Chủ nghĩa tân tự do

Chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism), cái tên vừa lạ lại vừa quen. Bạn có thể đã từng được nghe về nó trong các buổi thảo luận về lý thuyết kinh tế, về khủng hoảng hay quan hệ quốc tế. Nhưng nó có thể bị nhầm lẫn với chủ nghĩa tự do, một chủ đề đang được thảo luận ngày một rộng rãi và phong phú chỉ trong vài năm gần đây. Trong khi chủ nghĩa tự do tập trung vào sự tự do về cá nhân, tư tưởng,… chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do lại là chống lại sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, là tư nhân hoá, là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước.

Hãy khoan, nếu quả vậy thì nó nên được quan tâm bởi những nhà kỹ trị, những người lập chính sách hơn là những người lao động bình thường, những người mà vấn đề tiền lương, vật giá có lẽ mới đáng để xem xét và quan tâm hơn. Tuy nhiên suy nghĩ đó là sai lầm, chính ngược lại, quần chúng lao động mới là những người cần thiết nhất phải quan tâm đến chủ đề này, thứ sẽ quyết định rất nhiều đến tương lai cuộc sống của họ.

Khởi nguồn Tân tự do

Để trả lời vấn đề này chúng ta phải ngược dòng thời gian về nửa thế kỷ trước, thời kỳ bùng nổ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là giai đoạn từ năm 1948 đến năm 1973, một thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản thế giới khi nền kinh tế tăng trưởng không ngừng từ năm này qua năm khác đã cho phép giai cấp thống trị đưa ra những nhượng bộ quan trọng với người lao động, mức sống được nâng cao và hệ thống phúc lợi xã hội được mở rộng.

Gắn liền với thời kỳ này là kinh tế học Keynes. Keynes, trong khi xem xét cuộc khủng hoảng trong Đại suy thoái, đã nhận thấy một cái vòng luẩn quẩn trong đó tỷ lệ thất nghiệp cao dẫn đến giảm nhu cầu về hàng hóa, từ đó khiến doanh nghiệp giảm quy mô hoặc đóng cửa, và do đó thất nghiệp lại gia tăng. Trong tình huống như vậy, Keynes tin rằng kích thích của chính phủ là cần thiết để gia tăng cầu hiệu quả và do đó biến vòng luẩn quẩn này thành một vòng tròn đạo đức, với nhu cầu ngày càng tăng từ chính phủ sẽ dẫn đến sự mở rộng sản xuất và việc làm, do đó tiền lương lớn hơn và mở rộng nhu cầu về hàng tiêu dùng, v.v… Tuy nhiên, cũng giống như Hayek tập trung vào cầu, việc Keynes tập trung vào cầu chỉ dẫn đến những kết luận một chiều. (Một phân tích sâu hơn mà bạn có thể đọc ở đây.)

Thời kỳ ổn định kéo dài sau Đại chiến đã khiến cho các nước tư bản phát triển tự tin để áp dụng chính sách này một cách rộng rãi. Miễn là kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các nhà tư bản có thể cung cấp nhượng bộ cho người lao động, chiếc bánh càng to thì những mẩu vụn dưới bàn cũng có thể nhiều hơn. Thâm hụt ngân sách cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng.

Nhưng đầu năm 1971, thất nghiệp và lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Tư bản Hoa Kỳ ban đầu đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách xuất khẩu nó sang các nước khác với Cú sốc Nixon. Đó là một loạt các biện pháp kinh tế do Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon thực hiện vào năm 1971, trong đó quan trọng nhất là việc đóng băng tiền lương và giá cả, đánh thuế hàng nhập khẩu và đơn phương hủy bỏ chuyển đổi quốc tế trực tiếp từ dollar Mỹ sang vàng. Tuy nhiên nó đã dẫn đến sự bất ổn cho toàn bộ thế giới tư bản khi các đồng tiền được thả nổi và cùng với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, đã mở đầu cho một Cuộc suy thoái giai đoạn 1973 – 1975.

Khác với những cuộc suy thoái trước đó, thất nghiệp hàng loạt và lạm phát cao đã đồng thời xuất hiện, cái mà người ta gọi là lạm phát đình trệ. Nhưng giống như mọi cuộc khủng hoảng khác, người lao động chứ không phải các nhà tư bản sẽ phải trả giá. Các khoản thâm hụt ngân sách phải được bù đắp, hoặc bằng cách tăng thuế doanh nghiệp hoặc bằng cách cắt giảm các dịch vụ công và an sinh xã hội. Sự trì trệ kinh tế phải được đối phó, hoặc bằng cách buộc tăng đầu tư bất chấp lợi nhuận suy giảm hoặc bằng cách tấn công vào tiền lương của công nhân và xuất khẩu tư bản đến các nước thế giới thứ ba nơi có nguồn cung lao động rẻ mạt. Không khó để giai cấp thống trị lựa chọn, và do đó chúng ta có chính sách kinh tế tân tự do, thứ có thể tóm tắt ở một số điểm chính như sau:

– Tư nhân hóa tài sản nhà nước và các dịch vụ công.

– Cắt giảm chi tiêu công, đặc biệt là thông qua việc dỡ bỏ nhà nước phúc lợi.

– “Dỡ bỏ các quy định” đối với thị trường lao động, tức là bãi bỏ tất cả các luật bảo vệ người lao động.

– Tự do hóa thương mại, hay nói cách khác buộc các nước đang phát triển phải mở cửa thị trường cho Tư bản nước ngoài. 

Những điều này rõ ràng là đối lập hoàn toàn với lợi ích của giai cấp công nhân và do đó chắc chắn sẽ gặp phải sự phản kháng, đặc biệt là ở những nơi mà công nhân được tổ chức tốt như các nước tư bản phát triển. Do vậy thử nghiệm đầu tiên của nó đã được tiến hành không phải ở một quốc gia dân chủ mà là ở Chile, nơi mà một chế độ độc tài quân sự đã được thiết lập sau cuộc đảo chính của Pinochet năm 1973.

Những thử nghiệm đầu tiên

Được thuyết phục bởi “những chàng trai Chicago”, môn đệ của Friedman, Pinochet đã bãi bỏ hoàn toàn các quy định với ngân hàng cũng như thuế doanh nghiệp, tư nhân hoá 212 ngành công nghiệp, và cho phép tư bản nước ngoài thỏa sức vét sạch tài nguyên cũng như bóc lột, bần cùng hóa người lao động. Mức lương tối thiểu bị bãi bỏ và các công đoàn bị tiêu diệt để ngăn chặn người lao động phản kháng. Những điều này cuối cùng đã được chứng minh là thảm hoạ đối với Chile khi khủng hoảng tiền tệ nổ ra vào năm 1982. Cho tới cuối thời kỳ Pinochet cai trị, 40% dân số sống ở mức nghèo khổ và chính nó đã thúc đẩy làn sóng nổi dậy lật đổ chế độ phản động này. Trớ trêu thay, nền kinh tế Chile đã được hồi phục sau đó phần lớn là nhờ khai thác các mỏ đồng, ngành công nghiệp duy nhất của nước này mà Chính phủ chưa kịp tư nhân hóa.

Tiếp theo là ở Anh khi Thatcher lên nắm quyền vào năm 1979. “Đây mới là cái chúng ta đặt niềm tin”, Thatcher tự tin tuyên bố khi đặt tay lên cuốn Hiến pháp Tự do của Hayek. Và kỷ nguyên của bà ta thực sự đã được đánh dấu bằng hàng loạt nỗ lực để thực thi chính sách tân tự do cũng như chống lại phong trào lao động có tổ chức và bề dày truyền thống ở Anh. Một số chính sách kinh tế, chẳng hạn như lãi suất cao ngất ngưởng làm cho đầu tư bị tắc nghẽn và khiến cho đồng bảng Anh và hàng hóa của Anh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, dường như là cố tình để nhằm giảm việc làm và triệt tiêu hàng loạt ngành sản xuất. Những người thất nghiệp đến lượt lại được sử dụng như một đòn roi đe dọa đối với những người lao động có việc làm. Trước cuộc chiến những năm 1984 – 1985 với các thợ mỏ, bộ phận được tổ chức và kỷ luật tốt nhất của phong trào lao động ở Anh, than đã được dự trữ với số lượng khổng lồ. Hậu quả của nó là ngành công nghiệp than của nước Anh đã bị tàn phá nặng nề. Khi ngành đường sắt được tư nhân hóa, người ta đã hứa hẹn về “sự năng động và hiệu quả”. Kết quả, dịch vụ đường sắt ở Anh hiện nay đắt hơn, kém tin cậy, kém an toàn hơn so với trước. Railtrack, một trong những công ty tư nhân, thậm chí cần phải có sự can thiệp của nhà nước để tránh phá sản.[1]

Ở Hoa Kỳ, chương trình nghị sự Tân tự do đã được Ronald Reagan theo đuổi khi ông ta nên nắm quyền vào năm 1981. Một trong những hành động đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống là phá hủy công đoàn kiểm soát viên không lưu. Khi PATCO đình công vào tháng 8 năm 1981, Reagan tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp và sa thải hơn 11.000 người đình công. “Chính phủ không phải là giải pháp mà là vấn đề”, đó là tuyên bố của Reagan và ông ta đã nỗ lực để biến điều đó thành sự thực thông qua các chính sách giảm thuế đánh vào người giàu, tư nhân hóa, thuê ngoài các dịch vụ công, giảm trợ cấp xã hội… Hệ quả là, trong khi 10% trên cùng tăng vọt về thu nhập và tài sản, phần còn lại của xã hội chìm trong nợ nần, nghèo đói kinh niên.

Không cần phải có sự can thiệp nào cả và thị trường tự nó sẽ điều chỉnh để cho ra kết quả “tốt nhất” – Các nhà Tân tự do nói với chúng ta như vậy đó. Nhưng điều “tốt nhất” đó không dành cho tất cả, thậm chí không phải cho đa số mà chỉ là cho một nhúm các nhà tư bản. Chủ nghĩa tân tự do là nỗ lực để khôi phục lại chủ nghĩa tự do kinh tế của thế kỷ XIX trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Về mặt xã hội, nó không phải là tự do mà nhất thiết phải là chuyên chế và đàn áp đối với giai cấp công nhân, chỉ có vậy nó mới khôi phục được quyền bá chủ của tư bản.

Nhưng Tân tự do không chỉ là một nỗ lực biện minh cho cuộc tấn công vào quyền của người lao động, những người hiểu rõ trợ cấp và an sinh xã hội sẽ đảm bảo tương lai cho họ và gia đình tốt hơn nhiều những ngôn từ rỗng tuếch như ‘thị trường tự do’. Nó còn là một nỗ lực để để làm mới lại thứ chủ nghĩa tự do vốn đã bị mất uy tín từ lâu ở các nước hậu thuộc địa, nơi mà khẩu hiệu ‘Tự do, Bình đẳng, Bác ái’ không mang điều gì khác ngoài xiềng xích nô lệ.

Các nước thuộc thế giới thứ ba

Đầu thập niên 1990 , “Đồng thuận Washington” được thông qua, biến các tổ chức kinh tế quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới và nay là Tổ chức Thương mại Thế giới trở thành những pháo đài cho chủ nghĩa tân tự do. Thay mặt cho các cường quốc đế quốc, chúng đã không ngừng bắt nạt các nước nghèo một cách tàn nhẫn. Buộc họ vào các khoản nợ mà họ không thể trả và từ đó buộc phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng, mở cửa nền kinh tế, trao quyền khai thác tài nguyên thô và tư nhân hóa các ngành công nghiệp để cho tư bản nước ngoài sẵn sàng cướp bóc.

Trong hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và 1979, nhờ giá dầu tăng mà các nước xuất khẩu dầu mỏ đã thu về một khoản ‘dollar dầu mỏ’ khổng lồ. Tuy nhiên, họ thực sự không biết phải làm gì với số tiền này và các ngân hàng lớn ở phương Tây đã mang tới ‘giải pháp’. Số tiền này được ném vào các nước kém phát triển ở Mỹ Latinh dưới dạng các khoản vay khổng lồ, điều đã kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng nợ kéo dài trong hàng thập kỷ.

Tháng 8/1982, cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu khi Mexico tuyên bố vỡ nợ. Tiếp đó là Brazil, Venezuela, Argentina và Bolivia. Cuộc khủng hoảng nợ này bắt đầu một phần do quản trị kém và tham nhũng tại các nước sở tại kết hợp với tăng lãi suất ngân hàng và suy thoái của kinh tế thế giới năm 1979. Khi nợ đến hạn, các nước này lại tiếp tục phải vay nợ chỉ để trả lãi cũng như buộc phải chấp nhận các điều khoản từ chủ nợ như thắt lưng buộc bụng, phá giá nội tệ hay tự do hóa thương mại (bãi bỏ hàng rào thuế quan, bãi bỏ trợ giá sản phẩm nội địa, nới lỏng quy định đầu tư tư bản…)

Từ giữa năm 1975-1982, các khoản nợ công của các nước Latinh đối với các tổ chức tài chính và ngân hàng thế giới tăng với tỷ lệ gộp hàng năm lên đến trên 20%, khiến tổng nợ vay đã tăng từ 75 tỷ USD năm 1975 lên đến hơn 315 tỷ USD năm 1983, trong đó, thanh toán lãi suất và trả vốn gốc tăng mạnh, từ 12 tỷ USD năm 1975 lên 66 tỷ USD năm 1982 (The berge 1999) Trong suốt những năm đầu của khủng hoảng, tăng trưởng GDP các nước trong khu vực chỉ còn hơn 2%. Kinh tế trì trệ kéo dài, thu nhập bình quân đầu người giảm và chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng.

Cho đến tận đầu thập niên 90, cuộc khủng hoảng mới tạm lắng dịu. Và trong suốt một ‘thập kỷ mất mát’ đó, IMF, giống như gã lái buôn Shylock thành Venice, quyết đòi các nước nghèo đến cân thịt cuối cùng. Phải biết rằng cho đến tận cuối năm 2005, Mỹ Latinh vẫn còn gánh khoản nợ 2,94 triệu dollar, phần lớn được thừa hưởng từ những năm 1980.

Bước sang năm 1990, tình hình khả quan hơn cho các nước đang phát triển khi chủ nghĩa tư bản bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu dựa vào đầu cơ, bong bóng trên thị trường chứng khoán, v.v… Sự tăng trưởng thực sự trong nền kinh tế chủ yếu là ở trong lĩnh vực công nghệ cao, nguyên nhân là do các nhà tư bản kỳ vọng nhiều vào các kỳ lân công nghệ hơn là các ngành sản xuất truyền thống, những ngành tuy tạo ra sản phẩm cho xã hội nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Tất cả những điều này cho thấy bản chất ký sinh của chủ nghĩa tư bản ngày nay thay vì tạo ra động lực cách mạng trong những thế kỷ trước.

Cuối cùng đặc tính vô chính phủ của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tái khẳng định chính nó trong một số cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 1997, chúng đã dần đập tan những huyền thoại được xây dựng xung quanh các chính sách tân tự do. Năm 1997 đánh dấu sự sụp đổ của “những con hổ” Đông Nam Á (vốn được ví von là mô hình mà các nước tư bản chậm tiến nên theo), mùa hè năm 1998 đến lượt nền kinh tế Nga. Tháng 4 năm 2001, bong bóng chứng khoán công nghệ bị vỡ. Năm 2000 đồng real Brazil mất giá, dẫn đến sự mất giá lớn của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 năm 2001. Tháng 12 năm 2001, nền kinh tế Argentina sụp đổ đã đẩy đất nước đến bên bờ của một cuộc cách mạng. Năm 2002, là vụ phá sản của Enron và Worldcom.

Argentina, quốc gia được ví như “người học trò giỏi nhất của IMF”, đã trung thành tuân theo mọi lời khuyên từ IMF và Ngân hàng Thế giới, tư nhân hóa tất cả tài sản công, phá bỏ các rào cản thương mại và giảm chi tiêu công. Nhưng kết quả mà nó nhận lại vẫn là vỡ nợ nước ngoài, kinh tế suy thoái nghiêm trọng và 40% dân số phải sống dưới mức nghèo khổ. Tháng 5 năm 2020, bất chấp các chính sách “tái cơ cấu” Argentina lại vỡ nỡ lần thứ 2 liên tiếp trong chưa đầy 20 năm. Đó là tất cả những gì còn lại của một quốc gia đã từng sánh mình với các nước ở châu Âu và xem các nước láng giềng Mỹ Latinh xung quanh chỉ là hạng dưới.

Nam Phi, dưới sự lãnh đạo của chính phủ ANC, đã hết lòng thông qua các chính sách Tân tự do dưới hình thức của chương trình Tăng trưởng, việc làm và tái phân phối (GEAR) vào năm 1996. Chính phủ đã hạ mức thuế nhập khẩu (thậm chí với tốc độ nhanh hơn cả mức IMF đã khuyến nghị!), tư nhân hóa các dịch vụ cơ bản và các công ty, thực thi các chính sách kinh tế “thân thiện với nhà đầu tư” để nhằm thu hút Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Lý giải cho hành động này, người ta nói về một thế giới đang toàn cầu hóa và đây là cách duy nhất để kinh tế tăng trưởng, từ đó mà mọi tầng lớp trong xã hội sẽ được hưởng lợi từ sự tái phân phối. Sáu năm sau, GEAR đã trở thành một thảm họa không thể cứu vãn được. Thay vì tạo ra việc làm, gần một triệu việc làm đã bị phá hủy (nhiều trong số đó là kết quả trực tiếp của một làn sóng nhập khẩu giá rẻ). Đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như cạn kiệt. Lạm phát đã tăng vọt và giá trị của đồng Rand sụp đổ khi nền kinh tế của đất nước trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các chuyển động đầu cơ của tư bản nước ngoài.

Trên thực tế, ngày càng rõ ràng rằng các chính sách “tân tự do” đã không mang lại những gì mà những kẻ khởi xướng nó từng hứa. Tất cả các cuộc thảo luận về tự do hóa thương mại cũng đã được phơi bày như một nỗ lực một chiều của các nước đế quốc nhằm chinh phục thị trường nước ngoài trong khi bảo vệ thị trường của chính nó với hàng hóa nước ngoài

Hoa Kỳ là điển hình cho điều này khi nó tiếp tục thông qua các gói trợ cấp lớn cho nông nghiệp (được tài trợ bằng đánh thuế phá giá với nông sản nhập khẩu), nhưng lại đồng thời buộc các nước Thế giới thứ ba phải chấm dứt trợ cấp cho nông sản của nước họ. Năm 2005, tổng thống Bush, bất chấp những lời nói ủng hộ “thị trường tự do”, đã áp mức thuế cao lên tới 30% đối với hầu hết các mặt hàng thép nhập khẩu không những từ châu Á mà ngay cả từ các đồng minh châu Âu của Mỹ. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 nổ ra, những lời nói về sự không can thiệp của Nhà nước vào thị trường, về sự tự điều tiết của thị trường đều bị ném qua một bên để chính phủ lao vào giải cứu các nhà đầu tư phố Wall.

 Làm sao để chống lại?

Các chính sách Tân tự do bất kể được áp dụng ở đâu cũng sẽ nhận phải tiếng la ó và sự tức giận từ quần chúng lao động. Nó chỉ có thể tìm thấy các ngôn sứ cho mình trong các trường đại học, nơi tụ hội tầng lớp tinh hoa của đất nước, những người mà địa vị ít bị đe dọa bởi các chính sách Tân tự do mà ngược lại còn mang đến cơ hội cho họ tiếp cận với tầng lớp tinh hoa ở các nước tư bản tiên tiến. Do đó chiến thắng của tân tự do trong các giảng đường đại học gần như là tất yếu và những người theo chủ nghĩa Marx không nên coi đây là chiến trường chính của mình. Họ không nên dựa vào các trí thức cấp tiến, những người thích chiến đấu với kẻ thù bằng thanh kiếm làm bằng bìa giấy và những câu chuyện ngụ ngôn thâm thuý thay vì vận động cho một phong trào lao động có tổ chức mạnh mẽ.

Quần chúng lao động trên khắp thế giới chính là những người phải trả giá cho tác động tiêu cực của các chính sách Tân tự do, và do đó chỉ có họ mới có động lực mạnh mẽ để chống lại chúng. Và quả thực là vậy, năm 1998 quần chúng Indonesia đã đứng lên để lật đổ chế độ độc tài Suharto đáng ghét. Tháng 1 năm 2000, đến lượt chính phủ Ecuador.

Thế kỷ XXI đã được mở đầu bởi làn sóng biểu tình và vận động quần chúng trên khắp Mỹ Latinh nhằm phản đối tư nhân hóa. Tháng 4 năm 2005, phong trào quần chúng ở miền nam Peru đã nổi ra để đánh bại kế hoạch tư nhân hóa điện nước [2]. Cùng thời điểm là một phong trào tương tự ở Cochabamba của Bolivia [3]. Tại Paraguay, một cuộc tổng đình công và biểu tình trên đường phố đã buộc Quốc hội phải rút lại mọi kế hoạch tư nhân hóa. Uruguay cũng theo sau. Chính những phong trào này đã đặt cơ sở cho các lực lượng cánh tả lên nắm quyền những năm sau đó.

Cùng lúc đó ở các nước tư bản tiên tiến là hàng loạt phong trào chống toàn cầu hóa. Khởi đầu với cuộc biểu tình chống lại cuộc họp của WTO ở Seattle, Mỹ năm 2001, thu hút hàng chục nghìn người. Sau đó là ở Barcelona và London năm 2002, v.v…

Tất cả những phong trào và cuộc biểu tình này cho thấy rõ tâm trạng ngày càng tức giận và nổi dậy chống lại những điều kiện do cuộc khủng hoảng tư bản tạo ra. Mặc dù giải pháp thay thế là chưa rõ ràng nhưng quần chúng rất rõ ràng về những gì họ phải chống lại. Xây dựng giải pháp thay thế phải là nhiệm vụ của những người Marxist cách mạng và chỉ trên cơ sở của một phong trào lao động mạnh mẽ những kết luận đúng đắn mới có thể được rút ra.

Vấn đề không chỉ là “chủ nghĩa tân tự do” hay “toàn cầu hóa”, không chỉ đơn thuần là WTO hay IMF. Đây chỉ là những biểu hiện, những triệu chứng của thời kỳ khủng hoảng tư bản chủ nghĩa hiện nay. Do đó, kết luận cần phải rõ ràng, chúng ta phải đấu tranh chống lại chính chủ nghĩa tư bản. Chỉ bằng cách bãi bỏ hệ thống dựa trên lợi nhuận tối đa cho số ít này, chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới không còn đói nghèo và bóc lột.

Để phong trào này thành công và thắng lợi, chúng ta cần trang bị cho nó một lực lượng lãnh đạo cách mạng hiểu rõ những kinh nghiệm và sai lầm của các cuộc đấu tranh trong quá khứ. Những ý tưởng của chủ nghĩa Mác ngày nay trở nên phù hợp hơn bao giờ hết và một khi chúng chinh phục được tâm trí của quần chúng, chúng sẽ trở thành một lực lượng không thể ngăn cản sẽ biến đổi bộ mặt của hành tinh. Một lần nữa nhân loại phải đối mặt với sự lựa chọn “hoặc chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa man rợ”, nhưng chúng ta, những người Marxist, sẽ luôn tin tưởng vào khả năng của người lao động trong việc biến đổi thế giới và thiết lập một xã hội không bị bóc lột và bạo lực, và no đủ cho tất cả mọi người.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận