CÔNG NHÂN ĐÃ GIÀNH ĐƯỢC NHỮNG GÌ TRONG CÁCH MẠNG NGA?
Nhận thức chung dưới chủ nghĩa tư bản là những cải cách tiến bộ sẽ dần dần giành được thắng lợi khi các ý tưởng từ từ phát triển và các nhà lãnh đạo khai sáng giành được vị trí quyền lực. Nhưng cách mạng Nga năm 1917 đã cung cấp một mô hình thay đổi xã hội hoàn toàn khác – một mô hình trong đó những người lao động cách mạng đã thay đổi hoàn toàn xã hội xung quanh họ gần như chỉ trong một đêm, thông qua hành động tập thể của chính họ.
Tháng 2 năm 1917, thông qua các cuộc bãi công, biểu tình và hành động quần chúng, lần đầu tiên lật đổ chế độ quân chủ Sa hoàng tồn tại mấy trăm năm. Chín tháng sau, họ lật đổ tiếp giai cấp tư sản, thay thế nó bằng cơ cấu dân chủ của chính quyền công nhân, được biết đến với cái tên Xô viết.
Trung tâm của cuộc cách mạng là đảng Bolshevik – “hệ thống thần kinh của giai cấp” – theo mô tả của Victor Serge, chứng nhân của Năm thứ nhất của Cách mạng Nga. Những người Bolshevik cấp tiến đã chiến đấu để đoàn kết tất cả những người bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ áp bức chung của họ, và sau đó thách thức những nhận thức phân biệt đối xử kéo dài đã hàng thế kỷ sau khi nhà nước công nhân non trẻ được thành lập.
Thật vậy, trong ngày đầu tiên của chính quyền công nhân, một loạt các sắc lệnh đã bắt đầu định hình lại xã hội. Nga rút khỏi Thế chiến thứ nhất, cuộc chiến mà những người cách mạng hiểu rằng đó là cuộc chiến của các ông chủ mà công nhân và nông dân phải trả giá bằng xương máu của chính mình. Quyền sở hữu đất đai được chuyển từ các địa chủ giàu có sang các ủy ban nông dân, và các quốc gia bị đế quốc Nga áp bức được trao quyền tự quyết. Cuộc sống ở các thành phố và thị trấn cũng thay đổi – quyền kiểm soát sản xuất của người lao động được quy định trong luật, và các ý thức cùng tập tục đè nặng lên xã hội bị thách thức ở nơi làm việc, nhà ở và không gian công cộng.
Chủ nghĩa tư bản khiến người lao động cảm thấy bất lực: bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với xã hội bị tước đoạt khỏi tay họ và do đó tưởng tượng ra một thế giới hoàn toàn khác là điều họ không được khuyến khích. Những định kiến, bao gồm phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính, được bình thường hóa thông qua các cấu trúc mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản, với hệ thống giáo dục và phương tiện truyền thông. Những ý tưởng này giúp duy trì quyền lực của giai cấp thống trị bằng cách chia rẽ công nhân và những người bị áp bức thành các nhóm xã hội đối lập, riêng biệt. Nhưng, cuộc đấu tranh thống nhất trong Cách mạng Nga đã bắt đầu biến đổi nhanh chóng những quan niệm mà công nhân hằng tin tưởng về bản thân và những người khác.
Trong cuốn sách về nền dân chủ công nhân trong cách mạng, Oskar Anweiler đã mô tả về con đường cuối cùng dẫn đến việc giành chính quyền: “Ở các tỉnh của Nga, cuộc cách mạng đã phá hủy chính quyền cũ. Các quan chức của Sa hoàng, từ tỉnh trưởng đến cảnh sát thôn thấp kém nhất, đã bị phế truất chỉ trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, và một số bị bắt … các tổ chức công cộng và bán công đa dạng nhất hình thành ở các thành phố và thị trấn dưới hình thức các cơ quan tự quản hiện có hoặc trên cơ sở đặc biệt.” Thông qua việc giải quyết những câu hỏi chiến lược mà cuộc cách mạng đặt ra, những người lao động đã có được niềm tin vào khả năng tự điều hành xã hội của họ, và học được rằng họ không cần phải dựa vào giới thượng lưu.
Sau cách mạng tháng 10 năm 1917, khi đảng Bolshevik lật đổ chính quyền hiện có và giành chính quyền về tay giai cấp công nhân, những tư tưởng cấp tiến mà công nhân nắm giữ vào tay trong quá trình cách mạng đã khởi đầu chi sự hình thành một xã hội mới. Một trong những biến đổi lớn nhất liên quan đến vị trí của phụ nữ.
Trước cuộc cách mạng, Rabotnitsa, một tờ báo dành cho phụ nữ lao động, đã mô tả về cuộc sống của những phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, những người phải gánh một gánh nặng gấp đôi bởi công việc nhà không bao giờ kết thúc sau ngày làm việc 12 giờ:
“Mệt mỏi, ốm yếu vì những công việc vô tận nơi xó bếp, ngôi nhà bình yên nào được biết, từ sáng đến tối, ngày qua ngày, tháng qua tháng, người mẹ công nhân vất vả chỉ biết đến thiếu thốn, đến lo lắng và buồn đau. Cuộc sống của cô ấy trôi qua trong u ám, không ánh sáng … Và cô ấy chết mà không biết tới hạnh phúc trong cuộc đời; cô ấy chết đi như một cây non bị bẻ gãy.”
Nhưng trong cuộc cách mạng, phụ nữ của giai cấp công nhân đã thay đổi. Nói chung, họ nắm lịch sử vào tay mình và bắt đầu nhào nặn nó. Chính những công nhân nữ đã khơi dậy cuộc cách mạng. Vào Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 1917, họ diễu hành từ các nhà máy của mình ra đường phố và yêu cầu nam giới tham gia cùng họ. Họ tham gia vào các cuộc tranh luận tại nơi làm việc và trên đường phố, một thế giới cách xa gánh nặng gia đình. Một phụ nữ tại Nhà máy Cao su Treugol’nik hồi tưởng về sự biến đổi đó:
“Tôi không thể diễn tả được niềm vui của mình … Tôi tưởng như mình phải bị chôn vùi vĩnh viễn nơi nhà máy của ông chủ. Và rồi đột nhiên tôi sống lại, tôi vươn mình. Đêm đó tôi đi ủng Nga và đội mũ lưỡi trai của chồng tôi, một chiếc áo khoác của công nhân. Tôi từ biệt các con và ra đi. Tôi đã không xuất hiện ở nhà trong bốn ngày, cho đến tận ngày 2 tháng 3. Gia đình nghĩ rằng tôi đã bị giết.”
Ngay sau khi người lao động nắm quyền, việc sa thải phụ nữ mang thai đã trở thành bất hợp pháp, phụ nữ được trả lương bình đẳng và quyền tự do lựa chọn công việc thành quyền hợp pháp của họ. Bộ luật Gia đình, được phê chuẩn vào năm 1918, đã hợp pháp hóa việc ly hôn và trao địa vị chính thức cho các mối quan hệ trên thực tế, loại bỏ nhà thờ khỏi hôn nhân. Bộ luật đã xóa bỏ sự bất bình đẳng về mặt pháp lý giữa trẻ em sinh ra trong và ngoài giá thú, đồng thời thúc đẩy nam giới phải chu cấp tiền nuôi con cho những đứa trẻ ngoài giá thú của họ. Đồng tính luyến ái đã được phi hình sự hoá và các vấn đề giới tính và tình dục được tranh luận cởi mở. Đến năm 1920, những hạn chế về phá thai cũng được dỡ bỏ.
Những người cách mạng hiểu rằng họ không thể chấm dứt sự áp bức của phụ nữ chỉ bằng một nét bút. Các biện pháp pháp lý đã đi kèm với những thay đổi thực tế. Quyền làm việc, chẳng hạn, đi kèm với một chương trình nhà trẻ đại chúng do nhà nước điều hành, một nỗ lực nhằm đảm bảo rằng phụ nữ sẽ không bị mắc kẹt trong nhà do thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Năm 1920, Lenin viết một bài diễn văn cho những người phụ nữ lao động, trong đó ông lập luận: “Từ bình đẳng về pháp luật đến bình đẳng trong cuộc sống còn rất xa. Chúng tôi muốn lao động nữ đạt được sự bình đẳng với lao động nam không chỉ về pháp luật mà còn về cuộc sống. Muốn vậy, điều cần thiết là lao động nữ phải tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc điều hành các doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhà nước”. Đảng kêu gọi công nhân bầu phụ nữ vào các Xô Viết, và lập luận để phụ nữ ngày càng có vai trò trong đời sống chính trị.
Tái cấu trúc xã hội theo hướng tiến bộ nhất thiết có nghĩa là phải tiếp quản Nhà thờ Chính thống, một bức tường thành bảo thủ. Nhà thờ Chính thống giáo trước đây có quyền lực to lớn trong xã hội và nhà nước, trong khi nhiều tôn giáo thiểu số của đế chế bị đàn áp và bức hại. Cách tiếp cận Bolshevik được thiết kế để loại bỏ các đặc quyền và quyền lực của nhà thờ, đồng thời dỡ bỏ sự áp bức đối với các nhóm tôn giáo bị đàn áp và cho phép họ tự do biểu đạt niềm tin tôn giáo. Cùng với việc cắt đứt Nhà thờ Chính thống khỏi quyền quản lý cuộc sống gia đình và trường học, những người Bolshevik tước bỏ tài sản của họ, tái sử dụng nhiều tòa nhà của họ làm cơ sở hạ tầng công cộng. Trong một tuyên bố “Gửi tới tất cả những người lao động Hồi giáo ở Nga và phương Đông”, được ban hành vào ngày 24 tháng 11 năm 1917, chính phủ Liên Xô mới đã viết: “Hỡi những người Hồi giáo Nga … tất cả những người có nhà thờ Hồi giáo và nhà nguyện đã bị phá hủy, những người có tín ngưỡng và phong tục đã bị chà đạp bởi sa hoàng và những kẻ áp bức Nga: niềm tin và tập quán của bạn, các thể chế văn hóa và dân tộc của bạn mãi mãi tự do và bất khả xâm phạm.”
Các nhà thờ Hồi giáo được trao quyền tự do hoạt động và được phép biểu đạt tôn giáo. Các ngôn ngữ bản địa bắt đầu được nói và giảng dạy trong các trường học và được sử dụng trong các tài liệu chính thức của chính phủ. Đó là một sự thách thức với chủ nghĩa sô vanh Đại Nga vốn thống trị trước đây. Các trường đại học được thành lập để đào tạo những người không phải là người Nga về các kỹ năng kỹ thuật, và những người thuộc nhiều nhóm dân tộc bản địa và bị áp bức dân tộc được ưu tiên tiếp cận việc làm. Bên cạnh đó, những vật linh thiêng đã bị các nhà cai trị chuyên chế trước đây cướp phá từ các xã hội Hồi giáo đã được trả lại, và ngày thứ Sáu được tuyên bố là “ngày nghỉ lễ” của quốc gia.
Giống như những người khác, người Hồi giáo bị chính trị hóa bởi cuộc cách mạng. Vào tháng 5 năm 1917, Đại hội những người Hồi giáo toàn Nga lần thứ nhất đã bỏ phiếu cho một ngày làm việc 8 giờ, bãi bỏ sở hữu tư nhân về đất đai và bình đẳng về quyền chính trị cho phụ nữ. Một số lượng lớn người Hồi giáo tham gia đảng Bolshevik, đặc biệt là Jadids, những người đại diện cho một tầng lớp trí thức tự do trong Hồi giáo Trung Á. Trong khi nghiên cứu mối quan hệ giữa những người Bolshevik và Hồi giáo, Dave Crouch phát hiện ra rằng “có sự thảo luận rộng rãi giữa những người Hồi giáo về sự tương đồng của các giá trị Hồi giáo với các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa”.
Xu hướng cực đoan hóa và phát triển các trào lưu trí thức cánh tả mở rộng ra ngoài người Hồi giáo. Trong cuộc cách mạng, các trí thức và công nhân Bolshevik đã lập ra các lớp dạy chữ về đêm cho người lao động. SV Malyshev, thư ký của tờ báo cách mạng Pravda, đã mô tả cuộc sống của thế hệ trí thức công nhân mới:
“Chúng tôi chưa bao giờ được đến trường. Tất cả chúng tôi đều là những người Bolshevik biết đọc mà không biết viết – tất cả chúng tôi đều đã bỏ dở việc học cho đến khi bị cầm tù, chúng tôi gần như là luôn luôn như vậy. Ở đó, ngày qua ngày, chúng tôi viết ra các biến cách, động từ, phụ từ và phân từ. Khi ra tù, chúng tôi ngồi vào bàn thư ký hoặc biên tập viên theo lệnh của đảng.” Chính những công nhân Bolshevik mới biết chữ này đã chuẩn bị các bài báo cho các công nhân khác in, và khuyến khích những người khác viết.
Khi những người Bolshevik nắm chính quyền, nhà nước cách mạng đã thực hiện các chương trình xóa mù chữ trên toàn quốc. Những điều này đã lôi kéo công nhân và nông dân vào cuộc sống công cộng. Trường học cho trẻ em đã được tổ chức lại “để đặt việc quản lý giáo dục phổ thông hoàn toàn và ngay lập tức vào tay người dân”, theo như lời của Nadezhda Krupskaya, một người Bolshevik, người đã giúp hình thành chính sách giáo dục.
Nhà nước cách mạng cũng bắt đầu chuyển đổi hệ thống y tế. Một đợt tuyển dụng các y tá mới đã được đưa ra và các hình thức điều dưỡng mới như “y tá thăm khám” đã được tạo ra, như tài liệu của Susan Grant trong bài luận của cô ấy “Điều dưỡng và những di sản y tế công cộng của Cách mạng Nga”. Ủy ban Y tế Công cộng đã cố gắng chuyển đổi điều dưỡng từ một vai trò chủ yếu được kết nối với các tổ chức từ thiện và tôn giáo thành một vai trò làm việc được tôn trọng dựa trên cơ sở khoa học. Các y tá bắt đầu được đào tạo đến trình độ văn hóa và kỹ thuật để họ ngang hàng với những người lao động có tay nghề cao khác. Nhà nước mới đưa vào đào tạo chuyên môn cho y tá trong bệnh viện và cho những y tá trong các nhà máy và nông thôn.
Cuộc cách mạng đã mang lại những thay đổi sâu sắc về cơ cấu và chứng minh rằng sự áp bức có thể bị thách thức nghiêm trọng như thế nào một khi người lao động nhận thức được sức mạnh đến từ sự đoàn kết. Tuy nhiên, những thành quả mà những người Bolshevik đạt được bị giới hạn bởi những thách thức mà cuộc cách mạng phải đối mặt. Các quốc gia tư bản trên khắp thế giới đã gây chiến với công nhân Nga, và sự thất bại của các cuộc cách mạng ở các nước láng giềng khiến cuộc cách mạng bị cô lập.
Không có sự hỗ trợ từ bên ngoài nước Nga, một thời kỳ khôi phục chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu. Trong cuốn sách Cuộc cách mạng bị phản bội, nhà lãnh đạo Bolshevik Leon Trotsky đã ghi lại sự đảo ngược của nhiều lợi ích mà cuộc cách mạng đã đạt được đối với cuộc sống của phụ nữ, nền dân chủ của người lao động và thái độ của nhà nước đối với các dân tộc thiểu số. Năm 1936, chính phủ của Stalin ban hành luật cấm phá thai trong hầu hết các trường hợp và hạn chế quyền ly hôn. Chủ nghĩa tư bản sinh sôi và đòi hỏi sự áp bức, và vì vậy khi nó tự phục hồi ở Nga, các cấu trúc và ý tưởng xã hội áp bức cũ cũng quay trở lại.
Nhưng ở đỉnh cao của nó, cuộc cách mạng đã chứng minh quy mô của những thay đổi mà các cuộc cách mạng có thể tạo ra. Như Trotsky đã viết, “mục tiêu cao nhất của các nhà xã hội chủ nghĩa là giải phóng đến cùng và một lần cho tất cả các lực lượng sáng tạo của nhân loại khỏi mọi áp lực, giới hạn và sự lệ thuộc nhục nhã”. Cách mạng Nga đã cho chúng ta bằng chứng quý giá rằng điều này là có thể.
Jasmine Duff, Báo Cờ đỏ
Your article helped me a lot, is there any more related content? Thanks!