Động đất Thổ Nhĩ Kỳ – Syria: Là thiên tai cũng vừa là nhân hoạ

Sáng sớm thứ Hai, ngày 6 tháng 2, một trận động đất kinh hoàng đã làm rung chuyển khắp Trung Đông, xé toạc bề mặt Trái đất và biến những tòa nhà thành đống đổ nát. Trận động đất mạnh 7,8 độ richter, với tâm chấn nằm ngay phía tây Gaziantep ở vùng Anatollian của Thổ Nhĩ Kỳ, là trận động đất mạnh nhất mà TNK hiện đại từng gánh chịu. Với sức mạnh như 130 quả bom nguyên tử, xa tận Greenland người ta cũng cảm nhận được nó.

Trận động đất ban đầu và 145 dư chấn sau đó đã tàn phá vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria, cướp đi sinh mạng của ít nhất 6.000 người với hàng chục nghìn người bị thương. Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) con số người chết có thể lên tới 2 vạn.

Như mọi khi với những thảm kịch như vậy, nguyên nhân trực tiếp có thể bắt nguồn từ tự nhiên, nhưng mức độ chết chóc và đau khổ là kết quả nhân tạo. Trục lợi, tham nhũng và chiến tranh đế quốc được tích tụ đã biến một trận động đất được dự đoán từ lâu thành một thảm họa toàn diện. Giai cấp công nhân phải gạt bỏ những lời kêu gọi hoài nghi đối với cái gọi là ‘đoàn kết dân tộc’, thay vào đó là vạch mặt thủ phạm thực sự, tổ chức và hành động để chấm dứt sự quản lý yếu kém gây chết người đó.


“Chúng tôi không còn hy vọng”

Trận động đất xảy ra vào thời điểm khắc nghiệt đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang phải chịu đựng tình trạng lạm phát tăng vọt, mức sống giảm sút và các cuộc tấn công ngày càng mạnh mẽ vào các quyền dân chủ từ chế độ. Trong khi đó, ở Syria máu vẫn đang nhỏ xuống từ hàng ngàn vết thương gây ra bởi cuộc nội chiến, vốn được thổi bùng bởi chủ nghĩa đế quốc.

Hôm thứ Hai, mạng xã hội tràn ngập những cảnh tượng tận thế, người người rời bỏ nhà cửa để chạy thoát thân, trong khi nền móng các tòa nhà xung quanh họ đổ gãy dễ như que diêm. Các cảnh quay xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các khu chung cư cao tới sáu tầng ở tỉnh Şanlıurfa, Malatya, Iskenderun và vô số thị trấn và thành phố khác nổ tung ngay lập tức, cướp đi xiết bao sinh mạng.

Hàng trăm nghìn người đột nhiên mất đi nhà cửa giữa giá rét, cố gắng trong tuyệt vọng để bới tìm bạn bè và người thân bị mất tích. Một người đàn ông ở Elbistan, một thị trấn gần tâm chấn, đã đăng một đoạn video về đống đổ nát và kêu lên: “Đây là con đường chính của chúng tôi. Chúng tôi chẳng còn hy vọng.” Một số địa điểm văn hóa không thể thay thế cũng bị phá hủy hoặc hư hại, bao gồm cả Lâu đài Gaziantep lịch sử.

Vùng tây bắc của Syria, nơi sinh sống của hàng trăm ngàn người dân tị nạn vì nội chiến, đã hứng chịu hậu quả nặng nề của trận động đất. Toàn bộ các ngôi làng đơn giản là không còn tồn tại, bao gồm cả Basina ở tỉnh Idlib, nơi mà qua hình ảnh chụp từ trên không giờ người ta chỉ còn thấy một đống đổ nát.

Có hàng chục video đau lòng về những người ôm cha, mẹ, anh chị em và những đứa con nhỏ đã chết, hay gọi những người thân bị mắc kẹt chết ngạt trong đống đổ nát. Một video như vậy mô tả một người đàn ông đau khổ đang khóc với đứa con trai nhỏ của mình, cố gắng trấn an cậu bé, đồng thời khích lệ cậu bé nói ‘Shahada’ (một lời thề Hồi giáo thường được thực hiện bởi những người cận kề cái chết.)

Tại Aleppo, có hàng nghìn thương vong đã được báo cáo tại một thành phố đã bị chia cắt bởi nhiều năm chiến tranh. Trước trận động đất gần như không có khu dân cư nào không đổ nát, nhưng sau trận động đất phần lớn cơ sở hạ tầng may mắn còn tồn tại cũng bị san phẳng, bao gồm cả các tòa nhà thiết yếu như bệnh viện.

Những người sống sót không có nước hoặc điện để dùng, trong khi các đội phản ứng khẩn cấp chính thức và dân sự đã phải vật lộn với thời tiết lạnh giá và mưa lớn để kéo mọi người ra khỏi ngôi nhà đã bị phá hủy của họ. Thiệt hại từ cuộc nội chiến và giao tranh liên tục giữa chính phủ và các nhóm nổi dậy chỉ khiến cho việc gửi viện trợ cho các nạn nhân trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là ở các khu vực do phiến quân nắm giữ ở phía tây bắc Syria, nơi không thể tiếp cận từ Thổ Nhĩ Kỳ do đường xá đã bị tàn phá, trong khi chính phủ Syria cũng không muốn cho phép viện trợ đến từ phía nam.

Không chỉ là tai nạn

Mức độ tàn phá do trận động đất gây ra không chỉ được giải thích bởi cường độ bất thường của nó. Rõ ràng, sự tàn phá từ cuộc nội chiến đã khiến cho Syria đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhưng với Thổ Nhĩ Kỳ, một phần lớn lỗi thuộc về chế độ và các công ty xây dựng tư nhân, những kẻ đã trục lợi và thông đồng với nhau bất chấp một thảm họa đang chực chờ xảy ra.

Trận động đất này đã được dự đoán từ lâu. Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay giữa các đứt gãy Bắc và Đông Anatolian, nơi rất dễ xảy ra hoạt động địa chấn. Nhà địa chất học người Thổ Nhĩ Kỳ Naci Görür cho biết trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình Mỹ: “Tất cả các nhà Địa cầu học chân chính, bao gồm cả tôi, đều đã róng chuông cảnh báo về trận động đất này từ nhiều năm trước. Nhưng không một ai quan tâm lắng nghe những gì chúng tôi nói.”

Đất nước này đã hứng chịu nhiều trận động đất kinh hoàng trong những năm qua, trong đó trận động đất năm 1999 với tâm chấn gần Izmit ở tỉnh Kocaeli đã khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng. Thảm họa cụ thể đó đã làm nổi bật lên thực trạng phổ biến của việc các nhà thầu xây dựng phớt lờ quy định an toàn. Sự kiện đã dẫn đến phẫn nộ trong công chúng và buộc chính phủ phải tiến hành nhiều vụ bắt giữ.

Một tay xã hội đen như vậy, Veli Gocer, đã bị bắt sau ba tuần lẩn trốn, trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại ông ta đã thừa nhận các biện pháp cắt giảm chi phí như trộn cát biển với bê tông. Ông ta nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi không phải thợ xây mà là nhà thơ, tôi có tội thì tôi sẽ trả giá, nhưng tôi không thấy có lỗi. Tôi cảm thấy rất tiếc nhưng tôi không phải chịu trách nhiệm về những cái chết đó.”

Loại ký sinh trùng đặc biệt này chỉ là một con ong trong cả tổ ong, lan tràn trong một hệ thống tham nhũng khổng lồ trong lĩnh vực xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vào thời điểm đó, do hàng ngàn sợi dây ràng buộc giữa các ông trùm xây dựng với nhà nước, mà chính phủ đã không muốn điều tra tới cùng. Cùng lúc đó, những nỗ lực cứu hộ và cứu trợ không thành công đã gián tiếp góp phần vào một cuộc khủng hoảng chính trị, kết thúc với sự sụp đổ của chính phủ DSP của Bülent Ecevit vào năm 2002.

Sau thảm kịch có thể tránh được này, các cải cách đã được hứa hẹn và các quy định mới được thi hành để bảo vệ các tòa nhà khỏi động đất. Tuy nhiên, những biện pháp này một lần nữa đã bị hủy hoại, không chỉ bởi nạn tham nhũng mà còn bởi chính sách có ý thức từ chính phủ.

Theo một bài báo trên tờ Toronto Star, luật đặc xá phân vùng năm 2018 được chế độ của Erdogan thông qua, cho thấy chính phủ sẵn sàng cấp giấy phép cho các tòa nhà có thể không tuân thủ theo quy tắc xây dựng để đổi lấy một khoản phí. 13 triệu cấu trúc đã được hợp pháp hóa dưới hệ thống hối lộ chính thức này. Với tư cách là chủ tịch Chi nhánh Istanbul của Hiệp hội văn phòng kỹ sư và kiến ​​trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo sư Pelin Pinar Giritlioğlu, giải thích:

“Với luật do chính quyền trung ương ban hành, một hệ thống cấp phép tùy tiện đã được tạo ra cho các công ty xây dựng, làm sai lệch các mục tiêu đô thị hóa ban đầu. Việc xây dựng các cấu trúc là hợp pháp trên giấy tờ nhưng có những sai sót dẫn đến thảm họa.”

Quá trình này đã tăng tốc ồ ạt sau cuộc đảo chính quân sự năm 2016 chống lại Erdogan (bối cảnh vẫn còn âm u), sau đó một số lượng lớn các tòa nhà nhà nước và đất công đã được tư nhân hóa, và nhiều công trình được trao cho quân đội, có thể để mua lòng trung thành của họ nhằm chống lại cuộc đảo chính.

Giritlioğlu nói: “Sự thay đổi chính sách đã dẫn đến một hệ thống không được kiểm soát, thiếu minh bạch. Các công ty xây dựng cũng có thể xoay sở tùy thích và không tuân thủ các quy định.”

Hậu quả là các tòa nhà đã sụp đổ trong khi lẽ ra phải đứng vững, bất chấp chúng đã được cấp phép bởi các quan chức nhà nước.

Giritlioğlu cho biết thêm: “Khu vực Đông Nam hiện đang chịu thiệt hại lớn, bao gồm các công trình công cộng như bệnh viện, đồn cảnh sát, trường học, tòa nhà thành phố, cầu và sân bay, tất cả đều được xây dựng sau năm 2007. Và những nơi này, những nơi cung cấp chỗ ở cho các nạn nhân động đất, đáng lẽ phải là nơi an toàn nhất trong trường hợp xảy ra thảm họa.”

Erdogan và cây vợt xây dựng

Bàn tay đẫm máu của Erdogan nhúng tay vào bê bối này. Trong suốt thời gian làm thị trưởng Istanbul, và đặc biệt với tư cách là Thủ tướng, ông đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với ngành xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ. Lĩnh vực này là động lực chính đằng sau sự tăng trưởng kinh tế lớn trong những năm 2000 và 2010, phần lớn uy tín của Erdogan và AKP đã xây dựng trên cơ sở đó.

Toki, cơ quan quản lý nhà ở công cộng của Thổ Nhĩ Kỳ, liên lạc trực tiếp với Erdogan với tư cách là Thủ tướng, và đã mở rộng rất nhiều dưới sự cai trị của ông. Một cuộc điều tra tham nhũng năm 2014 đã cáo buộc rằng chính phủ đã làm qua quýt đối với giấy phép xây dựng.

“Cách thức hoạt động của hệ thống là nếu chính quyền thành phố Istanbul nói rằng bạn không thể xây dựng ở một nơi nào đó, thì Ankara có thể bác bỏ điều đó – vì vậy sẽ hợp lý hơn rất nhiều nếu bạn là một doanh nghiệp đến từ cơ quan trung ương,” – Refet Gurkaynak, một nhà kinh tế tại Đại học Bilkent ở Ankara, cho hay.

Vào thời điểm đó, Financial Times đã trích dẫn lời của hai doanh nhân hàng đầu (giấu tên) của Thổ Nhĩ Kỳ rằng hối lộ “đôi khi là cần thiết” để tiến hành các dự án xây dựng lớn. Bản ghi các cuộc điện đàm bị rò rỉ cho báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ông trùm xây dựng Ali Agaoglu, người nằm trong số những người bị tạm giữ để thẩm vấn, đã gọi Erdogan là “trùm lớn”.

Nói chung, hoàn toàn rõ ràng rằng Erdogan và những người thân cận của ông ta đã khuyến khích những con mèo béo trong ngành xây dựng ngày càng béo hơn và giành được những hợp đồng béo bở trong nhiều năm. Với tư cách là tổng thống, ông ta đã thông qua luật cho phép họ lách các quy định về an toàn, để ông có thể hưởng lợi về mặt chính trị từ sự tăng trưởng kinh tế theo sau.

Các tòa nhà được xây dựng theo khuyến nghị chính thức phải có khả năng chống sụp đổ tương đối tốt, ngay cả khi có động đất rất mạnh. Cái giá phải trả của Erdogan và những giao dịch nhếch nhác của AKP với các ông trùm xây dựng trục lợi giờ đây có thể được tính bằng hàng ngàn xác chết, bị chôn vùi dưới những núi bê tông.


Đạo đức giả

Hôm 07/02, Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng tại các khu vực bị ảnh hưởng. Điều này sẽ trao cho chính phủ của ông những quyền hạn phi thường, đó là sau khi Erdogan đã ban hành một loạt luật trong nỗ lực cấm đảng đối lập chính, HDP, hoạt động trong thời gian chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng Năm.

Tổng thống đã vận động trong nhiều tháng để tăng cường hỗ trợ cho AKP, trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt tàn khốc, bao gồm cả việc công bố một đợt chi tiêu công mới (ở một quốc gia có tỷ lệ lạm phát chính thức vượt quá 64%), đàn áp đối với các đối thủ chính trị, và khơi dậy lòng căm thù của những người theo chủ nghĩa sô vanh đối với thiểu số người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người tị nạn Syria hiện sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông ấy đã và đang ở trong một vị trí dễ bị tổn thương, và ý thức rõ được điều đó. Ông ta hẳn hy vọng rằng một phản ứng nhanh chóng, quyết đoán có thể được khai thác để tạo ra tâm trạng ‘đoàn kết dân tộc’ có lợi về mặt chính trị, qua đó đảm bảo vị trí của bản thân ông ta. Cũng không loại trừ việc ông ta sẽ xem xét sử dụng quyền hạn khẩn cấp mới của mình để tiếp tục đè bẹp những đối thủ chính trị.

Nhưng một động thái như vậy sẽ là nguy hiểm. Mọi người đã ở cuối trí thông minh của họ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Erdogan đang lợi dụng thảm kịch này để đạt được lợi ích chính trị, hoặc nếu có bất kỳ trách nhiệm cá nhân nào thuộc về ông ta hoặc đảng của ông ta, thì thảm họa này có thể gây ra những hậu quả chính trị sâu sắc.

Các quốc gia đế quốc đã tham gia vào một màn trình diễn nước mắt cá sấu đặc biệt ghê tởm, đặc biệt là ở Syria: một quốc gia không có khả năng tự vệ trước trận động đất này sau nhiều năm chìm trong địa ngục chiến tranh và các lệnh trừng phạt dưới bàn tay của chính những con cá sấu này.

Trong khi các đội cứu hộ từ nhiều quốc gia phương Tây ngay lập tức đến Thổ Nhĩ Kỳ thì ở Syria đó lại là một câu chuyện rất khác, nơi phương Tây vẫn giữ thái độ thù địch với chế độ Assad và từ chối tham gia hỗ trợ cho chính phủ chính thức.

Tác động khủng khiếp của thảm họa hoàn toàn có thể ngăn ngừa được này là một bằng chứng khác cho sự điên rồ và tàn ác của chủ nghĩa tư bản, trong đó những người dân thường bị những kẻ thống trị phản động của họ nghiền nát theo nghĩa đen và nghĩa bóng, và sự trục lợi vô liêm sỉ của những kẻ hút máu tư sản.

Khi hết cơn ác mộng này chồng chất lên cơn ác mộng khác, việc con người tự nắm lấy vận mệnh của mình chỉ còn là vấn đề thời gian. Lối thoát duy nhất là tịch thu những ông trùm đã coi cơ sở hạ tầng thiết yếu đơn thuần như một con bò sữa, lật đổ các chính trị gia đã tạo điều kiện cho tội ác của họ và xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa đáng sống cho mọi người.


Joe Attard, IMT, 07 tháng 2 năm 2023

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận