Góp phần phê phán khoa kinh tế – chính trị (1859) – Chương II – Lưu ý B
*Mục lục:
Lưu ý A. Ghi chú lịch sử về phân tích hàng hóa
Chương II: Tiền tệ hoặc Lưu thông đơn giản
Lưu ý B. Các lý thuyết về tiêu chuẩn tiền tệ
2. Phương tiện trao đổi
c) Tiền đúc và ký hiệu giá trị
3. Tiền tệ
Lưu ý C. Các lý thuyết về phương tiện lưu thông và tiền tệ
CHƯƠNG II. TIỀN TỆ, HAY LƯU THÔNG GIẢN ĐƠN
Ghi chú B. CÁC HỌC THUYẾT VỀ ĐƠN VỊ THƯỚC ĐO CỦA TIỀN TỆ
Do việc hàng hóa dưới hình thái giá cả chỉ được chuyển hóa thành vàng trên ý niệm và do đó vàng chỉ chuyển hóa thành tiền trên ý niệm, nên đã sinh ra học thuyết đơn vị thước đo tiền tệ trên ý niệm. Vì trong việc xác định giá cả, vàng và bạc chỉ là vàng và bạc trên ý niệm, chỉ làm chức năng tiền tệ để tính toán, nên người ta đã cho rằng các chữ pao [pound — B. T.] xtéc-linh [sterling — B. T.], si-linh [shilling — B. T.], pen-ni [penny — B. T.], ta-le [thaler — B. T.], phrăng [franc — B. T.], v. v., không phải để chỉ những phần trọng lượng vàng hay bạc, hay là chỉ lao động đã vật hóa bằng một cách nào đó, mà trái lại, chỉ những nguyên tử giá trị trên ý niệm. Vậy nếu giá trị của một ôn-xơ [ounce — B. T.] bạc đã tăng lên chẳng hạn, thì nó sẽ bao hàm nhiều nguyên tử ấy hơn, và do đó, sẽ phải được đánh giá và được đúc thành một số lượng si-linh lớn hơn. Học thuyết này lại được truyền bá trong thời gian cuộc khủng hoảng thương nghiệp gần đây ở nước Anh và thậm chí còn được bảo vệ trước nghị viện trong hai bản báo cáo đặc biệt đính theo bản báo cáo của Uỷ ban Ngân hàng năm 1858, nhưng nó đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVII. Khi vua William III lên ngôi ở Anh, giá cả tiền tệ của một ôn-xơ bạc là 5 si-linh 2 pen-ni, hay 1/62 của một ôn-xơ bạc được gọi là một pen-ni và 12 pen-ni được gọi là một si-linh. Căn cứ theo tiêu chuẩn đó, một cục bạc có trọng lượng 6 ôn-xơ chẳng hạn được đúc thành 31 đồng tiền mang danh hiệu si-linh. Nhưng giá cả thị trường của một ôn-xơ bạc lại tăng cao hơn giá cả tiền tệ của nó, từ 5 si-linh 2 pen-ni lên tới 6 si-linh 3 pen-ni; và muốn mua một ôn-xơ bạc nguyên chất cần phải trả 6 si-linh 3 pen-ni. Nếu giá cả tiền tệ chỉ là một danh hiệu để tính toán của những phần nhỏ bằng nhau của một ôn-xơ bạc, thì làm sao giá cả thị trường của một ôn-xơ bạc lại có thể vượt quá giá cả tiền tệ của nó? Điều bí ẩn đó dễ giải đáp thôi. Trong số 5600000 p.xt. đồng tiền bằng bạc đang lưu hành lúc đó, thì bốn triệu pao là gồm những đồng tiền đã mòn và bị cắt xén đi. Một cuộc kiểm tra đã cho biết rằng 57200 p.xt. tiền đúc bằng bạc đáng phải cân nặng 220000 ôn-xơ thì lại chỉ cân nặng có 141000 ôn-xơ. Sở đúc tiền vẫn đúc tiền theo tiêu chuẩn như cũ, nhưng các đồng si-linh nhẹ hơn đang thực tế nằm trong lưu thông lại đại biểu cho những phần nhỏ bằng nhau bé hơn của một ôn-xơ, ít hơn là theo tên gọi của chúng. Vậy trên thị trường người ta phải trả cho một ôn-xơ bạc chưa đúc bằng một số lượng si-linh nhiều hơn, vì những si-linh này có trọng lượng ít hơn. Khi có quyết định đúc lại tất cả các đồng tiền sau một sự rối loạn xẩy ra như vậy, secretary to the treasury [Bộ trưởng Tài chính] Lowndes đã khẳng định rằng giá trị của một ôn-xơ bạc đã tăng lên và vì vậy từ nay một ôn-xơ bạc phải được đúc thành 6 si-linh 3 pen-ni chứ không phải 5 si-linh 2p, như trước nữa. Như vậy, trên thực tế ông ta đã khẳng định rằng, vì giá trị của một ôn-xơ đã tăng lên nên giá trị của các phần nhỏ bằng nhau của nó đã giảm xuống. Nhưng lý luận sai lầm của Lao-xơ chỉ để che giấu một mục tiêu thực tiễn đúng đắn mà thôi. Những món nợ của nhà nước đã vay theo những đồng si-linh nhẹ, có lẽ nào lại phải trả bằng những si-linh nặng? Lẽ ra phải nói rằng: anh hãy trả lại 4 ôn-xơ bạc cho số 5 ôn-xơ mà anh đã nhận được trên danh nghĩa, mà thực tế thì chỉ là 4 ôn-xơ thôi, thì ông ta nói ngược lại: hãy trả 5 ôn-xơ trên danh nghĩa, nhưng giảm hàm kim lượng của 5 ôn-xơ đó xuống còn 4 ôn-xơ thôi, và cái mà cho tới nay vẫn gọi là 4/5 si-linh, thì anh hãy gọi nó là một si-linh. Như vậy, trên thực tiễn Lowndes nắm lấy hàm kim lượng, còn về mặt lý thuyết thì lại nắm lấy cái danh hiệu để tính toán. Ngược lại, những người phản đối ông ta — những người này chỉ nắm lấy cái danh hiệu để tính toán, do đó, họ tuyên bố rằng một si-linh đã mất từ 25 – 50% trọng lượng là một si-linh có trọng lượng bình thường, — lại cho rằng họ chỉ chú ý tới hàm kim lượng mà thôi. John Locke, người bảo vệ giai cấp tư sản mới dưới mọi hình thức của nó, bảo vệ các nhà công nghiệp chống lại công nhân và dân nghèo, bảo vệ các thương gia chống lại bọn cho vay nặng lãi theo kiểu cũ, bảo vệ bọn quý tộc tài chính chống lại những con nợ của nhà nước, thậm chí ông ta còn chứng minh trong một tác phẩm rằng lý trí tư sản là lý trí bình thường của loài người, — chính John Locke cũng đã chấp nhận sự thách thức của Lowndes. John Locke thắng, và tiền vay theo 10 hay 14 si-linh một ghi-nê [guinea — B. T.] phải trả lại theo 20 si-linh một ghi-nê1). Huân tước James Steuart tả lại toàn bộ câu chuyện kinh doanh ấy một cách mỉa mai như sau:
"Chính phủ đã kiếm được rất nhiều lợi về các khoản thuế, các chủ nợ vớ bở về tư bản và lợi tức, còn nhân dân — kẻ duy nhất bị lừa đảo — cũng vui vẻ bởi vì Standard (tiêu chuẩn giá trị của bản thân họ) của họ không hề bị giảm xuống"2).
Steuart nghĩ rằng thương nghiệp càng phát triển lên, thì nhân dân sẽ càng sáng suốt hơn. Ông ta đã nhầm. Vào khoảng 120 năm sau đó, một quid pro quo [sự nhầm lẫn] như vậy lại xảy ra.
Linh mục Berkeley, kẻ đại diện cho chủ nghĩa duy tâm thần bí trong triết học Anh, đã đem lại cho học thuyết về đơn vị đo tiền tệ trên ý niệm một tính chất lý luận, tức là đã làm điều mà ông "bộ trưởng quốc khố" có óc thực tiễn đã bỏ qua. Ông ta hỏi:
"Sao lại không nên coi các danh hiệu pao, pao xtéc-linh, cua-ron v. v. là những danh hiệu tỷ lệ đơn thuần (nghĩa là tỷ lệ bản thân giá trị trừu tượng)? Phải chăng vàng, bạc, hoặc tiền giấy, có gì khác hơn là những tờ phiếu hay ký hiệu để tính toán, ghi chép và kiểm soát (các tỷ lệ giá trị đó)? Cái quyền lực cho phép chi phối hoạt động công nghiệp của những kẻ khác (lao động xã hội), đó chẳng phải là của cải hay sao?
Và trên thực tế đồng tiền có phải là cái gì khác hơn một con tem hay một dấu hiệu để chuyển dịch và ghi chép cái quyền lực đó, và việc những con tem đó làm bằng vật liệu gì há lại có một tầm quan trọng lớn đến thế ư?"3).
Ở đây có một sự lẫn lộn, một mặt, giữa thước đo giá trị với tiêu chuẩn giá cả, và mặt khác, giữa vàng hay bạc với tư cách là thước đo giá trị, giữa vàng hay bạc với tư cách là phương tiện lưu thông. Do chỗ các kim loại quý có thể thay thế được bằng những ký hiệu trong hành vi lưu thông, nên Berkeley kết luận rằng các ký hiệu đó cũng không đại biểu cho cái gì cả, nghĩa là chúng chỉ đại biểu cho cái khái niệm giá trị trừu tượng mà thôi.
Học thuyết về đơn vị đo tiền tệ trên ý niệm đã được ông James Steuart phát triển một cách đầy đủ đến mức các môn đệ của ông ta — các môn đệ không có ý thức bởi vì họ không biết đến James Steuart chẳng tìm được một công thức nào mới, thậm chí cũng chẳng tìm được một ví dụ nào mới cả. Ông ta nói:
"Tiền tệ để tính toán chẳng qua là một tiêu chuẩn tuỳ tiện với những phần bằng nhau, được phát minh ra để đo lường giá trị tương đối của các vật cần bán. Tiền tệ để tính toán khác hẳn với tiền đúc (money coin), tức là giá cả4); tiền tệ để tính toán có thể tồn tại được ngay cả khi trên thế giới không có một thực thể nào làm vật ngang giá theo tỷ lệ cho tất cả mọi hàng hóa. Đối với giá trị của các đồ vật, tiền tệ để tính toán cũng đảm nhiệm cái chức năng giống như là độ, phút, giây v. v., đối với các giác độ hoặc các tỷ lệ xích đối với các bản đồ địa lý v. v.. Trong tất cả các sự phát minh đó, bao giờ một tên gọi nào đó cũng được dùng làm đơn vị. Vì ích lợi của tất cả các quy định đó chỉ là chỉ rõ tỷ lệ, nên ích lợi của đơn vị tiền tệ cũng chỉ như vậy mà thôi. Cho nên đơn vị tiền tệ không thể đại biểu cho một tỷ lệ nhất định, không thay đổi, so với bất kỳ một phần nào đấy của giá trị, nghĩa là đơn vị tiền tệ không thể được cố định ở trong một số lượng vàng, bạc nhất định nào đó, hay trong một số lượng hàng hóa nào khác nhất định. Một khi đã xác định được đơn vị đó rồi, thì chúng ta có thể dùng phép nhân để tìm ra giá trị lớn nhất. Vì giá trị của hàng hóa phụ thuộc vào toàn bộ các hoàn cảnh có ảnh hưởng tới hàng hóa, cũng như phụ thuộc vào sở thích hay thay đổi của con người, cho nên phải coi giá trị các hàng hóa chỉ thay đổi trong mối quan hệ lẫn nhau giữa chúng mà thôi. Tất cả những gì vi phạm và gây lầm lẫn trong việc dùng một tiêu chuẩn chung nhất định và không thay đổi để quy định một cách chính xác những sự biến đổi của các tỷ lệ tất nhiên cũng sẽ ảnh hưởng tai hại tới thương nghiệp. Tiền chỉ là một tiêu chuẩn trên ý niệm có những phần phân chia bằng nhau. Nếu người ta hỏi tôi rằng cái gì phải được dùng làm đơn vị đo giá trị của một trong những phần như vậy, thì tôi trả lời bằng câu hỏi khác: vậy thì lượng bình thường của một độ, một phút, một giây là bao nhiêu? Chúng chẳng có cái lượng bình thường nào, nhưng một khi người ta đã xác định được một bộ phận nào đấy thì, theo bản chất của tiêu chuẩn, tất cả những phần còn lại phải được tính theo bộ phận đó. Ví dụ về loại tiền tệ trên ý niệm ấy là tiền ngân hàng ở Amsterdam và tiền ở Angola, trên bờ biển châu Phi"5).
Steuart chỉ hạn chế ở những biểu hiện của tiền tệ trong lưu thông với tư cách là tiêu chuẩn giá cả và là tiền tệ để tính toán. Nếu theo thị giá, giá cả của những hàng hóa khác nhau được tính là 15 si-linh, 20 si-linh, 36 si-linh, thì khi so sánh lượng giá trị của chúng, thực tế tôi chẳng hề quan tâm tới hàm lượng bạc của si-linh cũng như không quan tâm tới cái tên gọi của nó. Tỷ lệ giữa các con số 15:20:36 giờ đây nói lên tất cả và con số 1 đã trở thành đơn vị đo lường duy nhất. Biểu hiện thuần túy trừu tượng của tỷ lệ nói chung chỉ là bản thân cái tỷ lệ trừu tượng của các con số. Vì vậy, để cho được triệt để, Steuart không những không thể nói đến vàng và bạc mà còn phải không nói đến danh hiệu tiền đúc do pháp luật quy định nữa. Không hiểu sự chuyển hóa của thước đo giá trị thành tiêu chuẩn giá cả, nên tất nhiên Steuart cho rằng một số lượng vàng nhất định dùng làm đơn vị thước đo, đã được đem so sánh — với tư cách là thước đo — không phải với những lượng vàng khác, mà với những giá trị với tư cách là giá trị. Vì sự chuyển hóa của giá trị trao đổi của hàng hóa thành giá cả đã làm cho hàng hóa thể hiện thành những lượng cùng tên gọi, nên ông ta phủ định đặc điểm chất lượng của cái thước đo đã làm cho các hàng hóa đó mang cùng một tên gọi; vì trong sự so sánh những lượng vàng khác nhau đó, lượng vàng dùng làm đơn vị thước đo là do người ta thỏa thuận đặt ra, nên ông ta cho rằng, nói chung, không nên ấn định các lượng đó. Lẽ ra phải gọi độ là 1/360 của một vòng tròn, thì ông ta cũng có thể gọi độ là 1/180 của một vòng tròn; khi ấy thì góc vuông sẽ đo bằng 45 độ chứ không phải là 90 và các góc nhọn và góc tù cũng sẽ được đo một cách tương ứng như vậy. Tuy vậy, thước đo của góc trước sau cũng vẫn là thứ nhất, một hình toán học xác định về mặt chất, tức là hình tròn, và thứ hai, một phần nhất định của hình tròn về mặt lượng. Còn về những ví dụ kinh tế của Steuart, cái thì đập lại ông ta, cái thì chẳng chứng minh điều gì cả. Thực vậy, tiền ngân hàng ở Amsterdam chỉ là một danh hiệu để tính toán đối với các đồng đu-blông [doblón/doubloon — B. T.] Tây Ban Nha mà thôi, các đồng đu-blông này nằm lì trong các hầm của ngân hàng, nên chẳng mòn đi chút nào, cũng chẳng nhẹ đi chút nào cả, còn đồng tiền luôn luôn lưu hành thì mòn đi do những sự cọ sát với ngoại giới. Còn đối với những kẻ duy tâm ở châu Phi thì chúng ta đành phải phó mặc chúng trôi theo số phận của chúng cho tới khi những nhà du lịch cung cấp cho chúng ta những tài liệu chính xác hơn trong những cuốn sách miêu tả có tính chất phê phán của họ6). Người ta có thể coi tiền giấy của Pháp gần như là những đồng tiền trên ý niệm theo ý nghĩa của Steuart: "Tài sản quốc dân. Tiền giấy 100 phrăng". Ở đây, thực ra người ta đã nói rõ cái giá trị sử dụng mà đồng tiền giấy phải biểu hiện, đó là những ruộng đất bị tịch biên; nhưng người ta đã quên xác định mặt số lượng của đơn vị đo và do đó chữ "phrăng" trở thành một từ không có nghĩa. Thực vậy, một phrăng tiền giấy đại biểu cho một phần ruộng đất lớn hay nhỏ, điều đó do kết quả của việc bán đấu giá công khai quyết định. Tuy nhiên, trong thực tiễn, đồng phrăng tiền giấy đã lưu hành như một ký hiệu giá trị của những đồng tiền bằng bạc, cho nên phải dựa vào cái tiêu chuẩn bạc đó để tính sự mất giá của nó.
Trong thời kỳ Ngân hàng Anh đình chỉ việc đổi tiền ngân hàng lấy vàng, các thông cáo chiến sự chưa chắc đã nhiều hơn những học thuyết về tiền tệ. Giấy bạc ngân hàng giảm giá và giá cả thị trường của vàng tăng lên quá giá cả tiền tệ của nó, điều đó đã làm thức tỉnh cái học thuyết thước đo tiền tệ trên ý niệm ở một số người bào chữa cho ngân hàng. Huân tước Castlereagh đã tìm ra công thức mơ hồ cổ điển cho cái quan niệm mơ hồ đó, khi ông ta định nghĩa đơn vị đo tiền tệ là "a sense of value in reference to currency as compared with commodities" ["một quan niệm về giá trị bắt nguồn từ việc so sánh tiền tệ với hàng hóa"]. Vài năm sau khi ký kết Hòa ước Paris, khi hoàn cảnh cho phép phục hồi lại việc đổi giấy bạc ngân hàng lấy vàng, thì cũng cái vấn đề mà Lowndes đã nêu ra dưới thời William III lại được đặt ra, dưới một hình thức hầu như không thay đổi. Những món nợ khổng lồ của nhà nước và một khối nợ tư nhân, chứng khoán cố định v.v. tích lại trong hơn hai mươi năm trời đều đã vay bằng những giấy bạc ngân hàng mất giá. Có nên trang trải các món nợ đó bằng những giấy bạc ngân hàng mà 4672 pao xtéc-linh 10 si-linh đại biểu không phải trên danh nghĩa mà thực sự cho 100 pao vàng 22 ca-ra [carat — B. T.] không? Thomas Attwood, một chủ ngân hàng ở Birmingham, đã bước lên diễn đài, như là Lowndes redivivus [Lowndes sống lại]. Attwood cho rằng các chủ nợ phải thu về đúng số si-linh mà trên danh nghĩa người ta đã vay của họ. Nhưng nếu theo giá trị cũ của tiền kim khí, 1/78 ôn-xơ vàng chẳng hạn, được gọi là một si-linh, thì nay phải đặt tên cho 1/90 ôn-xơ chẳng hạn, là một si-linh. Các môn đồ của Attwood được gọi là trường phái Birmingham của những "little shilling men" ["phái đồng shilling nhỏ"]. Cuộc tranh cãi về thước đo tiền tệ trên ý niệm bắt đầu năm 1819 còn kéo dài đến năm 1845 giữa ông Robert Peel và Attwood; tất cả điều hay ho của Attwood về phần nói về chức năng của tiền tệ với tư cách là thước đo, được trình bày đầy đủ trong lời trích dẫn sau đây:
Trong cuộc tranh luận với Phòng Thương mại Birmingham ông Robert Peel hỏi: giấy bạc ngân hàng một pao xtéc-linh của ông đại biểu cho cái gì? Một pao xtéc-linh là cái gì?… Hay là, ngược lại, phải hiểu đơn vị đo giá trị hiện nay như thế nào? 3 pao xtéc-linh 17 si-linh 10 1/2 p, có phải chỉ một ôn-xơ vàng hay là chỉ giá trị của nó? Nếu đó là bản thân một ôn-xơ vàng, thì sao không gọi thẳng tên nó ra và sao không nói là: ôn-xơ, pen-ni — trọng lượng và granh [grain — B. T.] thay cho pao xtéc-linh, si-linh và pen-ni? Như vậy, chúng ta sẽ quy lại chế độ trao đổi hiện vật trực tiếp… Hay chúng chỉ giá trị? Nếu một ôn-xơ = 3 p.xt. 17 si-linh, 10 1/2 p., thì tại sao trong những thời kỳ khác nhau, khi thì nó bằng 5 p.xt. 4 si-linh, khi thì bằng 3 pao xtéc-linh 17 si-linh 9 pen-ni?… Cái thành ngữ pao xtéc-linh () chỉ giá trị chứ không phải chỉ giá trị được cố định trong một trọng lượng vàng không thay đổi. Đồng pao xtéc-linh là một đơn vị trên ý niệm… Lao động là thực thể mà chi phí sản xuất quy thành, lao động trao cho vàng, cũng như cho sắt, cái giá trị tương đối của vàng và sắt. Cho nên bất luận dùng danh hiệu tính toán nào để chỉ lao động của một người trong một ngày hay trong một tuần, thì cái danh hiệu đó cũng biểu hiện giá trị của hàng hóa được sản xuất ra7).
Trong mấy chữ cuối cùng này quan niệm mơ hồ về thước đo tiền tệ trên ý niệm đã tiêu tan và nội dung tư tưởng thật sự của nó đã lộ rõ ra. Những tên gọi tính toán của vàng: pao xtéc-linh, si-linh v. v., phải là những tên gọi của những số lượng thời gian lao động nhất định. Vì thời gian lao động là thực thể và là thước đo nội tại của giá trị, nên do đó, trên thực tế, các tên gọi đó sẽ đại biểu cho bản thân những tỷ lệ giá trị. Nói cách khác, thời gian lao động được công nhận là đơn vị đo thật sự của tiền tệ. Như thế là chúng ta đã ra khỏi phạm vi trường phái Birmingham, nhưng nhân đây chúng ta nhận xét qua rằng học thuyết thước đo tiền tệ trên ý niệm lại có một tầm quan trọng mới trong cuộc tranh cãi về giấy bạc ngân hàng có thể đổi hay không thể đổi lấy vàng được. Nếu tên gọi của tiền giấy dựa trên vàng hay trên bạc, thì việc giấy bạc ngân hàng có thể đổi được, nghĩa là khả năng của nó có thể đổi lấy vàng hay bạc, vẫn là một quy luật kinh tế, mặc dù luật pháp quy định như thế nào đi nữa. Ví dụ một tờ giấy bạc ta-le của nước Phổ, mặc dù pháp luật quy định không đổi lấy vàng được, nó vẫn lập tức mất giá nếu như trong lưu thông bình thường nó trị giá ít hơn một ta-le bằng bạc, nghĩa là nếu như trên thực tiễn nó không thể đổi lấy vàng bạc được. Vì vậy, ở Anh phái triệt để bảo vệ nguyên tắc tiền giấy không đổi lấy vàng được đã tìm chỗ lẩn tránh trong cái học thuyết thước đo tiền tệ trên ý niệm. Nếu như các tên gọi tính toán của tiền tệ như pao xtéc-linh, si-linh, v. v., là những tên gọi để chỉ một số lượng nhất định những nguyên tử giá trị, những nguyên tử này được một hàng hóa hút vào hoặc nhả ra với một số lượng khi thì lớn hơn khi thì nhỏ hơn trong quá trình trao đổi hàng hóa đó với những hàng hóa khác, thì một tờ giấy bạc Ngân hàng Anh năm pao chẳng hạn sẽ chẳng lệ thuộc gì vào cái tỷ lệ của nó đối với vàng cũng như chẳng lệ thuộc gì vào tỷ lệ của nó đối với sắt và bông. Vì tên gọi của tờ giấy bạc ngân hàng đó không chỉ có nghĩa là đặt nó về mặt lý luận ngang với một lượng vàng nhất định hay một lượng hàng hóa nhất định nào khác, nên cái yêu cầu có thể đổi nó lấy vàng, nghĩa là trên thực tiễn, đặt nó ngang với một lượng nhất định của một vật đặc thù nào đó, đã bị bản thân cái khái niệm giấy bạc ngân hàng đó gạt bỏ rồi.
Học thuyết coi thời gian lao động là đơn vị đo trực tiếp của tiền tệ lần đầu tiên được John Gray8) phát triển một cách có hệ thống. Ông ta đề nghị một ngân hàng quốc gia trung ương, với sự giúp đỡ của các chi nhánh của nó, sẽ chứng nhận thời gian lao động dùng để sản xuất ra các loại hàng hóa. Khi trao đổi hàng hóa của mình, người sản xuất nhận được chứng từ chính thức về giá trị của hàng hóa đó, nghĩa là một giấy biên nhận về một số thời gian lao động bao hàm ở trong hàng hóa của anh ta9), còn các giấy bạc ngân hàng 1 tuần lao động, 1 ngày lao động, 1 giờ lao động, v. v., đó đồng thời được dùng làm phiếu để nhận một vật ngang giá dưới hình thái bất cứ một hàng hóa nào trong số hàng hóa khác nằm trong các kho của ngân hàng10). Đó là nguyên tắc cơ bản của Gray, được ông nghiên cứu kỹ một cách tỉ mỉ và về mọi mặt thích ứng với các thể chế hiện hành của nước Anh. Gray nói: với chế độ đó,
"việc bán để lấy tiền bất cứ lúc nào cũng sẽ dễ dàng như hiện nay dùng tiền để mua; sản xuất sẽ là cái nguồn đều đặn và không bao giờ cạn của nhu cầu"11).
Các kim loại quý sẽ mất cái địa vị "đặc quyền" của chúng so với các hàng hóa khác và
"sẽ giữ cái vị trí thích hợp của chúng trên thị trường bên cạnh bơ, trứng, dạ và vải, còn giá trị của chúng cũng sẽ không làm cho chúng ta quan tâm hơn là giá trị của "kim cương"12).
"Chúng ta nên bảo tồn cái thước đo tưởng tượng của giá trị, tức là vàng, và do đó làm cản trở sự phát triển của các lực lượng sản xuất của đất nước, hay là chúng ta phải sử dụng cái thước đo tự nhiên của giá trị, tức là lao động và giải phóng các lực lượng sản xuất của đất nước?"13).
Nếu thời gian lao động là thước đo nội tại của giá trị, thì tại sao bên cạnh nó lại còn có một thước đo khác, ở bên ngoài? Tại sao giá trị trao đổi lại phát triển thành giá cả? Tại sao tất cả mọi hàng hóa lại đo giá trị của chúng bằng một hàng hóa đặc thù, hàng hóa này do đó trở thành hình thức tồn tại thích hợp của giá trị trao đổi, thành tiền tệ? Đó là vấn đề mà Gray phải giải quyết. Đáng lẽ phải giải quyết vấn đề ấy, thì Gray lại tưởng tượng rằng các hàng hóa có thể quan hệ trực tiếp với nhau với tư cách là các sản phẩm của lao động xã hội. Nhưng các hàng hóa chỉ có thể quan hệ với nhau với tư cách là cái mà chúng thực tế đại biểu. Hàng hóa trực tiếp là những sản phẩm của các lao động tư nhân độc lập và riêng lẻ, thông qua sự chuyển nhượng của chúng trong quá trình trao đổi tư nhân, các lao động tư nhân này phải chứng minh tính chất của chúng là lao động xã hội chung; nói cách khác, trên cơ sở nền sản xuất hàng hóa, chỉ nhờ có sự chuyển nhượng phổ biến của các lao động cá thể thì lao động mới trở thành lao động xã hội. Nhưng nếu Gray coi thời gian lao động bao hàm trong hàng hóa là thời gian lao động xã hội trực tiếp thì ông ta coi thời gian lao động đó là thời gian lao động đã xã hội hóa hay là thời gian lao động của những cá nhân trực tiếp liên hiệp lại với nhau. Trong trường hợp đó, thực tế là một hàng hóa đặc thù như vàng hay bạc sẽ không thể đối lập với các hàng hóa khác với tư cách là hiện thân của lao động chung, giá trị trao đổi sẽ không biến thành giá cả; nhưng đồng thời giá trị sử dụng cũng sẽ không trở thành giá trị trao đổi, sản phẩm sẽ không trở thành hàng hóa, và do đó, bản thân cái cơ sở của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng sẽ bị thủ tiêu. Nhưng Gray hoàn toàn không nghĩ như thế. Gray cho rằng các sản phẩm phải được sản xuất ra với tư cách là hàng hóa, nhưng lại được trao đổi không phải với tư cách là hàng hóa. Gray trao cho ngân hàng quốc gia nhiệm vụ thực hiện cái nguyện vọng tốt lành đó. Một mặt, thông qua ngân hàng, xã hội làm cho các cá nhân không phụ thuộc vào các điều kiện của trao đổi tư nhân, và mặt khác, xã hội bắt các cá nhân đó tiếp tục sản xuất trên cơ sở trao đổi tư nhân. Trong lúc đó, cái logic nội tại bắt buộc Gray phải lần lượt gạt bỏ các điều kiện của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mặc dù ông ta chỉ muốn "cải cách" đồng tiền do trao đổi hàng hóa sinh ra mà thôi. Do đó, ông ta biến tư bản thành tư bản nhà nước14), biến sở hữu ruộng đất thành sở hữu nhà nước15), và nếu xem xét kỹ hoạt động ngân hàng của ông ta, thì có thể thấy rằng chẳng những ngân hàng ấy một tay nhận hàng hóa và tay kia cấp giấy chứng nhận về số lao động đã cung cấp, mà còn điều tiết cả bản thân nền sản xuất nữa. Trong tác phẩm cuối cùng của ông ta "Những bài giảng về bản chất và sự tiêu dùng tiền tệ", trong đó ông ta rụt rè cố gắng hình dung tiền tệ lao động của mình như là một sự cải cách thuần tuý tư sản, Gray lại sa vào những điều vô nghĩa rõ ràng hơn nữa.
Mọi hàng hóa đều trực tiếp là tiền tệ. Đó là học thuyết của Gray, rút ra từ sự phân tích không đầy đủ, và vì vậy mà sai lầm, về hàng hóa. Sự cấu tạo "hữu cơ" của "tiền tệ lao động", của "ngân hàng nhà nước" và của "những kho hàng" chẳng qua chỉ là một ảo tưởng trong đó giáo điều được trình bày một cách giả dối như là một quy luật chi phối vũ trụ. Cái giáo điều cho rằng hàng hóa trực tiếp là tiền tệ, hoặc lao động đặc thù của tư nhân bao hàm trong hàng hóa trực tiếp là lao động xã hội, dĩ nhiên không trở thành một chân lý vì có một ngân hàng nào đấy tin vào giáo điều đó và hoạt động theo đúng giáo điều đó. Trái lại, trong trường hợp như thế, sự phá sản sẽ đảm nhiệm lấy cái vai trò phê phán thực tiễn. Cái điều còn ẩn giấu trong tác phẩm của Gray mà chính bản thân ông ta cũng còn chưa rõ, là: tiền tệ lao động, về mặt kinh tế, là một câu kêu trống rỗng che đậy một nguyện vọng tốt lành muốn xóa bỏ tiền tệ, cùng với tiền tệ, xóa bỏ giá trị trao đổi, cùng với giá trị trao đổi, xóa bỏ hàng hóa và cùng với hàng hóa, xóa bỏ hình thức sản xuất tư sản, — điều đó, một vài tác giả theo chủ nghĩa xã hội ở nước Anh, viết trước hoặc sau Gray16) đã nói thẳng ra rồi. Nhưng chỉ có ông Proudhon và trường phái của ông ta mới được cái vinh dự làm nhiệm vụ nghiêm túc tuyên truyền việc đánh đổ tiền tệ và tôn hàng hóa lên thành cái thực chất của chủ nghĩa xã hội, và do đó, biến chủ nghĩa xã hội thành một sự không hiểu biết gì về mối liên hệ tất yếu giữa hàng hóa và tiền tệ17).
*Chú thích:
- Chú thích thuộc chính văn
1) Locke đặc biệt nói rằng: "Các ông hãy gọi một cua-ron [crown — B. T.] cái mà trước đây được gọi là một nửa cua-ron. Giá trị của nó vẫn sẽ do hàm lượng kim loại quyết định. Nếu các ông có thể lấy bớt 1/20 trọng lượng của một đồng tiền bằng bạc mà không làm giảm bớt giá trị của nó, thì các ông cũng rất có thể lấy bớt 19/20 trọng lượng của đồng tiền đó. Theo lý luận đó thì một đồng phác-thinh [farthing — B. T.], — nếu người ta trao cho nó cái tên cua-ron, — sẽ mua được một số lượng hương liệu, lụa hay các hàng hóa khác như là một đồng cua-ron bao hàm một lượng bạc sáu mươi lần lớn hơn. Tất cả cái điều mà các ông có thể làm được là trao một số lượng bạc nhỏ hơn bằng cái dấu hiệu và cái tên gọi của một số lượng lớn hơn. Nhưng người ta dùng bạc chứ không phải dùng tên gọi để thanh toán nợ và mua hàng hóa. Nếu việc nâng giá trị của đồng tiền theo ý của các ông chẳng qua chỉ là việc gọi những phần nhỏ bằng nhau của một cục bạc bằng những danh hiệu tuỳ tiện, ví dụ gọi một phần tám của một ôn-xơ bạc là một pen-ni, thì trên thực tế các ông có thể nâng giá trị của đồng tiền lên cao mấy cũng được"[1]. Đồng thời Locke đã trả lời Lowndes rằng, giá cả thị trường của bạc vượt quá giá cả tiền tệ của nó "không phải là do giá trị của bạc tăng lên, mà là do trọng lượng của các đồng tiền bằng bạc giảm xuống". Ông ta nói: 77 si-linh đã bị mòn và đã bị cắt xén cũng chẳng nặng hơn 62 si-linh bình thường một chút nào cả. Cuối cùng, ông ta nhấn mạnh một cách có lý rằng, ở Anh, giá thị trường của bạc thoi có thể lên cao hơn giá cả tiền tệ một ít, không dính dáng gì đến tình hình lượng bạc trong tiền đúc đang lưu thông bị giảm xuống, bởi vì người ta được phép xuất cảng bạc thoi nhưng lại cấm xuất cảng tiền đúc bằng bạc (Xem sách đã dẫn [John Locke, "Some Considerations on the Lowering of Interest etc", 1691, trong "Works" của ông ta, 7 ed., London, 1768, vol. II — B. T.], tr. 54-116, trích rải rác ở nhiều đoạn). Locke hết sức cố tránh đụng tới vấn đề nóng bỏng là vấn đề các món nợ của nhà nước, cũng như ông ta thận trọng tránh đề cập tới một vấn đề kinh tế tế nhị. Vấn đề như sau: tỷ suất hối đoái, cũng như tỷ lệ giữa bạc thoi và đồng tiền bạc, chứng tỏ là những đồng tiền đang nằm trong lưu thông mất giá không phải tỷ lệ với mức bạc trong những đồng tiền đó giảm xuống thực sự. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này một cách tổng quát trong chương nói về các phương tiện lưu thông. Nicholas Barbon, trong "A discourse concerning coining the new money lighter, in answer to Mr. Locke's considerations etc", London, 1696 ["Bàn về việc đúc những đồng tiền mới nhẹ hơn, để trả lời cuốn "Vài nhận xét" của Mr. Locke, v. v. ", London, 1696] đã định đưa Locke vào chỗ nguy hiểm nhưng không thành công.
2) Steuart, sách đã dẫn [Steuart, "An inquiry into the principles of political economy, being an essay on the science of domestic policy in free nations", Nhà xuất bản Dublin, 1770 — B. T.], t. II, tr. 156.
3) "Người chất vấn", phần "Queries on money" ["Các vấn đề về tiền tệ"] thật ra được viết rất khéo. Vả lại, Berkeley nhận xét một cách có lý rằng chính sự phát triển các thuộc địa Bắc Mỹ "làm sáng tỏ như ban ngày là vàng và bạc chẳng phải là cần thiết đối với sự giàu có của một quốc gia, như những người phàm tục tất cả mọi hạng vẫn tưởng".
4) Ở đây giá cả có nghĩa là một vật ngang giá thực tế theo như cách nói của nhà kinh tế học Anh ở thế kỷ XVII.
5) Steuart, sách đã dẫn [Steuart, "An inquiry into the principles of political economy, being an essay on the science of domestic policy in free nations", Nhà xuất bản Dublin, 1770 — B. T.], t. II, tr. 102-107.
6) Nhân cuộc khủng hoảng thương nghiệp gần đây, trong một số giới ở Anh, người ta đã ca tụng ầm ĩ các đồng tiền trên ý niệm của châu Phi, lần này vùng có đồng tiền đó đã được di chuyển từ bờ biển vào trong vùng Barbary. Người ta giải thích rằng sở dĩ dân tộc Barbary không có khủng hoảng thương nghiệp và công nghiệp là vì họ có đơn vị đo trên ý niệm dưới hình thái những "Bars" [thỏi kim khí] của họ. Sao không nói rằng thương nghiệp và công nghiệp là conditis sine qua non [điều kiện tất yếu] của những cuộc khủng hoảng thương nghiệp và công nghiệp như thế có phải giản đơn hơn không?
7) "The currency question, the Gemini letters", London, 1844, p. 266-272 passim ["Vấn đề lưu thông tiền tệ, thư từ của anh em sinh đôi", London, 1844, tr. 266-272, trích rải rác ở nhiều đoạn].
8) John Gray, "The social system. A treatise on the principle of exchange", Edinburgh, 1831 [John Gray, "Chế độ xã hội. Bàn về nguyên lý trao đổi", Edinburgh, 1831]. Xem cùng tác giả này: "Lectures on the Nature and use of money", Edinburgh, 1848. ["Những bài giảng về bản chất và sự tiêu dùng tiền tệ", Edinburgh, 1848]. Sau cuộc Cách mạng tháng Hai, Gray đã gửi cho chính phủ lâm thời Pháp một bản ký sự trong đó ông ta đã dạy cho chính phủ lâm thời rằng nước Pháp không cần có một "organisation of labour" ["tổ chức lao động"] mà cần có một "organisation of exchange" ["tổ chức trao đổi"], phương án của tổ chức trao đổi đó đã được trình bày toàn bộ trong cái chế độ tiền tệ mà ông ta đã nghĩ ra. Ông Gray chất phác không ngờ rằng 16 năm sau khi cuốn "Chế độ xã hội" của ông được xuất bản, thì Proudhon, con người có nhiều óc sáng tạo ấy — đã nhận bản quyền về điều phát hiện đó.
9) Gray, "Chế độ xã hội v.v..", tr. 63: "Tiền tệ phải chỉ là một tờ giấy biên nhận, hay là một tờ giấy chứng nhận rằng người có tờ giấy đó đã góp một giá trị nào đó vào kho tàng của cải quốc gia, hoặc là đã nhận được quyền chi phối giá trị đó, từ một người nào đó đã cống hiến giá trị đó vào kho tàng của cải quốc gia ấy".
10) "Khi một giá trị nhất định đã được vật hóa trong một sản phẩm rồi, thì giá trị đó có thể được đem gửi vào trong một ngân hàng và có thể được lấy ra khỏi ngân hàng khi người ta yêu cầu chỉ với điều kiện được mọi người công nhận là người nào đã gửi một tài sản nào đó trong cái ngân hàng quốc gia dự kiến đó, có thể rút từ ngân hàng đó ra một giá trị tương đương dưới bất cứ một hình thức nào khác chứ không bắt buộc phải lấy cái sản phẩm mà người ấy đã gửi vào ngân hàng". (Sách đã dẫn [John Gray, "The social system. A treatise on the principle of exchange", Edinburgh, 1831 — B. T.], tr. 67-68).
11) Sách đã dẫn [John Gray, "The social system. A treatise on the principle of exchange", Edinburgh, 1831 — B. T.], tr. 16.
12) Gray, "Những bài giảng về bản chất và sự tiêu dùng tiền tệ" [John Gray, "Lectures on the Nature and use of money", Edinburgh, 1848 — B. T.], tr. 182.
13) Sách đã dẫn [John Gray, "The social system. A treatise on the principle of exchange", Edinburgh, 1831 — B. T.], tr. 169.
14) "Các việc kinh doanh của mỗi nước phải được tiến hành cho tư bản nhà nước" [“The business of every nation ought to be conducted on a national capital” — B. T.] (John Gray, "Hệ thống xã hội …", tr. 171).
15) "Ruộng đất phải biến thành sở hữu nhà nước" [“The land to be transformed into national property” — B. T.] (Sách đã dẫn, tr. 298).
16) Ví dụ, xem W. Thompson, "An inquiry into the distribution of Wealth etc", London, 1824 [W. Thompson, "Nghiên cứu về những nguyên lý của sự phân phối của cải, v. v. ", London, 1824]; Bray, "Labours wrongs and labours remedy", Leeds, 1839 [Bray, "Những sự bất công đối với lao động và các phương sách để gạt bỏ những sự bất công đó", Leeds, 1839].
17) Có thể coi cuốn sách: Alfred Darimon, "De la réforme des banques", Paris, 1836 [Alfred Darimon, "Về cải cách các ngân hàng", Paris, 1856] là bản trình bày cô đọng cái lý thuyết về tiền tệ có tính chất kịch này.
- Chú thích không thuộc chính văn
[1] Mác trích tác phẩm của John Locke: "Some Considerations of the Consequences of the Lowering of Interest, and Raising the Value of Money. In a Letter sent to a Member of Parliament, 1691" ("Vài ý kiến về những hậu quả của việc giảm lợi tức và tăng giá trị của tiền. Trong thư gửi một nghị viên, 1691"), theo cuốn "The works of John Locke", in four volumes, the seventh edition, London, 1768, p. 54