COVID-19 ở Châu Phi: Muốn chống lại virus phải chống lại chủ nghĩa đế quốc

Có những mối quan ngại ngày càng tăng về các tác động có thể có từ những diễn biến thảm khốc ở Ấn Độ đối với tình hình đại dịch COVID-19 trên lục địa đen. Nguồn cung vắc-xin cho châu Phi chủ yếu đến từ Viện Huyết thanh Ấn Độ, vắc-xin AstraZeneca được phân phối bởi dự án COVAX toàn cầu, đây là hy vọng duy nhất cho các nước nghèo để sớm được tiếp cận với nguồn cung Vắc-xin. Phát ngôn viên cho dự án đã thông báo về tham vọng khiêm tốn của nó là tiêm chủng cho 20% dân số các nước thành viên vào cuối năm nay. 

Nhưng đây là trước khi tình hình xấu đi ở Ấn Độ. Lệnh cấm xuất khẩu vắc xin của Ấn Độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai các chương trình tiêm chủng và điều này sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần tới, thậm chí hàng tháng. Không khó để hình dung ra những hậu quả thảm khốc có thể đến với toàn bộ châu Phi.

Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới ở châu Phi đã gọi sự chậm trễ này là “khá tàn khốc đối với mọi người” và cho biết rằng, hầu hết các quốc gia châu Phi đã nhận được liều vắc xin đầu tiên thông qua COVAX sẽ gặp phải “khoảng trống” về nguồn cung trong khi chờ đợi liều thứ hai.

Còn John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Châu Phi cho biết rằng, các nhân viên của ông “đang theo dõi với sự hoài nghi tuyệt đối… Chúng ta đang sống trong một thế giới vô cùng bất định.”

Sự gián đoạn nguồn cung vắc-xin từ Ấn Độ diễn ra đúng vào thời điểm đại dịch đang trở nên tồi tệ hơn trên khắp châu Phi. Một làn sóng mới đang đe dọa chôn vùi hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn mong manh trên khắp châu Phi sau nhiều tháng châu lục này còn bị ảnh hưởng tương đối nhẹ. Công suất của bệnh viện và nguồn cung oxy hiện đang cạn kiệt trong khi tỷ lệ tử vong trên toàn châu lục đã lần đầu tiên vượt qua mức trung bình toàn cầu. Tỷ lệ tử vong ở 20 quốc gia châu Phi hiện cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,2%.

Ngoài vắc-xin Johnson & Johnson, Nam Phi đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Pfizer. Nhưng đối với hầu hết các quốc gia châu Phi còn lại tiếp cận các phương tiện bảo quản đông lạnh đặc biệt, vốn cần thiết cho vắc-xin Pfizer, còn không thể huống chi Vắc-xin.

Nguy cơ khiến châu Phi bị bỏ lại phía sau

Các số liệu chính thức về COVID-19 ở châu Phi là 3 triệu trường hợp mắc và khoảng 8 vạn ca tử vong, nhưng những con số này không đáng tin cậy. Chỉ 8 trong số hơn 50 quốc gia châu Phi có sổ đăng ký tử vong bắt buộc và họ làm như vậy cũng chỉ nửa vời. Ví dụ, số ca tử vong do COVID-19 ở Nam Phi chính thức được ghi nhận là 5 vạn, nhưng con số trên thực tế đã vượt quá 15 vạn! Sự xuất hiện thêm các biến thể lây lan nhanh (từ Ấn Độ, Anh hoặc Brazil) có thể gây ra những tác động thảm khốc.

Một trở ngại lớn để châu Phi có thể chống lại virus là sự yếu về năng lực và thiếu về nguồn lực của nó. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi, chỉ có 17 triệu liều vắc xin đã được sử dụng trên khắp lục địa châu Phi, phục vụ cho dân số 1,3 tỷ người. Chính thức, chỉ có 43 triệu xét nghiệm virus đã được thực hiện trên khắp châu Phi kể từ khi đại dịch bắt đầu, riêng Nam Phi chiếm một phần tư trong số đó.

Tất cả điều này có nghĩa là rất khó để xác định được mức độ thực tế của tình hình, số liệu thống kê đáng tin cậy là một thách đố khó vượt qua. Sự thiếu thốn dữ liệu đáng tin cậy có thể gây ra một ấn tượng sai lầm rằng tình hình không quá nghiêm trọng và không quá cấp bách phải cung cấp vắc-xin cho các quốc gia châu Phi khi so với những nơi khác. Do đó nó có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lan xa và rộng, làm tăng nguy cơ hình thành các biến thể mới mà không được kịp thời phát hiện và ngăn chặn lây lan. Điều này, cho tới cùng có thể đe dọa đến các nỗ lực toàn cầu để kiểm soát đại dịch. Không nơi nào an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn.

Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin

Không có giải pháp nào cho đại dịch trong biên giới một quốc gia hay châu lục, một thảm họa toàn cầu cần những nỗ lực toàn cầu. Nhưng chủ nghĩa tư bản, với những cân nhắc hẹp hòi và vì lợi nhuận, là rào cản đối với những nỗ lực như vậy. Phần lớn nguồn cung hiện có đã bị nuốt chửng bởi các quốc gia giàu có, trong khi đa số các quốc gia nghèo bị bỏ lại phía sau mà không có gì. Những quốc gia hàng đầu đã có kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ dân số của họ, trong khi một số quốc gia còn chưa tiêm được một liều nào.

Theo Liên hợp quốc, hơn 700 triệu liều vắc-xin Covid đã được phân phối trên toàn cầu, nhưng những con số đó nghiêng nhiều về các nước giàu. Tính đến tháng 4, các nước giàu đã đảm bảo hơn 87% liều lượng. “Trung bình ở các nước có thu nhập cao, cứ bốn người thì đã có một được chủng ngừa. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, con số này là một trên 500,” – Tổng giám đốc WHO, Tedros Ghebreyesus, cho biết vào tháng Tư.

Theo Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke, nơi đang theo dõi việc mua sắm vắc xin trên toàn thế giới, các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao đã có mức dự trữ chung gần năm tỷ liều vắc xin. Những liều này chủ yếu là kết quả của những thỏa thuận song phương giữa các chính phủ và nhà sản xuất vắc-xin, được gọi là ‘cam kết mua trước’, trong đó các chính phủ cam kết mua trả trước để đổi lấy quyền tiếp cận ưu tiên sau khi vắc xin được phê duyệt. Nói cách khác là họ đang dùng tiền để đi trước những người khác.

Ví dụ, Hoa Kỳ đã tham gia vào ít nhất sáu trong số các thỏa thuận song phương này, tổng cộng hơn một tỷ liều – quá đủ để chủng ngừa cho toàn bộ dân số Hoa Kỳ. Trong báo cáo gần đây nhất của Duke, ngay cả khi loại trừ các liều mà Hoa Kỳ có thể sẽ cần tiêm nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em khi chúng đủ điều kiện, họ vẫn còn sở hữu tới ba trăm triệu liều dư thừa vào cuối tháng bảy năm nay. Liên minh châu Âu, Anh và Canada cũng từng tham gia vào bảy thỏa thuận song phương, với khả năng đảm bảo đủ liều lượng để chủng ngừa cho gấp từ hai, bốn đến sáu lần dân số của họ.

Tình hình ở Châu Phi trong khi đó đang trở nên tồi tệ. CDC Châu Phi đã thông qua một thỏa thuận đặt hàng 220 triệu liều vắc-xin Johnson & Johnson, ngay sau một thỏa thuận khác 180 triệu. Vì đây là mũi tiêm một liều nên nó sẽ cho phép châu lục tiêm chủng cho 400 triệu người. Nhưng chúng chắc chắn không đủ để đáp ứng mục tiêu của châu Phi là tiêm chủng cho 750 triệu hoặc 60% dân số vào cuối năm 2022, cho phép khả năng miễn dịch cộng động. Cho đến nay các nước châu Phi mới chỉ sử dụng được 13,9 triệu liều.

Lợi nhuận cho các hãng dược phẩm lớn

Trong khi đó, các ông lớn dược phẩm đang kiếm tiền dễ dàng hơn bao giờ hết. Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZeneca – ba trong số các nhà sản xuất vắc-xin hàng đầu thế giới – trong năm qua họ đã chi tổng cộng 26 tỷ dollar cho cổ tức và mua lại cổ phiếu.

Theo Liên minh Vắc xin của Nhân dân, một liên minh của các tổ chức vận động bao gồm Oxfam và Tổ chức Ân xá Quốc tế, số tiền này quá đủ để tài trợ cho chi phí tiêm chủng cho toàn bộ 1,3 tỷ dân châu Phi. Được công bố ngay trước cuộc họp cổ đông thường niên của Pfizer và Johnson & Johnson, báo cáo lưu ý rằng Pfizer / BioNTech và Moderna đang dự kiến ​​doanh thu trong năm nay từ vắc xin mRNA của họ là 33,5 tỷ USD, phần lớn chúng đã được bán cho các quốc gia giàu có.

Liên minh vắc xin của Nhân dân cũng ước tính rằng Pfizer đã chi 8,44 tỷ dollar cổ tức, Johnson & Johnson: 10,5 tỷ dollar cổ tức và 3,2 tỷ dollar để mua lại cổ phiếu và AstraZeneca: 3,6 tỷ đô la cho cổ tức. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay Pfizer đã đoạt doanh thu 3,5 tỷ USD từ loại vắc xin này, gần 1/4 tổng doanh thu của hãng. Với tỷ suất lợi nhuận 20%, đó là 900 triệu dollar lợi nhuận từ vắc xin chỉ trong quý đầu tiên.

Nhu cầu về vắc xin, vào thời điểm mà phần lớn nền kinh tế toàn cầu đang đi vào bế tắc, đã là nguyên nhân tạo ra một làn sóng tỷ phú mới. Uğur Şahin, người sáng lập BioNTech, hợp tác với Pfizer để sản xuất vắc-xin mà công ty của ông và vợ ông phát minh ra – với sự hỗ trợ từ những người đóng thuế ở Đức – hiện có cổ phần trị giá 5,9 tỷ USD. Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna, công ty sản xuất vắc xin có công nghệ mRNA tương tự, có cổ phần trị giá 5,2 tỷ USD. Các công ty dược phẩm lớn đang thu về lợi nhuận béo bở khi hầu hết châu Phi và nhiều nước nghèo trên thế giới không thể có được vắc xin mà họ cần.

Một khía cạnh khác là vấn đề bảo vệ bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ. Một trong những lý do khiến cho các công ty dược phẩm có thể thu về lợi nhuận khổng lồ như vậy là do các quy định về sở hữu trí tuệ khiến cho chỉ một số ít công ty được phép sản xuất vắc-xin. Trên thực tế việc nghiên cứu được tài trợ bởi tiền công quỹ nhưng bí mật công nghệ lại được giữ lại làm của riêng cho chỉ một nhóm nhỏ các tập đoàn, để họ có thể bán đi những liều lượng hạn chế cho kẻ trả giá cao nhất và bỏ mặc các nước nghèo không có gì cả.

Ấn Độ và Nam Phi đang thúc ép Tổ chức Thương mại Thế giới để từ bỏ thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ, thỏa thuận nhằm bảo hộ cho những bí mật thương mại về dược phẩm. Đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi sẽ miễn cho các quốc gia thành viên của Tổ chức này phải tuân theo một số thoả thuận về bằng sáng chế, bí mật thương mại hoặc độc quyền dược phẩm, được gọi là TRIPS. Ý tưởng sẽ là cho phép các công ty dược phẩm ở các quốc gia khác sản xuất hoặc nhập khẩu các bản sao giá rẻ.

Đây có vẻ là một đề xuất khá hợp lý nhưng cho đến gần đây đề xuất này vẫn bị chặn lại bởi Hoa Kỳ, Anh và Liên minh châu Âu. Ngày hôm qua, chính quyền Biden đã thay đổi quan điểm và ủng hộ dỡ bỏ một số biện pháp bảo vệ. Hành động có thể được mong đợi sự phản đối từ các hãng dược phẩm lớn. Bởi nếu đã từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc COVID, vậy còn thuốc điều trị ung thư hoặc thuốc chữa bệnh tim thì sao? Nhưng Biden đã vội trấn an Big Pharma rằng đó hoàn toàn không phải là kế hoạch.

Chính quyền của Biden là một chính phủ hoạt động vì lợi ích doanh nghiệp Mỹ, và việc Big Pharma thu lợi từ sự đau khổ của người bệnh nói chung không phải là việc to tát. Nhưng trong trường hợp này, Biden phải cân nhắc cẩn thận lợi ích chung của chủ nghĩa tư bản Mỹ so với lợi ích riêng của Big Pharma. Sự lưu hành rộng rãi của virus và nguy cơ nó quay trở lại Hoa Kỳ dưới dạng đột biến là mối quan tâm nghiêm trọng đối với các chiến lược gia của tư bản Hoa Kỳ. Thành công tương đối mà Nga và Trung Quốc đang đạt được với ‘ngoại giao vắc xin’ cũng là một điều phải cân nhắc kỹ. Không nghi ngờ gì nữa, chính quyền của Biden sẽ đảm bảo rằng các hãng dược lớn được đền bù thỏa đáng cho bất kỳ khoản lợi nhuận nào mà họ có thể phải mất vì điều này.

Tuy vậy tình hình vẫn chưa thay đổi nhiều chừng nào mà các bên khác của WTO như EU vẫn từ chối. Như chính Katherine Tai, đại diện thương mại của Hoa Kỳ tại WTO thừa nhận: “Các cuộc đàm phán đó [trong WTO] sẽ mất thời gian do thể chế và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan.” Nói cách khác, sẽ không có nhiều thay đổi trong ngắn hạn. Trên hết, chỉ từ bỏ là không đủ, còn cần tích cực phổ biến các phương tiện kỹ thuật để sản xuất vắc xin. Tất nhiên, Big Pharma sẽ không có dự định làm điều đó.

Chìm trong nợ nần

Trong khi các hãng dược phẩm lớn phương Tây đang kiếm bộn tiền thì châu Phi lại chìm trong nợ nần, và nó ngày càng trở nên khủng khiếp hơn. Trước khi đại dịch xảy ra, một người bình thường ở Châu Phi khoảng 45 tuổi sẽ phải gánh khoản nợ gấp đôi thu nhập của họ. Giờ đây khi đại dịch xảy ra, gần 15 năm tiến bộ thu nhập đã biến mất. Các quốc gia ở nam sa mạc Sahara sẽ là khu vực phát triển chậm nhất thế giới vào năm 2021 với tốc độ chỉ một phần trăm trên bình quân đầu người.

Những ghi nhận về nghèo đói đang bị phá vỡ. Nếu sử dụng định nghĩa quốc tế về nghèo cùng cực là 1,90 dollar/ ngày thì ước tính có khoảng 50 triệu người trong khu vực đã bị đẩy vào cảnh này chỉ trong năm qua. Đây là một sự thay đổi đáng kể nhất từng được ghi nhận. Khoảng 350 triệu trẻ em không được đến trường. Mức độ đói và suy dinh dưỡng ngày càng gia tăng. Khoảng một nửa dân số hiện đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực.

Gộp cả kích thích trong nước và tất cả các hình thức hỗ trợ từ bên ngoài thì trung bình mỗi người dân chỉ được hưởng khoảng 40 dollar hỗ trợ khẩn cấp kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, hoàn toàn không thể so sánh với 2.400 dollar cho công dân của các nước G20. 

Sự khác biệt là gấp ba lần ở những nơi như Chad và Gambia, và cao gấp mười một lần ở Nam Sudan. Bất chấp Sáng kiến ​​Đình chỉ nghĩa vụ Nợ (DSSI) của G20, khoảng 2,5 tỷ USD vẫn tiếp tục chảy đến các chủ nợ bên ngoài biên giới châu Phi. Theo một báo cáo của Unicef ​​có tên là ‘Cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra’, cứ một xu chi trả cho việc trả nợ thì một xu được chi cho chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội, giáo dục và các dịch vụ thiết yếu khác.

Không giống như coronavirus, cuộc khủng hoảng nợ của châu Phi không có gì mới. Nó là một trong những vũ khí mà các nước đế quốc đã giữ lục địa trong tình trạng nô dịch và ngăn cản sự phát triển của nó. Thực tế, khoản nợ này đã tăng gần gấp đôi trung bình trong thập kỷ qua. Trước COVID-19, 16 trong số các nước nghèo nhất ở châu Phi cận Sahara có mức chi cho trả nợ hơn cao hơn là cho các lĩnh vực xã hội được gộp lại.

Giờ đây, với sự suy thoái toàn cầu do đại dịch gây ra và sự sụp đổ không thể tưởng tượng được về doanh thu công, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn.

Phá vỡ vòng vây của chủ nghĩa đế quốc!

Tình trạng này là kết quả trực tiếp của chủ nghĩa đế quốc. Sự chinh phục thuộc địa và sự cướp bóc tài nguyên của toàn lục địa Phi trong nhiều thế kỷ của các nước đế quốc là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự kém phát triển về cấu trúc của lục địa này. Sự tàn phá trong nhiều thế kỷ thống trị của chủ nghĩa đế quốc đã khiến toàn bộ lục địa châu Phi dễ bị tổn thương hơn nữa. Do đó, cuộc chiến chống lại coronavirus ở châu Phi là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc.

Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc có nghĩa là các quốc gia ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh ngày càng bị bóc lột, dẫn đến đại dịch, chiến tranh, thảm họa khí hậu và nạn đói. Tuy nhiên, từ các quốc gia này, một lượng lớn tư bản được chuyển đến các quốc gia đế quốc.

Giai cấp tư sản yếu ớt và thoái hóa ở châu Phi quá phụ thuộc vào tư bản nước ngoài và chủ nghĩa đế quốc để đưa xã hội tiến lên. Nó trói buộc tay chân mình không chỉ với tư bản nước ngoài, mà còn với giai cấp địa chủ. Bọn họ tạo thành một khối phản động, đại diện cho một bức tường thành chống lại sự tiến bộ. Cách duy nhất để thoát khỏi cơn ác mộng man rợ này đối với 1,3 tỷ người ở châu Phi là đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc thông qua một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ben Morken, 06 tháng 5 năm 2021, Revolution

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận