TỪ N.E.P TỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI – Bài giảng số 5

Tư bản châu Âu trong con hẻm cụt


Thưa các đồng chí, trong bài giảng gần nhất, tôi đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về các sự kiện diễn ra trong giai đoạn 1918 – 1920. Qua những sự thật mà tôi nhắc tới hẳn các đồng chí có thể thấy rằng cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, dẫu như núi lửa phun trào, đã không đủ mạnh để phá vỡ lớp vỏ xã hội tư bản khắp châu Âu. Tôi cũng đã cố gắng giải thích với các đồng chí tại vì sao mà cuộc cách mạng chưa thể chỉ trong một lần mà đánh bại thế giới tư bản châu Âu. Nhưng sẽ thật sai lầm nếu đánh giá thấp những thành tựu mà cách mạng thực sự đã đạt được. Sự trỗi dậy của cách mạng vô sản Nga ghi dấu việc đặt một nửa châu Âu hay, một phần sáu địa cầu nằm dưới sự kiểm soát của công nhân. Một cuộc chiến mà ngay trận đầu đã giành được một phần sáu lãnh thổ của quân thù chắc hẳn không phải là khởi đầu tệ cho cuộc chiến vinh quang này. Nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu ta phóng đại kết quả hiện hữu trong giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng. Nếu các đồng chí so sánh dân số của nước Nga Soviet khi đó với dân số toàn thế giới, các đồng chí sẽ thấy chỉ 1/15 của nhân loại được kiểm soát bởi Soviet. Những kết quả vật chất cũng không khá hơn nếu chúng ta so sánh tỷ trọng của nền kinh tế Soviet Nga với nền kinh tế thế giới. Thu nhập quốc dân ròng của nước Nga Soviet trong những năm đầu tiên của cuộc cách mạng không vượt quá 5 triệu rúp vàng, theo giá trước chiến tranh, con số này chiếm chưa đến một phần mười hai thu nhập quốc gia hàng năm của châu Âu và Hoa Kỳ, và do đó so với nền sản xuất toàn thế giới thì còn chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn nữa.

Dẫu vậy, mặt trận tư bản chủ nghĩa đã bị xuyên thủng một lỗ lớn, và một điều quan trọng nổi bật đã hình thành ngay trong lòng của chủ nghĩa tư bản thế giới, đó là giai cấp vô sản đã đảm bảo có được những điều kiện vật chất khả thi để từng bước phát triển các điều kiện tiên quyết cần thiết cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đặc thù của tình hình chính trị và kinh tế châu Âu trong những năm 1920 xoay quanh thực tế là, chủ nghĩa tư bản đã không thể chặn đứng lỗ hổng được tạo ra trong lòng nó vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng và đã buộc phải thích nghi với sự tồn tại của nhà nước Soviet đầu tiên, cũng như hệ thống sở hữu mới – Sự xã hội hóa về quyền sở hữu – ít nhất là trong các ngành công nghiệp quy mô lớn. Trong khi đồng ý chấp nhận sự tồn tại của Cộng hòa Soviet vì không đủ sức mạnh để nghiền nát nó, chủ nghĩa tư bản một cách tự nhiên xem nó chỉ như là một trạng thái tạm thời, nó cho rằng chính quyền Soviet không thể tồn tại lâu dài ở Nga. Và như các đồng chí đã biết, lịch sử đã chứng minh điều ngược lại.

Tất cả những điều này là sao, lực lượng nào đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở châu Âu?

Đầu tiên, chúng ta hãy cùng chú ý đến tình hình kinh tế châu Âu sau giai đoạn đầu của cuộc cách mạng thế giới. Chủ nghĩa tư bản, mặc dù đã thoát khỏi sự sụp đổ nhưng đã không thể tránh khỏi bị giằng xé bởi những mâu thuẫn trong lòng nó, giờ đây đang từng bước phục hồi những thương tổn gây ra bởi cuộc chiến tranh thế giới. Nhiệm vụ này được bắt đầu trong hoàn cảnh mà sản lượng công nghiệp tại châu Âu đã giảm chỉ còn một nửa. Muốn thoát khỏi, trong một thời gian ngắn nhất, mức sản xuất thấp này thì cần có sẵn tất cả các yếu tố cần thiết cho việc mở rộng sản xuất. Các yếu tố này bao gồm nguồn lao động, công cụ sản xuất dồi dào, nguồn cung nguyên liệu đầy đủ và đầu ra cho hàng hóa, sự đòi hỏi phải đáp ứng những yếu tố này sẽ gia tăng ít nhiều tương ứng với sự gia tăng của sản xuất.

Trong những năm 1920, sức lao động đang ở mức vượt quá nguồn cầu trong mối quan hệ với quy mô sản xuất. Sáu triệu người thất nghiệp – đó là đội quân dự bị để cho chủ nghĩa tư bản, vốn đã phục hồi về mặt chính trị, khai thác để bắt đầu cho chu kỳ phát triển mới của mình. Tính đến lúc đó thì công cụ sản xuất cũng có sẵn đến mức dư thừa, các nhà máy hoạt động với công suất chỉ bằng một nửa. Thông thường, không cần tích lũy vốn mới khi mà các nguồn vốn cố định cần thiết cho mở rộng sản xuất có thể được lấy từ quỹ tích lũy này. Điều này càng quan trọng hơn trong tình huống của châu Âu thời hậu chiến, khi nó không ở trong tình trạng tích lũy để tái sản xuất mở rộng, mà ngược lại, thậm chí còn buộc phải loại ném đi tư bản đã tích lũy được trong những thập kỷ trước.

Vẫn còn hai điều kiện khác, và đến đây thì tình thế tỏ ra rất bất lợi cho tư bản châu Âu. Trong chiến tranh, nền công nghiệp Mỹ đã có một bước tiến dài. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp bản địa ở các thuộc địa và bán thuộc địa, những nơi mà trước chiến tranh vốn là nguồn cung nguyên liệu đồng thời là thị trường cho các sản phẩm của ngành công nghiệp châu Âu. Kết quả là, quy mô thị trường của ngành công nghiệp châu Âu đã giảm đi rõ rệt, và lượng nguyên liệu thô có sẵn cho châu Âu cũng giảm đi, bởi vì một phần đáng kể hiện đã được sử dụng ở Mỹ và các thuộc địa. Do hệ quả của sự tái phân bổ thị trường và nguồn nguyên liệu trong hệ thống kinh tế thế giới, ngành công nghiệp của châu Âu bị buộc phải thu hẹp và giảm xuống mức sản xuất cơ bản thấp hơn nhiều so với trước chiến tranh. Nền công nghiệp châu Âu trước chiến tranh tất nhiên có sự tương xứng nhất định giữa những điều kiện cơ bản của sản xuất, giờ đây khi lượng nguyên liệu thô và thị trường có sẵn đã giảm mạnh và mất cân đối so với các yếu tố sản xuất khác, thì cơ cấu ngành công nghiệp sẽ chẳng thể khôi phục nếu không khôi phục lại được tỷ trọng cũ. Sức mạnh của một chuỗi được xác định ở nơi mắt xích yếu nhất của nó, ngành công nghiệp của Châu Âu không những không thể phát triển vượt quá số lượng nguồn nguyên liệu và quy mô thị trường có sẵn, mà ngược lại, nó bắt buộc phải thay đổi cho phù hợp với các yếu tố này. Việc Nga rời khỏi hệ thống kinh tế thế giới khiến tình hình càng trở nên căng thẳng hơn, vì điều đó đồng nghĩa với việc mất đi một thị trường khổng lồ cũng như một nguồn nguyên liệu thô dồi dào.

Ngành công nghiệp của Châu Âu có ba cách có thể để mở rộng nguồn nguyên liệu thô và thị trường của mình:

  1. Bằng cách lôi kéo Nga vào hệ thống kinh tế thế giới và đồng thời, tăng năng suất nông nghiệp của nước Nga;
  2. Bằng cách tăng sức mua của chính dân số Châu Âu;
  3. Bằng một cuộc chiến tranh mới, được tiến hành nhằm chống lại Mỹ, kẻ đã hất cẳng Châu Âu ra khỏi một số khu vực quan trọng đối với nó về thị trường hoặc nguồn nguyên liệu thô.

Thêm vào những khó khăn này là khó khăn về nguồn cung thực phẩm. Ngay cả trước chiến tranh, ngành công nghiệp của châu Âu vẫn dựa vào một nền nông nghiệp chậm tiến, điều đã dẫn đến việc tăng giá thực phẩm. Việc sản xuất ngũ cốc trở nên tương đối đắt đỏ và tốn kém hơn, trong khi các sản phẩm chế tạo ra trở nên rẻ hơn do sự tiến bộ của kỹ thuật công nghiệp. Đến lượt nó, sự chậm tiến về kỹ thuật nông nghiệp, bằng cách kìm giữ giá ngũ cốc đã làm chậm quá trình hạ giá các sản phẩm gia công. Do đó, ngay cả trước chiến tranh, ngành công nghiệp của châu Âu đã phải đối mặt cận kề với cuộc khủng hoảng đang đến gần từ hướng này. Sự thất bại của cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất (1905) – mà nếu nó thành công hẳn đã đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp Nga, đã đóng sầm cánh cửa này ngay trước mặt châu Âu. Cuộc chiến tranh đã xáo trộn tất cả các quân bài, ẩn giấu cuộc khủng hoảng lương thực đằng sau một số loại khủng hoảng khác. Sau chiến tranh một lần nữa châu Âu lại phải đối mặt với vấn đề chưa được giải quyết này. Mọi chuyện càng nghiêm trọng hơn vì nông nghiệp châu Âu đã giảm đáng kể sản lượng trong thời kỳ chiến tranh và lục địa phụ thuộc ngày càng lớn vào việc nhập khẩu lương thực.

Châu Âu không thể tìm lối thoát bằng chiến tranh với Hoa Kỳ vì châu Âu yếu hơn Hoa Kỳ về mọi mặt, chưa kể đến sự bất khả thi của việc tạo ra một mặt trận tư bản thống nhất nhằm chống lại Hoa Kỳ. Việc tăng sức mua của người dân châu Âu cũng là bất khả thi, đặc biệt là với những người lao động. Tư bản luôn luôn chọn cách giảm lương để tăng tổng thặng dư, để có thể mua những nguyên liệu thô đang tăng giá. Nhu cầu mở rộng thị trường và nguồn cung nguyên liệu thô một cách hòa bình đẩy châu Âu đến chỗ phải sử dụng những gì có thể trên lục địa Âu châu và các thuộc địa, đồng thời cần phải thiết lập mối quan hệ kinh tế với nước Nga. Sự rút lui của thị trường lương thực Nga khỏi hệ thống kinh tế châu Âu đẩy châu Âu vào tình thế phụ thuộc kinh tế rất nhiều vào Mỹ, đặc biệt là trên khía cạnh cung cấp lương thực và ngoại thương. Ngược lại, khôi phục thương mại lương thực với Nga có nghĩa là sự thiết lập thị trường cạnh tranh lớn thứ 2 thế giới về lương thực, từ đó làm giá cả lương thực trở nên rẻ hơn. Sự tham gia của Nga vào hệ thống kinh tế châu Âu sẽ mở ra cơ hội để châu Âu phát triển công nghiệp mà không cần phải chuyển đổi một khối lượng tương đối lớn tư bản và lực lượng sản xuất từ công nghiệp vào nông nghiệp – điều mà nếu xảy ra sẽ kéo lùi, hạ thấp sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế và nền văn minh nói chung. Nếu một trăm triệu nông dân Nga vào năm 1920 sản xuất ra 2 tỷ pút (1 pút = 16,38kg) lương thực và đến năm 1930 sản xuất ra 5 tỷ pút, nó sẽ mở rộng cơ sở cung cấp thực phẩm cho ngành công nghiệp châu Âu lên một mức độ khổng lồ. Nhưng dù ở bất kỳ mức độ nào thì sự phục hồi của nông nghiệp Nga, trong những năm đầu tiên, đều tăng lên nhanh chóng hơn so với ngành công nghiệp của Nga, điều này làm tăng đáng kể nhu cầu của Nga đối với hàng hóa sản xuất của châu Âu.

Các đồng chí, từ thực tế này chúng ta có thể thấy rằng trong những năm 1920,  điểm mạnh của nước Nga Soviet chính lại bao gồm tất cả những điểm yếu kể trên của châu Âu. Gót chân Achilles của ngành công nghiệp châu Âu chính là nước Nga, và nước Nga được lãnh đạo bởi những người vô sản cách mạng. Nếu nước Nga không được kéo vào nền kinh tế thế giới thì sự phát triển nhanh chóng của châu Âu sẽ là điều không thể. Những nỗ lực của tư bản châu Âu nhằm biến nước Nga thành một thuộc địa của nó thông qua nội chiến và can thiệp đã thất bại. Đã đến lúc cần phải chọn những cách khác hòa bình hơn. Nỗ lực đầu tiên theo hướng này là hội nghị Genoa (1922), tại đây tư bản châu Âu đã muốn dàn xếp cho sự trở lại của nước Nga vào nền kinh tế thế giới, điều vốn rất cấp thiết với chính châu Âu, ấy vậy mà điều kiện là Nga phải trả hết nợ từ thời Sa hoàng và đền bù cho những tổn thất mà giới tư bản châu Âu phải chịu do quá trình quốc hữu hóa nền công nghiệp ở Nga. Chính quyền Soviet không chấp nhận, và những sự kiện tiếp theo cho thấy điều này là đúng đắn. Chẳng những thế, rất nhiều sự kiện đã cho thấy nước Nga Soviet đã đánh giá quá thấp sức mạnh của chính nó. Tư bản châu Âu cần nước Nga Soviet nhiều hơn những gì chiến lược ngoại giao của họ cho thấy, thậm chí hơn cả những gì mà các nhà tư bản đã nhận ra. Trong hoàn cảnh này, kẻ mạnh là kẻ có thể chờ lâu hơn. Nước Nga có thể chờ được lâu hơn tư bản châu Âu và chứng tỏ rằng mình mạnh hơn.

Dầu vậy, sự phát triển của lực lượng sản xuất của chính Nga cũng đòi hỏi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với châu Âu. Không giống như các nước công nghiệp ở châu Âu, đặc biệt là Anh và Đức, Nga là một quốc gia sở hữu tất cả những nguồn lực cần thiết, từ kinh tế, địa lý đến xã hội, để phát triển một nền kinh tế tự cung tự cấp. Thứ nhất, Nga sở hữu tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tạo ra một cơ chế kinh tế nông nghiệp và công nghiệp hùng mạnh. Than, dầu mỏ, than bùn, gỗ, sắt và các loại quặng khác, bông – đủ mọi loại nguyên liệu thô trừ cao su: nông nghiệp có khả năng phát triển vô hạn trong khi nguồn cung nguyên liệu có nguồn gốc động vật thì dồi dào. Vì vậy, giống như Hoa Kỳ, các nguồn lực đã có sẵn cho sự tiến bộ nhanh chóng. Mặc dù so với Hoa Kỳ còn có một sự khác biệt rất lớn, đó là chế độ xã hội chủ nghĩa, nó không những không cản trở mà ngược lại còn giúp cho nước Nga hình thành nên một thực thể kinh tế thống nhất. Ở một giai đoạn nhất định trong phát triển công nghiệp, nền kinh tế của nước Mỹ tư bản chủ nghĩa cần phải mở rộng nền tảng thị trường của nó ra ngoài biên giới Hoa Kỳ. Công nghiệp và nông nghiệp Hoa Kỳ trở nên bó bện với hệ thống kinh tế thế giới. Ngành công nghiệp của Hoa Kỳ luôn phát triển nhanh hơn nhu cầu trong nước và chắc chắn sẽ bùng nổ ra thị trường nước ngoài. Trong chừng mực mà động lực của nền kinh tế là lợi nhuận, thì việc phân phối sản phẩm chỉ có thể được tiến hành dưới hình thức bán hàng, và khi việc bán hàng được chứng minh là không thể, thì việc mở rộng sản xuất trở nên không còn ý nghĩa theo quan điểm của tư bản. Tuy nhiên, đối với một quốc gia như Nga, nơi mà tiềm năng tự nhiên cho một nền kinh tế tự cung tự cấp được kết hợp với tiềm năng xã hội (trước cả khi chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở các nước khác), thì tình hình lại khác với ở Hoa Kỳ.

Thị trường bên ngoài không cần thiết cho việc mở rộng công nghiệp bởi vì mọi sự gia tăng sản xuất đều tạo ra nhiều hơn cho phân phối xã hội chủ nghĩa. Đối với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, khẩu hiệu “càng nhiều càng tốt” không được áp dụng, vì không phải mọi thứ sản xuất ra đều có thể bán được. Tuy nhiên, khẩu hiệu này lại phù hợp với chủ nghĩa xã hội, thậm chí là khẩu hiệu cơ bản của nó, bởi vì mọi sự gia tăng sản xuất đều tạo ra nhiều hơn cho mọi người lao động. Đúng, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cần có sự cân xứng giữa các bộ phận khác nhau của nó, thậm chí nhiều hơn so với kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự cân xứng này đạt được không phải thông qua thị trường mà dựa trên cơ sở tính toán khối lượng nhu cầu tiềm năng. Dù sao đi nữa, đối với ngành công nghiệp của Nga vào thời điểm đó, vốn hoạt động vì nhu cầu nội bộ, thì không thể có vấn đề về sản xuất thừa.

Đúng là ngành công nghiệp lúc đó không phải là xã hội chủ nghĩa theo đúng nghĩa của cụm từ này, giống như ngành công nghiệp của chúng ta trong hiện tại, không phải tất cả các sản phẩm của nó đều được đưa vào phân phối xã hội chủ nghĩa. Công nghiệp vẫn hoạt động cho thị trường nông dân nội địa ở một mức độ đáng kể, bởi vì hình thức kinh tế chủ yếu trong nông nghiệp là hộ cá thể. Để mua ngũ cốc và nguyên liệu thô, ngành công nghiệp phải bán một phần sản phẩm của mình cho các nhà sản xuất ngũ cốc và nguyên liệu thô. Sản xuất thừa chỉ là mối đe dọa trong chừng mực mà ở một số ngành nhất định có thể sản xuất ra một lượng quá lớn những hàng hóa mà nông dân cũng như công nhân không muốn, trong khi những hàng hóa mà họ cần lại không được sản xuất. Nhưng đây là một vấn đề khác, mà tôi sẽ quay lại sau khi nói với các bạn về sự phát triển kinh tế của nước Nga trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm. Trong khi cần nâng cao năng lực của thị trường nông dân trong nội địa, ngành công nghiệp của chúng ta không cần thị trường bên ngoài để phát triển bởi vì sự phân phối xã hội chủ nghĩa trong vòng tròn các doanh nghiệp nhà nước, công nhân nhà nước và nhân viên văn phòng, tự nó đã có một cái van xả nơi xuất phát của một thị trường mới bên ngoài để mở rộng nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa.

Nhưng mặc dầu có đầy đủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên để duy trì cho sự tồn tại một nền kinh tế bị cô lập tạm thời (trước khi cách mạng vô sản nổ ra ở các nước khác), thì để đảm bảo cho sự phát triển nhanh nhất của các lực lượng sản xuất, nước Nga Soviet vẫn cần phải liên kết kinh tế với châu Âu tư bản. Nhu cầu tìm kiếm thị trường và nguồn cung nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp đã thúc giục các nước tư bản hướng về nước Nga, trong khi nước Nga cũng bị thúc giục để hướng đến châu Âu bởi sự kém phát triển công nghiệp của mình, thứ vốn đã bị kìm hãm bởi tình trạng vô tổ chức trong nông nghiệp. Nếu không có một nền nông nghiệp đủ mạnh thì nền công nghiệp tư bản của nước Nga trước cách mạng đã không thể tồn tại, nếu không có một nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa đủ mạnh thì công nghiệp không thể phát triển nhanh chóng. Nhưng để cho nông nghiệp nhanh chóng đứng vững trên đôi chân của mình, nó cần sự trợ giúp từ bên ngoài và trên một quy mô to lớn, không chỉ là tín dụng thương mại ngắn hạn mà còn, thậm chí chủ yếu, là tín dụng dài hạn, tín dụng cho cải tạo đất và phục hồi nền kinh tế. Nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa của nước Nga không thể cung cấp viện trợ cho nông nghiệp trên quy mô lớn; nó cũng không thể cấp tín dụng ở bất kỳ quy mô đáng kể nào bởi vì chính nó cũng đang cần sự giúp đỡ thông qua tín dụng. Nó thiếu tư bản lưu động (hoặc vốn xoay vòng), và trang bị của nó thì đã bị hao mòn ở mức độ lớn trong chiến tranh và cách mạng.

Chỉ có các nền công nghiệp giàu có hơn ở châu Âu mới có thể cung cấp tín dụng cho nông nghiệp Nga, và chính bản thân họ cũng rất quan tâm tới việc làm sống dậy nó. Thêm vào nữa, tình hình kinh tế châu Âu những năm 1920 cho thấy rằng, một mối quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi là cần thiết cho sự phát triển lực lượng sản xuất ở cả các nước tư bản châu Âu lẫn nước Nga xã hội chủ nghĩa, và động lực phát triển trong thời kì này của lịch sử kinh tế châu Âu buộc phải được cung cấp bởi sự phát triển thần tốc, gần tới mức cưỡng bức phát triển nông nghiệp của Nga. Như tôi đã nói, nền công nghiệp châu Âu không mang trong mình những điều kiện cần thiết cho sự phục hồi nhanh chóng mà không có thị trường mới hay những nguồn cung nguyên liệu thô ngoài biên giới của lục địa này. Kết quả là, vùng nông thôn Nga trong thời kì này trở thành trục chính của việc nâng cao kinh tế châu Âu. Đây là hướng đi ít cản trở nhất cho sự tiến bộ. Chỉ một tính toán đơn giản về kinh tế cũng có thể thấy sự thật này. Mỗi bước tiến về kinh tế đồng nghĩa với sự tăng lên của những giá trị được tạo ra trong quốc gia, hàng trăm, triệu hay ngàn triệu mỗi năm, với tất cả những hệ quả kèm theo: sự gia tăng khả năng tích lũy sản xuất, kéo theo việc xây dựng nhiều nhà máy và đường ray mới, mở rộng sản xuất tại các nhà máy sẵn có, tăng khả năng tiêu thụ cá nhân đối với cả giới tư sản và công nhân, và còn nhiều nữa. Tưởng tượng trong một khoảnh khắc toàn bộ nền kinh tế châu Âu trở thành một thực thể thống nhất dù chỉ trong giới hạn nhất định. Hãy tưởng tượng rằng vấn đề đặt ra là tăng số lượng giá trị được sản xuất hàng năm bởi ngành công nghiệp của Châu Âu bằng hai triệu rúp vàng trong thời gian ngắn nhất có thể. Làm thế nào để điều này có thể thực hiện được một cách khách quan trong những điều kiện được mô tả ở trên mà vẫn duy trì tính cơ học của phương thức sản xuất tư bản?

Chúng ta hãy giả định rằng tư bản châu Âu tìm ra cách để mua lượng nguyên liệu thô cần thiết, rồi tìm ra lượng nguyên liệu này và mua chúng – một điều gần như bất khả để thực hiện được chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng nó vẫn cần phải bán các sản phẩm được sản xuất, có nghĩa là phải rất gấp gáp tìm ra một thị trường bổ sung, mặc dù những gì liên quan ở đây là việc thực hiện chỉ một phần của sản phẩm mới, vì bản thân chủ nghĩa tư bản, như chúng ta biết, tạo ra trong nội bộ thị trường cho phần còn lại. Vì cả cái này và cái kia đều không thể từ trên trời rơi xuống mà chỉ có thể xuất hiện thông qua sự phát triển dần dần, từng bước của các quá trình kinh tế cả trong và ngoài châu Âu, nên rõ ràng là một bước tiến nhanh chóng của ngành công nghiệp châu Âu trên cơ sở chỉ tiềm năng sản xuất của chính nó và các thị trường hiện có sẽ là không thể. Nếu ngành công nghiệp của Châu Âu, trong nỗ lực mở rộng, tạo ra giá trị dư thừa vào khoảng hai ngàn triệu thặng dư và không thể sử dụng hết chúng thì sẽ là một cuộc khủng hoảng, một sự lãng phí những tài nguyên hiếm hoi và sẽ dấy lên một phản ứng chống lại sự mở rộng trong toàn bộ kết cấu kinh tế, điều sẽ khiến cho nền công nghiệp không còn cả khả năng ổn định dù chỉ phần rất hạn chế giá trị sản xuất tồn tại trước thời kì mở rộng của nó. Sự hồi phục của nền công nghiệp tư bản châu Âu sẽ chỉ là một vấn đề đơn giản nếu mỗi nhà máy không chỉ bắt đầu sản xuất tương đương mức trước chiến tranh mà còn, trước hết có thể bán được tất cả những gì nó sản xuất ra với một mức giá đảm bảo cho sản xuất được tiếp tục. Vì cấu trúc của nền kinh tế thế giới đã bị xé nát sau chiến tranh, cần thiết phải có đổi mới  trong một số quá trình kinh tế sơ bộ để đảm bảo cho sự mở rộng của ngành công nghiệp châu Âu.

Trong khi đó, nông nghiệp Nga lúc ấy cần rất ít để đạt được mức tăng sản lượng hàng năm.

Trong khi nền nông nghiệp Nga năm đầu tiên sau chiến tranh sản xuất khoảng 2 tỷ pút lương thực, vào năm 1922, một mùa thu hoạch trung bình dễ dàng đem lại con số tăng lên khoảng gần 3 tỷ pút. Và để sản xuất nhiều hơn ba tỷ, đưa đến bốn tỷ (tương đương mức trước chiến tranh), đầu tiên cần phải canh tác nhiều hơn 25% diện tích đất, nguồn sản xuất đã sẵn sàng để canh tác bất cứ lúc nào. Thứ hai là giới thiệu một số cải tiến đơn giản vào nền kinh tế nông dân, trong đó không có điều gì đòi hỏi bất kì một khoản chi đặc biệt lớn nào (ví dụ như vỡ hoang sớm, cày xới vào mùa thu, gieo hạt sâu trong lòng đất,…) Thứ ba, bổ sung thiết bị nông nghiệp; và thứ tư, tăng số lượng động vật kéo và chuyển những động vật này đến những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất.

Không biện pháp nào trong số này đòi hỏi bất kỳ thay đổi nào trong cơ cấu thực tế của nền kinh tế nông dân, thậm chí còn ít thay đổi hơn đối với cơ cấu nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, khi có hiệu lực, chúng đã thay đổi đáng kể toàn bộ tình hình kinh tế ở châu Âu. Nền kinh tế châu Âu đã vận động trở lại – mặc dù, như chúng ta sẽ thấy dưới đây, sẽ không lâu – nhờ có Nga, trong khi Nga, nếu tiếp tục bị cô lập ở châu Âu, có thể đã đạt được tiến bộ ngay cả khi không có châu Âu tư bản dù với tốc độ chậm hơn. Điều này có thể giải thích một phần cho thực tế tưởng chừng nghịch lý ngay từ cái nhìn đầu tiên rằng nước Nga lạc hậu về kinh tế lại đóng một vai trò quyết định như vậy trong lịch sử châu Âu. Tới đây, tôi phải kết thúc mô tả của mình về tình hình kinh tế chung ở Châu Âu. Trong bài giảng tiếp theo, tôi sẽ khảo sát lịch sử phát triển kinh tế của Nga, cụ thể là thời kỳ được gọi là chính sách kinh tế mới.


GIỚI THIỆU

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận