NĂM CỦA LENIN: ‘‘Những người bạn của dân’ là ai và họ đấu tranh thế nào với những người Dân chủ Xã hội’

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Lenin, đã đến lúc các nhà cách mạng đòi lại con người Lenin thực sự: với tư cách là một chiến sĩ cách mạng, người sáng lập Chủ nghĩa Bolshevik và Quốc tế Cộng sản, đồng thời cũng là một trong những nhà lý luận Marxist vĩ đại nhất trong lịch sử. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi tự hào giới thiệu một loạt bài mới, Lênin trong một năm, nhằm nêu bật những viên ngọc quý – một số nổi tiếng, một số khác ít nổi tiếng hơn – những công trình lý thuyết phi thường của Lenin. Loạt bài nhằm mục đích truyền tải giá trị vượt thời gian của chúng cho các nhà cách mạng ngày nay, làm nổi bật cách mà chúng có mối liên hệ mật thiết với các cuộc bút chiến và đấu tranh chính trị đã định hình nên cuộc đời Lenin, và cũng qua đó mà chủ nghĩa Bolshevik được mài giũa.

Mỗi tuần chúng tôi sẽ giới thiệu tới độc giả một văn bản mới. Chúng ta bắt đầu với một trong những tác phẩm lớn đầu tiên của Lênin, ‘NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA DÂN’ LÀ AI VÀ HỌ ĐẤU TRANH THẾ NÀO VỚI NHỮNG NGƯỜI DÂN CHỦ XÃ HỘI. Nó được viết vào năm 1894, giữa thời kỳ xảy ra các cuộc đình công dữ dội của công nhân ở các thành phố của nước Nga Sa hoàng, thời điểm mà Lênin đang đóng vai trò lãnh đạo trong giới Marxist đang chớm nở ở St Petersburg.



‘Những người bạn của dân’ là ai và họ đấu tranh thế nào với những người Dân chủ Xã hội

Cuốn sách đầu tiên này của Lenin được xuất bản năm 1894, khi ông mới 24 tuổi. Hẳn vì điều này mà nó có ý nghĩa lịch sử. Dẫu vậy, không có nghĩa nó là một tác phẩm ‘chưa trưởng thành’. Ngược lại, nó đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về phương pháp Marxist; những lý luận duy vật lịch sử và kinh tế học Mác xít; và những nhiệm vụ mà các nhà cách mạng Nga phải đối mặt.

Vào những năm 1880, Plekhanov đã thiết lập chủ nghĩa Marx ở Nga bằng cách tung ra các bài bút chiến chống lại những người theo chủ nghĩa dân túy (Narodniks). Vấn đề chính của những cuộc bút chiến này là quá trình nước Nga phát triển được đặt ra trước mắt và những nhiệm vụ mà quá trình này đặt ra cho những người cách mạng. Công việc của Plekhanov trong việc chứng minh rằng nước Nga (không như những người Narodniks tin tưởng) không có một con đường độc đáo để đi tới chủ nghĩa xã hội, cũng như không được miễn trừ khỏi tiến trình lịch sử và các quy luật phát triển, đã giúp đưa Lenin gia nhập phong trào Marxist.

Do đó, văn bản này trình bày sự chuyển tiếp cây gậy (đua tiếp sức) trong cuộc đấu tranh ý thức hệ này, từ người sáng lập chủ nghĩa Marx ở Nga cho đến người sau này trở thành nhân vật vĩ đại nhất của nó. Vì nó cũng là một cuộc bút chiến với chủ nghĩa Narodnik, đặc biệt là Mikhailovsky, một Narodnik theo chủ nghĩa tự do, người đã tiến hành một chiến dịch không ngừng nghỉ chống lại chủ nghĩa Marx trên tạp chí lý thuyết của phong trào ông, Russkoye Bogatstvo (Người giàu có ở Nga).

Vào thời điểm đó, những nhà cách mạng trẻ rất khó có được bất kỳ tài liệu lý thuyết nào để tự học. Chiến dịch của Mikhailovsky – được tài trợ tốt và lan rộng khắp nhờ những người ủng hộ cấp tiến thuộc tầng lớp trung lưu của ông – do đó có nguy cơ gây ra thiệt hại thực sự, vì có quá ít điều để phản bác hoặc bác bỏ ‘lý lẽ’ của ông ta.

Vì lý do này, như Semashko, một người Bolshevik, tuyên bố: “khi tập sách mỏng của đồng chí Lênin xuất hiện… chứa đựng những tư liệu thống kê mang tính soi sáng, nó thực sự như một cuốn phúc âm đối với chúng tôi. Suốt đêm, chúng tôi đã in lại nó trên bản in, bất chấp kích thước của nó, giấu nó ở những nơi mà cảnh sát khó tiếp cận nhất trong trường hợp có bị khám xét, và gần như là học thuộc lòng.”

Vợ của Lenin, Krupskaya nhớ lại, “tất cả chúng tôi đều xúc động biết bao. Mục đích của cuộc đấu tranh đã được trình bày trong cuốn sách nhỏ với sự rõ ràng đáng ngưỡng mộ”, trong khi Martov mô tả “cuốn sách nhỏ cho thấy cả tài năng văn chương lẫn khả năng phán đoán chính trị chín muồi của một người đan kết nên mạng lưới mà từ đó các nhà lãnh đạo đảng được tạo ra”.

Ở thời điểm này thì chủ nghĩa Narodnik đã không còn là phong trào táo bạo, anh hùng của những kẻ khủng bố cá nhân trong nỗ lực lật đổ nhà nước Sa hoàng nữa. Như Lênin viết, “Khi [chủ nghĩa Narodnik] lần đầu tiên xuất hiện, trong hình dạng ban đầu của mình, nó là một lý thuyết khá chặt chẽ: bắt đầu từ quan điểm về một lối sống cụ thể của người dân, nó tin vào bản năng cộng sản của ‘cộng đồng’ nông dân và vì lý do đó coi giai cấp nông dân là người đấu tranh tự nhiên cho chủ nghĩa xã hội.”

Nói cách khác, những người Narodnik có quan điểm phi lịch sử về xã hội Nga. Đối với họ, Nga là một ngoại lệ. Công nghiệp quy mô lớn và các thành phố lớn với giai cấp vô sản thành thị không phải là những đặc điểm phổ biến và tất yếu của chủ nghĩa tư bản, mà đơn giản là những đặc điểm riêng của Tây Âu. Nga sẽ tìm ra con đường riêng của mình để tới chủ nghĩa xã hội và giải phóng thông qua công xã nông dân truyền thống.

Như Lenin giải thích, “niềm tin vào bản năng cộng sản của người muzhik [nông dân] đương nhiên đòi hỏi những người theo chủ nghĩa xã hội phải đặt chính trị sang một bên và ‘đi vào nhân dân’. Một loạt những người cực kỳ năng động và tài năng đã bắt đầu thực hiện chương trình này, nhưng thực tế đã thuyết phục họ về sự ngây thơ khi cho rằng bản năng của người muzhik là cộng sản. (nhấn mạnh của chúng tôi).

Chủ nghĩa Narodnik xung đột với thực tế, đi vào ngõ cụt và khủng hoảng. Ngay cả ‘thành công’ lớn nhất của họ là vụ ám sát Sa hoàng Alexander II năm 1881, đã chẳng những không lật đổ được chế độ Sa hoàng mà còn gây ra một làn sóng đàn áp tàn bạo. Bằng cách hành quyết, bỏ tù và đày ải những phần tử anh hùng nhất của nó chủ nghĩa Narodnik đã như rắn mất đầu. Đến cuối thế kỷ 19, thất bại trong việc thuyết phục nông dân đi theo chủ nghĩa xã hội dẫu đã ‘đến với nhân dân’ cũng như không thể lật đổ chế độ Sa hoàng bằng chiến dịch khủng bố cá nhân, nhiều phần tử Narodnik về cơ bản đã chuyển sang chủ nghĩa tự do.

Như vậy, cuộc bút chiến của Lenin thực sự là với những người theo chủ nghĩa tự do. Cũng vì lẽ đó khiến cho nó trở nên phù hợp với chúng ta ngày nay hơn bao giờ hết.

Các ‘nhà lý thuyết’ tiểu tư sản tuyên truyền chủ nghĩa tự do ngày nay coi những mâu thuẫn và bất công của chủ nghĩa tư bản chỉ là rất nhiều đặc điểm ngẫu nhiên: kết quả của những ý tưởng sai lầm, những định kiến ​​và những thực hành đáng tiếc cần được sửa chữa hay giải quyết, giống như những người theo chủ nghĩa Narodnik coi sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga vào những năm 1890 là hoàn toàn không cần thiết.

Trong khi công kích chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Marx, Mikhailovsky cho rằng một loại chủ nghĩa chiết trung về lịch sử mới là ưu việt hơn. Tại sao lại phải bị ràng buộc bởi những quy luật lịch sử, bởi những ràng buộc của một hệ thống xã hội khi người ta có thể chọn lọc những điều tốt đẹp nhất từ ​​lịch sử và hòa nhập chúng vào xã hội của chúng ta?

“[Mikhailovsky nói] ‘chúng ta phải lấy những gì tốt từ bất cứ nơi nào chúng ta có thể; và việc đó là của chúng ta hay của nước ngoài không phải là vấn đề nguyên tắc mà là tiện ích thiết thực. Chắc chắn điều này đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu đến mức không có gì phải bàn cãi.’ Thật vậy, đơn giản xiết bao! ‘Lấy đi’ những gì tốt từ mọi nơi – và trò lừa đảo đã xong! ‘Lấy’ từ thời trung cổ quyền sở hữu của người lao động đối với tư liệu sản xuất, và ‘lấy’ từ các hình thức mới (tức là tư bản chủ nghĩa) tự do, bình đẳng, khai sáng và văn hóa. Và chẳng có gì để bàn cãi nữa! Ở đây toàn bộ phương pháp chủ quan trong xã hội học đã rõ như ban ngày…

“Toàn bộ triết lý của họ là sự than vãn rằng đấu tranh và bóc lột tồn tại nhưng chúng cũng ‘có thể’ không tồn tại… nếu không có những kẻ bóc lột. Thực sự thì ý của tác giả là gì khi nói ra cụm từ vô nghĩa đến vậy?”

Lenin đã giễu cợt quan điểm duy tâm này, trong tâm trí của một nhà cải cách, lịch sử, sự phát triển của nó, như thể có thể được nhào nặn theo ý muốn. Để chống lại điều này, Lênin đặt nó đối diện với phương pháp khoa học của chủ nghĩa duy vật Marxist, lấy quan điểm của nó là lịch sử đã và phải phát triển như thế nào, và trên cơ sở đó, chúng ta, với tư cách là những nhà cách mạng, có thể can thiệp vào quá trình này như thế nào:

“Cái mà Marx và Engels gọi là phương pháp biện chứng – đối lập với siêu hình – không gì khác hơn là phương pháp khoa học trong xã hội học, bao gồm việc coi xã hội như một cơ thể sống trong một trạng thái phát triển không ngừng (chứ không phải như một cái gì đó được kết nối một cách máy móc và do đó cho phép tất cả các loại kết hợp tùy tiện của những yếu tố xã hội riêng biệt)” (nhấn mạnh của chúng tôi).

Milkhailovsky và những người tương tự ông chế giễu chủ nghĩa Marx như là một thứ cứng nhắc, dường như quy mọi thứ thành các quy luật kinh tế cố định mà từ đó không thể có sự sai lệch, ngay cả đối với cá nhân, những người không thể có tác động lên những lực lượng được cho là định mệnh này. Lênin phản bác rằng Tư bản của Marx không giả vờ đặt ra những quy luật kinh tế vĩnh cửu bất biến trong mọi giai đoạn của lịch sử, mà nó nghiên cứu những quy luật cụ thể của nền kinh tế tư bản và cách thức các quy luật này tác động đến xã hội nói chung, bao gồm cả cá nhân, vì như Lênin đã chỉ ra “toàn bộ lịch sử đều được tạo thành từ hành động của các cá nhân, những người chắc chắn là những nhân vật tích cực”.

Lenin giải thích rằng trước chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx, các nhà xã hội học và kinh tế học nhìn xã hội như thể tất cả các xã hội loài người đều giống nhau, chỉ chờ đợi một thiên tài nào đó khám phá ra những ý tưởng ‘đúng đắn’ để cải thiện xã hội tự thân này:

“Cũng như Darwin đã chấm dứt quan điểm cho rằng các loài động vật và thực vật là không liên kết với nhau, ngẫu nhiên, ‘được Chúa tạo ra’ và bất biến, đồng thời là người đầu tiên đặt sinh học trên cơ sở khoa học tuyệt đối bằng cách thiết lập tính biến đổi và sự kế thừa của các loài, vì vậy Marx đã chấm dứt quan điểm coi xã hội là một tập hợp máy móc của các cá nhân cho phép thực hiện đủ mọi hình thức sửa đổi theo ý muốn của chính quyền”.

Những người theo chủ nghĩa tự do và những trí thức thời thượng của thời đại chúng ta thường xuyên nhìn chủ nghĩa Marx chỉ bằng nửa con mắt chỉ vì nó tán thành một bộ ý tưởng ‘cũ’, ‘lỗi thời’ như vậy, xem thế là ‘giáo điều’. Họ làm điều này thay vì đưa ra những lý lẽ và sự thật nghiêm túc chống lại chủ nghĩa Marx, bởi vì họ không có bất kỳ lập luận và sự thật nào. Cuộc bút chiến của Lenin chống lại Mikhailovsky là một câu trả lời xuất sắc cho những kẻ tương tự ông ta trong giới học thuật ngày nay.

Lênin nói rất rõ rằng chủ nghĩa Marx bắt đầu từ sự thật vì đây là một ngành khoa học nghiêm túc. Ngược lại, cánh tả tiểu tư sản đã và vẫn cực kỳ thiên về cơ hội chủ nghĩa, trước những lời kêu gọi đạo đức và những công trình không tưởng. Ngược lại, Lênin là một nhà tư tưởng rất tỉnh táo, đánh giá thực tế một cách khách quan, từ đó vạch ra kế hoạch hành động cách mạng táo bạo nhằm thay đổi thế giới.

Cuốn sách này cung cấp một ví dụ đầy cảm hứng về chính xác phương pháp này và những gì nó có thể đạt được. Lenin dành phần lớn văn bản để phá bỏ những ảo tưởng về chủ nghĩa Narodni đối với sản xuất nông thôn nhỏ lẻ và tương lai của nó ở Nga. Làng xã của nước Nga không được lý tưởng hóa về mặt chính trị, bởi vì trên thực tế, nó trói chặt người nông dân, hay tốt nhất là “sự bất mãn ngu ngốc và rời rạc… nổi dậy rải rác, nhỏ mọn, vô nghĩa”. Sự manh nha của chủ nghĩa tư bản là tiến bộ “bất chấp mọi nỗi kinh hoàng của sự áp bức lao động, sự gặm nhấm tận diệt, sự tàn bạo và thương tật của cơ thể phụ nữ và trẻ em, v.v. – bởi vì nó THỨC TỈNH TÂM TRÍ CỦA NGƯỜI CÔNG NHÂN.”

Tuy nhiên, điều thực sự đáng chú ý ở cuốn sách này là Lenin, ngay từ giai đoạn đầu của cuộc đời ông và trong quá trình phát triển của giai cấp công nhân ở Nga, đã hiểu rằng nước Nga đã là một xã hội tư bản, rằng sự phân hóa giai cấp giữa nông dân trong những ngôi làng cũ của nước Nga đã và đang diễn ra là không thể tránh khỏi.

Vai trò của những người theo chủ nghĩa Marx, theo Lênin, không phải là thụ động chờ đợi sự phát triển của chủ nghĩa tư bản diễn ra, không phải là kết thúc những người theo chủ nghĩa tự do. Đúng hơn, đó là tổ chức và vũ trang chính trị cho giai cấp công nhân để giai cấp công nhân có thể dẫn đầu cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa sa hoàng, và rằng cuộc cách mạng Nga được hình thành như vậy sẽ tạo thành một mắt xích trong chuỗi cách mạng vô sản thế giới:

“Theo đó, chính giai cấp công nhân là nơi mà những người dân chủ xã hội tập trung mọi sự quan tâm và mọi hoạt động của mình. Khi các đại diện tiên tiến của nó đã nắm vững các tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng về vai trò lịch sử của công nhân Nga, khi những tư tưởng này trở nên phổ biến và khi các tổ chức ổn định được hình thành trong công nhân để biến cuộc chiến tranh kinh tế lẻ tẻ hiện nay của công nhân thành đấu tranh giai cấp một cách có ý thức – khi đó CÔNG NHÂN Nga đứng đầu mọi thành phần dân chủ sẽ lật đổ chế độ chuyên chế và lãnh đạo giai cấp VÔ SẢN NGA (sát cánh với giai cấp vô sản TẤT CẢ CÁC NƯỚC) đi thẳng vào con đường đấu tranh mở về chính trị hướng tới THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG CỘNG SẢN.”


IMT, 22 tháng 2 năm 2024

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận