TẠI SAO CHÚNG TA NÊN LÀ NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI NGAY HÔM NAY?

Vào tháng 2 năm 1917, khi Thế chiến thứ nhất reo tang thương trên khắp châu Âu, một nhóm thanh niên xã hội chủ nghĩa ở vùng Piedmont của Ý đã phát hành một cuốn sách nhỏ có tựa đề La città futura (Thành phố của tương lai), được viết bởi Antonio Gramsci, người cũng là tác giả của Ghi chép trong tù, người mà sau này trở nên nổi tiếng với tư cách là một trong những tiên phong của phong trào cộng sản Ý.

Gramsci viết La città futura với một tràng chỉ trích gay gắt chống lại sự bàng quan. Ông viết: “Sự bàng quan là một lực lượng lịch sử mạnh mẽ… Dẫu cho có thụ động, thì nó vẫn vận động… Số phận, thứ dường như thống trị lịch sử, chẳng qua chỉ là vẻ ngoài lừa dối của sự bàng quan này, của sự vắng mặt này. Không chịu sự giám sát nào cả, một số ít bàn tay đã dệt nên tấm vải tập thể, trong khi số đông vì bàng quan mà bỏ qua tất thảy.

“Tôi ghét sự bàng quan. Tôi tin, như [nhà thơ và nhà viết kịch người Đức thế kỷ 19] Friedrich Hebbel đã tin, rằng ‘ý nghĩa của cuộc sống là trở thành một đảng viên’… Tôi sống. Tôi là đảng viên. Đây là lý do tại sao tôi ghét những người không tham gia. Đây là lý do tại sao tôi ghét sự bàng quan.”



Ngày hôm nay chúng ta có thể học được gì từ điều này? Đầu tiên, có khả năng sẽ là sai để hiểu ngụ ý của Gramsci rằng, giai cấp thống trị (“một số ít bàn tay” đã “dệt nên tấm vải tập thể”) thoát khỏi tội ác của họ và định hình nên lịch sử theo ý muốn bất chợt của mình chủ yếu là nhờ mọi người lao động (“đám đông”) đơn giản là bàng quan. Nếu đúng như vậy, sẽ là điều không thể để giành được bất kỳ sự thay đổi triệt để nào đối với trật tự hiện tại.

Hầu hết thời gian, đa phần mọi người sống ngày qua ngày thuận theo các chuẩn mực của hệ thống mà trong đó họ đang sống. Điều này không nhất thiết có nghĩa là họ làm như vậy một cách vui vẻ. Mọi người thường cảm thấy không hài lòng hoặc tức giận về thế giới trong khi vẫn tỏ ra thờ ơ với nó như thể người ngoài.

Nếu ngược lại thì chủ nghĩa tư bản đã không thể hoạt động hiệu quả. Nếu mọi người có xu hướng hành động ngay lập tức theo cảm giác không hài lòng hoặc tức giận của họ, cho dù là trong hoàn cảnh cá nhân của họ hay tình trạng của thế giới nói chung, thì sẽ rất khó để trật tự được duy trì. Giai cấp thống trị biết điều này và có đủ phương tiện để khuyến khích mọi người hãy chấp nhận và “tiếp tục công việc”, bất kể họ có cảm thấy không hài lòng hay tức giận đến đâu.

Ví dụ, những nhu cầu cơ bản như thức ăn và nhà ở tạo nên những ràng buộc về mặt kinh tế buộc chúng ta phải làm việc cho ông chủ. Khi thất bại, đến lượt các lực lượng vũ phu của cảnh sát và nhà tù vào cuộc. Ngoài ra còn có hệ thống giáo dục, các phương tiện truyền thông đại chúng, v.v.—dội bom tâm trí chúng ta bằng những tuyên truyền ủng hộ hệ thống, từ khi còn nằm nôi cho đến lúc xuống mộ. 

Tuy nhiên, bởi chính các điều kiện sống dưới chế độ tư bản chủ nghĩa mà giai cấp thống trị không bao giờ có thể dập tắt hoàn toàn tinh thần phản kháng được sinh ra trong “quần chúng”. Và khi hệ thống rơi vào khủng hoảng – như nó vẫn thường xảy ra, dù là do suy thoái kinh tế, chiến tranh, đại dịch hay bất kỳ vấn đề nào khác – những cảm giác tức giận dồn nén đó có thể nhanh chóng bùng nổ và biến thành cuộc nổi loạn công khai.

Lần đầu tiên Gramsci được trải nghiệm điều này là chưa đầy một tháng sau khi ông viết La città futura: Nước Nga bùng nổ cách mạng. Công nhân, binh lính và nông dân (một “đám đông” theo đúng nghĩa) đã đồng lòng đứng lên, giải phóng cơn cuồng nộ chống lại chiến tranh và chế độ Sa hoàng cầm quyền, đến nỗi mà trật tự đã được thiết lập qua hàng trăm năm bị cuốn trôi chỉ trong vài ngày. Lấy cảm hứng từ nước Nga, công nhân khắp châu Âu đã đứng lên trong những tháng và năm sau đó, chấm dứt Thế chiến thứ nhất và đe dọa lật đổ chủ nghĩa tư bản từ đầu này đến đầu kia của lục địa.

Ý cũng không ngoại lệ. “Tin tức về cuộc cách mạng tháng Ba ở Nga đã được chào đón ở Turin với niềm vui khôn tả”, Gramsci kể lại trong lịch sử năm 1921 của ông về phong trào hội đồng nhà máy Turin. “Vào tháng 7 năm 1917, khi phái đoàn [các nhà cách mạng Nga] được gửi tới Tây Âu đến Turin, các đại biểu Smirnov và Goldenberg, họ được đón tiếp bởi đám đông hơn 50 nghìn công nhân, được chào đón bằng những tiếng hô chói tai ‘Lênin muôn năm! Những người Bolshevik muôn năm!’” Vào mùa hè và mùa thu năm 1917, Gramsci viết, “không tháng nào trôi qua mà công nhân Turin không cầm vũ khí đứng lên chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quân phiệt Ý”.

Sự bàng quan mà dường như Gramsci đã than vãn trong La città futura đã nhanh chóng biến thành cuộc nổi dậy công khai chống lại hệ thống, và chúng ta đã chứng kiến ​​điều tương tự xảy ra bao nhiêu lần kể từ đó! Hết lần này đến lần khác, trong suốt thế kỷ 20 và bước sang thiên niên kỷ mới, các cuộc nổi dậy đã nổi lên như thể không biết từ đâu, khiến các giai cấp thống trị cũng như các nhà cách mạng đều bất ngờ. Điều tương tự cũng xảy ra với các cuộc cách mạng của Khối phương Đông chống lại chủ nghĩa Stalin được cho là “nguyên khối” ở Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968 và Ba Lan năm 1980. Cuộc nổi dậy tháng 5 năm 1968 ở Pháp, Mùa xuân Ả Rập năm 2011 và gần đây là năm 2020 khi Black Lives Matter trỗi dậy ở Mỹ.

Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống khủng hoảng vĩnh viễn, hy sinh nhu cầu và mong muốn của số đông người dân vì lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn và người giàu. Và bởi vì mọi người thực sự quan tâm đến điều này – cho dù triển vọng thay đổi có vẻ vô vọng đến đâu – chúng ta có thể tin tưởng rằng, giống như thời của Gramsci, cách mạng sẽ đến.

Làm thế nào các cuộc cách mạng có thể giành chiến thắng là một câu hỏi khác. Cơn thịnh nộ cơ bản của quần chúng nhân dân chống lại hệ thống xảy ra trong cuộc cách mạng tự nó là không đủ. Một điều khác cần thiết là tổ chức. Nhà cách mạng Nga Leon Trotsky đã thể hiện rõ điều đó trong tác phẩm Lịch sử Cách mạng Nga. Ông viết: “Nếu không có một tổ chức hướng dẫn, thì năng lượng của quần chúng sẽ tiêu tan giống như hơi nước không được đựng trong cái hộp pít-tông”.

Gramsci đã học được điều này thông qua kinh nghiệm. Không nơi nào bên ngoài nước Nga tồn tại một tổ chức như Bolshevik trước khi cách mạng bùng nổ. Các nhà cách mạng Tây Âu đã làm việc không mệt mỏi để xây dựng chúng, nhưng nhiệm vụ giành được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng cho một chiến lược cách mạng rõ ràng đã vượt quá khả năng của họ.

Làn sóng cách mạng suy yếu trước khi các đảng cộng sản ở Ý và các nơi khác sẵn sàng cung cấp sự lãnh đạo nhất quán. Ở Ý, hệ quả tiếp theo là phát xít phản động. Mussolini lên nắm quyền vào tháng 10 năm 1922. Sau đó, năm 1926 Đảng Cộng sản Ý bị đặt ngoài vòng pháp luật, trong khi Gramsci đã phải dành phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời mình trong tù đày. Vào đầu những năm 1930, dưới bàn tay độc đắc của Đức quốc xã phong trào cộng sản ở Đức cũng bị nghiền nát tương tự.

Để thành công, những người cách mạng cần phải xây dựng tổ chức của mình trước thời điểm nổi dậy. Điều này đưa chúng ta trở lại với sự giận dữ của Gramsci chống lại sự bàng quan. Nếu đọc nó như thể là một công kích nhắm vào quần chúng lao động thì thật chệch choạc. Thật đáng hoài nghi rằng Gramsci có ý định như vậy.

Các lập luận trong La città futura không dành cho số đông người lao động. Chúng nhắm vào một nhóm thiểu số – chủ yếu là công nhân trẻ và sinh viên – những người đã có nhận thức về chính trị. Gramsci đang cố gắng đánh thức lương tâm của những người đã quan tâm đến tội ác của giai cấp thống trị, đã nhận ra sự cần thiết phải thay đổi triệt để mà vẫn chưa lãnh trách nhiệm tranh đấu. Cuốn sách nhỏ của ông nhằm thu hút thiểu số này vào hàng ngũ những “đảng viên” có tổ chức của chủ nghĩa xã hội, những người sẽ cùng nhau dẫn đường đến “thành phố của tương lai”.

Đọc Gramsci như thế này có vẻ thích hợp hơn. Nó có nghĩa là một sự khiêu khích, và xem như vậy thì nó vẫn còn giữ được hiệu lực. Nó chỉ tay vào những kẻ thích phàn nàn về xã hội mà không chịu để tay dính bụi, vào cái mà ông gọi là “tiếng rên rỉ của những kẻ vĩnh viễn vô tội”. Ông viết: “Tôi yêu cầu họ phải giải trình về cách họ đã hoàn thành nghĩa vụ mà cuộc sống đã ban cho họ và cho họ mỗi ngày; rằng họ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm và trên hết là những gì họ chưa làm”.

Trở thành một người xã hội chủ nghĩa có nghĩa là có can đảm để nhìn thế giới của chúng ta như thực tế nó đang diễn ra và rút ra những kết luận cần thiết. Nó có nghĩa là không cho phép bản thân hài lòng với những ảo tưởng dễ chịu về việc bao nhiêu tội ác và bất công của chủ nghĩa tư bản bằng cách nào đó có thể được giải quyết chỉ bằng một chút mày mò chỗ này hay chỗ kia – bằng tổ chức từ thiện, nỗ lực vận động hành lang của các tổ chức phi chính phủ hay những cải cách nhẹ nhàng trong quốc hội. Nó có nghĩa là thừa nhận cuộc chiến tranh giai cấp là cốt lõi của chủ nghĩa tư bản và đứng về phía người lao động. Cuối cùng là tham gia xây dựng tổ chức chính trị.

La città futura được viết, như giọng điệu bực tức của Gramsci có thể gợi ý, vào cuối thời kỳ mà rất ít người sẵn sàng làm điều này. Những người theo chủ nghĩa xã hội bị cô lập trong những năm đầu của Thế chiến thứ nhất đến nỗi mà Vladimir Lenin, nhà lãnh đạo Bolshevik, đã phải tự hoài nghi rằng liệu mình có thể chứng kiến ​​cuộc cách mạng trong đời mình.

Có một chủ nghĩa anh hùng trong số ít người sẵn sàng đứng lên. Gramsci đã xác định nó vào tháng 2 năm 1917, trong sự tôn trọng và tình bạn thân thiết mà ông dành cho những người đã chiến đấu bên cạnh ông, bất chấp sự cô lập mà họ phải gánh chịu. Cuộc đấu tranh chung của họ truyền cảm hứng cho hy vọng và sự tự tin. Anh ấy viết, “Tôi sống và cảm nhận được trong lương tâm mạnh mẽ của mình nhịp đập công việc của thành phố tương lai mà tôi đang xây dựng”.

Nếu bạn nhìn vào sự hủy diệt to lớn do chủ nghĩa tư bản gây ra, vào sự bất bình đẳng và bất công dường như ngày càng sâu sắc hơn, và cảm thấy tức giận trong lòng, thì bạn thuộc về những đảng viên có tổ chức của chủ nghĩa xã hội.


James Plested, Cờ đỏ, Thứ hai, 13 Tháng ba 2023

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận