Lao động làm thuê và tư bản (1847) – Tiền lương là gì?

*Mục lục:

 


 

 

TIỀN LƯƠNG LÀ GÌ?

 

 Nếu hỏi vài công nhân “Tiền lương của các anh là bao nhiêu?", một người sẽ trả lời "Ngài tư sản trả cho tôi 1 đồng[1] mỗi ngày”, người khác thì “Tôi được 2 đồng”, và cứ thế. Tùy theo những ngành công nghiệp khác nhau mà họ làm việc, họ sẽ nêu ra những khoản tiền khác nhau mà họ nhận được từ ông chủ của mình, sau khi hoàn thành một công việc nhất định: ví dụ như dệt 1 mét vải hoặc sắp chữ cho 1 trang in. Dù đưa ra những con số khác nhau, họ đều đồng ý về một điểm: tiền lương là món tiền mà nhà tư bản trả cho một thời gian lao động nhất định, hoặc một khối lượng công việc nhất định.

 

 Vậy, dường như nhà tư bản dùng tiền để mua lao động của công nhân, và công nhân bán lao động cho nhà tư bản để lấy tiền. Nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi. Thực ra, cái mà họ bán cho nhà tư bản để lấy tiền, chính là sức lao động của họ. Nhà tư bản mua sức lao động này trong 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, v.v. Sau khi mua, ông ta dùng nó bằng cách để công nhân làm việc trong thời gian đã qui định. Với cùng số tiền đã dùng để mua sức lao động của công nhân (ví dụ: 2 đồng), nhà tư bản có thể mua 2 cân đường, hoặc một lượng hàng hóa nào khác. 2 đồng mà nhà tư bản dùng để mua 2 cân đường, thì chính là giá của 2 cân đường. 2 đồng mà nhà tư bản dùng để mua 12 giờ sử dụng sức lao động, thì chính là giá của 12 giờ lao động. Vậy, sức lao động là một hàng hóa, như đường, không hơn không kém. Một thứ được đo bằng đồng hồ, thứ kia được đo bằng cân.

 

 Công nhân đem hàng hóa của mình, là sức lao động, đổi lấy hàng hóa của nhà tư bản, là tiền; và hơn nữa, sự trao đổi này được thực hiện theo một tỉ lệ nhất định. Bao nhiêu tiền thì là bấy nhiêu thời gian sử dụng sức lao động. Như 2 đồng đổi lấy 12 giờ dệt vải. Nhưng 2 đồng đó chẳng phải là đại biểu cho mọi hàng hóa khác mà ta có thể mua với chừng ấy tiền hay sao? Vậy là trên thực tế, công nhân đổi hàng hóa của mình, sức lao động, lấy mọi hàng hóa khác; theo một tỉ lệ nhất định. Khi trả cho công nhân 2 đồng, nhà tư bản đã trả cho anh ta một lượng thịt, quần áo, củi, diêm… để đổi lấy một ngày lao động của anh ta. Thế là 2 đồng đó biểu diễn mối quan hệ trao đổi giữa sức lao động và các hàng hóa khác, hay là giá trị trao đổi của sức lao động.

 

 Giá trị trao đổi của một hàng hóa, biểu hiện bằng tiền, được gọi là giá của hàng hóa đó. Vì thế, tiền lương chỉ là cái tên riêng của giá của sức lao động, cái mà người ta thường gọi là giá của lao động; đó là tên riêng dành cho giá của hàng hóa đặc biệt này, thứ hàng hóa chỉ có trong máu thịt của con người.

 

 Hãy lấy một công nhân bất kì, một thợ dệt chẳng hạn. Nhà tư bản cấp cho anh ta khung cửi và sợi. Người thợ làm việc, và sợi biến thành vải. Nhà tư bản lấy vải và bán được 20 đồng, ví dụ thế. Vậy thì tiền lương của anh thợ dệt có phải là một phần của tấm vải, của 20 đồng, của sản phẩm lao động ấy hay không? Hoàn toàn không. Vì còn lâu trước khi tấm vải được bán đi, có thể là còn lâu trước khi nó được dệt xong, thì anh thợ đã nhận được lương rồi. Vậy là nhà tư bản không trả lương bằng số tiền thu được do bán vải, mà bằng số tiền có sẵn trong tay. Khung cửi và sợi không phải là sản phẩm của người thợ dệt, mà là do ông chủ cấp cho; và những hàng hóa mà anh thợ nhận được từ việc trao đổi hàng hóa của mình (sức lao động), cũng không phải là sản phẩm lao động của anh ta. Có thể nhà tư bản không tìm thấy người nào muốn mua vải. Có thể ông ta bán vải mà không thu được số tiền bằng với số đã chi ra. Cũng có thể là ông ta bán rất được giá. Nhưng mọi cái đó đều không liên quan tới anh thợ dệt. Bằng một phần tài sản hiện có của mình, bằng một phần tư bản của mình, nhà tư bản mua sức lao động của anh thợ dệt; cũng hệt như việc, bằng một phần tài sản khác của mình, ông ta mua nguyên liệu (sợi) và công cụ lao động (khung cửi). Sau khi mua các thứ (trong đó có cả sức lao động cần thiết để làm ra vải), nhà tư bản liền sản xuất, với nguyên liệu và công cụ lao động chỉ là của riêng ông ta mà thôi. Người thợ dệt tốt bụng của chúng ta cũng là một công cụ lao động, và về mặt này thì anh ta cũng hệt như cái khung cửi; cả hai đều không có phần nào trong sản phẩm (tấm vải), hay là trong giá của sản phẩm đó.

 

 Vậy thì tiền lương không phải là phần của anh công nhân trong cái sản phẩm mà anh ta làm ra. Tiền lương là một phần hàng hóa có sẵn, được nhà tư bản dùng để mua một lượng sức lao động sản xuất nhất định.

 

 Tóm lại, sức lao động là một hàng hóa, mà người sở hữu nó (anh công nhân làm thuê) bán cho nhà tư bản. Tại sao anh ta bán nó? Để sống.

 

 Nhưng việc đưa sức lao động vào hoạt động (ví dụ: làm việc) là biểu hiện của sự sống của công nhân. Và chính hoạt động sống này là cái mà anh ta bán cho kẻ khác để đảm bảo những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho mình. Vậy, với anh ta, hoạt động sống đó chỉ là một phương tiện để bảo đảm sự sinh tồn của bản thân. Anh ta lao động để sống. Anh ta không coi lao động là một phần cuộc sống của mình; với anh ta, lao động là hi sinh cuộc sống của mình. Lao động là một hàng hóa mà anh ta đã bán cho kẻ khác. Vì thế, sản phẩm hoạt động của người thợ không phải là mục đích hoạt động của anh ta. Cái mà anh công nhân sản xuất cho mình không phải là lụa mà anh ta dệt, không phải là vàng mà anh ta đào lên từ mỏ, không phải là lâu đài mà anh ta xây. Cái mà người thợ sản xuất cho bản thân chính là tiền công; còn với anh ta, lụa, vàng, lâu đài lại biến thành một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định; có thể là một cái áo vải bông, mấy đồng xu, hay là một chỗ trong nhà hầm. Và một người lao động, làm việc 12 giờ một ngày, dệt, kéo sợi, khoan, tiện, xây nhà, đào, đập đá, khuân vác…; 12 giờ làm việc đó có được anh ta coi là biểu hiện của đời mình, là cuộc sống của mình hay không? Ngược lại. Với anh ta, cuộc sống bắt đầu khi hoạt động ấy chấm dứt; nó bắt đầu bên bàn ăn, trong quán rượu, hay trên giường ngủ. Mặt khác, với anh ta, ý nghĩa của 12 giờ lao động không phải là dệt, kéo sợi, khoan… mà là kiếm tiền; để anh ta có thể ngồi ăn, uống rượu, nằm ngủ. Nếu con tằm nhả tơ chỉ để duy trì sự tồn tại của nó dưới hình dạng con sâu, thì nó là ví dụ hoàn hảo về một công nhân làm thuê.

 

 Không phải lúc nào sức lao động cũng là hàng hóa. Không phải lúc nào lao động cũng là lao động làm thuê, chẳng hạn lao động tự do. Nô lệ không bán sức lao động của mình cho chủ nô, cũng như con bò không bán sức lao động của nó cho nông dân. Nô lệ, cùng với sức lao động của mình, đã bị bán đứt cho chủ nô rồi. Anh ta là một hàng hóa, có thể chuyển từ chủ này sang chủ khác. Bản thân nô lệ là một hàng hóa, nhưng sức lao động không phải là hàng hóa của anh ta. Nông nô chỉ bán một phần sức lao động của mình thôi. Anh ta không nhận lương của lãnh chúa, mà là lãnh chúa nhận cống vật của anh ta. Nông nô lệ thuộc vào ruộng đất, và phải nộp hoa lợi cho lãnh chúa. Trái lại, anh công nhân tự do thì tự bán mình, và bán từng phần một. Ngày qua ngày, anh ta bán 8, 10, 12, 15 giờ cuộc sống của mình cho kẻ nào trả giá cao nhất, những kẻ sở hữu nguyên liệu, công cụ và tư liệu sinh hoạt; tức là nhà tư bản. Người thợ không bị lệ thuộc vào ông chủ nào hay ruộng đất nào, nhưng 8, 10, 12, 15 giờ trong cuộc sống hàng ngày của anh ta lại thuộc về kẻ nào mua chúng. Công nhân nếu muốn thì có thể thôi làm cho nhà tư bản; và nhà tư bản khi cần cũng có thể sa thải công nhân, nếu không muốn sử dụng nữa, hoặc công nhân đó không đem lại lợi ích nữa. Nhưng công nhân chỉ có thể sống bằng cách bán sức lao động, do đó anh ta không thể tách khỏi toàn bộ giai cấp những người mua, tức là giai cấp các nhà tư bản; trừ khi anh ta muốn chết. Anh ta không thuộc về nhà tư bản này hay nhà tư bản khác, mà thuộc về giai cấp các nhà tư bản; việc của anh ta là tìm một ông chủ, tức là tìm một người mua trong giai cấp đó.

 

 Trước khi đi sâu hơn vào quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê, chúng tôi sẽ trình bày vắn tắt về những điều kiện chung nhất mà ta phải xét tới khi quy định tiền lương.

 

 Tiền lương, như ta đã thấy, là giá của một hàng hóa, hàng hóa sức lao động. Do đó, tiền lương cũng được xác định bởi những quy luật xác định giá của mọi hàng hóa khác. Câu hỏi là: giá của một hàng hóa được quyết định như thế nào?

 

CÁI GÌ XÁC ĐỊNH GIÁ CỦA HÀNG HÓA?

 

[2]Đó là sự cạnh tranh giữa người bán và người mua, là quan hệ giữa cầu và cung, giữa cung và cầu. Sự cạnh tranh quy định giá của một hàng hóa lại có ba mặt.

 

 Với một hàng hóa thì có nhiều người bán. Với cùng một chất lượng, ai bán được rẻ nhất thì sẽ đánh bại những kẻ khác, và đảm bảo là mình bán được nhiều nhất. Thế là họ đấu tranh với nhau để bán được nhiều, để giành thị trường. Mỗi người trong số họ đều muốn bán hàng, bán được nhiều hết mức, và nếu có thể thì chỉ có một người bán thôi, còn mọi kẻ khác đều bị gạt ra ngoài. Người này lại bán rẻ hơn người kia. Thế là một cuộc cạnh tranh diễn ra giữa những người bán, làm cho giá của hàng hóa đem bán giảm đi.

 

 Nhưng giữa những người mua cũng có cạnh tranh, làm cho giá của hàng hóa tăng lên.

 

 Cuối cùng là cạnh tranh giữa người bán và người mua: một kẻ muốn mua rẻ nhất có thể, kẻ kia muốn bán đắt nhất có thể. Kết quả của sự cạnh tranh này tùy thuộc vào tương quan giữa hai phe nói ở trên; tức là sự cạnh tranh nào mạnh hơn, giữa những người bán hay giữa những người mua. Công nghiệp đem hai đạo quân đó ra đấu với nhau trên chiến trường, và bên trong mỗi đạo quân lại có một cuộc chiến nữa. Đạo quân nào mà trong hàng ngũ ít có xung đột hơn thì sẽ thắng.

 

 Giả sử rằng trên thị trường có 100 kiện bông, nhưng những người mua cần tới 1000 kiện. Khi đó, cầu lớn hơn cung tới 10 lần. Cạnh tranh giữa những người mua khi đó sẽ rất mạnh; mỗi người trong số họ đều cố lấy được 1 kiện bông, và nếu có thể thì là cả 100 kiện. Và đó không phải là giả thiết tùy tiện. Trong lịch sử thương mại, ta từng thấy những thời kỳ khan hiếm bông; một vài nhà tư bản liên kết với nhau, và mua hết toàn bộ nguồn bông trên thế giới, chứ không chỉ 100 kiện mà thôi. Như vậy, mỗi người mua đều tìm cách đánh bại những kẻ khác, bằng cách trả giá cao hơn cho mỗi kiện bông. Những người bán bông nhận thấy trong đội quân đối địch đang có nội chiến kịch liệt, vì thế mà họ hoàn toàn chắc rằng sẽ bán hết 100 kiện bông của mình; vậy nên họ sẽ không đấu tranh với nhau để hạ giá xuống, trong khi đối thủ của họ thì đua nhau nâng giá lên. Thế là đột nhiên, hòa bình ngự trị trong phe những người bán. Muôn người như một, họ đứng trước đám người mua, khoanh tay một cách triết lí; và những đòi hỏi của họ sẽ là không giới hạn, nếu các đề nghị của những người mua sốt sắng nhất cũng không có giới hạn xác định.

 

 Vậy, nếu lượng cung của một hàng hóa nào đó thấp hơn lượng cầu, thì trong hàng ngũ những người bán sẽ có rất ít, hoặc không có cạnh tranh. Sự cạnh tranh giữa những người bán càng giảm thì sự cạnh tranh giữa những người mua càng tăng. Kết quả: giá của hàng hóa tăng lên, ít hoặc nhiều.

 

 Người ta biết rõ rằng trường hợp ngược lại, với kết quả ngược lại, xảy ra thường xuyên hơn. Lượng cung vượt xa lượng cầu, những người bán cạnh tranh kịch liệt, người mua thì thiếu; hàng hóa phải bán với giá rẻ mạt.

 

 Nhưng lên giá, xuống giá là gì? Giá thế nào là cao, thế nào là thấp? Một hạt cát nhìn qua kính hiển vi thì to, một ngọn tháp so với một ngọn núi thì bé. Và nếu giá là do quan hệ cung – cầu quyết định, thì cái gì quyết định quan hệ cung – cầu?

 

 Hãy hỏi bất kì "công dân đáng kính"[3] nào. Ông ta, không do dự gì cả, và như Alexander Đại đế, sẽ chặt đứt ngay cái nút siêu hình ấy bằng bảng cửu chương. Ông ta sẽ nói với chúng ta rằng: "Nếu tôi mất 100 đồng để sản xuất ra thứ hàng đó, và tôi bán nó được 110 đồng (dĩ nhiên là sau 1 năm), thì đó là món lợi nhuận thật thà, vừa phải, hợp lý. Nhưng nếu sau khi trao đổi, tôi thu được 120, 130 đồng, thì đó là món lợi nhuận cao; và nếu tôi kiếm được đến 200 đồng, thì đó là món lợi nhuận khổng lồ, phi thường". Vậy thì vị công dân này lấy cái gì làm tiêu chuẩn đo lợi nhuận của ông ta? Đó là chi phí sản xuất ra hàng hóa. Nếu trao đổi hàng hóa của mình lấy một lượng hàng hóa khác, có chi phí sản xuất thấp hơn, thì ông ta bị lỗ. Nếu ngược lại thì ông ta có lời. Và ông ta tính toán việc tăng giảm lợi nhuận theo sự lên xuống của giá trị trao đổi của hàng hóa, xem chúng nằm trên hay nằm dưới mức số 0, tức là chi phí sản xuất.

 

 Ta thấy rằng mối quan hệ luôn biến đổi giữa cung và cầu đã gây ra tình trạng lên giá, xuống giá, khi thì giá cao, khi thì giá thấp.

 

 Nếu giá của một hàng hóa tăng lên do lượng cung không đủ hoặc lượng cầu quá lớn, thì giá của một hàng hóa khác phải giảm đi tương ứng; vì giá cả chỉ được biểu hiện bằng tiền, là cái tỉ lệ mà theo đó, các hàng hóa khác sẽ được trao đổi với hàng hóa kia. Ví dụ, nếu giá 1 mét lụa tăng từ 2 đồng lên 3 đồng, thì giá của bạc đã hạ xuống so với lụa, và giá của mọi hàng hóa khác cũng vậy. Để lấy được cùng một lượng lụa như trước đây, thì phải trao đổi một lượng hàng hóa lớn hơn. Hậu quả của việc tăng giá của một hàng hóa là gì? Tư bản sẽ đổ dồn vào ngành công nghiệp đang thịnh vượng đó, sự dịch chuyển tư bản này sẽ tiếp tục, đến khi lợi nhuận của ngành ấy giảm xuống mức bình thường, nói đúng ra thì đó là lúc giá sản phẩm của ngành này giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất, hậu quả của việc sản xuất thừa.

 

 Ngược lại, nếu giá của một hàng hóa xuống thấp hơn chi phí sản xuất ra nó, thì tư bản sẽ rút khỏi ngành sản xuất hàng hóa đó. Trừ trường hợp ngành đó đã lỗi thời, và vì thế mà bị diệt vong, không thì do sự rút đi của tư bản, việc sản xuất hàng hóa đó (cũng như lượng cung của nó) sẽ giảm đi cho đến khi phù hợp với lượng cầu, và giá của nó tăng lên, bằng với chi phí sản xuất; hoặc đúng hơn là đến khi lượng cung xuống thấp hơn lượng cầu, và giá của hàng hóa tăng cao hơn chi phí sản xuất, vì giá thông thường của một hàng hóa luôn cao hơn hoặc thấp hơn chi phí sản xuất ra nó.

 

 Ta thấy tư bản liên tục ra khỏi ngành này, dồn vào ngành khác; giá hàng hóa cao gây ra tình trạng dồn vào quá mức, giá thấp lại dẫn tới sự rút ra quá mức.

 

 Theo một quan điểm khác, ta có thể chỉ ra rằng: không chỉ cung, mà cả cầu nữa, đều do chi phí sản xuất quyết định. Nhưng việc đó sẽ dẫn ta đi quá xa chủ đề của mình.

 

 Ta vừa thấy rằng những dao động của cung và cầu luôn đưa giá của hàng hóa về bằng với chi phí sản xuất. Thật ra thì giá thực tế của một hàng hóa luôn cao hơn hoặc thấp hơn chi phí sản xuất, nhưng giá cao và giá thấp bù trừ cho nhau; thế nên trong một khoảng thời gian nhất định, nếu cộng tất cả các lần lên xuống của công nghiệp, thì ta thấy những hàng hóa được trao đổi với nhau theo chi phí sản xuất ra chúng. Do đó, giá của các hàng hóa đó được quy định bởi chi phí sản xuất ra chúng.

 

 Không nên hiểu việc "chi phí sản xuất quyết định giá" theo ý của các nhà kinh tế học tư sản. Các nhà kinh tế học nói rằng: "Giá trung bình của hàng hóa bằng với chi phí sản xuất, đó là quy luật". Sự vận động vô chính phủ – trong đó việc tăng giá được bù lại bằng việc giảm giá, và ngược lại – được họ coi là một sự ngẫu nhiên. Ta cũng có thể coi những dao động là quy luật, còn việc "chi phí sản xuất quy định giá" là ngẫu nhiên; như một số nhà kinh tế học đã làm trên thực tế. Nhưng chính những dao động ấy – những dao động mà khi quan sát kĩ hơn, thì thấy nó gây ra sự tàn phá hết sức ghê gớm, và làm xã hội tư sản rung chuyển đến tận gốc – đã làm cho giá phụ thuộc vào chi phí sản xuất. Toàn bộ sự vận động vô trật tự ấy chính là cái trật tự của nó. Trong tiến trình của sự vô chính phủ công nghiệp này, trong sự vận động vòng tròn này, cạnh tranh lấy cái cực đoan nọ để bù trừ cho cái cực đoan kia.

 

 Vậy, ta thấy rằng giá của hàng hóa thực sự được quy định bởi chi phí sản xuất ra nó, nhưng theo cách sau đây: những thời kỳ giá lên cao hơn chi phí sản xuất được bù lại bằng những thời kỳ giá xuống thấp hơn chi phí sản xuất, và ngược lại. Dĩ nhiên, điều đó không đúng với một sản phẩm công nghiệp nhất định, mà đúng với một ngành công nghiệp. Thế nên nó cũng không đúng với một nhà công nghiệp riêng biệt, mà đúng với toàn bộ giai cấp các nhà công nghiệp.

 

 Việc chi phí sản xuất quyết định giá cũng giống như việc giá được quy định bởi thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa, vì chi phí sản xuất gồm có: đầu tiên là nguyên liệu, hao mòn của công cụ, v.v., tức là những sản phẩm công nghiệp mà phải tốn một số ngày lao động nhất định mới làm ra được, thế nên chúng đại diện cho một lượng thời gian lao động nhất định; và thứ hai là lao động trực tiếp, mà nó cũng được đo bằng thời gian.

 

CÁI GÌ XÁC ĐỊNH TIỀN LƯƠNG?

 

 Chính những quy luật chung đó – cái mà về đại thể, đang điều tiết giá của hàng hóa – tất nhiên cũng điều tiết cả tiền lương, hay là giá của sức lao động.

 

 Tiền lương cũng sẽ khi lên khi xuống, tùy theo quan hệ cung – cầu; tùy theo sự cạnh tranh được hình thành giữa những người mua sức lao động (nhà tư bản) và những người bán sức lao động (công nhân). Nhìn chung, sự dao động của tiền lương ăn khớp với sự dao động trong giá của hàng hóa. Nhưng trong phạm vi của những dao động đó, giá của sức lao động sẽ được quy định bởi chi phí sản xuất, bởi thời gian lao động cần thiết để làm ra hàng hóa đó (sức lao động).

 

 Vậy chi phí sản xuất ra sức lao động là gì?

 

 Đó là chi phí cần thiết để bảo toàn người lao động, với tư cách là người lao động; và để giáo dục, đào tạo anh ta thành người lao động.

 

 Vì thế, loại lao động nào càng đòi hỏi ít thời gian học nghề thì chi phí sản xuất ra công nhân càng ít; tiền lương của anh ta, giá của sức lao động của anh ta, càng thấp. Trong các ngành công nghiệp hầu như không đòi hỏi thời gian học việc, mà chỉ cần sự tồn tại về thể chất của công nhân; thì chi phí sản xuất ra công nhân hầu như chỉ giới hạn trong những hàng hóa cần thiết để duy trì khả năng lao động của anh ta mà thôi. Do đó, giá của sức lao động của anh ta sẽ được quyết định bởi giá của những tư liệu sinh hoạt cần thiết.

 

 Nhưng ở đây, ta còn phải xét đến một điều khác.

 

Khi tính chi phí sản xuất của mình, và cùng với đó là giá của sản phẩm, thì nhà công nghiệp cũng nghĩ đến cả sự hao mòn của công cụ lao động. Ví dụ, nếu ông ta mua một cái máy hết 1000 đồng, và nó dùng được trong 10 năm; thì hàng năm, ông ta thêm 100 đồng vào giá hàng hóa, để sau 10 năm, ông ta có thể mua chiếc máy mới. Tương tự, chi phí sản xuất ra sức lao động giản đơn cũng phải bao gồm cả chi phí duy trì nòi giống, để giai cấp công nhân sinh sôi nảy nở, và để thay thế những ai đã mất sức lao động bằng những người mới. Do đó, sự hao mòn của công nhân cũng được tính như hao mòn của máy móc.

 

 Vậy, chi phí sản xuất ra sức lao động giản đơn tức là chi phí để công nhân tồn tại và duy trì nòi giống. Giá của những chi phí đó tạo thành tiền lương. Tiền lương quy định theo cách đó được gọi là lương tối thiểu. Lương tối thiểu này, cũng như việc chi phí sản xuất quy định giá của hàng hóa nói chung, không đúng với một cá nhân riêng biệt, mà đúng với toàn bộ loài. Có những công nhân, thực ra là hàng triệu công nhân, không nhận được đủ tiền để có thể tồn tại và duy trì nòi giống; nhưng tiền lương của toàn thể giai cấp công nhân, trong những giới hạn dao động của chúng, thì bằng với mức tối thiểu đó.

 

 Bây giờ, sau khi đã hiểu về các quy luật chung nhất quy định tiền lương, cũng như giá của mọi hàng hóa khác, thì ta có thể nghiên cứu sâu hơn vào vấn đề của mình.


*Chú thích:

[1] "Đồng" ở đây là một từ chỉ đơn vị tiền tệ mà người dịch chọn. Trong mỗi bản dịch ra các thứ tiếng khác nhau, từ này lại được gọi theo những cách khác nhau: bản tiếng Anh dùng chữ "shilling", bản tiếng Pháp dùng chữ "franc", bản tiếng Đức dùng chữ "mark", v.v. Các từ khác dùng để chỉ các đơn vị đo độ dài, khối lượng… cũng được Việt hóa.

[2] Phần này đăng trên số báo 265, ra ngày 6 tháng Tư. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 5 tháng Tư".

[3] Ý nói nhà tư bản.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận