới vào thời điểm đó và cũng là nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Vào đỉnh điểm của đại dịch, số người chết hàng ngày ở Cairo lên tới 7.000 người. Tình trạng khan hiếm quan tài đồng nghĩa với việc nhiều người đã được chôn cất trong những ngôi mộ tập thể, hệt như những cảnh mà chúng ta đã chứng kiến ở New York hồi đầu năm nay.
Nhà thông thái và cũng là nhà sử học nổi tiếng, Ibn Khaldun, người mất cả cha lẫn mẹ vì bệnh dịch, ở thời điểm đó đã viết:
“Nền văn minh ở cả phương Đông và phương Tây đã bị một trận dịch hạch hủy diệt viếng thăm, thứ đã tàn phá các quốc gia và xóa sổ dân cư. Nó đã nuốt chửng nhiều thứ tốt đẹp của nền văn minh, xóa sổ chúng…
“Cứ như thể tiếng gọi của sự sống trên thế giới triệu gọi sự lãng quên và bó hẹp và thế giới đã đáp lại lời kêu gọi của nó.”
Vào cuối đại dịch, chỉ riêng Cairo đã có 200.000 người chết vì dịch bệnh – nhiều hơn tổng dân số của hầu hết mọi thành phố Cơ đốc giáo vào thời điểm đó. Quy mô tàn phá khủng khiếp đến nỗi nhiều thành phố ở cả phương Tây và phương Đông sẽ không thể nào phục hồi được dân số trước bệnh dịch cho tới tận cuối thế kỷ XVI.
Tuyệt vọng
Không khó để tưởng tượng nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng bao trùm lên xã hội khi đối diện với những cảnh tượng như thể ngày tận thế, dường như họa vô đơn chí giáng xuống đầu nhân loại. Không có biện pháp thông thường nào để tránh và điều trị bệnh – chẳng hạn như tắm – cung cấp ít nhiều sự bảo vệ chống lại bệnh dịch. Y học thấy mình hoàn toàn bất lực trước sự lây lan của dịch bệnh.
Bệnh dịch cũng phơi bày sự thối nát của nhà thờ, nơi mà sự che chở về tâm linh đã được chứng minh là hoàn toàn bất lực trước một tai họa mà với nhiều người dường như là dấu hiệu rõ ràng về cơn thịnh nộ của Chúa.
Có nhiều trường hợp các linh mục địa phương cố chạy trốn để thoát khỏi bệnh dịch, bỏ lại đám con chiên của họ không nơi nương tựa, và thậm chí không có sự an ủi trước thời khắc cuối cùng. Điều này gây ra sự hoài nghi rộng rãi đối với nhà thờ chính thống – mặc dù không phải là với Cơ đốc giáo hay tôn giáo nói chung – và làm phát sinh ra nhiều phong trào tôn giáo mới.
Một trong những phong trào như vậy là các giáo phái flagellant (những kẻ tự hành xác), lan rộng khắp châu Âu và đặc biệt mạnh mẽ trong thế giới nói tiếng Đức và Hà Lan.
Những tín đồ flagellant sẽ đi lang thang từ thị trấn này sang thị trấn khác theo nhóm từ 50 đến 300 người trong 33 ngày rưỡi, tượng trưng cho thời kỳ mà Chúa Kitô phục sinh trên Trái đất. Trong thời gian đó, họ bị cấm nói chuyện, tắm rửa hoặc ngủ trên giường mềm. Và khi đến một thị trấn, họ sẽ quỳ xuống đất và tự quất mình để chịu tội thay cho lỗi lầm của nhân loại, hy vọng rằng điều này sẽ giúp chấm dứt bệnh dịch.
Trong giai đoạn đầu của phong trào này, sự xuất hiện của một nhóm flagellant thường được cư dân hoan nghênh nhiệt liệt, những người đã coi họ như một biện pháp bảo vệ tâm linh chân chính chống lại bệnh dịch – trái ngược với nhà thờ chính thống, vốn đã bị mất uy tín rộng rãi. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, phong trào bắt đầu bị thu hẹp theo dòng giai cấp.
Dưới ảnh hưởng của quần chúng nghèo, những người đã tăng lên trong hàng ngũ, phong trào bắt đầu mang hình thức của một loại giáo phái cách mạng. Nhiều tín đồ flagellant tin rằng cựu Hoàng của đế chế La Mã Thần thánh, Frederick Barbarossa, sẽ phục sinh, đánh đuổi các giáo sĩ và buộc người giàu kết hôn với người nghèo, và sau đó chính Chúa Kitô sẽ trở lại Trái đất.
Những ý tưởng này trước hết đã bị hắt hủi bởi các quý tộc, sau đến các nhà tư sản đáng kính, và cuối cùng là những người nông dân khá giả hơn. Theo thời gian, phong trào suy giảm xuống đến các tầng lớp nghèo nhất và cơ cực nhất của xã hội. Khi đã bị cô lập, những tín đồ flagellant còn sót lại dễ dàng bị nhà nước nghiền nát.
Một sản phẩm khác của sự tuyệt vọng nảy sinh trong bệnh dịch là làn sóng Pogrom chống lại người Do Thái trên khắp châu Âu, thứ vốn chiếm một tỷ lệ khủng khiếp trong thời kỳ này. Ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các thị trấn, người Do Thái bị buộc tội cố ý truyền bá bệnh dịch hoặc đầu độc các giếng. Kết quả là hàng ngàn người đã bị thảm sát.
Giáo hội và chính quyền phong kiến thực sự đã thực hiện những bước ít nhiều để bảo vệ người Do Thái, bác bỏ những cáo buộc chống lại họ. Nhưng điều này chẳng giúp được gì để ngăn chặn làn sóng tắm máu. Cuối cùng, điều này đã kích động một cuộc di cư lớn của người Do Thái sang phía Đông để trốn chạy cuộc đàn áp và đặc biệt là đến Ba Lan, nơi họ được Vua Casimir III đón mời định cư.
Khủng hoảng kinh tế
Thêm vào sự khủng hoảng sâu sắc về tâm lý và đạo đức do nạn dịch hạch gây ra là sự bế tắc của nền kinh tế phong kiến. Điều này gây ra một cuộc khủng hoảng dữ dội và kéo dài cho giai cấp thống trị, vốn sẽ bị phân rẽ nghiêm trọng.
Một chỉ báo tốt về quy mô của cuộc khủng hoảng có thể được tìm thấy ở Anh, nơi bệnh dịch hạch lần đầu tiên đến vào tháng 9 năm 1348. Tại thái ấp Cuxham, gần Oxford, thuộc sở hữu của Đại học Merton danh tiếng, sự sụt giảm đáng kể dân số đã khiến cho đất đai của trường không có người để canh tác. Điều này gây ra sự sụt giảm giá thuê trên diện rộng, ảnh hưởng đến thu nhập của thái ấp. Và cùng với đó, những người làm công hưởng lương cũng có được công việc theo thời vụ với mức lương cao hơn.
Cú đánh kép này – trong bối cảnh nhu cầu và giá các loại cây lương thực chính như lúa mì đều giảm – đã cắt giảm vĩnh viễn "lợi nhuận" của thái ấp. Số tiền này đã giảm từ mức trung bình 40 bảng mỗi năm hồi 1349 xuống dưới 11 bảng vào những năm 1354-55, năm đầu tiên sau Cái chết đen mà trong đó bất kỳ khoản lợi nhuận nào đều được ghi lại.
Nhìn chung, thu nhập của tầng lớp quý tộc phong kiến trên khắp nước Anh theo ước tính đã giảm hơn 20% trong khoảng thời gian từ năm 1347 đến năm 1353. Cùng với sự sụp đổ của hệ thống quản lý, tỷ lệ tử vong cao cũng khiến nhiều gia đình quý tộc thiếu nam thừa tự, điều có nghĩa là nhiều gia đình vĩ đại trước đây chỉ đơn giản là thu hẹp xuống thành không còn gì.
Cuộc khủng hoảng sâu sắc của giai cấp thống trị cũng đi kèm với sự khởi đầu của cái được biết đến là ‘kỷ nguyên vàng son của những người lao động’. Đến năm 1349, tiền công trong nhiều thái ấp đã tăng gấp đôi. Tại thái ấp Cuxham,vào năm 1350 một người thợ cày được trả 10 shilling 6 xu cho công việc mà lẽ ra anh ta chỉ kiếm được 2 shilling vào năm 1347. Những người lao động bình thường thậm chí còn được thưởng thức bữa trưa với “bánh thịt và bia nấu” bên cạnh mức lương cao hơn.
Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ trong các điều kiện và quyền lợi của không những người làm công mà còn cả toàn thể giai cấp nông dân.
Sự sẵn có trên quy mô lớn của đất đai và giá thuê thấp đồng nghĩa với việc nông dân dễ dàng dịch chuyển nhiều hơn trước đây. "Thoải mái chọn chốn dung thân" trở nên khả thi với người nông dân, họ bỏ lại lãnh chúa của mình để đến với những kẻ khác có giá thuê thấp hơn và ít hạn chế hơn. Chế độ nông nô trong bối cảnh này vừa là không thể vừa là phi lý.
Phản động và cách mạng
Giai cấp thống trị, không có gì đáng ngạc nhiên, đã nhanh chóng hành động trong nỗ lực níu lại những 'trạng thái bình thường' cũ. Năm 1349, Edward III ban hành Điều lệ Lao động, mưu toan ấn định lại mức lương ở mức trước năm 1348, nhưng không đi tới đâu.
Giáo hội, biết mặt nào của bánh mì có bơ, đã cùng tham gia với địa chủ vào cuộc thập tự chinh nhằm chống lại bánh và bia của những người lao động. Vào năm 1350, Tổng Giám mục Canterbury đã ban hành bài giảng effrenata cupiditas (Lòng tham vô độ), nhằm lên án ‘lòng tham’ của những người đòi trả công thêm cho những công nhật bình thường.
Một cuộc xung đột rõ ràng và hiển nhiên về lợi ích như vậy giữa các lãnh chúa và quần chúng nông dân bình thường nhất định sẽ gây ra phản ứng dữ dội. Những người nông dân và người làm công ngày càng nhận ra rằng các lãnh chúa không hơn gì đám ký sinh chỉ tồn tại được nhờ tiêu thụ sức lao động của họ. Họ không có ý định từ bỏ những thành quả mà họ đã đạt được trong những năm bệnh dịch khốn cùng đó.
Mặt khác, hiện trạng này là không thể chấp nhận được đối với giai cấp thống trị. Không chỉ tiền lương tăng và tiền thuê nhà giảm làm họ không có tiền mà bỏ túi, mà việc dỡ bỏ nhiều hạn chế và lao dịch cưỡng bách khỏi vai người nông dân còn đe dọa tiềm tàng tới sự tồn tại của thái ấp của họ – nó đe dọa đảo lộn hoàn toàn cái trật tự xã hội mà trên đó bọn họ ngự trị.
Trong nhiều thập kỷ, giới quý tộc cầm quyền đã cố gắng trong phẫn uất để giật lại những lợi ích mà đám thường dân đã giành được, đồng thời phục hồi lại chế độ nông nô. Tại Anh, nhà vua đã ban hành Thuế theo đầu người khét tiếng vào năm 1377, thuế được áp đặt đối với mọi người trưởng thành trong vương quốc.
Mức thuế này còn được tăng thêm hai lần nữa, vào năm 1378 và 1381, đặt gánh nặng lên các gia đình nông dân đến nỗi nhiều người phải cáo buộc nhà vua đang cố gắng khôi phục chế độ nông nô. Nhà truyền giáo cấp tiến, John Wycliffe, đã lên án thuế này và tuyên bố: “Bằng cách này, các lãnh chúa đang ăn và uống máu của những kẻ nghèo hèn.”
Năm 1381, nông dân ở Essex từ chối nộp thuế, do đó đã châm ngòi cho nổi dậy nông dân. Một nông dân giàu có tên là Wat Tyler dẫn đầu một đội quân đến London với tuyên bố “giết hết thảy đám làm luật và bọn hầu cận của đức vua”.
Một nhà lãnh đạo khác của cuộc nổi dậy, một linh mục thất nghiệp tên là John Ball đã kêu gọi “mọi thứ thành của chung, và như thế tất cả chúng ta có thể đoàn kết lại với nhau và không phải đám lãnh chúa mà chúng ta mới là người chủ vĩ đại”. Ông đã giảng giải cho những người nổi loạn:
“When Adam delved and Eve span,
Who then was the gentleman?”
Tinh thần bình đẳng này sau đó sẽ được tiếp thu bởi các Diggers trong cuộc Cách mạng Anh, bộ phận cấp tiến nhất trong các lực lượng cách mạng của Cromwell.
Khi quân nổi dậy đến sông Thames tại Southwark, quần chúng London đã hạ cây cầu và giúp họ chiếm thành phố. Đây có thể coi là một ví dụ đầu tiên về liên minh giữa giai cấp tư sản và nông dân, thứ sẽ đóng một vai trò quan trọng tương tự trong các cuộc cách mạng tương lai ở Anh và Pháp. Sau khi chiếm được Tháp London, quân nổi dậy thậm chí còn chặt đầu gã Tổng giám mục đáng ghét của Canterbury.
Sau đó quân nổi dậy tiến hành cướp phá các ngôi nhà và dinh thự sang trọng của giới quý tộc dọc theo phố Fleet. Nhưng họ hầu như không trộm gì từ khối tài sản khổng lồ của kẻ thù, họ tuyên bố mình là “những người nhiệt thành cho sự thật và công lý chứ không phải lũ trộm cướp”. Do vậy, đồ đạc và trang sức của giai cấp thống trị bị ném xuống sông hoặc thiêu rụi.
Vị vua trẻ tuổi Richard II buộc phải nhượng bộ trước yêu cầu của quân nổi dậy, hứa hẹn sẽ chấm dứt chế độ nông nô, giá đất rẻ và tự do thương mại. Nhưng một khi những kẻ nổi loạn đã tỏ ra hài lòng và lên đường về nhà, ông ta đã giết sạch họ.
Mặc dù cuộc nổi dậy cuối cùng đã bị đánh bại, chế độ nông nô không bao giờ quay trở lại Anh. Và sẽ không có khoản thuế đầu người nào được thu lại ở Anh cho đến thử nghiệm bệnh hoạn của Thatcher vào năm 1989 – với kết quả tương tự.
Sự chuyển tiếp
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của cuộc Khởi nghĩa Nông dân. Sự kết thúc của chế độ nông nô đã đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến. Trật tự cũ đang chết dần, nhưng một trật tự mới vẫn chưa ra đời. Đó là một thời kỳ chuyển tiếp; “thời của những con quái vật” như Gramsci phát biểu. Và hiếm có điều gì trong lịch sử lại quái dị như Cái chết đen.
Những biến chuyển ngày càng mạnh mẽ và được đẩy nhanh hơn nữa bởi Cái chết đen tiếp tục biến đổi toàn xã hội trong suốt thế kỷ XIV và XV. Cuối thời Trung cổ đã trở thành kỷ nguyên của tầng lớp nông dân độc lập giàu có. Trong khi đó, tầng lớp quý tộc phong kiến hoặc không còn tồn tại hoặc tiếp tục suy tàn kiệt quệ trong Cuộc chiến Hoa hồng.
Dần dần, các triều đại phong kiến cũ được thay thế bởi một tầng lớp địa chủ mới – thường là những thương nhân, những kẻ đã dùng tiền để mua danh vào giới quý tộc, những kẻ tập trung vào việc kiếm tiền nhiều hơn là giữ tinh thần hiệp sĩ cổ xưa của những người tiền nhiệm.
Ở cấp độ nhà nước, các chức năng văn thư và quan liêu khác nhau mà phần lớn được thực hiện bởi các linh mục trước bệnh dịch ngày càng được đảm nhiệm bởi một tầng lớp tư sản có học, các trạng sư, v.v…
Mối quan hệ mới này giữa chế độ quân chủ phong kiến và giai cấp tư sản ở thành thị chỉ một phát triển mạnh mẽ hơn khi chế độ quân chủ ngày một tập trung hơn và phụ thuộc vào tiền từ các thương gia giàu có, như gia đình de la Pole ở Hull.
Những thay đổi này, diễn ra dần dần, cuối cùng sẽ sinh ra chế độ quân chủ chuyên chế dưới thời Tudor, điều sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Mặc dù tới thế kỷ XVI, các lãnh chúa sẽ có dịp phục thù lại những nông dân tự do và những người làm công được ăn uống đầy đủ ở Anh, nhưng trật tự cũ của năm 1347 đã không bao giờ trở lại. Thay vì buộc người nông dân làm việc cho mình, giai cấp địa chủ mới nổi đã tước đoạt ruộng đất của những người nông dân nghèo hơn và biến chúng thành những đồng cỏ để phục vụ cho thị trường len.
Cuộc cách mạng bạo lực ở nông thôn này đã khai sinh ra tư bản nông nghiệp. Đồng thời tạo ra một tầng lớp những người khốn khổ không xu dính túi, những người cuối cùng sẽ bị đẩy vào các xưởng và nhà máy của thời đại Cách mạng Công nghiệp để trở thành giai cấp công nhân hiện đại.
Ngày hôm nay
Sự tương đồng giữa Cái chết Đen và ngày nay rất nổi bật. Tác động chết người của đại dịch COVID-19 – mặc dù vẫn gây sốc – rất may là không lớn bằng Cái chết đen. Tuy nhiên, cả hai đại dịch đều tấn công vào các hệ thống xã hội và đẩy chúng đến giới hạn cuối cùng, mở ra những cuộc khủng hoảng sẽ đe dọa lật đổ trật tự hiện có.
Cái chết đen không gây ra cuộc khủng hoảng cho chế độ phong kiến, nó đã bắt đầu từ hàng thập kỷ trước khi vi khuẩn yersinia pestis thoát khỏi sa mạc Gobi. Tương tự như vậy, COVID-19 đã không gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại của chủ nghĩa tư bản.
Tuy nhiên, cả hai đều là những cú sốc to lớn từ bên ngoài, có tác dụng làm phơi bày và gia tăng mọi mâu thuẫn đang phát triển dưới bề mặt xã hội. Cả hai đều là những ‘tai nạn’ lịch sử, thứ cho thấy một dấu hiệu mạnh mẽ cho sự cần thiết của quét dọn lịch sử.
Nhưng những điểm tương đồng không dừng lại ở đó. Giống như ở thế kỷ XIV, giai cấp thống trị sẽ tìm mọi cách có thể để khôi phục lại vị thế và đặt gánh nặng lên lưng giai cấp công nhân thông qua thắt lưng buộc bụng và đàn áp. Tuy nhiên, cũng giống như thế kỉ XIV, các cuộc nổi dậy hàng loạt để kháng cự lại cuộc tấn công dữ dội này cũng là điều không thể tránh khỏi.
Không thể trở lại 'bình thường'. Như trước đây, trật tự cũ đang chết dần và cố kéo nhân loại xuống mồ cùng nó. Nhưng ngày nay, một trật tự mới đã sẵn sàng thay thế cho cái cũ, và đang đấu tranh để ra đời. Các cuộc đấu tranh nổ ra ngày nay – như cuộc đấu tranh của Black Lives Matter – là những chấn động ban đầu cho sự trỗi dậy cách mạng của giai cấp công nhân.
Những người công nhân ngày nay là hậu duệ của những người nông dân đã nổi dậy vào năm 1381, những người đã giành được tự do cho mình chỉ để truyền lại nó cho các thế hệ đi sau. Trong cuộc chiến chống lại tư bản, chúng ta sẽ kế tục cuộc đấu tranh của họ, thực hiện tầm nhìn của John Ball – rằng không còn lãnh chúa hay chủ nhân, và tất cả mọi người đều đáng được sống tự do và bình đẳng. Nhưng, lần này chúng ta nhất định sẽ hoàn thành nó!