CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐÃ PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO Ở HÀN QUỐC – CÁC CHAEBOL VÀ KINH TẾ KẾ HOẠCH
Bài viết này được biên dịch từ bài viết của Luca Lombardi
Cuộc khủng hoảng từ năm 2008 đã làm rúng động nền kinh tế thế giới và thúc đẩy các nhà tư tưởng tư sản vào công cuộc tìm kiếm tuyệt vọng cho một giải pháp đối với hệ thống của họ, để vừa duy trì chủ nghĩa tư bản lại vừa né tránh những mâu thuẫn không thể tránh khỏi của nó. Họ hướng mắt về châu Á, trước tiên là Nhật Bản, sau tới Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều đó không tránh khỏi sự vỡ mộng với những huyền thoại do chính họ tạo dựng.
Vai trò của tư bản tư nhân và nhà nước
Việc tư bản tư nhân một mình nó đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi trong lịch sử. Một khi các cường quốc châu Âu đầu tiên đã bắt đầu phát triển với tư cách là các nền kinh tế tư bản thì không ai khác nữa có thể phát triển theo cách tương tự. Ngay cả Đức, quốc gia tư bản hùng mạnh nhất châu Âu, hay các nước như Ý cũng như các nền kinh tế tư bản nhỏ hơn ở châu Âu khác cũng không phát triển chỉ bằng tư bản tư nhân. Nếu Đức, vốn đã là một nền kinh tế hùng mạnh vào cuối thế kỷ 19, không thể phát triển nếu không có sự giúp đỡ lâu dài và mạnh mẽ từ nhà nước, thì chắc chắn các quốc gia châu Á từng là thuộc địa hoặc nửa thuộc địa của các nước đế quốc lại càng không thể.
Các tập đoàn đa quốc gia lớn ngày nay không thể bị thách thức bởi các nhà tư bản mới nổi đến từ các nền kinh tế kém phát triển. Nếu những “kẻ mới tới” đó muốn cạnh tranh với những gã khổng lồ này thì họ chỉ có thể hy vọng làm như vậy được bằng cách sử dụng các nguồn lực tổng hợp của nhà nước. Nếu không có sự trợ giúp như vậy, các nền kinh tế mới nổi sẽ bị vắt kiệt bởi tính hiệu quả và năng suất cao hơn nhiều lần của các công ty đa quốc gia và sẽ buộc phải sản xuất ra những gì mà những gã khổng lồ đế quốc kia cho là cần thiết để tối đa hóa lợi nhuận của chính họ.
Tất cả các sự kiện kinh tế và chính trị của thế kỷ 20 về cơ bản đều bắt nguồn từ thực tế này, điều đã được chủ nghĩa Marx định nghĩa là “quy luật của sự phát triển không đồng đều và kết hợp”. Quy luật này giải thích vì sao mà không thể có sự phát triển tự phát của các nền kinh tế nằm ngoài sự kìm kẹp của các nước đế quốc. Nó cũng giải thích tại sao giai cấp tư sản bản địa của các nước đang phát triển chỉ có thể khao khát trở thành những tên sai vặt địa phương của các thế lực đế quốc hùng mạnh hơn.
Kế hoạch và sự can thiệp của nhà nước – trái ngược với những gì nhiều người tin – đã và vẫn đóng một vai trò trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Thật vậy, cho đến nay chúng là những phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong các nền kinh tế kém phát triển vì không có giải pháp thay thế nào khác ngoài việc hoàn toàn khuất phục trước chủ nghĩa đế quốc. Điều này đặc biệt đúng ở châu Á.
Trên lục địa này, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên phát triển tư bản chủ nghĩa nội sinh và thành công của nó rất đáng chú ý. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, nước này đã trở thành một cường quốc thế giới với phạm vi ảnh hưởng rộng lớn khắp Đông Bắc Á.
Chủ nghĩa đế quốc của Nhật Bản không kém phần tàn ác so với phiên bản phương Tây của nó, bất chấp sự thuyết giáo của các nhà tư tưởng Nhật Bản rằng, Đất nước Mặt trời mọc chỉ đang bảo vệ châu Á khỏi sự xâm lược của phương Tây, để trả lại cho lục địa này vị thế lịch sử xưa kia của nó. Sự thực tế là nó đang tích tụ các thị trường, lãnh thổ và nô lệ cho các công ty lớn của chính nó.
Toàn bộ quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa ở châu Á đã bị ảnh hưởng trước hết là ở cách thức mà Nhật Bản trở thành cường quốc thế giới, và sau nữa là cuộc cách mạng Trung Quốc năm 1949, cuộc cách mạng đã làm thay đổi mạnh mẽ cách nhìn của các giai cấp thống trị ở châu Á. Nhờ thắng lợi của Hồng quân Maoist, lần đầu tiên kể từ khi bị các cường quốc phương Tây chiếm đóng, Trung Quốc giờ đây đã đạt được sự thống nhất và độc lập, giờ đây nó đã có thể tự quyết định vận mệnh của chính mình, trong khi nhiều nước châu Á khác còn lại về cơ bản vẫn là con rối của đế quốc Mỹ hoặc trong các tình huống tốt nhất, các công cụ trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin. Các ví dụ chính trị và kinh tế của Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy lên kế hoạch và can thiệp của nhà nước đã trở thành tiêu chuẩn được chấp nhận cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa trên lục địa này như thế nào.
Trở lại trường hợp Hàn Quốc, điều đáng chú ý là sự ra đời của nó như là kết quả của các cuộc cách mạng và nội chiến giữa các quốc gia công nhân biến dạng đang nổi lên và chủ nghĩa đế quốc. Nó đã bắt đầu phát triển sau một cuộc nội chiến đẫm máu gây ra sự chia cắt đất nước. Nguồn gốc và vị trí của nó sẽ giúp ta giải thích nhu cầu tuyệt vọng để tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhằm chống lại ảnh hưởng từ các nước láng giềng cộng sản. Chủ nghĩa đế quốc Mỹ và tầng lớp tinh hoa dân tộc của các nước này đã phát hiện ra rằng cách duy nhất để đạt được mục tiêu đó là thông qua kế hoạch hóa kinh tế, mặc dù trên cơ sở tư bản chủ nghĩa.
Các Chaebol ở Hàn Quốc
Các chaebols, những con quái vật khổng lồ này không phải là một phát minh của Hàn Quốc. Chúng là một phiên bản địa phương của các Zaibatsu Nhật Bản (sau Thế chiến thứ hai chúng được gọi là Keiretsu), những tập đoàn tài chính và công nghiệp khổng lồ đã thống trị nền kinh tế Nhật Bản kể từ cuộc cách mạng Minh Trị.
Cho đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Hàn Quốc gần như vẫn là một nước thuần nông với mức sống rất thấp, thậm chí có thể so sánh với các nước châu Phi cận Sahara. Các nhà máy hiện đại duy nhất lúc đó chỉ là tàn tích từ sự chiếm đóng của Nhật Bản. Do chiến tranh và cuộc đối đầu liên tục với miền Bắc, cách tiếp cận sự phát triển của Hàn Quốc dựa trực tiếp hơn vào sự đàn áp: Bonaparte nhiều hơn là Khổng Tử. Các nhà hoạt động của phong trào lao động bị bỏ tù và tra tấn, các công đoàn màu vàng được thành lập để chống lại các tổ chức “đỏ”, tức là các công đoàn chân chính. (Đáng chú ý là vai trò của các công đoàn màu vàng này rất giống với vai trò của các công đoàn chính thức ở Trung Quốc ngày nay). Sự khác biệt là ở Hàn Quốc, người lao động cũng có công đoàn thực sự dẫu cho bị nhà nước đàn áp nặng nề.
Khi chính quyền Hàn Quốc bắt đầu lập kế hoạch cho nền kinh tế, nó đã không có gì nhiều để làm vậy. Thực tế kế hoạch hóa kinh tế chỉ là kế hoạch B, là điều tất yếu sau khi “kinh tế thị trường” đã thất bại. Hội đồng Phát triển Kinh tế đã được thành lập ngay sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, nhưng nó chưa bao giờ thực sự hoạt động bởi vì nó đặt khu vực tư nhân ở vai trò chính trong khi nhà nước bị giảm xuống vai trò chỉ là đưa ra định hướng chung cho các công ty tư nhân. Giới thượng lưu Hàn Quốc bị người Mỹ ru ngủ để tin rằng đó là con đường đúng đắn.
“Hàn Quốc cũng có một khu vực kinh doanh tư nhân tương đối năng động và giàu kinh nghiệm, có thể là một lực lượng mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp của đất nước” (C. Wolf, Economic Planning in Korea, RAND Corporation, 1962)
Chiến lược này, mặc dù hoàn toàn lệch lạc với thực tế, đã bị áp đặt lên chính phủ Chang Myun bởi Đế quốc Mỹ. Hàn Quốc phải dựa hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ cả trong và sau cuộc chiến chống lại miền Bắc vì vậy chẳng ai dám phản đối. Và nó đã được chứng minh là một sự thất bại hoàn toàn, một mối nguy hiểm ở thời điểm đó khi Bắc Triều Tiên, với sự giúp đỡ của các nước cộng sản khác, đang nhanh chóng tạo ra nền công nghiệp hiện đại của riêng mình. Giới quân sự Hàn Quốc ngày càng mất kiên nhẫn trước sự bất lực hoàn toàn của giai cấp thống trị của đất nước trong việc chống lại ý muốn của người Mỹ, bất chấp điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến mới với Bắc Triều Tiên. Sau một vài năm, sự kiên nhẫn đã mất.
Vào năm 1961, tướng Park Chung Hee, người đã có kinh nghiệm trực tiếp về nền kinh tế và nhà nước Nhật Bản, đã giải thể chính phủ và từ bỏ chiến lược kinh tế cũ để bắt đầu công nghiệp hóa đất nước bằng những phương pháp rất khác. Để giành được sự ủng hộ của dân chúng, chính quyền Park đã sử dụng tuyên truyền chống tham nhũng dựa trên các lập luận chống tư bản. Quân đội thậm chí còn bỏ tù một số nhà tư bản lớn vì tội tham nhũng và buộc những người khác phải nghỉ hưu. Tuyên truyền chống tư bản rất phổ biến đối với giới tinh hoa quân sự lúc bấy giờ ở nhiều nơi trên thế giới. Về chủ đề này, Park đã theo bước Nasser, Nehru và nhiều nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác trong thế giới thuộc địa cũ. Điểm đặc biệt ở đây là ông đã sử dụng cách nói này với sự giúp sức hết lòng của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Cả hai không có lựa chọn nào khác ngoài việc hỗ trợ lẫn nhau. Vài năm sau, Park đã cử hàng trăm nghìn binh lính sang Việt Nam để giúp đỡ đồng minh Hoa Kỳ của ông ta.
Chính phủ quân sự thành lập Ban Kế hoạch Kinh tế và để ra các kế hoạch 5 năm, bắt đầu từ năm 1962. Mục tiêu của các kế hoạch khác nhau là điển hình của cùng một chiến lược kinh tế trọng xuất khẩu, thứ cũng được sử dụng ở Đài Loan và Nhật Bản: tạo ra các ngành công nghiệp nặng cơ bản (thông qua thành lập các đại tập đoàn) để bắt đầu xuất khẩu và từ đó tích lũy tài nguyên để tài trợ cho đầu tư mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế.
Một điểm khác biệt với Đài Loan là Hàn Quốc đã có những công ty lớn: các chaebols. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu tiên sau chiến tranh, họ đã không làm những gì cần thiết vì lợi ích kinh tế của đất nước. Vì vậy mà sau cuộc đảo chính của Park, mặc dù thực tế thì quân đội chưa chính thức quốc hữu hóa các Chaebol nhưng chúng đã được tích hợp vào kế hoạch 5 năm. Nhà nước định hướng hay chính xác hơn là thúc đẩy các Chaebol hướng tới các khu vực kinh tế cụ thể, tài trợ cho họ vốn đầu tư thông qua các ngân hàng nhà nước. Những ông chủ nào của Chaebol cưỡng lại sẽ bị bắt vì tội tham nhũng. Thông điệp đưa ra khá rõ ràng và từ đó không ai còn dám cản trở quân đội nữa.
Ban đầu, các Chaebol, không nhiều hơn 10 đầu ngón tay, được tạo ra bằng cách sao chép theo mô hình của các tập đoàn Nhật Bản, bởi vì nhiều trong số chúng đã được chính người Nhật thiết lập trong thời kỳ chiếm đóng. Park không thể đợi các công ty vừa và nhỏ phát triển để có thể đạt được trình độ như các đối thủ phương Tây và Nhật Bản, bởi vì điều này sẽ không bao giờ có thể trên cơ sở của “thị trường tự do”. Ngược lại, nhà nước Triều Tiên áp dụng quy luật của sự phát triển tổng hợp, bắt đầu từ nơi mà các nước tư bản tiên tiến đã đạt đến: Thiết lập các công ty độc quyền khổng lồ. Mặc dù các chaebols về chính thức không bị tước đoạt, chính phủ đã quốc hữu hóa chúng hoặc tạo ra từ đầu toàn bộ các lĩnh vực kinh tế: từ sản xuất thép, đến tiện ích công cộng, công nghiệp hóa chất, viễn thông, để cung cấp cho các Chaebol nguyên liệu thô và cơ sở hạ tầng giá rẻ – tất cả đều do nhà nước chi trả.
Lịch sử ngành thép là một ví dụ điển hình. Vào những năm 1960, Park quyết định rằng Hàn Quốc sẽ trở thành một nhà sản xuất thép lớn. Không phải “Thị trường” mà kế hoạch kinh tế mới là giải pháp:
“Vào những năm 1960, chính quyền Park kết luận rằng việc tự cung cấp thép và xây dựng các nhà máy thép liên hợp là điều cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Do trước năm 1968, Hàn Quốc chưa có nhà máy thép hiện đại nào nên nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tỏ ra hoài nghi về quyết định đầu tư mạnh mẽ của Seoul vào việc xây dựng nhà máy thép. Tuy nhiên, bất chấp những hoài nghi, POSCO bắt đầu sản xuất vào năm 1972, chỉ 4 năm sau khi công ty này khánh thành, tháng 4 năm 1968, với chỉ ba mươi chín nhân viên.” (Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, Vai trò của chính phủ trong phát triển kinh tế, (1990))
Nhật Bản đã cung cấp một phần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. POSCO bắt đầu sản xuất vào năm 1972 cho thị trường nội địa. Thành công của công ty là rất lớn:
“Vào cuối những năm 1980, POSCO là công ty thép lớn thứ năm trên thế giới không cộng sản, với sản lượng hàng năm đạt 12 triệu tấn… Về năng suất, POSCO được đánh giá là nhà sản xuất thép tốt nhất thế giới trong suốt cuối những năm 1980 và cũng được đánh giá đứng đầu về cơ sở vật chất.” (Nguồn trên)
Đó là cách mà Hàn Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh hàng đầu trong lĩnh vực thép. Trong các lĩnh vực khác cũng vậy, các công ty (cả công ty đại chúng và công ty cổ phần) đã được áp đặt các mục tiêu sản xuất. Cũng nhờ sự đàn áp chính trị mà tiền lương đã được giữ ở mức thấp để cho Hàn Quốc có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm. Hơn thế nữa, vào năm 1961, Park đã quốc hữu hóa các ngân hàng để kiểm soát các đòn bẩy đầu tư, đồng thời tạo ra các ngân hàng hợp tác nông thôn để giúp hiện đại hóa khu vực cơ bản này. Từ năm 1961 đến năm 1987, lãi suất cũng được ấn định bởi chính phủ. Kiểm soát khu vực tài chính là một trụ cột cơ bản trong chiến lược của chính quyền:
“Sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ đối với tất cả các khoản tín dụng thể chế càng mở rộng quyền chỉ huy của Park đối với cộng đồng doanh nghiệp. Ban Kế hoạch Kinh tế được thành lập vào năm 1961 và trở thành trung tâm đầu não trong kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế của Park.” (Nguồn trên)
Trong chiến lược này, mối quan hệ giữa các Chaebol và nhà nước Hàn Quốc là một mối quan hệ hữu cơ. Nó được tóm tắt như sau:
“Sự hợp tác giữa chính phủ và các tập đoàn kinh doanh là điều cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế liên tiếp và những thành công đáng kinh ngạc bắt đầu vào đầu những năm 1960. Bị thúc đẩy bởi nhu cầu cấp thiết chuyển đổi nền kinh tế từ sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp nhẹ sang các ngành công nghiệp nặng, hóa chất và thay thế nhập khẩu hàng hóa, các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà hoạch định chính phủ đã dựa vào ý tưởng và sự hợp tác của các nhà lãnh đạo chaebol. Chính phủ đã cung cấp các bản thiết kế để mở rộng công nghiệp; các chaebol đã hiện thực hóa các kế hoạch. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa do các chaebol thực hiện đã đẩy nhanh quá trình độc tài và tập trung vốn độc quyền cũng như các hoạt động sinh lợi kinh tế vào tay một số ít tập đoàn.” (Nguồn trên)
Các chiến lược gia của quân đội Mỹ đã nhấn mạnh một cách chính xác hệ quả chính của mối quan hệ này: Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế tập trung nhất thế giới. Các Chaebol phát triển nhanh hơn so với toàn bộ nền kinh tế, trong thời kỳ mà Hàn Quốc trải qua nhiều thập kỷ phát triển bùng nổ. Trong những năm 1980, tài sản và doanh thu tăng 20-30% mỗi năm đã trở thành tiêu chuẩn của họ. Năm 1997, năm Chaebol lớn nhất đã to lớn gấp 20 lần kích thước của chính chúng vào năm 1985. Do đó, tỷ trọng của chúng trong sản xuất công nghiệp đã tăng từ 16 lên 40%. Vào cuối những năm 1980, bốn chaebol hàng đầu có quy mô tương đương 2/3 GDP của cả nước. Bên cạnh quy mô của họ, các chaebol đã trải qua một sự thay đổi bên trong, chúng trở nên tích cực trong các lĩnh vực kinh tế năng động nhất. Trên thực tế, họ đã vượt qua các giai đoạn khác nhau của cuộc cách mạng công nghệ – từ dệt may đến công nghiệp nặng, đến công nghệ cao – chỉ trong vài thập kỷ thay vì hàng thế kỷ. Việc lập kế hoạch kinh tế thông qua các chaebol đã thành công và những tập đoàn khổng lồ này đã phát triển lên tầm cỡ thế giới. Ngày nay, mọi người đều biết đến ô tô của Hyundai và các sản phẩm điện tử của Samsung, những thương hiệu mà trước đây không mấy nổi tiếng, thậm chí hoàn toàn không được biết đến bên ngoài Hàn Quốc.
Kế hoạch hóa nền kinh tế ở Hàn Quốc đã thành công. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp hàng năm rơi vào khoảng 25%; và GNP đã tăng gấp năm lần kể từ năm 1965 đến năm 1978. Vào giữa những năm 1970, xuất khẩu tăng trung bình 45% một năm. Tỷ lệ lợi nhuận cũng rất đặc biệt, đặc biệt là đối với các chaebols. Sự phát triển của các chaebol thành công đến mức mà chúng đã được lấy làm ví dụ ngay cả ở Bồ Đào Nha khi vào năm 1975, Bộ trưởng Cravinho đang tìm kiếm một mô hình để quốc hữu hóa các ngân hàng.
Sự phát triển về số lượng của các Chaebol đã làm thay đổi về mặt chất lượng trong bản chất chính trị của họ. Vào những năm 1960, các chaebol, mặc dù chính thức là tư nhân nhưng hoàn toàn phục tùng chính phủ, không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo các chỉ thị của Park. Tuy nhiên, trong những năm 1980, các chaebol ngày càng trở thành đối tác cấp dưới của chính phủ. Như ở Đài Loan, đất nước càng phát triển, các nhà tư bản lớn càng cảnh giác với kế hoạch kinh tế. Vào thời kỳ đó, EPB đang trở nên yếu thế và vào năm 1994, nó được sát nhập với Bộ Tài chính, tức là nó đã được thanh lý. Sau năm 1983, chính phủ bắt đầu tư nhân hóa và tự do hóa quy mô lớn. Năm 1987, để phù hợp với chính sách mới, chính quyền Seoul đã thông báo rằng họ sẽ chuyển POSCO thành một công ty tư nhân.
Các Chaebol là những người hưởng lợi chính từ việc tư nhân hóa, đến mức mà vào năm 1997, chính phủ đã buộc phải thông qua một đạo luật để ngăn họ có được quyền kiểm soát trong các công ty mới được tư nhân hóa. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các ưu tiên kinh tế của đất nước đã thay đổi. Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng giáng xuống “những con hổ châu Á” và các chaebol là kẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mười một trong số ba mươi chaebol lớn nhất đã sụp đổ. Các ngân hàng Hàn Quốc ngừng cho họ vay tiền để tránh bị kéo xuống vực sâu và nhà nước phải can thiệp để cứu họ. Bản chất của sự can thiệp này cho thấy cơ chế phát triển kinh tế ở Hàn Quốc đã hoàn toàn xoay chuyển. Giờ đây các chaebol là kẻ thống trị và trong chính phủ có những con rối tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của họ.
Các chiến lược gia tư bản định nghĩa loại hình kinh tế này là “định hướng tư bản chủ nghĩa”. Lợi ích của tăng trưởng kinh tế cuối cùng vẫn thuộc về giai cấp tư sản nhưng chỉ sau nhiều thập kỷ kế hoạch hóa nền kinh tế dưới sự lãnh đạo của nhà nước. Ban đầu, những con ngựa nòi đã không thể đứng vững trước các cuộc cạnh tranh quốc tế, cũng như một con sư tử con không thể đi săn một mình trên thảo nguyên. Nhà nước Hàn Quốc đã nuôi dưỡng các chaebol trong nhiều thập kỷ, cấp vốn cho họ, bảo vệ họ bằng các biện pháp bảo hộ và kiểm soát tỷ giá hối đoái. Khi họ sẵn sàng tiếp nhận các công ty đa quốc gia khác, các chính sách tự do hóa đã được sử dụng để giúp họ phát triển trên quy mô thế giới.
Chiến lược này cũng đang được học tập và áp dụng bởi một số nước châu Á khác, tuy nhiên mức độ thành công của nó còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng chống lại mệnh lệnh từ các chủ nợ như IMF, những người chỉ muốn thúc đẩy quá trình tư nhân hóa và mở cửa kinh tế cho các tập đoàn đa quốc gia vào cướp bóc. Mặt khác, Hàn Quốc đã phát triển trong thời kỳ bùng nổ chưa từng có của chủ nghĩa tư bản, ngày nay tình hình đã thay đổi, kinh tế thế giới đang trong thời gian dài trì trệ. Điều này có nghĩa là cạnh tranh khốc liệt hơn và các cuộc tấn công tàn bạo hơn vào tiền lương và quyền lợi của người lao động, đặc biệt là với các nước mà lợi thế cạnh tranh phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Thành quả cuối cùng của quá trình này sẽ thuộc về ai, điều đó do đó sẽ phụ thuộc không những vào cuộc đấu tranh nội bộ của tầng lớp quan liêu nắm quyền mà còn cả cuộc đấu tranh của phong trào lao động. (Lưu ý từ chúng tôi)