Đại hội lần thứ 8 của Đảng cộng sản Cuba và những thách thức mà cách mạng Cuba phải đối mặt
Vào tháng 4 năm nay, Đại hội lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Cuba đã được tổ chức tại Havana. Nó diễn ra vừa đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày tuyên bố tính xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng ở Cuba, ngay trước thềm của cuộc xâm lược Vịnh Con lợn. Đại hội là đỉnh cao của quá trình thay máu một thế hệ lãnh đạo lịch sử, được đặt trong bối cảnh của khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và những cải cách kinh tế nguy hiểm.
Ở Cuba, biểu tượng rất quan trọng và đôi khi chúng còn nói lên nhiều điều hơn cả những trang tài liệu. Nổi bật lên ở trung tâm đại hội là bức chân dung của 4 nhà cách mạng: Martí, Baliño, Mella và Fidel. Vậy “Marx và Lenin đâu rồi?”, có đồng chí đã hỏi vậy. Sự thật là lần cuối cùng mà chân dung của những lãnh tụ cộng sản quốc tế xuất hiện là tại Đại hội V được tổ chức vào tháng 10 năm 1991, giữa lúc mà chủ nghĩa Stalin đang sụp đổ ở Liên Xô dưới sự lãnh đạo của CPSU.
Những bức chân dung ở trung tâm của Đại hội VIII đã củng cố ý tưởng chính mà đại hội muốn truyền tải: Tính liên tục của cuộc cách mạng Cuba. Theo đó, Baliño đại diện cho sự liên tục giữa Đảng Cách mạng Cuba của Martí và Đảng Cộng sản đầu tiên của Mella, và Fidel đại diện cho Cách mạng Cuba năm 1959.
Hơn nữa, việc tổ chức đại hội vừa trùng dịp lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện Vịnh con lợn năm 1961, khi cách mạng Cuba, bằng cách vũ trang cho công nhân và nông dân, đã giáng đòn thất bại nặng nề vào bọn phản cách mạng và đế quốc. Vào đêm trước khi bọn đế quốc thực hiện âm mưu xâm lưu, Fidel Castro đã tuyên bố tính xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng, điều trên thực tế là quốc hữu hóa đất đai, ngân hàng và các công ty đa quốc gia và lớn ở Cuba.
Ý tưởng được truyền đạt ở đây là, mặc dù thế hệ lịch sử, những người đã dẫn đầu cuộc cách mạng Cuba, đang lùi về phía sau thì cuộc cách mạng vẫn tiếp tục. Raúl Castro, 89 tuổi, rời chức vụ bí thư thứ nhất của PCC, sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng của nước Cộng hòa Cuba vào năm 2018. Ngoài ra còn có 88 thành viên của Ủy ban Trung ương, bao gồm toàn bộ thế hệ lịch sử, cũng nghỉ hưu trong khi 20% thành viên của Bộ Chính trị đang được thay mới.
Việc bàn giao này không phải là một điều gì đó thông thường. Đây là thế hệ không chỉ dẫn đầu cuộc cách mạng năm 1959, mà còn chống lại áp lực khôi phục tư bản chủ nghĩa sau khi chủ nghĩa Stalin sụp đổ. Uy tín và thẩm quyền của Ban lãnh đạo cũ không thể tự động được truyền cho những người thay thế họ. Sự ra đi của họ cũng phản ánh sự phát triển của xã hội Cuba. Thời gian trôi qua có nghĩa là hiện nay có rất ít người Cuba còn nhớ về cuộc sống dưới chế độ tư bản chủ nghĩa như thế nào. Những người Cuba dưới 40 tuổi đã sinh trưởng và sống trong một thời kỳ đặc biệt với sự ra đời của những nhượng bộ đối với thị trường. Họ không còn ký ức gì về thời gian mà những viện trợ của Liên Xô đã cho phép một mức sống tốt hơn.
Đại hội diễn ra sau một năm đại dịch COVID-19 quét qua Cuba và mang đến cho nền kinh tế những tác động tàn khốc. GDP đã giảm 11%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1993, một số người đã nói về một thời kỳ đặc biệt mới. Một trong những yếu tố chính là sự sụt giảm mạnh của du lịch với chỉ một triệu lượt khách du lịch đến, ít hơn 75% so với năm 2019 là 4 triệu. Phải lưu ý, số liệu du lịch năm 2019 cũng thấp hơn 20% so với năm 2018 do các biện pháp trừng phạt cứng rắn từ chính quyền Trump.
Thu nhập từ du lịch giảm đồng nghĩa với thu nhập ngoại hối giảm mạnh, hạn chế sức mua của Cuba trên thị trường thế giới. Điều này phải kể đến sự gia tăng chi phí do đại dịch gây ra. Khoảng 300 triệu dollar đã được chi để mua các xét nghiệm PCR và các phòng thí nghiệm sinh học phân tử, trong khi các biện pháp cách ly xã hội có giá tương đương 85 triệu dollar. Điều này đã khiến cho tình trạng thiếu lương thực trầm trọng thêm. Khắp nơi, hàng dài người phải xếp hàng để mua các mặt hàng thực phẩm cơ bản.
Cho đến nay, việc Biden lên nắm quyền ở Hoa Kỳ không đồng nghĩa với bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách cấm vận và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Tất cả các biện pháp mà Trump thực hiện nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt và phong tỏa vẫn còn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Cuba đã đẩy nhanh một loạt các biện pháp kinh tế đã được thông qua trong Đường lối cho Đại hội VI năm 2011, nhưng chưa bao giờ được áp dụng. Các biện pháp này, dưới tên gọi “Tái cơ cấu tiền tệ” bao gồm việc trao đổi và thống nhất tiền tệ, bên cạnh các biện pháp khác nhằm củng cố thị trường và khu vực tư nhân của nền kinh tế.
Việc tái cơ cấu không phải là không có vấn đề, việc tăng giá cắt cổ và sự suy giảm một số phúc lợi xã hội đã gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng với sự phàn nàn trong dân chúng. Trong một cuộc đấu tranh của các lực lượng sống, chính phủ đã buộc phải thực hiện một số điều chỉnh đối với việc áp dụng các biện pháp Cơ cấu.
Báo cáo của Raúl Castro trước Đại hội phản ánh sự bất bình này, Ủy ban Thực hiện và Phát triển Đường lối đã bị chỉ trích gay gắt, “thất bại trong việc tổ chức tham vấn từ các bên tham gia vào việc thực hiện Đường lối và các chức năng mà nó đảm nhận đã vượt quá nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó cho nó”. Bởi sự chỉ trích này mà người đứng đầu Ủy ban là Marino Murillo, người báo chí tư sản quốc tế ví là “ông hoàng của cải cách”, đã bị loại khỏi Ủy ban trung ương.
Độc quyền ngoại thương và những giới hạn của cải cách
Bản báo cáo của Raúl Castro cũng có một số tuyên bố rất thú vị liên quan đến nền kinh tế. Trong đó ông đề cập đến việc mở rộng danh sách những hoạt động được phép chuyển sang khu vực kinh doanh tự do và chỉ ra rằng “quyết định này, … đúng như dự đoán, đã bị nghi ngờ đến nhường nào chỉ sau một vài ngày và bị những người mong ước phục hồi chủ nghĩa tư bản và tư nhân hóa hàng loạt quyền sở hữu đối với các tư liệu sản xuất chính trong nước xem là không đủ… Có vẻ như sự ích kỷ, lòng tham và mong muốn thu nhập cao hơn đã kích thích ở một số người sự thèm muốn bắt đầu một quá trình tư nhân hóa mà sẽ cuốn trôi đi những nền tảng và bản chất xã hội chủ nghĩa của xã hội đã được xây dựng trong hơn sáu thập kỷ qua.” Raúl Castro đã liên kết một cách chính xác việc khôi phục chủ nghĩa tư bản với việc phá hủy những thành quả của cách mạng: “Cứ theo đà này thì chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống giáo dục quốc gia và y tế công cộng cũng sẽ bị dỡ bỏ, hai thứ mà người dân Cuba hiện có thể được tiếp cận miễn phí và phổ biến.”
Raúl Castro rõ ràng bảo vệ độc quyền ngoại thương: “Những người khác, với hy vọng làm nổ tung nguyên tắc xã hội chủ nghĩa về độc quyền của Nhà nước về ngoại thương, đã yêu cầu rằng việc nhập khẩu thương mại tư nhân phải được phép trên tinh thần thiết lập một hệ thống ngoại thương phi nhà nước.” Và liên kết nó với những giới hạn của cải cách kinh tế: “Có những giới hạn mà chúng ta không thể vượt qua vì hậu quả mà nó mang lại sẽ không thể đảo ngược và sẽ dẫn đến những sai lầm chiến lược, phá hủy chủ nghĩa xã hội và theo đó là chủ quyền và độc lập dân tộc.”
Phần này của Castro có ý nghĩa rất lớn. Trên thực tế, trong cuộc tranh luận về Chính sách Kinh tế Mới [NEP] vào những năm 1920, Lenin đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của độc quyền ngoại thương và đứng cùng một khối với Trotsky để bảo vệ nó chống lại ý kiến của Bukharin, người ủng hộ việc thay thế độc quyền ngoại thương bằng hệ thống thuế quan, và chống lại ý kiến của Stalin, Kamenev cùng Zinoviev, những người muốn nới lỏng độc quyền. Sự bảo vệ độc quyền ngoại thương của Lenin đã được thể hiện bằng những thuật ngữ rất phù hợp với Cuba ngày nay: “Tôi phải nói thêm rằng việc mở cửa một phần biên giới sẽ tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng về tiền tệ, bởi trong thực tế chúng ta sẽ bị hạ xuống vị trí của nước Đức; sẽ có nguy cơ nghiêm trọng từ tầng lớp tiểu tư sản và đủ các loại phần tử lưu vong người Nga, những người mà chúng ta không có một chút khả năng nào để thực hiện quyền kiểm soát đối với họ.” (Lenin, Tái độc quyền ngoại thương, ngày 13 tháng 12 năm 1922, CW, tập 33, Tiến bộ)
Lenin, người nhận thức được sự nguy hiểm của việc nhượng bộ chủ nghĩa tư bản mà NEP đại diện cho, coi vấn đề này là rất quan trọng. Ngay trong cơn bạo bệnh mà cuối cùng đã giết chết ông, Lenin vẫn phát động một cuộc đấu tranh chống lại bộ máy quan liêu, tập trung vào hai khía cạnh: một là vấn đề độc quyền ngoại thương; và hai là cuộc chiến chống lại các khuynh hướng sô vanh Đại Nga, của Stalin và các đồng minh của ông ta, trong việc xử lý vấn đề dân tộc chủ nghĩa ở Gruzia.
Sau đó, vào năm 1927, trong cuộc chiến chống lại chế độ quan liêu Stalinist, Trotsky một lần nữa nhấn mạnh vào vấn đề về tầm quan trọng của độc quyền ngoại thương: “Độc quyền về ngoại thương là vũ khí tối cần thiết cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, khi mà các nước tư bản vẫn sở hữu kỹ thuật cao hơn. Nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng chỉ có thể được bảo vệ bởi sự độc quyền này nếu nó liên tục tiệm cận nền kinh tế thế giới về kỹ thuật, chi phí sản xuất, chất lượng và giá cả sản phẩm của mình.” Cương lĩnh của phe đối lập thống nhất năm 1927 tuyên bố: “Chúng ta phải kiên quyết chống lại mọi nỗ lực nhằm can thiệp vào độc quyền ngoại thương.” ( Cương lĩnh của phe đối lập thống nhất, Chương 4, 1927)
Rõ ràng bài phát biểu của Raúl Castro tại Đại hội VIII là nhằm chống lại những người mong muốn một tiến bộ nhanh chóng trong việc phục hồi chủ nghĩa tư bản. Chúng ta hoan nghênh điều này, tuy nhiên cũng phải nói rằng những cải cách kinh tế đã được áp dụng cho đến nay đang đi chính xác theo hướng đó, mặc dù có lẽ là không đủ nhanh như một số người mong muốn.
Như chúng tôi đã giải thích trước đây, các biện pháp được thông qua dưới danh nghĩa của uỷ ban Tái cơ cấu hướng tới sự tăng cường cơ chế thị trường trong nền kinh tế Cuba, chúng được áp dụng nhằm đánh giá hiệu quả của các công ty thuộc khu vực nhà nước, ưu tiên kích thích vật chất và cạnh tranh giữa các công ty, xóa bỏ nguyên tắc phổ cập của các chính sách xã hội, v.v…
Sự khác biệt với NEP
Không giống như NEP ở Liên Xô trong những năm 1920, thứ mà Lenin đã bày tỏ một cách rõ ràng như là một loạt những bước lùi bị áp đặt bởi tình cảnh kinh tế – nhượng bộ trước chủ nghĩa tư bản là cần thiết nhưng không phải không có nguy cơ – thì ở Cuba, cải cách kinh tế được trình bày như một điều gì đó tích cực, như một phương cách duy nhất để “giải phóng lực lượng sản xuất”, như thể kế hoạch nhà nước là cái áo nịt ngực ngăn trở sự phát triển kinh tế. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.
Một điểm khác biệt quan trọng khác là ở Liên Xô, trong khi nhượng bộ chủ nghĩa tư bản thông qua NEP, một cuộc chiến đã được tiến hành để củng cố nền dân chủ của công nhân và chống lại chủ nghĩa quan liêu. Tại Cuba, các cuộc thảo luận về quyền kiểm soát của công nhân và làm thế nào để công nhân tham gia một cách hiệu quả vào quản lý kinh tế và hành chính công hoàn toàn không vắng mặt trong các cuộc thảo luận chính thức của Đại hội PCC.
Mặc dù những người khao khát phục hồi tư bản chủ nghĩa đã bị Raúl Castro chỉ trích ngay tại Đại hội, chỉ một ngày trước khi Đại hội bắt đầu một cuộc họp giữa các đại diện của chính phủ, Đảng và Quốc hội với khu vực tư nhân (“đại diện của các hình thức quản lý phi nhà nước”) đã được tổ chức để nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế Cuba. Thông điệp của cuộc họp được Cubadebate tóm tắt như sau: “Cuba sẽ tiếp tục đà tiến bộ trong việc phát triển các hình thức quản lý phi nhà nước.”
Bản thân Castro trong báo cáo tương tự cũng đã nói: “Những tính toán tái cơ cấu mô hình kinh tế không cung cấp đủ động lực cho công việc và sự đổi mới đã không ngừng xuất hiện. Để biến đổi kịch bản này một cách không thể đảo ngược, cần phải tạo ra sự năng động hơn nữa cho quá trình cập nhật mô hình kinh tế và xã hội.”
Trên thực tế, bất chấp những từ ngữ mà Raúl Castro sử dụng trong báo cáo của mình, đường lối chính sách kinh tế ở Cuba là rất rõ ràng. Các biện pháp đã được phê duyệt cách đây mười năm, và trên hết là Tái cơ cấu, đại diện cho một loạt các cải cách có động lực riêng: tăng cường thị trường làm tổn hại đến quy hoạch và tăng cường tích lũy tư nhân gây hại cho Khu vực nhà nước. Động lực này không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người áp dụng các cải cách.
Đây cũng là ý kiến của nhà kinh tế học ủng hộ tư bản người Mỹ gốc Cuba, Arturo López-Levy, người đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của “các giới hạn” mà Castro đề cập: “Các giới hạn và lằn ranh đỏ sẽ dịch chuyển cùng với cuộc sống. Các cải cách sẽ mang tới nhiều áp lực hơn cho các cải cách khác, và các loại thay đổi khác sẽ đến rất nhanh.”
Trên thực tế, các đại diện của tư bản quốc tế dường như không quan tâm lắm đến những lời cảnh báo của Castro. Thời báo Tài chính đã lý giải chúng như sau: “Những ngôn từ tương tự đã được thốt ra trước mỗi cuộc cải cách được thực hiện trong cả thập kỷ qua, báo hiệu rằng sự phản kháng nghiêm trọng vẫn còn trong hàng ngũ.” Nói cách khác, đối với họ thì những lời cảnh báo của Castro chỉ là một cái gật đầu hướng về những thính giả chống lại việc áp dụng các biện pháp thân tư bản, nhưng không đủ sức ngăn chặn chúng.
Việc tham gia Bộ Chính trị của Tướng Luis Alberto Rodríguez López-Calleja, giám đốc GAESA, tổ hợp thương mại liên kết với Lực lượng Vũ trang Cách mạng, là minh chứng cho quyền lực mà khu vực này – tức là các nhà quản lý nền kinh tế – có được trong việc lãnh đạo đảng.
Khi Đường lối được thảo luận vào năm 2011, các văn kiện của Đại hội là chủ đề được thảo luận rộng rãi với sự tham gia của hàng triệu người. Quá trình này giống như một cuộc trưng cầu dân ý. Tức là, mặc dù các cuộc thảo luận đã diễn ra rộng rãi nhưng không có kênh thực sự nào để những cuộc thảo luận từ bên dưới được phản ánh trong các quyết định cuối cùng. Nhưng ở thời điểm này những cuộc thảo luận như vậy cũng không còn nữa. Người ta có thể nói rằng Đại hội lần này không đưa ra quyết định về những thay đổi cơ bản, nhưng sự thật là ở một thời điểm mà chính trị và trên hết, kinh tế có tầm quan trọng thiết yếu đối với tương lai của Cách mạng Cuba đã không có cơ chế nào để cho phép chúng được thảo luận, thậm chí là trong giới hạn đã được sử dụng trong năm 2011.
Nhiều hơn nữa chủ nghĩa xã hội
Điều này không có nghĩa là đã không có cuộc thảo luận nào. Việc internet được truy cập rộng rãi và sự phổ biến của các mạng xã hội đã tạo ra một số lượng lớn các diễn đàn, nhóm thảo luận và trò chuyện cho phép sự thảo luận sôi nổi về Cách mạng Cuba và tương lai của nó. Nhiều cuộc thảo luận trong số này bị chi phối bởi các phần tử phản cách mạng và xét lại. Một số khác theo quan điểm tự do và dân chủ xã hội. Nhưng cũng có một số diễn đàn tập hợp những người tự nhận mình là xã hội chủ nghĩa, cộng sản, hoặc chủ nghĩa Marx, mặc dù họ chỉ trích bộ máy quan liêu.
Một trong những cuộc thảo luận đó, sử dụng hashtag #MásSocialismo [#Nhiều hơn nữa chủ nghĩa xã hội], đã kết thúc với việc soạn thảo một bức thư gửi Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Cuba. Bức thư rất thú vị, phản ánh một số cuộc thảo luận về tương lai của cuộc cách mạng hiện đang diễn ra giữa những người trẻ tuổi ở Cuba, những người tự mô tả mình là “theo chủ nghĩa Marx, chống tư bản và là tín đồ của Martí”. Người viết bức thư đã chỉ ra “có những hiện tượng đáng lo ngại có thể ảnh hưởng đến tương lai xã hội chủ nghĩa của Cuba,” và họ mô tả chúng: “nhiều hợp tác xã phi nông nghiệp hiện nay (CNoA) là một trò lừa đảo, bởi vì trên thực tế nó được sở hữu bởi một người chủ giàu có (đôi khi sống ở nước ngoài), những người trả lương cho công nhân của mình thay vì phân chia lợi nhuận. Dưới lớp ngụy trang đó là những công ty tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Tương tự như vậy, nhiều người làm việc tự do (TCP) hiện nay cũng là chủ sở hữu của MSME, nghĩa là họ không tuân thủ khái niệm thực sự của TCP, đó là người lao động thuê bản thân và gia đình của mình trong một hoạt động kinh tế. Kể từ khi ‘TCP’ được phép thuê công nhân, họ đã trở thành những nhà tiểu tư bản.”
Các tác giả của bức thư chỉ ra tác động mà sự phát triển của giai cấp tiểu chủ tư sản đã gây ra trong sự phân hóa xã hội và hệ tư tưởng: “Nhiều hiện tượng tiêu cực khác nhau đã bộc lộ ra trong những năm mở cửa cho tư bản quy mô nhỏ, chẳng hạn như quá trình tái chỉnh trang ở thành thị và các khu du lịch, phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc trong việc thuê lao động, bóc lột lao động cực đoan (vi phạm Bộ luật Lao động), cũng như sự gia tăng của tham nhũng và các giá trị tiêu cực như ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân và sự vô cảm.”
Bức thư, mặc dù phản ánh sự nhầm lẫn điển hình của một cuộc tranh luận mới manh nha, nhưng nó cũng đã chỉ ra trọng tâm của câu hỏi: trong khi tồn tại quyền sở hữu của nhà nước đối với tư liệu sản xuất, trên thực tế, người lao động không cảm thấy mình là chủ sở hữu của tư liệu sản xuất. “Người lao động không hề cảm thấy mình là người chủ tại nơi làm việc, không được kiểm soát sản xuất, không được bầu ra lãnh đạo mà sự bổ nhiệm hoàn toàn là “từ trên xuống”, công đoàn chỉ là cái bóng buồn của quyền lực thực sự mà họ có thể và lẽ ra phải có, những sai lầm trong quản lý đã gây ra thiệt hại hàng triệu dollar do thiếu sự kiểm soát minh bạch và phổ biến, không ít lãnh đạo và quản lý cấp trung trục lợi từ vị trí của họ và là những nhà tư bản nhà nước đích thực.”
Sự tồn tại của bộ máy quan liêu trong quản lý kinh tế và nhà nước đã dẫn đến kém hiệu quả, lãng phí, tham nhũng và sự buông thả. Trước tình hình đó, Tái cơ cấu đề xuất sử dụng cơ chế thị trường và các biện pháp khuyến khích vật chất như đòn roi để tăng năng suất lao động. Vấn đề là con đường này mở ra cánh cửa cho những khuynh hướng mạnh mẽ nhằm phục hồi chủ nghĩa tư bản. Giai cấp tiểu tư sản được các tác giả của #MásSocialismo mô tả tự bản thân nó không nguy hiểm mà nguy hiểm là ở chỗ nó có thị trường thế giới và các nhà tư bản gốc Cuba ở Miami đứng đằng sau.
Các tác giả của bức thư đã phản đối một cách chính xác tình trạng hiện nay với sự kiểm soát của người lao động: “Quyền lực của người lao động phải là đầu não quản lý trong một đoàn thể xã hội chủ nghĩa. Phong trào lao động phải là điểm tựa… Sự minh bạch trong quản lý kinh tế đóng một vai trò thiết yếu trong sự kiểm soát của công dân và công nhân phải tồn tại trong một xã hội xã hội chủ nghĩa. Nếu không có sự minh bạch thì sẽ không có sự kiểm soát, và ngược lại.”
Mặc dù một số đề xuất cụ thể của nó chứa đựng sự nhầm lẫn và có những đề xuất là phản tác dụng (ví dụ: “vốn hóa các Công ty TNHH”), thì nói chung, tài liệu đã chỉ ra đúng hướng: Ủng hộ sự kiểm soát của người lao động, chống lại sự khôi phục tư bản và chống lại quan liêu. Ví dụ, có cuộc nói chuyện về “cơ chế chuyển giao quyền lực cho người lao động,… bầu cử dân chủ của người lao động đối với cán bộ và quản lý tầng trung và sự minh bạch trong quản lý kinh tế.” Họ cũng đề xuất “cấm bằng luật các cán bộ của Đảng Cộng sản Cuba và các quan chức cấp cao của chính phủ sở hữu các MSME tư nhân; để tránh những sai lệch dễ thấy trong các quá trình mở cửa kinh tế tương tự. ”
Cuộc thảo luận của # MásSocialismo, ngoài những sai sót hoặc hạn chế mà nó có thể mắc phải, phản ánh một số cuộc tranh luận đang diễn ra ở Cuba giữa những người muốn bảo vệ cách mạng và phản đối chủ nghĩa tư bản, cũng như bác bỏ chế độ quan liêu. Vấn đề không phải là quyền sở hữu của nhà nước đối với tư liệu sản xuất, mà là sự quản lý quan liêu của họ, và do đó giải pháp không phải là thị trường mà là sự kiểm soát của người lao động.
Cách thoát khỏi tình thế mà Cách mạng Cuba đang lâm vào, là thông qua cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát của người lao động và cho một chính sách quốc tế chủ nghĩa. Về phần mình, chúng tôi tự tin đứng về phía bảo vệ cách mạng, chống lại chủ nghĩa đế quốc và chúng tôi muốn đóng góp một cách khiêm tốn vào các cuộc tranh luận đang diễn ra, với những ý tưởng của chủ nghĩa Marx cách mạng: ý tưởng của Lenin và Trotsky.
Jorge Martín, ngày 07 tháng 6 năm 2021
Nguồn: IMT